Sunday 23 September 2012

Thái Tuấn và hội họa miền Nam



Thái Tuấn và hội họa miền Nam 
Wednesday, September 19, 2012 2:16:49 PM 




Viên Linh
  
“Thái Tuấn đã tổng hợp tinh túy của nghệ thuật Á Ðông và kỹ thuật hội họa Âu Châu để vẽ nên những tấm tranh của mình. [...]Tiến vào nền nghệ thuật mới, cuộc Triển lãm Hội họa Mùa Xuân Giáp Thìn, 1964, do Văn Hóa Vụ tổ chức ở Nhà Hát Lớn Sài Gòn là một cột mốc đáng kể. Có 583 họa phẩm sơn dầu do hơn 200 họa sĩ khắp nơi gửi về tham dự. 
Họa sĩ Thái Tuấn tự họa, 2004. (Hình: Tài liệu riêng của Viên Linh)
Phòng tranh này đã gây được nhiều dư vang trong cuộc sống tinh thần của đất nước chính phần nào cũng là nhờ ở sự thúc đẩy của Hội Ðồng Giám Khảo cuộc triển lãm, cổ xúy cho cái mới, hỗ trợ cho những tiếng nói trẻ táo bạo, với chủ tịch hội đồng là Thái Tuấn và 4 thành viên khác trong hội đồng.” (Huỳnh Hữu Ủy, Hai Mươi Năm Hội Họa Miền Nam, 1954-1975, Khởi Hành 81, 7.2003)
Họa sĩ Thái Tuấn là một nghệ sĩ toàn diện mà tài năng không chỉ ở nghệ thuật tạo hình, ông còn làm thơ, viết tiểu luận, tổ chức các cuộc triển lãm lớn qui tụ nhân tài trong nước, nhất là nhân tài trong giới trẻ chưa có dịp xuất hiện; ông còn là người, qua nét vẽ của mình, đưa vẻ đẹp phương Ðông giản dị hiển hiện và tồn tại trong tâm tưởng người thưởng ngoạn. Sau năm 1954 ông đã thúc đẩy nền hội họa miền Nam tiến triển không ngừng, mà từ đó, khơi dậy sự sáng tạo tưng bừng, chỉ bốn năm sau, 1958, miền Nam có hơn 50 cuộc triển lãm hội họa! Theo tổng kết của nhà biên khảo nghệ thuật tạo hình Huỳnh Hữu Ủy, năm sau có 300 bức họa được chọn (trong hàng ngàn bức) để trưng bày trong Phòng Triển Lãm Mùa Xuân Kỷ Hợi 1959. Ðỉnh cao đáng kể nữa là năm 1962, Việt Nam lần đầu tiên đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm mời nghệ sĩ các nước tham dự, mệnh danh là “Ðệ Nhất Triển Lãm Quốc Tế Mỹ Thuật” tại Sài Gòn, diễn ra trong một tuần lễ tại Vườn Tao Ðàn, có mặt nhiều nước như Pháp, Ðức, Mỹ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Á Căn Ðình, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Á Châu như Nhật, Trung Hoa, Ấn Ðộ, Úc Châu,... và nhiều nước khác. Trong lòng cuộc sinh hoạt nghệ thuật này, Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam được thành lập, và đây là nhóm nghệ sĩ xung kích nổi bật nhất của Việt Nam trong thời hiện đại; ở đó người ta thấy những người sẽ trở thành các nghệ sĩ tên tuổi không phải của một thời, mà sau 1975, cho dù chính thể biến chuyển, họ vẫn tồn tại, vẫn được trọng vọng, dù ở hải ngoại hay ở trong nước.
Các nghệ sĩ của miền Nam trưởng thành sau thập niên '50 đã trở nên một hiện tượng rỡ ràng. Dù không muốn so sánh, người ta vẫn tự nhiên nhìn thấy sự so sánh. Vì sao ở hữu ngạn con sông cỏ cây phong cảnh tốt tươi, mà nơi tả ngạn là sự còi cụt khô cằn và ảm đạm? Ðiều giản dị và căn bản là nghệ sĩ bên hữu ngạn đã được nuôi dưỡng bởi tinh thần sáng tạo, lối sống tự do, nội dung nhân bản, được đãi lọc trong ảnh hưởng của tinh hoa nghệ thuật thế giới, vì hữu ngạn mở cửa ra với thế giới, đón nhận cái hay cái đẹp của thế giới. Nơi nào cá tính bản chất con người được nẩy nở, được vun bồi, nơi ấy cuộc sống thăng hoa. Ngược lại phía tả ngạn “toàn là hoa cúc vạn thọ” như văn hào Phan Khôi đã báo động từ thập niên '50 ở Hà Nội.
Cho tới ngày nay, nói tới hội họa Việt Nam, khởi nguồn từ thế hệ thứ nhất sau khi trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương được người Pháp thành lập ở Thăng Long-Hà Nội năm 1925, chúng ta nói đến những sinh viên họa sĩ khóa đầu tiên, những Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Ðệ, sau đó là những tinh túy của thời tiền chiến, nhưng Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Tạ Tỵ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh... Theo Nguyễn Hải Yến, bà nhắc đến “tứ quí Trí Lân Vân Cẩn.* Ở miền Nam thời dựng nước Cộng Hòa, chúng ta có Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tú Duyên, Văn Ðen, và tiếp đó là một lớp sóng triều ào ạt: Nguyễn Trung, Ðinh Cường, Cù Nguyễn, Nguyễn Phước, Trịnh Cung, Nguyên Khai, Lê Tài Ðiển, Nguyễn Ðồng, Nguyễn Thị Hợp, Hồ Thành Ðức, Bé Ký.
Tranh Thái Tuấn một mình tách hẳn khỏi đám đông. Ðó là những bảng màu nhạt lạnh, nhiều màu đen, xám, xanh rêu, xanh lục, mênh mông không gian, nếu khoảng trống là không gian. Ngoài phụ nữ ông ưa vẽ đàn ông trong vai hề, hay vai diễn viên. Còn nhớ tôi thực sự quen ông là vào năm 1960, khi đang ở chùa Phú Thạnh. Ngôi chùa có mặt tiền mở ra đường Nguyễn Huỳnh Ðức, mặt hông phía phải là con ngõ trổ ra đường Trương Tấn Bửu. Lúc đầu ở một mình, sau họa sĩ Nguyễn Trung chia một nửa căn nhà để làm xưởng vẽ, tôi cũng có vẽ một tấm tranh sơn dầu để ở xó nhà. Nguyễn Trung cũng để ở xó nhà một bức, màu bleue nhạt. Bức này đem dự Cuộc Triển Lãm Mùa Xuân 1960 hay 61, và được trao Huy Chương Bạc. Một hôm đang ở nhà thì Nguyễn Trung đi đâu về, dẫn theo họa sĩ Thái Tuấn. Thấy anh ngó tấm tranh với bảng màu nâu sẫm đỏ màu máu bầm, tôi khoe là tranh của tôi. Anh không có vẻ ngạc nhiên gì, nhưng chăm chú hơn. Vẽ tiếp đi nhé, anh bảo tôi.
Thái Tuấn tên thật là Nguyễn Xuân Công, ra đời ở Hà Nội năm 1917, vậy lúc gặp nhau lần đầu anh 43 tuổi, tôi 22. Suốt thời gian quen biết, sau Tháng Tư 75, chúng tôi vẫn thường trao đổi thư từ, đôi khi thư anh kèm theo một tấm tranh vẽ trên giấy croquis, đôi khi là một bài thơ, thảng hoặc là một bài tiểu luận ngắn.
Lúc 4 giờ sáng thức dậy, nấu xong một ly cà phê expresso, lục mở di cảo ra xem, tôi thấy bản sao cái catalogue khi người Pháp tổ chức triển lãm tranh cho anh ở La Maison Francaise tại Tòa Ðại Sứ Pháp ở thủ đô Washington, D.C. Phần tái bút Thái Tuấn gọi tôi bằng ông: “T.B. Cái tờ catalogue phê bình Tây nó phong cho mình là Maitre ông thấy có ‘xướng’ không?”
Lá thư chót tôi tìm được trong mớ giấy tờ anh gửi cho tôi thấy đề năm 2005. Cũng sung sướng tìm thấy 3 tấm tranh “original” tặng tôi, có một tấm tranh mầu khỏa thân phía sau là 4 câu thơ anh viết tay:
Trần truồng tự thuở nằm nôi
Ðến khi từ giã cuộc chơi vẫn truồng...
(Thái Tuấn, 2005)
Ðó chỉ là hai câu trích trong bài thơ anh vịnh tấm tranh tố nữ, ký 2005, lúc 88 tuổi. Vì tấm tranh quá khổ cho một cái phong bì, và cái phong bì quá khổ đã bị vứt đâu mất, nên không rõ lúc làm bài thơ này anh ở đâu, hải ngoại hay Sài Gòn. Chỉ biết hai năm sau, anh mất ở Sài Gòn, ngày 26 tháng 9, 2007. (Tài liệu từ Hồi Ký Viên Linh, chưa in)

Chú thích:
*Trí Lân Vân Cẩn là một “cụm từ” chỉ bốn nhà danh họa Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn. Ðọc thêm: Nguyễn Hải Yến: “Hội Họa Hà Nội, Những Kí Ức Còn Lại,” Picture Art Foundation xuất bản, 2010. www.pictureartfoundation.org.

SOURCE
NGUOI-VIET ONLINE 

Vì bản chất dân tộc Việt?


Cập nhật lúc: 4/11/2012 9:22:14 PM
Vì bản chất dân tộc Việt?









Thương xá Phúc Lộc Thọ ở Little Saigon

LGT: Đã có những cuốn sách như “Người Mỹ Xấu Xí”, “Người Nhật Xấu Xí”, “Người Trung Hoa Xấu Xí”... Nhưng chỉ mới có những mẫu chuyện “Người Việt Xấu Xí” được đăng đó đây trên báo in hay trên các mạng lưới. Người Việt cũng như các dân tộc khác đều có nhiều đức tính tốt nhưng không thiếu những tính xấu. Vấn đề là cần biết để sửa đổi. Bài viết sau đây của nhà báo Lữ Giang ở California.

* * *

Ngày đầu năm đi ra phố Bolsa uống cà phê, gặp người nào nhìn tôi cũng cười cười... Hỏi đầu năm có chuyện gì vui vậy, họ lại cười và nói: “Cua Mỹ và cua Việt”!

Thì ra rất nhiều người đã thích thú khi đọc bài “Chỉ là chuyện giấc mơ” của tôi, trong đó tôi có kể lại chuyện “Người Việt xấu xa” của Dan Huynh nói về bản chất người Việt. Câu chuyện do Dan Huynh kể đại khái như sau:

Có hai người đi bắt cua, họ bỏ cua Việt và cua Mỹ vào hai thùng khác nhau. Một người bảo người kia chỉ cần đậy nắp thùng cua Mỹ, không cần đậy nắp thùng của Việt. Được hỏi tại sao, người này giải thích:

“Cua Mỹ khác hẳn cua Việt vì nó biết cách nằm chồng lên nhau, cho các con khác bò lên người để ra khỏi miệng thùng, còn cua Việt Nam thì con nào vừa định ngoi lên đã có con bên cạnh níu chân kéo xuống nên không bao giờ lên đến miệng thùng, khỏi cần đậy nắp!”

Đa số đã lấy làm thích thú vì cho rằng chúng tôi đã dám nói lên những bản chất khá phổ biến của cộng đồng người người Việt hải ngoại, nhưng một số nhỏ bị “chạm nọc” đã vẫy vùng hung hãn bằng cách “chọi đá đường rầy xe lửa”!

Một câu hỏi được đặt ra: Cùng những cơ hội giống nhau, tại sao Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore ngóc đầu lên được, còn Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Mã Lai, Miến Điện… không ngóc đầu lên nổi? Phải chăng vì “bản chất dân tộc”?

Nhân ngày đầu năm, chúng ta thử xem bản chất thực sự của người Việt như thế nào theo những cách nhìn khác nhau, để từ đó loại bỏ cái xấu và xây đắp những cái tốt, đưa dân tộc đi lên.

Người Mỹ nhìn người Việt


Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã nói lên 10 đặc tính căn bản của người Việt, xin tạm dịch như sau:

1.-  Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.

2.-  Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.

3.-  Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng các thành phẩm của mình.

4.-  Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng lại không phát huy được xu hướng nào thành những nguyên lý.

5.-  Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những công việc tốt).
[when small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs]

6.  Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.

7.  Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương).
[to save face or to show off].

8.-  Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.

9.-  Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ.

10.-  Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 2 người làm thì kém, 3 người làm thì hỏng việc).
[one person can complete a task excellently; 2 people do it poorly, and 3 people make a mess of it].
Những phân tích trên đây cho chúng ta thấy người Mỹ đã hiểu rất rõ người Việt. Tại  sao người Việt lại có những đặc tính như thế này?

Người xưa cũng đã nhận ra


Học giả Trần Trọng Kim (1883 – 1953) khi viết bộ Việt Nam Sử Lược, ấn hành lần đầu tiên năm 1919, cũng đã phân tích khá rõ ràng những đặc tính của người Việt và những yếu tố tạo nên những đặc tính đó. Đa số người Việt lớn tuổi, khi còn nhỏ đều đã được học bộ sử này. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ xin trích lại dưới đây một số đoạn chính ông viết về đặc tính của người Việt.
Trong bài tựa, ông nói ngay:

“Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!”

“Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?”

“Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh  hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.”

Ở  Chương VI nói về “Kết Quả của Thời Bắc Thuộc”, ông có nhận định rõ hơn:
“Nguyên nước Tàu từ đời Tam Đại đã văn minh lắm, mà nhất là về đời nhà Chu thì cái học thuật lại càng rực rỡ lắm. Những học phái lớn như là Nho giáo và Lão giáo, đều khởi đầu từ đời ấy. Về sau đến đời nhà Hán, nhà Đường, những học phái ấy thịnh lên, lại có Phật giáo ở Ấn độ truyền sang, rồi cả ba đạo cùng truyền bá đi khắp cả mọi nơi trong nước. Từ đó trở về sau nước Tàu và những nước chịu ảnh hưởng của Tàu đều theo tông chỉ của những đạo ấy mà lập ra sự sùng tín, luân lý và phong tục tương tự như nhau cả…”

“Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.

“Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và Tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao? ...

“Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hóa làm sao được? Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ văn minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.

“Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.”

Đọc cuốn “Lều chõng”, một tiểu thuyết phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố (1894 - 1954), chúng ta có thể thấy rõ nền học vấn của người Tàu mà người Việt rập khuôn theo đã kềm hảm con người như thế nào.

Ông vốn là một nhà Nho, đã từng tham dự các kỳ thi hương dưới triều Nguyễn, nên đã phản ánh một cách trung thực những oái ăm của các kỳ thi này và nêu lên sự sụp đổ tinh thần của những nho sĩ suốt đời lấy khoa cử làm con đường tiến thân nhưng lại bị hoàn toàn thất vọng.

“Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”


Nước Việt Nam bị Pháp đô hộ gần 100 năm, đã cởi bỏ nền học vấn của Trung Hoa, tiếp thu nền học vấn mới của phương Tây, nhưng vẫn còn giữ lại nhiều nét căn bản của nền văn hóa Trung Hoa. Có nhiều hủ tục trong quan, hôn, tang, tế mà cuộc Cách Mạng Văn Hoá của Trung Quốc đã phá sạch, nhưng nhiều người Việt vẫn cố giữ lại như những thứ “quốc hồn quốc túy”.

Bài tục giao sau đây vẫn còn là tiêu chuẩn và mục tiêu thăng tiến của gia đình và con người Việt Nam:

Con ơi! muốn nên thân người

Lắng tay nghe lấy những lời mẹ cha


Gái thì giữ việc trong nhà

Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa

Mai sau nối được nghiệp nhà

Trước là đẹp mặt sau là ấm thân


Bây giờ người con gái không còn chỉ “giữ việc trong nhà”, và người con trai không còn chỉ “đọc sách ngâm thơ” mà đã đi vào khắp mọi lãnh vực của cuộc sống, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là “Trước là đẹp mặt sau là ấm thân”.

Trong nước, tiêu chuẩn của cuộc sống là có nhà sang cửa rộng, có xe hơi, có con đi du học ngoại quốc...

Tiêu chuẩn ở hải ngoại cũng thế thôi: Đi dâu cũng nghe khoe nhà trên cả triệu bạc, xe loại sang trọng nhất, con đang học bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư... Gần như không nghe ai khoe những công trình đang nghiên cứu hay thực hiện để đưa con người, cộng đồng và đất nước đi lên. Tất cả chỉ tập trung vào hai tiêu chuẩn là “đẹp mặt” và “ấm thân”.

Với mục tiêu như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn ra phố Bolsa, thủ đô của VNCH nối dài, đa số các cơ sở kinh doanh lớn đều không phải của người Việt. Tuy bên ngoài người Việt gốc Hoa đứng tên, nhưng đàng sau là các bang hội của Tàu. Thương xá Phúc Lộc Thọ vốn được coi là “Quốc Hội VNCH” ở Bolsa, nhưng phía trước là tượng các danh nhân Trung Hoa và tên thương xá được viết vừa bằng chữ Tàu vừa bằng chữ Việt. Houston cũng thế thôi.

Nếu mỗi gia đình và mỗi cá nhân chỉ lấy những mục tiêu như trên làm mục tiêu của cuộc sống và truyền từ đời nọ sang đời kia, còn lâu cộng đồng và đất nước với ngóc đầu lên được.

Nhìn qua người Hoa

Trong khi người Việt nhiễm văn hoá Trung Quốc đã trở thành như đã nói trên, người Hoa khi ra hải ngoại lại thích ứng rất nhanh nên vươn lên khá nhanh và khá cao. Những đặc tính của người Hoa ở hải ngoại được mô tả như sau:

1.- Cần cù, việc gì cũng làm

2.- Tiết kiệm, không sống khoe khoang hay xa hoa.

3.- Khởi sự từ buôn bán nhỏ.

4.- Đơn vị kinh tế gia đình: Gia trưởng đóng vai trò quan trọng. Tài sản có thể truyền từ đời nọ sang đới kia.

5.- Hình thành những xí nghiệp không theo một hình thức chặt chẽ, không theo những quy luật nhất định, tất cả đều dựa vào chữ TÍN.

6.- Không làm những công việc có tính cách phức tạp hay quá to lớn, chỉ thích kinh doanh vào những lãnh vực đơn giản. Khi cần làm ăn lớn thường chia ra làm nhiều công ty con.

7.- Móc nối với chính quyền và cá nhân khác rất giỏi. Không tham gia chính quyền hay đảng phái nào, nhưng thường nắm được các nhân vật có địa vị quan trọng có thể bao che hay hỗ trợ cho làm ăn.
(Tại Indonesia, người Hoa chỉ chiếm từ 3% đến 4% dân số, nhưng làm chủ 70% tài sản ở đất nước này với khoảng 160 trong số 200 xí nghiệp lớn của Indonesia. Gia đình ông Liem Sioe Liong, làm chủ xí nghiệp Salim với số vốn khoảng 9 tỷ mỹ kim, nhờ quen biết lớn với Suharto).

8.- Không thích tranh tụng, kiện cáo. Thường tìm cách dàn xếp mỗi khi có đụng chạm hay bị bắt vì vi phạm luật pháp.

9.- Phạm vi hoạt động gần như không biên giới.

10.- Thích ứng rất nhanh với những biến đổi của thời cuộc.

Trong bài “Mạng lưới kinh tế của người Hoa hải ngoại”, ông Phạm Văn Tuấn đã nhận thấy như sau về các hoạt động kinh doanh của người Hoa ở hải ngoại:

“Khi bắt đầu bước vào ngành thương mại, các người Hoa hải ngoại đã nhận được sự giúp đỡ từ các nhóm, các bang hay các cộng đồng của họ. Các hội tương trợ này được tổ chức căn cứ vào gia đình, hay nguồn gốc địa phương, hay thổ ngữ, chẳng hạn như các bang người Hẹ, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến. Các hội hay các bang này đã hoạt động như một thứ ngân hàng nhờ đó người Hoa có thể mượn tiền, trao đổi tin tức, tuyển mộ nhân công, giới thiệu thương nghiệp, hay thương lượng các dịch vụ.

Người Hoa hải ngoại thường tôn trọng chữ Tín, họ làm ăn bằng ước hẹn miệng và sự tin cẩn lẫn nhau, và họ không cần phải ký kết các văn bản, các giao kèo. Nếu một thương gia nào vi phạm lời hứa, người đó sẽ không bị truy tố ra pháp luật mà bị ghi vào sổ đen của các nhóm, các bang, đây là một tệ hại hơn, vì tất cả mạng lưới làm ăn của các cộng đồng người Hoa đều sẽ biết rõ sự việc, và việc kinh doanh của người vi phạm kể như bị chấm dứt.”

Số vốn của người Hoa hiện đang sống ở ngoại quốc được ước lượng khoảng 4.000 tỷ USD.

Quay lại nhìn mình


Cuộc kiểm tra năm 2010 cho thấy ở Mỹ hiện nay người Hoa chiếm 1%, còn người Việt là 0,5%, tức 1.548.449. Người Việt ở Cali là 581.946 nguời.

Tại Little Saigon ở Orange County, được coi thủ đô của VNCH nối dài, thành trì chống cộng của thế giới tự do và tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á, có đến 3 chính phủ và ba ban đại diện cộng đồng: Ba chính phủ là chính phủ Nguyễn Hữu Chánh, chính phủ Đào Minh Quân và chính phủ Hồ Văn Sinh (thay thế Nguyễn Bá Cẩn). Ba ban đại diện cộng đồng là cộng đồng Nguyễn Xuân Vinh, cộng đồng Nguyễn Tấn Lạc và cộng đồng Nguyễn Xuân Nghĩa. Cộng Đồng này đang chửi cộng đồng kia là tiếm danh.

Mặc dầu lực lượng hùng hậu như thế, nhưng khi nhóm VietWeekly chưa đến 10 người nổi lên ủng hộ Hà
Nội giữa phố Little Saigon, chọc tức các đoàn thể chống cộng và cộng đồng mà chẳng ai làm gì được.

Trong khi đó, các “chiến sĩ chống cộng” vẫn tiếp tục chụp mũ nhau không ngừng nghỉ trên các diễn đàn.
Rất nhiều “nhân tài” của người Việt đang chuẩn bị ra tranh cử các chức vụ dân cử tại địa phương, thành phố, tiểu bang và có thể liên bang, trong cuộc bầu cử sắp đến. Mục tiêu được mô tả là để bảo vệ và nói lên tiếng nói của cộng đồng.

Trái lại, chúng tôi không thấy có một tổ chức chính trị nào của người Tàu hoạt động ở đây và không nghe nói họ sẽ đưa ai ra tranh cử.

Tôi nhớ lại trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2004, lúc đó liên danh George W. Bush đang tranh với liên danh John Kerry. Tôi có nhờ ông Tăng Kiến Hoa dẫn đến gặp một vài bang trưởng Tàu xem họ bầu cho ai. Họ cười và nói: Quy luật bầu cử là phù thịnh bất phù suy. Cứ thấy ai chắc thắng là đóng tiền cho người đó, không cần biết đường lối họ như thế nào. Họ đã nhận tiền là khi đắc cử họ sẽ giúp mình.

Nếu hai người ngang ngữa, đóng tiền cho cả hai.

Tôi hỏi người Tàu không có ai ra tranh cử dân biểu hay nghị sĩ gì sao. Họ cũng cười và nói: Người mình có vào được quốc hội cũng chẳng làm được chuyện mình muốn. Cứ thấy người nào có thế lực là đóng tiền cho người đó.

Thì ra người Tàu bầu cử bằng tiền chứ không phải bầu cử bằng phiếu như người Việt!

Tôi nhớ lại trong cuộc bầu cử năm 2000, vì hai liên danh George W. Bush và Albert A. Gore ngang ngữa, nên người Tàu đóng tiền cho cả hai. Tây An Tự và Thiền Sư Thanh Hải ở Los Angeles đã đóng tiền cho liên danh Gore nhưng lập danh sách giả những người góp tiền, bị đổ bể nên chúng ta mới biết được.

Chúng ta không mong người Việt có những nhà phát minh làm thay đổi nhân loại như John V. Blankenbaker (phát minh ra máy vi tính 1971), Bill Gates, Steve Jobs..., chúng ta chỉ mong người Việt biết quan tâm đến cộng đồng, đất nước và nhân loại nhiều hơn. Nhưng điều này quá khó. Đúng như người Mỹ đã nhận xét:

Người Việt vì những lý do vớ vẫn, có thể hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ (như kiếm chút danh chẳng hạn). [sacrifice important goals for the sake of small ones]

Người Việt thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh. Một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 2 người làm thì kém, 3 người làm thì hỏng việc!

Chúng ta trông chờ vào thế hệ sắp đến, không bị vướng mắc với quá khứ, học được nhiều cái hay của xứ người, sẽ đưa cộng đồng và đất nước đi vào một hướng đi mới tốt đẹp hơn.

Ngày 24.1.2012

Lữ Giang

SOURCE
TIVI TUAN SAN

Người chụp cảnh Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu đã qua đời, thọ 81 tuổi



Cập nhật lúc: 8/29/2012 12:52:46 AM
Người chụp cảnh Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu đã qua đời, thọ 81 tuổi



Malcolm Browne

Nhiếp ảnh gia Malcolm Browne, nổi tiếng nhất với bức ảnh chụp cảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, qua đời hôm 27/8.

Tấm ảnh lịch sử, được ông chụp ngày 11/6/1963 khi đang làm cho AP, đã khiến dư luận quốc tế bị sốc, đánh dấu bước ngoặt của khủng hoảng Phật giáo và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Hãng tin AP cho biết ông qua đời vào tối thứ Hai 27/8 ở tiểu bang Hoa Kỳ New Hampshire.

Ông được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson năm 2000 và trải qua những năm cuối đời trên xe lăn.

Người vợ gốc Việt, mà ông gặp ở Sài Gòn, cho biết ông được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện tối 27/8 và rồi qua đời.

Bức ảnh đã gây chấn động thế giới


Tấm ảnh lịch sử

Sinh năm 1931 ở New York, Malcolm Browne tốt nghiệp đại học với bằng hóa học.

Ông nhập ngũ năm 1956 và được gửi đến Hàn Quốc để lái xe tăng. Nhưng tình cờ ông viết báo cho một tờ báo quân đội, và từ đó quyết định đổi sang nghiệp báo chí.

Ông gia nhập hãng tin AP năm 1960 và được gửi đến Sài Gòn một năm sau để dẫn dắt văn phòng.

Hai đồng nghiệp, nhiếp ảnh gia Horst Faas và nhà báo Peter Arnett, cùng có mặt ở Sài Gòn trong năm đó. Bộ ba này, vào năm 1966, sẽ giành giải Pulitzer cho tường thuật của họ về Việt Nam.

Những người này, cùng các phóng viên đến miền Nam Việt Nam đầu tiên như David Halberstam, Neil Sheehan, Charles Mohr, Nick Turner, viết nhiều về tham nhũng và yếu kém quân sự.

Họ bị những người chỉ trích ở Sài Gòn và Washington cáo buộc là giúp đỡ đối thủ cộng sản.
Vào ngày 11/6/1963, xảy ra cuộc tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức ở ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt, phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Mặc dù nhiều phóng viên phương Tây được báo trước về sự kiện, nhưng chỉ có Browne tin tưởng và có mặt để chứng kiến.

Các tấm ảnh chụp cảnh vị hòa thượng tự thiêu trong cao trào khủng hoảng chính trị ở miền Nam đã được truyền đi khắp thế giới.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Kennedy nói với ông Henry Cabot Lodge, sắp sửa làm Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, rằng ông “bị sốc” vì các tấm ảnh và rằng “chúng ta phải làm gì về chế độ đó”.
“Đó là sự mở đầu nổi loạn, và nó kết thúc bằng việc lật đổ và giết ông Diệm,” ông Browne hồi tưởng vào năm 1998.

Năm 1964, ông cùng với David Halberstam của báo New York Times nhận chung giải Pulitzer nhờ tường thuật ở Việt Nam.

(Theo BBC)

SOURCE
TIVI TUAN SAN

Friday 11 May 2012

Nhà văn Chu Thiên (1913-1992)


Nhà văn Chu Thiên (1913-1992)
Wednesday, May 09, 2012 3:04:22 PM




Những ông thầy thời niên thiếu



Viên Linh

Tháng 5, 1954. Thầy Chu Thiên, hiệu trưởng trường Trung học Phủ Lý hỏi học trò: “Em có thể chở thầy lên Hà Nội không?”... “Bao giờ em vào Nam?” “Dạ? “Mẹ em có tính đi Nam không? Về nói với mẹ em coi chừng kẻo trễ.”
Nhà văn Chu Thiên (1913-1992). (Hình: Từ Ðiển Văn Học, Hà Nội)
Nhà văn Chu Thiên (1913-1992). (Hình: Từ Ðiển Văn Học, Hà Nội)
Chu Thiên là tác giả những cuốn tiểu thuyết nổi danh như Bút Nghiên, Nhà Nho, mà Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Ðại (1942) đã xếp vào chương các nhà văn viết tiểu thuyết phóng sự. Với toàn bộ sự nghiệp của ông cho tới khi từ trần năm 1992, ông xứng đáng là một tiểu thuyết gia lịch sử. Người viết những dòng này là học trò ông trong ba tháng hè ở Trung học Phủ Lý, 1954, những ngày xao động phân ly nhất của tuổi trẻ đất nước, khi những chữ “hội nghị Geneve,” “vô Nam hay ở lại” được mọi người nhắc nhở, bàn tán từ đồng quê tới phố phường, từ Hà Nội tới các tỉnh thành khác của Việt Nam.
Trước khi về Phủ Lý học khóa hè, những tháng cuối cùng của năm đệ lục ở Chu Văn An Hà Nội, tôi đã chứng kiến một kinh thành nhớn nhác qua đôi mắt của một cậu học trò trọ học. Mẹ và chị em còn ở hậu phương, song gia đình họ Nguyễn chúng tôi phần lớn đã ở Hà Nội. Lúc ấy, nghe mấy chữ Ðiện Biên Phủ ai cũng hiểu đó là nơi chiến tranh Pháp Việt đang xảy ra vô cùng ác liệt.
“Cuộc chiến đấu của quân đồn trú ở Ðiện Biên Phủ tiếp tục, và các hoạt động tiếp vận từ Hà Nội yểm trợ cho căn cứ vẫn được tiến hành. Ðêm 5 rạng 6 tháng 5 [1954], vào lúc 04:12 giờ chừng 10 chiếc máy bay vận tải C47 vượt lưới lửa phòng không thả thêm được 91 quân dù xuống Ðiện Biên Phủ. Ðây là đêm thứ tư thả các đơn vị của tiểu đoàn Nhảy Dù thuộc-địa số 1, và trong bốn đêm liền mới chỉ có 383 trong số 876 người của tiểu đoàn này chạm đất...” “...Ngày 7 tháng 5, vào lúc 10:00 giờ Tướng De Castries liên lạc về Hà Nội báo cáo với Tướng Cogny ÐBP đang trong tình trạng hấp hối. Khoảng 3:00 giờ chiều ở Bộ Chỉ Huy căn cứ ÐBP đã có một buổi hội chỉ huy lần chót... Họ đề nghị ngưng bắn vào lúc 17:30 giờ và thông báo cho đối phương biết.” “ÐBP thất thủ hôm trước thì hôm sau tức là ngày 8 tháng 5, 1954, chín đoàn đại biểu của Pháp, Quốc Gia Việt Nam, Miên Lào, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Anh Quốc, Liên Xô, Trung Cộng và Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc thương thuyết nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam trong khuôn khổ Hội Nghị Viễn Ðông đã khai mạc ngày 26 tháng 4, 1954 tại Giơ-ne, [Geneve] Thụy Sĩ.” (Bạch Hạc Trần Ðức Minh, Một Thời Nhiễu Nhương, 1945-1975, tr. 363-364.)
Quê quán Ðồng Văn của chúng tôi gồm có Phố Ga Ðồng Văn, một thị trấn chạy dài gần hai cây số trên Quốc lộ số 1, và thôn Ðồng Văn, chỉ cách Quốc lộ 1 bằng một con sông đào. Từ nhà đi Hà Nội cách 47 cây số ở hướng Bắc, đi Phủ Lý cách 11 cây số, ở hướng Nam. Ba tháng hè về quê, tôi đi Phủ Lý học, đi về bằng xe đạp mỗi lượt chỉ mất vài chục phút, nếu đường không bị đào xới, cắt khúc, chất chướng ngại vật. Hai bên đường đầy tăng-xê, cắt sâu vào mặt đường theo kiểu chữ chi (Z), đan nhau bằng cách không để xe hơi chạy nhanh được. Xe phải lượn ngoằn ngoèo tránh những khoảng lõm ăn sâu vào xương sống con đường. Lúc ấy tôi có một chiếc xe đạp Peugeot dura, loại nhẹ, chỉ cần cầm một tay giơ cao khỏi đầu được. Nhờ nó, tôi di chuyển dễ dàng, từ nhà tới Phủ Lý học đã đành, lại còn chạy chơi bên bờ sông Châu Giang, hay đôi khi cùng một người bạn trốn nhà phóng lên Hà Nội vào buổi trưa, đến tối đã có mặt ở nhà, có khi không ai biết.
Trường Chu Văn An ở Hà Nội và ngôi trường trung học ở Phủ Lý là hai chỗ không thể so sánh được. Nhưng mặt khác, hai ngôi trường đó đã cho tôi ba vị thầy không bao giờ cậu thiếu niên học trò có thể lãng quên, nhất là những ngày ngồi viết những dòng chữ này ở ngoài đất nước.
Ở Phủ Lý, tôi ngồi trong lớp đệ lục, thầy dạy Quốc Văn là thầy Chu Thiên. Thầy cũng dạy Việt Sử nữa. Tôi thấy thầy ở ngoài lớp, không nghĩ ngợi gì, mà tự dưng thấy băn khoăn. Hình ảnh còn nhớ tới bây giờ là một người đàn ông hom hem, mặc quần áo kaki bạc màu, áo cũng như quần, đều một màu vàng nhạt, bạc thếch, thầy đứng tựa lưng vào tường, lẫn vào màu vôi vàng nhạt cũng bạc thếch của ngôi trường đâu chỉ có hai hay ba căn. Thầy Chu Thiên ở Trung Học Phủ Lý không giống bất cứ ông thầy nào ở Chu Văn An. Thầy quá gầy yếu, đã đứng tựa vào tường mà còn không đứng thẳng. Hơi xiêu xiêu, hay thầy trùng một chân xuống, khuỵu một gối xuống, chỉ cho sức nặng của thân thể trì trên một chân. Thầy sẽ đổi chân, chuyển sức nặng qua trái hay phải tùy theo từng lúc. Thoáng thấy lần đầu, thầy đang ăn một khúc sắn trắng muốt. Tôi không biết ông sẽ là thầy tôi, cho đến một hai hôm sau. Hôm sau đó, vẫn hình ảnh ấy, chỉ khác là thầy không ăn sắn, mà ăn chuối. Thế rồi thầy lên lớp, bấy giờ tôi mới biết đó là thầy Chu Thiên, vừa là giáo sư, vừa là hiệu trưởng.
Chỉ trong khoảng vài tuần, tôi thương thầy. Và cứ từ thân xác mình suy ra, tôi đoán chừng thầy nặng khoảng 40 cân. Biết ông thầy gầy yếu, nhưng tôi không suy nghĩ gì, cũng chẳng tìm hiểu làm gì, cho đến một hôm thầy Chu Thiên tới gần tôi trong giờ chuyển lớp chuyển môn. Thầy hỏi: “Em có thể chở thầy lên Hà Nội không. Hay chỉ cần chở thầy lên Ðồng Văn cũng được. Thầy cũng có thể chỉ đến Ðồng Văn, rồi tìm cách đi Chợ Ðại hay Cống Thần, rồi đi Hà Nội sau.” Khi thầy ngồi lên cái khung ngang của chiếc xe đạp rồi, tôi đạp xe đi, mỗi tay một bên ghi-đông, mà không thấy thầy chạm vào tay tôi.
Tôi không còn nhớ những chuyện gì đã nói, song nhớ rất rõ thầy hỏi về gia cảnh của học trò. Tôi kể thành thật, kể hết, không giấu diếm gì. Tôi cũng cho thầy biết - vì thầy hỏi - về họ hàng chú bác, tất cả ở Hà Nội.
-Bao giờ em vào Nam?
-Dạ?
-Mẹ em có tính đi Nam không? Chú bác họ hàng ở Hà Nội chắc là đi Nam cả?
-Vâng.
Tới nhà tôi, Phúc Hưng Ðường, là ngôi nhà gạch nằm trấn trên ngã ba Phố Ga, cách mặt đường vài chục thước. Trước mặt là một con dốc mà dân nhiều làng phía châu thổ Sông Hồng sẽ phải đi qua để đáp tàu hỏa lên Hà Nội, các tỉnh phía Tây Bắc, hay xuôi Nam, vào Huế, hay Sài Gòn. Tôi chỉ ngôi nhà cho thầy biết. Sinh tiền, đó là tiệm thuốc Bắc của Bố tôi. Ðịa thế của nó hồi 1944 đã bị Nhật chiếm làm trụ sở.
Thầy đòi xuống, nói sẽ đi Hà Nội sau. Tôi gặng hỏi để chở thầy đi luôn, nhưng thầy nhất định thoái thác. Khi chia tay, thầy nhìn sâu vào mắt tôi:
-Về nói với mẹ em coi chừng kẻo trễ.
Ðó là tất cả những gì tôi nhớ về thầy khi còn niên thiếu; sau này mới đọc và tìm hiểu thêm về ông thầy nhà văn nổi tiếng.

Chú thích:
Chu Thiên tên khai sinh là Hoàng Minh Giám, sinh ngày 2 tháng 9, 1913, quê ở huyện Ý Yên, Nam Ðịnh, dòng dõi nhà Nho. Năm 1938 ông ở Hà Nội, bắt đầu bước chân vào làng văn, viết bài cho các báo thời ấy, như trên tờ Tri Tân ông viết rất nhiều, nghiêng về các đề tài lịch sử, tiểu thuyết lịch sử xoay quanh các nhân vật như Lê Thái Tổ (1941), Bà Quận Mỹ (1942), Bút Nghiên (1942), Nhà Nho (1943), Tuyết Giang Phu Tử (1945), Khí Tiết (1946). Trong thời kháng chiến, ông chuyên về dạy học, từng làm hiệu trưởng Trung Học Phủ Lý, sau năm 1954 về Hà Nội, ông dạy Ðại Học Tổng Hợp. Năm 1970 Chu Thiên nổi tiếng một lần nữa với tiểu thuyết Bóng Nước Hồ Gươm, gồm hai tập, viết về giai đoạn biến động của đất nước từ khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và Hà Nội từ thế kỷ thứ XIX. Ðây là một tác phẩm đồ sộ cuối đời của ông. Ông từ trần năm 1992.
source
Nguoi-Viet Online

Tuesday 8 May 2012

Ðông Hồ (1906-1969), nhập thần Trưng Nữ Vương



Ðông Hồ (1906-1969), nhập thần Trưng Nữ Vương
Wednesday, February 22, 2012 2:39:53 PM

VIÊN LINH

Trong những ngày tháng 2 âm lịch năm nay Nhâm Thìn, người viết bài này giở sách báo cũ, lục tìm thơ văn viết về hai vị nữ anh thư, và nhất là về Trưng Trắc, người Lĩnh Nam đầu tiên đã võ trang nổi dậy lật đổ cuộc đô hộ của giặc Tầu, kéo dài từ năm 111 trước Tây lịch tới lúc đó, năm 39 sau Tây lịch, tức là 150 năm, (sau này ta quen gọi là Bắc thuộc lần thứ nhất).

Chân dung nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác, thi sĩ từ trần tại giảng đường Văn Khoa khi đang đọc bài thơ “Trưng Nữ Vương.”
Sau vài ngày, chúng tôi chỉ tìm thấy có một vài bài đã cũ, thuộc các thế kỷ trước, nhưng bất ngờ là cùng một lúc, có hai ba nguồn tài liệu xuất hiện, nhắc đến bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nhà thơ nữ Ngân Giang và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ khi ông đang đọc bài thơ đó. Ðông Hồ (1906-25.3.1969) (1) là một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam, lại là người đã mở trường dạy chữ quốc ngữ tại Hà Tiên khi mới trên 20 tuổi. Theo tác giả “Dự báo bùng nổ thơ ca,” thì chi tiết về bài thơ và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ, đã xảy ra như sau:
“Trưng Nữ Vương của Ngân Giang là bài thơ hay nhất về vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Ðược sáng tác ở tuổi 23 (1939), ‘Trưng Nữ Vương’ đã đi vào huyền sử nền thơ Việt với sự ra đi thần thoại của người thầy - nhà thơ Ðông Hồ - trên bục giảng đường Văn Khoa Ðại Học Sài Gòn, ngày 28 tháng 3, 1969, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.” (2)
Ðoạn văn dưới đây tác giả in nghiêng, nhưng không ghi rõ lời của ai, tuy nhiên theo như câu thứ ba và câu cuối cùng, “thầy đọc các con nghe,” thì phải là lời của chính thi sĩ Ðông Hồ:
“Thơ về Hai Bà kể rất nhiều. Nhưng có điểm chung các tác giả đều là đàn ông. Họ chỉ nhìn khía cạnh Hai Bà yêu nước, diệt xâm lăng. Cho đến ngày thầy được xem bài của một nữ sĩ tên là Ngân Giang trong tập 'Tiếng Vọng Sông Ngân' mới chợt thấy: Trời ơi, có một điểm mà từ trước tới nay chưa một ai nghĩ tới, mà tới nay mới có một người nhìn thấy! Ðó là khi đánh đuổi quân Tầu, thắng khắp nơi, Bà Trưng vẫn là một người góa bụa. Dù chiến thắng nhiều, dù quân thù kinh hãi, bà vẫn là một người đàn bà đang có tang chồng. Phần trên bài thơ tả chiến thắng của Hai Bà, đến bốn câu kết thì thật tuyệt. Ðể thầy đọc các con nghe; ai thích thì chép.” Ðọc xong khổ cuối “Trưng Nữ Vương,” Ðông Hồ đứng vịn vào tường, gục xuống...” (tr. 532)
Bài thơ của Ngân Giang như sau:

Trưng Nữ Vương

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng ánh sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.

Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai!
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non Hồng quét sạch bụi trần ai.
Cờ tang điểm trống nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.
Chàng ơi! Ðiện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi...
(Ngân Giang, Tiếng Vọng Sông Ngân, Hà Nội, 1939)

[Bản này bị chép khác ở cuốn “Thơ Mới, 1932-1945,” NXB Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, 1998: Câu thứ 2 in là: “bóng sao rơi” thay vì “ánh sao rơi,” câu thứ 7 in là “gió bão dồn chân ngựa” thay vì “gió bãi lùa chân ngựa,” câu 9 in là “cốt xương” thay vì “cốt xong,” - câu 15 in là “Cờ tang điểm tướng,” thay vì “Cờ tang điểm trống,” câu 16 in là “ngắt mấy trời” thay vì “ngát mấy trời,” câu 18 in là “Giáp vàng khăn trổ” thay vì “khăn trở” (tức khăn tang). Các cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà Văn Hiện Ðại của Vũ Ngọc Phan hay Việt Nam Thi Nhân Hiện Ðại của Phạm Thanh đều không nói đến Ngân Giang. Thi ca Việt Nam của Trần Tuấn Kiệt có mục về Ngân Giang, (đăng nguyên bài do Thẩm Thệ Hà viết thay), song lại không có bài Trưng Nữ Vương.] (3)
Ngoài đời, nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác là một người mảnh khảnh, y phục trang nhã, phong thái ung dung, tươi cười. Khi tòa soạn Nghệ Thuật của chúng tôi (Mai Thảo, Thanh Nam, Anh Ngọc, Viên Linh) đặt tại Thư Lâm Ấn Thư Quán, chủ nhân là con rể thi sĩ, tôi có được gặp ông và nhà thơ Mộng Tuyết. Người thơ Ðông Hồ, khi đọc bài Trưng Nữ Vương, hẳn đã nhập thần với đề tài. Quả thật, chỉ có Ngân Giang đã nhìn “thấu hai cõi” khi làm thơ về Trưng Trắc, và chỉ có Ðông Hồ mới nhìn thấy “cái thấy” của Ngân Giang. “Ta cũng nòi tình...”

Chú thích:
1. “Vào ngày 25 tháng 3, 1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Ðại Học Văn Khoa [Sài Gòn], Ðông Hồ đã bất ngờ ngã xuống lúc đang bình bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang. Bài thơ nói về nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng sau chiến thắng, một tứ thơ rất độc đáo, rất nữ tính mà Ðông Hồ đã tinh tế chỉ ra. Ðược các học trò đưa vào bệnh viện, ông mất ngay ngày hôm đó.” (Võ Văn Nhơn, Ðông Hồ, thi sĩ yêu tiếng Việt, online).
2. Nguyễn Phan Cảnh, “Ngân Giang, hình hài tình tự thế hệ,” 347-371, La Giang Publishing, Toronto-Hong Kong, 2007.
3. Một bài thơ có 20 câu, Hội Nhà Văn Việt Nam chép sai 6 câu. Ðược biết trong niên giám Hội in xong tháng 4, 2007, dầy 1200 trang đóng bìa cứng, có lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh, khoe hội có non 1000 hội viên là nhà văn. Thật ra không biết có bao nhiêu hội viên ngành xuất bản đọc thông thơ văn?
source
Nguoi-Viet Online

Saturday 25 February 2012

VOV lên tiếng về vụ 2 nhà báo bị hành hung ở Văn Giang

VOV lên tiếng về vụ 2 nhà báo bị hành hung ở Văn Giang

Trung tâm tin (Đài tiếng nói Việt Nam) vừa gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên công văn đề nghị làm rõ việc nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị hành hung. Hai nhà báo xác nhận, họ chính là người bị đánh trong clip được cho là ghi trong bối cảnh cưỡng chế tại Văn Giang.
> Lãnh đạo Hưng Yên báo cáo về vụ Văn Giang

Ngay trong ngày cưỡng chế thu hồi đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan, Văn Giang (24/4), trên mạng xuất hiện clip dài hơn một phút cho thấy nhiều người mặc sắc phục công an và thường phục đeo băng đỏ đánh hai người đàn ông. Dù phải nhận các đòn đánh tới tấp nhưng hai người đàn ông mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm không có động tác phản kháng.
Ảnh cắt từ clip.
Trưởng phòng thời sự và phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam xác nhận là người bị hành hung trong clip. Ảnh cắt từ clip.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (42 tuổi), Trưởng phòng Thời sự và Hán Phi Long (33 tuổi), phóng viên Phòng Thời sự (Trung tâm tin, Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) xác nhận với VnExpress.net, họ chính là hai người bị đánh trong clip nói trên.
Báo cáo trước Thủ tướng sáng 2/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đánh giá, cuộc cưỡng chế "đảm bảo an toàn, không ai bị thương". Ông này cũng cho rằng, "các phần tử chống đối trong và ngoài nước" đã "dàn dựng clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền", nhưng không nói cụ thể clip nào.
Ông Hào cũng cho rằng, vụ cưỡng chế Văn Giang "các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm", trong khi các mạng xã hội "phản ứng nhanh, đưa tin liên tục".
Trước đó, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bùi Huy Thanh đã yêu cầu các các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để "bảo đảm tuyệt đối an toàn".
Cuộc cưỡng chế ngày 24/4, dưới sự chỉ đạo của cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và sự hỗ trợ của 1.000 người thuộc các lực lượng nhằm hoàn tất bàn giao 72 ha đợt 2 cho chủ đầu tư dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark).
Ông Năm cho biết, sáng 24/4, ông và ông Long được cơ quan cử đi Hưng Yên theo dõi, nắm tình hình vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang. Khi ông Long đang đứng ở nhà văn hóa sát cánh đồng bị cưỡng chế thì bị cảnh sát và gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt, đấm đá vào người. Ông Năm chạy lại hét lên nhiều lần: "Chúng tôi là nhà báo, không được đánh" thì cũng bị vặn tay và nhận hàng loạt đòn đánh từ những người mang sắc phục cảnh sát.
Theo ông Năm, ông đã bị công an còng tay, đưa về trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang. Tại đây, ông bị lập biên bản thu giữ điện thoại, Thẻ nhà báo, Thẻ Đảng viên và Thẻ hội viên Hội luật gia Việt Nam. Chiều tối 24/4, ông Năm, ông Long đã về đến tòa soạn.
Ngay trong ngày, ông Năm đã gửi đơn đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên làm rõ ai là người đã ra lệnh, tham gia đánh hai nhà báo và phải có trách nhiệm bồi thường sức khỏe, danh dự.
Ngày 8/5, Đại diện Trung tâm tin (Đài tiếng nói Việt Nam) xác nhận, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long được đài cử đi Văn Giang (Hưng Yên) nắm thông tin về vụ cưỡng chế. Ngày 3/5, trung tâm tin đã có công văn gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị xác minh, làm rõ vụ hành hung 2 nhà báo, nhưng hiện chưa nhận được hồi âm.
Chiều 8/5, trao đổi với VnExpress.net, Chánh văn phòng Công an tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Hiếu cho biết, đã nhận được công văn của Trung tâm tin - Đài tiếng nói Việt Nam nhưng từ chối trả lời thêm.
Mặc dù nói "chưa xem clip liên quan đến hai nhà báo VOV" nhưng Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh cho biết: "Nếu đúng là có chuyện phóng viên bị đánh và Đài tiếng nói Việt Nam gửi công văn thì UBND tỉnh chắc chắn phải xem xét".
Nhóm phóng viên
source
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/05/vov-len-tieng-ve-vu-2-nha-bao-bi-hanh-hung-o-van-giang/

Tàu chiến Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam


Thứ Hai, 02 tháng 4 2012

Việt Nam tiếp tục đòi Trung Quốc thả 21 ngư dân

Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở Quảng Ngãi
Hình: REUTERS
Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở Quảng Ngãi

Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện 21 ngư dân Việt bị Bắc Kinh bắt giam trong khi họ đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa hồi đầu tháng 3.

Tin Bloomberg ngày 2/4 cho biết trong buổi hội kiến với Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, tại Hải Nam (Trung Quốc) hôm 31/3 nhân dịp dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Bác Ngao 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải của Việt Nam cũng đề nghị Bắc Kinh chấm dứt các hành động làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp ở Biển Đông.

Phó Thủ tướng Trung Quốc không hồi đáp trực tiếp về yêu cầu của người đồng nhiệm phía Việt Nam, chỉ lặp lại rằng Bắc Kinh giữ cam kết giải quyết hợp lý vấn đề Biển Đông với Hà Nội.

Bản tin Zeenews.india.com phát hành ở Ấn Độ ngày 2/4 trích thuật phát biểu của ông Lý Khắc Cường đề nghị hai nước Việt-Trumg nên xúc tiến các lợi ích chung và lâu dài, đồng thời có các biện pháp hữu hiệu xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông.

Phó Thủ tướng Trung Quốc nói Bắc Kinh sẵn sàng cùng với Hà Nội tăng cường các cuộc trao đổi cấp cao, phát huy hợp tác, và thắt chặt các mối liên hệ.

Tháng rồi, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc thả nhóm ngư dân Việt và ngưng xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc bắt giữ 21 ngư dân này là hợp pháp và kêu gọi Việt Nam chấm dứt các hoạt động mà Bắc Kinh gọi là 'đánh bắt cá trộm' trong lãnh hải Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng ra lời cảnh cáo sau khi Philippines loan báo dự định tập trận và tuần tiễu chung với Việt Nam trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Mặt khác, Trung Quốc đề nghị Campuchia không thúc đẩy các cuộc đàm phán về Biển Đông. Đổi lại, Bắc Kinh hứa sẽ tăng đôi trao đổi mậu dịch với Phnom Penh lên 5 tỷ đô la cùng các khoản viện trợ mới.

Trong cuộc gặp tại Phnom Penh ngày 31/3, Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, nói với Thủ tướng Hun Sen rằng Bắc Kinh muốn tiến tới việc chung quyết một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông, nhưng không muốn tiến trình này diễn ra quá nhanh, để các tranh chấp không đe dọa đến sự ổn định của khu vực.

Reuters trích dẫn nguồn tin từ cố vấn của Thủ tướng Campuchia, ông Sri Thamrong, cho biết Thủ tướng Hun Sen nói với Chủ tịch Trung Quốc rằng dù các nước khác trong khối ASEAN muốn nêu vấn đề Biển Đông ra trước cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN trong 2 ngày ở Phnom Penh bắt đầu từ 3/4, nhưng Phnom Penh chia sẻ quan điểm với Bắc Kinh rằng không nên quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông.

Campuchia năm nay giữ chức Chủ tịch luân phiên của 10 nước trong khối ASEAN. Tháng rồi, Campuchia từng tuyên bố giữ vai trò trung lập trong vấn đề Biển Đông và sẽ không đặt vấn đề này vào nghị trình làm việc của thượng đỉnh ASEAN.

source
VOA Vietnamese
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012

Tàu chiến Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam

Một tàu cá Việt Nam ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng 15/07/2011 - Reuters
Một tàu cá Việt Nam ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng 15/07/2011 - Reuters

Thụy My

Hôm qua 24/02/2012 một tàu đánh cá Việt Nam đã trở về được cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi, sau khi bị tàu chiến Trung Quốc tấn công và tước đoạt toàn bộ tài sản, ngư cụ trước đó hai ngày, khi đang đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu cá QNg-90281TS của thuyền trưởng Đặng Tằm ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, ngày 22/2 đã bị tàu chiến Trung Quốc đuổi theo, bắn vào tàu và sau đó bắt giữ.


Các ngư dân Việt Nam bị lính Trung Quốc đánh đập, tước đoạt toàn bộ hải sản đã đánh bắt được cùng với các thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu rồi mới thả về. Ông Nguyễn Thanh Nam, người phụ trách thông tin liên lạc với ngư dân ở Bình Châu cho RFI biết :

Lúc 15 giờ chiều ngày 22 dương lịch, tàu của ông Đặng Tằm đánh bắt trong phạm vi của đảo Hoàng Sa thì tàu hải quân của Trung Quốc - đó là tàu chiến, tàu quân sự ở trong đảo Phú Lâm - nó ra, và bắt đầu nó dí. Tàu ông Đặng Tằm bỏ chạy, thì nó bắn bể ca-bin, hiện còn một, hai viên đạn còn găm dính trong ca-bin. Rồi nó kéo về ngay đảo Phú Lâm, cái đảo đó có cảng. Vô đó nó bịt mắt, rồi bắt đầu tịch thu tài sản - hải sản đánh được, trang thiết bị trên tàu, các loại máy thông tin liên lạc đều bị thu hết, chỉ còn cái ghe không thôi. Những cái nắp đậy hầm cá nó cũng xách nó lia hết. Rồi nước thì nó xối vô cho tiêu đá lạnh, cá thì nó xách nó lia xuống nước hết. Số nào nó lấy thì lấy, còn số nào lia xuống nước thì nó lia. Rồi nó bịt mắt, đánh đập anh em trên tàu, xong rồi nó đuổi về chứ không bắt.

Riêng ông Đặng Tằm này là năm 2011đã bị bắt như thế này rồi, năm nay lại bị bắt nữa. Thì lúc 15 giờ chiều ngày 22, sự cố xảy ra thì ông đưa tin về cho tôi là gần 16 giờ, tôi nhận được tin. Trên tàu đi có 9 lao động. Sau khi nắm được thông tin rồi, tôi có báo cáo cho ủy ban xã, rồi báo cáo cho huyện, các ban phòng chống lụt bão, văn phòng Bộ Tư lệnh, trinh sát Bộ chỉ huy biên phòng, các lực lượng liên quan nắm rõ.

Mãi đến bốn giờ sáng ngày 24, tức sáng hôm qua, thì ông ấy cập về tới cảng. Anh em đã mang máy tới phỏng vấn và quay phim, chụp ảnh…mãi đến chín, mười giờ ngày 24 mới xong công việc.

Dạ lúc đó là tàu đang ở vùng biển của Việt Nam phải không ?

Đúng rồi, biển đó là biển của Việt Nam. Lâu nay là bà con ngư dân Việt Nam mình, đặc biệt là dân Quảng Ngãi, vùng biển Hoàng Sa là cứ ra ngư trường đó đánh bắt. Bởi vì lâu nay vẫn nghe Hoàng Sa là của Việt Nam, cho nên bà con cứ đi ra đó đánh bắt thôi. Chứ giờ mà đánh bắt ở những ngư trường phía bờ của Việt Nam thì không có cá, cho nên phải vươn ra miết ngoài đảo đó để đánh. Những chuyến biển nào mà không bị bắt thì về cũng kiếm được gạo nuôi vợ nuôi con, còn những chuyến biển bị trục trặc, bắt bớ hoặc là gió bão, áp thấp nhiệt đới thì coi như phải chịu lỗ.

Khu vực đó cá nhiều. Vùng biển đánh bắt đó rộng, dễ làm. Từ con cá chuồn, cá mú, cá ngừ đại dương đều ở vùng biển đó hết, cho nên bà con ra đánh bắt dễ.

Bị lấy hết cá đánh bắt được, rồi ngư cụ vân vân, thì thiệt hại chắc là nhiều ?

Cái sản lượng mất cả bảy, tám chục triệu. Còn nó thu máy thông tin liên lạc, máy tầm ngư, máy định vị - máy dò cá, máy để xác định hướng đi, đường đi, rồi máy quét, đủ thứ máy bị nó lấy, to của lắm chứ. Nhiều tiền lắm ! Một cái máy bữa nay mua là bốn mươi triệu rồi. Bây giờ về làm sao sống đây, không biết vay tiền nhà nước để sống được không nữa. Cũng khó !

Xin cảm ơn ông Nguyễn Thanh Nam ở Quảng Ngãi.
source
RFI Vietnamese

Saturday 4 February 2012

Hồi ức về Chiến thắng Đống Đa 1789


Thứ tư 25 Tháng Giêng 2012
Hồi ức về Chiến thắng Đống Đa 1789

Trang bìa bộ tư liệu lịch sử "Khâm định An Nam kỷ lược", Nhà xuất bản Hải Nam - Trung Quốc - ấn hành năm 2000  (http://www.tuyettran.de)
Trang bìa bộ tư liệu lịch sử "Khâm định An Nam kỷ lược", Nhà xuất bản Hải Nam - Trung Quốc - ấn hành năm 2000 (http://www.tuyettran.de)
Trọng Thành

Hội Đống Đa, kỷ niệm Tây Sơn chiến thắng quân đội Mãn Thanh, ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, là một trong những ngày hội sớm nhất trong năm ở Việt Nam. Chiến thắng Kỷ Dậu 1789 hiện nay được người Việt Nam ở nhiều nơi tôn vinh và Quang Trung là nhân vật được nhiều người hết sức ngưỡng mộ. Tuy nhiên, thái độ của đời sau đối với thời kỳ Tây Sơn lại hết sức thăng trầm ; bên cạnh đó, còn rất nhiều khoảng tối trong giai đoạn lịch sử phức tạp này cần được tiếp tục soi tỏ. Cuộc trò chuyện sau đây với hai nhà sử học Nguyễn Nhã và Dương Trung Quốc sẽ giúp chúng ta hiểu thêm.

Năm Nhâm Thìn 2012 vừa bắt đầu. Những ngày đầu năm mới là dịp các gia đình sum họp, bạn bè gặp gỡ mừng Xuân. Mùa Xuân cũng là mùa hội. Một trong những ngày hội sớm nhất trong năm tại Việt Nam là Hội Đống Đa, ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Theo nhiều tư liệu lịch sử cũng như theo những lời truyền miệng, ngày mùng 5 Tết cách đây 223 năm, quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ, tức hoàng đế Quang Trung chỉ huy, từ Nam thần tốc ra Bắc, tiến vào Thăng Long, kết thúc chiến dịch dẹp tan đội quân viễn chinh của nhà Thanh.

Trong sử sách chính thống ở Việt Nam hiện nay, Quang Trung được coi như là một biểu tượng kiệt xuất của tinh thần dân tộc Việt Nam, một trong những thần tượng mà rất nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ.

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, nhiều hoạt động văn hóa lớn gắn liền với hình tượng Quang Trung – Nguyễn Huệ và thời kỳ Tây Sơn lần đầu tiên được tổ chức, ví dụ như việc diễn lại cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế tại Festival Huế lần đầu tiên vào năm 2008, … Một trong những bộ phim lịch sử cổ trang hoành tráng nhất được thực hiện tại Việt Nam, gắn liền với thời kỳ Quang Trung, mang tên gọi « Tây Sơn hào kiệt », đã ra mắt khán giả năm 2010.

Chiến thắng năm Kỷ Dậu 1789 ngày càng được tôn vinh là một thực tế.

Các khách mời của Tạp chí Khoa học của RFI hôm nay là tiến sĩ Nguyễn Nhã từ Sài Gòn và nhà sử học Dương Trung Quốc từ Hà Nội. Một trong những câu hỏi chính mà chúng tôi mong muốn được hai ông giải đáp là hồi ức và những tưởng niệm về chiến thắng Đống Đa và thời kỳ Quang Trung. Bên cạnh thực tế của sự tôn vinh chiến thắng Đống Đa và hình tượng Quang Trung, còn những khuất khúc trong thái độ của đời sau đối với thời kỳ này, cũng như rất nhiều khoảng tối của lịch sử trong giai đoạn này cần được bổ khuyết, đây cũng là điều mà chúng ta hy vọng sẽ được các nhà nghiên cứu dần dần khai mở.

Mãi mãi mùa Xuân Kỷ Dậu

Khách mời đầu tiên của chúng ta là nhà sử học Nguyễn Nhã. Ông là một trong những nhà nghiên cứu, ngay từ những năm 1960, đã dồn nhiều tâm sức cho việc phục dựng lại hình ảnh Nguyễn Huệ và thời kỳ Tây Sơn.

RFI : Xin kính chào nhà sử học Nguyễn Nhã, ngày đầu Xuân hôm nay, có một chủ đề chắc được nhiều người quan tâm là sự kiện mùng 5 tháng Giêng, tức là trận chiến của quân đội Quang Trung đẩy lùi quân Thanh, cách đây đã hơn 2 thế kỷ. Tuy diễn ra lâu rồi, nhưng đây là sự kiện rất đặc biệt, về mặt lịch sử, cũng như về mặt văn hóa. Sự kiện này để lại nhiều kỷ niệm, cũng như các suy nghĩ trong nhiều thế hệ. Nhân dịp sắp tới dịp kỷ niệm, xin ông cho biết đôi nét về sự kiện này.

Nhà sử học Nguyễn Nhã : Nói đến Mùa Xuân Kỷ Dậu là nói đến chiến thắng Đống Đa, như chúng ta biết. Từ khi vua Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh, thì vua nhà Thanh là Càn Long chắc là rất mừng, vì đó là một cơ hội tốt, cũng lấy cớ để phục hồi lại nhà Lê, nhưng thật ra là để thể hiện những sức mạnh của đế quốc Đại Thanh lúc đó. Chính hồi đó Tôn Sĩ Nghị cũng cho là sức mạnh của quân Thanh là vô địch, nên rất là ỷ y, mùa xuân Kỷ Dậu ấy thì cho quân sĩ nghỉ ngơi. Nhưng không ngờ rằng, Nguyễn Huệ đã thể hiện thiên tài quân sự : 20 vạn quân Thanh chỉ trong có 5 ngày là bị tiêu diệt và phần còn lại chạy về Trung Quốc.

Tôi nghĩ rằng, đây là một võ công oanh liệt vô tiền khoáng hậu, trong một thời gian quá nhanh, mà đánh dàn trận chính quy, chứ không phải chỉ đánh du kích mà thôi. Thành thử tôi nghĩ rằng, mọi người Việt Nam, kể cả những người đối thủ của Tây Sơn, của Quang Trung, cũng phải thừa nhận.

RFI : Xin được hỏi nhà sử học một câu cuối cùng, trong sự phát triển của Việt Nam và khu vực, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã để lại những giá trị gì ?

Nhà sử học Nguyễn Nhã : Đây không phải chỉ là một cuộc đại thắng. Chiến công hiển hách đó mở đầu một triều đại rất ấn tượng. Bởi vì, lần đầu tiên, chữ nôm chính thức được Quang Trung cho sử dụng trong các văn bản, thay vì chữ Hán. Đây là điều thể hiện rất rõ nét bản sắc Việt Nam. Chúng ta thấy, từ thế kỷ thứ X, các vua ở Việt Nam đều có xưng là hoàng đế, đại hoàng đế, Đại Việt, Đại Cồ Việt, … nhưng về vấn đề văn hóa vẫn còn có sự nô lệ ở mức độ nào đó, nhất là khi mà sử dụng chữ Hán và dùng Nho học làm khoa cử. Theo tôi, đấy là một sự sai lầm. Bởi vì Nho học tức là học sách Tàu, lịch sử Tàu, và đặc biệt là trong các kỳ thi hương không có thi Nam sử, mà chỉ thi Bắc sử. Quang Trung chính là người mở đầu tinh thần độc lập về văn hóa như thế.

Thứ hai là Quang Trung rất trọng những hiền tài. Khi làm vua rồi, đối với ông La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp hết sức là trọng thị. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần hai điều đó thôi đã để lại cho đời một tinh thần, một di sản rất quý giá.

Tôi là một người hồi còn trẻ, rất ngưỡng mộ sự nghiệp của Quang Trung. Khi lập sự nghiệp, Quang Trung chỉ mới là thanh niên thôi, và khi mất ông mới có 40 tuổi. Vì vậy, khi tôi chủ biên tập Văn Sử Địa, tôi đã ra số đặc khảo về Quang Trung (số 9-10), số 13 là về chiến thắng Đống Đa, số 21 là kỷ niệm phong trào Tây Sơn.

Tôi nghĩ là người Việt Nam, bất cứ ai, bất cứ ở đâu, cả già hay trẻ, chắc đều có chia sẻ cũng như tôi vậy. Theo tôi, phải thừa nhận là Quang Trung – Nguyễn Huệ không những là một thiên tài quân sự, mà còn là một Đại Hùng của dân tộc.

(…) Mong rằng mùa Xuân Kỷ Dậu sẽ mãi mãi đến với chúng ta.

Giỗ trận Đống Đa vốn của người Hoa

Tiếp theo đây là những lời kể của nhà sử học Dương Trung Quốc và những ghi nhận của ông về chiến thắng Đống Đa và một số thành quả mà triều đại Tây Sơn đã để lại.

Nhà sử học Dương Trung Quốc : Đối với người Việt Nam, cái Tết gần như được kết thúc bằng một sự kiện, hay một lễ kỷ niệm đã trở thành một truyền thống, một tập quán, không chỉ riêng của người dân Hà Nội, mà còn của nhiều địa phương trên cả nước. Đó là cái giỗ trận. Giỗ trận là một cách nói một mạc, giản dị, nhắc lại trận chiến đánh thắng quân Mãn Thanh ở Đống Đa.

Cái quá trình diễn ra trận này chắc nhiều người được biết, nhưng ai cũng nhớ tới hình tượng đã được văn học hóa, như trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí có hình ảnh của hoàng đế Quang Trung cùng đại quân của mình, kéo vào Thăng Long, giữa một mùa xuân đầy xác pháo, khói súng và ánh sắc của hoa đào. Có thể nói đấy là biểu tượng của chiến thắng có thể nói lừng lẫy nhất trong lịch sử bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của tổ quốc, trước các thế lực xâm lược từ phương Bắc tới. Nhưng chiến trận năm Kỷ Dậu không chỉ ghi nhận chiến thắng chống ngoại xâm, như nhiều thế hệ cha ông ta đã lập nên trước đây trong lịch sử.

Những đóng góp rất to lớn của nhà Tây Sơn, đặc biệt là hoàng đế Quang Trung nói riêng, đã chấm dứt tình trạng phân tranh Nam Bắc, tạo ra nền tảng cho sự thống nhất quốc gia và trên một lãnh thổ đã tương đối hoàn chỉnh, sau nhiều thế kỷ mở mang bờ cõi và cũng là tiến trình không ngừng đương đầu với các thế lực từ bên ngoài, cho dù triều đại Tây Sơn sau đó rất ngắn ngủi, vì thất bại trước Gia Long. Triều Nguyễn lên ngôi, kế thừa thành quả thống nhất quốc gia của Quang Trung. Về mặt chính trị, trong sử sách nhà Nguyễn vẫn gọi Tây Sơn là ngụy, là giặc, … cho nên rõ ràng về mặt kỷ niệm cái chiến thắng Đống Đa không được duy trì như một quốc lễ, trong bối cảnh chiến thắng này gắn với nhà Tây Sơn, là một địch thủ của nhà Nguyễn.

Phải nói là cho đến trước năm 1945, quanh khu vực Đống Đa, chỉ có diễn ra một lễ hội, cũng gọi là giỗ trận, nhưng theo sách vở để lại, chủ yếu là do những người Hoa tổ chức để nhớ lại tổ tiên của mình chăng ? Người Việt thì họ đến đấy, họ chiêm ngưỡng, họ quan sát lễ hội ấy, nhưng không phải là lễ hội để giỗ những chiến binh của Tây Sơn, mặc dù gần đấy, chúng ta thấy có những ngôi đền, ngôi chùa rất kín đáo, có tượng của Đức Ông, nhưng thực ra là hiện thân của hoàng đế Quang Trung.

Năm thứ 1 Việt Nam DCCH : Lần đầu tiên công khai tưởng niệm

Mặc dù hơn hai thế kỷ đã trôi qua, hồi ức về Chiến thắng Đống Đa 1789 dường như vẫn còn tươi rói trong ký ức của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều người Việt Nam ngày nay. Trên thực tế, chiến thắng lịch sử của thời kỳ Quang Trung – Nguyễn Huệ mới chỉ được các cộng đồng thuộc xã hội dân sự tại Việt Nam công khai tưởng niệm cách đây mới hơn nửa thế kỷ. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh đến tính chất lịch sử của việc phục hồi ký ức về cuộc chiến 1789, mấy tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập. Đây là một điều mà chắc còn ít người biết đến.

Nhà sử học Dương Trung Quốc : Biên niên sử ghi nhận rằng, lần đầu tiên người Việt Nam tổ chức giỗ trận Đống Đa theo đúng nghĩa, tức là kỷ niệm chiến thắng của hoàng đế Quang Trung, diễn ra vào năm 1946, tức là mùa xuân độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dẫu sao, cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng là đỉnh cao của tinh thần dân tộc, chống đô hộ nước ngoài. Cho nên trong sử sách hiện nay vẫn còn lưu lại những hình ảnh, những bài báo cho thấy rõ là, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó đã khai thác rất là triệt để những yếu tố mang tinh thần dân tộc, để động viên lòng yêu nước của dân.

Mùa Xuân năm Bính Tuất, Tết độc lập đầu tiên, lần đầu tiên chúng ta giữ được hình ảnh người dân lũ lượt kéo đến gò Đống Đa để kỷ niệm ngày chiến thắng Đống Đa. Đấy có thể là một biểu trưng rất là tiêu biểu, và kể từ đó trở đi, ngay cả trong cái thời kỳ ta gọi là « tạm chiếm », thì cái nếp tổ chức giỗ trận Đống Đa, như là kỷ niệm chiến thắng Quang Trung vẫn được duy trì, và có thể nói từ sau 1954 đến nay, nó là ngày lễ trọng của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cách đây khoảng hơn 1 năm, tại ngôi chùa Kim Mã, nơi trước kia cơ quan văn hóa của Hà Nội đã làm một tấm bia ghi nhận nơi đây chính là nơi chôn cất các nghĩa sĩ Tây Sơn, đã diễn ra lễ tưởng niệm các nghĩa sĩ, cách không xa, nơi diễn ra giỗ trận Đống Đa.

Tôi nghĩ rằng, những giai đoạn lịch sử hiện đại về sau của Việt Nam rất phức tạp, với nhiều chế độ chính trị khác nhau, nhưng tôi nghĩ, chính thể nào cũng đều tôn vinh những người yêu nước cả, đều tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm.

Bài học xưa : Chiến tranh và Hòa bình

RFI : Thưa ông, xin được hỏi ông một câu dành cho những ai quan tâm sâu hơn về lịch sử, liên quan đến việc phục hồi hình ảnh Quang Trung – Nguyễn Huệ, mà ông vừa nói. Câu hỏi đặt ra ở đây là, không biết vì sao hình tượng Quang Trung và chiến thắng này không được chính thức (hay công khai) tôn vinh, mặc dù trong thời kỳ trước năm 1945, việc làm này không hẳn đã bị cản trở từ phía chính quyền thuộc địa ? Phải chăng điều này là do triều đại nhà Nguyễn vẫn tiếp tục có một ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của xã hội ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc : Theo tôi được biết, trước năm 1945, chưa bao giờ có một hoạt động công khai mang tính quốc gia của nhà nước. Cho dù là nhà nước thuộc địa, vì đằng sau triều đại phong kiến vẫn còn tồn tại. Mà chúng ta biết, do những hệ lụy lịch sử, triều Nguyễn coi Quang Trung là nghịch tặc, và ngụy triều. Cho nên, chắc chắn là việc tổ chức công khai có tính quốc gia, sự tôn vinh đối với Quang Trung, với Tây Sơn là điều không thể xảy ra dưới triều Nguyễn được. Còn người dân có thể có cách biểu hiện của mình một cách kín đáo, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, thì việc này có thể có.

RFI : Thưa ông, tại sao nhiều người lại cố gắng phục dựng lại niềm tự hào hoặc những kỷ niệm về thời đó vào thời điểm bây giờ ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc : Cũng như tôi nói, thời kỳ tồn tại nhà Nguyễn cho đến năm 1945 thì mới chấm dứt, do những hệ lụy lịch sử thì việc tôn vinh Quang Trung có thể nói thẳng là cấm kỵ, vì thế mà người dân thì phải kín đáo (tưởng nhớ), bên cạnh lễ hội của người Hoa, diễn ra tại khu vực Đống Đa, mà người Việt Nam cũng thừa nhận như một dấu tích của chiến thắng của cha ông xưa.

Chúng tôi biết sau này, Sở văn hóa Hà Nội, trên cơ sở các nghiên cứu sử học đã ghi nhận địa điểm Chùa Kim Mã lâu rồi. Đương nhiên, trong bối cảnh (…) diễn ra một số động thái đặc biệt liên quan đến Biển Đông, trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, thì rõ ràng, như thế phần nào nó kích thích, nó nhắc nhở. Những hoạt động ấy chứa đựng phần nào không khí thời sự. Bên cạnh việc tiếp tục các lễ hội (liên quan đến thời Tây Sơn) gần như đã trở thành thường niên diễn ra ở Đống Đa, việc tu sửa và nâng cấp một số điểm tại chùa Kim Sơn cũng là để bổ sung thêm, làm cho lễ hội thêm phong phú, và cũng nhắc nhở người Việt Nam luôn nhớ đến bài học xưa.

Tôi cũng muốn nói là, riêng đối với triều đại Tây Sơn, lập được một chiến công vô cùng hiển hách như thế, nhưng chúng ta cũng phải thấy thêm một khía cạnh nữa là bản thân nhà Tây Sơn cũng luôn mong giữ được sự hòa hiếu với Phương Bắc, để bảo vệ sự tự chủ vững bền hơn, mặc dù ông là người chiến thắng. Và điều này cũng đáp ứng được mong muốn của người dân được sống trong hòa bình. Tôi nghĩ đây cũng là một bài học không nhỏ.

Thời Tây Sơn : Rất nhiều dấu hỏi !

RFI : Thưa ông, những điều ông trình bày có thể coi là các đóng góp để lại của Quang Trung – Nguyễn Huệ, đặc biệt là về mặt quân sự. Cũng xin được hỏi ông về những nghiên cứu trong thời gian gần đây có những điểm gì mới, và hiện có những điểm gì tồn nghi, hay những điều cần khai phá trong tương lai ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ lịch sử là quá trình nhận thức về khoa học, nhưng đồng thời nó cũng gắn rất liền với tâm thế của một quốc gia, tức là những yếu tố mang tính thời sự, mang tính chính trị luôn luôn tác động vào. Như tôi đã nói, kể từ sau khi triều đình nhà Nguyễn không còn nữa, có thể nói là việc nghiên cứu về Quang Trung – Nguyễn Huệ - Tây Sơn được giải phóng. Điều này diễn ra trong tất cả mọi thể chế chính trị ở Việt Nam tiếp theo đó, kể cả trong chế độ Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, cũng như trong chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam.

Tôi cũng đã theo dõi các nghiên cứu của các sử gia miền Nam trước 1975, thấy được rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Còn ở miền Bắc, cũng có nhiều công trình. Có thể nói nhìn chung, mối quan tâm đầu tiên liên quan đến lịch sử quân sự. Chúng tôi cũng ghi nhận là, bên cạnh việc nghiên cứu, sự tôn vinh đối với hoàng đế Quang Trung và triều đại Tây Sơn tại Việt Nam, có thể nói rất được quan tâm.

Về việc nghiên cứu, dù cá nhân tôi không phải là chuyên gia, tôi cũng ghi nhận là bên cạnh nghiên cứu theo góc độ lịch sử quân sự, người ta cũng bắt đầu quan tâm lĩnh vực khác, các đóng góp khác, đặc biệt là lý giải vì sao triều đại Quang Trung được xây dựng trên một nền tảng rất hoành tráng của một cuộc khởi nghĩa nông dân, thực hiện được mục tiêu thống nhất quốc gia, rồi lại đánh bại quân xâm lăng, rồi lại ngắn ngủi như vậy ?

Ngay cả những « phát triển » trong nội bộ ba anh em Quang Trung cũng là một bài học lớn của lịch sử.

Có thể nói cho đến giờ, việc nghiên cứu những gì liên quan đến nhà Tây Sơn vẫn là một điều hấp dẫn nhiều nhà sử học, nó cũng đòi hỏi việc nghiên cứu ngày càng đi vào chiều sâu hơn, để có thể rút ra được các bài học lịch sử đối với một triều đại tuy ngắn ngủi, nhưng hết sức vẻ vang hoành tráng, và cũng để lại nhiều dấu hỏi không dễ dàng giải đáp được.

"Việt Thanh chiến dịch" - một đóng góp mới

Thời kỳ Tây Sơn và các hoạt động của cá nhân nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ - Quang Trung, như nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, đặt ra nhiều câu hỏi.

Trong những năm gần đây, có một số nghiên cứu đã được đẩy mạnh theo hướng phục dựng lại hiện thực lịch sử rất phức tạp của giai đoạn này, bên cạnh cuốn "Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802)" của sử gia Tạ Chí Đại Trường (hoàn thành năm 1973 và được tái bản nhiều lần từ năm 1991 đến nay), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với quý thính độc giả nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Duy Chính (California - Hoa Kỳ), đặc biệt là cuốn biên khảo "Việt Thanh chiến dịch", mới hoàn tất vào đầu năm 2011. Trong cuốn sách này, nhà sử học Nguyễn Duy Chính đã đặc biệt dựa vào các văn bản trao đổi của triều đình nhà Thanh với quan lại địa phương trong thời kỳ này, được tập hợp trong bộ "Khâm định An Nam kỷ lược" (Nhà xuất bản Hải Nam - Trung Quốc - ấn bản năm 2000), để đối chiếu với các tư liệu phía Việt Nam và quốc tế. Nhiều phát hiện và hướng nghiên cứu mới, thậm chí những cách nhìn rất khác, đã mở ra từ cuốn sách này. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây là một công trình tiếp nối truyền thống nghiên cứu sử học xuyên quốc gia, ở Việt Nam được mở ra đặc biệt với tác phẩm của Hoàng Xuân Hãn "Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý" (1949).

Nhân dịp đầu năm, xin kính gửi đến quý thính độc giả lời chúc hạnh phúc và thành công.

Xin chân thành cảm ơn hai nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã và Dương Trung Quốc đã vui lòng dành thời gian cho tạp chí hôm nay.

source

RFI Vietnames