Sunday 25 July 2010

Đền Voi Phục


Đền Voi Phục
Cập nhật lúc 9:10:30 PM - 09/07/2010

w-270h1.jpg

Đền Voi Phục và Hồ Thủ Lệ.

Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Hà Nội là nơi có nhiều hồ: Hồ Gươm, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Ha Le, hồ Thủ Lệ... Hồ Gươm như là biểu tượng của Hà thành, đó là điều ai cũng công nhận xưa nay.

Hồ Thủ Lệ tên nghe không mấy hấp dẫn, do âm hưởng cổ lỗ quê mùa, song hỏi ra mới biết hồ Thủ Lệ có hai đặc điểm nổi bật: Đền Voi Phục và Vườn Thú. Với tôi, tìm hiểu đền Voi Phục mới là điều đáng nói. Đền nằm trong phạm vi Hà Nội, góc Kim Mã và đường Bưởi quận Ba Đình, tôi đến thăm vào một buổi sáng trời khá đẹp.

Thoạt nhìn cảnh trước cổng Tam Quan, thật không thẩm mỹ tí nào: Nền gạch lở lói, rác rến dơ bẩn, anh sửa xe máy nằm ngủ say bên cạnh chiếc ống bơm và chậu nước. Cổng thiết kế công phu, cửa gỗ cổ kính, nhưng hai bên trống trơn, vào ra chẳng ai cần cổng. Ba bức hoành chữ Hán treo dưới mái cổng xa lạ với dân chúng. Trong cổng là khoảng sân lát gạch không rộng, cách lan can bờ hồ chừng mươi lăm mét. Từ đây chạy dài vào tận trong đền, là nơi buôn bán các thứ hàng ăn, giải khát, giữ xe... sinh hoạt linh tinh ồn ào. Ngay tam cấp lên Đền, là bãi bán ăn uống, dù bạt, chăng che thoải mái, thùng bộng nước rác bừa bộn chẳng khác gì nơi chợ búa, chẳng còn gì là chốn trang nghiêm của một di tích cấp quốc gia. Không lẽ cơ quan Thông tin Văn hóa cố tình để như vậy? Sau khi ghi một vài hình ảnh không mấy mỹ quan, tôi lên thăm Đền. Qua một sân lát gạch, rồi đến sân Đền có tường xây có hai trụ cổng cao đắp nghê chầu. Đền vắng, hoàn toàn yên tịnh trang nghiêm, không có người bán hàng lai vãng. Cách thờ phượng trong Đền, hương án bệ thờ sơn son thếp vàng sáng loáng mới mẻ.


w-270h2.jpg


Bia đá ghi sự tích Đền Voi Phục.


Về kiến trúc, đền xây theo kiểu chữ công . Gian ngoài là đại bái, giữa là đền trung, trong cùng là hậu cung. Tiền tế 5 gian, kết cấu vì kèo chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ. Trung đường 1 gian chạy dọc vào phía trong, nối với hậu cung. Hậu cung cũng có 5 gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất là tượng Linh Lang Đại vương. Tượng có nét mặt thanh tú, và còn rất trẻ. Phía trước tượng là hòn đá lớn đặt trong hộp kính. Hòn đá có vết lõm, tương truyền thần đã từng gối đầu. Về hai phía thờ hòn đá là tượng hai phụ tá đứng chầu. Nơi đặt tượng là ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỉ XIX. Bên trái phía trước đền là tám gian, nơi để cỗ bàn hoặc khách hành hương ngồi nghỉ, ăn trầu uống nước. Ngoài ra, trong đền còn có một am nhỏ thờ người quản tượng của Linh Lang. Trong đền còn khá nhiều di vật và tự khí. Ở đại bái có hai pho tượng đồng, bát hương sứ, một thanh bảo kiếm, tám thanh long đao. Ngoài ra, đền còn có tàn, tán, lọng cùng đồ lộ bộ, bát bửu đều mới sắm đầy đủ lấp lánh màu vàng son lộng lẫy. Di vật bằng chữ còn có sáu bức hoành phi, mang những mỹ tự và bốn đôi câu đối, trong đó có câu:


Mộc biểu chỉ sơ nhất chính dực tán trung lương thánh

Đông A di hậu vạn cổ bao phong thượng đẳng thần


Dịch nôm :

Thời Lý buổi đầu một lần đi đánh dẹp, sự nghiệp trung lương được (thần) phù giúp

Đời Trần về sau muôn đời tôn phong danh hiệu thượng đẳng thần


Qua dãy nhà 7 gian, cửa bàn khoa đóng kín, bên trong rất nhiều lọng kiệu và đồ thờ, có lẽ đây là nhà kho. Vừa lúc có bác trông Đền đi ra, tôi hỏi thăm ngay:

- Bác à, trong nhà này sao nhiều lọng kiệu vậy bác?

- Đấy là lọng kiệu của Thập Tam Trại (1) mỗi năm đến ngày hội Đình Lệ Mật kiệu sẽ được rước từ đây về Đình.

- Bác giải thích giùm, sao gọi đền Voi Phục?

- Lúc ông vào, bên phải cổng ngoài của Đền có hai con voi nằm ông thấy không? Vào trong còn hai con nữa lớn hơn có bát nhang thờ.

- Vâng, tôi có thấy, thì ra ý nghĩa là thế. Bác có thể nói sơ cho biết về sự tích đền Voi Phục ?

- Trên vách chánh điện có nguyên một bảng sự tích ông đến đấy đọc.

Bác già nói xong bỏ đi lo công việc. Tôi đến ghi nội dung bảng tóm tắt sự tích Đền:

Đền thờ Linh Lang Đại Vương là Hoàng Tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông, mẹ là cung phi thứ chín quê ở xã Bồng Lai huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Hoàng Tử có công lớn góp phần đánh tan giặc Tống ở thế kỷ XI, được vua phong Linh Lang Đại Vương. Khi hóa (tạ thế) được vua phong Thượng Đẳng Phúc Thần và lệnh cho bách quan và đất Thủ Lệ (tức phường Thi Trại), là nơi ngài hóa, lập đền thờ chính ở Thủ Lệ và truyền lệnh cho nhân dân gồm 269 nơi đều lập đền thờ.

Về sau vua Trần Thái Tông phong Bình Mông Đại Vương Thượng Đẳng Thần, Vua Lê Trang Tông phong Đông Thiên Địa Vạn Cổ Lưu Truyền và Tây Trấn Thượng Đẳng Thần.



w-270h3.jpg


Di tích đền Voi Phục.


Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến ngày nay, nhân dân làng Thủ Lệ với trọng trách là nơi thờ chính cùng 269 nơi chung thờ và khách muôn phương, với tấm lòng thành kính uống nước nhớ nguồn, ngày đêm hương đăng thờ phụng Đức Đại Vương. (Trích phả Linh Lang Đại Vương).

Vừa quay ra tôi gặp hai thiếu nữ đang đi tới, họ chặn hỏi tôi: “Bác chắc là nhà báo, bác giải thích giùm bọn cháu, đền Voi Phục là gì hả bác”? Tôi định tìm ông giữ Đền để “bán cái”, nhưng không thấy đâu, đành lặp lại lời của ông lúc nãy. Hai cô vui vẻ cảm ơn rối rít. Thực ra có giải thích gì đâu.

So với bảng sự tích ở đền thờ Thánh Gióng (Gia Lâm), thì sự tích đền Voi Phục được viết ngay ngắn hơn, nhưng câu văn luộm thuộm vô nghĩa, nhất là đoạn cuối (chữ xiên). Đây là phong cách của TTVH tôi thấy hầu hết khắp nơi trong nước (2). Từ đền chính nhìn ra bên hông phải, còn có một cổng nữa vào Đền, cổng này là một nếp nhà nhỏ ba cửa gỗ đóng kín, mái ngói có lưỡng long chầu nguyệt nằm dưới gốc đa cổ thụ. Đây là cổng chính nằm trên cùng mặt phẳng với đền thờ và chỉ mở vào ngày lễ hội. Ngày hội chính là ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch, ngày Đại Vương Linh Lang băng hà.


w-270h4.jpg


Cổng ngoài Đền.


Theo sử liệu, đền Voi Phục trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đã được trùng tu nhiều lần, không còn hình dạng nguyên thủy. Chính tại đây, ngày 18-5-1882, Henri Rivière chỉ huy quân Pháp đã tử trận. Năm 1947, giặc Pháp mở rộng chiến tranh, đánh lên Sơn Tây, đã đốt trụi đền Voi Phục. Năm 1953, Đền được nhân dân đóng góp dựng lại. Năm 1994, đúc lại quả chuông chiều cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, mỗi múi có 2 hàng chữ Hán đúc nổi: "Tây trấn thượng đẳng". Đền Voi Phục là một trong "Thăng Long tứ trấn", được xây dựng từ năm 1065 đời Lý Thánh Tông. "Thăng Long tứ trấn" là bốn ngôi đền thờ bốn vị thần ngự từ xa xưa, ngày đêm canh giữ cho kinh thành bình yên và thịnh vượng. Đó là :

- Đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm) thờ thần Long Đỗ, trấn phương Đông.

- Đền Voi Phục (Thủ Lệ) thờ Linh Lang Đại vương, trấn phương Tây.

- Đền Trấn Vũ (còn gọi là quán Trấn Vũ hay đền Quán Thánh) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phương Bắc.

- Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn, trấn phương Nam.

Đền Voi Phục được cái lợi thế nằm bên hồ Thủ Lệ, nơi có nhiều cây cao bóng cả, từ trên cao nhìn xuống, toàn cảnh hồ trông vô cùng đẹp. Tuy nhiên đường đi lối lại lộn xộn quanh co, chỗ cao chỗ thấp, thiếu sự thuần nhất, hơn nữa các sinh hoạt của quần chúng trong phạm vi Đền cũng không được tổ chức tươm tất ngăn nắp, làm cho một di tích lớn trở thành tầm thường, không hấp dẫn du khách.


w-270h5.jpg


Cổng trong Đền.


Khách đến thăm đền Voi Phục còn có dịp thăm vườn thú Thủ Lệ. Công viên Thủ Lệ là vườn thú được chia làm nhiều khu: Khu bò sát nuôi rắn, kỳ đà, cá sấu nằm trên dải đất có hồ nước, có những hang hốc thích hợp với đời sống từng loài. Khu chim chóc có công, trĩ, uyên ương, hạc, cò, sếu, các loài chim hót như họa mi, khướu. Khu này chạy dài trên bên lối vào đền Voi Phục. Khu thú dữ gồm hổ, báo, sư tử, gấu với một hệ thống chuồng giống kiểu hang động, xen vào đó là các chuồng hươu, nai, khỉ, chồn, cầy, vượn và voi.

Trong công viên có rạp xiếc Hà Nội nhỏ dành cho các trẻ nhỏ gồm có: Xiếc khỉ, xiếc chó và xiếc cá sấu.

Công viên tuy nhiều tiết mục, song việc nuôi dưỡng thú, việc chăm sóc vệ sinh tổng quát còn nhiều yếu kém, nên vườn thú ngày càng hư hại và du khách than phiền rất nhiều. Thử ghi một vài nhận xét của du khách được phổ biến trên báo chí:

“Công viên bị ‘xẻ thịt’ bán cho tư thương chiếm giữ từng khu vực. Những chuồng thú chật chội, hôi thối. Rác vứt bừa bãi. Khói mù mịt. Hồ nước bốc mùi xú uế. Cả công viên là một bãi rác”…

“Công viên Thủ Lệ có tiếng ở Thủ đô, nhưng ngày càng xấu đi, nhà hàng ngày càng nhiều. Chúng tôi là người dân mỗi khi đi vào công viên đều rất bất bình. Các nhà hàng vây kín xung quanh vườn thú. Bên trong cả mấy chục hecta, nhưng chỉ có vài con tàu nhếch nhác, vài khu vui chơi đu quay đơn giản, các cháu đi chơi vài ba chục phút là hết. Các chuồng thú thì hôi hám, bẩn thỉu. Khu dịch vụ bán giải khát, của các cháu thì nghèo nàn, dịch vụ giữ xe thì quá đắt. Những người nghèo sau khi cho con vào công viên ra về, cứ ngẩn ngơ tiếc những đồng tiền mà họ bỏ ra, nhất là đoàn xe từ các tỉnh xa về thăm viếng thành phố Hà Nội”...

Đã nhiều lần, người viết nhật xét, nước ta nhiều thắng cảnh, nhiều di tích rất đáng viếng thăm, đáng tìm hiểu, tuy nhiên do thiếu chuyên môn trong tôn tạo, thiếu hiểu biết trong tổ chức, làm cho danh thắng bị biến dạng mất đi ý nghĩa đích thực vốn có. Nhiều nơi du khách đến một lần rồi thất vọng, không bao giờ trở lại. Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm lưu ý đúng mức trong việc “bảo quản tôn tạo” di tích, để còn lưu lại bài học lịch sử sống động cho con cháu mai sau.


Trần Công Nhung

06 - 2008


(1) Xem Đình Lệ Mật trang 62 QHQOK tập 10

(2) Người ta chỉ chú trọng diễn văn khánh thành, chụp hình quay phim thế là xong, không ai có trách nhiệm coi ngó phần nội dung: Cách thức thờ phượng, các bản văn (sự tích, giới thiệu di tích...) viết sao cũng xong. (Tôi đã ghi nhận xét này trong nhiều bài: Cây Dã Hương (Bắc Giang), Cọc gỗ Bạch Đằng (Hải Phòng), Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)... So với các nước lân bang (Cambodia, Thailand), ta còn kém xa.

source

viendongdaily

No comments:

Post a Comment