Tuesday 17 January 2012

Ký ức Hoàng Sa dần dần được tái hiện


Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012
Ký ức Hoàng Sa dần dần được tái hiện

Bốn trong số các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974.
Bốn trong số các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974.
Thanh Phương

Cách đây gần đúng 38 năm, ngày 19/01/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra ác liệt. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa chống trả anh dũng, nhưng vì tương quan lực lượng bất lợi, nên cuối cùng đã không bảo vệ được quần đảo này.

Tổng cộng 74 binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh, trong đó có hạm trưởng hộ tống hạm HQ-10 Ngụy Văn Thà. Nhiều binh sĩ khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh và sau đó được trao trả cho Việt Nam Cộng Hòa, thông qua Hồng Thập Tự Anh ở Hồng Kông.

Những binh sĩ bảo vệ Hoàng Sa đó đã bỏ mình vì Tổ Quốc cách đây gần 40 năm, nhưng cho tới nay, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vẫn chưa vinh danh họ, trong khi đây là yêu cầu của ngày càng nhiều người Việt trong và ngoài nước.

Trong một thời gian dài, vấn đề hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong giai đoạn trước năm 1975 gần như là một đề tài cấm kỵ, cho nên cả một mảng lịch sử của quần đảo này không được ai nhắc tới. Nếu chỉ học theo các sách giáo khoa lịch sử chính thống, thế hệ trẻ bây giờ ít ai biết được Hoàng Sa đã từng được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý như thế nào, Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo này bằng những thủ đoạn gì và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng ra sao để bảo vệ mảnh đất này của Tổ quốc. Lý do đơn giản là Hà Nội chưa bao giờ công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, một chính thể, mà chỉ gọi là “ngụy quyền” “chính quyền bù nhìn” hay lịch sự hơn là “chính quyền Sài Gòn”.

Mãi đến gần đây, để biện hộ cho Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 ( "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc"), ngày 20/7/2011, tờ Đại Đoàn Kết buộc phải công nhận rằng, vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa “tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa”, chính phủ này “đã liên tục thực thi” chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Theo lập luận của tờ Đại Đoàn Kết, vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này. Cho nên, công hàm Phạm Văn Đồng không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa và cách diễn giải của phía Trung Quốc về bức công hàm là “xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”.

Gần đây, vào cuối tháng 11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên tuyên bố công khai là năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ông Dũng nhìn nhận là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.

Như vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được thực thi liên tục và công lao đó một phần không chỉ là thuộc về những binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và tử trận trên biển, mà còn thuộc về những người đã sống và làm việc trên quần đảo này từ 1956, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tiếp nhận quyền quản lý Hoàng Sa, cho đến năm 1974 khi Trung Quốc cưỡng chiếm.

Chỉ đến gần đây, ký ức về thời kỳ đó mới bắt đầu được tái hiện. Đáng ghi nhận nhất là Tuổi Trẻ Online vào tháng 9/2009 đã đăng tải một loạt bài “Hoàng Sa, tường trình từ 35 năm sau”, ghi lại lời kể, suy tư của những người đã từng chiến đấu vì Hoàng Sa cách đây gần 40 năm.

Thật thì phải gọi là “Hoàng Sa, tường trình từ 34 năm sau”, vì tác giả Bùi Thanh, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã viết và đăng trên blog của ông từ đầu năm 2008. Sau khi biên soạn lại và đăng được 2 kỳ, báo Tuổi Trẻ cáo lỗi độc giả vì không thể đăng tiếp kỳ sau, nhưng không nói rõ lý do. Sau đó, một số trang mạng đăng tiếp hai kỳ còn lại đã được công bố trên blog của nhà báo Bùi Thanh.

Ngày 9/1 vừa qua, một tập “Kỷ yếu Hoàng Sa” vừa được ra mắt độc giả tại Viện Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên có một tài liệu ghi lại lời kể của những nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa hoặc đã tham gia chiến đấu khi quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực. Một cử chỉ đáng ghi nhận của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, nhưng quá muộn màng, vì nhiều nhân chứng lịch sử khác đã không còn trên cõi đời để được an ủi phần nào qua cuốn kỷ yếu này. Một số trích đoạn của “Kỷ yếu Hoàng Sa” đã được tờ Tuổi Trẻ Online bắt đầu đăng tải từ hôm qua.

Nhân đây, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người vẫn dồn rất nhiều tâm trí cho việc nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng và về Biển Đông nói chung:

RFI: Thưa tiến sĩ Nguyễn Nhã, với tư cách là nhà nghiên cứu về Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, theo ông biết thì gần đây ở Việt Nam đã có những tư liệu, những nghiên cứu mới về Hoàng Sa?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi có thể xem năm 1975 là một cái mốc quan trọng, khi có Tập san Sử Địa, số đặc biệt về Hoàng Sa. Đến năm 2003, khi làm luận án tiến sĩ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa, tôi đã tổng kết một giai đoạn dài nghiên cứu về Hoàng Sa.

Sau đó đã có rất nhiều tài liệu được phát hiện và theo tôi, một trong những cái quan trọng là phát hiện chính sử thời Lê Trịnh, tức là Đại Việt Sử Ký Tục Biên, với những thông tin về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Gần đây, có nhiều văn bản các chính quyền địa phương cho biết việc thực thi chủ quyền như là ở Quảng Ngãi hay Huế. Chủ yếu là nói đến những hoạt động của thủy quân, nhưng với sự hỗ trợ của những người ở Bình Định hay Quảng Ngãi, tức là dân binh, những người đã đi Hoàng Sa rất nhiều. Tức là ngư dân trước đây họ đi ( Hoàng Sa ) rành hơn là thủy quân, cho nên họ phải nhờ đến những người như là đà công, tức là những người lái tàu, thuyền, quen đi biển. Có khá nhiều văn bản về điều này đã được tìm thấy, như ở Quảng Ngãi vừa rồi.

Ngoài ra, gần đây có rất nhiều những tài liệu của phương Tây, trong đó có cả các bản đồ, được lưu trữ ở các nước đó. Trang mạng hoangsa.org đã lưu trữ khá nhiều những tài liệu đó. Theo những tài liệu phương Tây, vào năm 1816, Hoàng Sa chính thức thuộc về Cochinchine, tức là Đàng Trong. Tôi thấy ngày càng có nhiều tài liệu như thế, nhưng những chi tiết thật là mới thì không có nhiều. Tất cả đều chứng minh cho sự thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

RFI: Tuy không có những tài liệu thật sự mới, nhưng những tài liệu về Hoàng Sa có vẻ như bắt đầu được hệ thống hóa lại ở Việt Nam để mọi người dễ tiếp cận hơn, chẳng hạn như cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” vừa được phát hành. Ông nhận định thế nào về nội dung cuốn kỷ yếu này?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Trước đây, người ta đã trưng bày những hình ảnh tài liệu ở số 132 Yên Bái, Đà Nẵng, trụ sở Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa. Vừa rồi người ta công bố chính thức cuốn kỷ yếu đó. Nội dung mới của cuốn này là lời kể của những nhân chứng về những hoạt động làm việc ở Hoàng Sa. Suốt từ thập niên 50 đến 70, có rất nhiều nhân viên làm việc ở đó, dưới các thời Pháp thuộc, thời Bảo Đại, rồi đến thời Việt Nam Cộng Hòa.

Trong một thời gian dài người ta đã thu thập lời kể của những nhân chứng còn sống, qua đó thể hiện Việt Nam đã quản lý như thế nào, nhân viên đã làm việc như thế nào ở Hoàng Sa. Liên quan đến khí tượng thủy văn thì hiện còn rất nhiều tài liệu ở các thư viện hiện nay về hoạt động của Đài Khí tượng Hoàng Sa trước đây.

RFI: Vài ngày nữa là đến dịp kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Theo ông thấy thì gần đây chính quyền đã có những hành động gì để phần nào ghi nhận công lao của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống khi chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Về sự kiện 1974, cụ thể là hai ngày 19 và 20/01/1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa, ngay từ khi làm luận án tiến sĩ về quá trình xác lập chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, tôi đã đề nghị phải vinh danh liệt sĩ cho tất cả những ai hy sinh tại Hoàng Sa. Gần đây, báo Đại Đoàn Kết và một số viên chức cũng đã đề cập đến vấn đề đó.

RFI: Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lần đầu tiên công khai lên án Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa trước đây. Đây có phải là một bước tiến trong lập trường của Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa, tức là thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền đã quản lý Hoàng Sa cho đến năm 1975?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Theo tôi, chính trị khác với học thuật, sử học. Sự thật chỉ có một, lịch sử chỉ có một mà thôi. Nhưng về ngoại giao, khi nào đề cập đến thì phải có thời điểm, thời cơ nào đó. Vừa rồi, chúng ta đã có một thời cơ để chính quyền nói rõ hơn. Khi mà đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa, thì không sớm thì muộn cũng phải lên án việc một quốc gia khác dùng vũ lực để chiếm đoạt chủ quyền của Việt Nam. Mà khi đã khẳng định chủ quyền của mình thì phải tìm cách lấy lại.

Hoàng Sa là một vấn đề rất lâu dài. Nhưng tôi vẫn thường nói rằng, Việt Nam đã từng bị 1.000 năm Bắc thuộc, nếu phải chờ đến 1.000 năm thì có thể kiên trì đến thành công. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói rằng thời này là thời điện tử. Tôi cũng tin như vậy. Nhưng lịch sử thì không thể nào biết trước được. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong việc lấy lại Hoàng Sa, nhưng không biết là khi nào thôi.

RFI: Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Nhã.

source

RFI Vietnamese

Tiền bạc, ruộng đồng, và... thân phận của người nông dân


Ngày 18.01.2012, 08:40 (GMT+7)


SGTT.VN - Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã cho thấy một cách xử lý bất hợp lý của chính quyền địa phương với người nông dân. Điều hệ trọng hơn là chính quyền đã không hiểu và không có cảm xúc về lịch sử và công lao của người nông dân với ruộng đồng của họ.

Khu đất bị giải tỏa của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: báo Đất Việt

Trong đời sống của người nông dân Việt Nam, theo tôi, đã có hai cuộc cách mạng to lớn. Cuộc cách mạng thứ nhất là khi người nông dân thoát khỏi ách nô lệ và được chia ruộng đất. Cuộc cách mạng thứ hai là khi người nông dân được toàn quyền canh tác trên ruộng đồng của mình. Khởi đầu cuộc cách mạng này chính là “khoán 100”, sau đó là “khoán 10”. Kỳ tích khoán sản phẩm trong nông nghiệp đó đã đưa nông nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi thời kinh tế tự cung tự cấp, tạo dựng vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo cho nước ta trên thị trường thế giới. Công đầu này thuộc về người nông dân Hải Phòng. Tôi đã nói về hai cuộc cách mạng này và cuộc cách mạng thứ ba mà người nông dân đợi chờ. Đó là cuộc cách mạng về tư duy canh tác trên cánh đồng của họ. Để cho đời sống của người nông dân hay nông nghiệp Việt Nam thực sự có một bước ngoặt lớn cần phải có cuộc cách mạng thứ ba. Nhưng khi cuộc cách mạng thứ ba mới bắt đầu thì một biến động lớn đã xảy đến với họ. Đó là khi, phong trào xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân gofl được khởi động. Nhu cầu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế để phát triển đã làm thu hẹp ruộng đồng. Chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế là một tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng nó đã không được thực hiện đồng bộ khiến cho một bộ phận nông dân mất hẳn công cụ sinh nhai.

Những người nông dân cho dù cố để bảo vệ ruộng đồng của họ thì cuối cùng vẫn bị phá vỡ. Họ không có khả năng chống cự lâu dài được. Đến lúc đó, có những điều tồi tệ sẽ đến. Và vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một trong những điều tồi tệ đó.

Tôi hiện đang sống ở thị xã Hà Đông. Nhà tôi có sổ đỏ. Mấy năm nay tôi rất muốn làm lại ngôi nhà cho hợp lý. Nhưng tôi không dám làm. Lý do duy nhất là tôi sợ làm xong có thể bị chuyển đi nơi khác. Vì chỗ tôi ở liền với một khu đất rộng vốn là khu triển lãm của tỉnh Hà Tây cũ. Tôi cứ nghĩ đã là một công trình, một địa chỉ hay một không gian văn hóa thì không bao giờ người ta lấy để làm những việc khác. Nhưng một ngày, khu triển lãm bị san bằng và mảnh đất rộng có thể nói đẹp nhất thị xã Hà Đông đã được bán cho một nhà đầu tư để làm trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp. Và cái trung tâm này có thể sẽ thôn tính khu nhà chúng tôi đang ở cho trọn vẹn thông qua một quyết định nào đó nhiều lúc rất mơ hồ của chính quyền địa phương nhưng đố ai dám cưỡng lại. Khu triển lãm đã bị san phẳng hơn bốn năm nay rồi nhưng chẳng thấy ai làm gì. Nó trở thành bãi đất hoang đầy rác rưởi hôi thối.

Tôi muốn kể ra câu chuyện trà dư tửu hậu mà có lẽ ai cũng đã từng nghe, còn tôi thì được trải nghiệm với tư cách người trong cuộc, đó là có hôm một vị là quan chức nói với tôi “Nếu nhà văn muốn đi nơi khác thì chúng tôi chỉ dịch bút xuống là đi, nếu nhà văn muốn ở lại chúng tôi chỉ nhích bút lên là ở lại”.

Sự kiện Tiên Lãng làm cho tất cả những người hiểu biết và có lương tâm đau đớn và cay đắng. Ảnh: NLĐ

Tôi kể câu chuyện trên để nói rằng: vụ việc ở Tiên Lãng , Hải Phòng đã cho thấy một cách xử lý bất hợp lý của chính quyền địa phương với người nông dân. Điều hệ trọng hơn là chính quyền đã không hiểu và không có cảm xúc về lịch sử và công lao của người nông dân với ruộng đồng của họ. Để có được cơ ngơi như hiện nay, gia đình anh Đoàn VănVươn đã hy sinh bao công sức hơn mười năm cùng bao buồn vui, cười khóc. Nếu hiểu biết và có khả năng rung cảm trước điều ấy, không một chính quyền nào lại hành xử như Tiên Lãng đã hành xử. Chính quyền địa phương có thể thỏa thuận với gia đình anh Vươn để có quyết định đúng nhất vừa đảm bảo cho lợi ích của nhà nước và lợi ích của người dân. Nhưng lý giải của chính quyền địa phương chỉ đúng một nửa. Nếu đúng luật như vậy thì hoăc chưa hiểu luật hoặc đã vô cảm hóa luật. Bộ luật nào cũng chứa đựng hai yếu tố cơ bản: sự nghiêm minh và tính nhân văn. Người được ưu tiên hàng đầu cho việc đấu thầu lại khu đầm đó phải là gia đình anh Vươn. Trong cụ thể trường hợp này, không thể để cho những người đấu thầu khác lấy tiền để đẩy gia đình anh Vươn ra khỏi nơi họ đã đổ mồ hôi nước mắt dựng lên. Nếu áp dụng luật như vậy, những người nhiều tiền sẽ từng bước đẩy những người nghèo ra khỏi mảnh đất mà có khi cả mấy đời trong gia đình họ đã tạo dựng và bảo vệ có khi bằng cả máu.

Trước cửa nhà tôi ở làng Chùa có một hồ nước rộng. Tôi muốn xây một thư viện cho trẻ em. Nhưng một gia đình nông dân đã nuôi cấy thủy sản ở cái đầm đó gần mười năm nay. Nếu dùng tiền để thắng thầu thì quá đơn giản. Cho dù tôi chỉ là một nhà thơ nhưng tôi có đủ tiền để đánh bại những người nông dân làng tôi. Dùng tiền để thắng thầu giữa tôi và một người nông dân lam lũ là đúng luật, nhưng xét tận cùng là một hành động phi nhân tính. Chính vì lẽ đó mà tôi đã không thực hiện được ước mơ của tôi. Tôi đợi đến một ngày những người nông dân làng tôi thấy thực sự cần một thư viện thì tôi sẽ xây.

Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh:

Bốn cái sai của chính quyền địa phương

Trả lời báo Người Lao động, nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh cho hay ông theo dõi sát vụ việc này và có thể khẳng định “chính quyền sai từ xã đến huyện”. Nguyên Chủ tịch Nước nói: “Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại”. Ông cũng cho rằng vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm.

Tôi đã đến Hàn Quốc, tìm hiểu và thấy rằng: Hàn Quốc có Luật bảo vệ giá nông sản cho người nông dân. Giá nông sản trong mùa đông rất cao vì đó là thời gian người nông dân phải rất vất vả cấy trồng và chăm sóc ngũ cốc và rau quả. Chính phủ Hàn Quốc quy định giá nông sản trong từng vụ. Ai ép giá người nông dân sẽ bị bỏ tù. Những người nông dân đã hy sinh nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc. Nhưng đến bây giờ, họ đang đứng trước nguy cơ “mất đất”. Không ít những nhà đầu tư ngụy biện rằng họ đang thực thi sự nghiệp hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước, rằng họ đã đền bù cho người nông dân một khoản tiền kếch xù, rằng….Xin thưa các ngài đầu tư, các ngài chỉ có thể lừa mị những người nông dân ngèo đói và chưa bao giờ có nhiều tiền bạc mà thôi.

Một gia đình chuẩn bị vũ khí một cách “chu đáo” để chống lại những người của chính quyền như ở Tiên Lãng nằm ngoài trí tưởng tượng của chúng ta. Và tôi nghĩ, chính cách quản lý và hành xử của chính quyền địa phương (Tiên Lãng) đã đẩy người dân (gia đình anh Vươn) vào tình huống phạm luật. Luật pháp nhà nước ta không phải như thế. Sự kiện Tiên Lãng làm cho tất cả những người hiểu biết và có lương tâm đau đớn và cay đắng.

Hà Nội, một đêm cuối năm mưa lạnh

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

source

http://sgtt.vn/Goc-nhin/158359/Tien-bac-ruong-dong-va-than-phan-cua-nguoi-nong-dan.html

Wednesday 11 January 2012

Thêm một tư liệu mới về Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa trong Nam Hà tiệp lục của Lê Đản



Monday, 09 January 2012 10:08

Trần Văn Quyến*

1. Về tác giả và tác phẩm Nam Hà tiệp lục

Nam Hà tiệp lục 南河捷錄 của tác giả Lê Đản 黎亶 là cuốn sách chép sử các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, từ gốc tích đến năm Gia Long thứ 3 (1804). Nội dung gồm các mục như Hoàng gia phả hệ 皇家譜系; Văn tập 文集 (Thư tuyển 書選, Dụ tuyển 諭選, Cáo tuyển 誥選…); Quân doanh chiến trận 軍營戰陈; Sơn xuyên hình thế 山川形勢; Phong vực 封域ø; Tuyển cử 選舉; Văn học 文學; Tiết nghĩa 節義; Phong tục 風俗; Triều sính 朝聘; Tạp dị thần quái 雜異神恠; Tai tường 災祥; Phú sấm 符讖… Ngoài ra còn có kèm hai tờ bản đồ về Lũy Án và Lũy Thầy ở Quảng Bình. Cuốn sách cho chúng ta biết được tổng quan về phả hệ triều Nguyễn từ thủy tổ Nguyễn Kim đến Gia Long cũng như chính sách và công cuộc khai thác vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ngoài ra sách còn ghi tiểu sử những người trung thành với triều Nguyễn, phong tục các nước Xiêm La, Cao Miên… và một số chuyện mê tín, ma quỷ. Sách chép tay, trên giấy lệnh hội (khổ 32 x 22,5cm) gồm 5 quyển với 77 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng khoảng 20 chữ. Hiện nay bản gốc sách Nam Hà tiệp lục đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với mã số kho A.586.(1)

Thông qua bài Tổng bạt ở cuối sách chúng ta biết tác phẩm này được Lê Đản hoàn thành vào năm 1811. Nói về lai lịch ra đời cuốn sách, tác giả cho biết:

偶於皇朝嘉隆辛未. 歲仲秋,與從兄坦. 就升隆城應考, 並濫預中格, 領憑而歸. 兄坦道及史事, 乃不揣固陋, 收錄本家先世所藏. 及本縣契友富殷鄧伯庄, 南塘阮登戚家所藏諸書. 輯成一編. 訂為五卷, 內有十六條, 各附僭評于遂條之下. “Năm Gia Long Tân Mùi (1811), giữa tháng 8 mùa thu, tôi cùng anh họ là ông Thản, cùng đi lên ứng khảo (sát hạch) ở thành Thăng Long (Hà Nội), và được dự trúng tuyển, lĩnh bằng xong trở về. Lúc đó ông Thản nói với tôi việc làm sử, tôi bèn không tự xét là cố chấp và quê mùa, thu chép những điều trong các sách mà các cụ nhà tôi còn chứa lại được, cùng là trong các sách mà các bạn cùng huyện tôi là ông Đặng Bá Trang ở Phú Ân, ông Nguyễn Đăng Thích ở Nam Đường, biên tập thành một bộ, chia làm 5 quyển, trong có 16 điều, sau mỗi điều có phụ thêm lời lạm bình”.

Nam Hà tiệp lục là một bộ sách có giá trị ghi chép về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của Đàng Trong. Sách tuy ngắn gọn, nhưng có nhiều tài liệu mới. Khi nghiên cứu về Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, từ Gia Long về trước, có thể dùng sách này làm tài liệu tham khảo quý giá cùng với các sách Ô Châu cận lục烏?州?近錄? của Dương Văn An; Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 của Lê Quý Đôn; Nam Hà ký văn 南河記聞 của Đặng Trọng An; Gia Định thành thông chí 嘉定城通志 của Trịnh Hoài Đức…

Tác giả Lê Đản (1742 – ?), theo phần ký tên cuối bài Tổng bạt của sách 真定, 盛銧黎亶謹跋 (Chân Định, Thịnh Quang Lê Đản cẩn bạt) có thể biết được ông là người làng Thịnh Quang, huyện Chân Định, trấn Sơn Nam, sau này là huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.(2) Năm 1775 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36, ông đậu tiến sĩ, làm Hàn Lâm Viện Thị thư, rồi làm Tham chính Thanh Hóa. Khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông đi ở ẩn, không ra làm quan. Đến đời Nguyễn ông có ra làm quan. Theo Quốc triều hương khoa lục(3) (q1, tờ 19) thì năm Gia Long thứ 6 (1807), ông làm chức Hiệp trấn Lạng Sơn và được cử làm Giám thí thi Hương trường thi SơnNam.

2. Ghi chép về Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa trong Nam Hà tiệp lục

Những ghi chép về Hoàng Sa và đội Hoàng Sa nằm ở phần Tài lợi, Sơn xuyên hình thế và Phong vực trong sách Nam Hà tiệp lục bao gồm 3 đoạn. Phần nguyên bản chữ Hán trích đăng trong bài này được chụp lại từ bản sao hiện lưu tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế.(4) Dưới đây xin được phiên âm và dịch nghĩa các đoạn có liên quan.

* Đoạn 1 (thuộc quyển 2, phần Tài lợi)

Nam Hà tiệp lục, đoạn 1 (thuộc quyển 2, phần Tài lợi)


Nguyên văn:

大占海門, 海中有長沙, 名罷葛黄. 自大占海門至長沙約五六百里, 濶三四十里,卓立海中. 西南風則諸國船艘漂泊在此. 東北風外越亦飄泊在此, 並皆餓死, 財貨堆積. 每年季冬將船十八隻索取. 一云四月往七月回. 此處亦產玳瑁.

Phiên âm:

Đại Chiêm hải môn, hải trung hữu trường sa, danh Bãi Cát Vàng. Tự Đại Chiêm hải môn chí trường sa ước ngũ lục bách lý, khoát tam tứ thập lý, trác lập hải trung. Tây Nam phong tắc chư quốc thuyền tao phiêu bạc tại thử. Đông Bắc phong ngoại việt diệc phiêu bạc tại thử, tịnh giai ngạ tử, tài hóa đôi tích. Mỗi niên quý đông tương thuyền thập bát chích tác thủ. Nhất vân tứ nguyệt vãng thất nguyệt hồi. Thử xứ diệc sản đại mạo.

Dịch nghĩa:

Cửa Đại Chiêm, giữa biển có dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng. Từ cửa biển Đại Chiêm đến dải cát dài [đó] ước chừng năm sáu trăm dặm, rộng chừng ba bốn mươi dặm,(5) đứng ở giữa biển. Mùa gió Tây Nam thì tàu bè các nước phiêu bạt vào đó. Đến mùa gió Đông Bắc [tàu bè] từ ngoài vào cũng phiêu bạt vào đây, đều bị chết đói, của cải được tích tụ ở đây. Hằng năm đến cuối đông 18 chiếc thuyền được đưa ra đây để nhặt lấy những của cải ấy. Có chỗ nói rằng tháng 4 đi tháng 7 về. Nơi đây cũng sản sinh nhiều đồi mồi.

* Đoạn 2 (thuộc quyển 3, phần Sơn xuyên hình thế)

Nam Hà tiệp lục, đoạn 2 (thuộc quyển 3, phần Sơn xuyên hình thể)

Nguyên văn:

大占海門, 海中有長沙洲, 名罷吉(6)黄. 自占門至沙洲約五六百里, 闊三四十里, 卓立海中.

Phiên âm:

Đại Chiêm hải môn, hải trung hữu trường sa châu, danh Bãi Cát Vàng. Tự Chiêm môn chí sa châu ước ngũ lục bách lý, khoát tam tứ thập lý, trác lập hải trung.

Dịch nghĩa:

Cửa Đại Chiêm, giữa biển có cồn cát dài, tên là Bãi Cát Vàng. Từ cửa Đại Chiêm đến cồn cát [đó] ước chừng năm sáu trăm dặm. Cồn cát rộng chừng ba bốn mươi dặm, nổi lên ở giữa biển.

* Đoạn 3 (thuộc quyển 3, phần Phong vực)

Nam Hà tiệp lục, đoạn 3 (thuộc quyển 3, phần Phong vực)

Nguyên văn:

廣南處, 北接順化海雲山, 南接平康府界. 界之上有大山. 山之嶺有石碑名曰: 岧奇. 東至于海,海之沿有大占(又名占壘中深), 沙黄

(俗號罷吉黄小淺), 美亞(小淺).

Phiên âm:

Quảng Nam xứ, bắc tiếp Thuận Hóa Hải Vân sơn, nam tiếp Bình Khang phủ giới. Giới chi thượng hựu đại sơn, sơn chi lĩnh hữu thạch bi danh viết: Đèo Cả. Đông chí vu hải, hải chi duyên hữu Đại Chiêm (hựu danh Chiêm Lũy trung thâm), Sa Huỳnh (tục hiệu Bãi Cát Vàng tiểu thiển), Mỹ Á (tiểu thiện).

Dịch nghĩa:

Xứ Quảng Nam, phía bắc tiếp giáp với Thuận Hóa tại núi Hải Vân, phía nam tiếp giáp với phủ Bình Khang, nơi tiếp giáp có núi lớn, trên đỉnh núi có bia đá, gọi là Đèo Cả. Phía đông giáp biển. Trên bờ biển có các cửa biển: cửa Đại Chiêm (còn có tên là cửa Chiêm Lũy, cửa vừa, nước sâu); cửa Sa Huỳnh (tục gọi là cửa Bãi Cát Vàng,(7) cửa nhỏ, cạn); cửa Mỹ Á (cửa nhỏ, cạn).

Lê Đản trong Nam Hà tiệp lục đã dành những ghi chép về Hoàng Sa cho chúng ta thấy được tác giả có những hiểu biết nhất định về Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa. Mặt khác tư liệu ghi chép ở Đàng Trong về Hoàng Sa cũng khá phong phú như trong đoạn nói về việc hàng năm có 18 chiếc thuyền ra Hoàng Sa để thu nhặt hóa vật ở đây.

Trong lời bạt tác giả Lê Đản cho biết: 風聞同郡延河黎氏, 武毅汪氏. 先世有撫編雜錄, 南行小記, 諸書, 未暇博訪“nghe thấy nói trong cùng quận (tỉnh) tôi, các nhà họ Lê(8) ở Diên Hà, họ Uông(9) ở Vũ Nghị, nhà thì đời trước có sách Phủ biên tạp lục, nhà thì có sách Nam hành tiểu ký, tôi cũng chưa kịp hỏi mượn mà xem”, tức là tác giả không được tham khảo các sách có viết về Hoàng Sa trước đó. Tuy nhiên khi đọc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn hay phần Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đều thấy có những khảo tả tương tự về Hoàng Sa và hoạt động của Đội Hoàng Sa như trong Nam Hà tiệp lục. Các sách trên tuy không tham khảo nhau nhưng những ghi chép về Hoàng Sa và đội Hoàng Sa là tương đối thống nhất. Chính điều này cho chúng ta thấy được những hiểu biết về Hoàng Sa cho đến cuối thế kỷ XVIII là đã rất phổ biến ở nước ta.

Nam Hà tiệp lục với những ghi chép tuy không nhiều nhưng vô cùng quý báu lại cho chúng ta thêm một tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn.

T. V. Q.

(*) Khoa Xã hội Nhân văn, Trường Đại học Phú Xuân, Huế.

CHÚ THÍCH

(1) Xem thêm: http://www.hannom.org.vn/trichyeu.asp?param=4925&Catid=248

(2) Theo sách Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, 1971, tr. 341-342 do Trần Văn Giáp chủ biên thì Lê Duy Đản (hay Lê Đản), tác giả Nam Hà tiệp lục là người làng Yên La, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tra cứu trong Đồng Khánh địa dư chí thì tỉnh Bắc Ninh không có huyện nào mang tên là Chân Định. Mặt khác trong Lời bạt sách Nam Hà tiệp lục tác giả cũng cho biết 風聞同郡延河黎氏武毅汪氏mình là người cùng quận với họ Lê (tức Lê Quý Đôn) ở làng Diên Hà (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, Thái Bình) và họ Uông (tức Uông Sĩ Đoan) người làng Vũ Nghị (nay thuộc xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Thái Bình cùng với Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cuối thời Lê đầu thời Nguyễn thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Đồng Khánh địa dư chí cho biết xã Thịnh Quang là 1 trong 7 xã thuộc tổng Thịnh Quang, huyện Chân Định, Nam Định. Như vậy có thể khẳng định Lê Đản là người làng Thịnh Quang, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định.

(3) 嘉隆丁卯.山南場上下二鎮合試.在金洞縣花陽社洲分.号獻南場.禮部左參知阮嘉吉 提調諒山鎮叶鎮黎亶監 試. 平定營督學鄧德輝翰林院制誥黎良慎監考. “Năm Đinh Mão, niên hiệu Gia Long (1807), hai trường thi Sơn Nam Thượng, Hạ thi chung làm một. Nơi trường thi đặt ở bãi sông xã Hoa Dương, huyện Kim Động (nay thuộc phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên) gọi là trường Hiến Nam. Quan Tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Gia Cát được cử làm Đề điệu; Hiệp trấn Lạng Sơn là Lê Đản được cử làm Giám thí; Đốc học dinh Bình Định là Đặng Đức Huy, Hàn Lâm Viện Chế cáo Lê Lương Thận được cử làm Giám khảo.” (Quốc triều hương khoa lục, quyển 1, trang 19, bản chữ Hán lưu tại Thư viện Quốc gia, ký hiệu R.5851).

(4) Trong bài viết này, chúng tôi dựa vào bản Nam Hà tiệp lục gồm nguyên bản chữ Hán sao chụp từ bản gốc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A.586 và tham khảo bản dịch chép tay của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thảng hiện đang được lưu giữ tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế.

(5) Theo đơn vị đo ngày xưa thì 1 dặm bằng khoảng 500m ngày nay, như vậy khu vực Bãi Cát Vàng cách cửa biển Đại Chiêm (cửa Đại ở Hội An ngày nay) chừng năm sáu trăm dặm tức là khoảng 250-300km. Như vậy rõ ràng địa danh Bãi Cát Vàng được Lê Đản đề cập đến là chỉ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 350km và quần đảo Trường Sa cách bờ biển Cam Ranh-Khánh Hòa khoảng 460km.

Chú thêm của BBT: Lý [里] là đơn vị đo khoảng cách chỉ dùng trong các văn bản Hán Việt, trong ngôn ngữ hàng ngày, người Việt quen gọi là dặm. Hiện nay việc quy đổi từ dặm thành mét vẫn chưa có sự thống nhất. Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị (in năm 1895) cho 1 dặm = 135 trượng ≈ 572m; Lê Thành Khôi trong Le Viet-nam, Histoire et Civilisation (in năm 1955) cho 1 dặm = 360 bộ ≈ 720m; Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (tái bản năm 2008) lại cho 1 dặm = 444,44m. Vì vậy, việc quy đổi khoảng cách từ dặm thành mét trong bài này chỉ là con số phỏng chừng.

(6) Địa danh Bãi Cát Vàng được người Việt Nam xưa dùng để chỉ quần đảo san hô ở biển Đông mà đến đầu triều Nguyễn sử dụng âm Hán Việt Hoàng Sa (Cát Vàng) để thay tên Nôm Bãi Cát Vàng. Bãi Cát Vàng là tên gọi viết bằng chữ Nôm nên có nhiều cách viết khác nhau như: 擺葛鐄 (篡集天南四至路圖書- Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư;甲午年平南圖- Giáp Ngọ niên bình nam đồ);黃沙渚 (撫邊雜錄- Phủ biên tạp lục). Trong chữ Nôm cùng một chữ có thể có nhiều cách viết, như chữ Bãi có các cách viết: 罷,

source
Calitoday