Sunday 18 April 2010

Cầu Trường Tiền và Vua Thành Thái


April 16, 2010


NGUYỄN PHƯỚC BẢO THỌ

Một trong những mẫu chuyện của vua Thành-Thái liên quan đến Cầu Trường Tiền do thân nhân và gia đình các quan cận thần triều Thành-Thái [1889-1907] kể lại nhân ngày giỗ Cựu Hoàng thứ 56 năm nay như sau:

Sơ lược về việc Cựu Hoàng Thành-Thái hồi hương

Sau khi Hiệp Định Vịnh Hạ Long được ký kết ngày 8-3-1948, Pháp trao trả Việt Nam cho Quốc Trưởng Bảo Đại dưới chiêu bài ‘Quốc gia Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp’. Dưới danh nghĩa Việt Nam độc lập, Luật Sư Vương Quang Nhường, trong chức vụ Phó Thủ Tướng chính phủ, Thủ lãnh Luật sư đoàn Sàigòn và là con rể của Cựu Hoàng Thành-Thái đã vận động với Cao Ủy Pháp ở Đông Dương và Tổng Thống Pháp lúc bấy giờ cho Cựu Hoàng Thành-Thái được hồi hương sau 33 năm bị chính phủ Pháp lưu đầy ở đảo Reunion, Ấn độ dương vì tội chống chế độ. Ngài được con gái là bà Vương Quang Nhường sang tận đảo Reunion đón về vào cuối năm 1948 và chỉ được sinh sống tại Vũng Tàu. Sau một thời gian ngắn ở tại Bạch Đình, Vũng Tàu, ngài đã tự ý vào Sài gòn sống với người con trai út là Ông Vĩnh Cầu trong một căn nhà nhỏ hẹp. Ngài đã qua đời ngày 16 tháng 2 năm Giáp Ngọ tức là ngày 20 tháng 3 năm 1954 tại tư gia số 72 đường Nguyễn Du, Sài gòn, hưởng thọ 76 tuổi. Linh cữu được đưa về an táng tại An Lăng, Huế.

Vua Thành Thái lúc 75 tuổi tại Vũng Tàu

Vua Thành-Thái với cầu Trường Tiền

Năm 1899, trong buổi lễ khánh thành Cầu Trường Tiền nhà vua đã hỏi Khâm sứ Pháp Levecque hiện diện: “Ông Khâm sứ, chiếc cầu đã xây xong; vậy bao giờ người Pháp rời Việt Nam về nước?” Ông khâm sứ trả lời: “Tâu ngài, chừng nào cầu Trường Tiền sập thì chúng tôi sẽ về Pháp.” Năm 1904, Huế bị bão lụt lớn, cầu Trường Tiền bị hư hại nặng, gần như bị sập. Nhân một hôm ông Khâm sứ vào đại nội yết kiến Vua, ngài nhớ câu trả lời của ông Khâm sứ trước đây, bèn hỏi: “Ông Khâm sứ, cầu Trường Tiền bị sập rồi, sao người Pháp chưa về nước đi?” Câu hỏi có tính cách thách đố, bao hàm ý nghĩa cho nên ông Khâm sứ đánh trống lảng, bắt sang câu chuyện khác với các quan trong triều. Câu hỏi mang ý chống đối, xua đuổi và hàm chứa tinh thần bất hợp tác cùng với hành động có vẻ phản nghịch của nhà vua như việc tuyển mộ thanh niên nam nữ vào đại nội để huấn luyện quân sự đã khiến người Pháp viện cớ để truất phế nhà vua và chọn Thái tử Vĩnh San lên ngôi, lấy niên hiệu là Duy Tân. Không ngờ vua Duy Tân, tuy nhỏ tuổi nhưng cũng có thái độ chống người Pháp, đã cố gắng học hành và khi hiểu được chính sách cai trị bóc lột hà khắc của thực dân Pháp đối với nhân dân, ngài đã lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Thái-Phiên Trần Cao Vân tại Huế năm 1916. Cuộc khởi nghĩa thất bại vì nội phản. Hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân bị lên máy chém. Vua Duy Tân và Vua cha Thành Thái bị lưu đầy sang đảo Reunion kể từ đó.

Ông Nguyễn Phước Bảo Thọ, năm nay 76 tuổi, hiện sống tại San Jose, là cháu nội của Cựu Hoàng Thành Thái và là Cựu Tổng Thư Ký Hội đồng Nguyễn Phước tộc tại Huế vào những năm 1970. Địa chỉ điện thư: npbaotho@yahoo.com.

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment