Sunday 21 February 2010

Ngàn trước tới ngàn sau


February 15, 2010


NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Nhớ lại những gì khi kỷ niệm ngàn năm Thăng Long?

Con người ta có trí nhớ rất kém nên thường chú ý đến biến cố lịch sử gần với thời đại cùa mình mà coi thường chuyện sinh tử của thời xa xưa.

Khi bị Thục Phán tấn công và vua Hùng vương thứ 18 phải nhảy xuống giếng tự trầm, nước ta có thể đã rơi vào vòng Bắc thuộc. Năm Thục Phán xưng Vương trên lãnh thổ Văn Lang đó là 257 trước Tây lịch. Thời Bắc thuộc khởi sự từ đó chăng? Rất đúng nhưng còn mơ hồ, vì ta biết quá ít về Thục An Dương Vương.

Thế rồi, khi viên tướng Tần là Triệu Đà nhân nước Tầu có loạn mà chiếm lấy vùng Lĩnh Nam của Trung Hoa rồi thôn tính nhà Thục, từ năm 214 trước Tây lịch, thì thời Bắc thuộc mới thực sự bắt đầu… Hợp lý hơn nhiều. Nhưng chắc chắn nhất là khi cháu chắt Triệu Đà dâng nước ta cho triều Hán thì nước Nam đã mất chủ quyền. Thời điểm ấy là năm 111 trước Tây lịch, con số dễ nhớ cho bầy hậu sinh chóng quên!

Múa rồng trước tượng vua Lý Công Uẩn chào mừng 1000 năm Thăng Long tại Hà Nội. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Thế thì từ năm -111 đến khi Ngô Quyền xưng Vương năm 939, dân ta đã trải 1.050 năm Bắc thuộc. Rồi lại vùng ra được. Trên thế giới, có bao nhiêu trường hợp như thế?

Ngay tại chỗ, trong 10 thế kỷ, đất Lĩnh Nam – miền Nam núi Ngũ Lĩnh – hay “Quảng Châu” và các thị tộc “Bách Việt” sống trên đó đều dần dần bị Hán hóa, bị đồng hoá. Nếu còn, thì nay là thiểu số vô cùng tuyệt đối. Đất “Giao Châu” của ta (như tên gọi sau này) lại làm ngược: Việt hoá những người Hán trôi dạt xuống miền Nam, hoặc được phái xuống cai trị dân Nam.

Xin đọc lại: Trong ngàn năm Bắc thuộc, bên dưới những nỗ lực đấu tranh để giành quyền tự chủ – của các nhân vật lịch sử Trưng, Triệu, Lý, Mai, v.v… – là sự tranh đấu âm thầm của người Việt nguyên thủy và cả những người Hán được Việt hoá (Lý Bôn là một thí dụ) để giữ bản sắc riêng và chống lại sự đồng hoá. Đấy là hiện tượng đáng chú ý mà cứ hay bị lãng quên.

Bấy giờ, kể từ năm 939, đã có quyền tự chủ rồi, dân ta mới xây dựng nền độc lập, một tiến trình cũng rất chậm rãi và đầy loạn lạc.

Chỉ vì, từ nhiều nhóm nhỏ – các thị tộc, hào trưởng hay thế lực địa phương cả Hán lẫn Việt lẫn Hán-Việt – hết bị vương triều phương Bắc chi phối nữa, “dân ta” phải kết hợp lại để xây dựng “quốc thống”, một chế độ chính trị thống nhất của quốc gia. Chúng ta mất 70 năm để tiến hành việc đó, từ 939 đến 1009. Suốt giai đoạn chật vật này, không thiếu gì lãnh tụ nước Nam sẵn sàng mượn tay phương Bắc để tranh đoạt quyền bính. Con trai Ngô Vương Quyền là một thí dụ. Nhiều lãnh chúa trong thời gọi là “Thập nhị Sứ quân” cũng vậy.

Như vậy, khi lên làm Hoàng đế vào năm 1009, Lý Thái tổ phải cùng lúc giải quyết ba bài toán. Thứ nhất là dẹp nội loạn, thứ hai là xây dựng một chế độ thống nhất cho bá tánh, và thứ ba là ngăn ngừa ngoại xâm: phương Bắc đã đổi loạn thành trị. Nhà Tống đã thống nhất đất nước năm 960 và không hụt cơ hội nào để thôn tính nước Nam. Kinh nghiệm nóng hổi là khi cho tướng Hầu Nhân Bảo tấn công năm 981 – mà bị Lê Đại Hành đẩy lui…

Kể từ năm 1009, nhà Lý dần dần kiến tạo được nền móng vững hơn cho nước Đại Việt sau này. Đấy là quốc hiệu chính thức và gần như liên tục của nước ta kể từ năm 1054 cho đến năm 1804 khi Gia Long đổi tên thành Nam Việt rồi lãnh tên Việt Nam do nhà Đại Thanh đặt cho để tránh tên Nam Việt thời Triệu Đà! Năm 1820, vua Minh Mạng sáng suốt đổi quốc hiệu là Đại Nam dù nhà Thanh không chịu, và ta vẫn giữ tên ấy từ năm 1839 đến 1945 mới lại đổi ra Việt Nam!

Nhớ lại thì nhà Lý tồn tại liên tục từ năm 1009 đến năm 1225 – 216 năm gồm hai giai đoạn thịnh suy. Suy là từ thời Cao Tông Lý Long Trát lên ngôi năm 1175. Rồi bại là vào thời Huệ Tông Lý Long Sảm năm 1218. Sau đó, nhà Trần lên ngôi và tồn tại từ năm 1225 đến 1407, trong đó có ba lần đánh tan quân Nguyên Mông….

Nhớ đến ngàn năm Thăng Long thì trong 216 năm của nhà Lý, nước ta phải tiễu trừ nội loạn – từ các thế lực cát cứ lẫn các thị tộc thiểu số; phải ngăn ngừa ngoại xâm từ các nước Đại Lý, Chiêm Thành và một Đế quốc Chân Lạp khi ấy rất lớn và rất mạnh ở miềm Nam và Tây Nam. Đặc biệt hơn cả, nhà Lý là triều đại duy nhất của Đại Việt đã tấn công thẳng vào lãnh thổ Trung Hoa rồi thiết lập bang giao với cả nhà Tống và nhà Kim, cường quốc đã chiếm đóng phân nửa miền Bắc nước Tống!

Bên trong, nhà Lý xây dựng điển chế, phát triển giáo dục và phát huy Phật giáo, tạo dựng nền móng văn hoá riêng cho nước Nam. Nói đến nhà Lý, ta còn nhớ tới văn học, kiến trúc và tư tưởng rất độc đáo, trong đó có sự đóng góp của Phật giáo và cả văn hoá Chàm, đượm màu Ấn Độ. Ở bên dưới, sinh hoạt kinh tế cũng đã phát đạt hơn. Đại Việt khi ấy thực sự là cường quốc Đông Nam Á. Từ những mảnh vụn của chế độ Bắc thuộc mà gom lại thành một thực thể thống nhất và vững mạnh hơn, đó là công lao của nhà Lý.

Nhớ lại ngàn năm Thăng Long mà nhìn lại, chúng ta có thể học được những gì? Vận mệnh của Đại Việt được quyết định từ những nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý rất xa xưa mà ta đã quên rồi.

Sau khi giành lại quyền tự chủ từ hơn ngàn năm Bắc thuộc, nước ta xây dựng được nền móng vững bền hơn cho quyền độc lập là từ thời Thái tổ Lý Công Uẩn trở về sau. Đại Việt đã kịp củng cố sức mạnh sau một giai đoạn nhiễu nhương kéo dài 70 năm. Trong giai đoạn ấy, Lê Đại Hành ngăn được quân Tống năm 981 nên tạo điều kiện cho nhà Lý và danh tướng Lý Thường Kiệt có sức bật gần trăm năm sau. Cũng vậy, nước Nam dưới nhà Lý đã phát huy được cái Việt tính cần thiết cho nhà Trần để ba lần đánh bại đạo quân đã tiêu diệt cả nhà Đại Tống và nhà Cao Ly và làm chủ từ Trung Á đến phân nửa Âu Châu. Sức mạnh ấy không chỉ kết tụ trong triều đình hay tầng lớp vương công quý tộc nhà Trần.

Oán nhà Trần hoặc luyến tiếc nhà Lý là chuyện của tầng lớp ở trên. Cũng thế, chê nhà Lý tội cướp ngôi của con cháu Lê Đại Hành là chuyện vặt. Nhưng lại là chuyện lớn của những kẻ viết sử theo kiểu “ăn cây nào rào cây nấy”. Trong quãng mây mù của thời gian, trải ngàn năm cho đến nay, thì quan điểm của những kẻ viết sử kiểu đó vẫn còn ảnh hưởng cho đến đời sau.

Nếu nhìn rộng ra ngoài, từ Đông qua Tây, ta mừng là Đại Việt có nhà Lý. Ngàn năm Thăng Long đánh dấu thời điểm sinh tử ấy. Sau đó, ta mới nhìn thêm là loạn thì dễ, chứ trị mới là khó. Khó nhất là khi những kẻ có quyền lại sợ loạn mà bóp nghẹt mọi khả năng suy nghĩ hoặc hành động nằm ngoài cõi chính thống. Đại Tống bại vong vì hiện tượng tư tưởng ấy. Và nếu triều đình chỉ nghĩ đến mình thì trị vẫn đổi thành loạn. Nhà Cao Ly trong cùng thời đại là trường hợp tiêu biểu.

Sau hai đời Lý và Trần, nhà Lê bắt đầu đi vào vết xe đổ tai hại này khi dựng Thánh giáo của phương Bắc thành chính giáo. Tầng lớp ưu tú nước Nam học đúng phép ổn định của phương Bắc và tưởng là tự Vương hoá mà thật ra là bị Hán hoá, với ngần ấy hậu quả bi thảm. Trong khi đó, cõi Âu Châu man rợ đã chuyển mình và sau thời Phục Hưng đã dần dần thoát xác… Khi Âu châu trưởng thành từ cuộc cách mạng văn hoá thế kỷ 16, tôn giáo vào thế kỷ 17, rồi chính trị vào thế kỷ 18, rồi khoa học kỹ thuật vào thế kỷ 19, chúng ta vẫn bơi trong dòng tư tưởng Bắc thuộc.

Leo lên đỉnh cao mà không xuống được nữa!

Sau thời Bắc thuộc bất đắc dĩ và kéo dài quá lâu, chúng ta lại có gần trăm năm Pháp thuộc. Rồi ra sức học hết (...) của cả Tầu và Tây. Là chuyện hôm nay…. khi Thăng Long và các dấu tích Lý, Trần, Lê (...) dưới những kiến trúc (...). Và sau (...) hiện hữu của (...), đất nước có thể trôi vào thời kỳ (...) mới, theo “(...)”, khi cả thế giới đã tiến qua thế kỷ 21.

Bước vào một năm mới và nhớ đến chuyện ngàn năm, chúng ta biết nói sao? Ôi Thăng Long! Ôi Thăng Long!...[NXN]

source

Viet Tribune Online

Cảnh báo về các dự án cho thuê rừng

Rừng đầu nguồn bị tàn phá (ảnh minh họa)

Đã có nhiều báo động đỏ về tàn phá rừng đầu nguồn

Hai nhà lão thành cách mạng vừa lên tiếng cảnh báo về việc Việt Nam cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng trong khi địa phương bác bỏ quan ngại.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cuối tháng trước đã công bố lá thư về việc 10 tỉnh trong nước "đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305.3534 ha, trong đó Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264.000 ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới".

Các tỉnh đã ký hợp đồng cho nước ngoài thuê đất nằm ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.

Hai ông vạch rõ trong lá thư: "Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia" và "Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn".

Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo.

Thư của hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh

Theo phân tích của họ, tiềm ẩn hiểm họa là ở chỗ nước ngoài đã thuê được đất thì cũng có thể "phá rừng vô tội vạ".

"Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo."

Hai vị cựu tướng cũng cảnh báo về nguy cơ di dân, nhất là từ Trung Quốc, vào để thực hiện các dự án thuê rừng này.

Họ yêu cầu đình chỉ các dự án cho thuê rừng ngay lập tức.

Bức thư của hai ông khi công bố đã gây chú ý đặc biệt của dư luận, vì đất đai là tài sản quốc gia, và các mảnh đất địa đầu có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng.

Đây không phải lần đầu tiên các vị lão thành cách mạng phản đối các dự án khai thác nguồn lợi thiên nhiên ở Việt Nam mà theo họ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và xã hội.

Một số cựu tướng lãnh, trong có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, từng lên tiếng về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhưng các dự án vẫn được tiến hành.

'Không cho thuê rừng phòng hộ'

Riêng tại tỉnh Lạng Sơn giáp với Trung Quốc, hiện đã có hai dự án cho nước ngoài thuê rừng.

Dự án thứ nhất đang được triển khai gồm 63.000 ha trồng rừng gỗ nguyên liệu cao cấp tại địa bàn 7 huyện. Dự án thứ hai chưa thực hiện gồm gần 9.500 ha trồng gỗ nguyên liệu bột giấy tại 4 huyện.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn bác bỏ quan ngại về nguy cơ "mất rừng". Ông Đào Đức Hoan, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, nói với BBC rằng khi cấp phép cho các dự án, chính quyền địa phương đã cân nhắc kỹ lưỡng "vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quốc gia".

Khi cấp phép cho các dự án, chính quyền địa phương đã cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quốc gia.

Chánh VP UBND tỉnh Lạng Sơn Đào Đức Hoan

Ông Lý Vinh Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lạng Sơn, thì khẳng định rằng đất giao cho chủ đầu tư nước ngoài hoàn toàn là "rừng sản xuất chứ không phải rừng phòng hộ" và "không có mua bán đất đai, chuyển nhượng sở hữu mà chỉ có cho thuê".

Ông Quang cũng nói cơ quan Tài nguyên-Môi trường tỉnh có cơ chế để giám sát các dự án sao cho bảo đảm về môi trường lâu dài và việc cho thuê đất được thực hiện theo đúng quy trình quy định của Nhà nước.

Nhận định về lá thư của các vị lão thành cách mạng nói ở trên, ông cho rằng đây "chỉ là ý kiến cá nhân", "có thể bắt nguồn từ thông tin không đúng và sai lệch".

Ông Lý Vinh Quang cũng bác bỏ quan ngại về yếu tố Trung Quốc trong các dự án, với lý do rằng quá trình thẩm định không phân biệt nhà đầu tư đến từ nước nào.
source
BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment