Saturday 16 April 2011

Phố Tô Tịch


Phố Tô Tịch
Cập nhật lúc 6:51:37 PM - 08/04/2011
Bài và ảnh: Trần Công Nhung/Viễn Đông

311h1.jpg
Nhà cổ ở Tô Tịch

Lịch sử phát triển đất nước Việt Nam ai cũng biết khởi đi từ núi đồi vùng Tây Bắc xuống châu thổ sông Hồng, rồi dần vào sông Mã, sông Cả, sông Gianh, sông Hương và cuối cùng là sông Cửu Long. Thế nên, khi nói về cổ xưa thì miền Bắc đậm nét hơn cả.
Trong lần đến chơi nhà một người quen ở phố Lê Văn Hưu (Hà Nội), chủ nhà hỏi tôi: “Bác làm công tác nhiếp ảnh, phải đi khắp nơi thế thì vất vả nhỉ” – “Vâng nhưng bù lại mình được dịp nhìn tận mắt vóc dáng của quê hương. Qua nhiều miền tôi thấy có nơi sỏi đá khô cằn, người dân kiếm ngày hai bữa cơm chảy máu mắt, thế mà người ta ca ngợi đẹp như chốn thần tiên”.
Những câu hỏi như thế tôi thường gặp và cũng chỉ trao đổi cho qua chuyện, không ngờ ông này măn mo tìm hiểu đủ thứ, cuối cùng ông bảo:
- Em có một số hình ảnh Hà Nội cổ, bác cần em đưa cho.
Tôi nghe mà tỉnh cả người:
- Thế anh có bằng cách nào?
- Hôm đi in mấy tấm ảnh, gặp người quen, hắn cho xem một loạt hình thành phố Hà Nội thời Tây, thấy hay em xin. Nếu bác thích em cho bác mượn cái USB về chép lại.
- Vậy thì hay quá, cảm ơn anh.


311h2.jpg

Phố Hàng Đào thời Pháp

Có những chuyện tình cờ mà nên việc, từ lâu tôi có ý tìm kiếm hình ảnh cổ xưa của mọi miền đất nước để xem qua thời gian, sự vật thay đổi thế nào. Trong loạt ảnh Hà Nội cổ, có ảnh căn nhà số 12 Tô Tịch, một phố nhỏ hẹp của khu phố cổ Hà Nội. Chính con phố này trước đây mấy năm có người quen đưa tôi đến làm con dấu triện để “ấn ký” cho ra vẻ nhà văn. Nhìn vào hình cũ, thấy treo bảng hiệu:
“Ha Khe
12 phố Tố Tịch 12
Cửa hàng thợ tiện” (1)
Căn phố sơ sài, người thợ ngồi làm việc ngay cửa ra vào. Bên cạnh một cái tủ nửa kính nửa lưới bày những đồ tiện nho nhỏ: Chân đèn, bát nhang, độc bình, một hình ảnh hoang sơ hiền lành không có vẻ gì là phố thị. Hôm sau tôi ra Tô Tịch với ý nghĩ đi tìm vết dấu xưa.
Hỏi thăm nhiều người ở Hà Nội không ai rõ tại sao thời xưa gọi là phố Tố Tịch (Chiếu Trắng), vì vùng này không có dấu hiệu gì là nơi làm chiếu, bán chiếu. Có lẽ âm hưởng Tố Tịch không êm tai nên người ta đọc trại thành Tô Tịch, thuận tai hơn như Tô Châu, Tô Giang…
Phố Tô Tịch chỉ một đoạn chưa tới trăm mét, số nhà 12 vẫn còn nguyên, bề ngang căn phố vẫn thế, nay xây thêm lên cao và mặt tiền thay đổi theo lối trang trí ngày nay, “văn minh” hơn, ra vẻ thành thị hơn. Tuy một phố nhỏ nhưng có nhiều mặt hàng hấp dẫn du khách như hàng bán đồ tiện, sản phẩm làng nghề Nhị Khê (Thường Tín) cung cấp (2), xen kẽ vài ba hàng khắc con dấu, hàng sơn mài, hàng lưu niệm làm bằng gỗ, tre, hoặc tượng đồng giả cổ, hàng dày dép, có cả người bán dạo rau quả, thịt cá, nói chung là thượng vàng hạ cám cô đọng trong một đoạn phố hẹp.


311h3.jpg

Phố Tô Tịch ngày nay

Đứng giữa phố Tô Tịch tôi hình dung mấy trăm năm trước, con đường này không màu sắc lòe loẹt như hôm nay, vài ba chiếc xe kéo, đôi người đàn bà mặc áo tứ thân, đội nón vành qua lại thong dong, cảnh êm đềm bình thản hơn cả miền quê hôm nay. Thời ấy, phố lớn như Rue de La Soie (nay là Hàng Đào), cũng bình dị vắng lặng buồn hiu, ngay cả lúc có đám rước đi qua mà phố vẫn vắng tanh. Ngày nay Tô Tịch nhốn nháo người qua lại, du khách các nơi đổ về, không khí cổ xưa đã biến mất. Thấy một ông già đang đi tới, tôi hỏi thăm:
- Thưa cụ, xin lỗi tôi muốn hỏi thăm, có lẽ cụ sống ở phố Tô Tịch từ lâu?
- Vâng tôi ở đây từ bé, chỉ trong thời kỳ chiến tranh có sơ tán một thời gian.
- Dạ, phố Tô Tịch ngày xưa gọi là Tố Tịch, tại sao xin cụ giải thích dùm.
- Đúng thế, tôi không rõ tại sao ngày xưa là Tố Tịch. Tố là trắng, mộc, thô. Lụa mộc là lụa trắng chưa nhuộm, tịch là chiếu, chả lẽ ngày trước đây là làng nghề dệt chiếu, nhưng tôi nghĩ Tô Tịch dễ nghe hơn.
- Vâng, mà phố cổø này trông chẳng khác gì phố mới, cụ nhỉ.
- Bây giờ người ta xây lên cả, đằng kia có căn phố hai tầng làm từ năm 1912, nhà của Đào Văn Sử hội trưởng Hội Trí Tri, đấy là ngôi nhà lớn đầu tiên ở phố này. Người ta bảo trước kia, lối đi từ ngã ba Hàng Gai vào rất hẹp, phố chỉ là con đường đất, trời mưa thì lầy lội. Góc trái ngã ba có một ngôi đình, đình Đông Hà cổng nhìn ra Hàng Gai số 46, cạnh đình là một gốc bàng cổ thụ. Khi mở rộng phố, đình đã bị phá và cây bàng cũng không còn. Bài vị Thành Hoàng được thờ trong cái miếu nhỏ trên gác một hàng giải khát. Bây giờ chẳng còn gì là cổ nữa.
- Vâng, như căn nhà số 12 đây, giờ cũng khác xa, chỉ có số nhà là không thay đổi.

311h4.jpg

Hàng lưu niệm

311h5.jpg

Hàng rong

Ngoài những sản phẩm tủn mủn dành cho khách phương xa, Tô Tịch nổi tiếng là phố chè trái cây. Những hàng chè san sát nhau, không lớn, với diện tích bề 2 mét ngang sâu 3 mét, vài ba bàn bên trong, một hai bàn ngoài lề đường, tiệm chè nào cũng đông khách, nhất là buổi chiều. Chè trái cây là chè pha trộn nhiều loại quả. Quả được xắt thành những miếng nhỏ cho vào cốc. Một ly chè đủ thứ có gần chục loại quả: Dưa hấu, xoài, mãng cầu, bơ, dưa vàng, mít, nhãn được xếp theo trình tự màu sắc xanh, đỏ, vàng rất hấp dẫn và đẹp mắt. Nhìn là muốn ăn. Các ly chè bày sẵn trong tủ kính, khi có khách, người bán mang ra cho thêm ít sữa đặc và nước cốt dừa, một ít đá xay mịn lên trên. Sữa và nước dừa sẽ làm tăng thêm hương vị ly chè: Ngọt mát và thơm ngậy. Đấy là mô tả, thực tế tôi đã vào và chỉ dám uống một ly trái cây xay, không đá không đường, không sữa… không được ngon nhưng không phải lo đi cấp cứu…
Khách ăn chè đa số là tuổi trẻ, lúc nào nam nữ cũng đi cặp. Tuổi trẻ háo ngọt là đương nhiên, nhưng có lẽ túi tiền chỉ cho phép họ “hào hoa sỉ diện” ở mức độ một ly chè. Ngoại trừ các “cô chiêu cậu ấm” con quan “nội phủ”, lớp trẻ nhà nghèo tiền bạc đủ thiếu vào đâu! Nếu nhìn sâu một chút, thấy tôi nghiệp cho thế hệ trẻ ngày nay, tương lai của họ thật mờ mịt, có tiền để bò từ mẫu giáo lên đại học là chuyện không tưởng. Tốt nghiệp đại học không dễ kiếm được chân thư ký xã. Chỉ còn con đường trước mặt là bán sức lao động cho nước ngoài, bán trinh tiết cho ngoại nhân… để đổi lấy thảm cảnh “người rừng người rơm”, có khi bỏ xác nơi xứ người. Vấn đề làm động tâm cả thế giới, ngày nay nhiều tổ chức quốc tế đang tìm cách cứu vãn (3), trong lúc người mình thì không hay biết và sống theo chủ thuyết “Mackeno” (4).
Tiến hóa là định luật thay đổi của mọi loài, ai cũng mong mỗi ngày một thăng tiến, mới mẻ, văn minh hơn. Khi thay cái mới tất cái cũ không còn, tuy nhiên có những giá trị truyền thống thì không nên hủy hoại mà cần bảo tồn, kể cả những giá trị phi vật thể. Nhiều dòng tranh dân gian như tranh hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình, nay lại phục hồi, nhã nhạc cung đình Huế còn được UNESCO thừa nhận là di sản quốc tế. Vấn đề là làm sao thấy được giá trị kho báu trong tay mình để gìn giữ tô bồi, chứ cứ nhờ người ngoài mách nước hay cho tiền mới gìn giữ thì một ngày kia gia sản chả còn gì. Mỗi lần mất đi một ngọn thác, một dòng sông, một đỉnh núi, mới nhìn ra giá trị để rồi hít hà thương tiếc. Nhưng không học thì làm sao biết được giá trị của cha ông!

Tháng 10-2010

(1) Nguyễn Vĩnh Phúc trong sách: Phố và Đường Hà Nội viết:
"Phố Tố Tịch dài 96m,đi từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai. Đây nguyên là đát thôn Tố Tịch, tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ, Tố Tịch có nghĩa là chiếu trắng. Có thể là xưa kia thôn này có nghề dệt chiếu hay bán chiếu chăng?"-. Lãng Nhân trong tác phẩm “Nhớ nơi kỳ ngộ” trang 69 viết: “Bar Dân Mới” đặt trú sở ở góc phố Hàng Gai và phố Tố Tịch, trong một ngôi nhà được trang trí đúng như quán rượu ở Pháp.
(2) Ao Huê Trại Ổi trang 100 QHQOK tập 10.
(3) Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA, trong tiếng Anh là Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân.
(4) Tiếng lóng: Mặc kệ nó.
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment