Saturday 17 December 2011

Chùa Ba Đồn



(VienDongDaily.Com - 16/12/2011)
“Chùa nớ thờ vong người bị Pháp giết trong ngày kinh đô thất thủ năm Ất Dậu. Ông cứ lên đền Nam Giao hỏi người ta chỉ cho”.
Bài và Ảnh: Trần Công Nhung/Viễn Đông


Cổng chùa Ba Đồn

Huế có thể nói là quê hương của Lăng Tẩm - Chùa – Đền – Điện – Miếu. Du khách đến Huế ai mà không nghe danh lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, đền Nam Giao, điện Ngọc Trản (Hòn Chén), miếu Âm Hồn, v.v.. Tuy chưa thăm nhưng nghe tên không mấy lạ, nhưng lần đầu nghe tên chùa Ba Đồn, tôi cứ ngớ ra. Nhiều năm trước, tôi có đến một vùng gọi là Ba Đồn (1) để tìm một cây đa. Ba Đồn ở đấy đúng nghĩa có 3 đồn bót của Pháp ngày trước. Tôi đã cố tìm một vài dấu tích của địa danh này, nhưng tất cả đã bị con người và mưa gió khỏa bằng, chỉ còn tên gọi trong dân gian. Chùa Ba Đồn, chẳng lẽ cũng là nơi có 3 đồn lính? Hỏi qua một vài bạn ở Huế, họ thú thật “nghe rứa chớ biết mô”. Nhưng thật có chùa Ba Đồn không, nhiều người xác nhận có, “Chùa nớ thờ vong người bị Pháp giết trong ngày kinh đô thất thủ năm Ất Dậu. Ông cứ lên đền Nam Giao hỏi người ta chỉ cho”.



Chùa Ba Đồn



Cồn mộ Đồn 3
Trước cổng đền Nam Giao có một nhóm khách Tây đang đợi người mở cửa. Tôi vào một quán bên đường hỏi chùa Ba Đồn, bà quán chỉ ra trước mặt: “Chú tới ngả ba đàng nớ rẽ phải rồi theo đường Tam Thai sẽ qua chùa Ba Đồn, không xa mô”. Ngay bên hông trái của đền Nam Giao có đường Thiên Thai, chạy một đoạn gặp đường Tam Thai, rẽ vào chừng cây số thấy cổng chùa Ba Đồn bên trái. Cổng chùa thật đơn giản, chỉ có hai trụ trơ vơ, bên trái xây một trụ phụ cao chừng 2 mét, đầu trụ gác ngang bảng tên Chùa Ba Đồn. Hai trụ chính có hai câu đối chữ Tàu:

Chinh chiến kỷ năng hồi, linh tích thiên thu bằng thử địa ,
Thân sơ vô dị trí, tâm hương nhất triện vấn thùy nhân .
Dịch nôm của Nguyễn Quan Hà (thân hữu ở San Diego):
Chinh chiến mấy ai về, ngàn thuở dấu thiêng còn khắp chốn,
Xa gần đều kẻ biết, một lòng kính ngưỡng kể bao người .


Con đường từ cổng vào khá rộng, đổ bê tông, sâu hơn trăm mét. Cảnh vắng như tờ, tôi chạy xe tuốt vào Tam Quan. Lúc này mới nghe tiếng chổi quét sân sôt soạt bên hông chùa. Một chị từ trong nhà ngang bước ra vui vẻ tiếp tôi. Tôi hỏi thăm về chùa, chị cho hay: “Chú hỏi bác Nghiêm, bác ấy nắm rất rõ về lịch sử chùa”. Vừa lúc người đàn ông quét sân đi tới, sau phần xã giao chào hỏi, tôi vào đề:
- Thưa bác, trước hết bác có thể giải thích tên chùa? Ba Đồn, thật sự tôi không hiểu, hỏi vài anh em ở Huế họ chỉ nói chung chung.
- Điều này sử sách có ghi, tên Ba Đồn chính là chữ đọc trại ra từ “Tam Đàn Nghĩa Trủng”. Sau khi thống nhất đất nước (1802) qua năm 1803, bắt đầu xây dựng Kinh thành Phú Xuân (Huế), vua Gia Long (1802-1819) cho giải tỏa 8 ngôi làng ở bờ bắc sông Hương. Nhà cửa và mồ mả phải dời đi nơi khác. Những mộ không có người nhận thì nhà nước cho dời lên tại vùng rừng mà ngày nay gọi là Xóm Hành thôn Tứ Tây thuộc xã Thủy An, thành phố Huế. Cồn mồ 8 làng ra đời. Năm Quí Hợi (1803), vua Gia Long cho dựng bia đá (cao 1,51m, rộng 1,110m) với nội dung "Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi Mộ" (Vua cho hợp táng những mộ không người thờ tự). Dòng lạc khoản bên phải đề: "Vị dĩ bách cận thành trì thiên táng tại thử" (Vì lẽ mộ cận thành trì nên dời chôn tại đây). Lạc khoản bên trái ghi: “Tuế thứ Quý Hợi niên tam nguyệt sơ thất nhật phụng khắc” (Kính vâng mệnh khắc ngày 7 tháng 3 năm Quý Hợi, tức là ngày 27-4-1803).
Sau khi di dời mộ các nơi về từng cồn 1 - 2 - 3 thì hàng năm có làm Trai Đàn
tế lễ cô hồn, ba cồn mồ ba Trai Đàn. (2)
- Thưa bác nghe nói chùa Ba Đồn có nhiều chuyện linh thiêng phải không bác?
- Đúng, sau năm 75, một số thanh niên đi làm thủy lợi, tối ở lại cắm trại ngủ trên bãi Đồn 1, nửa đêm họ thấy có người đến đuổi. Các thanh niên này không đi, hôm sau đi làm, người gãy tay, người gãy chân, người bị sốt phải nghỉ việc. Đêm sau lại có người đến đuổi nữa, họ sợ quá, phải chạy vào chùa xin bà mẹ của ông Đinh (người giữ chùa, đời thứ hai) cho ngủ tạm.
Sau khi giải thích về gốc tích chùa Ba Đồn, bác thủ từ đưa tôi vào xem trong nội điện chùa. Tòa nội điện có năm gian hai chái. Bác Nghiêm giải thích cách thờ tự và đọc cho tôi ghi các câu đối trong chùa. Gian giữa thờ Phật, trên cao có tượng Thích Ca, có hoành phi 4 chữ: Từ Bi Vô Lượng, xuống có tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, bên phải có Nam Tào, trái Bắc Đẩu. Có 4 câu đối, hai câu ngoài:

Diệu Pháp nan lường, chúng sanh qui đầu khể thử
Oai linh bất tận toàn nhơn trần hội tường chiêm.


Hai câu bên trong:

Nhứt tộc khởi sùng từ vạn tải linh hồn quân túc tụ
Thập phương đồng hiệp tự ức niên tán phách hiển tinh thần



Câu đối trong chùa

Sau bàn thờ Phật là bàn thờ Hội Đồng các Quan có bài vị: Hàn Lâm Pháp Hội. Các gian kế bên phải thờ: Hương linh anh hùng tuẫn tiết - Thờ Cô hồn – Thờ Hương linh bổn tự.
Các gian kế bên trái thờ: Nam nữ nạn vong – Thờ Phưởng hồn (vong hư sẩy) – Thờ Hương linh các Phổ hội.
Trước sân chánh điện có bàn thờ ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, và ngài Tiêu Diện Đạo Sĩ. Tiếp là tam quan chùa, bốn trụ có bốn câu đối chữ Tàu, hai câu hai trụ giữa:

Nam quốc trương ngưng vạn hộ thiên gia hàng phú thọ
Thiền môn đại khởi cửu u thập loại tận siêu thăng


Hai câu hai trụ ngoài:

Hắc hải ba đào tuyền nhượng nan mai chung cổ hận
Bạch dương phong vũ anh hồn trường ngự đại từ tâm


Sau lưng chùa có nhà bia “Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi Mộ”. Điều đặc biệt, trên các Đồn (cồn mồ) chỉ mọc độc nhất một loài cỏ chỉ. Một nhà sư bán thế (cư sĩ) làm Phật sự ở vùng này lâu năm giải thích rằng: Các vong linh ở dưới đất, chỉ cho loại cỏ chỉ mọc lên để giữ đất chứ không cho mọc bất cứ một loại cây gì khác. Hiện tại các Đồn đã bị xâm lấn xây cất một số lăng mộ bất hợp pháp (3), chính quyền Huế đã có công văn chỉ đạo ngăn chặn nhưng chưa giải quyết dứt điểm.
Ba Đồn tuy không phải ngôi chùa chính thống thuộc Giáo Hội Phật Giáo, nhưng với lịch sử, với dân gian lại là ngôi chùa linh hiển, một di tích lạ có mười cồn mộ hợp táng lớn nhất nước. Chùa Ba Đồn nằm sau lưng núi Bân (nơi Hoàng Đế Quang Trung lên ngôi năm 1788) và gần Đàn Nam Giao của triều Nguyễn. Nếu có qui hoạch hợp lý thì chùa Ba Đồn kết hợp với Núi Bân - Đàn Nam Giao, thành một quần thể di tích, một khu du lịch hấp dẫn khách. Viếng thăm chùa Ba Đồn không chỉ thuần là vãn cảnh mà còn hiểu sâu hơn về lịch sử nước nhà qua bao nhiêu thời chống ngoại xâm, vạn vạn anh hồn tử sĩ đã hy sinh yên nghỉ nơi này.


Bàn thờ Phật

Vấn đề chính yếu vẫn ở chỗ tôn tạo mà không phá bỏ, không làm mất dấu tích lịch sử, không thừa cơ cắt xén, như bao công trình đã thực hiện xưa nay. Không nên giao sự nghiệp văn hóa cho người không có văn hóa, cũng như sự nghiệp giáo dục không để cho người thiếu giáo dục độc quyền. Được như thế đất nước mỗi ngày sẽ nở thêm hoa, bớt cỏ dại, và bớt đi sự chê cười của người ngoài. Sự nghiệp của ông cha bao đời để lại, con cháu nên cố hết sức gìn giữ tô bồi.


Nhà bia


Cồn mồ Đồn 1 sau lưng chùa

Tháng 8 - 2011

(1) “Cây đa ăn miếu” trang 19 QHQOK tập 3
(2) Sử ghi: Sau khi xây dựng đàn Nam Giao và lăng Gia Long, các mồ vô chủ lại được dời đến tiếp tạo thành hai cồn mồ lớn nữa nằm về phía nam của cồn mồ 8 làng. Cồn mồ 8 làng 3800 mộ(sau thường gọi là Đồn 1) có diện tích 50m x 150m. Ở mỗi cồn mồ đều có dựng bia và có nội dung từa tựa như bia Cồn mồ 8 làng. Riêng bia Cồn mồ thứ hai có lạc khoản bên trái cho biết có 3.700 người an nghỉ ở đây, lạc khoản bên trái bia Cồn mồ thứ ba cho biết có 2250 (Hai bia số 2 và số 3 đã mất từ lâu).
Đến năm 1835, vua Minh Mạng cho lập một bàn thờ ở giữa trời (đàn) tại cồn mồ 8 làng để hằng năm nhà nước tổ chức cúng tế những cô hồn của 8 làng. Về sau cho dựng thêm hai đàn nữa để cúng tế những cô hồn của cồn mồ thứ hai và thứ ba. Dân chúng gọi ba cồn mồ có ba đàn hằng năm tế lễ đó là Cồn mồ Ba Đàn (Ba Đồn). Sau ngày thất thủ Kinh đô (23 tháng 5 Ất dậu, 1885) thực dân Pháp đánh chiếm Huế, dân chúng và binh lính trong Thành chết hàng ngàn người. Lúc đầu người chết được dập hai bên lề đường và ngay trong các vườn nhà chung quanh. Về sau người Pháp "giăng dây thép họa địa đồ nước Nam" bắt dân chúng phải cất bốc hết các mồ mả chôn trong và ngoài Kinh thành. Những mồ vô chủ lại được đưa lên Ba Đồn "hợp táng" hình thành thêm một số Cồn mồ nữa, số cồn mồ mới là:
Cồn mồ thứ tư, nơi an nghỉ của quân lính hy sinh trong Kinh thành Huế ngày 23-5 Ất Dậu (5-7-1885), số lượng không rõ;
Cồn mồ thứ năm, nơi an nghỉ của sĩ quan hy sinh trong Kinh thành Huế ngày 23-5 Ất Dậu (5-7-1885), số lượng không rõ;
Cồn mồ thứ sáu, nơi an nghỉ của thường dân chết trong Kinh thành Huế ngày 23-5 Ất Dậu (5-7-1885), số lượng không rõ;
Từ thời Gia Long, một cái miếu nhỏ được dựng lên để hương khói quanh năm. Cuối thế kỷ XIX, miếu đổ nát, bà Nguyễn Thị Lựu, bà ngoại của vua Thành Thái, bỏ tiền trùng tu.
Khi Miếu Ba Đồn được nhiều người đóng góp tu sửa, các đợt cúng tế cầu xin thần linh độ trì cho Ba Đồn và cầu các cô hồn phù hộ cho bá tánh đều được tổ chức tại miếu Ba Đồn. Từ đó Ba Đồn trở nên rộn rịp. Đến nửa đầu thế kỷ XX, để cầu cho mua may bán đắt, các “phổ” (phường nghề) thợ vàng (Kim Hoàn), Thợ may, Chén bát, Nón lá, Phổ Phước Lợi, Phổ Phú Nhơn trong Kinh Thành ... tự nguyện làm "tín đồ" của miếu và xem miếu Ba Đồn như miếu thờ của các Phổ. Việc thờ cúng tại miếu Ba được các vua từ Minh Mạng đến Duy Tân rất chú trọng. Thời Thành Thái rất thiếu thốn mà lễ vật cúng tế hằng năm ở Ba Đồn gồm có ba con lợn, 15 đấu nếp, 45 chén gạo, 15 chén muối, và các thứ khác như hương đèn, rượu, cau trầu, đồ vàng bạc bằng giấy. Từ đời Thành Thái - Duy Tân mỗi năm chỉ tế lễ vào ngày Thất thủ Kinh đô 23-5 âm lịch. Đối với dân chúng, hằng năm các Phổ tổ chức cúng tế vào ngày 16 tháng Giêng (Minh Niên) và ngày 16 tháng Chạp (Tất niên). Từ sau ngày có thêm ba đồn 4, 5, 6 ngoài việc thờ Thánh, miếu thờ thêm các cô hồn đã mất trong Biến cố 23 tháng 5 Ất dậu, các “Phổ” lại tổ chức lễ cúng âm hồn nữa. Lễ cúng âm hồn kéo dài cả tuần lễ, bắt đầu từ ngày 23 tháng 5 cho đến cuối tháng 5. Các “Phổ” tự chọn ngày tế riêng hoặc hợp tế tùy theo năm. So với các miếu tại Huế và trên toàn quốc, không nơi nào thờ cúng một số lượng cô hồn đông đảo như miếu Ba Đồn. Do đó dân chúng nghĩ miếu Ba Đồn là rất linh thiêng. Miếu Ba Đồn trở thành nơi bói xăm của bá tánh. Người đoán xăm là người có ăn học, phần lớn là các nhà sư bán thế. Do yêu cầu của thực tế, hằng ngày tại miếu có một nhà sư đoán xăm. Do sự có mặt của các nhà sư, miếu Ba Đồn rước thêm Phật về thờ. Miếu Ba Đồn có Phật, có sư dần dần trở thành chùa Ba Đồn đã 200 năm, tuy nhiên cho đến nay, chùa Ba Đồn cũng không có trụ trì và chưa bao giờ được Giáo Hội Phật Giáo công nhận. Vị sư bán thế đoán xăm nổi tiếng của chùa Ba Đồn là ông Mật Giải - em ruột Hòa Thượng Bích Phong (1900-1968), trụ trì chùa Quy Thiện (ở gần chùa Ba Đồn). Ông Mật Giải qua đời năm 1986 sau 45 năm gắn bó với chùa Ba Đồn.
(3) Dư luận cho rằng từ năm 1998, có người đem đất chùa chia lô bán cho tư nhân xây lăng mộ. Đến nay đã có hơn 300 mộ xây trái phép trên diện tích gần 8.000 m2, ngoài ra 5.000 m2 đất ở khu vực đường vào chùa, xung quanh chùa đã bị bán xây khuôn viên để dành.
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 12, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách nguyên bộ 12 tập (discount), xin liên lạc:
Tòa soạn Nhật Báo Viễn Đông, 14891 Moran Street, Westminter, CA 92683. Điện thoại: 714-379-2851.
Những sách khác, liên lạc tác giả qua P.O. Box 254, Lawndale, CA 90260. Website: www.ltcn.net

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/chua-ba-don-HTYYu4YL.html
Bài và Ảnh: Trần Công Nhung/Viễn Đông
source
Vien Dong Daily

Tuesday 29 November 2011

Chân thân vị vua nữ thứ nhì trong lịch sử Việt Nam



Friday, 25 November 2011 20:56

Khi vị anh thư vùng Mê Linh (Vĩnh Phúc bây giờ) làm lễ xuất quân đánh đuổi giặc Bắc phương đang đô hộ Giao Chỉ, bà thề trước Trời Ðất và hơn 5 vạn quân gươm giáo sáng lòa, lời thề bốn điểm sử sách Nước Nam còn ghi:

Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng, vị vua nữ thứ nhì trong lịch sử nước Nam (Nguồn: Võ sư Vương Ðình Thanh)

Một xin rửa sạch Nước Nhà

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

(Thiên Nam Ngữ Lục)

Nước Nam lúc ấy đang bị giặc Hán qua tay Thái thú Tô Ðịnh đô hộ, chúng vốn đánh bại các vị Vua Hùng từ trước Tây lịch; còn chồng của Trưng Trắc là Thi Sách, con của Lạc tướng quận Chu Diên, đã bị Tô Ðịnh đem hành hình chỉ một thời gian ngắn sau đám cưới với Trưng Trắc, con của Lạc tướng Mê Linh. Mưu sâu của giặc Tầu là chúng tin rằng hai họ lớn của hai vị tướng quân xưa của Nước Âu Lạc, quận Giao Chỉ và quận Chu Diên, kết thông gia với nhau, thì sẽ khó mà trị, cho nên Tô Ðịnh đã đem quân phá tan đám cưới, bắt Thi Sách đem đi.

Sau khi ào ạt chiếm 65 thành trì, Trưng Trắc lên ngôi Vua, sử gọi là Trưng Vương, đó là vị Vua Nữ đầu tiên của nước ta. Vị vua nữ thứ nhì lên ngôi trong không khí một triều đại mạt thế, không có con trai nối dõi, cách vị vua nữ đầu tiên tới gần 1200 năm. Nguyên Nhà Lý, trị vì 215 năm, là Triều đại bền vững lâu dài nhất nước ta, nhưng đến đời vua Lý Huệ tông lại không có con trai nối dõi, phong cho con gái, tức Công chúa Chiêu Thánh, mới 7 tuổi, làm Hoàng-thái-tử! Lý Chiêu Hoàng sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), tên húy là Phật Kim sau đổi là Thiên Hinh. Năm 1224, Chiêu Thánh lên ngôi vua, gọi là Lý Chiêu Hoàng. Vậy vị Vua Nữ thứ nhì của nước Nam lên ngôi cách vị vua nữ đầu tiên tới 1224-43= 1181 năm. Ngay việc Triều chính đời Lý Huệ Tông đã ở trong tầm tay của Tiết độ sứ Trần Thủ Ðộ, cho nên việc nước từ tay nhà Lý qua tay nhà Trần, cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy thế, huyền thoại lại cho thấy rằng, đây cũng là chuyện của Trời, vì mệnh trời đã định như thế. Ngô Thời Sỹ viết trong Việt Sử Tiêu Án: “...địa-quyết làng Cổ Pháp (quê hương nhà Lý) có câu: 'Tộ truyền bát diệp, Diệp lạc âm sinh [Truyền được 8 lá, lá rụng âm (nữ) sinh: hay là Truyền được 8 đời vua, nhà vua sau rốt thứ 9 là đàn bà.] Ðại Việt Sử Ký toàn-thư cho biết Trần Thủ Ðộ trông coi việc sắc-dịch trong cung, đã đưa Trần Cảnh là cháu mình, vào làm chánh thủ.

“Cảnh lúc ấy mới có 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu hoàng trông thấy yêu lắm. Mỗi khi chơi đêm, cho gọi Cảnh đến cùng chơi; thấy Cảnh ở chỗ tối thì chạy đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng vào bóng. Có một hôm Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu hoàng rửa mặt, lấy tay té nước ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không nói gì, về nói với Thủ Ðộ. Thủ Ðộ nói: ‘Nếu thực có thế thì họ [Trần] làm vua chăng? [Hay] chết cả họ chăng?’ Lại một hôm Chiêu hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy xuống nói: ‘Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.’

Chiêu hoàng cười và nói: ‘Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó. Cảnh lại về báo cho Thủ Ðộ biết. Thủ Ðộ sợ việc tiết lộ ra thì bị giết cả. Bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm, sai đóng cửa thành và các cửa cung, cắt người coi giữ. Các quan vào chầu không được vào. Thủ Ðộ loan báo rằng: ‘Bệ hạ đã có chồng rồi.’ Các quan đều nói được, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng.” (ÐVSK toàn thư, q.4, tr.309).

Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu tức 22 tháng 11 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng (Niên hiệu: Thiên Chương Hữu Ðạo) xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh tức Trần Thái Tông. Bài chiếu nhường ngôi, theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1225:

“Từ xưa nước Ðại Việt đã có các bậc đế vương trị vì thiên hạ. Riêng nhà Lý ta vâng chịu mệnh trời, làm chủ bốn biển, các vị thánh vương truyền nối đã hơn hai trăm năm. Chẳng may đức Thượng Hoàng mắc bệnh, không có người nối dõi, thế nước nguy khốn, đành sai trẫm nhận minh chiếu, gượng lên ngôi vua. Thật là từ xưa đến nay chưa có việc như thế bao giờ! Than ôi, trẫm là nữ chúa, tài đức đều kém, lại thiếu người giúp đỡ, mà giặc cướp thì nổi lên như ong, làm sao có thể giữ gìn ngôi vị quá nặng đó được? Trẫm những thức khuya dậy sớm, chỉ sợ gánh vác không nổi; lòng thường cầu mong có bậc hiền nhân quân tử, cùng giúp chính sự. Ngày đêm trẫm vẫn canh cánh nghĩ về việc đó.

Người quân tử đẹp đôi

Lòng rạo rực buồn vui

Thức ngủ bao tơ tưởng

Tình man mác xa xôi

“Nay trẫm một mình suy nghĩ đi nghĩ lại, duy có Trần Cảnh là người văn chất rõ ràng, phong thái đúng là bậc hiền nhân quân tử, uy nghi trầm mặc, lại có tư chất của đấng văn võ thánh thần, dù Hán Cao Tổ, Ðường Thái Tông cũng không hơn được. Trẫm đã sớm suy nghĩ, nghiệm xét từ lâu: nên nhường lại ngôi lớn để yên lòng trời, để thỏa ý trẫm, có vậy mới mong ai nấy đồng lòng gắng sức, phù trì vận nước lâu dài, để cùng chung hưởng hạnh phúc thái bình. Nay bá cáo cho thiên hạ cùng nghe biết.”

Ðền Rồng ở Bắc Ninh, nơi thờ Lý Chiêu Hoàng hiện nay. (Nguồn: Khởi Hành)

Năm 1258, sau kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đem Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần (vốn là Lê Tần). Bà sống hạnh phúc với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Bà mất năm 1278, thọ 61 tuổi. Nhà thơ Tản Ðà có bài thơ Vịnh Lý Chiêu Hoàng lời lẽ mỉa mai như 4 câu sau đây:

Quả núi Tiên Sơn có nhớ công

Mà em đem nước để theo chồng

Ấy ai khôn khéo trò dan díu?

Cái nợ huê tình có biết không?

Chiêu Hoàng không được thờ chung với các vua Lý khác ở đền Ðô - Lý Bát Ðế - tại Ðình Bảng, Bắc Ninh, thế kỷ XIII, mà được dân làng thương mến, xây riêng cho bà một nơi thờ riêng tục gọi là Ðền Rồng.

VIÊN LINH

source

Calitoday

Tuesday 15 November 2011

Tội ác diệt chủng Pol Pot ở Ba Chúc – An Giang




(VienDongDaily.Com - 11/11/2011)
Nếu vô tình nhắc tới Pol Pot thì trên khóe mắt của họ, lệ bỗng tuôn trào vì ông bà cha mẹ anh em đã bị giết vô cớ
Hoàng Bảo/Viễn Đông

Dù đã xảy ra cách đây 33 năm nhưng tội ác của Pol Pot trong vụ diệt chủng tàn sát người dân Việt Nam ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vào năm 1978 vẫn chưa phai. Dường như gia đình nào ở xã miền núi nhỏ bé này cũng đều có người thân chết trong vụ thảm sát đó. Nếu vô tình nhắc tới Pol Pot thì trên khóe mắt của họ, lệ bỗng tuôn trào vì ông bà cha mẹ anh em đã bị giết vô cớ. Chung quanh chùa Phi Lai vẫn còn nhiều vết tích của vụ thảm sát này. Khi trời chạng vạng tối, cái không khí ảm đạm, lạnh lẽo bao trùm cả khu vực…


Sọ người vô danh trong vụ thảm sát này được lồng trong kính - ảnh: Hoàng Bảo/Viễn Đông


Những bức ảnh trong nhà triển lãm được chụp lại sau vụ thảm sát năm đó - ảnh: Hoàng Bảo/Viễn Đông


Cái dùi trống mà Pol Pot dùng để đập đầu người dân Ba Chúc - ảnh: Hoàng Bảo/Viễn Đông


Vết máu trong chùa năm đó được tái hiện lại bằng màu sơn - ảnh: Hoàng Bảo/Viễn Đông


Người dân cứ nghĩ sẽ có thần linh phù hộ nên vào chùa trốn nhưng không ngờ
máu đã nhuộm nơi đây - ảnh: Hoàng Bảo/Viễn Đông


Toàn cảnh khu nhà mồ Ba Chúc - ảnh: Hoàng Bảo/Viễn Đông
source
VienDongDaily

Tuesday 2 August 2011

Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước


Friday 8 July 2011

'Biểu tình là phản ứng của người dân'


Cập nhật: 04:58 GMT - thứ sáu, 8 tháng 7, 2011

'Biểu tình là phản ứng của người dân'

Trường Sa

Trả lời báo nước ngoài hôm thứ Năm 07/07, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói việc biểu tình là "phản ứng của người dân trước những sự kiện ở Biển Đông".

Bà Nguyễn Phương Nga đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ với các phóng viên trong và ngoài nước, trong đó bà trả lời một số câu hỏi được các phóng viên gửi tới từ trước.

Báo mạng Giáo dục Việt Nam tường thuật rằng phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại đây đã hỏi bà Phương Nga: "Liệu trong bao lâu nữa Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép người dân tiến hành biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc sau một loạt các sự kiện người dân Việt Nam tiến hành tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự kiện thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã tới thăm Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua?"

Bà Nga không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói: "Trong cuộc họp báo hôm trước tôi cũng đã từng nói, đây là phản ứng của người dân Việt Nam trước những sự kiện gần đây diễn ra trên Biển Đông".

Câu trả lời của người phát ngôn dường như biểu lộ hàm ý không hẳn tán đồng nhưng cũng không chỉ trích điều mà chính phủ Việt Nam sau sự kiện biểu tình hôm 05/06 nói là "một số người đã tự phát tụ tập... để thể hiện tinh thần yêu nước".

Bản tin của Giáo dục Việt Nam nay đã bị gỡ xuống nhưng vẫn còn lưu lại trên một số trang mạng.

Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải "định hướng dư luận" sau các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Bắc Kinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trả lời một câu hỏi khác, bà Nga nói Bộ Ngoại giao Việt Nam "không có thông tin về việc" được nói là tàu Trung Quốc định cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hôm 30/06.

'Nhận thức chung'

Bà Nguyễn Phương Nga cũng lên tiếng giải thích về 'nhận thức chung' giữa lãnh đạo VN và TQ về Biển Đông nhưng không nhắc tới cụm từ 'đồng thuận'.

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về 'nhận thức chung giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông', bà Nga nói "nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc", gần đây nhất là trong "thông tin báo chí chung về cuộc gặp giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc" hôm 25/06.

Bà Nguyễn Phương Nga

Bà Nguyễn Phương Nga là người phát ngôn Bộ Ngoại giao

Người phát ngôn Việt Nam nhắc lại những chi tiết chính của nhận thức chung này, như quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định tại Biển Đông; duy trì cơ chế đàm phán trên biển; căn cứ các nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được ...

Bà Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định, nhận thức chung đi kèm nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau trong đàm phán về các vấn đề trên biển, và "hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp".

Các điểm mà người phát ngôn Việt Nam đưa ra không có gì mới và trên thực tế đã nhắc lại nhiều lần.

Bà Nga không đề cập tới phạm trù "đồng thuận chung" mà truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là Tân Hoa Xã, đã đưa ra khi tường thuật cuộc gặp giữa ông Hồ Xuân Sơn và lãnh đạo Trung Quốc hôm 25/06.

Yêu cầu giải thích

Bản tin của Tân Hoa Xã phát đi hôm 28/06 dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến đi của ông Sơn.

Ông Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ thực hiện đồng thuận chung và nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định tại Nam Hải (Biển Đông)".

Cụm từ "đồng thuận chung" hiếm gặp đã khiến không ít người ở Việt Nam lo lắng về khả năng có thể hai bên, nhất là các lãnh đạo Đảng, đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó.

Hôm 02/07, một nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Bộ Ngoại giao yêu cầu giải thích về những điều Tân Hoa Xã đưa tin.

18 trí thức ký tên yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06.

Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông.

Phát biểu của Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga không đề cập tới các yêu cầu nói trên.

source

BBC Vietnamese

Tuesday 21 June 2011

"Phố Trung Quốc" ở Ninh Bình


"Phố Trung Quốc" ở Ninh Bình

Luật không cho phép doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài. Vậy mà ở Ninh Bình, có công trường, số công nhân lao động phổ thông Trung Quốc lên đến gần 1.500 người.

Nhếch nhác

Không phải ngẫu nhiên mà người dân xã Khánh Phú, H.Yên Khánh (Ninh Bình) đặt cho một đoạn đường của quốc lộ 10 chạy qua địa bàn cái tên "Phố của người Trung Quốc", bởi mỗi khi phố lên đèn, hàng trăm thanh niên Trung Quốc từ các ngả đường đổ về con phố này. Một người dân địa phương cho biết: "Trước kia ở đây bình yên lắm, nhưng từ khi người Trung Quốc đến đây, phố xá ồn ào hẳn lên. Tối tối, nhiều thanh niên Trung Quốc cởi trần trùng trục uống rượu, cãi nhau, khạc nhổ, rồi trêu chọc gái qua đường". Còn theo một công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình thì ở đây cũng thường xảy ra xích mích qua lại giữa lao động Việt và lao động Trung Quốc hoặc giữa lao động Trung Quốc với nhau.

Những hàng quán dành cho người TQ đua nhau mọc lên - Ảnh: Cường Trung

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Hoàng Tâm, ngụ tại xã Khánh Phú, cho biết: "Ngay sau khi khởi công Nhà máy đạm Ninh Bình, vùng quê này đã đổi thay hẳn. Các nhà hàng, quán cóc, tiệm gội đầu, mát-xa, nhà nghỉ, đua nhau mọc lên như nấm để phục vụ những lao động Trung Quốc. Mà những lao động Trung Quốc thì..., họ cứ kéo từng tốp mươi người, đánh độc một chiếc quần đùi, đi nghênh ngang trên đường, gặp con gái là thế nào cũng xông tới quờ quạng". Anh Tâm kể thêm, cách đây mấy tháng, có một hộ dân xây nhà trọ cho công nhân Trung Quốc thuê, nhưng sau vài tuần đã phải cắt hợp đồng vì không chịu nổi sự nhếch nhác trong sinh hoạt của họ. Mỗi buổi chiều, sau giờ tan ca, họ về nhà trọ và tạo ra cảnh sinh hoạt rất chướng mắt, đi chơi về khuya, nói to ông ổng, khiến người dân mất ngủ. "Có hôm, trong lúc đang tắm rửa, mấy thanh niên đùa nghịch, rồi gào thét, đuổi nhau tồng ngồng chạy ra phố, rồi tụt luôn cái quần lót của người chạy trước, khiến cả phố náo loạn lên!", anh Tâm kể.

Một người dân ở khu "phố Trung Quốc" bức xúc: "Cứ rượu xong là họ lại kéo từng toán vài chục người, nghênh ngang, xiêu vẹo trên đường, rồi dòm ngó vào nhà dân, trông rất khó chịu. Kinh khủng hơn, có lần họ còn tụt quần tiểu tiện ngay trước nhà tôi và nhiều nhà dân khác. Chúng tôi bức xúc, thậm chí xua đuổi, nhưng những lúc như thế, bọn họ dừng lại hằm hè, chửi lại, nên ai cũng ngại, không dám va chạm với họ".

Những hàng quán dành cho người Trung Quốc đua nhau mọc lên - Ảnh: Cường Trung

Trên 1.600 lao động không phép

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 26 công ty, doanh nghiệp và nhà máy sử dụng lao động người nước ngoài, với tổng số 2.400 lao động (chiếm 15,2% số lao động đang làm việc tại 26 công ty, doanh nghiệp này). Trong số 2.400 người nước ngoài này chỉ có 717 người được cấp giấy phép lao động, còn lại chưa được cấp phép, trong đó Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.448 lao động không được cấp phép.

"Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Ninh Bình chủ yếu nhập cảnh qua đường du lịch" - ông Vũ Đức Dương, Phó phòng Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình

Số lao động người nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất là Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở hai ngành xây dựng và xi măng. Tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.988 người Trung Quốc đang làm việc. Trong đó, chỉ có 82 người giữ chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, 514 người làm kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông, họ đều làm những công việc bình thường như phụ hồ, kéo sắt, kéo cáp...

Ông Vũ Đức Dương - Phó phòng Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình - cho biết: Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Ninh Bình chủ yếu nhập cảnh qua đường du lịch.

"Luật pháp vẫn chưa mở cửa đối với đối tượng lao động phổ thông nước ngoài nhưng dường như một dòng chảy lao động phổ thông lớn vẫn vào Việt Nam", ông Dương nói. Cũng theo ông Dương: "Sở đã nhiều lần phối hợp với Ban quản lý các KCN đề nghị BQL nhà máy đạm yêu cầu các nhà thầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết lao động được thuê nhưng hiện nay vẫn chưa được triển khai". Theo ông Dương thì các chủ đầu tư thường nại rằng, nếu trục xuất lao động "chui" này thì tiến độ dự án chậm, hoặc dừng.

Công nhân Trung Quốc trở lại khu nhà tạm sau giờ tan ca

Sau rất nhiều lần cố gắng, vượt qua rất nhiều thủ tục, chúng tôi vẫn không có được bất kỳ câu trả lời nào từ Công an tỉnh Ninh Bình về nguy cơ tiềm ẩn những diễn biến an ninh trật tự khó lường từ số lao động chui. Theo ông Màn Chí Nguyện, Trưởng phòng PX15, thì: "Thông tin nghiệp vụ không thể cung cấp được".

Ông Vũ Đức Dương lo ngại những lao động phổ thông ở Ninh Bình đang bị lao động Trung Quốc lấy đi phần việc lẽ ra

Theo Thanh Niên

source

http://vef.vn/2011-06-21-pho-trung-quoc-o-ninh-binh

Thursday 16 June 2011

Hàng năm Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt, năm sau dài hơn năm trước


Cập nhật: 08:17 GMT - thứ năm, 16 tháng 6, 2011

Hàng trăm công ty VN ngừng sản xuất hải sản

Thuyền cá Việt Nam

Tin cho hay nhiều công ty Việt Nam phải ngừng sản xuất chế biến hải sản vì thiếu nguyên liệu do thương nhân Trung Quốc 'vét hàng'.

Cùng lúc có tin Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 ra các vùng biển tranh chấp ở Đông Nam Á.

Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ một cuộc họp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết "nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang phải tạm ngưng sản xuất mặt hàng này hoặc hoạt động cầm chừng do không đủ nguyên liệu sản xuất".

"Nguyên nhân do các thương nhân Trung Quốc sang tận nơi mua hải sản mà ngư dân đánh bắt về."

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, được báo này dẫn lời nói từ đầu năm đến nay đã có 147 doanh nghiệp ngưng chế biến và xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác.

VASEP nói đang có tình trạng thương nhân Trung Quốc "tranh giành, đón mua" tại các cảng cá hoặc thậm chí ngay tận ngoài biển.

Một lý do khác khiến lượng hải sản đánh bắt được ít đi, là do Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cho tới tận 01/08 tại các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, trong có nhiều vùng biển mà Việt Nam cũng nói là của mình.

Hàng năm Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh bắt, năm sau dài hơn năm trước, với mục đích được nói là để "bảo vệ nguồn hải sản".

Ngư dân Việt Nam thì than phiền rằng họ không dám ra khơi vì lo ngại rằng theo lệnh cấm này, nếu bị bắt họ sẽ bị kiểm ngư Trung Quốc tịch thu tài sản hoặc phạt vạ.

Nguồn hải sản cạn kiện

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng nói trên báo Tuổi Trẻ rằng "nhiều vùng đánh bắt đang có dấu hiệu cạn kiệt nguồn hải sản".

Giới chức Việt Nam đang kêu gọi tạo điều kiện cho ngư dân ra đánh cá xa bờ.

Cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, cũng trên Tuổi Trẻ, cho hay đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm.

ảnh của Nguyễn Giang

Thuyền cá của ngư dân Việt Nam phần nhiều còn rất thô sơ

Bà Minh kêu gọi chính phủ có chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển hạ tầng cầu cảng, trang bị kỹ thuật hiện đại hơn cho ngư dân và kêu gọi đầu tư của nước ngoài.

Bảo đảm an toàn cho ngư dân là vấn đề đau đầu cho chính phủ, vì ngày càng nhiều thuyền cá của Việt Nam "gặp nạn" khi đánh bắt ở các vùng biển xa.

Hàng nghìn ngư dân bị nước ngoài bắt mỗi năm, khi hoạt động trong các vùng biển chồng lấn.

Hồi đầu tháng, thực trạng này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nhắc tới tại một diễn đàn an ninh tại Singapore.

Ông Thanh thừa nhận đã có một số vụ ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của nước ngoài, "nhưng cũng có những vụ ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam".

"Để xử lý, chúng ta cần ứng xử bằng luật pháp quốc tế, một cách láng giềng, hữu nghị và nhân đạo, không xâm phạm thân thể và vật chất của ngư dân."

Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt hàng năm mà Trung Quốc đưa ra, rằng lệnh này Trung Quốc tuyên bố áp dụng cho cả những vùng biển của Việt Nam.

"Chúng tôi không đồng tình với việc này, và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế."

Tin hôm 16/6 cho hay Trung Quốc cử tàu Hải Tuần 31 đi qua Biển Đông để đến Singapore trong bối cảnh căng thẳng vẫn còn cao trong vùng.

Phía Trung Quốc nói chiếc tàu hải giám thuộc loại lớn nhất của nước này, có cả bãi đỗ cho trực thăng, sẽ "tuần tra, giám sát các tuyến hàng hải trong biển Nam Hải".

Dự kiến tàu sẽ tới Singapore vào ngày 23/6, chỉ vài hôm trước khi Hoa Kỳ và Philippines dự kiến có cuộc tập trận CARAT, trước khi quay trở về Trung Quốc.

Báo chí nước ngoài theo dõi câu chuyện cho hay tàu Hải Tuần 31 sẽ đi ngang vùng Trường Sa đang bị nhiều bên tranh chấp.

source

BBC Vietnamese

Thursday 9 June 2011

Tàu Trung Quốc lại gây hấn với tàu Việt Nam


Thứ Sáu, 10/06/2011, 07:33 (GMT+7)

Tàu Viking 2 bị quấy rối nhiều lần

TT - Tàu Viking 2 quốc tịch Na Uy là tàu khảo sát địa chấn 3D của Hãng liên doanh CGG Veritas (Pháp) - Tổng công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí - PTSC (VN) thuê.

PTSC và CGG Veritas thành lập liên doanh khai thác tàu khảo sát địa chấn 2D& 3D để cùng tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên thềm lục địa VN.

Việc khảo sát địa chấn tại lô 136-3D của tàu Viking 2 là làm theo yêu cầu Hãng Talisman (Canada) - một hãng được Petro VN cho phép thăm dò, tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa chủ quyền của VN.

Tàu sơn màu đỏ và trắng, dài 93,35m, mớn nước 6,5m, kéo theo tám cáp địa chấn, mỗi cáp dài 6.000m.

Tàu ngư chính 311 tham gia giải cứu cho tàu cá Trung Quốc - Nguồn: Xinhua

Lúc 18g ngày 9-6, một lãnh đạo của PTSC G&S xác nhận với Tuổi Trẻ đến 12g cùng ngày, sự cố dây cáp vướng chân vịt tàu cá Trung Quốc đã khắc phục xong.

Trước đó ngày 29 và 31-5, tàu Viking 2 thực hiện thu nổ, khảo sát địa chấn cho Hãng Idemitsu (Nhật) - hãng có ký hợp đồng khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) tại lô 05-1D thềm lục địa phía Nam VN và cũng bị các tàu của Trung Quốc quấy rối.

Chiều 9-6, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Hùng Dũng, tổng giám đốc PTSC, khẳng định: “Việc tàu đánh cá số hiệu 62226 của Trung Quốc xâm phạm sâu trong lãnh hải của VN, xông thẳng vào vị trí tàu Viking 2 đang hoạt động khảo sát là việc làm có chủ đích”.

Một lãnh đạo PTSC nói: “Căn cứ hành vi của tàu 62226, có thể khẳng định đây không phải tàu đánh cá bình thường mà rõ ràng họ hoạt động có chủ đích, có nhiệm vụ phá hoại theo những âm mưu, kế hoạch đã được vạch sẵn trước đó”.

MINH LUẬN - ĐÔNG HÀ

Tàu Viking 2 - Nguồn: PVN

Nhật ký tàu Viking 2

* Ngày 8-6:

5g30: Tàu bảo vệ Vạn Hoa 737 và 731 trinh sát về phía bắc của mục tiêu.

7g: Vạn Hoa 737 và 731 tiếp cận khu vực quay đầu phía tây, quan sát thấy hơn 15 tàu đánh cá của Trung Quốc làm việc bên trong khu vực quay đầu.

8g45: Tàu Vạn Hoa 737 đến bên cạnh tàu Trung Quốc 80105 phát lời cảnh báo của Chính phủ Việt Nam (bằng tiếng Trung Quốc) là tàu này đã vi phạm lãnh hải Việt Nam.

9g35: Tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 303 thông báo với Vạn Hoa 737 rằng các tàu đánh cá sẽ khởi hành khỏi khu vực trong 3-4 giờ. Họ cho biết do gặp sự cố nên sẽ mất thời gian dài để hồi phục bánh lái tàu của họ. Nhận tin, Vạn Hoa 737 đứng dự phòng.

11g: tàu Vạn Hoa 737 nhận được tín hiệu từ tàu ngư chính Trung Quốc 303 thông báo họ sẽ rời khỏi khu vực. Nhưng ít phút sau, tàu này trắng trợn thông báo họ có quyền tiếp tục đánh cá trong vùng này và có vấn đề gì thì liên hệ với chính phủ của họ (Trung Quốc).

11g30: Một máy bay không xác định được lai lịch bay trên tàu Vạn Hoa 737 và trên tàu Trung Quốc ở độ cao rất thấp. Đây là máy bay hai cánh quạt lớn, sơn màu xám và không dấu hiệu đã bay quanh khu vực khoảng 10 phút rồi rời đi.

12g: Viking 2 thay đổi kế hoạch thu nổ địa chấn để tránh các tàu cá Trung Quốc.

14g50: Một số tàu cá của Trung Quốc chạy theo đường cong hình chữ S không đúng với lộ trình. Chúng chạy trước tàu Vạn Hoa 737 rồi thay đổi hướng quay trở lại phía bắc.

20g30: Tàu CR1 trực bảo vệ trong khi các tàu cá Trung Quốc chạy ngay sau các phao phía cuối tàu. Tàu Viking 2 bắt đầu làm việc, các tàu bảo vệ vào vị trí bảo vệ, di chuyển về phía trước.

* Ngày 9-6:

6g: khi đang thu nổ ở tọa độ 6o47,5’ Bắc, 109o17,5’ Đông, tàu Viking 2 bị tàu 62226 của Trung Quốc chạy cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối bốn đường cáp thu phía bên trái tàu. Tàu 62226 bị hỏng chân vịt, trôi dạt phía sau tàu Viking 2 trong vài giờ.

8g20: Viking 2 thoát khỏi sự theo đuổi của tất cả các tàu Trung Quốc. Tàu Viking 2 đang phục hồi các thiết bị và có kế hoạch khởi hành khỏi khu vực.

source
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/441763/Tau-Viking-2-bi-quay-roi-nhieu-lan.html

Tàu Trung Quốc lại gây hấn với tàu Việt Nam

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 9/6/2011
Hình: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 9/6/2011


Chính phủ Việt Nam ngày 9/6 một lần nữa tố cáo Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam tại Biển Đông, theo tin Reuters đánh đi từ Hà Nội cùng ngày. Đây là sự cố thứ hai xảy ra trong vòng 2 tuần nay làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước cộng sản anh em có tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, loan báo tàu đánh cá Trung Quốc số hiệu 6226 có gắn thiết bị cắt dây cáp chuyên dụng cùng với sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc ngày 9/6 đã lao vào tuyến dây cáp thăm dò địa chấn của tàu Viking 2 khi con tàu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang hoạt động trên khu vực mà Hà Nội khẳng định thuộc thềm lục địa Việt Nam nằm trong đặc khu kinh tế ngoài khơi bờ biển phía Nam của Việt Nam, tức không thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ngay sau đó, hai tàu ngư chính cùng một vài tàu cá khác của Trung Quốc đã giải thoát cho con tàu 6226.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ tàu Trung Quốc đã bất chấp tín hiệu cảnh cáo của tàu Việt Nam trước vụ tấn công.

Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo sự việc này một lần nữa gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Việt Nam và là một phần trong chiến dịch vi phạm chủ quyền một cách cố ý và có hệ thống của Trung Quốc, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về cách hành xử tại Biển Đông.

Hà Nội một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Giới chức Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện của đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động gây hấn vừa kể.

Ngày 5/6, hàng trăm người tập trung trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và vài ngàn người tuần hành quanh tòa lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn phản đối Bắc Kinh sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 hôm 26/5 trên thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam khẳng định các hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm mục đích biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch 'đường lưỡi bò' hay 'đường chữ U' trên Biển Đông.

Nguồn: Reuters, Tuoitre Online

source

VOA Vietnamese



Saturday 4 June 2011

Phim tranh cãi về Lý Công Uẩn được ra mắt




Cập nhật: 14:49 GMT - thứ bảy, 4 tháng 6, 2011

Phim tranh cãi về Lý Công Uẩn được ra mắt

Cảnh trong phim 'Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long'

Chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên VN (Hình: Tân Hoa Xã)

Bộ phim từng gây nhiều tranh cãi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất cuối cùng đã được phép phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3 vào ngày 30 tháng Sáu, theo truyền thông trong nước.

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Đài Truyền hình Việt nam, đề ngày 15/3/2011, được báo chí trong nước trích dẫn, cho hay bộ phim đã được chỉnh sửa và trở nên phù hợp hơn với lịch sử Việt Nam về nhiều mặt từ hình thức, diễn xuất tới nội dung:

"Kịch bản phim đã thêm lời dẫn chuyện vào những chỗ cần thiết để làm rõ thông tin muốn chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta", văn bản của Bộ chủ quản ngành văn hóa trong nước khẳng định.

"Các diễn viên được chọn rất hợp vai, diễn xuất tốt, âm nhạc phù hợp với Việt Nam. Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân."

Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Công văn của Bộ Văn hóa gửi VTV

Đặc biệt công văn này đưa ra quan điểm mang tính thẩm định về khía cạnh chính trị và quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc, khi cho biết:

"Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc."

Bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu thực hiện theo đặt hàng của công ty Trường Thành và kịch bản do chính lãnh đạo công ty Trường Thành, ông Trịnh Văn Sơn chắp bút, chủ trì có sự chỉnh sửa, cố vấn trong quá trình làm phim của cố vấn Trung Quốc.

Bộ phim truyền hình 19 tập lúc đầu được dự kiến ra mắt và phát sóng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 năm 2010, nhưng đã bị tạm ngừng cấp phép do có quá nhiều ý kiến tranh cãi và phản đối từ nhiều giới trong nước vốn cho rằng đây là một bộ phim "Trung Quốc nói tiếng Việt".

"Một bộ phim gây tranh cãi sẽ không phù hợp để chiếu trong dịp trọng đại như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long," tờ Dân trí trích lời đại diện Cục Điện Ảnh, ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng, phát biểu trước truyền thông trong nước hồi cuối năm ngoái.

Phản đối kịch liệt

Giáo sư Lê Văn Lan

Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng phản đối việc nhóm làm phim giới thiệu ông trong phim với tư cách cố vấn lịch sử.

Tuy nhiên, ngay sau khi được tin về lịch phát sóng của bộ phim vào cuối tháng, nhà sử học Lê Văn Lan, xuất hiện trên trang blog cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện hôm thứ Bảy, 4 tháng Sáu, và cho biết ông "phản đối kịch liệt việc chiếu bộ phim này."

"Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, còn thì đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, sát phạt nội bộ và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn," Giáo sư Lan đánh giá về bộ phim qua ba lần chỉnh sửa và xét duyệt.

"Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng," chuyên gia hàng đầu về cổ sử Việt Nam, đồng thời là một trong các sáng lập viên của Viện Sử học Việt Nam nhận xét.

Ông Lan cũng đưa ra kết luận về hình thức, trang phục của các diễn viên trong bộ phim từ sau khi vượt qua lần xét duyệt cuối cùng hồi tháng 2 năm 2011:

Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng

Giáo sư Lê Văn Lan

"Không chỉ trang phục của nhà Vua mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất... Tàu. Rồi thì lại cả cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí... cũng đều là rất Tàu."

Sau khi phủ nhận và một lần nữa lên tiếng việc tên tuổi của ban thân được nhóm làm phim đưa vào giới thiệu trong phim như là một cố vấn lịch sử của phim, Giáo sư Lê Văn Lan dự đoán về phản ứng của dư luận trước việc 19 tập phim sắp ra mắt ra sao trên trang blog của Nguyễn Xuân Diện:

"Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này!"

"Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này."

Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này! Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này

Giáo sư Lê Văn Lan

Nếu được phát sóng vào cuối tháng này trên kênh truyền hình quốc gia, "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" coi như chính thức được ngành văn hóa và truyền thông Việt Nam chấp nhận, kể từ sau khi nhận được giấy phép của các ngành Tuyên giáo, Văn hóa từ quý đầu năm nay.

Bộ phim truyền hình lấy chủ đề lịch sử được cho là tiêu tốn tới hàng chục triệu đôla trong quá trình làm phim, đã được chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim quốc gia, mà ngày 20-21 tháng Hai, là lần duyệt phim thứ ba và cuối cùng mà bộ phim trải qua trước Hội đồng.

Hiện tại, hãng truyền thông Trường Thành và Đài VTV3 được cho là đang tiến hành mời các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia quảng cáo trước khi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" lên sóng "vào giờ vàng" trên một kênh truyền hình vốn có tác dụng giáo dục, thông tin và giải trí hàng đầu khi phủ sóng toàn quốc ở Việt Nam.

source

BBC Vietnamese

Friday 27 May 2011

Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam


Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam
Sáng 26/5, các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Hôm nay (27/50, trả lời phỏng vấn báo chí tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho hay, thực hiện kế hoạch PVN đã phê duyệt chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, một thành viên của PVN, đã cử tàu địa chấn Bình Minh 02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
Thiết bị của tàu địa chấn Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại. Ảnh: Internet
Cả 4 lô này đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 đã khảo sát hai đợt tại đây, đợt 1 vào năm 2010, đợt 2 từ ngày 17/3/2011. Quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy và tàu Bình Minh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, vào lúc 5 giờ 5 phút ngày 26/5, rađa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát và sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp 2 tàu nữa đi từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo.

Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại.

Vào lúc 5 giờ 58 phút, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc PVN cho biết thêm ba tàu hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02; sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02, thông báo là tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Nhưng tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc ngay lúc đó của tàu Bình Minh 02 vẫn bị ba tàu hải giám Trung Quốc cản trở cho tới 9 giờ sáng 26/5 khi 3 tàu này rời khỏi khu vực khảo sát.

Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa. Dưới sự chỉ đạo của PVN và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tàu Bình Minh 02 đã sửa chữa thiết bị tại chỗ và tới 6 giờ sáng 27/5, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động.

Phó Tổng giám đốc PVN khẳng định: "Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN".

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN, đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.

PVN khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.

Tàu địa chấn Bình Minh 02 được PVN đầu tư trang bị từ năm 2008 và đã tiến hành các đợt khảo sát trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo TTXVN

source

http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/22902/tau-trung-quoc-cat-cap-tham-do-dau-khi-cua-viet-nam.html

Tuesday 24 May 2011

Lạm phát 5 tháng vượt 12%


Lạm phát 5 tháng vượt 12%

Tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 5 đạt 2,21%, tuy chậm lại so với tháng trước nhưng vẫn góp phần đẩy chỉ số giá từ đầu năm đến nay vượt mốc 2 con số.
> Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tại Hà Nội / TP HCM

Tổng cục Thống kê vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng cả nước đã tăng 2,21% trong tháng 5. Tuy tốc độ tăng có chậm lại so với tháng 4 nhưng mặt bằng giá hiện tại, so với đầu năm và cùng kỳ 2010, đã cao hơn lần lượt là 12,07% và 19,78%.

Diễn biến lạm phát 5 tháng đầu năm 2011. Nguồn: GSO
Diễn biến lạm phát 5 tháng đầu năm 2011. Nguồn: GSO

Trong rổ hàng hóa, hàng ăn - dịch vụ ăn uống, giao thông và nhà ở - vật liệu xây dựng tiếp tục là những tác nhân gây tăng giá chính. So với tháng 4, giá hàng ăn đã bắt đầu tăng chậm lại (3,01% so với 4,5% tháng trước). Tuy nhiên, trong nhóm này, giá thực phẩm vẫn leo thang khá mạnh, tăng tới 3,53%.

Tương tự tại nhóm giao thông, dư âm của việc điều chỉnh giá xăng dầu hồi cuối tháng 3 không còn quá sâu đậm nên tốc độ tăng giá tại nhóm này giảm nhiệt rõ rệt (2,62% so với mức hơn 6% của tháng 4). Trong khi đó, giá nhà ở - vật liệu xây dựng vẫn duy trì tốc độ tăng cao ở mức 3,19% (cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng). Bưu chính viễn thông tiếp tục là nhóm duy nhất giảm giá trong tháng 5 (giảm 1,68%).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, chỉ số giá vàng đã tăng 1,43% trong khi chỉ số giá đôla Mỹ giảm 0,98%. Hai nhóm này không được tính trong rổ hàng hóa CPI.

Nhật Minh

source

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/05/lam-phat-5-thang-vuot-12/

Saturday 7 May 2011

Xung quanh việc tập trung đông người ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên


Xung quanh việc tập trung đông người ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
QĐND - Thứ Bẩy, 07/05/2011, 17:44 (GMT+7)

Trước những thông tin sai lệch về tình hình trật tự trị an ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, phóng viên TTXVN đã đến tận nơi, trực tiếp phỏng vấn ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Ông Mùa A Sơn khẳng định như sau: Trong những ngày vừa qua, một số phần tử xấu đã có hành vi lừa gạt, lôi kéo bằng những luận điệu mê tín dị đoan, thậm chí chúng còn khống chế bà con người Mông, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ở bản Huổi Khon và một số bản lân cận ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tụ tập trong rừng, rêu rao về cái gọi là “thành lập vương quốc Mông”. Do thời tiết xấu, điều kiện ăn ở không hợp vệ sinh, một số bà con bị đau ốm, trong đó có một cháu nhỏ bị ốm chết.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet

Hoạt động trên là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật, gây mất ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự trong khu vực này.

Trước tình hình trên, chính quyền và các đoàn thể nhân dân huyện Mường Nhé đã kịp thời vận động, giải thích bà con hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Từ đó, nhân dân đã tự giác trở về nơi cư trú. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ phương tiện, lương thực, thuốc men và trợ cấp giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Một số đối tượng có hành vi quá khích đã bị tạm giữ và giao cho lực lượng chức năng quản lý, giáo dục.

Đến nay, tình hình an ninh trật tự khu vực trên đã ổn định, chính quyền địa phương cùng bà con đang tập trung chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp theo đúng kế hoạch.

Ông Mùa A Sơn cũng nói rõ: gần đây, một số hãng tin nước ngoài đưa tin thất thiệt về sự việc này, chúng tôi khẳng định đó là những tin tức không đúng sự thật, với dụng ý xấu.

Theo TTXVN
source
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/50/50/147193/Default.aspx

Thứ Hai, 13/09/2010 - 10:12 AM

Mường Nhé và câu chuyện hôm nay



Có lẽ chẳng ở đâu cho đến thời điểm này, có một vùng đất mà tên gọi của nó mỗi khi nhắc đến lại gợi cho người ta cảm giác heo hút và xa xôi diệu vợi như Mường Nhé. Vùng ngã ba biên giới này đã và đang sở hữu vô số kỷ lục vô tiền khoáng hậu, trong đó có những kỷ lục chưa vui.

Nhưng cũng chính ở cái nơi khắc nghiệt bậc nhất này, vẫn có các chiến sĩ Công an đang ngày đêm lặng thầm đồng cam cộng khổ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Nếu như câu chuyện hôm qua ở Mường Nhé có thể để lại nhiều nỗi niềm day dứt, thì hôm nay nơi ba nước cùng nghe một tiếng gà lại đang được biết đến với nhiều đổi thay kỳ diệu…

Câu chuyện hôm qua…

Mường Nhé là huyện thuộc tỉnh Điện Biên tiếp giáp với cả hai nước Lào và Trung Quốc, trong đó có 165 cây số đường biên với Lào và 49,5 cây số với Trung Quốc. Đã có thời, người ta ví vào được Mường Nhé còn khó hơn lên đến giời. Vùng đất ngã ba biên giới heo hút cách trung tâm huyện lỵ Mường Tè (Lai Châu cũ) gần 200 cây số đường rừng. Muốn đến đó, người ta chỉ có thể đi bộ. Thậm chí đến bây giờ, khi đường rải cấp phối có thể vào được đến trung tâm 16 xã, thì đối với nhiều người dân các bản vùng sâu vùng xa, ước mơ nhìn thấy một chiếc ôtô vẫn chỉ là một điều gì đó xa xỉ!

Huyện Mường Nhé hiện có 16 xã, xấp xỉ 55 ngàn dân, hơn 60% dân số Mường Nhé là dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc, như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Sơn La. Làn sóng di cư tự do bắt đầu phức tạp từ đầu những năm 90, khi ấy Mường Nhé vẫn là đại ngàn, sở hữu hơn 350 ngàn héc ta rừng nguyên sinh với nhiều loại chim thú quí hiếm.

CBCS Cục An ninh Tây Bắc và Công an huyện Mường Nhé, Điện Biên vận động nhân dân không di cư tự do.

Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, dân gốc ở Mường Nhé chỉ vỏn vẹn có hơn 1 vạn người, nhưng trong khoảng 10 năm sau đó, vùng ngã ba biên giới này đã phải tiếp nhận hơn 4 vạn dân di cư tự do. Nếu như trước đó, Mường Nhé có duy nhất một bản người Mông là Nậm Nà gồm 30 hộ, gần 120 nhân khẩu, thì hiện nay, người Mông là dân tộc chiếm đa số. Di cư tự do kéo theo những hệ lụy thật khủng khiếp, đó là nạn đốt phá rừng, săn bắn bừa bãi...

Mường Nhé hoang biệt, mênh mông, đất đai màu mỡ, trở thành "vùng đất hứa" để người di cư tự do kéo đến. Đó là nguyên nhân làm cho tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở Mường Nhé trở nên phức tạp. Nóng bỏng nhất tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc, nghe và tin theo kẻ xấu, rồi xuất nhập cảnh trái phép là những vấn đề nảy sinh.

Qua khảo sát của lực lượng Công an (năm 2005), toàn bộ người di cư tới đây chưa từng được đăng kí hộ tịch, hộ khẩu, không CMND và các giấy tờ xác định nhân thân khác. Ít nhất đã có hai thế hệ sinh ra và lớn lên ở Mường Nhé, nhưng hàng ngàn đứa trẻ vẫn chưa bao giờ được đăng kí khai sinh. Nghiêm trọng hơn, do không được quản lý chặt chẽ, nhiều bản làng trở thành nơi ẩn nấp "lý tưởng" của nhiều tên tội phạm nguy hiểm sau khi gây án bỏ trốn… Thiếu tá Giàng Páo Sính, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé đã trải lòng với chúng tôi về "cái thuở ban đầu" nhọc nhằn và nhức nhối như vậy.

Đại tá Nguyễn Xuân Kiêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Cho đến tận đầu năm 2010, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an tiếp tục phát hiện một số đối tượng lén lút tụ tập ở các bản giáp biên của xã Nà Bủng, Na Cô Sa, Nậm Kè, đặc biệt là bản Nà Bủng 1, 2 và bản Ngải Thầu thuộc xã Nà Bủng. Mục đích hoạt động của các nhóm đối tượng này là tập hợp lực lượng, tổ chức tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói xấu cấp uỷ, chính quyền, kêu gọi người dân từ bỏ nương rẫy, di cư tự do…

Và câu chuyện hôm nay

Đã quá nửa đêm, giữa cơn mưa rừng ầm ào, trong ngôi nhà vẫn còn thơm mùi gỗ của già bản Vừ Chứ Sua ở Ham Xoong, xã Nà Bủng, tôi ngồi nói chuyện cùng mấy anh em trong tổ công tác "cắm bản" của Cục An ninh Tây Bắc và Công an tỉnh Điện Biên. Đây là một trong 5 tổ được tăng cường vào Mường Nhé từ hồi đầu năm.

Thời điểm này, Tây Bắc đang vào giữa mùa mưa, những cơn mưa rừng xối xả dường như chẳng bao giờ dứt. Hai con suối Nậm Pồ và Nà Hỳ hiền hoà, giờ bỗng dở chứng ngày đêm cuộn réo ùng ục, chia cắt giao thông, cô lập các bản. Trong khi dưới đồng bằng đang nóng như đổ lửa, thì ở đây đêm xuống, mọi người phải đốt lửa… sưởi.

Mãi gần 3h sáng, Đại tá Đào Đức Thách, Cục phó Cục An ninh Tây Bắc mới lướt thướt cùng Thiếu tá Giàng Páo Sính và 3 cán bộ trở về. Đưa cả hai bàn tay vào ngọn lửa hồng rừng rực, Đại tá Thách xuýt xoa "Rét quá, chẳng ai hình dung giữa mùa hè mà phải sưởi ấm thế này!". Anh và tổ công tác vừa đi họp dân dưới bản Nậm Cốc, cách đây khoảng 5 cây số. Sáng mai có cuộc giao ban giữa các tổ ở trụ sở UBND xã Nậm Kè, nên anh em vẫn quyết định lội rừng quay về, mặc cơn mưa rừng xối xả với nhiều mối nguy hiểm rình rập của đại ngàn…--PageBreak--

Năm 2002, huyện Mường Nhé được thành lập trên cơ sở chia tách, sáp nhập các xã của huyện Mường Tè (Lai Châu cũ) và Mường Chà (Điện Biên), Công an là lực lượng đầu tiên "kéo quân" đến Chà Cang - nơi đặt huyện lỵ tạm để dựng lán trại, triển khai nhiệm vụ công tác. Vượt lên những vất vả, nhọc nhằn về nơi ăn, chốn ở, nhiệm vụ của lực lượng Công an khi đó là từng bước điều tra, rà soát đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, cấp CMND cho hơn 4 vạn dân di cư.

Cái khó cho cán bộ tăng cường lúc bấy giờ là một bộ phận người dân thiếu hợp tác, không mặn mà với việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu. Tuy nhiên, do có nhiều kinh nghiệm qua các đợt ra quân tăng cường cơ sở trước đó, khá "thiện chiến" trong công tác tuyên truyền, nên các tổ công tác từng bước triển khai và thu được kết quả khích lệ.

Đầu năm 2008, khi Chính phủ có Quyết định 141 phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do ở Mường Nhé, Công an lại trở thành lực lượng nòng cốt triển khai Quyết định này.

Chỉ riêng năm 2009, UBND tỉnh Điện Biên đã ra quyết định công nhận và thành lập tới 33 bản mới. Theo Trung tá Đào Thị Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, đến nay lực lượng Công an đã rà soát, xác minh, làm thủ tục cấp sổ hộ khẩu, cấp CMND cho gần 90% số hộ di cư tự do và người trong độ tuổi cư trú tại Mường Nhé.

Giúp dân ổn định đời sống.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông Vừ A Tủa, 44 tuổi ở bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần run run nhận cuốn sổ hộ khẩu và tấm CMND từ tay Thượng uý Giàng A Lử, Công an huyện Mường Nhé. Ông xúc động nói: "Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới biết được giá trị của sổ hộ khẩu và CMND, đã thế cán bộ còn vào tận nhà làm và phát tận tay. Có cái này, gia đình tôi có thể được vay tiền ngân hàng để phát triển sản xuất rồi…".

Từ lâu, lính Cục An ninh Tây Bắc nổi tiếng chẳng khác gì quân của Phòng An ninh xã hội và Công an huyện Mường Nhé về khả năng lội rừng và cắm bản. Họ cứ triền miên cuốc bộ từ bản này sang bản khác. Chuyến đi của các anh kéo dài ròng rã mỗi năm 6 tháng, mỗi đợt đi 3 tháng, nhiệm vụ chính của các anh là vận động người dân định canh định cư, ổn định sản xuất, không trồng thuốc phiện, không nghe và tin theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu.

Lúc ban đầu khi cán bộ Công an xuống địa bàn, nhiều người dân vì nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu đã xa lánh, ghẻ lạnh với cán bộ. Thượng uý Giàng A Lử, cán bộ Công an huyện Mường Nhé, một cán bộ người Mông tâm sự: "Bà con dân tộc có tư duy trực giác, chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe, nên chính những việc làm của anh em, không ngại khó khăn, gian khổ, cùng ăn cùng ở, cùng làm với người dân mà chúng tôi đã cảm hoá dần nhiều đối tượng cầm đầu tích cực".

Ông Pờ Diệp Sàng, Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé là một người sinh ra và lớn lên ở vùng ngã ba biên giới đã tổng kết "Chính người dân và sức mạnh của nhân dân mới đánh đổ được bọn người xấu, đột phá khẩu vẫn là công tác tuyên truyền đi đôi với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân".

UBND tỉnh, UBND huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp với lực lượng Công an triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, huyện Mường Nhé đã được Nhà nước đầu tư hơn 1000 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

Thực tế ở Mường Nhé cho thấy, thời gian qua nếu xã, bản nào được quan tâm đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các Dự án của Chính phủ thì việc phát động và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương đó đạt kết quả cao.

Cách đây gần nửa thế kỷ (năm 1959), nghe theo lời vận động của anh hùng Trần Văn Thọ, bấy giờ là cán bộ vận động quần chúng Đồn biên phòng Leng Xu Xìn, người dân Mường Nhé đã hạ sơn lập bản, học canh tác lúa nước để sản xuất, ổn định đời sống. Những người lính tiên phong, khai sơn phá thạch đó mấy chục năm qua đã góp phần dựng xây các bản làng người Thái, người Hà Nhì trù phú ở Sín Thầu, Sen Thượng và Chung Chải.

Mường Nhé chưa hết những khó khăn, lo toan và trăn trở, nhưng Mường Nhé hôm nay đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, vóc dáng một đô thị phố núi nơi tận cùng cực Tây của Tổ quốc không chỉ là hình hài mà đã và đang trở thành hiện thực

Vũ Mạnh Hà (Báo CAND số 19/8)
source
http://ca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=168505