Cựu chiến binh gửi tâm thư cho Đảng
Một nhóm hàng chục nhà cách mạng lão thành và cựu chiến binh đã gửi tâm thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Bộ Chính trị để góp ý về các vấn đề liên quan tới "sự còn mất của Đảng và chế độ".
Thư đồng kính gửi tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bức tâm thư ký ngày 28/06/2009 có tiêu đề "Vì sự nghiệp bảo vệ độc lập và quyền dân chủ của nhân dân" và "Vì sự còn mất của Đảng và chế độ" với chữ ký của hơn mười nhân vật lão thành đại diện cho những người "suốt đời gắn bó với Đảng Cộng sản, với sự nghiệp cách mạng của Đảng".
Các tác giả bức thư nói "với lương tâm trách nhiệm của những người cộng sản, chúng tôi xin tập hợp các phản ánh với Ban Chấp hành Trung ương" về hai chủ đề chính là Vấn đề dân chủ và việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Độc lập Dân tộc; và Tổ chức Đảng, vấn đề then chốt của cách mạng.
Ông Nguyễn Văn Bé, 86 tuổi, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, một trong những người ký vào bức tâm thư nói với BBC rằng bức thư hoàn toàn để "bày tỏ lòng yêu nước, chứ chúng tôi là những người cách mạng, không bao giờ là phản động, chống lại Đảng, chống lại Nhà nước cả".
Bức thư cảnh báo về hiện tượng " quyền làm chủ của người dân bị xâm phạm", "những việc làm sai trái ngày càng nhiều" và "nghiêm trọng hơn cả, những vấn đề đại sự quan hệ đến vận mệnh của đất nước cũng bị đe dọa".
Viết thư để bày tỏ lòng yêu nước, chứ chúng tôi là những người cách mạng, không bao giờ là phản động, chống lại Đảng, chống lại Nhà nước cả.
Đảng viên lão thành Nguyễn Văn Bé
Một trong những đe dọa đó được nói là vấn đề bauxite.
Bức thư nói đây là "vấn đề đại chiến lược, tại một địa bàn sống còn của Tổ quốc", và cũng là "vấn đề đối ngoại cấp bách số một trong thời điểm hiện nay với Trung Quốc, một nước láng giềng lớn luôn có dã tâm nuốt chửng Việt Nam".
Bản thân ông Nguyễn Văn Bé trong tháng Tư 2009 đã lặn lội vào các công trường Nhân Cơ và Tân Rai để chụp hàng chục bộ ảnh về quy mô hiện trạng thi công công trình, tiếp xúc với người dân và cả công nhân Trung Quốc, hầu phản ánh đúng tình hình tới lãnh đạo Đảng.
Trong số những người ký tên có các đại tá quân đội Trần Nguyên, Nguyễn Văn Tuyến, Lê Văn Trọng, Trần Bá, Phạm Văn Hiện, Tạ Cao Sơn v.v.
Họ từng giữ các chức vụ cao trong bộ máy của Quân đội Nhân dân Việt Nam và từng hoạt động từ giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám.
Những người khác như Trần Đức Quế, Nguyễn Chương, Nguyễn Bá Bảo, Lê Hữu Hà v.v. thì từng giữ các chức vụ cao trong nhà nước, hệ thống trường Đảng hoặc làm trợ lý, cố vấn cho các nhân vật cao cấp.
Không tiếp thu ý kiến
Các nhà cách mạng lão thành tỏ thất vọng khi thấy ý kiến phản biện, kể cả " ý kiến của vị đặc đẳng công thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không có giá trị với những người nắm giữ các vị trí quyền lực cao nhất của Đảng, Nhà nước".
Từ đó, theo họ, dẫn đến tình trạng " lòng tin của nhân dân vào Đảng, nhất là vào Bộ Chính trị ngày càng giảm sút nghiêm trọng".
Bức thư phản ánh rằng đã có "nhiều ý kiến bàn rất không hay về vị trí, trách nhiệm và quan điểm, khả năng, uy tín, lòng tin đối với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị ".
"Thậm chí có những ý kiến nhận xét phải chăng các ông vì lý do gì đó đã ngả vào vòng tay của Trung Quốc nên trong nhiều việc tỏ ra lúng túng, hạ thấp mình, làm mất tư thế, mất quyền tự chủ độc lập của Dân tộc."
Tất cả đang chỉ rõ một luận điểm của Lenin là không ai có thể tiêu diệt được cộng sản trừ chính họ.
Trích tâm thư
Về chủ đề thứ hai, là Tổ chức Đảng, bức tâm thư cảnh báo về tình trạng "khủng hoảng" uy tín và lòng tin trong Đảng và trong dân, dẫn tới nguy cơ còn, mất của Đảng và chế độ.
Thư chỉ ra nguy cơ đe dọa từ chính trong nội bộ Đảng: " Tất cả đang chỉ rõ một luận điểm của Lenin là không ai có thể tiêu diệt được cộng sản trừ chính họ."
"Ai phá Đảng, chỉ những người cộng sản mới làm được việc đó."
Các tác giả cũng nhắc tới "vụ án chính trị siêu nghiêm trọng" về Tổng cục 2, liên quan đến ngành tình báo quân đội, mà theo họ đã không được giải quyết.
Bức thư khuyến cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét lại tất cả các khuyết điểm, "nghiên cứu đặt lên bàn nghị sự tất cả những vấn đề về thực trạng trong tổ chức Đảng và mối quan hệ quốc tế, nhất là Việt Nam – Trung Quốc" để "tiếp tục xứng đáng tồn tại".
Được biết hiện chưa có phản hồi gì từ phía lãnh đạo Đảng tới các tác giả bức tâm thư nói trên.
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment