Bài và ảnh Trần Công Nhung
Chùa Thập Tháp nằm trong thành Đồ Bàn về phía Bắc, trên đồi Long Bích, nơi xưa kia có 10 ngôi tháp cổ, cách quốc lộ chừng 1km. Không vào ngày lễ hội nên chùa vắng tanh. Quanh chùa không một nhà cư dân, cảnh càng tĩnh mịch. Tôi hỏi anh xe ôm : “Chùa có 10 tháp hay sao mà tên gọi như vậy”, anh xe đáp ngay : “Dạ, đúng”.
Vào chùa có cổng xây lớn theo lối cửa vòm trên hai trụ cao có đắp nghê chầu, không tam quan theo lệ các chùa khác. Trông bên ngoài, chùa có nét rất cổ, do tường vách rêu phong. Trước chùa có hồ sen rộng, trong chùa các lối đi lát gạch. Một chú tiểu đang lom khom quét lá bên cạnh gốc thông đại thụ.
Tôi chào làm quen:
- Chào chú, chú cho hỏi thăm, có phải chùa có 10 tháp nên gọi chùa Thập Tháp?
- Không phải đâu, vì nơi này ngày xưa có 10 tháp Chàm nên tên chùa là Thập Tháp Di Đà.
- Tôi thấy những tháp trong chùa, cái 5 tầng cái 7 tàng là sao hả chú?
Cháu cũng không biết bác hỏi Thầy Trụ Trì.
Theo tài liệu của Tổng Công Ty du lịch Việt Nam thì chùa xây bằng gạch lấy từ 10 tháp cổ tại đồi Long Bích nên mới gọi chùa Thập Tháp. Chùa không nguy nga cao lớn, nhưng ấm cúng, có nhiều cây ăn trái. Chùa thiết kế theo dạng chữ khẩu: Chánh Điện, Phương Trượng, Tây Đường và Đông Đường. Các khu này nối liền với nhau bằng một khoảng sân bên trong, gọi là sân Thiên Tỉnh (giếng trời) có tác dụng điều hòa ánh sáng cho 4 khu kiến trúc trên. Trước mặt chùa có ngọn Thiên Bút hay còn gọi là núi Mò O, sau lưng được bọc bởi chi nhánh sông Côn chạy theo sườn đồi. Phía bắc là con sông Quai Vạc, xưa gọi là Bàn Khê, trước cổng chùa có hồ sen rộng chừng 500m2, bờ xây bằng đá tổ ong
Chùa do Thiền Sư Nguyên Thiều (Trung Quốc) sáng lập năm 1665 thời chúa Nguyễn Thái Tông, Nguyễn Phúc Tần. Đến 1680, chùa chính thức được xây dựng bề thế hơn, lúc bấy giờ gọi là Di-Đà-Tự. Qua mấy trăm năm chùa được tu sửa tôn tạo nhiều lần, đợt trùng tu qui mô vào năm 1997.
Trong 4 khu kiến trúc, Chánh điện là khu tiêu biểu lớn nhất, gồm 5 gian bằng gỗ, bộ khung bên trong có 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên. Cửa xếp bàn khoa 14 cánh. Hiếm thấy ngôi chùa nào có hàng hiên như chùa Thập Tháp, trong cảnh vắng lặng, nắng chiếu vào đầu hè, con chó mực đang nằm, tôi được ngay kiểu ảnh đặc biệt của quê hương.
Các khám thờ trong chánh điện: Khám chính cao 5m, bên trên được chạm lưỡng long tranh châu, hai bên trang trí kiểu long phụng cách điệu mây sà. Đi vào chi tiết, chùa Thập Tháp thể hiện nét nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn rất công phu, tuy nhiên hình thức bên ngoài trông rất gọn và đơn giản, mái ngói âm dương nhưng không nhiều tầng, không theo dạng mũi hài như những chùa cổ miền Bắc.
Trong khuôn viên chùa có trên 10 tháp mộ của chư Tăng. Đang phân vân chuyện ý nghĩa tháp thì có một Thầy đi ra, tôi bước tới:
- A Di Đà Phật, bạch Thầy, xin hỏi Thầy một câu.
- Việc gì chú cứ nói.
- Xin Thầy giải thích giùm ý nghĩa sự khác nhau về mấy ngôi tháp trong chùa.
- Ý nghĩa khác nhau là sao?
- Bạch Thầy, tháp có nhiều tầng không giống nhau, có phải do thứ bậc?
- Không đâu, đấy là tượng trưng ý nghĩa trong nhà Phật, 3 tầng là Tam Bảo, 7 tầng là Thất Như Lai, 5 tầng là Ngũ Phương Ngũ Phật.
- Cảm ơn Thầy, hay thế mà lúc nãy tôi hỏi chú tiểu lại không biết.
Nói xong tôi thấy mình hớ, thế nào trưa nay chú tiểu cũng bị quở, tu học mà chuyện sơ đẳng vậy lại không biết.
Hiện nay quanh chùa còn thấy dấu vết các nền của Thập Tháp khi xưa, và rải rác còn có một số mảnh đá trang trí. Phía sau chùa hiện còn có 4 giếng vuông xây bằng đá tổ ong.
Ngoài ưu điểm kiến trúc, chùa còn nhiều tác phẩm điêu khắc, hiện vật có giá trị về nhiều mặt đang được lưu giữ. Chùa Thập Tháp được xem là hàng đầu trong các ngôi chùa có kiến trúc đẹp ở tỉnh Bình Định.
Gần chùa Thập Tháp có chùa Ông Đá, tên chữ là Nhạn Sơn Tự. Chùa được tạo dựng từ thế kỷ 16, đời Tự Đức 17. Chùa có hai tượng Môn Thần bằng đá, cao lớn hơn người thật. Do đó mà dân gian gọi chùa Ông Đá. Hai tượng đá là công trình nghệ thuật điêu khắc của người Chăm từ thế kỷ 13 còn sót lại. Nay hai tượng được đắp y vàng, đầu trùm khăn đỏ, tay cầm kiếm, đứng chầu trước bàn thợ Phật. Tôi được thầy Trụ Trì (thầy Ngọc) cho xem hoa văn vẽ trên mình tượng: Người Chăm vẽ những tam giác màu đỏ nối nhau thành một đường vòng quanh, rồi đến một đường hình nước phun cách điệu. Tôi nghĩ có lẽ người xưa muốn nói về ý nghĩa núi sông chăng. Tuy nhiên màu sắc thì không hẳn là màu nguyên thủy. Ngoài màu vàng đỏ vẽ hoa văn, phần còn lại của tượng toàn màu đen.
Không hiểu trước kia hai tượng Môn Thần (thần canh cửa?) đặt ở đâu, có lẽ một đền nào đó của người Chăm chứ không phải trước Điện Phật. Theo tôi thì Phật không cần phải có hung thần (cầm kiếm) canh gác như vậy.
Thước sân chùa có tượng Quan Âm cao lớn, đặc biệt có tấm bia hoa văn rồng mây uốn lượn, nội dung:
Chùa Nhạn Sơn (chùa Ông Đá)
Di tích kiến trúc nghệ thuật; Nơi lưu giữ hai tượng Môn thần -
Tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỷ 13. Được bộ VHTT xếp hạng ngày 13-3-2001.
Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm.
Bia đá rất công phu, chữ khắc đẹp nhưng đọc hàng chữ “nghiêm cấm”, tôi mất hết cảm tình. Tôi không nghĩ một cơ quan “văn hóa” lại ghi như vậy, mà hầu hết các bảng “công nhận di tích” đều thế chứ không riêng gì chùa Ông Đá. Điều này cho thấy văn hóa của dân Việt như thế nào, trong khi từ hang cùng ngõ hẻm, nơi nào cũng đạt “chuẩn văn hóa”!
Trở lại với di tích thắng cảnh, những di sản của quê hương, tôi thấy chùa Long Khánh (1) tuy nguy nga đồ sộ nhưng nằm giữa chốn phồn hoa, người đi chùa như đi hội chợ, không có cái không khí và cảnh trí của Thiền Môn như chùa Thập Tháp, chùa Ông Đá. Thế tục ngày nay nặng về đua đòi, phô trương, không còn chuyện ông Phật ngồi gốc bồ đề như mấy nghìn năm trước. Bá tánh đi chùa cũng muốn đến những ngôi chùa to có tượng Phật thật lớn, nghĩ rằng đó mới là nơi linh thiêng, cầu xin dễ đặng. Khoa học phát triển, đời sống vật chất cao, làm cho chúng sanh quên câu: “Phật tại tâm” nên suốt đời “Vác Phật đi tìm Phật”.
Tháng Hai 2005
(1) Đôi nét về Qui Nhơn (QHQOK 7)
Thư độc giả
Trong chuyến đi vừa rồi, một độc giả thân hữu (cũng là thành viên một hội nhiếp ảnh ở quận Cam) có bấm tôi một tấm chân dung đang ngước nhìn trời mây. Tấm ảnh lạ, tôi muốn đưa vào trang cuối cuốn QHQOK tập 6 (sắp in nay mai). Tôi hỏi xin phép anh: “Tôi in tấm hình vào chỗ - Vài dòng về tác giả- ở trang trong và để Photo by Trần Xẻn được không”. Anh nói: “Tui càng khoái mà sao không in sau lưng bìa như mấy cuốn kia, người ta thường in hình tác giả như thế”. Tôi cho là anh muốn ai cầm cuốn sách lên cũng nhìn thấy tác giả (ảnh anh chụp) trước. Tôi phải nói rộng ra để anh hiểu, không phải vì anh chụp mà tôi dấu vào trong.
Thường hình ảnh là bộ mặt quảng cáo, điều này không ai chối cãi, dù ngành nghề nào, cao hay thấp, bên cạnh những dòng liệt kê tài năng đều kèm theo một tấm chân dung của chủ nhân của tác giả. Chuyện làm ăn quảng cáo là thường, “chả có vấn đề”. Nhưng, mới đây, đến thăm một nhà thơ, ông nguyên là một thẩm phán trước 75, trong khi nói chuyện văn bài hình ảnh, ông có một nhận xét, đại ý rằng:
Tài tử giai nhân phô trương hình ảnh, tướng tá phô trương huy chương quân hàm là dễ hiểu. Nhưng, khi bàn về kinh Kim Cang (Vô trụ tướng bố thi) mà để nguyên tấm ảnh của mình to bằng nửa quyển sách sau lưng bìa với một loạt bằng cấp thành tích thì hơi không đúng.
Tôi suy nghĩ về nhận xét của nhà thơ, và thấy cũng nên thận trọng một tí, người đời thường bảo “ Tình ngay mà lý gian”.
********************
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment