Wednesday, 2 December 2009

Ao Huê Trại Ổi (kỳ 1)


Cập nhật lúc 12:10:32 PM - 03/01/2009

192-h1-w.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Đường về Nam, chặng đầu tiên tôi tìm thăm Ao Huê Trại Ổi. Theo tài liệu, làng Nhị Khê còn nguyên một “quần thể di tích” Nguyễn Trãi.

[Cổng làng Nhị Khê]


Ông là người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, người có công giúp Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh bại quân Minh. Ông viết bản văn bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo” được lịch sử ghi nhận như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam (1).

Trong lịch sử nước nhà chưa có nhân vật nào văn võ kiêm toàn mà bị đày đọa như Nguyễn Trãi. Ông gốc làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương nhưng sinh ra ở Thăng Long trong dinh ông ngoại là quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, sau dời về sống ở làng Ngọc Ổi, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh (còn có tên Nguyễn Ứng Long), và bà Trần Thị Thái. Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh (2) Năm 1400, ông cùng cha là Nguyễn Phi Khanh làm quan cho nhà Hồ. Nhưng chẳng bao lâu (1407) quân Minh sang đánh nước Đại Ngu. Nhà Hồ thua trận, cha con Hồ Quý Ly cùng các triều thần bị bắt sang Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh.

Tương truyền lúc ấy, Nguyễn Trãi muốn theo cha sang Trung Quốc, để giữ tròn chữ hiếu. Nhưng đến ải Nam Quan, nghe lời cha, ông đã trở về tìm cách rửa nhục cho đất nước và bị quân Minh bắt giữ ở Đông Quan.

Cuộc đời của Nguyễn Trãi lắm thăng trầm, năm 1429, Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên Hãn, một tướng giỏi vốn là dòng dõi nhà Trần định mưu phản, nên sai người đi bắt hỏi tội. Trần Nguyên Hãn nhảy xuống sông tự vẫn. Nguyên Hãn là anh em họ của Nguyễn Trãi nên ông cũng bị bắt giam vì nghi có liên quan tội mưu phản. Sau đó không có chứng cứ buộc tội, vua Lê lại thả ông ra. Tuy nhiên ông không còn được trọng dụng như trước nữa. Ra khỏi ngục, ông làm bài Oan thán có câu:

Hư danh thực hoạ thù kham tiếu,

Chúng báng cô trung tuyệt khả liên.

(Danh hư thực họa nên cười quá,

Bao kẻ dèm pha xót người trung)

Đến vụ án Lệ Chi Viên mới là đại họa cho dòng họ Nguyễn Trãi. Lời đồn Vua Thái Tông trong một lần ngự giá ghé qua vườn Lệ Chi, về đến Cung thì đột ngột băng hà, triều đình nghi Thị Lộ âm mưu ám hại nên hạ lệnh bắt vợ chồng Nguyễn Trãi. Trong lúc ấy Nguyễn Trãi đang ở nơi xa. Nhiều người trong đoàn tùy tùng biết ông bị oan khuyên ông nên trốn nhưng ông nhất định về triều chịu tội.

Vụ Án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi bị “tru di tam tộc” (Giết tất cả bà con 3 họ, họ Nguyễn Trãi, họ vợ và họ mẹ). Gia phả họ Nguyễn ghi Nguyễn Trãi có 5 vợ:

- Bà họ Trần: Sinh ra Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù.

- Bà họ Phùng: Sinh ra Thị Trà, Nguyễn Bảng, Nguyễn Tích.

- Bà Thị Lộ: Không có con.

- Bà Phạm Thị Mẫn: Sinh ra Nguyễn Anh Vũ (sau vụ án Lệ Chi Viên)

- Bà họ Lê: ở Quế Lĩnh, Phương Quất - huyện Kim Môn, Hải Dương.

Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê, gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi có một số ít thoát nạn:

- Nguyễn Phi Hùng, em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh;

- Nguyễn Phù con Nguyễn Trãi chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn.

- Bà họ Lê vợ thứ năm của Nguyễn Trãi mang thai chạy về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương.

- Bà Phạm Thị Mẫn vợ thứ tư mang thai ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa vào trốn xứ Bồn Man (phía Tây Thanh Hóa); sau lại về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ

Thực ra, thủ phạm về cái chết của vua Thái Tông chính là hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, bà vu oan cho Nguyễn Trãi.

192-h2-w.jpg

[Đền thờ Nguyễn Trãi]

Ngay đương thời cũng đã có nhiều người biết việc oan khuất này. Hơn 10 năm sau, mẹ con vua Nhân Tông bị người con cả Thái Tông là Nghi Dân giết chết để giành lại ngôi vua. Nhưng rồi Nghi Dân nhanh chóng bị lật đổ. Người con thứ của Thái Tông là Khắc Xương từ chối ngôi báu nên người con út là Tư Thành (được vợ chồng Nguyễn Trãi cứu thoát trước kia), nay được Nguyễn Xí rước lên ngôi, tức là Lê Thánh Tông.

Năm 1464, Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Con cháu ông được tìm lại và bổ dụng. Người con út sinh ra sau khi ông qua đời là Nguyễn Anh Vũ được nhà vua phong chức Đồng Tri Phủ huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cấp cho 100 mẫu ruộng gọi là "Miễn hoàn điền" (ruộng không phải trả lại), con cháu đời đời được hưởng.

Minh oan cho Nguyễn Trãi, vua Thánh Tông ca ngợi ông: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo" (tấm lòng Ức Trai sáng như sao Khuê). Năm 1467, vua Thánh Tông ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi.

Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, UNESCO đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới. Sơ lược vài nét về cuộc đời của Nguyễn Trãi để tìm thăm khu di tích của ông: “Ao Huê Trại Ổi”.

Mùa này sáng sớm Hà Nội hay mưa, mưa cũng phải đi. Hôm qua nhờ bác Hồng giữ xe sáng cho lấy xe lúc 5 giờ, bác không tỏ vẻ khó chịu nhưng cũng hỏi lại: “Mai ông đi công tác xa à”. Tôi trả lời theo suy nghĩ của bác: “Vâng, và hẹn bác sang năm gặp lại”. Bác vừa dẫn xe ra cho tôi vừa hỏi gắng: “Ông công tác tận đâu mà lâu thế”. Tôi cảm ơn và nổ máy. Khu tập thể này thỉnh thoảng tôi ghé qua tạm trú, lần này bác Lan chủ nhà vào Sài Gòn thăm bà con, nhân thể đi hành hương một chuyến, bác giao nhà cho tôi. Chung cư xây mấy chục năm trước thời “mở cửa”, so với bây giờ một trời một vực. Tuy vậy vẫn thoải mái hơn ở khách sạn, vài ba bữa tôi lại nhờ cô con gái bác đã ra riêng, kho cho tí cá, rim ít thịt, cất tủ lạnh ăn dần. Đã đôi lần bị ngộ độc nên cố gắng tự túc càng hay.

Theo QL-1A vào đến ngã ba Quán Gánh, tôi hỏi đường về làng Nhị Khê. Không có gì khó, ngay ngã ba rẽ phải chừng vài cây số. Vào ngày mùa, miền Bắc cũng như Miền Tây Nam Bộ, đường sá biến thành sân phơi, sân phóng (lúa). Trời đã tạnh hẳn mưa, tôi cởi bỏ cái áo giấy(3), người nhẹ đi phần nào. Đường không xa nhưng do mình cứ mong ngóng nên thấy cũng lâu. Đến cuối cánh đồng, có bảng chỉ 300m vào Đền Nguyễn Trãi, rẽ phải đi Cầu Vân, và ngay đấy có ngôi miếu với gốc đa cổ thụ um tùm, dấu hiệu đầu làng.

Chỉ mấy phút đã thấy cổng làng màu vàng nghệ trước mặt. Nhìn hình dáng cổng cũng biết đây là làng cổ. Qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, và do cả con người, đình chùa miếu mạo bị tàn phá, thỉnh thoảng mới gặp một vài cổng làng xưa (4), tiếc là người nay không thấy quí nên đập phá hoặc sửa chữa theo lối mới, làm mất hết giá trị nét văn hóa cổ. Cổng làng Nhị Khê cửa vòm, hai tầng mái, kiểu cổng thành. Ngoài nhìn vào có 4 chữ Hán, chẳng hiểu ý nghĩa thế nào, tôi đang phân vân thì có một cụ già từ trong đi ra, ông cụ ăn mặc nâu sồng, người gầy nhom nhưng tướng còn quắc thước. Tôi làm quen và nói ngay điều mình thắc mắc. Ông vui vẻ đọc: “Như kiến đại bảo”. Thấy tôi vẫn còn ngơ ngớ, cụ hỏi:

- Ông có hiểu nghĩa không?

- Dạ kính nhờ cụ giảng cho.

- “Như kiến” là dường như thấy, “đại bảo” là điều quí giá to lớn. Ý nói như thấy có vật quí to lớn (Nguyễn Trãi).

Ông cụ nhìn tôi muốn hỏi điều gì, trong khi tôi vừa nói lời cảm ơn, thì cụ đã quay đi. Bước vào trong, nhìn lên cổng chỉ vỏn vẹn con số 1932. Đường làng Nhị Khê không lát gạch mà bằng bê tông phẳng phiu, nhà cửa không còn mái tranh vách đất nhưng không có vẻ gì giàu có sung túc. Cách cổng làng chỉ một đoạn đã thấy đền thờ Nguyễn Trãi ngay bên đường.

Cổng Đền có 3 cửa, một chính hai phụ, không rộng mà cao, mặt tường đắp những hình tượng quen thuộc: Long Thần Hộ Pháp, voi, hổ, hoa mai... đầu trụ có nghê chầu... hình thức cổ mà không xưa.

192-h3-w.jpg

Trước Đền có hồ bán nguyệt và tượng toàn thân của Nguyễn Trãi đặt trên bệ cao. Do mặt bằng quá hẹp nên Đền không được uy nghiêm đường bệ. Cổng Đền khóa kín, may có bà già đi qua chỉ cho lối bên hông Đền vào tuốt nhà sau. Vừa bước vào đã thấy một con chó berger to đùng lù lù đi tới, tôi hơi khớp, đứng khựng lại. Trước thềm nhà thúng mủng, nông cụ cây gỗ lộn xộn bừa bãi, tôi không nghĩ mình đang vào một đền thờ. May có một bé gái bước ra, tôi nhờ canh chừng con chó và hỏi lối vào Đền. Em bé dẫn tôi vòng ra phía trước nhà thờ và mở cửa.

Đền không có sân, nhà thờ cách cổng một lối đi 4 lớp gạch Bát Tràng. Ngôi nhà gạch bình thường 3 gian, 3 cửa ván bàn khoa. Trên cửa vào có tấm bảng 4 chữ Hán thếp vàng, trên tường kẽ sơn đỏ “Nhà thờ Nguyễn Trãi”, tôi thấy lối trình bày chõi nhau và vụng về, thiếu “nghiêm túc”. Tôi mù tịt 4 chữ Hán song chắc chắn không có nghĩa như 4 chữ Việt. Nhìn quanh chả có ai, em bé thì không biết rồi. Nhưng tôi cũng cứ hỏi: “Cháu biết bốn chữ kia không?”. Không ngờ em trả lời ngay: “Tướng môn lệnh phiệt”. Thấy tôi ngạc nhiên, em bảo do nghe nhiều lần bố trả lời cho khách viếng Đền nên nhớ vậy thôi. Tôi tin là đúng và chỉ hiểu lờ mờ, tôi ghi ngay vào sổ để có dịp sẽ nhờ người giảng. (còn tiếp)

Trần Công Nhung

06 - 2008

(1) Tuyên ngôn thứ nhất là bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch thơ:

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Rành rành định phận tại sách trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

(2) Học vị tương đương Tiến Sĩ.

(3) Áo nhựa mỏng như giấy chỉ dùng một lần giá 300 đồng (20 cent).

(4) Làng Chuông, làng Cổ Loa (Hà Tây) còn nhiều cổng cổ, nhưng phần lớn đã sửa lại theo lối mới.

Ao Huê Trại Ổi (tiếp theo)

Cập nhật lúc 12:08:59 AM - 10/01/2009

193-h2a-w.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Bên trong thờ tự quá đơn sơ, nhện giăng bụi bám. Ra sau còn một “Nhà trưng bày”, căn nhà nhỏ như nhà kho chứa đồ thừa thải. Cái tủ gỗ nâu có khảm xà cừ kẻ chữ đỏ: Tủ Sách Nguyễn Trãi mà chẳng có cuốn nào, em bé cho hay sách mất hết!

[Đền thờ Tổ]


Một bộ xa lông cây tạp kiểu xưa, riêng chiếc bàn có lẽ gỗ mun, được chạm trổ tinh vi hơn. Một bộ bàn 6 ghế kiểu bàn ăn thôn quê, một cái trống đặt trên ghế. Trên tường có sơ đồ “Khu Di Tích”, một bài thơ 7 chữ 12 câu ca ngợi Nguyễn Trãi thêu trên vải điều. Bài thơ có mấy câu khổ giữa:

Kế sách dâng vua an trị quốc

Bình Ngô Đại Cáo sấm vang trời

Con cháu đời đời noi gương sáng

Danh nhân văn hóa chiếu rạng ngời

Ngoài ra còn nhiều thứ vật dụng linh tinh chất nhét khắp nơi trong phòng, rõ đây là một nhà kho chứ chẳng phải nơi trưng bày di sản của một danh nhân như Nguyễn Trãi.

Lúc quay ra, gặp một người đàn bà tôi hỏi:

- Thưa bà, đây là nhà thờ, hiện giờ do ai trông coi?

- Do người trong họ (Nguyễn Trãi).

- Như vậy có được nhà nước trợ cấp gì không?

- Dạ không.

- Còn Ao Huê Trại Ổi ở đâu, thưa bà?

Người đàn bà đưa tay chỉ:

- Ông đi vào đến chợ rẽ trái chừng non cây số là Ao Huê Trại Ổi.

Tôi chào, cảm ơn rồi đi ngay. Vào trong một đoạn có chợ làng. Chợ nhỏ, người mua bán ngồi ra tận đường đi. Tôi lân la chụp ít hình, đồng thời tìm xem có ông lão nào để nhờ giảng 4 chữ trong Đền. Chẳng phải đợi lâu, thấy có một ông già với một bé gái đang mua gì ở quán đằng kia. Tôi đến làm quen và được ông sốt sắng giảng cho: “Tướng môn lệnh phiệt có nghĩa công trạng cao quí ban cho con nhà tướng”. Tôi ghi nhanh rồi hỏi thêm:

- Thưa bác, làng Nhị Khê có gì đặc biệt ngoài di tích Nguyễn Trãi?

- Có nghề tiện gỗ, tiện các đồ thờ. Ông vào trong kia có nhà thờ Tổ. Ngay đây có nhà làm nghề, ông ghé qua xem.

Theo chỉ dẫn của ông già tôi vào một nhà thợ tiện, đúng là họ làm toàn lư hương, lư trầm, chân đèn, nói chung là “tam sự, ngũ sự” để thờ cúng. Đơn giản chỉ một máy tiện nhỏ, một người đàn bà đứng làm (4). Sản phẩm làm theo đơn đặt hàng hoặc bán sỉ cho con buôn.

Từ chợ thẳng vào, có một cổng làng cao nghệu, lại cũng 3 chữ Hán, lại phải tìm người đọc mới biết “Dân vi bản” (lấy dân làm gốc). Chúng ta luôn chê chửi phong kiến thực dân, nhưng thời ấy ý niệm “vì dân” lại được đề cao công khai.

Qua khỏi cổng, hai bên có đình làng và đền thờ Tổ nghề. Một người qua đường cho biết như ông già ban nãy: Nhị Khê là làng nghề lâu đời, Tổ nghề tiện đã giúp cho dân làng rất nhiều nên mới có đền thờ. Đền tương đối trang nghiêm, quét vôi mới, lớn hơn nhà thờ Nguyễn Trãi, và như được chăm sóc hơn. Trước sân Đền có cây hoa Đại lâu đời giúp cảnh quan thêm phần tôn nghiêm. Nhưng bên hông Đền có một “Nhà Truyền Thống” muốn lấn lướt cả đền, tôi cảm thấy khó chịu như bắt gặp đồ giả lẫn trong hàng thật. Trước 75 trong miền Nam không hề nghe “Nhà Truyền Thống”, sau 75 thì loại nhà này hơi nhiều.

Con đường làng càng vào sâu càng hẹp, vừa chạy tôi vừa dòm chừng bảng chỉ dẫn Ao Huê Trại Ổi, nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì. Gặp một ngôi miếu, tưởng đã đến, lại vẫn chưa. Lạ thay, hỏi người đi đường không ai biết, họ còn tỏ ra ngạc nhiên. Mãi mới có một người bảo tôi đi lui ra ngoài kia, di tích nằm bên đường. Lại phải hỏi lần từng nhà, tôi không tưởng tượng được khi người ta chỉ cho tôi đi theo một lối hẹp đầy cỏ rác bụi bờ dơ bẩn để ra Ao Huê cách đường cái chừng 100m.

Nhìn thấy Ao Huê tôi ngẩn người như gặp chuyện lạ chưa từng có, di tích của một danh nhân thế giới là một vũng đầy bèo bọ hoang phế, nếu có thêm “cầu cá tra” (nay thuộc loại quí hiếm) thì thật vô cùng “ấn tượng”. Tôi cố hình dung có phải ngày xa xưa, Nguyễn Trãi ngồi đâu đây câu cá để quên sự đời, lối mòn của danh nhân ngày ấy nay đâu. Đúng “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” (Bà Huyện Thanh Quan). Tôi lấy máy bấm vài ảnh, chờ cho lòng lắng xuống rồi quay ra. Tôi không tiếc công đã lặn lội đi tìm bóng dáng người xưa, chỉ thấy buồn người đời nay ngợi ca tôn vinh toàn những thứ có mang lại lợi nhuận, còn không thì cứ yên nghỉ với cỏ cây đất đá cho dù “Thi Hào, Thi Bá, Danh Nhân”.

193-h1a-w.jpg

[Ao Huê Trại Ổi]

Ao Huê không bằng ao thả vịt, Trại Ổi cũng không còn như tên gọi, Trại cạnh Ao, là một sân gạch Bát Tràng, có tường cao hơn mét, rộng mỗi bề chừng trăm mét, gạch bị mất dần nên cỏ đã mọc lan khắp nơi. Giữa sân có nhà mát kiểu phương đình ba tầng mái trống chung quanh. Trại Ổi là nơi phơi rơm rạ thóc lúa ngô khoai.

Ao Huê Trại Ổi chỉ đẹp và ý nghĩa trên sách vở, thực tế chẳng tượng trưng chẳng nói được gì.

Khu di tích Nguyễn Trãi đây là phần cuối, tôi quay lại đi tìm mộ của vị “danh nhân thế giới” xem thế nào. “Mộ cụ Nguyễn Trãi ngoài cánh đồng đầu làng, chỗ ngã ba đi Cầu Vân”. Anh chủ nhà cạnh Ao Huê nói với tôi như vậy.

Cánh đồng đầu làng mênh mông quá, không thấy một bảng chỉ dẫn, tôi đứng đợi có người lớn tuổi đi qua may ra biết. Lát sau có người chỉ cho: “Ông đến mương nước đàng kia, bờ bên trái có lát gạch, đi hết đường gạch là mộ Nguyễn Trãi”. Lối đi chỉ lớn hơn bờ ruộng, chạy xe không vững có thể lao xuống mương. Chạy được một đoạn tôi lâm vào cảnh “tiến thối lưỡng nan”, tới bị kẹt chiếc xe “cải tiến” chờ chở lúa, lui không có chỗ quay xe. Không biết con đường vắn dài, nhìn ra ngoài xa thấy bia mộ lít chít của thập loại chúng sinh, không dấu hiệu gì có mộ của danh nhân danh sĩ (5). Đúng là dở khóc dở cười. Tôi phải đợi khá lâu, lúc mấy người vác lúa về mới giúp tôi đẩy xe qua. Con đường lát gạch chỉ đến một khu mộ bình dân là hết. Trong đám có một ngôi mộ khá nhất, tôi đoán chừng là mộ Nguyễn Trãi.

193-h3a-w.jpg

[Mộ Nguyễn Trãi]

Mộ có tường thấp chạy quanh, nền mộ lát đá xanh, mộ xây theo lối mới, ngang bằng thẳng thớm. Một lư hương đá chạm quá lớn so với mộ. Nhìn chung mộ không nói lên được thân thế sự nghiệp của Nguyễn Trãi, cũng không thể hiện nét năn hóa cổ kính đặc thù dành cho một danh nhân cách nay trên 6 thế kỷ. Mộ các nhân vật lịch sử tối thiểu cũng có tấm bia đầu mộ để còn biết người nằm đấy là ai, công trạng thế nào, mộ Nguyễn Trãi chẳng có gì cả. Không hiểu từ bao lâu rồi, mộ không được thăm nom, cỏ cây mọc um tùm, mọc trùm lên tường, lên nóc mộ, mọc lên cả lư hương. Mấy năm về trước, tôi đến thăm Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương) ở đấy lại đang xây một đền thờ Nguyễn Trãi rất qui mô hoành tráng (6).

Dù không có những hình ảnh như mình nghĩ về một nhân vật tầm cỡ, nhưng tôi cũng đã được tận mắt nhìn thấy và ghi nhận tất cả những gì chung quanh một người mà thời còn đi học tôi đã bị mê hoặc qua câu chuyện “Rắn Báo Oán”. Câu chuyện giải thích vụ án Lệ Chi Viên, vụ án có một không hai trong lịch sử, vụ án mà một nhân vật tài danh có công với đất nước lại bị “Tru di tam tộc”.

Trần Công Nhung

6 - 2008

(4) Nghề tiện gỗ Hà Tây nổi tiếng, tôi thường gặp phụ nữ trong nghề này (tại chợ Sơn Vi, Phú Thọ, chùa Bà Đanh huyện Kim Bảng, Hà Nam).

(5) Trường hợp mộ Thi Hào Nguyễn Du cũng thế, may có bài thơ Vương Trọng, cụ Tố Như mới có được khu lưu niệm ngày nay. (Xem Mộ Nguyễn Du QHQOK tập 1)

(6) Trích một đoạn trong bài “Côn Sơn Kiếp Bạc”, QHQOK tập 4:

...Sau chùa (Côn Sơn) có nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, tượng ông bà Trần Nguyên Đán (ông Ngoại Nguyễn Trãi) tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị lộ. Côn Sơn còn có Bàn Cờ Tiên (lên 600 bậc đá), có Thạch Bàn uốn lượn, có suối, cảnh đẹp nên thơ.

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

(Nguyễn Trãi)

Trần Nguyên Đán, một nhà thơ lớn, là quan đại tư đồ cuối đời Trần, về đây dựng Thanh Hư Động để nghỉ ngơi. Chính ông đã gieo chí lớn cho cháu ngoại là Nguyễn Trãi tại nơi này. Theo ông ngoại từ bé, Nguyễn Trãi đã thấm đượm khí tiết đất Côn Sơn để trở thành nhân vật tài ba lỗi lạc về văn hóa, kính tế, chính trị.... Nhưng rồi “cây ngay bị chặt trước”, chính bọn gian thần nhà Lê đã tìm cách hại dòng dõi Nguyễn Trãi bằng vụ án Lệ Chi Viên. Ngày 19-9-1442, Nguyễn Trãi và gia tộc bị xử trảm. Đến thời vua Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi mới được minh oan và triều đình khôi phục lại sự nghiệp cho ông, tôn vinh ông như một anh hùng của đất nước.

Tôi quay ra lên đền Nguyễn Trãi. Đền mới xây dựng, còn một vài phần phụ chưa hoàn tất, như cầu đi qua Đền, nhưng nhìn chung, tổng thể kiến trúc thật hoành tráng nguy nga và thể hiện sâu đậm nét cổ kính làm cho khu di tích vốn nổi tiếng xưa nay trở thành khu du lịch rất hấp dẫn. Chưa có một nhân vật lịch sử nào mà được hậu thế nể trọng tôn thờ như Nguyễn Trãi. Khu Lưu Niệm Đại Thi Hào Nguyễn Du rộng lớn mà không nguy nghiêm hoành tráng bằng. (Mộ Nguyễn Du QHQOK tập 3)

**************************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment