Thursday 3 December 2009

Nhà Vương


Cập nhật lúc 8:18:22 PM - 11/07/2009

220-1h.jpg


Dinh Vương Chí Sình

Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Nhà Vương hay Dinh Vua Mèo là một di tích của người H’Mông ở huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang. Nhiều năm trước, trong chuyến đi Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, tôi có ngang qua, có nghe nói, nhưng không ghé thăm.

Thời gian dành đi Lũng Cú (1) và xếp mục nhà Vương vào chuyến đi Mèo Vạc Khâu Vai (2) cho lần sau. Mấy năm qua, công việc không trùng với ngày lễ hội Chợ Tình Khâu Vai (27 tháng 3 AL), mãi đến nay mới thực hiện được.

Trước khi thăm nhà Vương, tưởng cũng nên tìm hiểu sơ hiện tượng xưng Vua của dân tộc H’Mông. Được biết người H’Mông gốc vùng sông Hoàng Hà bên Trung Quốc từ 3000 năm trước. Khi người Hán phát triển, người H’Mông bị đẩy dần về phương Nam. Họ sống cô lập từng nhóm trên những vùng núi non hiểm trở, họ trồng thuốc phiện và thảo quả là loại cây chỉ sống trên núi cao, họ leo trèo nhanh khỏe như mèo. Người H’Mông hay Mèo dần dần nhận thức được sự sống còn của dân họ rất bấp bênh, nhất là thời kỳ người Pháp xâm chiếm ba xứ Đông Dương. Người Pháp khám phá ra các dân tộc thiểu số có nguồn đặc sản hiếm quí, đó là thuốc phiện, một loại vàng đen. Pháp tìm cách cai trị các dân tộc thiểu số để thu thuế và độc quyền thuốc phiện. Từ đó người H’Mông nhiều vùng xưng Vua chống lại người Pháp. Cứ mỗi vùng lại có một vua Mèo: Bắc Hà có dinh Vua Mèo Hoàng A Tưởng (3), dinh này kiến trúc hoàn toàn theo lối Tây phương.


220-2h.jpg

Vương Chí Trở thuyết minh


Vua theo người H’Mông là một nhân vận không có thật, đó là một vị thần, tài ba lỗi lạc, phép thuật khôn lường, có thể mang lại sự giàu có, sức mạnh, trị lành mọi thứ bệnh, v.v.. Người xưng Vua không nhận mình là Vua mà chỉ là người thừa hành. Do đó các nhân vật xưng Vua tha hồ tuyên truyền kiểu thần thánh: “Hãy theo ta đánh thắng giặc sẽ được vua H’Mông ban phép bất tử, đạn Pháp bắn không chết”, v.v. (4).

Đầu thế kỷ XX, Giàng Sìa Lừ ở Lai Châu, Vừ Pa Chay ở Điện Biên xưng Vua, được đông đảo người H’Mông theo, trong số có Vương Chính Đức (cha Vương Chí Sình) người đã xây dựng nhà Vương ở xã Xà Phìn huyện Đồng Văn.

Nhà Vương cách thị trấn Đồng Văn 3km, từ trên cao nhìn xuống một thung lũng, có một khóm nhà ngói cũ ẩn hiện giữa khu rừng cây cao xanh. Khu nhà chiếm chừng 1/5 diện tích thung lũng, núi từng mỏm bao quanh, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Cảnh trí u u minh minh, gợi cho tôi những chuyện huyền bí thường nghe nói của người thiểu số.


220-3h.jpg

Cửa vào tiền dinh


Đường vào nhà Vương tráng nhựa dễ đi,chỉ qua một vòng cua mấy trăm mét là đến. Có đoàn du khách đang lố nhố trước dinh, tôi giục anh em nhanh chân, mình ké vào sẽ có nhiều điều lợi. Những di tích đặc biệt thường được thuyết minh mỗi khi có “khách đoàn”. Tôi đã gặp may nhiều lần, đi thì tự túc nhưng đến nơi, gặp “đoàn” tôi nhập theo vào. Khách cứ nghĩ tôi là phái viên của báo nào đó nên không ai thắc mắc trái lại còn nhường cho vị trí tốt để làm phận sự. Tôi chụp ảnh và ghi âm thoải mái. Vấn đề là phải thể hiện đúng vai trò, nghĩa là làm việc hăng say nhanh gọn, không lợi dụng hỏi han vớ vẩn làm phiền người khác, nhất là lúc có những giai nhân thì không nên “cà khịa” lôi thôi.

Một cô gái H’Mông tuổi chừng 20 trang phục giản dị, không thụng thện nhiều lớp, không hoa văn rực rỡ như y phục đa số người H’Mông Hoa. Đầu chít chiếc khăn đỏ gọn gàng, chiếc áo vàng đơn giản, váy hai màu xanh đen, chiếc thắt lưng to bản… Vải màu (trừ màu đen) đều điểm bông trắng li ti. Cô thuyết minh có nét mạnh mẽ không đài các, không quê mùa, nói năng lưu loát. Trước khi vào dinh, cô dừng ở cổng, nói về sự tích của công trình xây dựng khá đặc biệt này.

Thoạt nhìn cổng dinh, tôi cứ ngỡ là cổng của một pháo đài thời xưa, bởi vắng hẳn nét quyền quí cao sang nơi ra vào của bậc vua chúa. Hai cánh cổng ván chắc chắn. Đặc biệt có mái ngói phụ y như kiến trúc của người Hán.


220-4h.jpg

Mặt tiền dinh giữa.


Theo lời thuyết minh, khu dinh này do Vương Chính Đức (5) cha Vương Chí Sình khởi công xây vào ngày đầu tiên của mùa đông năm Khải Định thứ VIII (1923). Vương Chính Đức cho tìm thầy địa lý chọn cuộc đất tốt. Thung lũng này có một gò đất cao, hình mu rùa, chính họ Vương đã được thần Kim Qui báo mộng là nơi có long mạch, nhà Vương có thể dựng nghiệp vững bền. Gò đất nằm hướng Bắc của thung lũng, giữa rừng Sa Mộc. Sa mộc còn gọi là Pờ Mu, một loại gỗ quí, cây thẳng đứng không cành lớn, từ xa trông giống thông Đà Lạt. Người H’Mông thường xẻ gỗ từng tấm dài để lợp nhà. Nhà tuy thấp lè tè và tối om nhưng không muỗi do mùi gỗ Sa Mộc.

Dinh họ Vương gồm 4 nhà ngang và 6 nhà dọc đều làm 2 tầng có 64 buồng chia làm tiền dinh, trung dinh, hậu dinh. Tiền dinh tường xây đá hộc tầng dưới, tầng trên toàn gỗ thông, mái ngói âm dương, cuối mỗi đường lợp, gắn ngói ống chữ Thọ. Khu nhà 3 lớp nền cao dần từ ngoài vào. Dinh hai gian hai tầng làm toàn bằng gỗ, hậu dinh tầng dưới xây đá tầng trên gỗ. Tầng dưới cất tiền và thuốc phiện, tầng trên chứa thuốc nổ và súng. Vương Chí Sình ngủ cạnh lầu chứa súng. Hai góc sau hậu dinh xây 2 lô cốt đá xanh, 3 tầng, có đường thông với tầng hầm của hậu dinh.

Nhà Vương được xây dựng theo kiến trúc đời Thanh bên Trung Quốc, có diện tích 1.120m2. Giữa ba lớp nhà là ba sân lát đá phiến. Khu nhà dài 56m, rộng 20m, cao 10 - 12m, ngoài ra còn có các nhà phụ như bếp, bể nước và chuồng ngựa… Quanh dinh xây tường đá dày 60 - 80 cm, cao 2,5m - 3 m. Dinh họ Vương xây trong 12 năm. Bên ngoài dinh, về phía trái là khu mộ dòng họ Vương.

Sau khi giới thiệu qua những nét chính, cô thuyết minh mời khách vào xem bên trong dinh. Trên cửa vào tiền dinh treo 4 chữ “Yên Chính Khả Phong” do triều Nguyễn tặng. Tường nhà bằng đá dày tô vôi trắng nên trông chẳng khác gì tường gạch bình thường, tầng trên bằng gỗ chắc chắn, không chạm trổ cầu kỳ.


220-5h.jpg


Bàn thờ Vương Chính Đức


Ngay giữa nhà là bàn thờ Vương Chính Đức, không hoành phi liễn đối, tủ thờ bằng gỗ chạm đôi nét đơn sơ, không như tủ thờ của người Kinh. Ngoài bát nhang và ảnh của Vương Chính Đức áo mão triều đình, các thứ còn lại như rác rến đầy bụi bặm, chứng tỏ chẳng có ai chăm nom. Cạnh chân dung Vương Chính Đức có bằng “Huân Chương Đại Đoàn Kết Dân Tộc” do Nguyễn Minh Triết ký tặng cho Vương Chí Sình. Một mảng vách bên phải, treo hình ảnh gia đình họ Vương: Vương Chính Đức (VCĐ), các con, vợ cả, vợ ba. Bà hai không con trai nên không có mặt. Bà vợ cả có hai trai, Vương Chí Sình là con thứ hai.... Những ảnh chụp gia đình họ Vương đều mặc sắc phục dân tộc H’Mông, riêng Vương Chí Sình lúc trẻ mặc Âu phục do ông được qua Bắc Kinh học. Vương Chính Đức có ba vợ chính thức người H’Mông, ngoài ra còn 5 bà ở Hà Nội lên làm thiếp. Ra nhà sau là nơi làm việc của họ Vương, đồ vật không có gì quí giá: Bàn gỗ làm việc, bàn xoa mạt chược, tủ tài liệu, giường gỗ nằm nghiû, mọi thứ đều đều bằng gỗ, hình thức bình dân, riêng thau đồng rửa mặt đúc theo kiểu mới thời ấy. Nhà gia nhân còn lại cối xay bằng đá, cối giã gạo… Vật kỷ niệm mà ban quản lý đặc biệt giới thiệu với du khách là thanh đại đao của HCM tặng Vương Chí Sình, có khắc 8 chữ, 4 chữ mỗi bên: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”, hình thức là đại đao nhưng cán bộ viên chức quen gọi “bảo kiếm”


220-6h.jpg


Mộ Vương Chính Đức và vật dụng trong dinh


Đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, dòng họ Vương đóng góp nhiều cho mặt trận Việt Minh. Vương Chí Sình được Hồ Chí Minh kết nghĩa anh em và đổi tên Vương Chí Thành, được mời làm đại biểu quốc hội khóa I chính phủ VNDCCH. Lúc ấy họ Vương mang cúng 200 nghìn đồng cho nhà nước (6). Năm 1946, Hồ Chí Minh giới thiệu Vương Quỳnh Sơn, cháu gọi Vương Chí Sình bằng chú, vào học trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Sau này ông Sơn đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau ở Việt Bắc lẫn Hà Nội. Khi về hưu ông được giao làm cố vấn mảng dân tộc miền núi. Sau năm 1975 có 18 dòng họ người H’Mông định cư tại Hoa Kỳ, mời Vương Quỳnh Sơn qua thăm Mỹ. Chuyến đi đã làm cho Vương Quỳnh Sơn ngạc nhiên hứng khởi khi thấy người H’Mông làm ăn thành đạt nơi xứ người, lại còn có một CD cảnh dinh cơ nhà Vương bày bán khắp nơi.

Trước khi rời nhà Vương tôi tìm hỏi riêng cô thuyết minh:

- Cháu có thể cho chú biết cháu liên hệ thế nào với nhà họ Vương?

Cháu là Vương Chí Trở, cháu ba đời của Vương Chí Sình. Ông nội cháu làVương Chí Chư.

- Nhà Vương do người họ Vương trông coi hay nhà nước quản lý?

- Dạ nhà nước, cháu làm lãnh lương, còn tiền bán vé để tu sửa.

- Chú thấy trước dinh có hai câu đối chữ Hán, nghĩa là gì?

- Câu bên trái: Nhà tiếp người hiền ra vào, câu bên phải: Cửa luôn mở rộng đón người đến thăm.

- Cảm ơn cháu rất nhiều

.

Toàn bộ khu nhà Vương đã được tôn tạo bằng ngân sách “nhà nước” vào năm 2004 hết 7 tỉ rưởi đồng. Nhìn cách khách quan thì đây chỉ là một khu nhà miền núi, phảng phất kiến trúc người Hán, tuy có rộng lớn nhưng chẳng có gì đặc biệt như một bài báo đã ngợi ca: “Đường nét kiến trúc cổ kết hợp nhuần nhuyễn hài hòa với kiến trúc châu Âu”, một lối truyền tụng khuôn sáo chung chung thường gặp, tôi chẳng thấy chỗ nào “nhuần nhuyễn hài hòa”. Xem nhà Vương để hiểu thêm tình tiết về đời sống và sự tồn vong của dân tộc H’Mông trong lòng dân tộc Việt đồng thời chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đồi cao nguyên Đồng Văn mà hầu hết chúng ta ai cũng đã học qua từ thưở nhỏ, nhất là bao nhiêu vẻ đẹp hùng vĩ của núi sông suốt dọc đường từ Hà Giang lên Đồng Văn.

Trần Công Nhung

4 - 2008

(1) Đi Hà Giang trang 106 QHQOK tập 3

(2) Hành trình về Khâu Vai từ trang 61 QHQOK tập 9.

(3) Bắc Hà trang 11 QHQOK tập 2

(4) Theo “VN các dân tộc anh em, người H’Mông” ts Trần thị Thanh Thủy.

(5) Vương Chính Đức, vốn là người lao động của Thổ ty Hoàng Tự Bình, nhưng lại có uy tín trong vùng nên được Pháp cất nhắc lên làm Chánh Tổng. Khi Hoàng Tự Bình già yếu (vào đầu thế kỷ XX), Vương Chính Đức được cho làm bang tá và đã xây dựng khu Nhà Vương.

(6) Một đồng tương đương 1 triệu (?)

Đã có QHQOK tập 9. Sách đã gửi đến độc giả từ 17 - 6 . (Mỗi tập 20$ +3$ shipping). Chương đặc biệt nói về “Chợ tình Khâu Vai”, ngày hội của “Ngưu Lang Chức Nữ”.

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 8, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có 8 phụ bản ảnh màu đặc sắc và cả trăm ảnh đen trắng minh họa theo bài.

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA 90260, phone:(310) 808-4563 Email: trancongnhung@yahoo.com, Web:www.ltcn.net.

Thư Độc Giả:

Viết và đọc

Thỉnh thoảng tôi được độc giả cho biết: Một số trang web đăng bài tôi viết mà không tên tác giả, hoặc hình tôi chụp, dùng minh họa cho bài người khác hay dùng làm PPS, làm lịch... Chính tôi cũng bắt gặp đôi ba lần, nhưng thấy không có gì thay đổi nên cũng không lên tiếng.

Viết ra mà có người đọc là quí rồi, nếu được trao đổi để mở rộng thêm hiểu biết cho mình thì càng quí chứ có gì than phiền. Nhưng khi có người sử dụng lại mà không đúng nguyên bản, hay sửa đổi theo ý riêng thì sẽ có điều không ổn. Đã có lần tôi bắt gặp trên một trang web bài viết của tôi có một đoạn sai, tôi yêu cầu sửa lại, họ chẳng nói gì, hay một bài viết của ai đó về sông nước miền Nam lại minh họa bằng ảnh tôi chụp về miền Trung. Theo tôi như vậy là coi thường bạn đọc và xúc phạm tác giả những tài liệu mình sử dụng. Có những ảnh họ tự động lấy trên Net, ảnh đã mờ nhạt lại còn bị kéo dài ra, sai tỉ lệ, sai bố cục… làm như thế chẳng khác gì xỉ vả tác giả. Điển hình là ảnh “Yếm thắm” có người dùng làm lịch, đã kéo ảnh ra cho vừa khổ giấy, ảnh chẳng còn gì là nghệ thuật nữa.

Thời gian gần đây, một vài người hỏi tôi: “Ông dạo này làm gì trên đài Sài Gòn SET 57.4 mà tôi nghe họ nhắc tên ông”? Tôi đâu có làm gì, chắc là đài sử dụng bài viết của mình, vậy cũng tốt, chẳng có gì thắc mắc. Văn hóa, nghệ thuật càng được phổ biến càng hay. Dịp may, hôm 26 tháng 6 lúc 17.30 tình cờ tôi bắt gặp một nữ MC đang đọc bài “Tranh làng Sình”. Nghe xong tôi cảm thấy khó chịu, tuy MC có nói xuất xứ bài (Mục QHQOK trên báo Viễn Đông, tác giả TCN), nhưng không phải bài tôi viết. Tôi có cảm tưởng như một bài biên khảo, một bài nhận định đâu đó, nếu những người đã từng đọc tôi họ sẽ thất vọng biết bao. Cái đẹp cái hay tôi nói đến là những cảm nhận bàng bạc tình người, những ghi nhận có được từ cảm xúc thực, nghĩa là từ sự thực trước mắt mình, chứ không phải tìm trong thư viện hay moi từ tự điển…

Độc giả cứ tưởng tượng, mình thường ngồi bên hồ ngắm những con cá Koi màu sắc lượn lờ nhịp nhàng, đẹp và duyên dáng, bỗng một hôm, có người mang cá chặt hết vi vảy, chỉ còn lại mình cá trùng trục, thử hỏi còn gì là đẹp…

Nghệ thuật là thể hiện cái riêng trong cái chung, ở đây, “Tranh làng Sình” không còn cái riêng của người viết, lại còn “bị gắn thêm những phụ kiện”, mục đích để nói rõ quan điểm của đài SET, tôi nghĩ, như thế là không nên. Theo tôi: “Ý tại ngôn ngoại” bao giờ cũng thâm thúy hơn là suồng sã hơn thua. Mong rằng đài SET nếu có sử dụng bài viết, xin giữ đúng nguyên bản, nếu muốn sửa đổi thêm bớt xin vui lòng cho tác giả biết. Dẫu sao cũng cảm ơn đài SET đã góp một tay trong việc phổ biến nghệ thuật.


Trần Công Nhung.

*************************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment