Bài và ảnh: Trần Công Nhung
Từ lâu lắm, tôi đã nghe danh “Mười tám thôn vườn trầu”. Cái tên gợi ra một hình ảnh đặc biệt về phong tục quê hương và như thấp thoáng có bóng giai nhân đâu đó. Chuyện Trầu Cau, một huyền thoại về duyên nợ vợ chồng mà ít ai không biết. Có trầu ắt phải có cau, trầu cau tạo nên màu hồng đằm thắm, đó là lý do tại sao lễ cưới hỏi không thể thiếu, dù ngày nay chẳng còn mấy ai ăn trầu.
Vườn trầu ai cũng biết khác hẳn vườn quít vuờn cam. Với tôi, “Mười tám thôn vườn trầu” phải có gì đó mới nổi tiếng, chứ chưa hẳn do trầu nhiều, trầu ngon.
Hỏi thăm chung chung không ai biết, chuyện bỏ qua, nhắc đến lại thắc mắc. Rủ bạn bè đi, chẳng ai hứng thú, bây giờ làm gì còn trầu mà xem, xem trầu để làm gì! Không đi lòng không yên (Vị đáo sành bình dạ bất tiêu).
Nhân những ngày ở nhờ nhà người bà con trên Tân Chánh Hiệp Đông, gần địa phương Vườn Trầu, tôi hỏi đường đi, người nhà sẵn lòng hướng dẫn, nhưng ý nghĩa sự tích, thì chỉ biết như mọi người. Đã mấy đời gốc gác anh ở Hóc Môn mà cứ như người phương xa đến ngụ.
Mấy năm trước đây tôi theo một vài anh em ở Sài Gòn lên Hóc Môn “săn ảnh” mây tre xã Xuân Thế Sơn, đường đi toàn đất đỏ, trời mưa thì sình lầy. Thôn quê miền Bắc, đường làng đổ bê tông, tráng nhựa, sạch sẽ khang trang hơn nhiều. Trong Nam, như Hóc Môn nay phần lớn đã thuộc địa phận thành phố Sài Gòn, thế mà đường sá vẫn còn đầy ổ gà ổ voi. Từ Tân Chánh Hiệp qua Bà Điểm, quanh co mấy đoạn đường rồi ra một con phố tương đối lớn.
Người dẫn đường tìm hỏi một chủ tiệm thuốc Tây về lai lịch “Mười Tám Thôn”, người đàn ông độ tuổi sáu mươi chỉ biết lơ mơ cho nên anh cũng không giúp được gì. Như vừa sực nhớ anh vui vẻ cho biết :
- Đây, hai ông tới tìm ông Tịnh, thầy thuốc nam, con ông Nguyễn An Ninh, gốc Hóc Môn Bà Điểm, hỏi là biết hết.
- Nhà ông Tịnh xa gần anh?
- Trên đây chút thôi, vô đường Nguyễn An Thủ có nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh.
Không hiểu trong “nhâm độn” chuyện “xuất hành” thật hay hư, chứ như thế này là linh ứng lắm. Tôi biết mình đã đi đúng hướng đúng giờ. Nguyễn An Ninh là nhà cách mạng trước 45, con ông giờ cũng ngoài tám chục. Tìm đến nhà ông thầy thuốc Nguyễn An Tịnh, thấy cổng đóng êm re. Số nhà 40/10 Ấp Hậu Lân xã Bà Điểm. Kêu cửa một lúc, có bà già lửng thửng bước ra. Thấy không phải bệnh nhân bốc thuốc, bà ngập ngừng muốn quay lui, tôi nói ngay mục đích viếng thăm. Bà vui vẻ, mở cổng mời vào.
Ngôi nhà tưởng niệm không lớn, mấy phòng nho nhỏ ngăn nắp, phòng thăm mạch bốc thuốc bên trái, giữa là nơi thờ tự, có tượng bán thân của Nguyễn An Ninh bằng thạch cao. Chúng tôi ngồi đợi một lúc thì ông Tịnh từ bên phòng mạch bước sang. Ông vui vẻ bắt tay, vừa lúc bà bưng lên mấy tách trà. Tôi thăm hỏi năm ba câu rồi vào đề:
- Thưa bác, năm nay bác đã được 80 chưa?
- Tám mươi tư rồi.
- Trông bác còn khỏe và tinh tường lắm.
- Có lẽ do nhờ nghề nghiệp tạo cho mình niềm vui. Mỗi khi giúp được người thoát bệnh hoạn thì cũng như chính mình được hưởng điều may mắn đó.
- Vâng, cổ nhân đã dạy, tâm hồn trong sáng thì thể xác lành mạnh. Thưa bác hôm nay rất tình cờ mà lại được gặp bác. Từ lâu tôi muốn tìm hiểu tại sao “Mười tám thôn vườn trầu” lại nổi tiếng, được nhiều người truyền tụng. Lúc nãy gặp một người quen cho biết đây chỉ có bác là hiểu rõ. Bác có thể cho hỏi vài điều được không?
- Được, ông cứ hỏi.
- Dạ theo tôi nghĩ 18 thôn vườn trầu được nhiều người biết chắc không phải do trầu ngon hay nhiều trầu.
- Ông nói đúng, 18 thôn nổi tiếng chính là do truyền thống cách mạng chống Pháp từ triều nhà Nguyễn. Ông cũng biết sau khi nhà Nguyễn nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp thì các ông Lãnh Binh Thủ Khoa Huân (1), Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, chiêu mộ nghĩa quân chống lại, cờ đề “Bình Tây Đại Nguyên Soái”. Triều đình Huế theo Tây, cho là phản loạn ra lệnh truy nã. Lúc bấy giờ ai cũng thấy rõ Pháp xâm lăng nước ta nên các ông Lãnh Binh đi đến đâu dân theo đến đấy. Tuy đông quân nhưng thiếu vũ khí và cũng chẳng được tập luyện gì nên cứ thua dài dài. Từ Chợ Lớn về Gò Công, Định Tường, Tân An, Đồng Tháp, cuối cùng rút về Đức Hòa Củ Chi giải tán. Nghĩa quân phân ra 18 thôn làm ăn lập gia đình. Tới thời Pháp, Mỹ, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm cũng lại được khơi dậy mạnh mẻ ở 18 thôn Vườn Trầu.
- Nhưng thực tế thì 18 thôn đều có trồng trầu?
- Đúng vậy, do thổ nhưỡng hạp với trầu, cũng như Bình Dương chôm chôm, Biên Hòa bưởi. Bây giờ thì chỉ một số ít nhà sâu trong xóm còn trồng chớ ai cũng kiếm việc khác làm ăn. 18 thôn nay là 18 xã thuộc huyện Hóc Môn.
- Theo như bác vừa kể thì dù không thành công lớn nhưng Nghĩa quân cũng đã tạo được truyền thống yêu nước, vậy ở 18 thôn có di tích gì về cuộc kháng chiến?
- Gần trên ngả ba quẹo vô, có đền thờ ông Phan Công Hớn được nhà nước công nhận “Di tích lịch sử”.
- Nhân tiện xin bác nói sơ về cuộc đời hoạt động của cụ Nguyễn An Ninh.
- Xin lỗi, quan điểm chính trị của ông như thế nào?
- Dạ, nói thực thì tôi không quan tâm đến chính trị, vì chuyện ấy không phải của mình. Tôi chỉ là người yêu thích quê hương muốn tìm hiểu và ghi lại tất cả những cái hay cái đẹp, kể cả cái bất cập nơi quê nhà. Tôi là người thích ngao du…
- Sống như ông vậy cũng hay, ông già tôi đổ đạt sớm, 15 tuổi đậu cử nhơn, 20 tuổi đậu tiến sĩ. Ông học đại học Sorbonne (Pháp). Lúc bấy giờ ông là người trẻ nhất trong số 5 con Rồng: Nguyễn An Ninh, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc. Trước 45 Cụ Phan cử Ninh về Việt Nam, Quốc (HCM) đi Liên Sô, cụ Phan dặn khi thời cơ đến thì Quốc về Việt Nam phối hợp hành động với Ninh... Nhưng ông già tôi chỉ một lòng ao ước làm sao nâng cao kiến thức cho dân Việt nên ông không vào đảng Cộng Sản.
Thấy ông thầy thuốc muốn đi sâu vào những hoạt động chính trị tôi quay về chuyện của mình.
- Vừa rồi bác nói còn một số nhà trồng trầu, quanh đây có vườn nào không bác?
- Trong xóm Đền Phan Công Hớn cũng còn một hai vườn.
- Vậy xin cảm ơn hai bác, xin phép chụp tấm hình kỷ niệm với hai bác.
Theo chỉ dẫn của ông Tịnh chúng tôi tìm Đền thờ Phan Công Hớn không khó. Đền nhỏ, nằm sâu trong một đường hẻm vào xóm. Đền như một nhà thờ không có vẻ gì là một di tích cổ. Các cột hàng hiên kẽ nhiều câu đối chữ đỏ. Trong đền bàn thờ đơn giản sáng sủa. Có nhiều hình ảnh về sinh hoạt tế lễ Đền. Đền được khánh thành ngày 7 tháng năm 1959 (thời VNCH). Không phải ngày vía kỵ nên chẳng có ai lui tới. Trong Đền có 2 ngôi mộ của ông bà Hớn và nhiều mộ của con cháu. Một người đàn bà từ sau vườn bước ra, bà là người giữ Đền, nhà bà ngay bên cạnh. Tôi theo bà qua thăm vườn trầu. Vườn nhà bà khá rộng, tòan trầu cau không có gì khác.
- Thưa chị một dây trầu được mấy mùa lá?
- Một mùa (12 tháng) cắt bỏ để trầu ra tược khác. Nhưng cây chà le cho trầu leo mới tốn. Chà trúc mỗi năm mỗi thay, chà rang (cây gỗ) hai năm.
- Tới mùa trầu chị bán thế nào?
- Bán tại vườn kí (lô) 20 ngàn, có người mua 20 kí họ về Chợ Lớn bán lại.
- Trầu có bón phân xịt thuốc không?
- Trầu không bị sâu ăn, phân thì có phân ngựa, phân bò. Nhưng trước kia phân tốt bây giờ phân bị mặn nên trầu xấu.
- Phân sao mặn hả chị?
- Dạ, bây giờ phân ngựa người ta trộn với cát biển, bò thì cho ăn muối.
Hỏi cho biết, tôi không đi sâu vào chuyện trầu cau. Vườn trầu ngày nay chỉ là những hình ảnh còn sót lại, ngày càng phai nhạt dần. Nhà vườn cũng biết thế nên cố níu kéo lại niềm vui một thời mà thôi.
Trần Công Nhung
(1) Một buổi ở Tiền Giang (QHQOK 4)
*****************************************
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment