Friday 9 April 2010

Tàu hải quân Hoa Kỳ sửa ở Việt Nam xác định mối quan hệ mới





Greg TorodeNguyên Hân lược dịch


Tàu hải quân Hoa Kỳ sửa ở Việt Nam xác định mối quan hệ mới giữa hai bên


Một chiếc tàu tiếp vận của hải quân Hoa Kỳ vừa sửa xong ở Việt Nam, gần Vịnh Cam Ranh vốn được (nhiều nước) thèm muốn sử dụng - một dấu hiệu hợp tác thầm lặng mới nhất giữa hai nước cựu thù mà những nhà phân tích thời cuộc tin rằng điều này đã gởi một thông điệp mang tính chiến lược đến Trung Quốc khi nước này ngày càng quyết đoán chủ quyền của họ lên vùng Biển Nam Hải.

Viên chức của Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ xác nhận với báo South China Morning Post là hợp đồng sửa chữa tàu USNS Richard E. Byrd kéo dài 16 ngày đã hoàn tất tháng rồi. Các viên chức này miêu tả mối quan hệ này dựa trên căn bản thương mãi hơn là mang tính quân sự nhưng họ nói rằng đó cũng là một phần trong nỗ lực “xúc tiến xây dựng khả năng nhằm sửa khẩn cấp và định kỳ (tàu của hải quân Hoa Kỳ).”

Đã lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên hải quân Hoa Kỳ đến gần với Vịnh Cam Ranh nhất – là căn cứ có độ sâu và mang tính chiến lược do Hoa Kỳ xây dựng trong thời Chiến tranh Việt Nam và sau đó lọt vào tay Liên bang Xô-viết sử dụng ở thời điểm tột cùng căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh – và lần này xảy ra trước lần thứ 15 ngày quan hệ ngoại giao được phục hồi giữa Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn.

USNS Richard E. Byrd là chiếc tàu tiếp vận thứ hai của hải quân Hoa Kỳ sửa ở Việt Nam.

USNS Richard E. Byrd đang thả neo ở Vịnh Vân Phong trong suốt 16 ngày sửa chữa ở đó. Nguồn: DCVOnline
Tàu có trọng tải 40.000 tấn, do nhân viên dân sự điều khiển được sửa bởi Công ty Đóng tàu Cam Ranh - một công ty thuộc tập đoàn VINASHIN của nhà nước Việt Nam - ở Vịnh Vân Phong, gần thành phố du lịch Nha Trang. Việt Nam gia tăng nhanh số công xưởng đóng và sửa chữa tàu cho thấy là họ có khả năng đáp ứng được với những loại tàu quân sự của Hoa Kỳ và các nước khác - tất cả là một phần của một chính sách sâu rộng hơn nhằm xây dựng mối quan hệ chiến lược một cách thầm lặng để đối phó với chuyện xây dựng lực lượng hải quân của Trung Quốc.

Tiến sĩ Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về quốc phòng Việt Nam và Biển Nam Hải ở Viện Phòng thủ Úc cho rằng việc sửa tàu này có ý nghĩa lớn lao trên nhiều mặt.

“Điều này sẽ mở đường cho nhiều tàu ghé Việt Nam thăm trong tương lai, tạo điều kiện cho mối quan hệ quân sự được phát triển sâu rộng hơn và cũng sẽ làm cho viên chức nhà nước Việt Nam cảm thấy thoải mái hơn đối với tàu Hoa Kỳ,” ông Thayer nói. “Cùng lúc, điều này gởi một thông điệp mang tính chiến lược, dù là gián tiếp đến Trung Quốc - Việt Nam có thể cho rằng đây chỉ là chuyện sửa tàu mang tính làm ăn thuần túy nhưng ý nghĩa của chuyện hợp tác này sẽ tác động lên Bắc Kinh.”

Phát ngôn viên của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ Trung tá Jeff Davis nói rằng đây không là một hoạt động mang tính quan hệ quân sự giữa hai nước nhưng chỉ là một sự sửa tàu ở một xưởng sửa chữa tàu dân sự. “Chúng tôi xem đây là một cơ hội để xây dựng khả năng sửa chữa tàu trong những lần khẩn cấp,” ông Davis nói, và nhấn mạnh rằng như thế “tiết kiệm tiền đóng thuế của dân Mỹ vì giảm bớt thời gian di chuyển của tàu (nếu mang đi sửa ở chỗ khác)”.

“Chúng tôi có hợp đồng với các hãng sửa chữa tàu dân sự ở nhiều nước trong vùng Á châu, bao gồm Phi Luật Tân, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Đại Hàn và Ấn Độ để cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu theo định kỳ. Sử dụng các hãng sửa chữa tàu thương mãi ở nhiều nước khác nhau, chúng tôi giảm thiểu “thời gian chết” của tàu, không sử dụng tàu được vì bến bãi không có cho tàu vào.”

Nhà phân tích Thayer nói rằng ông nhận thấy ở những nước có hợp đồng sửa chữa tàu cho hải quân Hoa Kỳ trong vùng Á châu này thường là những đối tác chiến lược hay đồng minh của Hoa Kỳ.

“Rất thú vị khi thấy Việt Nam rõ ràng đang dịch gần hơn về phía các nước nằm trong chiều hướng chiến lược của Hoa Kỳ - và ý nghĩa của chuyện này cũng sẽ được Bắc Kinh để mắt tới.

“Điều này mang tính hợp lý, cũng cố thêm cho mối quan hệ - chuyện sửa chữa tàu này tạo điều kiện cho một cơ hội xây dựng và phát triển mối quan hệ quân sự sâu rộng hơn một cách thầm lặng,”
ông Thayer nói.

Hình công nhân Cam Ranh Shipyard chụp hình lưu niệm trên tàu. Trái: Cờ hai nước ở quarterdeck. Phải: một trong hai chiếc trực thăng trên tàu đang được bảo trì ở sân bay của tàu (Flight deck). Nguồn: DCVOnline
Công việc sửa chữa nhiều hạng mục khác nhau và chùi rữa tàu lần rồi phí tổn 382.000 ngàn đô-la, đã được (...) giữ im lặng, và viên chức (...) đã chưa chính thức lên tiếng về chuyện này. Nói chuyện riêng tư, thì viên chức (...) ở (...) cảnh giác với sự có mặt ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở vùng Biển Nam Hải, nơi hai nước đều cho mình có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đang có ý đồ ký kết hợp đồng với các hãng dầu ngoại quốc.

Cùng lúc, (...) - một đất nước đã đổ nhiều máu xương cho nền độc lập đang cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc mà không chịu ơn ai.

Hoa Kỳ, cũng càng lúc càng khẳng định quyền lợi của mình trong chuyện tuần tra thường xuyên vùng biển mà họ cho rằng đó là hải phận quốc tế trong vùng này.

Qua cuộc điều trần tổng quát tuần rồi ở Quốc hội Hoa Kỳ, Tư lệnh Lực lượng Quân sự Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương Đô đốc Robert Willard bày tỏ mối quan tâm về sự xây dựng quân sự của Trung Quốc đang xảy ra và cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ quân sự với Việt Nam “tiếp tục cải thiện.”

Ông cũng nói các nước trong vùng đã cảnh cáo ông rằng Hoa Kỳ không nên xem những mối quan hệ an ninh (giữa Hoa Kỳ và các nước trong vùng) là chuyện tự nhiên trong lúc Trung Quốc đang tìm kiếm sự tiếp cận và gia tăng ảnh hưởng.

Quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang gia tăng từ từ qua chuyện chiến hạm Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam cho đến những buổi thảo luận về hợp tác giữa các ban ngành trong quân đội hai nước.

Hoa Thạnh Đốn nhắm vào một thỏa thuận toàn diện hơn nhằm sửa chữa và cung cấp hàng hóa cho tàu Hoa Kỳ - để qua đó bảo đảm tàu Hoa Kỳ được vào ra những cảng mang tính chiến lược – trong lúc Hà Nội thiết tha được mua một số vũ khí và trang thiết bị quân sự đủ mọi thứ từ Hoa Kỳ. Hệ thống ra-đa để canh chừng vùng duyên hải là một trong những mặt hàng nằm trong danh sách trang thiết bị quân sự Việt Nam muốn mua.

Hoa Kỳ đã từ lâu thôi không gợi ý đến chuyện Việt Nam cho phép Hoa Kỳ trở lại Vịnh Cam Ranh, mà trong tương lai gần có thể được chuyên viên Nga tái xây dựng vùng Vịnh này làm nơi chứa sáu chiếc tàu ngầm loại Kilo Mạc Tư Khoa đang có hợp đồng bán cho Hà Nội.

Hiện chưa rõ những chiếc tàu ngầm nhằm đề phòng sự xây dựng quân sự của Trung Quốc - sẽ nằm ở chỗ nào nhưng Vịnh Cam Ranh, nơi mà tàu ngầm nguyên tử của Nga đã một thời nằm ở đó – là cảng thiên nhiên tốt nhất trong vùng – mà qua cả thập niên 1980, cùng với một căn cứ tình báo điện tử đã kiểm soát bao quát toàn vùng.




Nguồn:

(1) US ship repair in Vietnam confirms ties. Dock work a clear signal to China. South China Morning Post, by Greg Torode, chief Asia correspondent, 2 April 2010


source:

© DCVOnline

No comments:

Post a Comment