Monday, 6 July 2009

Trần Gia Phụng: Phan Chu Trinh và Công Cuộc Vận Động Duy Tân
















Trần Gia Phụng: Phan Chu Trinh và Công Cuộc Vận Động Duy Tân

Phan Châu Trinh từ trần tại Sài Gòn ngày 24-3-1926, cho đến nay đúng 80 năm. Nhân dịp nầy, chúng tôi xin ôn lại sơ lược họat động của Phan Châu Trinh, trước khi mời quý vị đồng hương cùng đến tham dự Đại lễ Húy nhật lần thứ 80 của nhà ái quốc Phan Châu Trinh lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật 19-3-2006 tại Hội trường Seafood Kingdom Restaurant, do Hội Đồng Hương Quảng Nam và Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng tại California, cùng tổ chức.
Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông đậu cử nhân trường thi Thừa Thiên năm 1900, đỗ phó bảng năm 1901, và bắt đầu làm thừa biện bộ Lễ năm 1903. Tuy nhiên, năm 1904, Phan Châu Trinh quyết định từ quan.
Ông từ bỏ hoạn lộ, lúc bấy giờ là một con đường có thể dẫn ông đến vinh hoa phú quý. Ông dấn thân bước vào sinh hoạt chính trị đầy gian khổ, chông gai và bất định. Ông về Quảng Nam, cùng hai người bạn thân là Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) và Trần Quý Cáp (1870-1908) tổ chức cuộc du hành về phương nam năm 1905, vừa để tìm hiểu tình hình, vừa để cổ xuý tân học.
Tại sao về phương nam trước? Chưa có tài liệu nào giải thích cụ thể việc chọn lựa nầy. Chúng ta chỉ có thể suy đoán là lúc đó Nam Kỳ nằm dưới chế độ thuộc địa trực trị của chính quyền Pháp, có thể có nhiều thay đổi rộng lớn hơn miền Bắc đang ở trong hệ thống bảo hộ của Pháp, như miền Trung là nơi các ông đang sinh sống, nên các ông muốn tìm hiểu tại chỗ những thay đổi của Nam Kỳ.
Khi đi ngang qua Bình Định, chính quyền tỉnh đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh, cả ba ông đều vào dự thi, lấy tên chung là Đào Mộng Giác. Đề thi bài thơ là “Chí thành thông thánh” và đề thi bài phú là “Danh sơn lương ngọc” (dùng vần: Cầu lương ngọc tất danh sơn). Phan Châu Trinh làm bài thơ, còn Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú. Cả hai bài nầy đều đả kích lối học từ chương khoa cử, thức tỉnh đồng bào ra khỏi sự mê muội của hệ tư tưởng Tống Nho, vạch trần sự bất lực của triều đình Việt Nam, lên án chế độ bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp, kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu. Hai bài nầy có thể xem là lời tuyên cáo của phong trào Duy tân theo đường lối Phan Châu Trinh.
Cả hai bài thơ và phú được một thanh niên người Bình Thuận là Nguyễn Quý Anh, con của Nguyễn Thông, em của Nguyễn Trọng Lội, dự thi trong kỳ tuyển sinh nầy, phổ biến rộng rãi trong giới thí sinh, là giới trí thức tinh hoa của tỉnh Bình Định lúc đó, đã gây một tiếng vang rất lớn trong dân chúng. Đây là một cách thức tuyên truyền tân kỳ trong suốt một ngàn năm khoa cử nước ta, trước khi có phong trào bãi khóa, bãi thi thời tân học sau nầy. Chính quyền Bình Định ra lệnh truy tìm tác giả, nhưng vô hiệu. Cả ba ông đã cao bay xa chạy.
Tiếp tục cuộc hành trình vào nam, ngang qua Khánh Hòa, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp giả làm những người bán hàng rong lên thăm chiến hạm Nga đang tránh bão, neo thuyền tại vịnh Cam Ranh. Ba nhà đại khoa bảng Nho học tò mò lên tàu sắt của Nga để quan sát, học hỏi.
Do sự giới thiệu của Nguyễn Quý Anh, ba ông vào Phan Thiết gặp các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội, cùng nhau bàn chuyện duy tân, thành lập công ty Liên Thành và mở trường Dục Thanh. Tại đây, Phan Châu Trinh lâm bệnh, phải ngưng cuộc nam du, ở lại trị bệnh, còn hai ông Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp về Quảng Nam trước. Ngoài lý do bệnh tật, không thấy có tài liệu nào nói rõ thêm vì sao các ông ngưng ngang cuộc nam du ở đây. Phải chăng khi đến Phan Thiết, cửa ngỏ nhìn xuống Nam Kỳ, trao đổi được các ông Nguyễn Trọng Lội, Trương Gia Mô là những người hiểu rõ tình hình Nam Kỳ, nên nhân vì Phan Châu Trinh bị bịnh, các ông thấy chẳng cần tiếp tục xuống phía nam nữa?
Sau khi lành bệnh, trên đường trở ra Quảng Nam, Phan Châu Trinh ghé lại Quảng Ngãi thăm Lê Khiết, một thuộc hạ thân cận của Nguyễn Thân. Phan Châu Trinh thuyết phục Lê Khiết ra hoạt động duy tân. Về sau Lê Khiết là một trong những nhân vật chính trong vụ biểu tình nổi dậy chống thuế ở Quảng Ngãi năm 1908.
Năm 1906, Phan Châu Trinh ra Hà Nội gặp các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, giúp các ông thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Phan Châu Trinh lên Yên Thế thăm Hoàng Hoa Thám nhờ sự hướng dẫn của Ông Ích Đường. Nguyên Ông Ích Đường, con của Ông Ích Kiền, cháu nội của Ông Ích Khiêm (1832-1884), có người chú ruột là Ông Ích Thọ, con Ông Ích Khiêm với bà vợ người Hà Đông. Nhân ra bắc thăm quê ngoại, Ông Ích Thọ lên Yên Thế theo Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa. Ông Ích Đường đem theo gia phả nhà mình cùng Phan Châu Trinh lên Yên Thế gặp Ông Ích Thọ để nhận ra chú cháu. Thọ đưa Phan Châu Trinh vào gặp Hoàng Hoa Thám. Phan Châu Trinh không đồng ý với đường lối bạo động của Hoàng Hoa Thám, vì theo Phan Châu Trinh càng bạo động, người Pháp càng có lý do để đàn áp, trong khi người Việt Nam còn quá yếu kém so với sức mạnh quân sự của Pháp.
Phan Châu Trinh tiếp tục đi sang Trung Hoa, gặp Phan Bội Châu (1867-1940), lúc đó đang ở Quảng Châu. Phan Châu Trinh đã quen biết với Phan Bội Châu khi ông Châu vào Huế năm 1903 ở lại trường Quốc tử giám để tìm cách liên lạc với các nhân sĩ Trung Kỳ. Lúc ở Huế, Phan Châu Trinh cũng đã đọc “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” của Phan Bội Châu.
Tại Nhật, hai ông cùng nhau bàn thảo cách thức tranh đấu giành độc lập cho xứ sở, nhưng mỗi người một ý khác nhau. Phan Bội Châu lúc đó vẫn còn vương vấn quan niệm quân chủ theo kiểu quân chủ lập hiến, và nhất là muốn nhờ Nhật Bản viện trợ để chống Pháp. Quan niệm của Phan Bội Châu được các nhân sĩ quan trọng Nhật Bản như tử tước Inukai Ki và bá tước Okuma Shigonebu khuyến khích, vì Nhật Bản đang theo chế độ quân chủ. Phan Châu Trinh cho rằng quan niệm của Phan Bội Châu vẫn còn cổ hủ, chưa thoát khỏi vòng khuôn sáo cũ.
Sau khi đi Nhật về, Phan Châu Trinh khẳng định lập trường của ông: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.” Phan Châu Trinh là nhà họat động chính trị Việt Nam đầu tiên đề xướng thuyết dân quyền trước công luận nước nhà. Để vận động dân quyền, Phan Châu Trinh quyết định hoạt động công khai trong khuôn khổ luật pháp của nhà cầm quyền, dù đó là nhà cầm quyền thực dân đang bảo hộ Việt Nam, không gia nhập và hoạt động trong bất cứ một tổ chức bí mật nào. Tiến trình vận động tuy ôn hòa, không nguy hiểm nhưng chậm chạp, khó khăn vì phải thuyết phục dân chúng thay đổi não trạng trong khung cảnh vân hóa Nho giáo quân chủ lâu đời, chuyển qua nếp suy nghĩ dân chủ dân quyền của nền văn hóa tân tiến chịu nhiều ảnh hưởng của Tây phương.
Phan Châu Trinh gởi cho viên Toàn Quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Beau và viên Khâm Sứ Pháp ở Trung Kỳ là Fernand Lévecque một lá thư đề ngày 15-8-1906, thường được gọi là “Đầu Pháp chính phủ thư”. Có nhiều người, nhất là cộng sản, dựa vào lá thư nầy để đả kích Phan Châu Trinh, cho rằng ông chủ trương hợp tác với Pháp. Từ đầu đến cuối của lá thư, Phan Châu Trinh trình bày hoàn cảnh bi đát của nhân dân Việt Nam, chỉ trích chính sách hà khắc của nhà cầm quyền bảo hộ Pháp, những tệ trạng của quan lại Việt Nam, và yêu cầu người Pháp hãy lắng nghe lời ông, để mưu cầu phúc lợi cho dân chúng Việt Nam. Lá thư nầy thật sự là một hành động trực diện công khai tố cáo chế độ bảo hộ Pháp tại Việt Nam..
Phan Châu Trinh cho rằng muốn đề cao dân quyền, phải nâng cao dân trí; muốn nâng cao dân trí phải chấn hưng giáo dục, đề cao dân khí. Trong một bài diễn thuyết tại Hà Nội, Phan Châu Trinh kêu gọi: “Không nên trông người ngoài, trông người ngoài là ngu. Không nên bạo động, bạo động thì chết. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng học.” Nhưng học như thế nào? Phan Châu Trinh chủ trương bãi bỏ chữ Nho, không bãi bỏ chữ Nho thì không cứu được nước. Phan Châu Trinh khuyến khích học Quốc ngữ vì Quốc ngữ dễ học, dễ viết, có thể phổ cập đến đại đa số quần chúng, nhờ thế mới có thể mở mang giáo dục, truyền bá được rộng rãi những kiến thức hiểu biết về mọi mặt đến dân chúng. Những vị phó bảng, tiến sĩ Nho học, tức những nhà đại khoa bảng thời bấy giờ như Phan Châu Trinh, Hùynh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp mà lại đứng ra kêu gọi bỏ chữ Nho, tức là bỏ luôn cả những bằng cấp cao cấp có thể đem đến cho các vị chức tước, áo cơm, vinh hoa phú quý, quả là một sự đoạn tuyệt hết sức can đảm và ngoạn mục.
Chẳng những thế, Phan Châu Trinh còn chủ trương hướng việc giáo dục vào thực tế, dạy thêm cho thanh niên đủ các nghề từ công nghiệp đến thương mại. Phan Châu Trinh và những người cùng chí hướng với ông chủ trương phú dân bằng hiệp thương, giáo dân bằng tân văn hóa, nâng cao dân trí, phổ biến dân quyền. Đi đến đâu, các ông đều kêu gọi mở trường dạy chữ Quốc ngữ, mở thương hội, nông hội. Những trung tâm hoạt động náo nhiệt nhất là Hà Nội, Quảng Nam và Bình Thuận trong đó nổi tiếng nhất là Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội.
Những hoạt động của Phan Châu Trinh làm cho người Pháp rất lo ngại. Louis Bonhoure (quyền toàn quyền Đông Dương từ 28-2-1908 đến 23-9-1908) đã nhận xét rằng thơ văn Phan Châu Trinh tuy không tỏ ra bạo động như Phan Bội Châu, nhưng xảo quyệt và nguy hiểm hơn cho sự thống trị của người Pháp. Nhân vụ Trung Kỳ dân biến bùng nổ ở Quảng Nam năm 1908, khâm sứ Trung Kỳ là Fernand Lévecque gởi công điện ngày 29-3-1908 yêu cầu thống sứ Bắc Kỳ là Joseph de Mirabel bắt Phan Châu Trinh. Ngày 10-4, ông Phan bị Pháp bắt giải về Huế.
Trung Kỳ dân biến là phong trào tự phát của nhân dân miền Trung đứng lên đòi hỏi chính quyền phải giảm xâu, giảm thuế, khởi đầu từ Quảng Nam vào tháng 3 năm 1908, rồi lan truyền ra khắp Trung Kỳ. Đây là kết quả trực tiếp của công cuộc vận động duy tân và dân quyền của Phan Châu Trinh và các sĩ phu cùng chí hướng, nhưng Trung Kỳ dân biến không do các ông trực tiếp tổ chức và lãnh đạo.
Lúc mới bị giải từ Hà Nội về Huế, Phan Châu Trinh bị giam ở tòa khâm sứ Pháp (nằm ở khu vực trường Đại Học Sư Phạm), phía hữu ngạn sông Hương. Ông tuyệt thực để phản đối. Pháp bối rối, liền đẩy trách nhiệm cho triều đình Huế, đưa ông qua giam ở nhà lao Hộ thành trong thành nội (khu vực Nữ Trung Học Thành Nội trước 1975). Theo yêu cầu của Lévecque, triều đình Huế quyết định lên án tử hình Phan Châu Trinh ngày 13-4-1908.
Khi Phan Châu Trinh mới bị bắt ở Hà Nội, Ernest Babut, một hội viên hội Nhân Quyền Pháp (Ligue des Droits de l’Homme), và là bạn thân của Phan Châu Trinh, chủ bút Đăng Cổ Tùng báo (tờ báo Phan Châu Trinh cộng tác viết bài), can thiệp mạnh mẽ, nên khâm sứ Lévecque có phần dè dặt, đã đổi án tử hình thành án khổ sai chung thân đày Côn Lôn (sau nầy có tên là Côn Đảo) ngày 14-4-1908.
Khi lính dẫn ra khỏi nhà giam, Phan Châu Trinh đinh ninh mình bị đưa đi chém. Thông thường tử tù ra cửa bắc hoàng thành vì pháp trường nằm ở An Hòa, một làng nằm về phía bắc Huế, nhưng Phan Châu Trinh lại thấy mình được dẫn về cửa nam. Ông bèn hỏi người lính áp giải, mới biết mình không bị ra pháp trường, mà chỉ bị đày đi Côn Lôn, liền ứng khẩu đọc bài tứ tuyệt:
“Luy luy già tỏa xuất đô môn,Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn,Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy,Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.”Huỳnh Thúc Kháng dịch: ’Xiềng gông cà kê biệt đô môn,Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn,Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn,Thân trai nào sợ cái Côn Lôn.”
Việc Pháp vội vã đày Phan Châu Trinh ra Côn Lôn vào tháng 4-1908, ngay khi Trung Kỳ dân biến chưa chấm dứt, cho thấy Pháp rất sợ sự hiện diện của Phan Châu Trinh trong lúc tình hình chính trị miền Trung càng ngày càng phức tạp. Khi một số lớn sĩ phu bị bắt trong vụ Trung Kỳ dân biến bị đày ra Côn Lôn tháng 8-1908, thì Pháp đưa Phan Châu Trinh đi an trí biệt lập tại An Hải, một làng chài nhỏ ven biển, phía ngoài trại tù, nghĩa là dù ở Côn Lôn, ông cũng bị tách biệt hẳn khỏi mọi người.
Trong khi đó, tại Pháp, hội Nhân Quyền tiếp tục can thiệp cho Phan Châu Trinh. Chính phủ Pháp ra lệnh cho tân toàn quyền Đông Dương là A. Klobukowsky đưa Phan Châu Trinh trở về đất liền năm 1910.
Tại Sài Gòn, năm 1911, Pháp lập một Hội đồng do tham biện (tức tỉnh trưởng) Mỹ Tho là Couzineau chủ toạ lễ phóng thích. Trong buổi lễ nầy, Phan Châu Trinh đưa ra ba yêu cầu: ân xá toàn thể quốc sự phạm, trị tội kẻ đã giết Trần Quý Cáp là Phạm Ngọc Quát, và xin đi Pháp. Pháp đưa Phan Châu Trinh về Mỹ Tho giam lỏng một thời gian, và chỉ đáp ứng yêu cầu thứ ba của ông, là để cho ông qua Pháp cùng với người con trai là Phan Châu Dật.
Tại Paris, Phan Châu Trinh sống bằng nhiều nghề lao động phổ thông rất cực khổ, nhưng ông vẫn kiên trì tiếp tục hoạt động chính trị. Phan Châu Trinh viết liền sách Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện dân chúng nổi dậy tại Trung Kỳ năm 1908, và đòi hỏi chính quyền phải giải quyết thỏa đáng vụ án nầy, nhất là vụ án Trần Quý Cáp. Sau đó Phan Châu Trinh viết Đông Dương chính trị luận, lên án thực dân Pháp tại Đông Dương về nhiều tệ nạn gần như có hệ thống, như cách dùng người, quan lại Pháp Việt gian tham, cách bóc lột trong các ngành thương mại, tài chánh, thuế khóa, sưu dịch, công chính, canh nông. Sau khi dẫn chứng đầy đủ, Phan Châu Trinh nhận định rằng nền chính trị của Pháp tại Đông Dương chỉ nhắm làm ngu dân, bần cùng hóa dân chúng, và nhắm làm giàu cho một số người Pháp và tay sai mà thôi.
Ngoài ra, Phan Châu Trinh còn viết Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân thư, trình bày quan niệm của ông về một đường lối chính trị thi hành việc liên hiệp Pháp Việt. Muốn thế, ông yêu cầu thực hiện những biện pháp cải cách cụ thể, “khai trí trị sinh”.
Khi thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, Pháp vu tội Phan Châu Trinh làm gián điệp cho Đức, bắt giam ông vào ngục La Santé tháng 9-1914. Đảng Xã Hội Pháp và hội Nhân Quyền Pháp một lần nữa tranh đấu ráo riết xin thả Phan Châu Trinh. Nhờ đó, Phan Châu Trinh ra khỏi ngục La Santé tháng 7-1915.
Năm 1922, vua Khải Định (trị vì 1916-1925) sang Pháp tham dự cuộc đấu xảo quốc tế tại Marseille (nay thường được gọi là hội chợ triển lãm). Nhân cơ hội nầy, Phan Châu Trinh gởi cho vua Khải Định một lá thư dài, đề ngày 15-7-1922 bằng chữ Nho, thường được gọi là thư Thất Điều, kể bảy tội của nhà vua. Bảy điều đó là: “Tôn bậy quân quyền, lạm hành thưởng phạt, thích chuộng sự quỳ lạy, xa xĩ quá độ, ăn bận không phải lối, tội chơi bời, chuyến đi Tây có sự ám muôi”. Đây là một vụ đột kích thẳng vào chế độ quân chủ Việt Nam. Thư Thất Điều được các báo Pháp dịch đăng ở Paris, gây một tiếng vang rất lớn trong dư luận thời đó.
Năm 1924, Liên minh tả phái thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội. Tân chính phủ Xã hội thay đổi phần nào chính sách thuộc địa. Phan Châu Trinh xin trở về Việt Nam vào tháng 6-1925. Trong một bài diễn thuyết rất quan trọng trình bày tại Nhà Hội Thanh Niên ở Sài Gòn với đề tài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, Phan Châu Trinh cho rằng chế độ quân chủ là một chế độ có tính cách nhân trị, nghĩa là con người cai trị theo ý kiến chủ quan của con người, chứ không dựa trên một căn bản pháp luật nào cả. Nếu gặp một vị vua sáng suốt thì nền cai trị đó sẽ tốt đẹp, nhưng nếu gặp một kẻ làm vua hôn ám thì nền chính trị sẽ đen tối, và chắc chắn nhân dân sẽ lầm than cơ cực. Phan Châu Trinh còn tố cáo nền quân chủ Việt Nam lúc đó đã lợi dụng Nho giáo, và cố tình giải thích sai Nho giáo theo kiểu Tống Nho, để củng cố vương quyền.
Điểm cần lưu ý là Phan Châu Trinh chỉ đả kích những ai “nói theo đạo Nho đó kỳ thật không có thi hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn sót lại một hai điều trong gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mấy ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân “(lời Phan Châu Trinh). Phan Châu Trinh không chủ trương chống lại nền Nho giáo chân chính. Ông cho rằng nền quân chủ Việt Nam vào lúc đó đã làm cho nhân dân có cảm tưởng đất nước nầy là của riêng nhà vua, chứ không phải của người Việt Nam, nên “…tôi nghĩ rằng vì cái độc quân chủ nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân tộc Việt Nam ta…” (nguyên văn lời Phan Châu Trinh).
Phan Châu Trinh hô hào thiết lập chế độ dân chủ với tam quyền phân lập theo kiểu tây phương, được phân định rõ ràng bằng hiến pháp. Hiến pháp do quốc hội soạn, quốc hội do dân chúng tự do bầu ra. Nền dân chủ có tính cách pháp trị rõ ràng và bình đẳng.“…Từ ông tổng thống cho đến người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau…” và “…Khi nào dân đã hiểu như thế thì nó mới biết thương nước. Mà nó có biết thương nước thì một ngày kia mới mong độc lập tự do, chứ không thế thì cứ đời đời làm tôi mọi mãi…” (lời Phan Châu Trinh). Trong bài thuyết trình cuối đời, “Đạo dức và luân lý đông tây”, Phan Châu Trinh có nhắc đến chủ nghĩa xã hội, nhưng theo ông, chủ nghĩa nầy chưa thể áp dụng tại nước ta được.
Bệnh tình Phan Châu Trinh càng ngày càng trầm trọng; lúc đầu là viêm mũi, sau biến chứng qua phổi. Phan Châu Trinh từ trần tại Sài Gòn lúc 9g30 tối 24-3-1926, hưởng dương 54 tuổi. Tin Phan Châu Trinh từ trần được loan báo khắp nơi, đồng bào rất xúc động. Tang lễ không phải chỉ được cử hành ở Sài Gòn, mà hầu như các tỉnh thành lớn trên toàn quốc đều tự động để tang Phan Châu Trinh, tạo thành một phong trào rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Tại Sài Gòn, ngày 4-4-1926, khoảng 100,000 người đã đến tiễn đưa nhà chí sĩ họ Phan đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là một số lượng rất lớn so với dân số Sài Gòn lúc đó chỉ khoảng 300,000 người. Huỳnh Thúc Kháng, một chiến hữu của Phan Châu Trinh, người tù trong vụ Trung kỳ dân biến trở về sau cùng từ Côn Lôn năm 1921, cũng có mặt trong cuộc đưa tiễn nầy. Đám tang có tính cách tự phát vĩ đại, chứ không phải do chính quyền đứng ra tổ chức, làm cho chẳng những nhà cầm quyền Pháp, mà bất cứ một nhà cầm quyền nào cũng phải tự suy nghĩ. Nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn, và chỉ biết ơn những người nào đã thực sự vì nhân dân mà hy sinh.
Bên cạnh những hoạt động chính trị, Phan Châu Trinh đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm đủ loại: thơ, tuồng, văn, nhất là văn chính luận. Ngoài khoảng năm mươi bài thơ bằng chữ Nho (theo lời Huỳnh Thúc Kháng), những tác phẩm khác là : Đầu Pháp chính phủ thư (1906), Hợp quần doanh sinh thuyết quốc âm tự (1907), Tỉnh quốc hồn ca (1907), tuồng Trưng Nữ Vương (soạn chung với Huỳnh Thúc Kháng và Phan Thúc Duyện tại Côn Lôn năm 1910), Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký (1911), Giai nhân kỳ ngộ (1913-1915), Tây Hồ Santé thi tập (1914-1915), Ký Khải Định hoàng đế thư (1922), Bức thư trả lời cho người học trò tên Đông (1925), Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa (1925), Đạo đức và luân lý đông tây (1925). Ngoài ra, còn có một số bản thảo chưa xuất bản do gia đình con gái của Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng cất giữ.
Kỷ niệm 80 năm húy nhật Phan Châu Trinh, xin hãy cùng nhau nhớ lại câu nói tiêu biểu cho chủ trương của ông: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.” Câu nầy đã được Phan Châu Trinh phát biểu cách đây đúng một trăm năm, nhưng ngày nay cũng còn thật đầy đủ ý nghĩa, (.....)
Trần Gia Phụng
source
NguoiVietBoston

Wednesday April 22, 2009 - 12:04am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Hình ảnh Việt-Nam thời 1884-1885

Hình ảnh Việt-Nam thời 1884-1885
Dr. Hocquard
Trích hinhxua.free.fr
Trích hinhtran
Trần Quang Ðông (Na-Uy) sưu tầm
Trang -
- - - - -
Năm 1884, Ông Charles-Edouard Hocquard theo đoàn lính viễn chinh Pháp tới xâm chiếm Việt Nam với tính cách là bác sĩ quân y, nhưng ông cũng là một nhà nhiếp ảnh viên đại tài.
Những tấm hình nầy có một giá trị lịch sử rất lớn. Ðây là lúc mà Pháp sắp sửa chiếm hết Việt Nam và đây cũng là những hình ảnh duy nhất còn sót lại mà chúng ta thấy được những thành trì khi xưa.
Sau khi chiếm thành Hà-Nội lần thứ hai vào năm 1882 (Tổng Ðốc Hoàng Diệu tự tử với thành), quân Pháp tiến về biên gìới phía Bắc vì lúc bấy giờ triều đình Huế đã âm thầm yêu cầu Giặc Cờ Ðen (và sau đó là quân đội Trung Quốc) giúp Việt Nam đánh Pháp. Lúc bấy gìờ Trung Quốc vẫn coi Việt Nam như là "thuộc quốc" của mình nên được dịp họ tràn qua chiếm nhiều tỉnh phía Bắc vùng biên giới.
Ðể phản công, Pháp tung hải quân đánh chiếm được những đảo Pescadores và Formose (Taiwan) của Trung Quốc nhưng Pháp không đủ quân để đánh với một nước 400 triệu dân nên tìm cách giảng hoà trong hiệp ước ký tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 trong đó Trung Quốc chấp nhận là không còn coi Việt Nam là "thuộc quốc" của mình nữa và hứa là sẽ tôn trọng lãnh thổ Việt Nam mà các đường biên giới sẽ được 2 nước (Pháp & Trung quốc) xác định sau. Lúc đó coi như Pháp đã hoàn toàn thôn tính nước ta.
Ngày 5 tháng 7 năm 1885, Vua Hàm Nghi kêu gọi toàn dân nổi dậy chống Pháp, phong trào Cần Vương ra đời.
Lúc nầy thì Ông Bác Sĩ Hocquard trở về Pháp để nhường chổ cho... ông Bác Sĩ Neis, đại diện cho bộ ngoại giao Pháp tới Việt Nam để tham dự trong phái đoàn vẽ đường biên giới với Trung Quốc. Ông Bác Sĩ Neis cũng có viết hồi ký kể lại chuyến công tác nầy mà các bạn có thể đọc ở một cái site bằng tiếng Pháp mà tôi để địa chỉ ở trong trang web liên mạng. Ðây cũng là một biến cố quan trọng cho lịch sử Việt Nam vì đây là lần đầu tiên mà Việt Nam (do Pháp đại diện) đã ký kết với Trung Quốc trên giấy trắng mực đen về những đường ranh giới (trước đó chỉ là sự thỏa thuận ngầm).
Những tấm hình của Ông Bác Sĩ Hocquard được xuất bản bởi Trung Tâm Tồn Trữ Dữ Liệu Thuộc Ðịa ở Aix-en-Provence.
(Bấm nút trên cái hình nhỏ để phóng đại nó ra, sau đó thì dùng nút "Précédente" (hay "Back") của navigateur để trở lại trang nầy)
Thành Bắc-Ninh (1884)

Bắc-Ninh ngày hôm sau, sau khi thất thủ (13-03-1884)

Cửa thành Bắc-Ninh mà quân đội Pháp đã tràn vào

Kho gạo và chòi canh của thành Bắc-Ninh

Thành Bắc-Ninh

Thành Bắc-Ninh bị pháo binh Pháp oanh tạc

Ðiện thờ chánh (?) của thành Bắc-Ninh

Voi của Tổng Ðốc Bắc-Ninh

Súng ống của Giặc Cờ Ðen mà Pháp tịch thu được

Vũ khí của Giặc Cờ Ðen (GCÐ) bị Pháp tịch thu

Ðồn nhỏ do Giặc Cờ Ðen (GCÐ) dựng lên ở Bắc-Ninh

Ðồn nhỏ do GCÐ dựng lên ở gần Bắc-Ninh

Chiến hào do GCÐ dựng lên ở gần Bắc-Ninh
Thành Sơn-Tây (1884)

Thành Sơn-Tây

Cửa Ðông của thành Sơn-Tây

Cửa Nam của thành Sơn-Tây

Cửa Ðông (hoặc Tây!) mà quân Pháp tràn vào thành

Thành Sơn-Tây nhìn từ trên đỉnh vọng canh

Bên trong của thành

Vòng rào phía Bắc của thành

Vọng canh và hồ chứa nước của thành

Ngoại thành, buổi chiều ngày thất thủ

Hầm chứa súng cà-nông

Chùa được biến thành thành trì ở Hôi-Dông (hướng Tây thành Sơn-Tây)

Chùa được biến thành thành trì ở Hôi-Dông (hướng Tây thành Sơn-Tây)

Chùa Phu-Ni gần Sơn-Tây

Một chùa nhỏ gần Sơn-Tây

Một đền làng gần Sơn-Tây

Làng gốm gần Sơn-Tây
source
Motgoctroi

Friday April 3, 2009 - 10:49am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Từ xe kéo đến xe xích-lô

Từ xe kéo đến xe xích-lô
Trang
-
Vào đầu thế kỷ thứ 21 nầy, bất cứ người du khách nào đến Hà-Nội hay Sàigon lần đầu tiên đều bị ấn tượng bởi sự lưu thông dầy đặt trong trung tâm thành phố.
Thật là một cảnh tượng khó quên khi nhìn diễn cảnh những chiếc xe Honda, xe đạp qua lại không ngừng như những vạt sóng biển, bên cạnh những chiếc xe xích-lô và xe hơi. Trong hoàng cảnh này, khó mà tưởng tượng được vai trò đóng góp lớn lao của chiếc xe kéo – nay đã vào dĩ vãng - và kẻ nối nghiệp của nó là chiếc xe xích-lô trong sự văn minh hóa của nước Việt Nam.
Người ta thường cho rằng xe kéo đã ra mắt chào đời vào đầu kỷ nguyên Minh Trị của Nhật bổn, năm 1868 : khi những người lớn tuổi được người làm kéo đi như thế trong lúc cần di chuyển. Từ đó, dưới cái tên Rickshaw hay Rickish, nó trở thành một phương tiện lưu thông mà người thực dân Anh ở Hồng Kông rất thích và nó từ từ lan tràn khắp Đông Nam Á tới tận Ấn-Độ và vùng biển Ấn-Độ-Dương.
Ở Đông Dương, vài chiếc xe kéo được xuất hiện lần đầu tiên tại Hà-Nội năm 1883 do Ông Toàn Quyền Đệ Nhất Bonnal đã cho phép đem từ bên Nhật qua. Gần 15 năm sau Sài Gòn mới biết tới loại xe kéo nầy, ở đây phương tiện di chuyển duy nhất là chiếc xe ngựa kéo mà người Pháp gọi là Malabar hay Boîte d’allumettes.
Vào năm 1884, một nhà thầu Pháp cho chế tạo khoảng 50 chiếc xe kéo cho cả miền Bắc. Từ đó chiếc xe kéo đã từ từ trở thành một bộ mặt quen thuộc trong thành phố Hà-Nội. Nó xuất hiện một năm sau chiếc xe hơi Âu Châu đầu tiên và một năm trước xe tramway kéo bằng ngựa. Liền sau đó, một nhân viên thuế vụ từ miền Nam tới đã nghĩ ra thành lập một hảng cho thuê xe kéo. Theo trí nhớ của các người xưa thì chuyện đó là một thành công rực rở : dù mướn giờ hay mướn ngày, cũng phải giữ chổ trước một ngày nếu muốn được chở đi.
Ngay cả sau Đệ Nhất Thế Chiến cũng chỉ có khoãng 30 chiếc xe kéo công cộng trong cả thành phố Hà-Nội. Chỉ có vài nhân viên Pháp và quan lớn của Hà-Nội mới có đủ phương tiện mua riêng một chiếc xe kéo. Đa số người Hà-Nội chỉ biết đi bộ -nghĩa là đi chân không- là phương tiện di chuyển tiện nhất. Lúc đó chiếc xe kéo được kéo bởi một người «cu-li» và đôi khi được thêm hai người khác đẩy. Nếu là quan lớn thì thường có người trẻ đi kế bên người phu kéo, tay cầm ống thuốc lào hoặc một khay trầu nếu người ngồi trên xe là phụ nữ.
Chiếc xe kéo đầu tiên có bánh xe bằng sắt, cho nên chạy không được yên lắm. Dù vậy phương tiện nầy biểu hiệu cho sự giàu có và uy quyền của chủ xe. Lúc nào cảnh người phu kéo ông chủ ngồi trên xe đi qua cũng gây ra sự hiếu kỳ cho đám đông. Vào thời đó, tất cả những gì do Tây đem tới đều được dân chúng cho là văn minh. Những cô thiếu nữ Hà-Nội không dám ngồi trên xe kéo vì sợ miệng đời chê là Me Tây, có nghĩa là lấy chồng Tây. Với sự tiến bộ, sau đó bánh xe bằng xắt được thay thế bằng bánh xe cao-su đặc, tiện nghi hơn cho người ngồi trên xe. Chỉ lúc bấy giờ những cô thiếu nữ Hà-Nội mới dám xài xe kéo với bánh xe bằng sắt, còn loại tân tiến với bánh xe bằng cao-su thì dành riêng cho người Việt lấy Tây. Và những xe kéo lỗi thời với bánh xe sắt đã từ từ bị đẩy ra vùng ngoại ô Hà-Nội. Ngay cả những xe kéo với bánh cao-su cũng chia ra làm hai loại, loại bình thường và loại của nhà hành OMIC. Loại nầy có chổ ngồi bằng aluminium trắng bóng và có nệm lò xo cũng được bọc vải trắng, dĩ nhiên đi xe loại nầy thì mắc tiền hơn là đi xe loại thường.
Nhiều năm sau Đệ Nhất Thế Chiến, mọi người đều ngạc nhiên khi thấy chiếc xe đạp –nhập từ Saint Etienne- lần đầu tiên trong trung tâm thành phố : Cái dụng cụ gì kỳ quá ? Không có ngưạ kéo cũng không cần cu-li đẩy ! Chỉ cần đạp vài cái là nó chạy một cách yên lặng không mệt nhọc. Có người lanh trí đã nghĩ ra cách gắn nó vào phía sau của chiếc xe kéo, thế là chiếc xe xích-lô đã ra đời : việc nầy không làm cho chiếc xe kéo biến liền, nhưng xe xích-lô đã nối nghiệp xe kéo, đóng vai trò quan trọng trong sự có mặt của văn minh.
Tượng trưng cho một nền văn minh ngoại nhập, chiếc xe kéo cũng như kẻ nối nghiệp của nó là là xe xích-lô đều là sản phẩm của một xã hội dựa trên sự phân biệt chủng tộc và giai cấp. Cả hai loại xe đều tồn tại tới năm 1945, năm mà chánh phủ cách mạng miền Bắc cấm bỏ lối vận chuyển nầy vì coi đó là hình thức người bóc lột người của dân thuộc địa. Sau bao năm khói lửa, chiếc xe xích-lô xuất hiện trở lại trên thị trường nhưng nó đã bị chiếc xe hơi chiếm đi cái hình ảnh tiến bộ mà nó đã có lúc trước.
15 Tháng 12 năm 2003
Phạm Trọng Lễ
source
Mot Goc Troi

Saturday March 21, 2009 - 10:53pm (EDT) Permanent Link 0 Comments
Hình Ảnh Lịch Sử

tan-khoa-dao-pho1897
tan-khoa-du-tiec1897
thai-giam
Thay_do
Thay_giao
thay-giao
Thi_sinh_70t
thi-dau
tombeau_de_Minh_Mang
tong-doc-ha-noi-14-7-1885
tonkin_SonTay_mandarin_provincial
traversee_decoree_palais_CanChanh
tuduc2
tuduc3
tuduc4
tuduc5
Tu-Duc1
Tu-Duc10
Tu-Duc2
Tu-Duc3
Tu-Duc4
Tu-Duc5
Tu-Duc6
Tu-Duc7
Tu-Duc8
source
http://www.worldisround.com/articles/158412/index5.html
Monday March 16, 2009 - 10:32pm (EDT) Permanent Link 0 Comments
Chuyện bà Phan Bội Châu

LẤY ẢNH LÀM CHỒNG (Chuyện bà Phan Bội Châu)Trần Gia Phụng , Mar 09, 2009

Cali Today News - Nhân dịp Lễ Tưởng niệm Hai Bà Trưng do Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto tổ chức vào lúc 1:00 PM ngày Thứ Bảy 14-3-2009 tại Hội trường Oakdale Community Centre, số 350 Grandraville Drive, North York (gần Jane/Sheppard), chúng tôi xin đăng loạt bài về những anh thư Việt Nam.Phan Bội Châu (1867-1940) là một nhà yêu nước vĩ đại. Suốt đời ông đã quên mình và quên cả gia đình, chỉ hoạt động vì dân vì nước. Ông làm được điều nầy, một phần nhờ sự hy sinh cao cả của vợ ông, bà Phan Bội Châu.Bà Phan Bội Châu tên thật là Thái Thị Huyên, con ông Thái Văn Giai. Ông Thái Văn Giai là một nhà Nho, sống tại thôn Đức Nam, làng Diên Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, và là bạn học của ông Phan Văn Phổ, thân sinh Phan Bội Châu. Bà Thái Thị Huyên sinh năm 1866 (bính dần), lớn hơn chồng một tuổi. Phan Bội Châu vốn có chí hoạt động cách mạng, muốn trì hoãn việc lập gia đình, nhưng ông là con trai độc nhất trong một gia đình đã bốn đời có con trai một, nên thân sinh ông bắt ông phải cưới vợ sớm. Hai ông bà đính hôn lúc còn nhỏ tuổi, và làm lễ cưới năm 1888 (mậu tý) do sự sắp đặt của gia đình hai bên. Cưới vợ được tám năm, ông vẫn chưa có con mà thân phụ ông muốn có cháu bồng, nên bà Thái Thị Huyên (chánh thất, vợ cả) đã cưới bà thứ thất (vợ nhỏ) cho chồng năm 1896.(1) Bà thứ thất của Phan Bội Châu tên là Nguyễn Thị Em. Chẳng bao lâu bà thứ thất (bà Em) sinh được một con trai và bà chánh thất (bà Huyên) cũng sinh thêm một trai nữa. Theo tục lệ xưa, tuy con bà chánh thất sinh sau, nhưng được làm anh, còn con bà thứ thất sinh trước, lớn tuổi hơn, lại phải làm em. Để khẳng định tôn ty trong gia đình, Phan Bội Châu đặt tên con bà chánh thất (nhỏ tuổi hơn) là Phan Nghi Huynh, con bà thứ thất (lớn tuổi hơn) là Phan Nghi Đệ. "Nghi huynh nghi đệ" có nghĩa là "anh xứng đáng ra anh, em xứng đáng ra em." Cách thức sắp đặt gia đình của Phan Bội Châu theo đúng đạo cương thường trong Nho giáo.Phan Bội Châu vốn không có chí khoa cử sĩ hoạn, nhưng để có điều kiện hoạt động cách mạng, ông dự kỳ thi hương tại trường thi Nghệ An năm canh tý (1900) và đỗ giải nguyên (thủ khoa). Sau đó Phan Bội Châu vào Huế mượn cớ theo học trường quốc tử giám để tìm cách liên kết nhân tài. Cuối năm 1904 (giáp thìn), Phan Bội Châu xin phép trường quốc tử giám về quê ăn Tết, thật sự là rời Huế để chuẩn bị qua Nhật hoạt động. Trước khi ra đi năm 1905, Phan Bội Châu đã tự viết hai tờ giấy ly dị vợ, giao cho hai bà vợ để phòng thân, rủi công việc của ông bị bại lộ, nhà cầm quyền có thể đến làm phiền hai bà, thì hai bà trưng giấy ly dị để khỏi bị liên lụy.(2)Phan Bội Châu viết rất nhiều sách, nhưng ngược lại nói rất ít về gia đình. Sách vở cũng ít đề cập đến gia đình Phan Bội Châu. Có thể bà thứ thất (Nguyễn Thị Em) từ trần trước khi Phan Bội Châu bị bắt về nước năm 1925, vì khi người Pháp dẫn giải Phan Bội Châu từ Hà Nội vào Huế cuối năm đó, đi ngang qua thành Nghệ An, chỉ có một mình bà chánh thất đến gặp Phan Bội Châu được nửa giờ đồng hồ. Trong câu đối khóc bà vợ thứ, Phan Bội Châu kể:"Có chồng mà ở góa, mấy chục năm tròn, ơn trời gặp hội đoàn viên, vội bỏ đi đâu, trao gánh nặng về phần chị cả;"Vì nước phải liều mình, biết bao bạn cũ, cõi Phật đưa lời trân trọng, thiêng thời phải gắng, chung lòng hăng hái với thầy tôi."Bà chánh thất Thái Thị Huyên từ trần năm 1936 (bính tý). Trước lúc bà sắp từ trần, Phan Bội Châu làm câu đối bằng chữ Nho (chữ Tàu) gởi về an ủi vợ:"Trấp niên dư cầm sắc bất tương văn, khổ vũ thê phong, chi ảnh vi phu, nhật hướng sằn nhi huy nhiệt lệ;"Cửu tuyền hạ băng thân như kiến vấn, di sơn điền hải, hữu thùy tương bá, thiên xai lão hán bả không quyền." (1936)Tạm dịch:"Hai mươi năm đàn nhịp không hòa, gió thảm mưa sầu, lấy ảnh làm chồng, ngày ngóng đàn con tuôn giọt lệ;"Dưới chín suối bạn bè gặp hỏi, dời non lấp biển, có ai giúp mợ, trời ghen thân lão nắm tay không."Sau đó, khi bà Thái Thị Huyên từ trần ngày 21-5-1936 (1-4-bính tý), Phan Bội Châu khóc vợ qua câu đối:"Tình cờ động khách năm châu, hơn ba mươi năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ;"Khen khéo giữ bốn đức, gần bảy mươi tuổi sống đau hơn thác, thôi về mau cho khỏe, đền công trả nợ nặng vai con." (3)Về phần hai người con trai của Phan Bội Châu, cha là một nhà khoa bảng nổi tiếng, nhưng vì yêu nước, đi làm cách mạng, nên gia đình quá nghèo túng khó khăn, đã phải đi sống nhờ ở nhà người khác, và hai ông không được học hành gì nhiều. Có người nói rằng, thuở nhỏ hai ông phải trốn tránh để khỏi bị Pháp bắt, nhưng vẫn nhiều lần bị các hương chức địa phương làm khó dễ.(4)Khi Phan Bội Châu bị Pháp đưa về an trí ở Huế. Phan Nghi Huynh ở lại Nghệ An hầu hạ bà mẹ ruột, tức bà vợ cả của Phan Bội Châu, và chỉ vào Huế vài lần thăm cha rồi trở ra Nghệ An sinh sống với mẹ.Phan Nghi Đệ cũng hoạt động cách mạng, bị Pháp bắt ở Nghệ An khoảng sau năm 1930. Pháp ra điều kiện nếu Phan Bội Châu chịu bảo lãnh ông Đệ về Huế sống với Phan Bội Châu thì Pháp sẵn sàng đưa ông Đệ về Huế, nghĩa là Pháp chỉ định cư trú đối với ông Đệ như đối với Phan Bội Châu, đồng thời Pháp tiện việc kiểm soát hai cha con cùng một lúc. Phan Bội Châu trả lời rằng như thế, Pháp chỉ giao cho ông giữ tù giùm cho Pháp mà thôi, chứ Pháp chẳng tốt lành gì, nên Phan Bội Châu không nhận. Dầu vậy, Pháp vẫn đưa Phan Nghi Đệ về Huế sống với Phan Bội Châu. (Theo lời kể của cháu nội Phan Bội Châu, hiện sống ở Canada.)Phan Nghi Đệ sống bên cạnh Phan Bội Châu cho đến khi cha qua đời năm 1940. Năm 1946, Phan Nghi Đệ chạy tản cư về An Truyền (làng Chuồn), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, và từ trần tại đây. Sau đó ông được cải táng về nằm cạnh cha, trong vườn nhà Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự, Huế.Ngoài hai người con trai, Phan Bội Châu còn một người con gái tên là Phan Thị Như Cương. Bà Như Cương là con của Phan Bội Châu và bà vợ thứ là Nguyễn Thị Em. Bà Như Cương có chồng là Vương Thúc Oánh. Vương Thúc Oánh cũng hoạt động chính trị, lúc đầu theo Phan Bội Châu, sau theo Lý Thụy (Hồ Chí Minh). Khi được biết Lý Thụy là người bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu, bà Như Cương xin phép cha cho mình ly dị chồng. Phan Bội Châu không chấp thuận. Theo lệnh cha, bà Như Cương không ly dị Vương Thúc Oánh, nhưng từ đó bà sống ly thân, không tiếp xúc với chồng nữa. (Theo lời kể của cháu nội Phan Bội Châu hiện sống tại Canada.)Để hiểu rõ hơn về bà Phan Bội Châu, có lẽ nên nghe lời ông kể về bà cho các con ông nghe:"Nầy con,"Các con ơi! Cha mầy e chết rày mai, có lẽ với mẹ mày không được một phen gặp nhau nữa! Nhưng nếu trời thương ta, cho hai ta đồng thời gặp nhau ở suối vàng cũng vui thú biết chừng nào."Nhưng đau đớn quá! Mẹ mầy e chết trước ta. Ta hiện giờ nếu không chép sơ những việc đời Mẹ mầy cho các con nghe, thời các con rồi đây không biết rõ Mẹ mầy là người thế nào, có lẽ bảo Mẹ ta cũng như người thường thả cả."Than ôi! Ta với Mẹ mầy, vợ chồng "thật" gần năm mươi năm, mà quan quả "giả" gần bốn mươi năm [quan: vợ chết, quả: chồng chết]. Khi sống chẳng mấy hồi tương tụ; mà đến khi chết lại chỉ tin tức nghe hơi! Chúng mầy làm con người, đã biết nỗi đau đớn của Cha mầy với Mẹ mầy, chắc lòng mấy con thế nào cũng an thích được."Bây giờ ta nhơn lúc sắp sửa chết, mà chưa chết, đem lịch sử Mẹ mầy nói với mầy."Mầy nên biết, nếu không có Mẹ mầy, thời chí của Cha mầy đã hư hỏng những bao giờ kia."Cha ta với Tiên nghiêm [cha] của Mẹ mầy xưa, đều là nho cũ rất nghiêm giữ đạo đức xưa. Mẹ mầy lớn hơn ta một tuổi. Hai ông đính thông gia với nhau từ khi con còn nên một. Tới năm Mẹ mầy hai mươi ba tuổi [tuổi ta, tức 1888], về làm dâu nhà ta. Lúc ấy, Mẹ ta bỏ ta đã tám năm, trong nhà duy có cha già với em gái bé. Ta vì sinh nhai bằng nghề dạy trẻ, luôn năm ngồi ở quán phương xa, cái gánh sớm chiều gạo nước gởi vào trên vai Mẹ mầy. Cha ta đối với con dâu rất nghiêm thiết, nhưng chẳng bao giờ có sắc giận với Mẹ mầy. Cha ta hưởng thọ được bảy mươi tuổi, nhưng bệnh nặng từ ngày sáu mươi. Liên miên trong khoảng mười năm, những công việc thuốc thang hầu hạ bên giường bệnh, cho đến các việc khó nhọc nặng nề mà người ta không thể làm, thảy thảy một tay Mẹ mầy gánh cả. Kể việc hiếu về thờ ông gia, như Mẹ mầy là một việc hiếm có vậy."Trước lúc cha ta lâm chung [1900], ước một phút đồng hồ, gọi Mẹ mầy bồng mầy tới cạnh giường nằm, chúc ta rằng: "Ta chết rồi, mầy phải hết sức dạy cháu ta, và hết sức thương vợ mầy. Vợ mầy thờ ta rất hiếu, chắc trời cũng làm phúc cho nó." Xem lời nói lâm chung của Cha ta như thế, cũng đủ biết nhân cách Mẹ mầy rồi."Năm Cha ta sáu mươi sáu tuổi [1896], còn hiếm cháu trai, vì ta là con độc đinh [con trai duy nhất], nên cha ta cũng khát cháu lắm. Mẹ mầy muốn được chóng sinh trai cho vừa lòng Cha, nên gấp vì ta cưới thứ mẫu mầy, chẳng bao lâu mà em mầy sinh. Trong lúc thằng Cu mới ra đời, Mẹ mầy gánh vác việc ôm ấp đùm bọc hơn một tháng. Cha ta được thấy cháu đầu hoan hỉ quá chừng. Thường nói với ta rằng: "Ta chỉ còn một việc chết chưa nhắm mắt, là mầy chưa trả cái nợ khoa danh mà thôi".[5] Mẹ mầy nhân đó càng ân đức thứ mẫu mầy, thân yêu nhau hơn chị em ruột."Kể đức nhân về ân ái với người phận em như Mẹ mầy cũng ít có."Cứ hai chuyện như trên, bảo Mẹ mầy là Mẹ hiền về thời cựu chắc không quá đáng. Nhưng mà bắt buộc cho ta phải trọn đời nhớ luôn, thời lại vì có một việc: Nguyên lai nhà ta chỉ có bốn tấm phên tre suông, chẳng bao giờ chứa gạo tới hai ngày. Nhưng vì trời cho tính quái đặc: thích khoản khuếch [khoản đãi rộng rãi], hay làm ân. Hễ trong túi đựng được đồng tiền, thấy khách hỏi tức khắc cho ngay. Thường tới khi từ trường quán về, ta tất mang luôn khách về nhà, khách hoặc năm, sáu người, có khi mười người chẳng hạn, nhưng chiều hôm sớm mai, thiếu những gì tất hỏi Mẹ mầy. Mẹ mầy có gì đâu! Chỉ dựa vào một triêng [gánh] hai thúng, từ mai tới hôm [từ sáng tới tối] mà hễ nghe chồng đòi gì thời có nấy. Bổng dạy học của ta tuy có nhiều, nhưng chưa một đồng xu nào là tay Mẹ mầy được xài phí. Khổ cực mấy nhưng không sắc buồn; khó nhọc mấy nhưng không tiếng giận. Từ năm ta ba mươi sáu tuổi [1902], cho tới ngày xuất dương, những công cuộc kinh dinh việc nước, Mẹ mầy ngầm biết thảy, nhưng chưa từng hé răng một lời. Duy có một ngày kia, ta tình cờ ngồi một mình, Mẹ mầy ngồi dựa cột, kế một bên ta nói: "Thầy chắc toan bắt cọp đó mà? Cọp chưa thấy bắt mà người ta đã biết nhiều sao thế?" Mẹ mầy tuy có nói câu ấy, mà lúc đó ta làm ngơ, ta thiệt dở quá!"Bây giờ nhắc lại trước khi ta xuất dương, khoảng hơn mười năm. Nghèo đói mà bạn bè nhiều; cùng khốn mà chí khí vững, thiệt một phần nửa là nhờ ân Mẹ mầy."Tới ngày ta bị bắt về nước, Mẹ mầy được gặp ta một lần ở thành tỉnh Nghệ, hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ có một câu nói rằng: "Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần giáp mặt Thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi, từ đây trở về sau, chỉ trông mong Thầy giữ được lòng Thầy như xưa, Thầy làm những việc gì mặc Thầy, Thầy không phiền nghĩ tới vợ con.""Hỡi ôi! Câu nói ấy ấy bây giờ còn phảng phất bên tai ta, mà té ra ủ dài năm tháng, chẳng một việc gì làm, chốc chẵn mười năm."Phỏng khiến Mẹ mầy mà chết trước ta, thời trách nhiệm của ta e còn nặng mãi mãi. Suối vàng quạnh cách, biết lối nào thăm; đầu bạc trăm năm, còn lời thề cũ. Mẹ mầy thật chẳng phụ ta, ta phụ Mẹ mầy!"Công nhi vong tư" chắc Mẹ mầy cũng lượng thứ cho ta chứ ". (1936) (6)Hình ảnh bà Thái Thị Huyên, qua lời kể chuyện của Phan Bội Châu, có thể được xem là biểu tượng của thế hệ phụ nữ Việt Nam theo truyền thống Nho phong ngày xưa, âm thầm gian khổ gánh vác toàn bộ công việc gia đình, để chồng có thể dồn mọi nỗ lực lo việc đất nước. Đúng như lời Phan Bội Châu đã viết: "Nghèo đói mà bạn bè nhiều, cùng khốn mà chí khí vững, thiệt một phần nửa là nhờ ân Mẹ mầy ". Một nửa sự nghiệp của Phan Bội Châu là nhờ bà Thái Thị Huyên vững tay lo việc gia đình. Chẳng những riêng Phan Bội Châu, mà hầu như một nửa sự thành công của nhiều danh nhân Việt Nam và trên thế giới đều nhờ ơn các bậc hiền phụ. Đáng quý thay!TRẦN GIA PHỤNG(Toronto, Canada) CHÚ THÍCH:1. Theo tục lệ ngày xưa, vợ cả (chánh thất) cưới vợ nhỏ (thứ thất) cho chồng.2. Tôn Quang Phiệt, "Một vài kỷ niệm về Phan Bội Châu", đăng trong Ông già Bến Ngự, hồi ký của một nhóm tác giả, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1982, tr. 53.3. Các câu Phan Bội Châu an ủi và khóc vợ, trích từ Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tt. 442-444.4. Tôn Quang Phiệt, bài đã dẫn, tt. 53-55.5. Lúc nầy Phan Bội Châu chưa đậu cử nhân. Năm 1900 (canh tý), ông đậu giải nguyên (đậu đầu) kỳ thi Hương trường thi Nghệ An vào tháng 7 thì tháng 9 cụ Phan Văn Phổ từ trần.6. "Công nhi vong tư" nghĩa là lo việc chung mà quên việc riêng.source
Cali Today News

Monday March 9, 2009 - 04:27am (EDT) Permanent Link 0 Comments

No comments:

Post a Comment