Thursday 3 December 2009

Côn Sơn Kiếp Bạc



Cập nhật lúc 3:59:00 AM - 07/06/2009
215-h1.jpg

(Chùa Côn Sơn)

Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Trước khi đi Côn Sơn, tôi ghé thăm Đông Đô Quảng Hội (1). Đông Đô Quảng Hội là Hội của thương gia người Hoa đến buôn bán ở phố Hiến từ thuở ban đầu (thế kỷ XVI).


Trụ sở Quảng Hội phía trên chùa Lễ chừng hơn trăm mét. Nếu không bước vào trong thì không thể biết nơi đây là Đền thờ Bang Hội người Tàu có lâu đời nhất ở xứ mình.

Sau ngạch cửa, một cô bé đang sàng sảy gạo. Qua khoảnh sân hẹp là vào khu đền thờ, một ngôi nhà cổ, một gian hai chái, cửa bàn khoa đóng kín. Dường như không mấy du khách đến đây. Tôi đứng đợi một lúc, chờ em bé sàng gạo đi gọi người. Một người đàn ông đứng tuổi vui vẻ tiếp tôi.

- Thưa ông, theo chỗ tôi biết, Đông Đô Quảng Hội có từ thời Phố Hiến phồn thịnh?

- Vâng, do 14 giòng họ người Hoa chung tiền thành lập.

Vừa nói ông ta vừa đi về phía có bia đá gắn trên vách:

- Bia này khắc tên 14 họ người Hoa, họ nào đóng nhiều tiền nhất được khắc trên cùng.

- Thưa những đồ tế tự trong Đền là nguyên thủy hay sắm sau này?

- Có thể nói là hầu hết còn nguyên. Sở dĩ được như thế là do đền thờ của tư gia và không có tính cách mê tín. Chủ yếu thờ Tam Hoàng: Công Nghệ (Hoàng Đế), Nông Nghiệp (Thần Nông) và Y Dược (Phục Hy), cho nên qua nhiều cuộc thay đổi cải cách, Đền không bị đập phá như nhiều đình chùa khác.

Ông xoay qua chỉ cho tôi bộ ngũ sự đúc bằng thiếc pha kẽm, kỹ thuật tinh vi và nguyên vẹn đến ngày nay. Chiếc đèn măng sông treo là một cổ vật mà người Tây rất quí. Ông nói:

- Chiếc đèn này, cách nay (2003) mấy năm, có vợ chồng người Pháp đến xem và họ cho biết đây là cây đèn được làm ở Đức vào năm 1598. Có lẽ sau đó, đến thế kỷ 17 thương nhân người Âu đến Phố Hiến và tặng cho Quảng Hội.

- Còn hai bên là bàn thờ...

- Bên trái thờ Thổ Địa, bên phải thờ ông Lê Đinh Kiên.

Nghe thấy lạ tôi hỏi:

- Thổ Địa thì tôi hiểu, nhưng còn Lê Đình Kiên là thế nào?

- Ông này là Quan Trấn Ải ở đây khi Phố Hiến còn đang thịnh. Ông người xã Định Tường, huyên Kiên Ninh, tỉnh Thanh Hóa ra làm quan dưới thời Lê Trung Hưng, lúc ông qua đời được nhà Lê phong chức Thái Bảo (như Đại Tướng bây giờ). Quan Trấn Ải thời bấy giờ quyền hành và trách nhiệm rất lớn, quán xuyến mọi việc chứ không như nhiều ban bệ như bây giờ. Ông giúp mở rộng việc buôn bán ở Phố Hiến, cho nên thuyền nhân Trung Hoa đến làm ăn phát đạt, thương điếm ngày một nhiều, do đó khi ông chết, người ta lập đền thờ khắc bia để ghi nhớ công ơn .

Câu chuyện một vị quan cách xa mấy trăm năm làm cho tôi vô cùng cảm kích. Quan thời “phong kiến” như thế dễ gì tìm thấy bây giờ. Nắng đã lên cao, cúng Đền một ít tiền rồi thầy trò tôi lên đường đi Hải Dương.

Thay vì trở ra đường Cao Tốc 5 tôi lại nghe mấy bà già chỉ cho đường đi tắt, tức đường cũ, tưởng nhanh hơn, hóa ra quá vất vả và xa ơi là xa. Cũng có chỗ đường nhựa bằng phẳng, trồng bạch đàn hai bên, con đường trở nên mát mẻ và thơ mộng tuyệt vời. Có đoạn băng qua cánh đồng mênh mông như trong Nam. Quá 12 giờ chúng tôi vào thị xã Hải Dương, cơm nước nghỉ ngơi một lúc lại tiếp tục. Côn Sơn không còn xa, nhưng không đi đường tắt nữa, chúng tôi ra cao tốc 5 chạy về Sao Đỏ rẽ phải là có chỉ dẫn vào Côn Sơn. Từ Sao Đỏ vào, thoạt trông, tôi có cảm tưởng trước mặt là những đồi thông Đà Lạt xanh mát. Dưới chân đồi, một hồ nước mênh mông đang được tái tạo, tất cả khu vực Côn Sơn nằm trong quy hoạch khu du lịch theo qui mô lớn. Chùa Côn Sơn ẩn trong rừng thông, đã lên đồi mà tôi chưa nhận ra chùa nằm hướng nào. Một vài nhóm khách đi lên một ngôi đền mới xây phía núi, có nhóm ngược lại đi qua một cửa thành nhỏ. Một tốp nam nữ quây quần bên bàn bán vé dưới gốc thơng. Tôi hỏi một em:

- Vào chùa theo lối nào cháu?

- Bác đi lối này.

- Còn trên kia?

- Dạ, Đền Nguyễn Trãi.

215-h3.jpg

(Đền Nguyễn Trãi)

Chùa Côn Sơn có tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”. Tương truyền ngày trước, nơi này hun gỗ làm than nên Đinh Bộ Lĩnh đã sử dụng hỏa công để dẹp loạn Thập Nhị Sứ Quân. Vì vậy trong dân gian chùa Côn Sơn còn có tên là chùa Hun. Côn Sơn được xem là địa linh nhân kiệt, nơi đã tạo ra nhiều bậc tài danh về Đạo cũng như đời: Thiền Sư Huyền Quang, anh hùng Nguyễn Trãi, đã để lại những trang sử sáng ngời.

Ai cũng biết đạo Phật vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu của Công Nguyên nhưng mãi đến đời Trần mới có phái Thiền do chính người Việt sáng lập và làm Tổ: Thiền Trúc Lâm (2). Ngài Huyền Quang vị Tổ thứ ba của phái Thiền Trúc Lâm, tu ở Côn Sơn và viên tịch tại đây. Nguyên thủy (1304) chùa Côn Sơn được xây dựng trên qui mô nguy nga lộng lẫy, 83 gian, 385 pho tượng, nhưng hầu hết bị hư hại qua thời gian. Đến thế kỷ XVII chùa được trùng tu và trong những năm gần đây. Tam quan chùa Côn Sơn được tái tạo (1995) theo kiểu vọng lâu 2 tầng 8 mái với các họa tiết hoa lá cách điệu mang nét nghệ thuật kiến trúc đời Lê. Trong khoảng sân khá rộng có 4 nhà bia, đặc biệt là bia “Thanh Hư Động” với nét chữ của vua Trần Duệ Tông (1377). Mấy gốc hoa Đại đã 700 năm mà vẫn sum suê. Hoa Đại không phải thân mộc nhưng tuổi thọ cao, có lẽ do vậy mà đình chùa thường trồng.

215-h2.jpg

(Cây Đại 700 năm)

Chùa kiến trúc theo lối chữ công: Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện. Thượng Điện thờ Phật, có bức tượng cao 3m từ thời Lê. Sau chùa có nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, tượng ông bà Trần Nguyên Đán (ông Ngoại Nguyễn Trãi) tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị lộ. Côn Sơn còn có Bàn Cờ Tiên (lên 600 bậc đá), có Thạch Bàn uốn lượn, có suối, cảnh đẹp nên thơ.

Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

(Nguyễn Trãi)

Trần Nguyên Đán, một nhà thơ lớn, là quan Đại Tư Đồ cuối đời Trần, về đây dựng Thanh Hư Động để nghỉ ngơi. Chính ông đã gieo chí lớn cho cháu ngoại là Nguyễn Trãi tại nơi này. Theo ông ngoại từ bé, Nguyễn Trãi đã thấm đượm khí tiết đất Côn Sơn để trở thành nhân vật tài ba lỗi lạc về văn hóa, kính tế, chính trị... Nhưng rồi “cây ngay bị chặt trước”, chính bọn gian thần nhà Lê đã tìm cách hại giòng dõi Nguyễn Trãi bằng vụ án Lệ Chi Viên, ngày 19 – 9 – 1442. Nguyễn Trãi và gia tộc bị xử trảm. Đến thời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi mới được minh oan và triều đình khôi phục lại sự nghiệp cho ông, tôn vinh ông như một anh hùng của đất nước.

Tôi quay ra lên đền Nguyễn Trãi. Đền mới xây dựng, còn một vài phần phụ chưa hoàn tất, như cầu đi qua Đền, nhưng nhìn chung, tổng thể kiến trúc thật đồ sộ nguy nga lại thể hiện sâu đậm nét cổ kính làm cho khu di tích vốn nổi tiếng xưa nay trở thành khu du lịch rất hấp dẫn. Chưa có một nhân vật lịch sử nào mà được hậu thế nể trọng tôn thờ như Nguyễn Trãi. Khu Lưu Niệm Đại Thi Hào Nguyễn Du rộng lớn mà không nguy nghiêm hoành tráng bằng.

Vào khu vực Đền, trước tiên qua cổng bỏ ngõ, 4 trụ cao như tứ trụ Quốc Tử Giám, sau đó qua một cầu vồng bề thế kiểu cổ thành, cuối cùng lên mười mấy bậc tam cấp để qua Tam Quan.

Cổng Tam Quan cũng hết sức đặc biệt, rộng mấy chục mét, ngoài cùng, hai trụ nghê chầu, rồi hai cửa phụ, cửa chính ba gian ba lối đi, theo vọng lâu hai tầng tám mái mũi hài. Lên nữa là đền thờ, gồm có dãy nhà thờ dài nằêm ngang, hai bên có tả, hữu vu. Toàn bộ khu Đền thật uy nghiêm, xứng đáng với một bậc tài danh như Nguyễn Trãi

Tôi bồi hồi xúc động khi bước qua cầu lên Đền. Xúc động về một công trình ghi ơn vị anh hùng dân tộc, một nhân vật có một không hai trong lịch sử. Một con người đem cả đời mình để bảo vệ lẽ thật - Tuy muộn màng mà cần thiết vô cùng, đây là tấm gương sáng cho con cháu đời sau.

“Nỗi lòng vì nhân dân, một mình cứ lo trước thiên hạ.
Sống lâu chết non hay làm tôi đòi đều không sá kể"

(Ức Trai Thi Tập)

Có lẽ do say nắng, gười bạn đồng hành mệt nằm mê trên chiếc võng của bà hàng nước trước chùa Côn Sơn. Tôi nhờ bà quán nhắn lại rồi lấy xe chạy đi Kiếp Bạc cách Côn Sơn 8km.

Từ đồi Côn Sơn ra đường cái, đường trồng thông hai bên, những cây thông già hằng trăm năm thẳng tắp, cao vút. Nắng chiều vẫn còn gắt, tôi mặc may-ô, mang ba lô chạy xe qua những xóm nhà thưa thớt. Lên đồi xuống đồi, thỉnh thoảng, một vài người đang phơi lúa trên đường, họ tò mò nhìn và nghĩ rằng tôi là một tên Tây ba-lô nào đó. Chừng 20 phút xe bắt đàu xuống dốc, trước mặt đã thấy tam quan Kiếp Bạc. Tam quan ba cửa bỏ ngõ, giống như cổng thành, có lưỡng long triều nhật, cũng có hai trụ nghê chầu nhưng hoàn toàn không giống tam quan thường thấy ở các tự viện xưa nay.

215-h4.jpg

(Tam quan đền Kiếp Bạc)

Trong Tam Quan là khu Đền rộng, gồm có nhà Bạc giữa sân, nơi trình lễ trước khi vào Đền chính. Hai bên có nhà nghỉ ngơi soạn lễ, chỉnh đốn khăn chầu áo ngự trước khi làm lễ. Sân Đền còn có Giếng Rồng, tương truyền nước giếng linh diệu giúp cho thủy tướng Yết Kiêu thêm tài trí dũng mãnh giệt giặc.

215-h5.jpg

(Giếng Rồng)

Đền chính có nhà Tiền Tế (lễ bái) Trung Từ thờ 4 người con trai của Trần Hưng Đạo, Hậu Cung có 4 bàn thờ: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, vợ và con gái Hưng Đạo Vương. Đồ thờ còn giữ nguyên hoành phi câu đối, long xà, bát điểu, sắc phong của các triều đại, vô cùng uy linh.

Đã học sử, không ai còn lạ gì Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng tài ba lỗi lạc đã 3 lần đẩy lui quân Nguyên Mông. Những trận chiến rạng ngời trong sử sách:

Chương Dương, Vạn Kiếp, Hàm Tử, Bạch Đằng... mỗi khi nghe, ai không tự hào? Một câu nói khẳng khái lưu danh muôn thuở của Hưng Đạo Vương: “Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước rồi hãy hàng” (tâu với vua Trần Nhân Tông).

Đền Kiếp Bạc được dựng từ đời Trần Thánh Tông (thế kỷ 13), nhưng cũng như bao công trình kiến trúc lịch sử khác, Kiếp Bạc đã bị hư hại do thiên tai, thời cuộc, toàn bộ được trùng tu vào thế kỷ 19 và 20.

Trước Đền có sông Thương, sau Đền có núi Rồng, Kiếp Bạc nằm vào địa thế khoảng khoát, nhưng vì không có qui hoạch tổng thể, nhà cửa xây cất lộn xộn án mất nét đẹp mặt tiền khu Đền. Hàng năm lễ hội mở vào ngày 18 - 20 tháng Tám ta.

Một ngày từ Phố Hiến qua Côn Sơn, Kiếp Bạc rồi về lại Hà Nội có vất vả nhưng hình ảnh được tập trung ghi gọn một vòng thăm quê hương.

Trần Công Nhung
Tháng 4 – 2003

(1) Đọc Phố Hiến ngày xưa đăng kỳ trước.
(2) Hiện nay (2009) Phái Thiền Trúc lâm do Hòa Thượng Thích Thanh Từ chủ xướng đã có nhiều thiền viện: Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Tây Thiên…

Tin nhắn: Anh Trực (San Diego đã trả tiền sách từ năm ngoái) cho lại địa chỉ để gửi sách. QHQOK tập 9 đang in, ấn phí như thường lệ ($23 gồm shipping). Độc giả có thể liên lạc theo địa chỉ bên dưới để order.

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 8, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.

Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254, Lawndale, CA 90260, phone: (310) 808-4563 - Email: trancongnhung@yahoo.com, Web:www.ltcn.net.

Thư Độc Giả:

Thưa quí độc giả và thân hữu.

Từ mấy tháng qua thực tình tôi trăn trở ngày đêm về tập Quê Hương Qua Ống Kính 9. Lệ thường là trước Tết sách ra, sau Tết lên đường, nhưng lần này mọi chuyện đều khựng lại, và chính tôi cũng có tâm lý buông xuôi cho thời gian trôi đi. Nhưng, bạn đọc thì không quên và càng lúc tôi như bị thúc vào lưng, “phải đi tới”. Một độc giả ở NJ, anh Larry khi hay tin QHQOK 9 chuẩn bị “lên giàn phóng” đã vội vàng điện thư khích lệ chân tình: “Trông đợi cuốn QHQOK 9 từ trước Tết Nguyên Đán, mãi hôm nay mới nhận được tin vui, chắc ông cũng hiểu tâm trạng những độc giả như tôi mừng đến thế nào…”. Quả thực in một cuốn sách chẳng to tát gì, nhưng chuyện dù nhỏ nhặt, không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với hết thảy mọi người.

Trong khi tìm một phương thức để vượt qua, tôi càng thấy rõ sự bất lực của mình, mình không tài nào cáng đáng hết mọi việc, nhưng nhờ có cái khó mà người trong cuộc buộc phải vận dụng mọi phương tiện, cố gắng tối đa, tìm con đường thoát.

Sau mấy tuần lễ cắm cúi chỉnh sửa hình, dàn bài viết lên trang in (lay out) và bao nhiêu thứ linh tinh khác, làm cho người viết đôi lúc muốn buông xuôi.

“Việc gì phải đến, đã đến”, cuối cùng thì QHQOK tập 9 cũng được hoàn tất từ hình thức đến nội dung trên bản mẫu. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong người.

Một vài độc giả còn góp ý khi xem hình bìa trên website, quả thật có nhiều lý thú, nhờ đó tôi làm việc không hề mệt mỏi.

Hy vọng quí vị sẽ hài lòng khi nhận ra những đặc sắc của cuốn sách: Nội dung bài viết và hình ảnh, tác giả chọn lọc hết sức kỹ, đọc nhuyễn tối đa, mong không còn những hạt sạn làm quí vị khó chịu trong lúc thưởng thức món ăn tinh thần này.

Trân trọng.
Trần Công Nhung
6 - 2009

************************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment