Saturday 31 July 2010

Trung Quốc khẳng định chủ quyền sau cuộc tập trận tại Biển Đông


TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Bẩy 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 31 Tháng Bẩy 2010
Trung Quốc khẳng định chủ quyền sau cuộc tập trận tại Biển Đông
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010
© AFP/ Park Yeong-Dae
Tú Anh

Bắc Kinh lại có thêm một động thái thách thức Hoa kỳ và Việt Nam. Sau khi tiến hành một cuộc tập trận bằng đạn thật trên vùng biển đảo tranh chấp với Việt Nam, Bộ Quốc phòng Trung Quốc một lần nữa tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà họ gọi là Nam Hải cũng như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phản ứng của chính giới Mỹ trong những ngày gần đây cho thấy là Hoa Kỳ không chấp nhận thái độ bá quyền của Bắc Kinh.

Theo bản tin của hảng thông tấn công giáo AsiaNews.it thì ngày hôm qua, phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố rằng : « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi được tại biển Nam Hải cũng như có đủ chứng cớ lịch sử và pháp lý » khẳng định chủ quyền.

Lời tuyên bố của viên sĩ quan cao cấp này được loan tải vào lúc hải quân Trung Quốc huy động ba hạm đội thực tập tác chiến trên biển, tấn công từ xa, và chống chiến đấu cơ của đối phương.

Theo giới phân tích, động thái quân sự này nhằm phản ứng lại một cuộc tập trận của Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong vùng biển Nhật Bản theo kịch bản đề phòng Bắc Triều Tiên, nhưng thực tế là một tín hiệu cảnh báo Trung Quốc. Mặc khác, Trung Quốc cũng muốn biểu dương sức mạnh quân sự trên vùng biển khơi để khuyến cáo Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Hàng năm, hải quân Trung quốc có thông lệ thao diễn quân sự để ghi dấu ngày thành lập quân đội 1 tháng 8. Tuy nhiên, cuộc tập trận năm nay mang hình thức khác thường vì đặt dưới sự chứng kiến và giám sát của hai nhân vật chủ chốt là tướng Trần Bĩnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội và tướng Ngô Sinh Lợi, tư lệnh hải quân, cả hai đều là ủy viên Quân ủy trung ương, một cơ quan đầy quyền lực theo lối tổ chức trong chế độ chuyên chế của Trung Quốc.

Theo AsiaNews, sự hiện diện của ba soái hạm tham gia tập trận cho thấy quy mô của chiến dịch. Tuy Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết, giới phân tích nói rằng các soái hạm này chắc chắn là đến cận khu vực nhiều dầu khí Hoàng Sa và Trường Sa . Qua cuộc tập trận này, giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn phô trương thanh thế về khả năng đương đầu với các hạm đội Mỹ hùng mạnh hơn.

Tham vọng không che dấu của Trung Quốc đã làm cho các nước trong khu vực ráo riết chạy đua vũ trang. Việt Nam ở tuyến đầu, bị Trung Quốc hai lần dùng vũ lực chiếm đảo với trận Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, đã đặt mua hàng loạt tàu ngầm và chiến đấu cơ của Nga. Đầu tuần này, khi tiếp bộ trưởng quốc phòng Pháp Hervé Morin, Hà Nội đưa ra một danh sách dài về nhu cầu quân sự và thiết tha kêu gọi Pháp trợ giúp hiện đại hóa quân đội.

Nhưng sự kiện được chú ý nhất, là nhân hội nghị an ninh khu vực hồi tuần trước tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định là Hoa Kỳ không chấp nhận để một nước nào sử dụng vũ lực tại biển Đông, con đường huyết mạch của giao thông quốc tế, và là « quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ ». Hoa Kỳ còn chính thức mời lãnh đạo các nước Asean sang Mỹ họp thượng đỉnh.

Theo các nhà phân tích, thì thái độ độc tôn của Trung Quốc, cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh thì tôi chia phần lớn, sẽ làm cho Đông Nam Á và Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ hơn.

Nếu không, thì làm thế nào để Việt Nam có thể bảo vệ được tài nguyên ở Biển Đông từ dầu khí đến hải sản. Theo Asia News, nhiều thẩm định cho biết dầu hỏa tại khu vực này dồi dào hơn cả Iran, còn trữ lượng khí đốt nhiều hơn Ả Rập Xê Út.

source

RFI Vietnamese

No comments:

Post a Comment