Thursday 29 April 2010

Hoàng Sa, Trường Sa thời VNCH


Cập nhật: 08:23 GMT - thứ năm, 29 tháng 4, 2010


Ông Nguyễn Đình Đầu

Ông Nguyễn Đình Đầu có nhiều công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam

Vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong các mối quan tâm lớn của người Việt, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.

Hoàng Sa đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc sau trận hải chiến 19/01/1974, khi 50 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trong lúc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

Đài BBC nói chuyện với nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu về chính sách của Việt Nam Cộng hòa đối với Hoàng Sa - Trường Sa:

Ông Nguyễn Đình Đầu: Thời VNCH, Hoàng Sa - Trường Sa nằm ở miền Nam nên thuộc chủ quyền của VNCH, cho tới năm 1975.

Từ mấy trăm năm về trước, Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Khi người Pháp tới, thì quản lý là nhân danh Việt Nam, do vậy chủ quyền đối với hai quần đảo này vẫn thuộc về Việt Nam.

Tôi biết là trên cả hai nơi này, đều đã có các nghiên cứu, khảo sát khí tượng học từ rất lâu rồi. Riêng Hoàng Sa, là đảo có nhiều chim, nhiều phân chim, nên người Việt Nam trong những năm 60-70 còn khai thác phân chim khối lượng lớn ở đó.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, năm 1974 Trung Quốc đã có hành động quân sự để chiếm Hoàng Sa.

BBC: Hồi đó, ông đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Phản ứng của chính quyền và dư luận lúc đó ra sao ạ?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Ngay lập tức chính phủ VNCH đã lên tiếng phản đối, đưa vấn đề Hoàng Sa ra quốc tế. Lúc đó họ có quan hệ với Liên Hiệp Quốc và các nước mà người ta gọi là các nước tự do.

Lúc ấy ở miền Nam, tôi cứ tưởng rằng Trung Quốc lấy Hoàng Sa để giao lại cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cho Bắc Việt. Nhưng không ngờ, họ chiếm là chiếm đứt luôn đất của mình.

Mà tôi cho rằng vào thời điểm ấy, nhiều người cũng nghĩ như tôi, là Trung Quốc lấy Hoàng Sa cho VNDCCH.

Một điều lạ, là trong khi dư luận phản ứng như thế ở miền Nam, mà VNDCCH không có phản ứng gì.

BBC: Thưa ông, có cáo buộc là chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu đã "làm mất Hoàng Sa", không hiểu ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Không đơn giản như thế. Lúc ấy, có quân đội VNCH được giao nhiệm vụ giữ Hoàng Sa, và đã có kháng cự mãnh liệt (với quân Trung Quốc).

Bên VNCH bị chìm một số tàu, thương vong thì cả hai phía đều bị nhiều.

BBC: Để khẳng định lại chủ quyền với các quần đảo đã mất, theo ông Việt Nam cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Có hai vấn đề - đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sử học... như chúng tôi, thì chúng tôi đưa ra những bằng chứng, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng tôi có nhiều tư liệu bản đồ của cả Trung Quốc và các nước, trong đó nói Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, và Việt Nam có chủ quyền ở Biển Đông. Tất nhiên tài liệu của Việt Nam trong các thời kỳ cũng nói như vậy. Đó là trách nhiệm của chúng tôi công bố những tài liệu đó.

Còn vấn đề giải quyết tranh chấp trên thực tiễn ra sao thì lại thuộc về phạm vi chính trị.

source

BBC Vietnamese

Tuesday 20 April 2010

Vài lời với bà Đỗ Ngọc Bích

Đỗ Ngọc Bích


Bài viết của bà Đỗ Ngọc Bích rất ấn tượng. Trước hết, ở cái giọng khinh bạc, mục hạ vô nhân trái ngược với vẻ xinh xắn trời cho của một phụ nữ Việt.

Sau bởi tri thức lịch sử đáng lẽ phải dấu đi ở một người mang học vị tiến sĩ.

Đó là tri thức mà không ít người Việt đã bỏ lại ở cuối thế kỷ trước.

Đến nay, hết thập niên đầu của thế kỷ XXI, không ít người Việt trong và ngoài nước biết rằng, không phải 4000 năm mà lịch sử của tộc Việt bắt đầu khoảng 70.000 năm trước, khi hai đại chủng Homo sapiens là Europid và Mongoloid theo con đường phương nam tới miền Trung và miền Bắc Việt Nam để hòa huyết sinh ra 4 chủng Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid.

Rồi từ Việt Nam, người Việt lan tỏa sang câu Úc, ra khắp Đông Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt lên khai thác đất Trung Hoa để 4000 năm TCN xây dựng tại Á Đông nền văn hóa nông nghiệp sớm và rực rỡ nhất hành tinh.

Khoảng 2600 năm TCN, người Hoa Hạ, tiền thân của người Hán ra đời, là con lai giữa người Bách Việt và người Mông Cổ sau cuộc xâm lăng của người Mông Cổ.

Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.

Hà Văn Thùy

Do vậy, tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.

Năm 2006 tôi bạo gan đưa ra giả thuyết: “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán” thì mùa Xuân năm nay, bạn tôi, anh Đỗ Thành, gốc Việt Triều Châu đang sống ở Sacromento Hoa Kỳ, từ giáp cốt văn, kim văn và những thư tịch cổ nhất của Trung Hoa như Việt chép (Việt tuyệt thư), Thuyết văn giải tự đã “Phát hiện lại Việt nhân ca”, “Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn” và tìm ra “Nguồn gốc chữ Nôm”, chứng minh không thể phản bác là, chữ Nôm của người Việt có trước, từ đó được cải tiến thành chữ Hán! Chiêm Thành, Lâm Ấp cũng không như nữ tiến sĩ lầm tưởng!

Trong cuốn “Nhìn lại sử Việt” in tại Hoa Kỳ, tiến sĩ Lê Mạnh Hùng chứng minh được rằng, đó là đất của quốc gia Văn Lang do các vua Hùng làm chủ.

Khi Việt Nam bị người Hán xâm lăng, những đất trên trở thành vô quản, tù trưởng của các bộ lạc người Việt tự lập thành quốc gia riêng. Việc tổ tiên ta mở rộng bờ cõi xuống phía Nam là sự sắp xếp lại giang sơn của các vua Hùng!

Lịch sử, văn hóa Việt là câu chuyện dài, mà tôi đã trình bày trong hai cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2007) và Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008) nên khó nói hết trong bài báo nhỏ! Nếu có dịp về lại quê hương, mời tiến sĩ dành thời gian vài ba ngày tới gặp tôi để trao đổi về câu chuyện lý thú này.

Tôi sẽ tặng riêng bà cuốn Tìm cội nguồn qua di truyền học và cuốn Cội nguồn văn hóa Việt mà tôi đã dịch sang tiếng Anh với nhan đề The source and culture of Vietnamese sắp xuất bản. Tin rằng, qua đó, tiến sĩ học được những tri thức mới về Việt học để truyền thụ lịch sử, văn hóa Việt cho người Mỹ!

source

BBC Vietnamese

Sunday 18 April 2010

Cầu Trường Tiền và Vua Thành Thái


April 16, 2010


NGUYỄN PHƯỚC BẢO THỌ

Một trong những mẫu chuyện của vua Thành-Thái liên quan đến Cầu Trường Tiền do thân nhân và gia đình các quan cận thần triều Thành-Thái [1889-1907] kể lại nhân ngày giỗ Cựu Hoàng thứ 56 năm nay như sau:

Sơ lược về việc Cựu Hoàng Thành-Thái hồi hương

Sau khi Hiệp Định Vịnh Hạ Long được ký kết ngày 8-3-1948, Pháp trao trả Việt Nam cho Quốc Trưởng Bảo Đại dưới chiêu bài ‘Quốc gia Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp’. Dưới danh nghĩa Việt Nam độc lập, Luật Sư Vương Quang Nhường, trong chức vụ Phó Thủ Tướng chính phủ, Thủ lãnh Luật sư đoàn Sàigòn và là con rể của Cựu Hoàng Thành-Thái đã vận động với Cao Ủy Pháp ở Đông Dương và Tổng Thống Pháp lúc bấy giờ cho Cựu Hoàng Thành-Thái được hồi hương sau 33 năm bị chính phủ Pháp lưu đầy ở đảo Reunion, Ấn độ dương vì tội chống chế độ. Ngài được con gái là bà Vương Quang Nhường sang tận đảo Reunion đón về vào cuối năm 1948 và chỉ được sinh sống tại Vũng Tàu. Sau một thời gian ngắn ở tại Bạch Đình, Vũng Tàu, ngài đã tự ý vào Sài gòn sống với người con trai út là Ông Vĩnh Cầu trong một căn nhà nhỏ hẹp. Ngài đã qua đời ngày 16 tháng 2 năm Giáp Ngọ tức là ngày 20 tháng 3 năm 1954 tại tư gia số 72 đường Nguyễn Du, Sài gòn, hưởng thọ 76 tuổi. Linh cữu được đưa về an táng tại An Lăng, Huế.

Vua Thành Thái lúc 75 tuổi tại Vũng Tàu

Vua Thành-Thái với cầu Trường Tiền

Năm 1899, trong buổi lễ khánh thành Cầu Trường Tiền nhà vua đã hỏi Khâm sứ Pháp Levecque hiện diện: “Ông Khâm sứ, chiếc cầu đã xây xong; vậy bao giờ người Pháp rời Việt Nam về nước?” Ông khâm sứ trả lời: “Tâu ngài, chừng nào cầu Trường Tiền sập thì chúng tôi sẽ về Pháp.” Năm 1904, Huế bị bão lụt lớn, cầu Trường Tiền bị hư hại nặng, gần như bị sập. Nhân một hôm ông Khâm sứ vào đại nội yết kiến Vua, ngài nhớ câu trả lời của ông Khâm sứ trước đây, bèn hỏi: “Ông Khâm sứ, cầu Trường Tiền bị sập rồi, sao người Pháp chưa về nước đi?” Câu hỏi có tính cách thách đố, bao hàm ý nghĩa cho nên ông Khâm sứ đánh trống lảng, bắt sang câu chuyện khác với các quan trong triều. Câu hỏi mang ý chống đối, xua đuổi và hàm chứa tinh thần bất hợp tác cùng với hành động có vẻ phản nghịch của nhà vua như việc tuyển mộ thanh niên nam nữ vào đại nội để huấn luyện quân sự đã khiến người Pháp viện cớ để truất phế nhà vua và chọn Thái tử Vĩnh San lên ngôi, lấy niên hiệu là Duy Tân. Không ngờ vua Duy Tân, tuy nhỏ tuổi nhưng cũng có thái độ chống người Pháp, đã cố gắng học hành và khi hiểu được chính sách cai trị bóc lột hà khắc của thực dân Pháp đối với nhân dân, ngài đã lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Thái-Phiên Trần Cao Vân tại Huế năm 1916. Cuộc khởi nghĩa thất bại vì nội phản. Hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân bị lên máy chém. Vua Duy Tân và Vua cha Thành Thái bị lưu đầy sang đảo Reunion kể từ đó.

Ông Nguyễn Phước Bảo Thọ, năm nay 76 tuổi, hiện sống tại San Jose, là cháu nội của Cựu Hoàng Thành Thái và là Cựu Tổng Thư Ký Hội đồng Nguyễn Phước tộc tại Huế vào những năm 1970. Địa chỉ điện thư: npbaotho@yahoo.com.

source

Viet Tribune Online

Tuesday 13 April 2010

Xung đột 1979 là trách nhiệm của ai?



Quân Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979

Quân Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979

Năm tôi lên chín, Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Yếu tố chính trị trực tiếp nào đưa đến cuộc chiến năm 1979? Có phải là xu hướng "ly khai" của cộng đồng Hoa kiều phía Nam khi đòi giữ ngoại tịch và chối bỏ quốc tịch Việt Nam vào nửa cuối thập niên 70?

Hay là chính sách bài trừ tư bản mà cộng đồng Hoa kiều bị ảnh hưởng nhiều nhất? Hay đó là câu trả lời cho cuộc chiến của Việt Nam với Cambodia nhằm trừ khử Khme Đỏ, khi đó đang được Trung Quốc đỡ đầu?

Phải chăng Trung Quốc gây chiến để dằn mặt khi Việt Nam đang giao hảo chặt chẽ với Liên Xô và mở rộng ảnh hưởng tới Lào và Cambodia? Hay để Trung Quốc lấy điểm với Mỹ vì lúc đó chiến tranh lạnh vẫn đang căng thẳng?

Hay nó đơn thuần để giải quyết những xung đột nội bộ Trung Quốc để lại từ thời kì Tứ Nhân Bang ? Tất cả những khả năng trên các sử gia phương Tây cho tới nay vẫn chưa ai có số liệu thật đầy đủ và thuyết phục.

Vết thương khó lành

Nhưng cho dù với bất cứ lí do gì thì đây cũng là một cuộc chiến hết sức man rợ và vô nhân đạo, vì chưa đầy 30 ngày mà gần một trăm ngàn người (60-100 ngàn theo các số liệu khác nhau) của cả hai phía đã thương vong.

Chừng nào những ẩn số lịch sử về nguyên nhân cuộc chiến chưa được sáng tỏ trước cộng luận và lịch sử thế giới thì chừng đó nguy cơ để xảy ra những tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc và các nước láng giềng còn có cơ hội tái diễn, đặc biệt khi nền chính trị tại quốc gia khổng lồ này còn dựa trên nền tảng độc tài toàn trị.

Mặc dù cuộc chiến đẫm máu chính thức diễn ra khá ngắn ngủi nhưng những đợt pháo kích dai dẳng dọc tuyến biên giới, kéo dài nhiều năm sau đó mới để lại những "vết thương" khó lành trong kí ức đương đại của dân chúng Việt Nam, đặc biệt là dân miền Bắc.

Làng tôi sống khi ấy gồm ba xóm, nay thuộc quận Ba Đình, vậy mà cũng có tới hai anh đi bộ đội bị pháo chết trên "chốt".

Từ "lên chốt" đã có lúc được nhiều thanh niên nhắc tới như "ác mộng". Dù mục tiêu chiến lược của việc tấn công Việt Nam vẫn còn nhiều uẩn khúc lịch sử nhưng về mặt nào đó Trung Quốc đã thành công trong việc gây nên một tâm lý lo lắng bất ổn, pha sự sợ hãi trong các thành phần dân chúng Việt Nam.

Điều Trung Quốc không lường hết là cuộc chiến 79 giống như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng "tấm ván thiên" chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của các dân tộc Việt với kẻ xâm lược ngàn năm từ phương Bắc.

Tuy nhiên điều Trung Quốc không lường hết là cuộc chiến 79 giống như một nhát cuốc tàn bạo, lật thẳng "tấm ván thiên" chôn nỗi căm thù sâu thẳm và âm ỷ của các dân tộc Việt với kẻ xâm lược ngàn năm từ phương Bắc.

Sự căm thù tưởng đã có lúc bị vùi lấp đi bởi "tấm tình đồng chí" môi hở răng lạnh, hay bởi những (...) "Núi liền núi, sông liền sông" hữu hảo.

Xâm lăng 1979 đã đánh mạnh vào lòng tự hào của các dân tộc Việt, cái mà ở chừng mực nào đó đã giúp họ tồn tại anh dũng bên cạnh "đế quốc" Trung Hoa trong ngàn năm không bị đồng hóa, kể từ chiến thắng Bạch Đằng.

Mục đích Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học bằng cuộc chiến 1979 có lẽ cũng man dại và phản tác dụng không khác gì việc trước đó quân đội Mỹ ném bom rải thảm nhằm đưa Hà Nội quay lại "thời kì đồ đá".

Về mặt lịch sử, chiến tranh 79 là một mũi tiêm chủng tái khởi động ý thức đề kháng mãnh liệt chống lại dã tâm tạo ảnh hưởng và "kiểm soát" của Trung Quốc với Việt Nam ở hiện tại và tương lai.

Với những kí ức và thông tin của riêng mình có được, tôi không hề nghĩ rằng cuộc chiến tranh 1979 chỉ dừng lại ở khẩu hiệu của Đặng là "dạy cho Việt Nam một bài học".

Cuộc chiến kéo dài

Cuộc chiến đã không thực sự kết thúc sau năm 1979. Hơn thế, nó là một tính toán lâu dài, thậm chí nó là một phần trong cả một chính sách lớn của Trung Quốc với Việt Nam mà hành động phát lộ đầu tiên là đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Mặc dù trước đó lính Trung Quốc đã lấn chiếm bằng cách di dời cột mốc biên giới khi giúp chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà làm đường.

Sự ngẫu nhiên của số phận và nghề nghiệp đã cho tôi thêm tư liệu và thông tin để nhìn nhận chi tiết mối quan hệ "vừa là đồng chí vừa là anh em" rất mai mỉa này.

Với quyết tâm tìm cho ra mối quan hệ của một số loài muỗi sốt rét chính ở Việt Nam và mối tương quan dẫn truyền của nó qua biên giới Việt-Trung, tôi đã đi hàng chục chuyến công tác tại dọc tuyến biên giới Việt Trung.

Ở nhiều nơi khi tôi đến, danh nghĩa là cuộc chiến đã qua 20 năm, ký ức về sự man rợ của cuộc chiến như vừa mới hôm qua. Lần đầu đến Hà Giang, ngồi cạnh bác lái già chạy xe Hà Giang-Vị Xuyên, ông kể. "Năm 79 nó sang, dân bên mình hoàn toàn bị bất ngờ, vì thế thiệt hại là vô kể.

''Nó rút đi đặt mìn giật sập bất cứ cái gì gọi là do tay con người tạo nên. Mìn nó còn gài lại vô số trong các khu dân cư, tỉnh lộ. Mà nào có yên, pháo nó còn "củng" sang đây liên tục tới năm 88-89.

''Thằng con tôi đi củi với hai thằng bé cùng lớp bị trúng mìn. Hai đứa chết, một đứa cụt hai chân, mù mắt". Phía Việt Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ trong cuộc chiến 79.

''Khu vực "Hữu nghị Quan", dân các xã xung quanh kể lại là chiều hôm trước lính Tàu còn sang đá bóng với thanh niên địa phương và lính biên phòng Việt Nam. Tối hôm đó có chiếu bóng ngoài bãi, bọn lính Tàu còn sang chơi đầy, thế mà sáng hôm sau nó tấn công.''

Nhóm nghiên cứu của tôi đã "nằm" ở Cà Liểng, nơi có hẻm núi hẹp, độc đạo, mà xe tăng Trung Quốc đã vào Việt Nam ở ngả Cao Bằng. Một cô giáo bản, dân tộc Mèo "đen" sáng hôm đó chở ông bố xuống huyện khám bệnh.

Tự dưng thấy rất nhiều xe tăng với "bộ đội" ngồi trên ở phía sau tiến tới. Ông cụ giơ tay chào nhưng sau thấy xe tăng cứ tiến sát như muốn nghiến lên chiếc xe đạp, ông kêu ầm lên để các chú "bộ đội" nghe thấy.

Đột nhiên thằng ôn vật ngồi trên tháp pháo rút súng làm đánh đùng một cái vào đầu ông cụ.

Ông cụ lăn xuống chết tức khắc, cô con gái sợ quá quăng xe đạp lao vào rừng, chạy tắt xuống huyện đội. Lúc đó người ta mới ngã ngửa ra là Tàu đánh". Dân Thạch An, Cao Bằng mạnh ai nấy chạy, giạt hết lên núi.

Vào sâu trong rừng, người đồng bào sau đó tìm thấy những vạt rừng phủ kín quần áo, võng, bạt, vỏ đồ hộp và phân...của bọn lính sơn cước Tàu. Chúng đã ém quân từ khá lâu trước đó. Từ đỉnh núi đồng bào địa phương nhìn ngay xuống bản, thậm chí sân nhà mình. Nhiều người phải liều mạng lẻn về để lấy muối, lấy dao, quần áo...

Chiều đến họ thấy hàng chục thằng lính Tàu "vật nhau" với những chiếc xe đạp của dân bỏ lại.

Bọn lính này được tuyển mộ từ những vùng cực kì nghèo đói và lạc hậu của Hoa lục nên không biết ngay cả đi xe đạp.

Không ngạc nhiên rằng chúng hết sức tàn bạo và hung hãn. Đối với người dân tộc sống dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, căn nhà và các vật dụng thiết thân như con dao, cái cối đá, ngọn đèn dầu là những vật vô cùng quí giá.

Nắm được tâm lí này, bọn lính Tàu được lệnh tàn phá mọi thứ dù là nhỏ nhất, trước khi rút đi.

Người dân các vùng từ Cao Bằng, Hà Giang, Lao Cai... đều kể cho tôi nghe những chi tiết khá tương tự rằng khi về lại nhà cũ, tất cả bị thiêu trụi. Những chiếc đèn dầu hỏa, vại dưa, chum nước, cối đá... đều bị đập vỡ, ngay cả những con dao bài giắt ở vách bếp cũng bị chặt vào nhau cho nát lưỡi dao, giếng nước bị sâp vì lựu đạn tống xuống.

Năm 1986, trong một chuyến thực tập hè ở Lương Sơn, Hòa Bình, tôi ở cùng những trung đoàn lính Việt nam đang tập đạn thật vì địa hình Lương Sơn tương tự Vị Xuyên, Hà Giang.

Sau một tháng họ sẽ đi Vị Xuyên. Những người lính trẻ âu lo vì những tin tức ác liệt từ Vị Xuyên và các điểm nóng khác vẫn truyền về trong suốt nhiều năm sau 1979.

Đầu năm 1988, Trung Quốc tấn công Trường Sa, 74 bộ đội Việt Nam đã bị thiệt mạng.

Năm 1995, theo anh bạn học làm kiểm dịch sinh vật, tôi lên cửa khẩu Chi Ma. Mặc dù hai nước lúc đó đã "bình thường hóa" và thông thương buôn bán nhưng những dãy đồi trùng điệp liền kề với cửa ải này vẫn dày đặc các trận địa mìn.

Xung đột lẻ tẻ trên đường biên vẫn liên tiếp xảy ra. Ban đêm, các cột mốc bị di dời vào đất Việt Nam như cơm bữa. Nhiều năm trở lại đây, trên biên giới bộ cột mốc vẫn bị di chuyển.

Trên biển, Trung Quốc nhiều lần dùng tàu chiến tấn công thuyền đánh cá và giết hại ngư dân Việt nam. Sự leo thang đã trắng trợn tới mức báo động khi Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc huyện Tam Sa của Hải Nam cuối năm 2007, xua đuổi các công ty liên doanh thăm dò dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn của Việt nam và vừa rồi quyết định đầu tư 29 tỷ đôla để khai thác dầu trong hải phận Việt Nam.

Tiền (...) giả được in bằng những kỹ thuật tinh vi từ Trung Quốc, tràn ngập qua các ngả biên giới vào Việt Nam. In bạc giả là một loại tội phạm nghiêm trọng ở mọi quốc gia. Sản xuất tiền giả để tung vào quốc gia khác là vi phạm luật pháp và công ước quốc tế.

Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn im lặng trước những hoạt động tội phạm quy mô lớn này. Rõ ràng sự tấn công (...) bằng quân sự trên biển và đất liền, tấn công chính trị và ngoại giao, tấn công phá hoại kinh tế... kéo dài hàng chục năm sau cuộc chiến, qua nhiều đời Tổng bí thư của Trung Quốc ắt phải là mưu đồ làm cho nước láng giềng nhỏ bé phải "chảy máu" tới chết.

Người Mỹ từ lâu đã có trách nhiệm hỗ trợ rà gỡ bom mìn trong chiến tranh, sao tới nay người Trung Quốc vẫn tảng lờ những trận địa mìn nằm trên đất Việt?

Theo tính toán của Bộ Quốc Phòng (...), sẽ còn mất hàng chục năm nữa để giải phóng các trận địa mìn nằm trên đất (...), dọc biên giới phía Bắc.

Những trái mìn Made in China đang nằm trên đất (...) chính là những bằng chứng hiển nhiên để mỗi người dân (...) có cơ hội để đánh giá sự thành thật, thiện chí theo phương châm "(...) chữ vàng" từ phía nước láng giềng khổng lồ phía Bắc này.

source

BBC Vietnamese

Friday 9 April 2010

Tàu hải quân Hoa Kỳ sửa ở Việt Nam xác định mối quan hệ mới





Greg TorodeNguyên Hân lược dịch


Tàu hải quân Hoa Kỳ sửa ở Việt Nam xác định mối quan hệ mới giữa hai bên


Một chiếc tàu tiếp vận của hải quân Hoa Kỳ vừa sửa xong ở Việt Nam, gần Vịnh Cam Ranh vốn được (nhiều nước) thèm muốn sử dụng - một dấu hiệu hợp tác thầm lặng mới nhất giữa hai nước cựu thù mà những nhà phân tích thời cuộc tin rằng điều này đã gởi một thông điệp mang tính chiến lược đến Trung Quốc khi nước này ngày càng quyết đoán chủ quyền của họ lên vùng Biển Nam Hải.

Viên chức của Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ xác nhận với báo South China Morning Post là hợp đồng sửa chữa tàu USNS Richard E. Byrd kéo dài 16 ngày đã hoàn tất tháng rồi. Các viên chức này miêu tả mối quan hệ này dựa trên căn bản thương mãi hơn là mang tính quân sự nhưng họ nói rằng đó cũng là một phần trong nỗ lực “xúc tiến xây dựng khả năng nhằm sửa khẩn cấp và định kỳ (tàu của hải quân Hoa Kỳ).”

Đã lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên hải quân Hoa Kỳ đến gần với Vịnh Cam Ranh nhất – là căn cứ có độ sâu và mang tính chiến lược do Hoa Kỳ xây dựng trong thời Chiến tranh Việt Nam và sau đó lọt vào tay Liên bang Xô-viết sử dụng ở thời điểm tột cùng căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh – và lần này xảy ra trước lần thứ 15 ngày quan hệ ngoại giao được phục hồi giữa Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn.

USNS Richard E. Byrd là chiếc tàu tiếp vận thứ hai của hải quân Hoa Kỳ sửa ở Việt Nam.

USNS Richard E. Byrd đang thả neo ở Vịnh Vân Phong trong suốt 16 ngày sửa chữa ở đó. Nguồn: DCVOnline
Tàu có trọng tải 40.000 tấn, do nhân viên dân sự điều khiển được sửa bởi Công ty Đóng tàu Cam Ranh - một công ty thuộc tập đoàn VINASHIN của nhà nước Việt Nam - ở Vịnh Vân Phong, gần thành phố du lịch Nha Trang. Việt Nam gia tăng nhanh số công xưởng đóng và sửa chữa tàu cho thấy là họ có khả năng đáp ứng được với những loại tàu quân sự của Hoa Kỳ và các nước khác - tất cả là một phần của một chính sách sâu rộng hơn nhằm xây dựng mối quan hệ chiến lược một cách thầm lặng để đối phó với chuyện xây dựng lực lượng hải quân của Trung Quốc.

Tiến sĩ Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về quốc phòng Việt Nam và Biển Nam Hải ở Viện Phòng thủ Úc cho rằng việc sửa tàu này có ý nghĩa lớn lao trên nhiều mặt.

“Điều này sẽ mở đường cho nhiều tàu ghé Việt Nam thăm trong tương lai, tạo điều kiện cho mối quan hệ quân sự được phát triển sâu rộng hơn và cũng sẽ làm cho viên chức nhà nước Việt Nam cảm thấy thoải mái hơn đối với tàu Hoa Kỳ,” ông Thayer nói. “Cùng lúc, điều này gởi một thông điệp mang tính chiến lược, dù là gián tiếp đến Trung Quốc - Việt Nam có thể cho rằng đây chỉ là chuyện sửa tàu mang tính làm ăn thuần túy nhưng ý nghĩa của chuyện hợp tác này sẽ tác động lên Bắc Kinh.”

Phát ngôn viên của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ Trung tá Jeff Davis nói rằng đây không là một hoạt động mang tính quan hệ quân sự giữa hai nước nhưng chỉ là một sự sửa tàu ở một xưởng sửa chữa tàu dân sự. “Chúng tôi xem đây là một cơ hội để xây dựng khả năng sửa chữa tàu trong những lần khẩn cấp,” ông Davis nói, và nhấn mạnh rằng như thế “tiết kiệm tiền đóng thuế của dân Mỹ vì giảm bớt thời gian di chuyển của tàu (nếu mang đi sửa ở chỗ khác)”.

“Chúng tôi có hợp đồng với các hãng sửa chữa tàu dân sự ở nhiều nước trong vùng Á châu, bao gồm Phi Luật Tân, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Đại Hàn và Ấn Độ để cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu theo định kỳ. Sử dụng các hãng sửa chữa tàu thương mãi ở nhiều nước khác nhau, chúng tôi giảm thiểu “thời gian chết” của tàu, không sử dụng tàu được vì bến bãi không có cho tàu vào.”

Nhà phân tích Thayer nói rằng ông nhận thấy ở những nước có hợp đồng sửa chữa tàu cho hải quân Hoa Kỳ trong vùng Á châu này thường là những đối tác chiến lược hay đồng minh của Hoa Kỳ.

“Rất thú vị khi thấy Việt Nam rõ ràng đang dịch gần hơn về phía các nước nằm trong chiều hướng chiến lược của Hoa Kỳ - và ý nghĩa của chuyện này cũng sẽ được Bắc Kinh để mắt tới.

“Điều này mang tính hợp lý, cũng cố thêm cho mối quan hệ - chuyện sửa chữa tàu này tạo điều kiện cho một cơ hội xây dựng và phát triển mối quan hệ quân sự sâu rộng hơn một cách thầm lặng,”
ông Thayer nói.

Hình công nhân Cam Ranh Shipyard chụp hình lưu niệm trên tàu. Trái: Cờ hai nước ở quarterdeck. Phải: một trong hai chiếc trực thăng trên tàu đang được bảo trì ở sân bay của tàu (Flight deck). Nguồn: DCVOnline
Công việc sửa chữa nhiều hạng mục khác nhau và chùi rữa tàu lần rồi phí tổn 382.000 ngàn đô-la, đã được (...) giữ im lặng, và viên chức (...) đã chưa chính thức lên tiếng về chuyện này. Nói chuyện riêng tư, thì viên chức (...) ở (...) cảnh giác với sự có mặt ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở vùng Biển Nam Hải, nơi hai nước đều cho mình có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đang có ý đồ ký kết hợp đồng với các hãng dầu ngoại quốc.

Cùng lúc, (...) - một đất nước đã đổ nhiều máu xương cho nền độc lập đang cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc mà không chịu ơn ai.

Hoa Kỳ, cũng càng lúc càng khẳng định quyền lợi của mình trong chuyện tuần tra thường xuyên vùng biển mà họ cho rằng đó là hải phận quốc tế trong vùng này.

Qua cuộc điều trần tổng quát tuần rồi ở Quốc hội Hoa Kỳ, Tư lệnh Lực lượng Quân sự Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương Đô đốc Robert Willard bày tỏ mối quan tâm về sự xây dựng quân sự của Trung Quốc đang xảy ra và cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ quân sự với Việt Nam “tiếp tục cải thiện.”

Ông cũng nói các nước trong vùng đã cảnh cáo ông rằng Hoa Kỳ không nên xem những mối quan hệ an ninh (giữa Hoa Kỳ và các nước trong vùng) là chuyện tự nhiên trong lúc Trung Quốc đang tìm kiếm sự tiếp cận và gia tăng ảnh hưởng.

Quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang gia tăng từ từ qua chuyện chiến hạm Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam cho đến những buổi thảo luận về hợp tác giữa các ban ngành trong quân đội hai nước.

Hoa Thạnh Đốn nhắm vào một thỏa thuận toàn diện hơn nhằm sửa chữa và cung cấp hàng hóa cho tàu Hoa Kỳ - để qua đó bảo đảm tàu Hoa Kỳ được vào ra những cảng mang tính chiến lược – trong lúc Hà Nội thiết tha được mua một số vũ khí và trang thiết bị quân sự đủ mọi thứ từ Hoa Kỳ. Hệ thống ra-đa để canh chừng vùng duyên hải là một trong những mặt hàng nằm trong danh sách trang thiết bị quân sự Việt Nam muốn mua.

Hoa Kỳ đã từ lâu thôi không gợi ý đến chuyện Việt Nam cho phép Hoa Kỳ trở lại Vịnh Cam Ranh, mà trong tương lai gần có thể được chuyên viên Nga tái xây dựng vùng Vịnh này làm nơi chứa sáu chiếc tàu ngầm loại Kilo Mạc Tư Khoa đang có hợp đồng bán cho Hà Nội.

Hiện chưa rõ những chiếc tàu ngầm nhằm đề phòng sự xây dựng quân sự của Trung Quốc - sẽ nằm ở chỗ nào nhưng Vịnh Cam Ranh, nơi mà tàu ngầm nguyên tử của Nga đã một thời nằm ở đó – là cảng thiên nhiên tốt nhất trong vùng – mà qua cả thập niên 1980, cùng với một căn cứ tình báo điện tử đã kiểm soát bao quát toàn vùng.




Nguồn:

(1) US ship repair in Vietnam confirms ties. Dock work a clear signal to China. South China Morning Post, by Greg Torode, chief Asia correspondent, 2 April 2010


source:

© DCVOnline

Friday 2 April 2010

Hơn 10.000 công nhân đình công


Thứ Sáu, 02/04/2010, 21:27 (GMT+7)


TTO - Sáng 2-4, hơn 10.000 công nhân công ty Ponchen Việt Nam (Xã Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai) đã đình công.

Đây là công ty chuyên sản xuất giày da, 100% vốn nước ngoài.

Yêu sách công nhân đưa ra là ban giám đốc công ty tăng lương, đồng thời cải thiện khẩu phần ăn cho công nhân. Nhiều công nhân cho biết suất ăn của công ty hiện nay chỉ khoảng 4.000 đồng/suất, không đủ tái tạo sức lao đông.

Cùng ngày, ban giám đốc công ty thông báo sẽ tăng lương cho công nhân 5%. Tuy nhiên hầu hết công nhân vẫn chưa đồng tình và bỏ ra về.

Các công nhân yêu cầu chủ sử dụng lao động tăng lương cho và cải thiện khẩu phần ăn cho công nhân - Ảnh: A.Thoa

ANH THOA

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/371573/Hon-10000-cong-nhan-dinh-cong.html