Saturday 4 June 2011

Phim tranh cãi về Lý Công Uẩn được ra mắt




Cập nhật: 14:49 GMT - thứ bảy, 4 tháng 6, 2011

Phim tranh cãi về Lý Công Uẩn được ra mắt

Cảnh trong phim 'Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long'

Chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên VN (Hình: Tân Hoa Xã)

Bộ phim từng gây nhiều tranh cãi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất cuối cùng đã được phép phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3 vào ngày 30 tháng Sáu, theo truyền thông trong nước.

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Đài Truyền hình Việt nam, đề ngày 15/3/2011, được báo chí trong nước trích dẫn, cho hay bộ phim đã được chỉnh sửa và trở nên phù hợp hơn với lịch sử Việt Nam về nhiều mặt từ hình thức, diễn xuất tới nội dung:

"Kịch bản phim đã thêm lời dẫn chuyện vào những chỗ cần thiết để làm rõ thông tin muốn chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta", văn bản của Bộ chủ quản ngành văn hóa trong nước khẳng định.

"Các diễn viên được chọn rất hợp vai, diễn xuất tốt, âm nhạc phù hợp với Việt Nam. Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân."

Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Công văn của Bộ Văn hóa gửi VTV

Đặc biệt công văn này đưa ra quan điểm mang tính thẩm định về khía cạnh chính trị và quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc, khi cho biết:

"Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc."

Bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu thực hiện theo đặt hàng của công ty Trường Thành và kịch bản do chính lãnh đạo công ty Trường Thành, ông Trịnh Văn Sơn chắp bút, chủ trì có sự chỉnh sửa, cố vấn trong quá trình làm phim của cố vấn Trung Quốc.

Bộ phim truyền hình 19 tập lúc đầu được dự kiến ra mắt và phát sóng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 năm 2010, nhưng đã bị tạm ngừng cấp phép do có quá nhiều ý kiến tranh cãi và phản đối từ nhiều giới trong nước vốn cho rằng đây là một bộ phim "Trung Quốc nói tiếng Việt".

"Một bộ phim gây tranh cãi sẽ không phù hợp để chiếu trong dịp trọng đại như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long," tờ Dân trí trích lời đại diện Cục Điện Ảnh, ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng, phát biểu trước truyền thông trong nước hồi cuối năm ngoái.

Phản đối kịch liệt

Giáo sư Lê Văn Lan

Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng phản đối việc nhóm làm phim giới thiệu ông trong phim với tư cách cố vấn lịch sử.

Tuy nhiên, ngay sau khi được tin về lịch phát sóng của bộ phim vào cuối tháng, nhà sử học Lê Văn Lan, xuất hiện trên trang blog cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện hôm thứ Bảy, 4 tháng Sáu, và cho biết ông "phản đối kịch liệt việc chiếu bộ phim này."

"Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, còn thì đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, sát phạt nội bộ và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn," Giáo sư Lan đánh giá về bộ phim qua ba lần chỉnh sửa và xét duyệt.

"Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng," chuyên gia hàng đầu về cổ sử Việt Nam, đồng thời là một trong các sáng lập viên của Viện Sử học Việt Nam nhận xét.

Ông Lan cũng đưa ra kết luận về hình thức, trang phục của các diễn viên trong bộ phim từ sau khi vượt qua lần xét duyệt cuối cùng hồi tháng 2 năm 2011:

Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng

Giáo sư Lê Văn Lan

"Không chỉ trang phục của nhà Vua mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất... Tàu. Rồi thì lại cả cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí... cũng đều là rất Tàu."

Sau khi phủ nhận và một lần nữa lên tiếng việc tên tuổi của ban thân được nhóm làm phim đưa vào giới thiệu trong phim như là một cố vấn lịch sử của phim, Giáo sư Lê Văn Lan dự đoán về phản ứng của dư luận trước việc 19 tập phim sắp ra mắt ra sao trên trang blog của Nguyễn Xuân Diện:

"Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này!"

"Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này."

Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này! Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này

Giáo sư Lê Văn Lan

Nếu được phát sóng vào cuối tháng này trên kênh truyền hình quốc gia, "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" coi như chính thức được ngành văn hóa và truyền thông Việt Nam chấp nhận, kể từ sau khi nhận được giấy phép của các ngành Tuyên giáo, Văn hóa từ quý đầu năm nay.

Bộ phim truyền hình lấy chủ đề lịch sử được cho là tiêu tốn tới hàng chục triệu đôla trong quá trình làm phim, đã được chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim quốc gia, mà ngày 20-21 tháng Hai, là lần duyệt phim thứ ba và cuối cùng mà bộ phim trải qua trước Hội đồng.

Hiện tại, hãng truyền thông Trường Thành và Đài VTV3 được cho là đang tiến hành mời các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia quảng cáo trước khi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" lên sóng "vào giờ vàng" trên một kênh truyền hình vốn có tác dụng giáo dục, thông tin và giải trí hàng đầu khi phủ sóng toàn quốc ở Việt Nam.

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment