Wednesday, 24 November 2010
Monday, 22 November 2010
Thâm nhập chốt quân sự nơi InnovGreen trồng rừng

- Phóng viên VietNamNet có chuyến thâm nhập khu vực biên giới Việt - Trung tỉnh Lạng Sơn, nơi Cty InnovGreen tiến hành làm đường trồng rừng ngay chốt quân sự 558.
Tại xã Tân Minh (huệnTràng Định, Lạng Sơn), doanh nghiệp này đã phá bỏ 12.000m2 rừng tự nhiên (theo số liệu của cơ quan chức năng Lạng Sơn) để làm đường lên biên giới; tiến hành cuốc hố để trồng rừng ngay trên chốt quân sự 558, cạnh đó là đầy rẫy những con “đường xương cá” qua các quả đồi sát ngay biên giới Việt Trung.
Theo thông tin mà ông Trần Văn Bào, PCT UBND xã Tân Minh, thì có điểm doanh nghiệp nước ngoài này trồng rừng chỉ cách đường phân định biên giới chỉ khoảng 700m, đường chim bay.
Phá bỏ 12.000 m2 rừng, làm đường lên biên giới
Từ con đường mà Cty InnovGreen nối các khu đồi núi trong khu vực phòng thủ quân sự then chốt của huyện Tràng Định, nhóm phóng viên VietNamNet lại ngược theo tỉnh lộ 229 để đến xã Tân Minh, một xã biên giới đặc biệt khó khăn. Nơi “đất rộng, người thưa”, người dân vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Con đường do Cty IG tại xã Tân Minh được bắt đầu tại ngã ba Nà Pẻn - Nà Pùng. Từ đây,
con đường này kéo dài qua khu vực rừng tự nhiên rồi đến sát khu vực biên giới.
Nơi có chốt quân sự 558. Ảnh: Duy Tuấn
Con đường tỉnh lộ này chỉ rải nhựa được khoảng 20km, khi đến khu vực xã Trung Thành nó cắt thành 2 nhánh. Một nhánh đi lên Bình Độ, còn một nhánh khác đi vào xã biên giới Tân Minh. Quả thật nói là tỉnh lộ nhưng trông “nó” không khác gì con đường mòn vào núi là mấy.
Ông Trần Văn Bào, PCT UBND xã Tân Minh tự hào nói với chúng tôi về tình hình công tác bảo vệ rừng trong những năm qua. Ông cho biết, xã Tân Minh có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, riêng về độ che phủ thì đứng nhất nhì ở huyện Tràng Định.
Niềm vui từ việc bảo vệ rừng chợt tắt ngúm khi chúng tôi hỏi về tình hình Cty IG vào thuê đất trồng rừng trong xã. Ông lắc đầu ngán ngẩm vì đã 2 năm rồi từ khi dự án này vào nhưng chưa mang lại được lợi ích gì cho bà con và địa phương.
Thậm chí cách đây 3 tháng, Cty này đã đưa hàng chục người từ địa phương khác đến lao động nhưng không có giấy tờ hợp lệ nên lực lượng biên phòng đã trục xuất ra khỏi khu vực “vành đai biên giới”.
Những đường xương cá do Cty IG mở, chạy song song với tuyến đường của công ty này
đi lên khu vực biên giới. Ảnh: Duy Tuấn
thành thủ tục thuê đất thì Cty IG đã tiến hành trồng rừng, làm đường.
Địa điểm công ty có nguồn gốc nước ngoài này vào lập hồ sơ thuê đất trồng rừng bao gồm 2 thôn Nà Pùng và bản Kiêng (sát đường phân định biên giới Việt - Trung) với diện tích dự kiến là 200ha. Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, khi chưa hoàn
“Chúng tôi chưa nhìn thấy giấy tờ thuê đất hợp lệ .Bước đầu họ đặt vấn đề là thuê đất 50 năm. Chúng tôi thấy bất ổn quá nên đặt vấn đề với công ty hạ xuống. Thực ra người dân rất lo cho tương lai con cháu. Nếu công ty sở hữu hết đất trong vòng 50 năm thì trong khoảng thời gian đó con cháu chúng tôi sẽ không có đất để sản xuất và khó mà kiểm soát. Chính vì vậy nhiều bà con đã không nhất trí”, ông Bào nói.
Nhóm P.V quyết định đi vào khu vực rừng mà doanh nghiệp này đã tiến hành trồng và làm đường. Ông Bào cũng 1 chiến sỹ biên phòng thuộc biên chế Đồn biên phòng Hàm Nghi tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi.
Từ trụ sở xã, đi tiếp khoảng 3km nữa thì kết thúc tỉnh lộ 229, đến địa bàn thôn Nà Pùng, điểm đầu tiên của khu vực trồng rừng của công ty IG. Từ khi công ty này chưa có mặt, đây vẫn là khu vực rừng tự nhiên được chính quyền và nhân dân chăm sóc bảo vệ, muốn vào rừng chỉ có những con đường mòn.
Khu vực trồng rừng, làm đường của Cty IG tại xã Tân Minh nằm trọn trong vành đai biên giới.
Vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Thế nhưng, quá trình thẩm định, cấp phép cho dự
án 50 năm này tại Lạng Sơn không có sự tham gia của các cơ quan này. Ảnh: H. Sang
Quả thật, có đi vào rừng Tân Minh mới thấy lời của vị phó chủ tịch xã nói là đúng. Rừng tự nhiên ở đây có độ che phủ khá lớn, rất ít đồi trọc, có cả những cây thân gỗ to 40-50cm.
Ông Bào tiếp tục câu chuyện: “Bắt đầu từ ngã 3 Nà Pẻn – Nà Pùng này là đường do công ty IG. Chúng tôi chưa thấy một loại giấy tờ nào hữu hiệu của cấp có thẩm quyền cho phép. Họ làm các đường xương cá đi vào các khu rừng, chặt hạ nhiều diện tích rừng tự nhiên mà chúng tôi đã bảo vệ mấy chục năm. Tôi tính phải phá bỏ mấy trăm m3 gỗ chứ không ít”.
Năm 2008, người của công ty này đã mang máy ủi, xúc vào và tiến hành làm đường mà không có sự giám sát hay đồng ý bằng văn bản nào của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bởi khi làm đường vào rừng thì cũng đồng nghĩa với việc phải phá bỏ một diện tích rừng khá lớn.
Theo một tài liệu đáng tin cậy thì khi làm đường vào rừng ở thôn Nà Pùng và bản Kiêng, Cty IG đã phá bỏ 12.000 m2 rừng tự nhiên.
Mặc dù đã hơn 1 năm nhưng trên đoạn đường này vẫn còn sót lại rất nhiều khúc gỗ lớn, có đường kính 40-50cm, rồi những gốc cây lớn nằm rải rác bên đường vào. Ông Bào xót xa nói: Họ (Cty IG) tự động đưa máy móc vào làm. Số lượng rừng bị phá khá lớn. Diện tích rừng bị phá để làm đường đều là rừng tự nhiên, gỗ thì toàn loại gỗ nhóm 4”.
“Trận địa đường xương cá” cạnh chốt quân sự 558
Một cảm giác choáng ngợp khi bắt gặp cảnh những con đường đỏ chạy khắp các quả đồi ở khu vực này. Ông Bào cho biết, những con đường này đều do công ty IG làm để đi vào khu vực trồng rừng.
Chốt quân sự 558 trên biên giới ở xã Tân Minh, nơi Cty IG cuốc hố để trồng cây ngay trên
sườn, làm đường ở dưới chân núi. Ảnh: Duy Tuấn
Đường vào rừng không phải chỉ một đường nối các quả núi lại với nhau mà cạnh đó là những con đường nhỏ, rẽ vào các lối mà ông Bào ví von: Như kiểu trận địa đường xương cá ở khu vực biên giới.
Chỉ tay vào con đường phía đỉnh núi xa xa, ông Bào nói: Một bên là đường tuần tra biên giới, bên kia đã là đất Trung Quốc rồi. Điểm trồng rừng của Cty IG sát đường biên nhất chỉ cách độ khoảng 700m, tính theo đường chim bay.
Trên đường vào khu vực rừng của InnovGreen ở Tân Minh chúng tôi được nghe nói đến cái tên “chốt quân sự 558” nằm sát biên giới. Theo lời ông Phó chủ tịch xã Tân Minh, chốt quân sự này có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Là một lãnh đạo xã biên giới, ông Bào hiểu được sự phức tạp trong công cuộc bảo vệ biên cương, giữ từng tấc đất, cây rừng của cha ông để lại.
Chúng tôi quyết định thâm nhập “điểm cao 558” sau khi được sự cho phép của lãnh đạo xã và lực lượng biên phòng. Trước khi đi ông Bào có dặn, phải quan sát từ xa, không được leo lên đỉnh núi đấy vì có thể vấp phải vật liệu nổ còn sót lại.
Đường do Cty IG mở, chạy qua các đồi cao trên biên giới tại xã Tân Minh. Ảnh: Duy Tuấn
Điểm cao 558 là một đỉnh núi sừng sừng, cao nhất trong khu vực biên giới mà chúng tôi có mặt. Trên đồi chỉ có thảm cỏ xanh, ngoài ra không có cây cối gì. Sửng sốt hơn khi tiếp nhận thông tin, con đường nằm ngay dưới chân quả đồi này là do Cty IG làm. Nếu tính từ đỉnh núi xuống đường của IG thì chỉ khoảng độ 100m.
“Đứng trên đỉnh núi 558 có thể bao quát được cả xã Tân Minh, Trung Thành, Đội Cấn, Quốc Khánh và cả xã biên giới cạnh đó là Đào Viên nữa. Vì thế nó có vị trí rất quan trọng và nhạy cảm về quốc phòng an ninh, bảo vệ biên giới”, vị phó chủ tịch xã nói tiếp.
Trên đồi 558 xuất hiện những hố nhỏ, trông rất đều, thẳng hàng do con người tạo nên mà đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy. Thấy chúng tôi phân vân, ông Bào liền nói: Đó là những dãy hố do công ty IG thuê người đào để trồng cây. Nếu tính từ hàng cuối cùng lên đến đỉnh đồi chỉ khoảng 40m.
Tuy không phải là nhà chiến lược quân sự, nhưng từ sau khi được đi tham quan rừng của Cty IG ở Quảng Ninh, vị phó chủ tịch xã biên giới này tỏ ra lo lắng:
“Đỉnh núi Khau Tét ở xã Hùng Việt cao lắm, về quốc phòng rất lợi, kinh tế không lợi mấy, thế nhưng Cty IG đã tốn bao nhiêu tiền của để mở đường, cho máy móc làm thành con đường xoắn ốc lên đỉnh.
Rừng bạch đàn của Cty IG đã được trồng ở khu vực này. Con đường đất đó phía trên được
kéo dài tới sát đường tuần tra biên giới Việt Trung. Ảnh: Duy Tuấn
Nghiệm lại Tân Minh chúng tôi Cty này nhắm vào điểm cao, là điểm tựa bảo vệ địa bàn xã này khi có biến. Tôi thấy về mặt quân sự không đảm bảo. Cty IG vào xã tôi lập hồ sơ thuê đất 50 năm, trong diện tích dự kiến thì chủ yếu là khu vực sát với đường biên, lại có cả chốt quân sự, nhiều điểm cao, nếu có tình huống gì xẩy ra thì khó mà kiểm soát”.
Ông Bào nói tiếp, chỉ 200 ha ở xã Tân Minh mà công ty đầu tư lớn để mở nhiều con đường, sát ngay biên giới. Tôi nghĩ về kinh tế thì rất nhỏ, không phải là mục đích cơ bản. Chẳng qua là lấy cớ thông qua mục đích kinh tế theo ý của họ?
Thực tế ở xã Tân Minh khiến chúng tôi nhớ lại lời của ông Lý Vì, Bí thư xã Hà Lâu (Tiên Yên, Quảng Ninh) trong lần thứ 2 quay lại. Chúng tôi có thắc mắc là vì sao công ty hứa làm đường nhưng đã 3 năm rồi vẫn chưa thấy thì ông Vì có nói: Phải được thuê với diện tích lớn họ mới mở đường, chứ ở xã này chỉ có hơn 400 ha nên chắc họ không mở.
Đối sánh với việc ở xã Tân Minh, chỉ có 200 ha dự kiến được thuê nhưng doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài này “tích cực” đầu tư làm đường, mặc dù rừng chưa trồng được bao nhiêu. Những việc làm này liệu có cơ quan nào giám sát?
Với vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng như lo ngại của lãnh đạo xã này, không biết mục đích thực sự của doanh nghiêp này có phải là kinh tế không?
Duy Tuấn - Hoàng Sang - Trường Giang
source
http://www40.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/347/tham-nhap-chot-quan-su-noi-innovgreen-trong-rung.html
Sunday, 21 November 2010
Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể


Ngày 16/11 vừa qua, tại Nairobi (Kenia), UNESCO đã chính thức công nhận 46 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc (thuộc Hà Nội). Như vậy, Hội Gióng là di sản phi vật thể thứ năm của Việt Nam được xếp hạng này, tiếp theo Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù Hải Dương.
Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc vừa được Unesco công nhận là một sự kiện văn hóa quan trọng tại Việt Nam, đặc biệt hơn là quá trình công nhận đã diễn ra hết sức nhanh chóng, gây bất ngờ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, đối với các chủ thể của di sản, đối với những người quản lý, cũng như công chúng, là bảo vệ di sản khỏi các nguy cơ chính trị hóa, nhà nước hóa, và những ảnh hưởng của du lịch, có khả năng làm di sản bị biến dạng.
Sau đây, mời quí vị theo dõi một số nhận xét của giáo sư Ngô Đức Thịnh, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa của các cộng đồng truyền thống tại Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, và là một trong những người tham gia xây dựng và phản biện hồ sơ Hội Gióng, trước khi trình UNESCO.
|
RFI : Giáo sư có thể cho biết những ý kiến của giáo sư về việc vì sao hồ sơ Hội Gióng lại được Unesco chọn làm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ?
Ngô Đức Thịnh : Tôi có thể nói gọn lại có bốn nét đặc sắc như thế này. Thứ nhất, mình cứ quen gọi là Hội Gióng thôi, chứ đây thực ra Hội Gióng là một vùng, với hai điểm chính là Sóc Sơn và Phù Đổng. Phù Đổng, thì anh biết, là nơi sinh ra Đức Thánh Gióng, và Người đã lớn lên ở đó, và đã ra đi đánh giặc. Còn Sóc Sơn là khi Ngài đã đánh giặc xong, thì Ngài lên núi Đá Chồng, Ngài bay về trời. Hiện nay, nhân dịp nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, người ta đã dựng lên một bức tượng đồng ở đấy.
Nhưng thực ra cả vùng bán sơn địa đó liên quan đến nghi lễ Hội Gióng. Có hàng chục điểm gắn với các sự kiện, gắn với những di tích, truyền thuyết và lễ hội. Thí dụ những nơi, sau khi đánh giặc xong, Ngài cởi áo giáp, Ngài tắm, Ngài ngồi ăn cơm, trước khi đến Sóc Sơn cởi áo giáp bay lên trời. Có những nơi Ngài đánh giặc đi qua, thì nhân dân đang làm đồng, cũng vác vồ, vác cuốc đi theo Ngài. Theo nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, có hàng mấy chục di tích, dân vẫn còn lưu giữ huyền thoại, có nơi còn giữ được cả nơi thờ, và các phong tục.
Cái vùng ngoài cùng của huyền thoại Thánh Gióng còn rộng hơn nữa. Nó kéo dài đến tận phía nam của Hà Nội và phía bắc của Hà Tây (cũ), thí dụ chỗ Pháp Vân, hiện nay vẫn còn nơi thờ Ngài. Ở đấy, lại có một variant (biến thể) khác, liên quan đến Thánh Gióng. Ví dụ, khi Thánh Gióng đã về trời rồi, một lần mẹ Ngài ra sông bị thuồng luồng, một loại thủy thần bắt, thì Ngài quay trở lại giết thủy quái đó để cứu mẹ.
Như vậy, có cả một không gian truyền thuyết, huyền thoại, nghi lễ và phong tục liên quan đến Thánh Gióng.
Điểm thứ hai là : ngoài phân bố trong một không gian như vậy, Hội Gióng còn có một lịch sử rất lâu dài. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các trầm tích khác nhau. Về bản chất, ban đầu, Hội Gióng chính là một lễ hội nông nghiệp. Anh biết, thần Sấm chính là bố của Ngài, trong một đêm giông, đã về để lại một vết chân ở vườn cà. Khi bà mẹ, sáng hôm sau ra, ướm chân lên vết chân khổng lồ đó và đã sinh thành ra Thánh Gióng. Ngày lễ hội là vào đúng tháng 4, đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, và bắt đầu những trận mưa đầu mùa, mở đầu cho một mùa gieo trồng. Cho nên, trong những ngày Hội Gióng, có những đám mây giông, rồi có những tiếng vần vũ, thì người dân vẫn nói : « à, Ngài đã về ».
Trong Hội Gióng, quân của Gióng là nam giới, biểu tượng cho dương, quân của giặc Ân là các cô gái đồng trinh là biểu tượng cho âm. Cuộc xung đột mang tính ta-địch như vậy, chính là một cuộc xung đột và giao hòa giữa âm và dương. Trong vũ trụ luận của người Việt Nam, sự giao hòa âm dương như vậy sẽ mang lại trời đất thuận hòa và sức khỏe cho con người. Có điểm đặc biệt là : sau khi xong trận đánh, cả quân ta với quân địch đều về đền Gióng để ăn khao. Xung đột và hòa hợp, chính là âm dương. Cho nên, lớp sớm nhất của Hội Gióng chính là một nghi lễ nông nghiệp. Sau này, theo chúng tôi biết, đến thời Lý, hoạt động này trở thành một lễ hội mang biểu tượng chống ngoại xâm như anh thấy.
Đấy là cái điểm độc đáo của Hội Gióng, vừa có một không gian rộng, lại vừa có một chiều sâu lịch sử.
Điểm độc đáo này cũng liên quan đến biểu tượng chống ngoại xâm. Phải nói là chống ngoại xâm thì dân tộc nào cũng có. Nhưng có lẽ, hiếm có dân tộc nào biểu hiện tinh thần chống ngoại xâm bằng hình tượng một đứa trẻ lên ba cất tiếng nói đầu tiên là đòi đi đánh giặc để cứu nước. Tôi chưa thấy dân tộc nào sáng tạo ra được hình tượng của một lòng yêu nước, của chủ nghĩa yêu nước như là Thánh Gióng. Ở đây, có một điều cần phải nói rõ : Gióng vừa là biểu tượng của chống ngoại xâm, vừa là biểu tượng của hòa bình. Ngài xuất hiện, Ngài đánh giặc xong, Ngài bay về trời. Điều đó thể hiện khát vọng chống ngoại xâm và khát vọng hòa bình của con người Việt Nam chúng ta. Đó là không phải là vấn đề của riêng dân tộc. Vấn đề Chiến tranh và Hòa bình là một biểu tượng và vấn đề tư tưởng của nhân loại. Chúng tôi đã cố gắng cắt nghĩa như vậy.
Điểm thứ ba độc đáo của Hội Gióng là những tư tưởng như vậy được thể hiện bằng những diễn xướng hết sức độc đáo. Điều này rất hiếm có trong các lễ hội ở đất nước chúng ta. Hàng loạt diễn xướng đã xảy ra. Một số diễn xướng tiêu biểu là múa hát Ải Lao (xuất phát từ sự tham gia của đội múa hát người Lào), trước khi Gióng cất quân đi đánh giặc. Rồi những đám rước đi đánh giặc, và đặc biệt là ba trận đánh của Gióng, diễn ra một cách hết sức biểu trưng, với việc người ta trải ba cái chiếu là biểu tượng của ba cánh đồng. Rồi trên mỗi cái chiếu như vậy, đặt một tờ giấy là biểu tượng của mây, và trên tờ giấy đó, có úp một cái bát là biểu tượng của đồi núi. Gióng đánh giặc bằng cách phất cờ và lấy chân đá tung cái bát đi, để nói rằng sức mạnh của Gióng là sức mạnh bạt núi băng rừng. Các cụ ngày xưa đã nói đến sức mạnh của Gióng, đến việc đánh nhau của Gióng bằng ngôn ngữ biểu tượng như vậy.
Cái biểu tượng cuối cùng độc đáo của Gióng là tính chất nhân dân. Tôi cũng không hiểu vì sao Hội Gióng ở ngay kinh đô Thăng Long hàng nghìn năm nay rồi, mà hầu như không có dấu ấn của nhà nước ở đó. Vốn xưa là hội làng, nhưng Lý Công Uẩn chính là người có công biến Hội Gióng từ một hội có tính chất làng trở thành hội vùng. Lý Công Uẩn trước đó đã từng đi tu tại chùa Kiến Sơ ngay cạnh đền Gióng. Nhưng đặc biệt Hội Gióng thể hiện tính nhân dân. Nhân dân bỏ tiền, nhân dân góp sức, nhân dân tham gia vào tất cả các hoạt động trong lễ hội. Khi chúng tôi đề nghị, Unesco đánh giá rất cao cái này. Unesco tin rằng lễ hội này sẽ được bảo tồn. Vì theo quan điểm của Unesco, chính chủ thế văn hóa mới có thể bảo tồn được văn hóa đó. Mà Hội Gióng vốn là như vậy. Nhiều nơi, các hội bị « nhà nước hóa », bị « sân khấu hóa » rất ghê. Nhưng Hội Gióng vẫn giữ được tính chất nhân dân của nó.
Đây là bốn nét độc đáo của Hội Gióng, tôi nhắc lại, nó không chỉ là biểu trưng mang tính chẩt dân tộc, mà nó còn mang tính chất nhân loại. Unesco công nhận Hội Gióng vì là như vậy.
RFI : Mặc dù hồ sơ này được đánh giá rất cao, nhưng trong quá trình lập hồ sơ và xét hồ sơ, có những khó khăn gì không ạ ?
Ngô Đức Thịnh : Khó khăn nhất là lúc đầu Hà Nội chưa đặt vấn đề này, mà chúng ta đưa ra hồ sơ Hoàng Thành Thăng Long. Nhưng giữa chừng, hồ sơ Hoàng Thành có rất nhiều cái cản trở và có nguy cơ không được công nhận. Cho nên trong tinh thần như vậy, thì chẳng lẽ, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, lại không có « sự kiện » nào. Phải nói rằng, các nhà khoa học đã tập trung nhau lại, trong vòng có hai tháng thôi, để lập hồ sơ này. Nếu anh biết các hồ sơ Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng phải mất hai, ba năm, thì Hội Gióng là một hồ sơ nhanh một cách kỷ lục. Chúng tôi đều có nhận định là : thế nào Hội Gióng cũng được, bởi vì khi nghiên cứu nó tôi thấy độc đáo lắm. Cách đây mấy tháng, các nhà báo có phỏng vấn tôi, tôi nói : tất nhiên bây giờ không ai dám khẳng định, nhưng tôi tin chắc rằng sẽ được, vì tính chất độc đáo như tôi vừa nói.
RFI : Có thể nói là nhanh như Gióng ?
Ngô Đức Thịnh : Đúng vậy, nhanh như Gióng.
RFI : Tức là khó khăn không phải nằm ở phía bên kia ?
Ngô Đức Thịnh : Hồ sơ này đưa tới Unesco là họ chấp nhận ngay. Họ không đề nghị mình bổ sung cái gì thêm. Đấy là một cái hết sức độc đáo nữa. Còn các lễ hội khác, các sự kiện khác, sau khi họ chấp nhận rồi, thường là họ gợi ý anh làm cho tôi thêm cái này, cái kia. Hồ sơ Hội Gióng hầu như không phải bổ sung thêm gì. Xin nhắc lại với anh, đây là di sản phi vật thể về lễ hội đầu tiên của Việt Nam chúng ta. Nhưng nói gì thì nói, dù chúng ta rất vui mừng, phấn khởi, nhưng vấn đề hiện nay của chúng ta là phải bảo tồn.
RFI : Vâng, đây cũng chính là điều chúng tôi muốn hỏi giáo sư !
Ngô Đức Thịnh : Nguy cơ đấy ! Tôi rất lo là thế này. Nhân chuyện như thế này, cơ quan này, cơ quan khác, nhà nước nhảy vào, rồi lại chính trị hóa nó đi, rồi nhà nước hóa đi. Đây là một nguy cơ. Nguy cơ thứ hai là du lịch. Tất nhiên là chúng ta phải phát huy Hội Gióng bằng cách gắn nó với du lịch, chuyện này chính là một cách quảng bá cho di sản. Nhưng nếu du lịch vào mà không khéo, có khi lại phá Hội Gióng. Vấn đề là chúng ta nhận thức rõ những nguy cơ đó, mà có cách để bảo tồn, bảo vệ nó, giữ được những giá trị như tôi đã nói, và đưa Hội Gióng vào trong đời sống của người Việt Nam chúng ta. Có một điều thuận lợi là hội này nằm ngay cạnh Hà Nội, và bây giờ nó thuộc về Hà Nội, nhưng thuận lợi đó lại sinh ra nhiều chuyện như tôi đã nói. Những chuyện này mình nhận thức trước, đưa ra cảnh báo trước, để đề phòng những khuynh hướng sẽ làm mất đi giá trị của nó.
RFI : Có một chi tiết, tuy nhỏ, nhưng cũng có nhiều người quan tâm, đó là ở Việt Nam, thường gọi là « lễ hội », nhưng trong trường hợp này lại gọi là Hội Gióng, vậy thì việc bớt đi chữ « lễ » ở đây có bao hàm ý nghĩa gì không ?
Ngô Đức Thịnh : Thực ra các cụ hồi xưa gọi là « hội », có khi gọi là « đám ». Làng tôi « vào đám », tức là « vào hội », thường là vào hội. Cách nói này là của quần chúng. Nên khi sử dụng chúng tôi lấy cái tên dân gian, lấy đúng tên như vậy là hay nhất. Còn « lễ hội » là một thuật ngữ mang tính khoa học.
RFI : Về biểu tượng Gióng có nhiều cách giải thích khác nhau, như những điều giáo sư đã nói ở trên, trong hồ sơ chính thức, đấy là một cách giải thích. Cách giải thích này mang nhiều ý nghĩa tích cực. Nhưng, cũng có những người, những nhà nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, có những phê phán. Ví dụ như họ cho rằng, việc Gióng đi về trời là một hành động rời bỏ xã hội, và cũng có thể là đi về với cái thế giới của quyền lực, mà xa cách với nhân quần.
Ngô Đức Thịnh : Không, tôi cho rằng biểu tượng Gióng về trời là một biểu tượng quá đẹp, để nói rằng : khi có lâm nguy, Gióng với tư cách là một thiên thần, người nhà trời, con của ông thần sấm, đã xuống và ông đã làm hết trách nhiệm của mình là chống giặc và giải phóng cho quê hương. Xong cái việc đó, ông bay về trời một cách thanh thản. Cái hình tượng bay về trời này cực kỳ đẹp. Người ta còn bình luận : ở đó, có một cái gì đó rất là hay. Một con người mà công lao như vậy, làm một việc to lớn, vĩ đại như vậy, nhưng không màng đến sự danh lợi, không màng đến một đòi hỏi gì cả. Và trước khi ông về trời, ông đã cởi bộ giáp để lại, như anh thấy cái tượng bây giờ là một cái thân trần. Nhưng người họa sĩ, một tác giả bức tượng có nói với tôi đã khoác thêm lên mình ông một mảnh vải. Đấy, một con người hoàn toàn vô tư, không danh lợi. Hình tượng này để nói cho đời sau rằng : anh có công đấy, nhưng anh đừng có cậy công, anh đòi hỏi cái này, đòi hỏi cái kia.
Tôi cho rằng hình tượng bay về trời của Thánh Gióng cũng như nhiều vị thần khác cũng thế thôi. Đó gọi là « hóa », cái cách « sinh hóa » của thần. Sinh ra một cách thần kỳ và hóa cũng một cách thần kỳ. Sau này, rất nhiều người khi đánh giặc phải cầu đến Ngài. Thậm chí là khi mẹ bị thủy quái hãm hại, Ngài tức khắc có mặt và cứu mẹ. Người ta cũng nói rằng điều đó thể hiện tư tưởng hiếu thảo của người con. Cho nên hình tượng bay về trời không phải là một hình tượng vô trách nhiệm, đây là hình tượng của một người anh hùng.
RFI : Cách giáo sư giải thích là rất rõ, và nói đúng cái mặt tích cực của biểu tượng. Nhưng dường như, trong các biểu tượng của văn hóa truyền thống có sự đa nghĩa ?
Ngô Đức Thịnh : Tất nhiên là có sự đa nghĩa. Người ta có thể đọc được ở đó nhiều ý nghĩa khác nhau.
RFI : Như vậy, không biết, những người phê phán rằng Gióng đi như vậy, đến với một bầu trời cao như vậy, thì mặc dù vẫn có thể cầu đến khi cần, nhưng dù sao cũng thuộc về một thế giới quá xa xôi có phải không ạ ?
Ngô Đức Thịnh : Ngài có đi đâu đâu. Ngài vẫn ở trên trời, và khi có việc gì đó, sau này, có những người trong cuộc chiến chống ngoại xâm vẫn cầu đến sự trợ giúp của Ngài và Ngài đều có mặt. Ngài có đi đâu đâu, Ngài vẫn ở một nơi nào đó, và vẫn theo dõi vận mệnh của dân tộc, và khi vận mệnh của dân tộc có những hiểm nguy, thì Ngài luôn luôn có mặt. Tôi chưa thấy ai có thể lý giải theo kiểu như vậy. Ngài hoàn toàn không vô trách nhiệm, Ngài không bỏ mặc, Ngài về trời. Tôi cho rằng đấy là một hình tượng rất đẹp và đẹp như vậy nên chúng ta mới có được bức tượng như bây giờ là Thánh Gióng bay về trời.
RFI : Riêng về câu chuyện về bức tượng này liên quan đến một quá trình mới diễn ra. Bức tượng này có sự đầu tư của xã hội, đặc biệt là có sự đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cộng thêm vấn đề trái tim bằng đồng mà người ta đã đặt vào trong bức tượng. Giáo sư nghĩ như thế nào về những chuyện này. Việc có những thứ mới như vậy được thêm vào lịệu có làm thay đổi Hội Gióng không ?
Ngô Đức Thịnh : Tôi cho rằng việc làm trái tim cho Thánh Gióng và cho ngựa không cần thiết tý nào. Nó trần tục quá và không cần thiết. Thần linh không cần phải như vậy. Nhưng thôi, người ta làm với tấm lòng của người ta thì cũng được thôi. Nhưng cái đó theo tôi không quan trọng. Với thần linh không phải là như vậy.
RFI : Theo giáo sư, nếu bức tượng đó đã ra đời rồi, và có trái tim mang tính trần tục như vậy, thì liệu nó có ảnh hưởng gì đến di sản Hội Gióng hiện nay không ?
Ngô Đức Thịnh : Tôi nghĩ rằng không biết nó có ảnh hưởng không, nhưng mà việc đó là không cần thiết, có cũng được, không có cũng được. Có phải đâu là Thánh Gióng phải có trái tim thì mới là như vậy ?! Cái đó không nằm trong tâm thức của người dân. Nhưng mà thôi, người đời muốn làm như vậy thì cũng được. Không có chuyện gì. Cái chính là người ta đã làm cái việc "hô thần nhập tượng". Từ một cái tượng là vật chất thôi, nó đã mang linh hồn của vị thần linh rồi. Và như vậy, người ta đã đạt được cái ước vọng của người ta rồi. Còn có trái tim hay không, điều này không có gì là quan trọng.
RFI : Như vậy bây giờ, có thể hình dung là có hai biểu tượng về Thánh Gióng, một là trong tâm thức của người dân các làng, nơi tổ chức hội đó, và những người không phải là dân cư của những làng đó, và họ tưởng tượng về Thánh Gióng theo kiểu mới ?
Ngô Đức Thịnh : Vâng, cái này rất hay. Hôm tôi được mời lên chứng kiến lễ hô thần nhập tượng, tôi thấy có một điều rất là hay. Sức mạnh của Gióng là của nhân dân, của cộng đồng. Anh biết đấy. Sau khi Gióng đã nghe được lời cầu cứu của nhà vua, Gióng đã gọi sứ giả vào. Lúc đó, Gióng từ một đứa trẻ nằm trong nôi mới vươn mình lên. Mỗi ngày ông ăn 7 nong cà, 3 nong cà, mà cái đó là do toàn bộ dân làng góp sức lại. Cho nên cái sự vươn lên của Gióng trở thành khổng lồ như vậy, đó là sức mạnh của cộng đồng. Và bức tượng được làm như hiện nay, có sự góp sức của cộng đồng. Người góp nhiều, người góp ít. Thí dụ như có một người phụ nữ đã cúng tới mấy chục tấn đồng. Người ta kể với tôi, khi đúc tượng Ngài, có những người rút nhẫn ra ném vào, coi như cúng vào việc đó. Đấy cũng là sức mạnh của cộng đồng. Hai hình tượng, tuy nằm cách xa nhau hàng nghìn năm, nhưng đều nói lên rằng : sức mạnh đó là sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của cộng đồng. Không có cộng đồng, thì không có biểu tượng Gióng.
RFI : Xin trân trọng cảm ơn giáo sư.
source
RFI Vietnamese
Saturday, 20 November 2010
Cần có thái độ dứt khoát với “bể treo” bùn đỏ (26/10/2010)

| |||
|
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&Chitiet=19006&Style=1
Thursday, 18 November 2010
3.600 bộ hài cốt của quân Lữ Gia
Tận mắt hàng ngàn bộ xương trong lòng núi ở Hà Nội 19/11/2010 06:00
Chùa Thầy là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô. Mỗi năm có hàng vạn du khách tìm đến thưởng lãm, nhưng ít ai ngờ rằng, trong lòng ngọn núi nhỏ bé này lại có nhiều bí mật chưa được khám phá. Hai bí mật lớn nhất cho đến lúc này là con suối trong lòng núi chứa đầy xương cốt, mà người dân quanh vùng gọi là “suối xương” và một cái bể cũng chứa đầy xương, được gọi đơn giản là “bể xương”.
![]() |
Thủy đình của chùa Thầy. |
Theo truyền thuyết mà người dân trong vùng truyền miệng, hàng ngàn bộ hài cốt trong lòng núi là của nghĩa quân Lữ Gia, những người đã hy sinh bi tráng từ 2.100 năm trước. “Suối xương” đầy huyễn hoặc này sẽ chìm vào quên lãng nếu không có cuộc thám hiểm của mấy người nông dân sống quanh chân núi Sài Sơn.
Chùa Thầy nằm trên núi Sài Sơn (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây). Theo thuyết phong thủy thì núi Sài Sơn là con rồng lẻ đàn (Quái Long), sân chùa là lưỡi rồng, Thủy Đình là hòn ngọc, còn xung quanh thập lục kỳ sơn là quy phượng chầu về.
Giữa một vùng đồng ruộng bằng phẳng ven sông Đáy, bỗng đột khởi 16 tòa đá vôi (hiện chỉ còn 10, vì đã bị đánh mìn nghiền làm ximăng), mà cao nhất, đẹp nhất, linh ứng nhất vẫn là ngọn núi Sài Sơn. Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người đứng đầu phái Mật Tông đã chọn Sài Sơn làm nơi trụ trì cho đến ngày ngài hóa. Cũng từ đó, ngọn núi Sài Sơn với bao huyền tích được tô vẽ.
![]() |
Đường xuống hang Cắc Cớ, nơi có bể xương bí ẩn. |
Đứng ngoài cửa Thần Quang động, cô hướng dẫn viên du lịch kể rằng, hệ thống hang được ví như 9 tầng địa ngục. Thần Quang động có ánh sáng chiếu xuống, nơi có con quỷ án ngữ, tuyển các linh hồn lên cõi Niết bàn đầu thai làm kiếp khác, hoặc đày xuống âm phủ cho chó ngao, vạc dầu. Trên đường xuống âm phủ, linh hồn sẽ đi qua tầng thứ 3, nơi có con suối ngầm trong lòng núi, mà theo một số người từng khám phá, có rất nhiều xương cốt.
Đi theo lời tả của cô hướng dẫn viên, tôi lần mò xuống động. Vượt qua cửa hang Cắc Cớ nhỏ hẹp, tối om là đến một khoảng không gian rộng lớn. Một luồng sáng trắng chiếu thẳng từ trên đỉnh núi xuống càng tạo vẻ liêu trai. Người dân trong vùng gọi khu vực này là giếng trời, nơi cửa ngõ giữa thiên đường và địa ngục.
![]() |
Bể chứa rất nhiều hài cốt. |
Phía cuối động, bàn thờ bằng đá với tấm biển gắn dòng chữ “bàn thờ nghĩa quân Lữ Gia” nằm im lìm trong bóng đêm, khói hương lạnh lẽo. Vài đồng tiền lẻ rơi vãi quanh bát hương. Những gói bim bim được các nam thanh nữ tú để ở góc bàn thờ như một sự chia sẻ với người đã khuất.
Phía sau bàn thờ, nơi góc hang, có một cái bể xây sâu vào vách núi. Trên góc bể có một tấm biển đề “Bể hài cốt”. Bể được xây bởi những phiến đá lớn, để hở một ô nhỏ, vừa đủ một người thò đầu vào xem. Bài vị gắn chìm trong thành bể khắc dòng chữ: “Bảo Đại thập tam niên”. Phía bên phải và trái bể có những cột nhũ đá khổng lồ, sắc lên ánh vàng khi chiếu đèn pin vào. Những hướng dẫn viên du lịch thuyết trình rằng, đó là những vị thần canh giấc cho nghĩa quân.
Tôi dùng đèn pin rọi vào vào miệng bể, rồi thò đầu vào nhìn. Những khúc xương trắng hếu còn nguyên vẹn, đủ cả xương tay, xương chân, xương sườn, xương sọ… chồng đống, lộn xộn, không theo thứ tự gì. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Quả thực, tôi chưa từng nhìn thấy ở đâu có nhiều hài cốt đến vậy.
![]() |
Hài cốt chất đống trong bể. |
Qua bể xương này, có thể hình dung, trước đây, người ta xây cái bể này để gom xương khắp hang động rồi trút vào đó, mà không cần quan quách, tiểu sành, không xắp xếp thành hình hài gì cả.
Trên thành bể xây bằng đá này có tấm bia khắc dòng chữ bằng tiếng Hán với nội dung đại để: “Bể hận ngàn năm mãi khắc ghi”. Qua đó, có thể hiểu, bể xương này được xây dựng để ghi dấu ngàn đời nỗi hận bị xâm lược, mất nước.
Theo các cụ già thông thạo chữ Hán trong vùng, thì nội dung tấm bia này mô tả sơ lược về bể xương. Theo đó, bể được xây sâu xuống lòng núi 15m. Như vậy, với chiều dài chừng 3m, chiều ngang 2m, sâu 15m, “bể hận” này phải chứa hàng ngàn bộ hài cốt mới đầy đến như vậy. Một con số thật khủng khiếp, và sự quên lãng của thế hệ chúng ta với sự hy sinh này cũng thật đáng lưu tâm!
Cứ theo sự dẫn dắt của những câu chuyện trong truyền thuyết mà người dân quanh chân núi Sài Sơn kể, thì chỗ bể xương này mới chỉ là nơi giao hòa giữa địa ngục và thiêng đàng. “9 tầng địa ngục” còn sâu dưới lòng núi mà bắt đầu là cửa hang nhỏ xíu, chỉ vừa một người chui, sâu hun hút, dốc đứng phía sau bể xương khổng lồ.
Còn tiếp…
Vị Thủy
source
http://vtc.vn/394-269064/phong-su-kham-pha/tan-mat-hang-ngan-bo-xuong-trong-long-nui-o-ha-noi.htm
Những “lưỡi bừa” kiểm soát trục đường 4

- Nhóm phóng viên VietNamNet đã đi dọc các tuyến đường độc đạo, là mạch máu giao thông của khu vực Đông Bắc để xem Công ty InnovGreen đang làm gì ở đó.
Kỳ 1: InnovGreen đang làm gì trên biên giới Việt Nam?
Kỳ 2: Sự hoài nghi về dự án trồng rừng của InnovGreen
Kỳ 3: InnovGreen đã tạo “việc làm ổn định cho dân”?
LTS: Tháng 3/2010, loạt bài “Giao đất rừng cho công ty nước ngoài” khởi đăng trên báo VietNamNet đã thu hút sự chú ý của công luận. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm ngừng cấp phép các dự án, thẩm tra lại tòan bộ quy trình cấp phép trong việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài. Nhóm phóng viên VietNamNet đã miệt mài cắt rừng, lội suối, xâm nhập các địa bàn trọng yếu tại các vùng biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An), lên mạn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để chấm định vị các địa bàn xung yếu, phác thảo nên bức tranh tổng quát và lắng nghe tiếng nói của người dân các địa phương đang được xem là đối tượng hưởng lợi của các dự án trồng rừng này. Xin giới thiệu loạt bài “Công ty InnovGreen đang làm gì trên biên giới của chúng ta?” để độc giả có thể hiểu thêm về một siêu dự án trồng rừng sát khu vực biên giới. |
Khu tam giác kiểm soát đường 18
Theo thông tin chúng tôi có được, Công ty IG thuê đất tại tỉnh Quảng Ninh gồm 7 huyện và thành phố: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái. Trong giấy chứng nhận đầu tư, diện tích được ghi là 100.000 ha (chiếm gần ¼ tổng diện tích đất rừng toàn tỉnh).
![]() |
Con đường tuần tra biên giới, nằm sát cạnh sông Ka Long (phân định biên giới Việt Trung), nối liền Thành phố Móng Cái với xã Hải Sơn, cửa khẩu Bắc Phong Sinh rồi giao với tỉnh lộ 340, nối quốc lộ 18 với cửa khẩu này. Trong "tam giác" biên giới này, Cty InnovGreen có mặt tại 2 xã Quảng Thành và Hải Sơn với diện tích được cấp phép hơn 1000ha đất rừng. Ảnh: Duy Tuấn |
Cách thành phố Móng Cái chừng 5km, điểm cuối cùng của đường 18 từ TP. Hạ Long lên, trước khi qua cửa khẩu Móng Cái sang đất Trung Quốc, rẽ trái, có một tuyến đường kẹp dọc sông Ka Long ở phía Việt Nam, là đường tuần tra biên giới.
Đây là một con đường hẹp, được rải nhựa khá đẹp, chạy dọc bờ sông Ka Long, dẫn lên xã biên giới Hải Sơn, phía Việt Nam. Từ trung tâm xã Hải Sơn, chạy chừng vài km nữa là lên tới cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đoạn đường tuần tra này nối với tỉnh lộ 340 chạy ngược về đường 18.
Như vậy, 3 tuyến đường này hình thành một khu tam giác, lấy xã Hải Sơn làm trung tâm kiểm soát. Trong khu vực quản lý của xã này, công ty IG đã vào xin đất tại tiểu khu 346, chia làm 9 khoảnh, tổng diện tích là 1.113,30 ha.
![]() |
Chủ tịch xã biên giới Hải Sơn khi loay hoay mãi vẫn không thể tìm được một văn bản nào lưu ở UBND xã về dự án trồng rừng của Cty IG. Ảnh: GVT |
Ông Huy chỉ ước chừng 6-7km theo đường chim bay từ mép đường biên. Còn nếu muốn vào được tiểu khu 346 này, phải vòng theo tỉnh lộ 340 về gần xã Quảng Thành mới có đường lâm sinh do công ty IG mở, để tiếp cận khu đất này.
Chưa hết, ông Huy còn giật mình hơn khi chúng tôi cung cấp các văn bản, tài liệu về việc giao đất rừng cho công ty này, mà mãi đến tháng 5/2010 ông mới được nhìn thấy, mặc dù đó là một dự án nước ngoài đầu tư trên địa bàn xã ông quản lý. Và tại khu vực tiểu khu 346, có thông tin cho hay, công ty IG đã tiến hành trồng rừng, mở được 22km đường lâm sinh vào khu vực này.
Trong khi đó, theo quy định, toàn bộ các dự án nước ngoài vào khu vực biên giới cần có sự cho phép của lực lượng biên phòng. Hơn vậy, trên địa bàn xã Hải Sơn, vẫn đang có một đơn vị quân đội đóng chốt kết hợp làm kinh tế lâm nghiệp.
![]() |
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, nơi tiếp giáp giữa con đường từ Móng Cái qua và quốc lộ 18 lên. Trên 2 tuyến đường này đều rất gần với địa điểm trồng rừng của Cty InnovGreen tại xã Hải Sơn và Quảng Thành. “Neo” một dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trồng rừng vào sát nách một đơn vị quân đội, trên địa bàn một xã giáp biên, ngay sát đường tuần tra biên giới, Quảng Ninh sẽ kiểm soát như thế nào? Ảnh: Trường Giang |
“Neo” một dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trồng rừng vào sát nách một đơn vị quân đội, trên địa bàn một xã giáp biên, ngay sát đường tuần tra biên giới, Quảng Ninh sẽ kiểm soát như thế nào?
Chưa dừng lại, tại địa phận xã Quảng Thành (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), công ty IG tiến hành thuê đất tại khu vực điểm cao, chỉ nằm cách đường 18 chưa đầy 2km. Hiện, bạch đàn đã mọc xanh khu vực cho thuê đất. Theo người dân địa phương cho biết, khu vực công ty IG vào thuê đất tại xã này có tên là Dốc Đỏ, vốn là kho quân khí do một đơn vị quân đội quản lý, nay đã rút đi.
Những “lưỡi bừa” kiểm soát trục đường 4
Từ Tiên Yên (Quảng Ninh) là điểm đầu xuất phát của trục đường 4B sang Lạng Sơn. Huyện đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Quảng Ninh là Đình Lập. Tại huyện Đình Lập, Công ty IG có dự kiến vào thuê đất tại 3 xã: Bắc Xa, Đình Lập và Bính Xá, thì 2/3 xã đó là xã giáp biên giới.
![]() |
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập, Lạng Sơn đang cùng với phóng viên VietNamNet định vị các vị trí mà Cty IG có mặt dọc biên giới và trục đường độc đạo số 4. Riêng tại Đình Lập, trong giấy chứng nhận đầu tư do ông Nguyễn Văn Bình, PCT UBND tỉnh ký thì Cty IG có mặt ở 3 xã, trong đó có 2 xã là xã biên giới. Ảnh: Duy Tuấn |
Với tổng diện tích dự kiến thuê đất tại tỉnh Lạng Sơn là 63.000 ha, Công ty IG Lạng Sơn dự kiến đầu tư tại 49 xã thuộc 7 huyện: Đình Lập, Văn Quan, Lộc Bình, Chi Lăng, Cao Lộc, Bắc Sơn và Tràng Định. Trong 49 xã đó, có 5 xã giáp biên, gồm Bính Xá, Bắc Xa (huyện Đình Lập), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), Tân Minh, Đào Viên (huyện Tràng Định).
Ngay sau quyết định 405/TTg-KTN (ngày 9/3/2010) yêu cầu tạm ngừng cấp phép, rà soát lại các dự án trồng rừng và nuôi trồng thủy sản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định tạm ngừng các dự án của Công ty IG trên địa bàn tỉnh này, cho kiểm tra, ra soát lại.
Kết quả, Công ty IG đã có 14 hồ sơ xin thuê đất của 14 xã thuộc các huyện Chi Lăng, Tràng Định, Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc gửi Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn thẩm định với tổng diện tích xin thuê là 11.187,62ha.
Sở TN-MT tỉnh này đã trình UBND tỉnh 7 hồ sơ đủ điều kiện, tuy nhiên chỉ mới bàn giao thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (50 năm) 1 hồ sơ cho công ty này tại xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng) với diện tích 485,7ha.
![]() |
Di tích lịch sử Chiến thắng đường số 4 nhắc cho chúng ta nhớ về quá khứ một thời quân dân Việt Nam đã đổ bao xương máu để giữ gìn từng tấc đất cho tổ quốc. Đây là tuyến đường huyết mạch, độc đạo, có vị trí cực kỳ quan trọng, nối các tỉnh biên giới đông bắc Việt Nam. Ảnh: Trường Giang |
Trục đường 4B từ huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) sang Lạng Sơn, tới TP. Lạng Sơn thì bắt với đường 1A, lên tới Đồng Đăng thì rẽ trái nối với trục đường 4A, từ đó sang tới đất Cao Bằng, với huyện cuối cùng của tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Cao Bằng là huyện Tràng Định.
Dọc trục đường 4B có 2 địa danh đã lưu vào sử sách Việt Nam: Thất Khê, Đông Khê, nơi mà quân và dân vùng Đông Bắc đã tiến hành những trận đánh quyết tử chặn đường quân Pháp tiến đánh chiến khu cách mạng trong chiến dịch Biên giới 1950.
Thị trấn Thất Khê là thủ phủ của huyện biên giới Tràng Định. Nơi đây, ven đường 4A, ngay cổng vào UBND huyện này, còn lưu tấm bia ghi rõ “Di tích lịch sử Chiến thắng đường số 4”.
Cũng tại huyện này, Công ty IG đã trình hồ sơ xin đất qua Sở TN-MT lên UBND tỉnh Lạng Sơn xin đầu tư cả đất thuộc khu vực phòng thủ của xã Kháng Chiến, đất thuộc điểm chốt quân sự 558 tại xã Tân Minh, mà chúng tôi sẽ đề cập kỹ trong các bài viết sau.
Một cán bộ trinh sát của Tỉnh đội Lạng Sơn không ngần ngại “mách nước” cho cánh phóng viên vốn rất I-tờ về quân sự: “Mở bản đồ toàn tỉnh ra xem xét”.
Còn khi đã đi dọc tuyến đầu tư của Công ty IG tại 2 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, khi nối tất cả các điểm xin đầu tư của công ty này lại, đặc biệt là 49 xã thuộc 7 huyện của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi không tin nổi vào mắt mình: Toàn bộ tuyến đường 4A, 4B hoàn toàn bị kẹp chặt trong những dự án đầu tư của công ty này.
![]() |
Có người nhận xét, nhìn vào bản đồ thì có thể thấy những địa điểm mà Cty InnovGreen đầu tư thuê đất trồng rừng tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đều nhắm vào các vị trí nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, nằm dọc tuyến đường 18, đường số 4 (A, B), QL 1A và các xã biên giới hoặc điểm cao... Ảnh: Duy Tuấn |
Nếu nối theo đường cắt kéo, thì cách xin đất của IG chẳng khác gì những lưỡi bừa đang cày qua lại trên trục đường huyết mạch chiến lược này.
Xin nhắc lại: Đường 4 (gồm 4A, 4B, 4C) là trục giao thông huyết mạch của khu vực miền núi Đông Bắc. Còn chính Đại tá Hoàng Công Hàm (nay là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn) đã khẳng định với VietNamNet: “Chúng tôi chưa nắm được dự án thuê nhiều ha rừng của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh và cũng chưa thấy ai báo cáo về vấn đề đó”.
Trong quá trình thẩm tra, xác nhận của UBND các xã, chấp thuận của UBND các huyện và thẩm định hồ sơ thuê đất của Sở TN-MT, chưa có sự tham gia của cơ quan quân sự và biên phòng đối với khu vực biên giới và khu vực phòng thủ, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ không thể phủ nhận điều này.
Được biết, tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định tạm ngừng cấp phép các dự án của Công ty IG, xem xét lại toàn bộ quy trình và kiến nghị rút 5 xã biên giới ra khỏi diện tích dự án xin đầu tư của Công ty IG, như là một tín hiệu vui khi công luận đã lên tiếng cảnh báo.
- Trường Giang – Duy Tuấn - Hoàng Sang(còn nữa)
- source
- http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201011/Ky-4-Nhung-luoi-bua-kiem-soat-truc-duong-so-4-948060/
Saturday, 13 November 2010
TƯỞNG NHỚ ÔNG THỦ-KHOA BÙI-HỮU-NGHĨA

![]() |
Hai Van News