Sunday 31 October 2010

Hổ Quyền


Hổ Quyền
Cập nhật lúc 7:01:57 PM - 29/10/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

w-h4-289.jpg

Hổ.


Luật cạnh tranh trong cuộc sống hàng ngày là yếu tố kích thích đẩy mạnh mọi mặt cho sự sinh tồn của con người, của xã hội, của đất nước. Tâm lý và kỹ năng thể chất phải được nhào nặn từ thuở ban đầu. Giáo dục là khuôn đúc mẫu người cho mỗi thời đại. Nhìn vào lịch sử phát triển xã hội Việt Nam mấy thế kỷ qua, chúng ta thấy rõ điều này.
Thời phong kiến, nền tảng đạo đức, giá trị con người, trật tự xã hội, được xây dựng trên ý niệm: Quân - Sư - Phụ. Thời quân chủ, Vua là trên hết. Tiêu biểu là các Vua triều Nguyễn, hiện trạng còn lại các lăng tẩm đền miếu là chứng tích. Trên thế giới không nước nào bôi bác xuyên tạc lịch sử của đất nước mình, không ai phá bỏ di tích công trạng của tổ tiên mình, trái lại, mọi di sản được tô bồi gìn giữ như báu vật. Đó chính là niềm tự hào của xứ sở họ: Cambodia có Đế Thiên Đế Thích, Thái Lan có Hoàng Cung, chùa Vàng... Du khách không nghe họ nói về những chiến công oanh liệt, không thấy những bảo tàng “chém giết”. Xa hơn như các nước châu Âu, châu Mỹ, người dân trân quí những di tích lịch sử, nhà nước (của dân) phải có trách nhiệm chăm nom, chứ không vì ganh tị hay nhân danh “thần thánh” mà đập phá.

w-h1-289.jpg

Hình ảnh triều đình xưa.

Việt Nam trải qua nhiều trăm năm chiến tranh do ngoại xâm và nội chiến, lòng người chồng chất oán thù, giết người sống, đào mồ người chết (Nguyễn Thân/ Phan Đình Phùng), không còn phân biệt phải trái tình thân. Di tích lịch sử trở thành nạn nhân, bị hủy hoại không ít, hoặc dùng làm nhà kho, phòng ngủ (1), làm giá treo móc cái mới hôm nay, du khách không khỏi chê cười nền văn hóa xứ mình. Cho đến một ngày nhìn ra xứ người, mới tỉnh ngộ lo tô bồi tôn tạo di sản của cha ông (2). Đó là điều đáng mừng, chậm còn hơn không.
Di sản quốc gia lớn nhất ngày nay là khu di tích cố đô Huế. Đại Nội và ngoại thành biết bao nhiêu hạng mục phải chịu một thời xơ xác, trong số có hai nơi ít nghe nhắc nhở, ít thấy trong danh bạ các tours du lịch: Hổ Quyền và Điện Voi Ré.
Hổ Quyền tọa lạc tại thôn Trường Đá, xã Thủy Biều (nay là phường), thành phố Huế, nơi đây là chuồng nuôi hổ và cũng là đấu trường độc đáo, thế giới ít ai có. Hổ Quyền là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ, nhằm tế thần trong ngày hội và làm trò giải trí tiêu khiển cho vua quan và dân chúng cố đô.
Trước khi có Hổ Quyền, những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất vào thời các chúa Nguyễn, ở cồn Dã Viên (3) trên sông Hương. Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần trên 12 chiếc thuyền đến hòn Dã Viên để xem một cuộc đấu "vô tiền khoáng hậu" giữa voi và hổ. Đây là trận đấu khủng khiếp nhất trong lịch sử Hổ Quyền: 40 con voi đã hạ sát 18 con hổ, như một lễ tế thần trong ngày hội.
Dưới triều Nguyễn, lúc chưa có một đấu trường an toàn, những cuộc đấu giữa voi và hổ vẫn được tổ chức, nên đã xảy ra tai nạn trong các cuộc thư hùng. Đời vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở bãi đất trống trước Kinh Thành, một con hổ nhảy lên tát một nài voi rơi xuống đất và người này đã bị chính con voi do mình huấn luyện chà chết. Thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh (năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra và bơi về phía thuyền Rồng. Vua Minh Mạng kịp dùng sào đẩy lùi con hổ, nhờ vậy quan quân mới kịp đến giết hổ cứu Vua.
Do những rủi ro trên, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây Kinh Thành để xây dựng một đấu trường kiên cố, gọi là Hổ Quyền; đấu trường được sửa chữa xây cao thêm dưới thời vua Thành Thái..



w-h2-289.jpg

Voi trong đấu trường (minh họa).

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên xây theo hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,80m, vòng thành ngoài 4,75m. Thành ngoài xây nghiêng kiểu chân đê, chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng đấu trường 44m. Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Đông Nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Mặt thành vòng trong dày trung bình 4,50m. Đối diện với khán đài có 5 chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn. Thành ngoài có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc, có hai cánh cửa bằng gỗ, đế bằng phiến đá xanh, trên cửa có ghi chữ "Hổ Quyền", voi vào sân đấu bằng cửa này. Tường thành bên ngoài cách khoảng có hệ thống thoát nước, với hoa văn hình mặt hổ. Có 2 lối dẫn lên khán đài bằng các bậc đá. Bên trái khán đài là tam cấp đi lên có 24 bậc, dành cho vua và đình thần. Bên phải khán đài tam cấp tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ.
Người ta lợi dụng hai vòng tường trong và ngoài của đấu trường, xây vách ngăn làm 5 chuồng hổ riêng biệt. Từ khi xây xong Hổ Quyền, nghi thức tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ trở nên trang trọng an toàn hơn. Bia đá khắc gắn ở bên ngoài tường thành Hổ Quyền, còn ghi câu chữ Hán nội dung: “ Xây dựng vào ngày tốt, tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 11" (tức tháng 2-1830).
Việc tổ chức các cuộc đấu giữa voi và hổ, ban đầu có mục đích rèn luyện tính chiến đấu cho voi, về sau trở thành môn giải trí tiêu khiển. Trong ngày thi đấu, dân chúng quanh vùng đặt hương án, lễ vật trên đoạn đường vua đi qua. Đấu trường được trang trí bởi nghi trượng, cờ, lọng. Có một đội lính mặc áo đỏ đội nón chóp, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bến sông.


w-h3-289.jpg

Voi trong Hoàng Triều.

Đúng Ngọ, vua ngự thuyền Rồng từ Nghênh Lương Đình, theo sông Hương lên bến Long Thọ. Vua lên kiệu có bốn lọng che, đi trước là Ngự Lâm Quân, thị vệ cầm cờ Tam Tài, cờ Ngũ Hành, cờ Nhị Thập Bát Tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình, các quan quỳ xuống chiếu hoa trải trên đường nghênh đón, rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài. Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Trước mỗi trận đấu, hổ đều bị cắt nanh, vuốt, mục đích không cho hổ tấn công voi. Tuy gọi là thi đấu, song lệ đã định là kết thúc hổ phải bị voi chà đến chết. Trận đấu cuối cùng được ghi vào năm 1904, dưới triều vua Thành Thái. Nhà vua là người tổ chức, cũng là người điều khiển. Đây là một trận đấu vô cùng hấp dẫn.

(Còn tiếp)
Trần Công Nhung

09 - 2010

(1). Đồ Sơn trang 157 QHQOK tập 5.
(2). Nhiều nơi tu bổ bằng cách phá di tích xây cái mới. Điều này tai hại vô kể.
(3). Cồn Dã Viên là một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương, nằm phía tây nam kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến ở phía đông nam thành Huế, là hai nhân tố địa ly phòng thủ, tạo nên thế “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.
Một trong những tài liệu quan trọng khác gắn với Dã Viên, là bài “Dữ dã viên ký”, do vua Tự Đức viết sau khi vườn ngự trên cồn này xây dựng xong. Trong đó có nói rằng, khởi thủy của cồn này có bảy ngôi nhà dân ở, nhỏ hẹp và xiêu vẹo. Vào thời nhà Nguyễãn, Cồn Dã Viên từng là một vườn hoa. Nơi đây cũng có tổ chức voi cọp đấu với nhau. Lầu ngự của vua nghe nói tồn tại đến năm 1900, còn từ 1925, thì bỏ mặc cho mưa nắng. Năm 1908, người Pháp bắc cầu qua đây, dân gian gọi là cầu Bạch Hổ[2]. Năm 1909 xây tháp nước của nhà máy nước Dã Viên. Bây giờ cồn Dã Viên không còn dấu tích về vườn cảnh xưa, nhà cửa dân chúng phủ lấp. Các di tích xưa đều đã biến mất, chỉ còn tháp nước đứng soi bóng sông Hương
Năm 2006, từng có dự án sửa chữa Cồn Dã Viên thành khu du lịch, nhưng đã gặp phải sự phản đối của người dân và các nhà bảo tồn di sản, nên phải hủy bỏ, tương tự dự án xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, nhờ cả nước kêu la mới chịu ngưng. Cái tai hại cho quê hương là quyền hành trong tay những người “dám nghĩ dám làm”, để rồi không biết đến bao giờ mới sửa hết sai lầm.
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment