Wednesday 2 December 2009

Về Đồng Hới


Về Đồng Hới
Cập nhật lúc 1:23:57 AM - 16/11/2008

185-dh-1w.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Nguyên quán Quảng Bình nhưng tôi sinh ở Quảng Ngãi, quê ngoại. Thời nhỏ, dường như tôi không cư trú một nơi nào lâu dài.

[Quảng Bình Quan (xây lại)]


Bố tôi trong quân ngũ, rày đây mai đó. Tôi không rõ lắm về quê tôi, nơi nổi tiếng về danh lam thắng tích, về lịch sử. Giữa năm 93, lúc sắp đi định cư tại Hoa Kỳ, tình cờ đọc cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của Đỗ Mậu, tôi mới biết Quảng Bình có Động Phong Nha.

Từ Nha Trang ra Huế, sau khi thăm Điện Hòn Chén, Cầu Ngói Thanh Toàn và một số nơi quen thân cũ, tôi đi Đồng Hới bằng xe Honda. Quốc lộ 1 từ Huế đi Đồng Hà tương đối tốt. Ớn nhất là đọan 10km "Đại Lộ Kinh Hoàng". Cho đến lúc bấy giờ hai bên đường vẫn còn y nguyên dấu tích cuộc chiến năm 72. Mùa hè năm đó, dưới áp lực quân sự nặng nề của (...), quân đội Miền Nam áp dụng di tản chiến thuật, dân chúng kinh hoàng bỏ Quảng Trị chạy về Huế. (...) đã pháo kích suốt đoạn đường từ ngã ba Quảng trị vào đến sông Mỹ Chánh. Đường tuy rộng nhưng hàng trăm thứ xe, lấn nhau mà chạy nên quân dân đành chết cứng, lãnh trọn những quả pháo từ rìa dãy Trường Sơn rót về. Những nồi niêu, giày dép, chén bát còn rải rác hai bên đường, đó đây còn những chiếc nôi trẻ em. Đã mười mấy năm qua nhưng người ta vẫn còn sợ những quả pháo những bom bi chưa nổ. Không ai dám thu dọn.

Ra Quảng Trị, tôi lưu lại một hôm để đi thăm Cửa Tùng và nhà thờ La Vang. Đường ra Cửa Tùng hoang vắng, tận mé biển mới có một bót gác của công an biên phòng. Bãi biển lạnh tanh, không một bóng người, dù đã hết chiến tranh nhưng không khí sợ hãi vẫn bao trùm đời sống dân quê. Tôi đưa máy bấm một tấm kỷ niệm thì bị lính gọi ngay vào trạm gác làm việc. Cũng may, tôi khéo chia xẻ nổi hiu quạnh của "chiến sĩ tiền đồn" nên tạo được cảm tình, nhờ đó mọi chuyện qua xuôi. Theo tôi, Cửa Tùng chẳng có gì để canh gác ngoài chuyện đồng bào vượt biển.

185-dh-2w.jpg[Nhà thờ Tam Tòa]

Tôi quay xe về lại Cổ Thành và lên nhà thờ La Vang. Những tượng lớn hai bên đường vào nhà thờ bị đạn pháo gãy đổ, nhà thờ không còn mái, vách tường cháy đen và đổ nát. Vừa lúc có một sơ đi qua tôi chào, gợi chuyện:

- Thưa Sơ, từ 72 đến nay mà chưa xây lại nhà thờ?

- Tại nhà nước không cho giáo hội tự làm. Ngân khoản thì có mà không làm được.

- Hàng năm lễ Kiệu La Vang có đông giáo dân về dự không, thưa Sơ?

- Đông lắm, nhưng mọi sinh hoạt bên ngoài do (...) đảm trách hết.

- Thưa Sơ, như sinh hoạt gì?

- Giữ xe, bán nước.

Từ Quảng Trị đi Đồng Hới có nhiều đọan đường hư hại nặng, có chỗ đang sửa theo kiểu chắp vá, sửa sau hư trước. Hai bên đường, hố bom vẫn còn nguyên vẹn.

Miền Trung cày lên sỏi đá. Đúng thế. Nghèo xơ nghèo xác. Làng mạc không còn lũy tre xanh như ngày trước. Nhà dân thưa thớt và chưa có dấu hiệu xây dựng lại mặc dù chiến tranh đã qua hơn mười năm nay. Ngang qua một quán nước bên đường, tôi dừng chân xả hơi. Quán thật nghèo, một rá khoai lang luộc, mấy hủ kẹo, vài chai nước ngọt trẻ em. Người bán hàng thấy khách ghé vào, mừng rỡ:

- Chú uống chi chú?

Tôi đảo mắt xem có nước trà không, đi đường mà uống tào lao không tốt. Chẳng có gì, đành gọi chai nước ngọt. Vừa nhâm nhi tôi hỏi cô bán hàng:

- Đây là đâu vậy cô ?

- Dạ, Hoà Luật Nam. Chú ở mô tới rứa?

- Tôi ở trong Huế ra.

- Huế chắc vui lắm chú hè ?

- Cô chưa đi Huế lần nào sao?

- Dạ mần răng mà đi đặng.

- Vùng này ít người ở quá, chắc khó làm ăn?

- Chớ chú không chộ, có chi mô. Ai cũng tìm đàng đi Bắc đi Nam.

- Chiến tranh hết rồi thì đời sống cũng dễ thở chớ?

- Dạ, hết giặc giã mà không có chi mần. Đàn ông thì đi núi tìm trầm. Ai cũng tìm cách trốn lãnh ruộng vì mần không đủ đong khoán.

Hình ảnh cuộc sống im lìm, uể oải, không nghe tiếng trẻ thơ ê a học bài hay tiếc bà ru cháu như một thuở nào trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Cảnh xơ xác chạy dài đến bến phà Quán Hàu. Từ Quán Hàu về Đồng Hới không còn xa, đời sống sinh động hơn. Qua Cầu Dài tôi biết đã đến Đồng Hới, nhưng thật tình tôi không còn thấy một nét nào của Đồng Hới trước 54. Cây đa đường Huỳnh Côn, cạnh nhà bố mẹ tôi ngày trước biến mất. Đường sá phóng lại hoàn toàn. Những biểu tượng chính của Đồng Hới, giờ chỉ còn mỗi tháp nước, một góc tường cổng Bình Quan và mặt tiền trơ trụi của nhà thờ Tam Tòa. Thành phố đang trong tình trạng xây dựng lại nên chỗ nào cũng vôi vữa, gạch đá. Tuy đã có những dãy cao ốc, công thự, nhưng chưa có được đời sống của thị thành. Người dân còn dẫn trâu bò đi rong trên đường. Thành phố vắng hoe, yên bình. Ngày xưa tôi ở trọ một nhà trong Xóm Câu để đi học. Đây là xóm chài nằm ngay thành phố Đồng Hới.

Cái thú của tuổi nhỏ là có những ngày nghỉ thuê xe đạp, 3 đồng một giờ, chạy quanh thành phố. Chạy từ Cầu Dài ra cầu Mụ Kề, vòng sau Ba Tăng, chạy chừng 3 vòng là hết giờ. Bên kia Cầu Dài là thôn Kẻ Nại. Hồi đó tôi không hiểu sao chỉ cách thành phố Đồng Hới một con sông mà giọng nói của người Kẻ Nại vừa nặng vừa líu lo, không tài nào nghe được. Tháng hè, tôi học thêm nhà anh Đôn. Anh Đôn con một bà giáo, người gầy tong như nghiện hút. Anh mở lớp dạy tư, không làm nghề gì khác.

Được vài năm tôi lại bỏ Đồng Hới vô Huế theo các lớp Trung Học. Huế cách Đồng Hới chưa tới trăm cây số mà sao hồi đó tôi thấy xa xôi thế. Được mấy năm, cuộc chiến Pháp Việt chấm dứt. Tôi vội vã tìm về Đồng Hới mặc dù lúc giã từ Huế lòng cũng xót xa vô cùng. Nhưng oái oăm thay, thực tế lại khiến tôi bỏ Đồng Hới nhập vào làn sóng di cư ra đi.

185-dh-3w.jpg[Bò trong thành phố]

Một bà cô tôi ở trên làng xuống thăm, tôi hỏi về đời sống và chuyện học hành:

- Thưa O, tụi con về làng rồi có hề chi không O?

- Không răng mô. Mự (mợ) thì có bao nhiêu vàng bạc cứ thành thật khai báo với nhà nước, nhà nước khoan hồng.

- Tụi con rồi có được tiếp tục học hành không?

- Mấy đứa bây đi học ngày một buổi, một buổi làm việc cho Xã.

- Làm việc gì hả O?

- Chạy giấy, làm giao liên.

Tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Đêm đó tôi bàn với mẹ tôi: "Mạ ở lại, con đưa cu nậy (lớn), cu em đi". Mẹ tôi nhất định đòi đi, chắc trong thâm tâm bà cũng sợ. Tôi thuyết phục để bà ở lại, vào Huế mấy mẹ con lấy gì sống. Cuối cùng bà chấp nhận và cho anh em chúng tôi 3000 đồng để phòng thân. Hôm đưa các em tôi di tản, lúc ngang qua cầu Mụ Kề gặp anh Đôn dẫn một đoàn học sinh lau nhau đi biểu tình hoan hô quân giải phóng. Thấy tôi anh la lớn:

- Nhung, đi biểu tình đã (ý anh bảo biểu tình xong rồi đi). Tôi tảng lờ, xuống gấp chuyến tàu cuối cùng do Pháp giúp chở dân di cư. Tàu đang neo bên bờ sông Nhật Lệ và người bu lên tàu đen như kiến.

Tuổi thơ của tôi trôi qua giữa một thành phố nhỏ bé êm đềm. Mấy chục năm rồi, hoài niệm vẫn còn nguyên. Con đường chính chạy qua thành phố, nay đã có nhiều nhà hai tầng nhưng kiểu cọ lung tung, màu mè loạn xạ. Có người cho hay, do các giám đốc (...) muốn khoe sáng kiến xây dựng của mình nên bày đủ kiểu. Riêng con sông Nhật Lệ, vẫn như xưa. Dòng sông vẫn lặng lờ, thuyền bè không thấy bao nhiêu. Từ chợ Đồng Hới chạy vô Cầu Dài nhà cửa đang được tái thiết. Đồng Hới đã nát tan trong thời Mỹ ném bom Miền Bắc. Nay đang gượng sống dậy trong cái vẻ mới mẻ hơn, cao lớn hơn cho dù phần trang điểm có chỗ còn thô kệch.

Những hình ảnh tôi cố đi tìm nay không còn nữa. Tất cả chỉ là hoài niệm, mọi thứ hoàn toàn đã đổi thay. Trong phút chốc, tôi có cảm giác mình như Lưu Nguyễn trở lại trần.

Trần Công Nhung

6 - 1993

*********************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment