November 28, 2008
Xin cho biết quý danh -Kỳ 3
Diệu Tần - Việt Tribune
Một tư liệu đặc biệt về Hai bà Trưng
Riêng nữ vương đầu tiên và nữ anh thư lịch sử đầu tiên chống xâm lăng Trung Hoa là Hai Bà Trưng vào thế kỷ thứ I, cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ tại sao Hai Bà lại mang họ Trưng. Theo tác giả Hoàng văn Hội và nhà biên khảo Minh Văn (đã quá cố) thì tên Trưng Trắc phải viết là Chắc.
Minh Văn là người thông Anh ngữ và Hán ngữ đã nhiều lần từ Mỹ về Việt Nam, lặn lội vùng quê Hai Bà Trưng và cũng là quê hương của Minh Văn, đi thăm các đền miếu vùng SơnTây, Phú Thọ, đọc các gia phả, tộc phả, thần phả ở các miếu đền địa phương, các hoành phi, đối liễn, ông có rất nhiều tư liệu, hình ảnh, băng ghi âm liên hệ đến vua Trưng. Ông ghi chép là Thi Sách họ Dương, quê làng Nại Xá Châu, huyện Đan Phượng, làm huyện lệnh huyện Châu Diên. Cha của bà Trưng Chắc là một Lạc tướng tên Hùng Định và mẹ là bà Men / Man Thiện hay Mèn Lành Trần Thị Đoan, quê làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc . Ông bà có ba người con: Trưng Chắc, Trưng Nhì và Ún Ba em trai út, gọi là ông Hoàng Ba, là một dũng tướng của hai bà chị, phải gọi chệch đi là Hoàng Bơ, đến nay vẫn được thờ cúng..
Minh Văn còn có ý nói đến văn minh Mường-Việt thời đó. Một số bộ tướng cuả hai bà là phụ nữ gọi là Nàng, tên Ún Ba, họ Trưng, tên nôm mẹ là Man / Men, Mả Dạ là mộ bà Trần Thị Đoan có lẽ là tiếng Mường -Việt,vì dạ là bà già tiếng Việt cổ thế kỷ đầu Tây Lịch. Minh Văn còn ghi rằng Ông Dương Thi Sách và bà Trưng Chắc lấy nhau được 8 năm đã có một hoàng tử, tuy bà Trưng Chắc tử trận năm mới 29 tuổi. Chứng cớ là theo thần phả của đền Lim, Bắc Ninh có thờ ba vị thần, trong đó có thần Sùng Lộc đại vương là cháu 6 đời của huyện lệnh Hùng Định và vua bà Trưng Chắc. Những chi tiết này chưa được các sử gia trong và ngoài nước chính thức công nhận. Theo Minh Văn, tuy là một ông Hùng Định là Lạc tướng vùng Lĩnh Nam nhưng trong trang trại ngoài việc luận bàn kế hoạch khởi nghĩa, tập luyện võ nghệ, vẫn trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Nghề tằm tang thì phải có trứng con ngài nở ra con tằm, tằm làm kén, kéo kén thành sợi thì có kén tốt dày, chắc, kén loại nhì mỏng, lép hơn nên gọi hai con gái là Chắc và Nhì, như thế lý ra nếu theo phụ hệ thì hai bà phải mang họ Hùng, nếu theo mẫu hệ phải theo họ Trần?
Ngoài ra chúng ta vẫn quen gọi một nữ thi sĩ là bà Huyện Thanh Quan vì chồng bà là tri huyện Thanh Quan tỉnh Thái Bình. Sau này mới ghi rõ tên thật của bà là khuê danh Nguyễn Thị Hinh. Trước đây gọi theo lối Hán-Việt, nữ tướng họ Triệu là Triệu Ẩu. Thì ra Ẩu không phải là tên, chỉ có nghĩa là cô gái trẻ, cô gái trẻ họ Triệu. Tên thật của bà là Triệu Thị Trinh, không rõ vì kiêng kỵ, hay bắt chước Tàu chỉ vắn tắt gọi sai đi là Triệu Ẩu.
Nói thêm về dòng họ Nguyễn Phúc / Phước
Dòng họ Nguyễn khởi phát từ chánh quán làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ khi tự chủ, họ Nguyễn đã giữ nhiều quyền cao chức trọng từ các đời Đinh, Lê, Lý Trần, Lê. Chỉ đến đời chuá Nguyễn Phúc Nguyên mới có tên đệm là Phúc, do chuyện bà vợ Nguyễn Hoàng có thai nằm mộng thấy chữ Phúc rất lớn. Bà kể lại cho chúa Nguyễn Hoàng nghe và muốn đặt tên con là sắp sinh là Nguyễn Văn Phúc. Chuá Tiên lại muốn chữ Phúc đó nên để cho cả dòng họ hưởng và dặt tên cho Chúa Sãi sau này là Nguyễn Phúc Nguyên, có nghĩa là người khởi đầu được hưởng phúc.
Theo các tộc phả và tài liệu về dòng họ Nguyễn Phúc / Phước thì Chánh hệ tính từ vua Gia Long, còn Tiên hệ / Tiên biên tính từ đời Chuá Nguyễn Kim. Vua Minh Mạng làm 11 bài thơ, một là bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi. Từ đó con cháu cứ theo thứ tự bài thơ để đặt tên lót hay tên đệm (xem bài 1). Bên phái nữ lấy chung là Tôn Nữ, không phân biệt Tiền hệ hay Chánh hệ.
Mỗi bài có bốn câu năm chữ là 20 chữ. Nếu không có biến cố nào xảy ra thì ước vọng của Minh Mạng triều Nguyễn Gia Miêu sẽ truyền 20 đời, mỗi đời chỉ tạm tính 20 năm, nhà Nguyễn sẽ trị vì nước Việt Nam 400 năm. Nhưng chỉ hết câu thơ thứ nhất, đến tên lót Vĩnh, vua Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy là đã chấm dứt. Không kể chin đời Chuá, có 12 đời vua cũng đã kéo dài được 143 năm. Mỗi chữ trong một bài thơ đều mang những ước vọng lâu bền thịnh trị. Đây là bài Phiên hệ thi thứ nhất:
Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Hàm Tốn Thuận
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.
Đúng ra các ông lấy nguyên họ Nguyễn Phúc thì phải là Nguyễn Phúc Cường Để, Nguyễn Tráng Đinh, nhưng các ông ưa bỏ chữ Nguyễn chỉ bắt đầu bằng tên lót thôi. Như thế không có họ Cường, họ Tráng, họ Liên. Đây là chi trưởng Nguyễn Phúc Cảnh (Hoàng Thái tử Cảnh), do đó có tên các ông Cường Để, Tráng Đinh, Liên Thành. Bên Đế thi cũng vậy. Không có họ Miên, Hồng Ưng, Bửu
Những hậu duệ các dòng thuộc Tiền hệ lấy họ là Tôn Thất. Tôn Thất là họ cuả một dòng vua, có tôn thất nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, Tôn Thất không phải họ riêng của nhà Nguyễn Gia Miêu. Theo ông Tôn Thất Tuệ cho biết, vì qua Canada nên cháu gái của ông đã lấy họ Tôn Thất, cho tiện lý lịch, hành chính, không lấy họ theo thứ tự nữ phái là Tôn Nữ nữa.
Tại sao có những chi không giữ nguyên họ Nguyễn Phúc, lại chọn họ Tôn Thất và chọn chữ trong Đế hệ thi và Phiên hệ thi? Cũng theo ông Tuệ giải thích: Vì e có lẫn lộn họ với hoàng tộc nhà Nguyễn. Thí dụ như có ông mang tên Nguyễn Cường Đông, sẽ có người lẫn với hoàng thân Cường Để. Các họ Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh,… hoặc Cường, Tráng, Liên, Tôn Nữ, Công Tôn Nữ,… đã nằm trong hồ sơ, hộ tịch, lý lịch rồi khó thay đổi, tuy rằng đế nghiệp Nguyễn Phúc đã chấm dứt từ năm 1945 rồi
Mệ hay Mụ?
Đàn ông, đàn bà thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn được gọi bằng Mệ hay mụ, theo tác giả Trần Trọng Phúc là do chữ Mệ Nang theo phát âm Trung Hoa đọc tên Mỵ Nương (con gái lạc hầu, lạc tướng). Theo giải thích khác là do chữ Mỗ = Ta, Tôi, nói theo giọng Huế chuyển thành Mộ, rồi thành Mụ. Nguồn tin khác rằng vì chuyện kiêng cữ nói là chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có nhiều con trai nhưng không nuôi được, đã dùng cách gọi theo con gái cho dễ nuôi, vì thế mới có lối xưng hô “Mệ”; “Mụ” thay vì gọi là “cậu”?
Có nhiều chi họ Nguyễn
Họ Nguyễn chiếm đại đa số, tuy nhiên cũng có nhiều chi khác nhau:
Nguyễn Bá; Nguyễn Cảnh; Nguyễn Cao; Nguyễn Công; Nguyễn Cửu;
Nguyễn Chế; Nguyễn Chí; Nguyễn Đình; Nguyễn Đức; Nguyễn Hữu; Nguyễn Khắc; Nguyễn Mậu; Nguyễn Minh; Nguyễn Ngọc; Nguyễn Phúc / Phước;
Nguyễn Quốc; Nguyễn Tiến/ Tấn; Nguyễn Thái; Nguyễn Thành; Nguyễn Thế;
Nguyễn Thiện; Nguyễn Thuận; Nguyễn Tư; Nguyễn Tường; Nguyễn Trọng;
Nguyễn Văn; Nguyễn Xuân.
Những họ đông người có một số cũng mang tên đệm như trên.
Những họ lớn, goị là các họ thế gia vọng tộc, vì có nhiều người làm quan to, chức vụ cao, khoa bảng, có công lao hoặc nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau: Miền bắc có:
Cung Đình, Hoàng Cao, Dương Hồng, Đặng Trần, Đàm Quang; Miền trung có:
Nguyễn Khoa, Thân Trọng, Hồ Đắc, Trần Tiễn, Nguyễn Tri; Miền nam có: Trương, Huỳnh, Phan, Võ, Đỗ.
Cách xưng tụng, tôn vinh
Đối các vị Thần, Thánh, Chúa tôn giáo chúng ta có chữ ĐỨC, ý nói người có đạo đức, có danh vọng về đức hạnh, để trước như: Đức Chuá, Đức Ông, Đức Mẫu, Đức Bà, Đức Mẹ, Đức Thầy, Đức Thánh Trần. Các vị tu hành cao trọng, ta cũng gọi: Đức Giáo Hoàng, Đức Cha, Đức Tăng Thống; Đức Hồng Y.
Người đứng đầu quốc gia được gọi: Đức Quốc trưởng, Ông Ngô Đình Diệm gọi là Ngô Tổng Thống. Không thấy báo chí gọi ông Nguyễn Văn Thiệu là Nguyễn Tổng Thống, ông Dương Văn Minh là Dương Quốc Trưởng. Cách xưng tụng này tương tự như bên Trung Hoa dùng: Tưởng Thống chế, Tưởng Tổng tài để chỉ Tưởng Giới Thạch. Vua nói với thần dân tự xưng là Quả nhân, xưa hơn xưng là Cô (cô đơn); Đứng đầu bên đạo Cao Đài, Hộ Pháp Phạm Công Tắc xưng khiêm nhường là Bần đạo (trong sách vở, tiểu thuyết các vị sư xưng là bần tăng có nghĩa là một nhà sư nghèo hèn)
Những cách gọi tên khác
Chúng ta cũng gọi người bạn bằng cách thân mật hoặc nhắc đến người vắng mặt bằng tên thân mật, tên lóng. Thí dụ đàn ông, trai trẻ: Hai Sùi, Ba Sói, Tư mắt kiếng, Bảy Râu, Tám Cận và dính theo tên những tính từ: Thối, lé, Điếc, Lùn, Gù…
Đàn bà con gái thì: Hai Ú, Ba Điệu, Tư Nhè, Năm Mơ, Sáu Lẳng, Bảy Mờ…
Lối gọi tên này còn là để phân biệt giữa hai, ba người trùng tên.
Các chức sắc thời xưa cấp tổng, xã cũng được tôn trọng. Bao giờ cũng được gọi tên có chức vụ phiá trước như: ông Tổng Mỗ, Ông Xã xoài. Lý trưởng đang thời thì gọi là Lý Đương (thời), gọi tắt, không kèm theo tên, rồi cụ Ba Hộ Mít, Bác Nhiêu Cam, chú Trương tuần Quýt. Trong Nam thì ông Hương Chủ, ông Hương Quản… Bây giờ thì có ông Trưởng, ông Phó,… Chỉ tội cho người nghèo không có tiền mua nhiêu bị gọi bằng Bố Cu, vợ bạch đinh bị gọi là Mẹ Đĩ. Theo đời sống thời đại mới, nhưng kiêng kỵ và cách xưng hô cũng đã giản tiện đi nhiều.
Lệ Xướng Danh và lễ Vấn Danh.
Thời Hán học các cụ có lệ Xướng Danh cũng là một nghi thức văn hoá dành cho các tân khoa thi đậu. Lệ này có trước lệ vinh quy bái tổ, do đời nhà Lê đặt ra năm 1466, Ngoài cách yết bảng đậu, các quan trong ban giám khảo cho dựng một chòi cao và gọi loa xướng danh người đậu Phó Bảng (đời nhà Nguyễn). Các tân tiến sĩ đệ nhất, đệ nhị và đệ tam giáp được gọi là truyền lô, đọc tên, ngày tháng năm sinh, quê quán cho sĩ tử và công chúng nghe. Các ông tiến sĩ này được dự đại yến và tên được khắc vào bia đá. Các ông được ban mũ áo và thay áo đội mũ để lạy tạ các quan giám khảo, sau đó vào Văn Miếu làm lễ tạ ơn tiền nhân, sau đó mới về quê, ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. (Phó Bảng đời Nguyễn không được dự yến và không được khắc tên vào bia đá.)
Theo tục lệ cưới hỏi thời xưa bày ra nhiều lễ nghi dựng vợ gả chồng. Trong đó có lễ vấn danh và vài lễ khác, rồi mới lễ thành hôn chính thức. Sự thực thì hai bên đàng trai đàng gái đã biết rõ tên tuổi cô dâu chú rể cũng như đã biết các chi tiết cần biết khác qua tiếp xúc và qua mai mối rồi. Đây chỉ là những hình thức bày ra để cô dâu chú rể thấy tầm quan trọng trong cuộc sống chung cho được lâu bền. (DT)
***************
No comments:
Post a Comment