Đền Mẫu
Bài và ảnh: Trần Công Nhung
Phố Hiến nói riêng, Hưng Yên nói chung, hiện vẫn còn nhiều di tích lịch sử lớn, tập trung tại 3 khu vực: Thị xã Hưng Yên - Kim Động; khu vực Phố Nối - Yên Mỹ và khu vực Đa Hòa- Dạ Trạch huyện Khoái Châu.
Do thời gian có hạn nên các di tích ngoài Phố Hiến tôi chỉ lướt qua, những lần tới sẽ đi sâu hơn về đền Chữ Đồng Tử, Văn Miếu Xích Đằng, v.v..
Cụm di tích Phố Hiến ngoài chùa Hiến, chùa Lễ, Đông Đô Quảng Hội (bài đã đăng), còn có chùa Chuông, đền Mẫu và ngay trung tâm thị xã Hưng Yên còn có đền Bà Chúa Kho, chợ Phố Hiến (mới xây) cũng là điểm đáng cho du khách ghé vào.
Đền Bà Chúa Kho nằm ngay phố Điện Biên. Đền không lớn, khuôn viên hẹp sát bên lề đường. Đền có nét rất cổ, không hiểu xây vào năm nào. Không nhằm ngày lễ, Đền vắng vẻ, cửa đóng then cài. Lệ thường các đền thờ Bà Chúa Kho vô cùng nhộn nhịp vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Đầu năm cúng vay, trong năm làm ăn giàu có (vàng và tiền thật) cuối năm cúng trả (vàng mã và tiền âm phủ). Vay mượn dễ thế nên những ngày Tết Nguyên Đán khó mà chen chân vào lễ trong Đền (1). Trước cổng Đền có cây đa cổ thụ, gốc khá đặc biệt, song thiếu sự chăm sóc nên tiền cảnh của Đền rất lôi thôi nhếch nhác, như một nơi hoang phế.
(Cổng đền Bà Chúa Kho)
Chùa Chuông có tên chữ là “Kim Chung tự” nằm tại thôn Nhân Dục phường Hiến Nam thị xã Hưng Yên.
Tương truyền vào một năm lụt lớn, có quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục. Vì biết là “vật linh”, thôn xã nào cũng giành kéo về, nhưng chuông nặng quá, không sao kéo nổi. Lạ thay khi các bô lão thôn Nhân Dục ra kéo thì được. Dân Nhân Dục cho là Trời Phật giúp đỡ làng mình, bèn góp công của dựng chùa, xây gác treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa còn có tên Kim Chung Tự (chùa chuông vàng). Chùa Chuông được xây dựng từ thế kỷ XV, dưới thời Lê Trung Hưng. Chùa Chuông là danh thắng nổi tiếng của phố Hiến. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, quy mô lớn của miền Bắc, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”, với kiến trúc thời Lê - Trịnh từ thế kỷ XVII - XVIII, tồn tại tới ngày nay.
(Chùa Chuông)
Vào tam quan có ba nhịp cầu đá xanh bắc qua ao mắt rồng được xây năm 1702. Khoảng sân rộng rãi lát gạch Bát Tràng, chính giữa là con đường trải đá xanh dẫn thẳng tới tiền đường. Tiền đường năm gian hai chái, nối tiền đường và thượng điện là khoảng sân, ở giữa có cây hương bằng đá như cột kinh đá xưa, bốn mặt khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân xây dựng chùa.
Thượng điện cũng gồm năm gian hai chái, kết cấu giống tiền đường, nét kiến trúc thời hậu Lê, gác chiêng, gác khánh được xây cao lên khỏi toàn bộ mái chùa. Ngoài các tượng Đản Sanh, tòa Cửu Long, Phật A Di Đà, Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Tam Thế... còn hệ thống tượng La Hán cùng phù điêu gỗ Thập Điện Diêm Vương ở hành lang hai bên. Phù điêu gỗ Thập Điện Diêm Vương diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua ở cõi a tỳ theo nghiệp ác mình đã tạo.
Tượng Bát Bộ Kim Cương và 18 pho tượng La Hán trong tư thế ngồi, nét mặt rất sinh động, mỗi vị một vẻ. So với bộ tượng La Hán danh tiếng chùa Tây Phương, đây cũng là bộ tượng La Hán đẹp nhất Việt Nam....
Một trong những hiện vật có giá trị của chùa là Kim Chung Tự thạch bi ký (bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7, thời Lê Trung Hưng (1711), ghi tên người có công đức tu sửa chùa) trong đó miêu tả cảnh đẹp của phố Hiến và các phường: Hàng Bè, Hàng Sũ, Thợ Nhuộm, Cự Đệ, Hàng Thịt... mà nay chỉ còn trong cổ tích. Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng có con đường thiên lý thông thương giữa Phố Hiến với Thăng Long qua lại trước cửa chùa và ghi nhận đơn vị phường của Phố Hiến, lúc đó đã có hai mươi phường.
Năm 1707, chùa được trùng tu lớn với quy mô hoàn chỉnh như hiện nay. Trong cuốn Hưng Yên tỉnh nhất thống chí của Trịnh Như Tấu, thời Nguyễn có ghi rằng: “Chùa Chuông - Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Chùa Chuông có giá trị lớn về nghệ thuật cũng như yếu tố lịch sử nên đã được đạo diễn Việt Linh đưa vào làm bối cảnh cho phim “Mê Thảo thời vang bóng”.
(Đền Mẫu)
Đền Mẫu nằm trên địa bàn phường Quang Trung, thị xã Hưng Yên. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất của Phố Hiến. Bên phải đền là hồ Bán Nguyệt, phía trước là sông Hồng, Bến Đá - nơi thuyền cập bến buôn bán tại Phố Hiến xưa. Đền Mẫu thờ bà Quý Phi họ Dương nhà Tống (Trung Quốc), được người đời tôn là Dương Thiên Hậu, Mẫu Nghi Thiên Hạ.
(Hồ bán nguyệt)
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự vận. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn chung sức xây dựng đền thờ Quí Phi, lập làng Hoa Dương. Khi thái giám mất, dân làng tôn làm Thành Hoàng, ngôi mộ được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến.
Năm Thành Thái thứ 8 (1897), Đền được tu sửa hoàn chỉnh gồm: Tam quan, thiêu hương, tiền tế, trung từ, hậu cung. Tòa tiền tế, trung từ có nhiều bức chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý. Hậu cung có tượng Dương Quý Phi cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị, niên đại thế kỷ XVII-XVIII. Tượng Quý Phi rất sống động, nét mặt trang nghiêm, đôn hậu. Dưới ban thờ có dấu tích một cái giếng nhỏ. Tương truyền giếng vốn là “rốn biển”, khi biển lùi xa để lại dấu tích cùng với Hồ Bán Nguyệt cho nên nước giếng luôn đầy vơi theo nước hồ. Trong đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ XVIII-XIX và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự, ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Quý Phi.
Đền Mẫu cũng nổi tiếng bởi có 3 cây: sanh, si, đa, cổ thụ 800 năm ở phía trước cửa đền. Ba cây chụm đầu, làm thành thế kiềng ba chân vững chãi, cành lá vươn cao sum suê che phủ cho toàn bộ ngôi Đền, làm cho cảnh Đền thêm thâm nghiêm huyền bí.
Điển hình của cụm di tích thứ hai, có khu di tích danh y Lê Hữu Trác Hải Thượng Lãn Ông (2), và nhiều chùa đình có kiến trúc độc đáo như chùa Lãng (chùa Lạng) thôn Như Lãng, Minh Hải, Văn Lâm; chùa Thái Lạc ở thôn Thái Lạc, Lạc Hồng, huyện Văn Lâm; đền thờ danh tướng Lý Thường Kiệt thuộc huyện Yên Mỹ; đền Ủng huyện Ân Thi; đình Đa Ngưu huyện Văn Giang. Đây là những di tích gần Hà Nội, trên quốc lộ 5, từ Hà Nội đi Phố Nối - Quảng Ninh.
Di tích ít nhiều, địa phương nào cũng có, nhưng đặc biệt những di tích kể trên đã gắn liền với sự hình thành và hưng thịnh của Phố Hiến suốt chiều dài lịch sử biến động không ngừng và còn lại đến ngày nay, đó là điều hiếm, không phải địa phương nào cũng có. Riêng khu Đa Hòa Dạ Trạch, huyện Khoái Châu tôi dành đi thăm vào một dịp khác.
Trần Công Nhung
4 - 2003
(1) Bà Chúa Kho là nhân vật nổi tiếng dưới triều Lý Nhân Tông. Xin đọc Bà Chúa Kho (QHQOK 3)
(2) Hải Thượng Lãn Ơng (1724 – 1791) Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, (nay là thôn Thanh Xá, xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, Hải Hưng). Mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1791) tại xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Cha là Lê Hữu Mưu đỗ tiến siõ, làm Thượng Thư đời Lê Dụ Tông, mẹ quê ở Bàu Thượng, làng Tình Diễm, Hương Sơn, Hà Tĩnh. danh y Việt Nam đầu tiên đã viết bộ sách “Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển.
Tin nhắn: Đã nhận thư của độc giả: Phong Ngo, Dao Bui, Giang Nguyen, Dang Kim Le, Hoang Trung Cao, Tran Kim Qui Phạm Kim Dung…Ngoc Huynh (Canada) Lieu Thi Nguyen (NC). Xin cảm ơn. QHQOK tập 9 sẽ gửi đến độc giả từ ngày 20 June (23$ gồm shipping). Độc giả có thể liên lạc theo địa chỉ bên dưới để order.
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 8, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu.
Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale,CA 90260, phone:(310) 808-4563 Email: trancongnhung@yahoo.com, Web:www.ltcn.net.
Thư Độc Giả
Có một thân hữu sau khi đọc “Con đường xưa em đi” (Viễn Đông thứ Bảy ngày 2-5-2009) đã nhận xét “Ông viết khá cảm động và thể hiện được nổi đau thương mất mát của người ở lại… nhưng giá đừng có câu 'Tại sao lại em mà không người khác' thì hay hơn. Đành rằng đó là tiếng kêu rất thật của lòng mình”.
Cảm ơn thân hữu đã cho nhận xét chí tình, thân hữu sợ rằng tôi mang tiếng ích kỷ, muốn trút đau thương cho người khác… Vâng lẽ thường là vậy: “Lánh nặng tìm nhẹ”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Nhưng ở đây là giây phút kinh hoàng, tin sét đánh, con người không có thời gian để “uốn lưỡi bảy vòng” theo lời “Thánh” dạy. Tiếng kêu bung ra tự đáy lòng, theo tôi, ai trong giây phút đau đớn ấy cũng có quyền kêu lên như thế, để giữ thăng bằng trong khi đất trời nghiêng ngả. Có những lúc đau khổ khiến con người còn đảo điên thác loạn, còn không thiết đến mạng sống của chính mình… “Tại sao lại em mà không người khác” câu hỏi nhưng cũng là câu trả lời. Trong trạng thái buồn đau, chính đấy là câu trả lời chứ không câu hỏi, trả lời như một chấp nhận: “Định mệnh”. “Không người khác…” là do định mệnh. “… thật trớ trêu, tên em là Thọ, mà định mệnh đã vội mang em về lòng đất ngày em đang độ tuổi đẹp nhất đời trai”.
Cuộc đời còn không biết bao oan trái khổ đau, kêu được cứ kêu, nhưng cũng biết rằng mọi chuyện đều từ nghiệp chướng mà ra cả, ngay cả quê hương Tổ Quốc. Đã nghiệp chướng thì còn đẩy cho ai!
Cảm ơn thân hữu đã gợi ý cho lá thư hôm nay. Phần “Thư Độc Giả” là viết trao đổi với người đọc, vậy mong có những nhận xét (tốt xấu, hay dở) của độc giả để người viết có chuyện tiếp tục mỗi kỳ.
Trân Công Nhung
**********************
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment