Thursday 3 December 2009

Đền Trần và Miếu Vua Bà


Cập nhật lúc 4:46:14 AM - 16/05/2009

211-bd1_SongBachDang.jpg

Sông Bạch Đằng
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Có một người ngoại quốc nào đó khi đến Việt Nam đã thốt lên câu: “Núi sông nước Việt đẹp tuyệt vời”. Điều này chẳng có gì lạ, người xưa cũng đã ca ngợi quê hương mình: “Một dải giang sơn gấm vóc…”, và thử nhìn vào những tác phẩm văn học nghệ thuật xem có bao nhiêu bài hát, bao nhiêu kịch bản, bao nhiêu bức họa, bao nhiêu tác phẩm văn chương ngợi ca sông núi nước nhà? Vô số.


Tiếng hát sông Lô của Phạm Duy:

Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như xưa
Sau lúc phong ba, thuyền tôi qua bến qua bờ

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã thở than và tự hào với những dòng sông lớn của ba miền qua tác phẩm Hội Trùng Dương:

Nhớ ngày nao dân chúng lên đường đem thịt xương ngăn giữ nương đồng

đem vinh quang thắm tô sông Hồng. (sông Hồng)

Hò ơi.... Ai là qua là thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em xót dân lều tranh chiếu manh. (sông Hương)

Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long Cuộn chảy dâng trời Nam mạch sống… (sông Cửu Long)

Nhiều dòng sông ghi lại những trang sử hiển hách của cha ông, mà những ai đã hấp thụ nền giáo dục nhân bản trước 75 cũng đều nhớ. Bài hát: “Bạch Đằng Giang” nhạc của Lưu Hữu Phước. Bạch Đằng Giang với di tích bãi Cọc Bạch Đằng là một trang sử chói lòa còn lưu lại. Tìm được cây đa 13 gốc, ngày hôm sau tôi đi phà Rừng để thăm di tích Bạch Đằng. Từ Trần Quang Khải qua cầu Lạc Long, chạy tới vòng xoay (Traffic Circle) rẽ phải đi qua cầu Bính.

Cầu Bính là cây cầu dài gần 1300m bắc qua sông Cấm, do Nhật tài trợ được khánh thành từ tháng 5-2005 (1). Đây là chiếc cầu lớn và đẹp hàng thứ nhì sau cầu Mỹ Thuận, 4 làn xe và 2 lề phụ hai bên thành cầu cho người đi bộ và xe đạp. Hầu hết cầu ngày nay đều có lườn cong lên chứ không nằm ngang như xưa. Đứng trên cầu Bính nhìn về hai phía của dòng sông, thấy rõ thế mạnh của Hải Phòng qua hình ảnh tàu bè san sát nơi bến cảng.

211-bd2_CangHaiPhong.jpg

(Cảng Hải Phòng)

Tuy nhiên so với cảng Sài Gòn thì chỉ mới một phần, với cảng Long Beach (California) thì chẳng thấm vào đâu.

Tại Việt Nam trong bất cứ địa hạt nào, chúng ta cũng có thể thấy rõ sự mất cân xứng đi đến phi lý. Cạnh những tòa binh đinh (building) cao ngất là những nhà ổ chuột hay những núi rác hôi hám. Giữa đại lộ sang trọng có một người lết gối ăn xin hay một chị khòm lưng đây chiếc xe đạp đầy những bao tải ve chai. Điều này nói lên phần nào thực trạng nơi quê nhà. Có lẽ vì không cách nào “làm tốt” được tất cả nên lấy đẹp che xấu là thượng sách. Thực ra cho dù nơi “thiên đàng” vẫn có những hình ảnh “bệnh hoạn”, ngay trước mặt trụ sở di trú tại Los Angeles thiếu gì dân homeless nằm dài dài. Tuy nhiên ai cũng biết thiếu thốn khó khăn ở Việt Nam hoàn toàn khác.

211-bd3_CauDinh.jpg

(Cầu Bính)

Từ cầu Bính về phà Rừng khoảng 17km, không phải đường cao tốc (freeway) nhưng tráng nhựa đàng hoàng, ít xe lưu thông, chạy xe máy yên tâm hơn. Cảnh trí trên đoạn đường này không có gì đặc biệt, qua thị trấn Núi Đèo, phố xá có cao nhưng đời sống dân chúng còn thấp lắm. Cảnh họp chợ của thị trấn khác với nhiều nơi, hàng hóa rau cải thịt cá cứ ngồi hàng dài hai bên lề đường, mua bán luôn trước cổng “Trường Tiểu Học Ngũ Lão” (2). Thị trấn “Núi Đèo” thực tế chỉ là một con dốc không cao lắm, có thể qua thời gian cư dân khai phá làm cho đèo biến dạng. Lúc gần đến phà Rừng thì cả một bầu trời trước mặt cát bụi mịt mù. Dừng xe nghỉ mệt, một người đi đường cho biết đấy là công trường xây cất nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. Công trình nhà máy qui mô thế, song nhân công dọn mặt bằng toàn kiểu thủ công, dùng tay gom nhặt, cào quét, làm việc trong điều kiện tồi tệ, không có gì gọi là “công nghệ hiện đại…”. Tôi phải nín thở qua đoạn đường “nhà máy cát bụi” hơn trăm mét. Phà Rừng mà chẳng thấy rừng, bãi sông trống trãi, nước đỏ như nước sông Hồng. Cảnh qua phà khác hẳn trong Nam, khách ít, phần lớn xe máy, không có hàng rong bám theo mời chào. Nhìn qua, ai cũng đàng hoàng, tuy vậy tôi vẫn đề phòng chuyện rạch túi móc ví. Mỗi khi đưa máy lên chụp, tôi lần ra chỗ trống một tí, cho an toàn. Thực tâm mà nói, nhìn người Hải Phòng không có gì khác Hà Nội, Hà Đông, nhưng chẳng hiểu sao thiên hạ vẫn cho dân Hải Phòng “gấu lắm”. Có lẽ “dư âm” từ thời xa xưa chăng.

211-bd4.jpg

(Thị trấn Núi Đèo)

Sông Bạch Đằng rộng không thua gì sông Tiền sông Hậu miền Tây. Phà ra giữa sông nhìn về khu nhà máy điện, quả thật “hoành tráng”, ai mà không hãnh diện về quê hương đất nước mình! Lên phà, đến chỗ ngả ba có một “bia” đề:

Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Bạch Đằng

Đền Trần Hưng Đạo

Miếu Vua Bà

Thú thật, tôi hay bị dị ứng với chữ “Văn Hóa” của những nhà làm văn hóa trong nước. Xóm làng nghèo đói dốt nát, cần một “cổng làng văn hóa” đã đành, di tích lịch sử việc gì gắn “văn hóa” vào. Di tích lịch sử nào không văn hóa? Cũng may không thấy cụm từ “Đã xếp hạng, Đã được công nhận…cấm xâm phạm”

211-bd5.jpg

(Đền Trần)

Theo mũi tên chỉ, tôi nhìn thấy ngay khu đền thờ về phía trái. Vào Đền qua 4 trụ biểu cao uy nghi. Bốn trụ tạo thành ba lối đi rộng thay cho tam quan. Mỗi trụ có câu đối chữ Hán, có hoa văn, có đắp tượng long giao nghê chầu. Lối đi qua cổng và sân Đền đều lát gạch Bát Tràng, nhìn từ ngoài vào, có bình phong kiểu uốn thư bằng xi măng giả đá xanh, hoa văn tỉ mỉ công phu. Sân Đền rộng có thể chứa hơn nghìn người. Đền thờ Trần Hưng Đạo gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo. Ngay trước tam cấp lên tiền đường có lư hương bằng đá xanh cao cả mét, hai cây đèn đá kiểu Nhật cao hơn lư nhang. Hai bên hông Đền có 2 nhà bia khá lớn. Cảnh Đền vắng lặng trang nghiêm như một thiền viện. Ngoài cũng như trong Đền, không có hàng quán nhang đèn hay hàng quà rong.

Ngày xưa nơi đây chỉ có Miếu Vua Bà, đền Trần nằm cách xa 1000m, và là ngôi đền nhỏ thôi. Đền được chuyển về đây năm 1936. Đền nằm ngay trên mảnh đất diễn ra trận đại thắng Bạch Đằng năm 1288.

Đền kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Đền lợp ngói vảy cá, nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, góc mái vuốt cao mũi hài có hoa văn. Cảnh Đền khoảng khoát, không quá nặng về hình thức, nhưng không thấy nét cổ của một di tích theo phong cách miền Bắc như các chùa Tây Phương, chùa Thầy…

Miếu Vua Bà có từ đời nhà Trần (1288), ngay nơi bến đò ngày trước, chỗ Hưng Đạo Vương hỏi chuyện một bà hàng nước. Tương truyền rằng trong khi đi thị sát địa hình chuẩn bị bãi cọc ngầm chống giặc, Trần Hưng Đạo đi qua bến đò và trò chyện với một bà cụ bán hàng. Cụ đã nói cho ông về quy luật lên xuống của thủy triều, địa thế lòng sông, đồng thời mách ông kết hợp chiến thuật hoả công để đánh giặc. Hưng Đạo Vương áp dụng chiến thuật bãi cọc của Ngô Quyền đã đánh tan quân Thoát Hoan. Hàng trăm cọc gỗ bịt sắt cắm xuống lòng sông theo chiều xiên 45 độ ngược chiều nước ròng. Khi thủy triều lên, Trần Hưng Đạo cho những thuyền nhỏ khiêu khích chiến thuyền địch, dụ cho địch đuổi sâu vào trong sông. Thủy triều rút, quân Trần Hưng Đạo từ hai bên bờ bất thần phản công, địch hoảng sợ tháo lui, lúc ấy nước đã xuống dưới mức cọc, lòng sông tua tủa cọc nhọn như hầm chông. Trận đại chiến đã tiêu diệt 3 vạn quân Nguyên và 400 chiến thuyền. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo quay lại bến đò tìm bà cụ bán nước thì không thấy nữa. Nghĩ đến lời của bà hàng nước, ông dâng sớ xin nhà Vua phong sắc cho bà là "Vua Bà" và lập đền thờ tại đây. Miếu đã nhiều lần tôn tạo tuy nhiên khiêm nhường so với Đền.

Thăm sơ khu Đền Miếu, tôi tìm một người để hỏi bãi cọc Bạch Đằng ở đâu nhưng chẳng thấy ai. Quay lại đường cũ, qua một nhà quán ghé giải lao may gặp đúng một viên chức địa phương, tôi tìm hiểu thêm về di tích lịch sử này.

- Thưa anh, tôi là người phương xa đến, muốn tìm hiểu về di tích bãi cọc Bạch Đằng. Xin phép hỏi anh đôi điều được không ạ.

- Chú cứ hỏi, nhưng chú cũng cho biết chú người ở đâu, mục đích công việc của chú. Xem chừng chú là nhà báo?

Câu hỏi này tôi đã quá quen, và cũng là đúng nguyên tắc, nhất là người miền Bắc quen sống trong cảnh giác xưa nay. Tôi cười thân thiện giải bày cho anh biết công việc của mình.

- Thưa anh tôi không làm báo chí gì cả, chỉ vì do sở thích muốn ngao du tìm hiểu danh lam thắng tích nước nhà. Suốt một ngày hôm qua tôi đi tìm cây đa 13 gốc ở Hải Phòng. Hôm nay muốn nhìn tận mặt giòng sông nhân chứng của 3 trận đánh lớn đã làm cho quân Nam Hán, quân Tống quân Nguyên bạt hồn khiếp vía. Ấy là Bạch Đằng Giang, cũng là tên bài hát mà hồi còn nhỏ tôi đã được dạy:

Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng,
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
Trên dòng sông muôn bóng gợi trong trí ta
Biết mấy thành tích, biết mấy chiến công đã qua
Kìa quân Ngô Tiên Chúa chém giết quân sài lang
Kìa quân Trần Quốc Tuấn đập tan quân Thoát Hoan
(nhạc Lưu Hữu Phước)

Anh nhân viên tỏ ra hào hứng khi tôi dứt mấy câu hát. Anh cười:

- Chú nhớ kỹ nhỉ. Thế chú đi như vậy rồi tốn kém ai chịu?

- Thực tình nếu đi du lịch thì tiền đâu, tôi phải tự túc, anh thấy đấy, xe máy tôi chạy là loại xoàng nhất, bảng số 79 Nha Trang. Đêm đến ngủ tạm đâu cũng được không nhất thiết phải khách sạn nên cũng đỡ tốn. Cái chính là thỏa chí “tang bồng hồ thỉ” của cụ Nguyễn Công Trứ ấy mà.

211-bd6.jpg

(Chợ búa và trường học)

Anh viên chức có vẻ ngớ ngớ, tôi giật mình quay lại:

- Anh à, đây là sông bạch Đằng sao lại gọi phà Rừng? Mà có thấy rừng đâu?

- Rừng là tên thời xa xưa chú ạ. Mấy trăm năm trước chỗ chú cháu mình ngồi là sông Bạch Đằng lòng sông thời ấy có chỗ 7 đến 10 cây số. Và hai bên bờ là rừng Lim. Ấy chính nhờ gỗ Lim mà Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đã đưa quân phương Bắc vào thế trận cọc, như lạc vào hầm chông. Thế nên Rừng là tên quen thuộc của dân Quảng Ninh: Phà Rừng, Chợ Rừng, Giếng Rừng, Công ty đóng tàu Phà Rừng.

- Thế thì tôi hiểu, cũng chẳng khác gì bây giờ vẫn có người nói ga hàng Cỏ thay vì ga Hà Nội.

- Đúng thế.

- Nhưng còn tên Bạch Đằng?

- Cái này cháu không rõ lắm nhưng nghe nói ngày trước sông Rừng thường có sóng bạc đầu nên mới có tên Bạch Đằng Giang.

- À ra thế, còn bãi cọc Bạch Đằng là chỗ nào, qua phà tôi chả thấy gì?

- Bãi cọc ở phía dưới đây một đoạn thôi.

Hỏi thêm vài chi tiết, tôi chào cảm ơn anh công chức tốt bụng rồi đi tìm Bãi Cọc Bạch Đằng.

(kỳ tới: Bãi Cọc Bạch Đằng)

Trần Công Nhung
6 – 2008

(1) Trước khi cầu được “nghiệm thu” người ta phát giác có cả nghìn bù lon, ốc vít bằng thép bị tháo gỡ. Cầu cống cứ bị “rút ruột” với “nạo da” như vầy thì sáng thông chiều sập là phải. VN có lẽ là xứ sập cầu hàng đầu của thế giới.
(2) Tôi không biết có nhân vật Ngũ Lão nào khác hay Phạm Ngũ Lão. Nếu vì tiết kiệm mà viết PNL như thế e tỏ ra bất kính đối với tiền nhân.

Nhắn tin: Trần Công Trực (San Diego) Cho xin lại địa chỉ.
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 8, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.
Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale,CA 90260, phone:(310) 808-4563 Email: trancongnhung@yahoo.com, Web:www.ltcn.net.

Thư Độc Giả

Thời gian vừa qua có nhiều độc giả hỏi thăm về QHQOK tập 9, nội dung, hình ảnh, nơi chốn và đã sốt sắng xin đóng góp ngay. Trước tình cảm ưu ái như thế khiến tôi phấn chấn thêm và “hạ quyết tâm” thực hiện cho được tập sách này. Tôi đã hình dung một phần vóc dáng của quyển sách, về kích thước không khác, số lượng trang có thể cao hơn, nhưng đấy chưa phải phần quan trọng. Phần phải đầu tư nhiều tâm trí là nội dung bài viết và hình ảnh. Hình ảnh lần này hoàn toàn in bằng giấy ảnh và tác giả tự làm lấy nên chắc chắn khá hơn ảnh nhà in chụp lại. Nếu sự tính toán cho phép, số lượng phụ bản có thể nhiều hơn và sẽ là những tác phẩm chọn lọc tiêu biểu cho mọi miền quê hương. Phần nội dung sẽ được chọn lựa kỹ, đọc kỹ để giảm thiểu lỗi typing. Điểm đặc biệt nữa là lần đầu câu chuyện “Hành trình về Khâu Vai”sẽ được dành đưa vào tập QHQOK này.

“Khâu Vai” là một huyền thoại nhưng đã tồn tại như chuyện đời thường suốt dòng lịch sử của các bọâ tộc Nùng và Dáy tận vùng cao heo hút huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Khâu Vai như điểm hẹn của “Ngưu Lang Chức Nữ”, nhà thơ Võ Sa Hà đã xót xa:

Đây là chỗ được em, được khóc

Đây là chỗ dành cho nước mắt

Chỉ có một đêm thôi,

Còn lại ba trăm sáu mươi tư

Em lại mím môi cắn nước mắt cho đời…

…………………………………………………..

Chợ tình thành biển nhớ biển đau

Ai đến đây mà chẳng có một đời dang dở phía sau…

Tập QHQOK đặc biệt này là để ghi lại những ngày khó khăn nhất của người viết và cũng để dành cho độc giả và thân hữu như là tri kỷ bấy nay. Vậy xin gửi tên và địa chỉ về sớm để xếp vào trang in (khóa sổ June 30). Là một công trình phát xuất từ sự đa mê lý thú riêng, quí độc giả không phải e ngại về ấn phí, khi có sách sẽ báo quí vị, và ấn phí vẫn như những tập đã in.

Trần Công Nhung
5 - 2009

Bãi cọc Bạch Đằng

Cập nhật lúc 4:28:26 AM - 23/05/2009

BD212-h1.jpg

Bia cọc Bạch Đằng
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Từ Miếu Vua Bà xuống một đoạn không xa, có bảng chỉ: “Bãi cọc Bạch Đằng 500m”. Ngoài lộ vào xóm chừng vài trăm mét đã nhìn thấy nhiều thửa ruộng ngập nước, có bờ đê dài trước mặt, bên kia đê là con sông Chanh.


Tôi chạy xe ra tận đê, một người đàn ông đang vớt rác xốp trắng nổi lềnh bềnh trong đám ruộng bên chân đê. Tôi nhìn quanh chẳng thấy cọc cây gì cả. Người đàn ông mãi lo công việc, tôi phải gọi hỏi thăm.

- Bác ơi, bãi cọc Bạch Đằng đâu hả bác?

- Đây, trong hồ nước này. Do trời mưa nước ngập, ông nhìn kỹ thấy đầu cọc mờ mờ đấy.

Tôi đi về phía ông vớt rác, ông dùng cái vợt lưới vớt những vụn xốp (moap) trắêng phau ở góc ruộng. Đám ruộng đầy nước sao lại toàn loại rác này, tôi lấy làm lạ:

- Bác à, sao tự nhiên có loại rác này ở đây?

- À, lũ nhỏ nghịch vứt xuống ấy mà. Kia, ông đọc sự tích cọc gỗ ghi chỗ bia thì biết.

BD212-h2.jpg

(Khu vực tập trung cọc Bạch Đằng)

“Dựa vào địa thế của sông Bạch Đằng (thế kỷ XIII), lòng sông có nhiều bãi bồi và dải đá ngầm Trần Hưng Đạo đã cho đóng bãi cọc ở những vị trí hợp lý tạo thành một trận địa cọc chặn đánh đường rút của giặc
Nguyên Mông với thế trận ấy và hùng khí sát thát của quân và dân ta chỉ trong một ngày mồng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (9 – 4 – 1288) toàn bộ cánh quân giặc gồm hơn 600 thuyền chiến và hơn 4 vạn tên giặc đã bị tiêu diệt
và bắt sống cùng với tướng giặc Ô Mã Nhi. Do đắp đê sông Tranh bãi cọc hiện nay nằm trong đầm nhử thuộc xã Yên Giang huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh Bãi cọc này dài khoảng 120m rộng 30m cọc được cắm theo
hình chữ chi cách nhau từ 09m – 11m (1) nghiêng theo hướng ngược dòng sông. Trải qua một thời gian dài số cọc hiện còn khoảng 300 cái là gỗ lim táu đường kính cọc từ 15cm – 33cm”

Ngoài bia chính, còn một bia phụ ghi:

Bãi cọc Bạch Đằng
1288
Di tích Lịch Sử nhà nước đã xếp hạng

Đọc qua bia cọc Bạch Đằng, tôi có cảm giác như chuyện đùa, từ cách thức dựng bia, chữ khắc và câu văn không chấm không phẩy, thiếu trân trọng... Mộ bia của một thường dân còn được làm trên đá xanh, chữ khắc nắn nót, câu văn gẫy gọn, bia còn có hoa văn trang trí… Ở đây là bức tường xây, chữ đục cẩu thả… Một sự kiện lịch sử vĩ đại như vậy mà giao cho “văn hóa khóm phường” tùy nghi, rõ là coi thường công trạng Tổ Tiên quá đáng. Trước thực tế như vầy, du khách không còn háo hức ngưỡng mộ, hay tìm kiếm gì nữa, hình ảnh trận thủy chiến oai hùng của tướng Trần Hưng Đạo chỉ là một huyền thoại.

Tôi chờ cho lắng xuống dòng suy nghĩ rồi hỏi thêm người quản lý bãi cọc:

- Thưa bác, trong hồ này có bao nhiêu cọc?

- 60 cọc.

- Tôi nghe nói cả bãi cọc sao chỉ mỗi đám ruộng này?

- Tương lai sẽ khai quật thêm, khoanh lại thành một khu, xây hồ rộng 50 x 100m có che mái để gìn giữ. Vì chưa có mái che nên phải cho cọc chìm dưới nước để khỏi mục. Năm rồi đào thấy khẩu súng thần công mà không biết của nước nào. Vùng này ngày trước là sông Bạch Đằng, 600 chiến thuyền bị đánh chìm chắc là súng của quân Tàu.

Nghe giải thích tôi mới nhớ lần đi chùa Hương (1) người chèo đò bảo hết mùa lễ bao nhiêu đò cho chìm xuống nước để khỏi hư, chuyện cũng ít có.

- Bác vừa bảo súng thần công của Tàu, súng không có ghi chữ gì sao. Bây giờ súng ấy đâu?

- Không, các nhà khảo cổ ở Hà Nội đã về nghiên cứu nhưng không tìm được nguồn gốc cũng như niên đại của súng. Người ta cho rằng súng của quân Nguyên đã bị Hưng Đạo đánh chìm. Hiện khẩu súng được trưng bày tại bảo tàng Yên Hưng.

Theo sử liệu thì quân phương Bắc đã 3 lần đại bại ở sông Bạch Đằng, hai trận bị chiến địa cọc thời Ngô Quyền (938) và thời Trần Hưng Đạo (1288). Qua thời gian mấy trăm năm một phần sông do phù sa bồi, một phần do đắp đê lấn sông làm ruộng, nên bãi cọc bị chôn lấp. Năm 1953 trong khi đào đất đắp đê đã phát giác một số cọc, như vậy bãi cọc còn nhiều. Năm 2005 phát hiện tại cánh đồng Vạn Muối, xã Nam Hòa (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), hàng chục cây cọc trên một khu vực rộng 100 m, dài 300 m. Theo các nhà khoa học, người xưa đã dùng loại cọc đường kính 7 - 10 cm, to nhất là 20 - 22 cm, có cọc dài trên 2 m được cắm theo nhiều thế rất hiểm, thường xiên 45 độ.

Tôi nghi ngờ về những điều ông quản lý nói. Thứ gì ông cũng thuộc lòng thế thì chưa biết trúng trật ra sao. Như vậy “bãi cọc” chỉ mới phác họa, chỉ là danh xưng, hình hài kích thước như thế nào thì còn lâu.

CocDuoiNuoc_1406.jpg

(Cọc Bạch Đằng mờ mờ dưới nước – Ành ViLang/ViễnĐông)

CocTrenSongBachDang1409.jpg

Tôi cố nhìn một lần nữa đám ruộng nước và chỉ thấy mờ mờ một số đầu cọc màu đen, không thể hình dung được gì. Tôi hỏi địa chỉ nhà bảo tàng để đi tìm xem khẩu “thần công của quân Tàu”.

- Bác, nhà Bảo Tàng ở hướng nào, xa gần bác chỉ hộ.

- Ông đi về thị trấn Yên Hưng cách chừng 10 cây, bảo tàng nằm ngay ngả tư trung tâm thị trấn.

- Còn về Hạ Long bao xa nữa bác?

- 40 cây.

Tôi dự tính ghé xem khẩu súng rồi chạy về Hạ Long thăm khu du lịch Tuần Châu. Chừng 20 phút đã đến trung tâm thị trấn, bảo tàng nằm bên góc phải. Bảo tàng vắng hoe, tôi bước vào chẳng có ai chỉ nghe tiếng đàn bà cười nói nhí nhô. Tìm một lúc mới thấy hai chị đang bù khú chuyện trò tận phòng trong. Khi được hỏi, họ bảo ra gặp nhân viên phụ trách bên ngoài. Chả hiểu bên ngoài là đâu nhưng biết họ mãi lo đùa giỡn, chẳng lưu tâm đến khách nên tôi cũng không hỏi thêm. Hóa ra chị đang quét sân bên ngoài là nhân viên.

- Phiền cô cho tôi hỏi thăm.

Cô gái ngưng tay:

- Chú hỏi chuyện gì?

- Tôi nghe nói năm ngoái có tìm thấy một súng thần công của người Tàu ở bãi cọc Bạch Đằng?

- Ai bảo chú thế?

- Người quản lý bãi cọc.

Cô gái cười dễ dãi:

- Không phải đâu, súng của người Pháp khi họ vào đánh Quảng Yên bị đánh chìm đấy. Khẩu súng đặt ở kia.

BD212-h4.jpg

(Súng thần công của Pháp.)

Người thiếu nữ chỉ cho tôi khẩu súng rồi tiếp tục quét sân. Đúng là súng của Pháp, phần cuối khẩu súng thấy mờ mờ hàng chữ mẫu tự La Tinh bị sét rỉ ăn gần hết. Dạng súng na ná súng thần công ở Huế, nhỏ và dài chừng 2m thôi. Vậy mà bác giữ cọc bảo lớn hơn súng triều Nguyễn, lại súng của Tàu. Đó với đây mà đã sai chệch như vậy huống nữa qua hàng trăm năm.

Chụp vài tấm ảnh rồi tôi trực chỉ Hạ Long theo QL 10. Dự định thăm đảo Tuần Châu xong trở về thăm khu di tích Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Huyện Vĩnh Bảo sau đó về thẳng Hà Nội. Một ngày như vậy quá nhiều, song thời gian còn dành cho cả chặng đường vào Nam thì cũng hợp lý. Làm việc trong điều kiện eo hẹp mọi mặt mà có kết quả, cũng là niềm vui lớn, nếu thong dong du lịch thì ai chả làm được.

Trần Công Nhung
6 – 2008

(1) Đi chùa Hương trong QHQOK tập 3

QHQOK tập 9 sẽ phát hành trung tuần tháng 6 – 2009. Độc giả nào muốn có sách xin thông báo sớm để kịp in tên vào sách. Mời vào trang Web của tác giả để xem hình bìa và nội dung sách.

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 8, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale,CA 90260, phone: (310) 808-4563 Email:trancongnhung@yahoo.com, Web:www.ltcn.net.

Thư Độc Giả

Một độc giả ở Atlantic (NJ) khi hay tin sắp có QHQOK tập 9 đã vội gửi email cho tôi: “Trông đợi cuốn QHQOK 9 từ trước Tết Nguyên Đán, đến mãi hôm nay mới nhận được tin vui, chắùc Ông cũng hiểu tâm trạng của những độc giả như tôi mừng đến thế nào…” Tôi nghĩ đây cũng là tâm trạng chung, không phải QHQOK là cuốn sách có chứa đựng gì cao siêu bí hiểm khiến người đọc mong đợi đến như vậy, điều chính là lòng tưởng nhớ quê nhà, những ai đã nửa đời mưa nắng với quê hương, dù thành thị hay thôn quê, đồng bằng hay sơn cước, đều khắc khoải trong lòng nỗi nhớ thương dằng dặc khôn nguôi. Nhạc sĩ Nam Lộc đã chẳng thổ lộ:

“Dù thời gian có là một thoáng đa mê,
phố phường vạn ánh sao đêm,
nhưng tôi vẫn không bao giờ quên...”

Không bao giờ quên Sài gòn mưa đổ trên hè, không bao giờ quên Sài Gòn công viên lá rụng, làm sao quên được gót chân “Ngày xưa Hoàng Thị”mỗi ngày hai buổi đi về? Không, không bao giờ quên, người đọc cũng như người viết cùng chung nỗi niềm thương nhớ ấy.

Năm ngoái khi ra tập 8, tôi có ngõ lời xin “dừng bước giang hồ”, bởi công việc cũng như đời sống ngày càng khó khăn. Nhưng vừa mới có ý, độc giả Linh Tu (Lancaster) đã la lên “Please don’t quit”( Ông ơi ông đừng bỏ cuộc). Tôi đành vui vẻ lên đường, và, năm nay mãi đến tháng 2 rồi mà vẫn chưa có kế hoạch cho tập sách tiếp theo. Đa số bạn đọc thấy “đã đến hẹn, sao không lên” nên hỏi han thúc giục…. “Đốn thì phải vác”, xưa nay lệ làng là thế, chỉ còn cách sắm sửa mọi thứ để tự làm, và nếu làm được cũng phải qua đầu thu mới có sách. Nghĩ đến sự mong chờ của độc giả lòng tôi thật sự không yên, càng tính càng thấy khó. Cuối cùng đành liều tỉ tê với nhà in giúp một tay. Không ngờ mọi chuyện ổn thỏa nhanh chóng, tôi làm ngay bìa sách, một buổi đã xong, tôi không nghĩ mình làm được nhanh như vậy. Hóa ra trong khi sảng khoái con người thường mau chóng tìm ra phương cách thích ứng cho công việc của mình. Đối với nhà chuyên nghiệp đó là chuyện nhỏ, với tôi là một thành công, một phần thưởng. Tôi rất hài lòng bìa sách năm nay. Độc giả có thể vào trang Web: ltcn.net để xem mặt bìa QHQOK tập 9 và những đoạn trích phần nội dung.

Như vậy hy vọng trung tuần tháng 6 sẽ có quà quê hương cho bạn đọc...

Tôi cố sao tập QHQOK năm nay giảm thiểu tối đa về lỗi typing cũng như font chữ. Những sai lầm nhỏ nhặt tuy không quan trọng nhưng nó làm cho cuốn sách kém phần mỹ quan. Ưu tiên chuyện “Hành trình về Khâu Vai”sẽ được dành đưa vào tập QHQOK này.

QHQOK 9 đánh dấu sự cố gắng của người viết lúc kính tế khó khăn và cũng là tập lưu niệm về lòng ưu ái của bạn đọc cùng thân hữu dành cho tác giả lâu nay. Mong nhận được danh tánh sớm để xếp vào trang in (trước là 30-6, nay 29-5-2009), và xin cho địa chỉ chính xác để gửi sách.

Trân trọng

Trần Công Nhung
5 - 2009

Nhắn tin: Anh Trần (Nguyễn) Công Trực (San Diego), Thẩm Trần Khiêm (OC): xin cho lại địa chỉ. Anh Hoàng Trung Cao (Maywood), Phạm Giỏi (MI): Cảm ơn, đã nhận thư, đã gửi sách.

***************************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment