Tuesday 21 June 2011

"Phố Trung Quốc" ở Ninh Bình


"Phố Trung Quốc" ở Ninh Bình

Luật không cho phép doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài. Vậy mà ở Ninh Bình, có công trường, số công nhân lao động phổ thông Trung Quốc lên đến gần 1.500 người.

Nhếch nhác

Không phải ngẫu nhiên mà người dân xã Khánh Phú, H.Yên Khánh (Ninh Bình) đặt cho một đoạn đường của quốc lộ 10 chạy qua địa bàn cái tên "Phố của người Trung Quốc", bởi mỗi khi phố lên đèn, hàng trăm thanh niên Trung Quốc từ các ngả đường đổ về con phố này. Một người dân địa phương cho biết: "Trước kia ở đây bình yên lắm, nhưng từ khi người Trung Quốc đến đây, phố xá ồn ào hẳn lên. Tối tối, nhiều thanh niên Trung Quốc cởi trần trùng trục uống rượu, cãi nhau, khạc nhổ, rồi trêu chọc gái qua đường". Còn theo một công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình thì ở đây cũng thường xảy ra xích mích qua lại giữa lao động Việt và lao động Trung Quốc hoặc giữa lao động Trung Quốc với nhau.

Những hàng quán dành cho người TQ đua nhau mọc lên - Ảnh: Cường Trung

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Hoàng Tâm, ngụ tại xã Khánh Phú, cho biết: "Ngay sau khi khởi công Nhà máy đạm Ninh Bình, vùng quê này đã đổi thay hẳn. Các nhà hàng, quán cóc, tiệm gội đầu, mát-xa, nhà nghỉ, đua nhau mọc lên như nấm để phục vụ những lao động Trung Quốc. Mà những lao động Trung Quốc thì..., họ cứ kéo từng tốp mươi người, đánh độc một chiếc quần đùi, đi nghênh ngang trên đường, gặp con gái là thế nào cũng xông tới quờ quạng". Anh Tâm kể thêm, cách đây mấy tháng, có một hộ dân xây nhà trọ cho công nhân Trung Quốc thuê, nhưng sau vài tuần đã phải cắt hợp đồng vì không chịu nổi sự nhếch nhác trong sinh hoạt của họ. Mỗi buổi chiều, sau giờ tan ca, họ về nhà trọ và tạo ra cảnh sinh hoạt rất chướng mắt, đi chơi về khuya, nói to ông ổng, khiến người dân mất ngủ. "Có hôm, trong lúc đang tắm rửa, mấy thanh niên đùa nghịch, rồi gào thét, đuổi nhau tồng ngồng chạy ra phố, rồi tụt luôn cái quần lót của người chạy trước, khiến cả phố náo loạn lên!", anh Tâm kể.

Một người dân ở khu "phố Trung Quốc" bức xúc: "Cứ rượu xong là họ lại kéo từng toán vài chục người, nghênh ngang, xiêu vẹo trên đường, rồi dòm ngó vào nhà dân, trông rất khó chịu. Kinh khủng hơn, có lần họ còn tụt quần tiểu tiện ngay trước nhà tôi và nhiều nhà dân khác. Chúng tôi bức xúc, thậm chí xua đuổi, nhưng những lúc như thế, bọn họ dừng lại hằm hè, chửi lại, nên ai cũng ngại, không dám va chạm với họ".

Những hàng quán dành cho người Trung Quốc đua nhau mọc lên - Ảnh: Cường Trung

Trên 1.600 lao động không phép

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 26 công ty, doanh nghiệp và nhà máy sử dụng lao động người nước ngoài, với tổng số 2.400 lao động (chiếm 15,2% số lao động đang làm việc tại 26 công ty, doanh nghiệp này). Trong số 2.400 người nước ngoài này chỉ có 717 người được cấp giấy phép lao động, còn lại chưa được cấp phép, trong đó Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.448 lao động không được cấp phép.

"Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Ninh Bình chủ yếu nhập cảnh qua đường du lịch" - ông Vũ Đức Dương, Phó phòng Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình

Số lao động người nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất là Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở hai ngành xây dựng và xi măng. Tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.988 người Trung Quốc đang làm việc. Trong đó, chỉ có 82 người giữ chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, 514 người làm kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông, họ đều làm những công việc bình thường như phụ hồ, kéo sắt, kéo cáp...

Ông Vũ Đức Dương - Phó phòng Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình - cho biết: Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Ninh Bình chủ yếu nhập cảnh qua đường du lịch.

"Luật pháp vẫn chưa mở cửa đối với đối tượng lao động phổ thông nước ngoài nhưng dường như một dòng chảy lao động phổ thông lớn vẫn vào Việt Nam", ông Dương nói. Cũng theo ông Dương: "Sở đã nhiều lần phối hợp với Ban quản lý các KCN đề nghị BQL nhà máy đạm yêu cầu các nhà thầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết lao động được thuê nhưng hiện nay vẫn chưa được triển khai". Theo ông Dương thì các chủ đầu tư thường nại rằng, nếu trục xuất lao động "chui" này thì tiến độ dự án chậm, hoặc dừng.

Công nhân Trung Quốc trở lại khu nhà tạm sau giờ tan ca

Sau rất nhiều lần cố gắng, vượt qua rất nhiều thủ tục, chúng tôi vẫn không có được bất kỳ câu trả lời nào từ Công an tỉnh Ninh Bình về nguy cơ tiềm ẩn những diễn biến an ninh trật tự khó lường từ số lao động chui. Theo ông Màn Chí Nguyện, Trưởng phòng PX15, thì: "Thông tin nghiệp vụ không thể cung cấp được".

Ông Vũ Đức Dương lo ngại những lao động phổ thông ở Ninh Bình đang bị lao động Trung Quốc lấy đi phần việc lẽ ra

Theo Thanh Niên

source

http://vef.vn/2011-06-21-pho-trung-quoc-o-ninh-binh

Thursday 16 June 2011

Hàng năm Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt, năm sau dài hơn năm trước


Cập nhật: 08:17 GMT - thứ năm, 16 tháng 6, 2011

Hàng trăm công ty VN ngừng sản xuất hải sản

Thuyền cá Việt Nam

Tin cho hay nhiều công ty Việt Nam phải ngừng sản xuất chế biến hải sản vì thiếu nguyên liệu do thương nhân Trung Quốc 'vét hàng'.

Cùng lúc có tin Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 ra các vùng biển tranh chấp ở Đông Nam Á.

Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ một cuộc họp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết "nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang phải tạm ngưng sản xuất mặt hàng này hoặc hoạt động cầm chừng do không đủ nguyên liệu sản xuất".

"Nguyên nhân do các thương nhân Trung Quốc sang tận nơi mua hải sản mà ngư dân đánh bắt về."

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, được báo này dẫn lời nói từ đầu năm đến nay đã có 147 doanh nghiệp ngưng chế biến và xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác.

VASEP nói đang có tình trạng thương nhân Trung Quốc "tranh giành, đón mua" tại các cảng cá hoặc thậm chí ngay tận ngoài biển.

Một lý do khác khiến lượng hải sản đánh bắt được ít đi, là do Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cho tới tận 01/08 tại các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, trong có nhiều vùng biển mà Việt Nam cũng nói là của mình.

Hàng năm Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt, năm sau dài hơn năm trước, với mục đích được nói là để "bảo vệ nguồn hải sản".

Ngư dân Việt Nam thì than phiền rằng họ không dám ra khơi vì lo ngại rằng theo lệnh cấm này, nếu bị bắt họ sẽ bị kiểm ngư Trung Quốc tịch thu tài sản hoặc phạt vạ.

Nguồn hải sản cạn kiện

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng nói trên báo Tuổi Trẻ rằng "nhiều vùng đánh bắt đang có dấu hiệu cạn kiệt nguồn hải sản".

Giới chức Việt Nam đang kêu gọi tạo điều kiện cho ngư dân ra đánh cá xa bờ.

Cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, cũng trên Tuổi Trẻ, cho hay đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm.

ảnh của Nguyễn Giang

Thuyền cá của ngư dân Việt Nam phần nhiều còn rất thô sơ

Bà Minh kêu gọi chính phủ có chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển hạ tầng cầu cảng, trang bị kỹ thuật hiện đại hơn cho ngư dân và kêu gọi đầu tư của nước ngoài.

Bảo đảm an toàn cho ngư dân là vấn đề đau đầu cho chính phủ, vì ngày càng nhiều thuyền cá của Việt Nam "gặp nạn" khi đánh bắt ở các vùng biển xa.

Hàng nghìn ngư dân bị nước ngoài bắt mỗi năm, khi hoạt động trong các vùng biển chồng lấn.

Hồi đầu tháng, thực trạng này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhắc tới tại một diễn đàn an ninh tại Singapore.

Ông Thanh thừa nhận đã có một số vụ ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của nước ngoài, "nhưng cũng có những vụ ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam".

"Để xử lý, chúng ta cần ứng xử bằng luật pháp quốc tế, một cách láng giềng, hữu nghị và nhân đạo, không xâm phạm thân thể và vật chất của ngư dân."

Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, rằng lệnh này Trung Quốc tuyên bố áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam.

"Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế."

Tin hôm 16/6 cho hay Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 đi qua Biển Đông để đến Singapore trong bối cảnh căng thẳng vẫn còn cao trong vùng.

Phía Trung Quốc nói chiếc tàu hải giám thuộc loại lớn nhất của nước này, có cả bãi đỗ cho trực thăng, sẽ "tuần tra, giám sát các tuyến hàng hải trong biển Nam Hải".

Dự kiến tàu sẽ tới Singapore vào ngày 23/6, chỉ vài hôm trước khi Hoa Kỳ và Philippines dự kiến có cuộc tập trận CARAT, trước khi quay trở về Trung Quốc.

Báo chí nước ngoài theo dõi câu chuyện cho hay tàu Hải Tuần 31 sẽ đi ngang vùng Trường Sa đang bị nhiều bên tranh chấp.

source

BBC Vietnamese

Thursday 9 June 2011

Tàu Trung Quốc lại gây hấn với tàu Việt Nam


Thứ Sáu, 10/06/2011, 07:33 (GMT+7)

Tàu Viking 2 bị quấy rối nhiều lần

TT - Tàu Viking 2 quốc tịch Na Uy là tàu khảo sát địa chấn 3D của Hãng liên doanh CGG Veritas (Pháp) - Tổng công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí - PTSC (VN) thuê.

PTSC và CGG Veritas thành lập liên doanh khai thác tàu khảo sát địa chấn 2D& 3D để cùng tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên thềm lục địa VN.

Việc khảo sát địa chấn tại lô 136-3D của tàu Viking 2 là làm theo yêu cầu Hãng Talisman (Canada) - một hãng được Petro VN cho phép thăm dò, tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa chủ quyền của VN.

Tàu sơn màu đỏ và trắng, dài 93,35m, mớn nước 6,5m, kéo theo tám cáp địa chấn, mỗi cáp dài 6.000m.

Tàu ngư chính 311 tham gia giải cứu cho tàu cá Trung Quốc - Nguồn: Xinhua

Lúc 18g ngày 9-6, một lãnh đạo của PTSC G&S xác nhận với Tuổi Trẻ đến 12g cùng ngày, sự cố dây cáp vướng chân vịt tàu cá Trung Quốc đã khắc phục xong.

Trước đó ngày 29 và 31-5, tàu Viking 2 thực hiện thu nổ, khảo sát địa chấn cho Hãng Idemitsu (Nhật) - hãng có ký hợp đồng khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) tại lô 05-1D thềm lục địa phía Nam VN và cũng bị các tàu của Trung Quốc quấy rối.

Chiều 9-6, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Hùng Dũng, tổng giám đốc PTSC, khẳng định: “Việc tàu đánh cá số hiệu 62226 của Trung Quốc xâm phạm sâu trong lãnh hải của VN, xông thẳng vào vị trí tàu Viking 2 đang hoạt động khảo sát là việc làm có chủ đích”.

Một lãnh đạo PTSC nói: “Căn cứ hành vi của tàu 62226, có thể khẳng định đây không phải tàu đánh cá bình thường mà rõ ràng họ hoạt động có chủ đích, có nhiệm vụ phá hoại theo những âm mưu, kế hoạch đã được vạch sẵn trước đó”.

MINH LUẬN - ĐÔNG HÀ

Tàu Viking 2 - Nguồn: PVN

Nhật ký tàu Viking 2

* Ngày 8-6:

5g30: Tàu bảo vệ Vạn Hoa 737 và 731 trinh sát về phía bắc của mục tiêu.

7g: Vạn Hoa 737 và 731 tiếp cận khu vực quay đầu phía tây, quan sát thấy hơn 15 tàu đánh cá của Trung Quốc làm việc bên trong khu vực quay đầu.

8g45: Tàu Vạn Hoa 737 đến bên cạnh tàu Trung Quốc 80105 phát lời cảnh báo của Chính phủ Việt Nam (bằng tiếng Trung Quốc) là tàu này đã vi phạm lãnh hải Việt Nam.

9g35: Tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 303 thông báo với Vạn Hoa 737 rằng các tàu đánh cá sẽ khởi hành khỏi khu vực trong 3-4 giờ. Họ cho biết do gặp sự cố nên sẽ mất thời gian dài để hồi phục bánh lái tàu của họ. Nhận tin, Vạn Hoa 737 đứng dự phòng.

11g: tàu Vạn Hoa 737 nhận được tín hiệu từ tàu ngư chính Trung Quốc 303 thông báo họ sẽ rời khỏi khu vực. Nhưng ít phút sau, tàu này trắng trợn thông báo họ có quyền tiếp tục đánh cá trong vùng này và có vấn đề gì thì liên hệ với chính phủ của họ (Trung Quốc).

11g30: Một máy bay không xác định được lai lịch bay trên tàu Vạn Hoa 737 và trên tàu Trung Quốc ở độ cao rất thấp. Đây là máy bay hai cánh quạt lớn, sơn màu xám và không dấu hiệu đã bay quanh khu vực khoảng 10 phút rồi rời đi.

12g: Viking 2 thay đổi kế hoạch thu nổ địa chấn để tránh các tàu cá Trung Quốc.

14g50: Một số tàu cá của Trung Quốc chạy theo đường cong hình chữ S không đúng với lộ trình. Chúng chạy trước tàu Vạn Hoa 737 rồi thay đổi hướng quay trở lại phía bắc.

20g30: Tàu CR1 trực bảo vệ trong khi các tàu cá Trung Quốc chạy ngay sau các phao phía cuối tàu. Tàu Viking 2 bắt đầu làm việc, các tàu bảo vệ vào vị trí bảo vệ, di chuyển về phía trước.

* Ngày 9-6:

6g: khi đang thu nổ ở tọa độ 6o47,5’ Bắc, 109o17,5’ Đông, tàu Viking 2 bị tàu 62226 của Trung Quốc chạy cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối bốn đường cáp thu phía bên trái tàu. Tàu 62226 bị hỏng chân vịt, trôi dạt phía sau tàu Viking 2 trong vài giờ.

8g20: Viking 2 thoát khỏi sự theo đuổi của tất cả các tàu Trung Quốc. Tàu Viking 2 đang phục hồi các thiết bị và có kế hoạch khởi hành khỏi khu vực.

source
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/441763/Tau-Viking-2-bi-quay-roi-nhieu-lan.html

Tàu Trung Quốc lại gây hấn với tàu Việt Nam

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 9/6/2011
Hình: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 9/6/2011


Chính phủ Việt Nam ngày 9/6 một lần nữa tố cáo Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam tại Biển Đông, theo tin Reuters đánh đi từ Hà Nội cùng ngày. Đây là sự cố thứ hai xảy ra trong vòng 2 tuần nay làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước cộng sản anh em có tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, loan báo tàu đánh cá Trung Quốc số hiệu 6226 có gắn thiết bị cắt dây cáp chuyên dụng cùng với sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc ngày 9/6 đã lao vào tuyến dây cáp thăm dò địa chấn của tàu Viking 2 khi con tàu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang hoạt động trên khu vực mà Hà Nội khẳng định thuộc thềm lục địa Việt Nam nằm trong đặc khu kinh tế ngoài khơi bờ biển phía Nam của Việt Nam, tức không thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ngay sau đó, hai tàu ngư chính cùng một vài tàu cá khác của Trung Quốc đã giải thoát cho con tàu 6226.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ tàu Trung Quốc đã bất chấp tín hiệu cảnh cáo của tàu Việt Nam trước vụ tấn công.

Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo sự việc này một lần nữa gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Việt Nam và là một phần trong chiến dịch vi phạm chủ quyền một cách cố ý và có hệ thống của Trung Quốc, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách hành xử tại Biển Đông.

Hà Nội một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Giới chức Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện của đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động gây hấn vừa kể.

Ngày 5/6, hàng trăm người tập trung trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và vài ngàn người tuần hành quanh tòa lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn phản đối Bắc Kinh sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 hôm 26/5 trên thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam khẳng định các hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm mục đích biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch 'đường lưỡi bò' hay 'đường chữ U' trên Biển Đông.

Nguồn: Reuters, Tuoitre Online

source

VOA Vietnamese



Saturday 4 June 2011

Phim tranh cãi về Lý Công Uẩn được ra mắt




Cập nhật: 14:49 GMT - thứ bảy, 4 tháng 6, 2011

Phim tranh cãi về Lý Công Uẩn được ra mắt

Cảnh trong phim 'Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long'

Chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên VN (Hình: Tân Hoa Xã)

Bộ phim từng gây nhiều tranh cãi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất cuối cùng đã được phép phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3 vào ngày 30 tháng Sáu, theo truyền thông trong nước.

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Đài Truyền hình Việt nam, đề ngày 15/3/2011, được báo chí trong nước trích dẫn, cho hay bộ phim đã được chỉnh sửa và trở nên phù hợp hơn với lịch sử Việt Nam về nhiều mặt từ hình thức, diễn xuất tới nội dung:

"Kịch bản phim đã thêm lời dẫn chuyện vào những chỗ cần thiết để làm rõ thông tin muốn chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta", văn bản của Bộ chủ quản ngành văn hóa trong nước khẳng định.

"Các diễn viên được chọn rất hợp vai, diễn xuất tốt, âm nhạc phù hợp với Việt Nam. Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân."

Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Công văn của Bộ Văn hóa gửi VTV

Đặc biệt công văn này đưa ra quan điểm mang tính thẩm định về khía cạnh chính trị và quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc, khi cho biết:

"Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc."

Bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu thực hiện theo đặt hàng của công ty Trường Thành và kịch bản do chính lãnh đạo công ty Trường Thành, ông Trịnh Văn Sơn chắp bút, chủ trì có sự chỉnh sửa, cố vấn trong quá trình làm phim của cố vấn Trung Quốc.

Bộ phim truyền hình 19 tập lúc đầu được dự kiến ra mắt và phát sóng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 năm 2010, nhưng đã bị tạm ngừng cấp phép do có quá nhiều ý kiến tranh cãi và phản đối từ nhiều giới trong nước vốn cho rằng đây là một bộ phim "Trung Quốc nói tiếng Việt".

"Một bộ phim gây tranh cãi sẽ không phù hợp để chiếu trong dịp trọng đại như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long," tờ Dân trí trích lời đại diện Cục Điện Ảnh, ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng, phát biểu trước truyền thông trong nước hồi cuối năm ngoái.

Phản đối kịch liệt

Giáo sư Lê Văn Lan

Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng phản đối việc nhóm làm phim giới thiệu ông trong phim với tư cách cố vấn lịch sử.

Tuy nhiên, ngay sau khi được tin về lịch phát sóng của bộ phim vào cuối tháng, nhà sử học Lê Văn Lan, xuất hiện trên trang blog cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện hôm thứ Bảy, 4 tháng Sáu, và cho biết ông "phản đối kịch liệt việc chiếu bộ phim này."

"Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, còn thì đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, sát phạt nội bộ và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn," Giáo sư Lan đánh giá về bộ phim qua ba lần chỉnh sửa và xét duyệt.

"Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng," chuyên gia hàng đầu về cổ sử Việt Nam, đồng thời là một trong các sáng lập viên của Viện Sử học Việt Nam nhận xét.

Ông Lan cũng đưa ra kết luận về hình thức, trang phục của các diễn viên trong bộ phim từ sau khi vượt qua lần xét duyệt cuối cùng hồi tháng 2 năm 2011:

Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng

Giáo sư Lê Văn Lan

"Không chỉ trang phục của nhà Vua mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất... Tàu. Rồi thì lại cả cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí... cũng đều là rất Tàu."

Sau khi phủ nhận và một lần nữa lên tiếng việc tên tuổi của ban thân được nhóm làm phim đưa vào giới thiệu trong phim như là một cố vấn lịch sử của phim, Giáo sư Lê Văn Lan dự đoán về phản ứng của dư luận trước việc 19 tập phim sắp ra mắt ra sao trên trang blog của Nguyễn Xuân Diện:

"Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này!"

"Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này."

Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này! Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này

Giáo sư Lê Văn Lan

Nếu được phát sóng vào cuối tháng này trên kênh truyền hình quốc gia, "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" coi như chính thức được ngành văn hóa và truyền thông Việt Nam chấp nhận, kể từ sau khi nhận được giấy phép của các ngành Tuyên giáo, Văn hóa từ quý đầu năm nay.

Bộ phim truyền hình lấy chủ đề lịch sử được cho là tiêu tốn tới hàng chục triệu đôla trong quá trình làm phim, đã được chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim quốc gia, mà ngày 20-21 tháng Hai, là lần duyệt phim thứ ba và cuối cùng mà bộ phim trải qua trước Hội đồng.

Hiện tại, hãng truyền thông Trường Thành và Đài VTV3 được cho là đang tiến hành mời các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia quảng cáo trước khi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" lên sóng "vào giờ vàng" trên một kênh truyền hình vốn có tác dụng giáo dục, thông tin và giải trí hàng đầu khi phủ sóng toàn quốc ở Việt Nam.

source

BBC Vietnamese