Monday 20 December 2010

Đền Quán Cháo


Đền Quán Cháo
Cập nhật lúc 9:21:36 PM - 17/12/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

296-h1.jpg

Lễ hội Đống Đa.


Dọc đường thiên lý Bắc Nam, có rất nhiều Đền thờ Thánh, thờ danh nhân lịch sử. Chúng ta thường nghe: Đền Thánh Trần, đền Bà Triệu, đền Hai bà Trưng... nhưng cũng có một số Đền nghe tên, khó mà hình dung được ý nghĩa như thế nào. Đền Quán Cháo, đền Dâu, đền Sòng v.v..
Tôi rời Nam Định (1) thật sớm, dọc đường ghé đền Quán Cháo, đền Dâu, làm sao đến Thanh Hóa kịp trong ngày để sáng hôm sau đi tìm đất Lam Kinh (cách Thanh Hóa 80km hướng Tây Bắc), kinh đô của vua Lê Thái Tổ ngày trước.
Đền Quán Cháo cách Ninh Bình 12 km về phía Nam. Đền Quán Cháo gắn liền với sự tích tiên nữ dâng cháo cho quân lính Tây Sơn trước giờ xung trận. Nói đến đền Quán Cháo, không thể bỏ qua chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung. Trận đại phá quân Thanh như một hào quang sáng rực trong lịch sử nước nhà. Xin dành ít phút để nhìn lại trang sử hào hùng có một không hai này. Chiến thắng của vua Quang Trung có phần đóng góp không nhỏ của một danh tài văn võ kiêm toàn, một kẻ sĩ được vua Quang Trung ngưỡng mộ tin tưởng, đó là Ngô Thì Nhậm.
Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746 mất năm 1803, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất quý phục. Vụ án năm Canh Tý (1780) nổ ra (1), ông không can dự gì, nhưng cũng phải bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn. Khi biết Nguyễn Huệ nổi dậy khởi nghĩa, đánh đâu được đấy, và rất được lòng dân, Ngô Thì Nhậm đã hướng lòng mình muốn theo phò Nguyễn Huệ. Năm 1787, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông đã thực hiện được điều đó. Nguyễn Huệ phong ông làm Tả Thị Lang bộ Lại. Trước khi trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ giao cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dụng và Ngô Thì Nhậm trấn giữ Bắc Hà.

296-h2.jpg
Thị xã Tam Điệp.

Cuối năm Mậu Thân (1788), do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang nước ta, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Thế giặc rất mạnh. Trước tình hình đó, Ngô Văn Sở cho họp các quan văn võ, bàn cách đối phó. Đa số các quan bày mưu cố thủ ở Thăng Long. Riêng Ngô Thì Nhậm nghĩ khác. Ông cho rằng, lúc này quân địch rất mạnh, dân Bắc Hà còn nhiều người vẫn trung thành với vua Lê sẽ bị quân Thanh lừa dối. Nếu cố thủ ở Thăng Long, quân Tây Sơn dễ bị đánh ngay từ phía sau lưng. Theo ông, phải chọn đèo Tam Điệp là nơi ngăn cản quân Thanh, có nghĩa là khóa chặt cửa ải Tam Điệp. Ông lập ra kế hoạch và đem bàn với các tướng lãnh Bắc Hà: “Đèo Tam Điệp là nơi ngăn cách giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, rất hiểm yếu, ta nên tấn công gấp để giữ lấy, chớ để quân giặc chiếm trước. Được như vậy thì từ Trường Yên (phủ Trường Yên) về Bắc còn là của mình. Nếu núi Tam Điệp mà mất, thì lộ Sơn Nam thênh thang với những cánh đồng bằng phẳng rộng rãi, e khó tranh nhau với giặc, việc nước sẽ không thể làm thế nào được nữa”. Chiến lược đó được các tướng lãnh ủng hộ và thực hiện ngay.


296-h4.jpg

Đèo Tam Điệp.

Từ Thăng Long, Ngô Văn Sở theo đường bộ lui quân về giữ núi Tam Điệp (Ninh Bình). Thủy quân chở lương thực theo đường biển rút về đóng ở Biện Sơn (Thanh Hóa). Phòng tuyến thủy bộ Tam Điệp - Biện Sơn, đã hình thành vững chắc, nhằm nhử địch vào sâu về phía Nam, địch sẽ chủ quan kiêu ngạo, còn quân ta chờ vua Quang Trung kịp kéo quân ra Bắc.
Ngô Thì Nhậm chọn Tam Điệp làm nơi rút quân,vì ông am hiểu tường tận địa thế nơi này. Ba dãy núi đá vôi chạy suốt từ tỉnh Hòa Bình đổ về, ăn ra tận biển Đông theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đến đây hạ thấp xuống làm thành 3 đèo liên tiếp nhau gọi là Tam Điệp. Từ phía Bắc vào, đèo thứ nhất cao 68m, đèo thứ 2 ở giữa cao 110m, đèo thứ 3 cao 80m (so với mặt biển). Phía Bắc đèo Tam Điệp, lại có một cửa ải hiểm yếu án ngữ. Núi đá đứng sừng sững hai bên, giữa là một lối đi - một thế núi hùng vĩ và cũng tuyệt đẹp (2). Vì thế đèo Tam Điệp là một phòng tuyến lợi hại, một vị trí chiến lược trong quân sự, như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường ra Bắc vào Nam của đất nước, địch khó có thể tiến đánh quân Tây Sơn.
Chính vì vậy, khi tới đèo Tam Điệp, vua Quang Trung đã thán phục kế hoạch rút quân chiến lược của Ngô Thì Nhậm, “Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, lo chỉnh đốn đội ngũ rút về giữ chỗ hiểm yếu; trong thì khiến cho lòng quân phấn khích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế hay”. (Hoàng Lê nhất thống chí).
Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 -1-1789), vua Quang Trung hội đại binh ở đèo Tam Điệp và dõng dạc tuyên bố: “Nay ta tới đây tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi. Chỉ trong 10 ngày thế nào cũng quét sạch quân Thanh... Sau khi thắng trận phải khéo dùng ngọc bút thay giáp binh. Việc đó ta giao cho Ngô Thì Nhậm” (3).
Mười ngày sau, ngày 30 tháng Chạp (25-1-1789), vua Quang Trung mở tiệc khao quân ở đèo Tam Điệp và tuyên bố trước ba quân: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến ngày 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long, sẽ mở tiệc lớn. Các người hãy ghi nhớ lấy lời ta nói, xem có đúng không”.

296-h3.jpg

Gò Đống Đa.

Sự việc diễn ra đúng như vua Quang Trung nói: Chỉ trong 5 ngày, 29 vạn quân Thanh bị đập tan. Ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn chiến thắng lớn ở Đống Đa (Thăng Long), chiến thắng nhờ một phần mưu lược của Ngô Thì Nhậm như lịch sử đã ghi. Vì vậy năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ Thượng Thư.
Tưởng cũng nên nhắc lại: Bảy thế kỷ trước, đại quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng đã từng chọn nơi này để đóng quân, đánh giặc. Nay còn đền thờ Đức Thánh Trần ở Thổ Khối (xã Hà Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa), nơi xưa kia ngài đánh tan chiến thuyền của Toa Đô. Đèo Tam Điệp là tên gọi chính thức trong sách sử và địa lý cổ Việt Nam, con đường thiên lý từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo nằm trong vùng “Nhất bách lục sơn” (106 quả núi). Thời trước, con đường Thiên lý còn gọi là đường "dịch trạm”, đường "cái quan”, đường "triều chính”. Ngày nay Quốc lộ 1A qua Tam Điệp, có đoạn không trùng với đường thiên lý cổ, mà vượt qua núi Tam Điệp ở Dốc Xây, ranh giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa. Đoạn đường này do người Pháp mở từ đền Dâu (thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đến đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) vào đầu thế kỷ 20, để “nắn” thẳng đường Thiên lý, tránh phải đi qua đèo Tam Điệp cổ cheo leo. Từ năm 1999, đã có đường hầm qua núi ở Dốc Xây, đi lại hai chiều rất thuận lợi. Trong dân gian đèo Tam Điệp được gọi là Đèo Ba Dội. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ:

Đèo Ba Dội

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.


Vùng Ninh Bình cũng truyền nhau câu:

Ăn trầu nhớ miếng cau khô
Trèo lên Ba Dội nhớ cô bán hàng


(Còn tiếp)
Trần Công nhung
06 - 2008

(1). Chùa Bà Đanh trang 90 QHQOK tập 10
(2) Năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du qua đèo Tam Điệp đã làm bài thơ “Quá Tam Điệp sơn”, 10 tháng sau bài thơ được khắc bia đá, dựng ngay cạnh con đường Thiên lý cổ băng qua đỉnh núi ở giữa, cao nhất. Hiện nay, tấm bia đá đã được tìm thấy trên đỉnh đèo. Năm 1984, tìm được nền nhà bia cũ và bia được dựng đúng vị trí nhà bia cổ. Đỉnh núi có tấm bia này là điểm phân chia địa phận giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.
(3). Ngô Thì Nhậm tự là Hy Doãn, sinh năm 1746, là con của hoàng giáp Ngô Thì Sĩ, thuộc dòng họ Ngô ở làng Tả Thanh Oai (tục danh là làng Tó), huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay là tỉnh Hà Tây). Dòng họ này liên tục gần hai thế kỷ có nhiều người đỗ cao, học rộng, làm quan liêm khiết, lừng tiếng Bắc Hà. Ngô Thì Nhậm cũng hết lòng phục vụ chúa Trịnh Sâm, đề nghị nhiều dự án cải cách lớn, nhằm thay đổi cách cai trị, chống quan lại tham nhũng, làm giảm nỗi khổ cho dân. Nhưng ông đã hoàn toàn thất vọng: Trịnh Sâm cũng như các chúa Trịnh trước đó xa xỉ, hoang dâm vô độ, chỉ mỗi ngày một dấn sâu đất nước vào vòng đói khổ.
Người tri kỷ bao năm trời mong đợi của ông là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, với lá cờ Tây Sơn đỏ chói phương Nam, mà ông đã từng nghe tin tức từ mấy năm về trước nay đã đến. Bài phú nói lên ước mơ của ông: "Chờ khi người biết đến mình, chí lớn nọ đem ra vùng vẫy; giúp tám cực mà chuyển xoay; vỗ chín cực yên rường mối", đã trở thành hiện thực. Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc, chỉ một trận quét sạch cơ đồ hai trăm năm của họ Trịnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, giết Võ Văn Nhậm chuyên quyền mưu phản, rồi cho mời ông đến, phong ngay cho ông chức Thị Lang Bộ Lại, sau đó lại giao cho ông cùng Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Dũng, Trần Thuận Ngôn cai quản toàn bộ mười một trấn Bắc Hà.
Nhân nói về Ngô Thì Nhậm, tôi nhớ ngày còn ở quê nhà (1992), thi sĩ Trần Chấn Uy (Đài truyền hình Nha Trang), có kể cho tôi nghe câu chuyện về bài thơ Lương Thiện, đăng trên tạp chí Sông Hương (thập niên 80). Bài thơ ca ngợi những người trung liệt bị chém đầu, chỉ vì “Trọng nhân nghĩa giữ đức lành” “để làm người lương thiện”. Bài thơ đã bị nhà văn Vũ Hạnh (tức cô Phương Thảo mục điểm sách tạp chí Bách Khoa trước 75), đả kích kịch liệt, vì có những câu sau đây:

Vị đại thần triều Lê - Nguyễn Trãi
Có phải vì thanh liêm mà mắc án Lệ Chi Viên
Kẻ sĩ Bắc Hà Yên Đổ Tam Nguyên
Thương dân, khóc nước mắt mờ
Chí sĩ họ Ngô
Nhận cái chết để giữ mình lương thiện..

Trần Chấn Uy nói: Nếu Vũ Hạnh là kẻ vô danh tiểu tốt thì anh không lên tiếng, nhưng Vũ Hạnh đã từng là “cai văn nghệ”, (tức cô Phương Thảo mục điểm sách tạp chí Bách Khoa trước 75), một người nổi danh là nhà phê bình, nên buộc anh phải lên tiếng, bằng cách kể chuyện một em mục đồng sáng lùa trâu ra khỏi chuồng, đếm đủ 10 con; chiều về đếm mãi vẫn thiếu một, em quên đếm con trâu mình đang cỡi. Vũ Hạnh quên lịch sử còn có chí sĩ họ Ngô (Thì Nhậm), chứ không phải chí sĩ Ngô (Đình Diệm) mà thôi. Vũ Hạnh bị cú “knock out” không đỡ nổi, im luôn.
source
Vien Dong Daily