Wednesday, 2 December 2009

Đình Lệ Mật


Cập nhật lúc 2:27:03 AM - 21/02/2009
197-h1.jpg
(Bình phong và Phương Đình) -
Bài và ảnh Trần Công Nhung

Chúng tôi ra khỏi nhà hàng Quốc Triệu (1) trời cũng vừa tạnh mưa. Tôi chạy xe qua mấy lối trong làng để ra Đình Lệ Mật. Một cụ bà đang đi đường bảo chạy thẳng rẽ phải sẽ thấy Đình.Ngôi đình hướng mặt ra đường cái lớn.



Thoạt trông lối kiến trúc, biết là đình xưa. Cổng đình tam quan 3 tầng mái, lợp ngói âm dương, hoa văn trang trí tỉ mỉ, có đắp nghê chầu trên hai trụ lớn. Đặc biệt cổng đình Lệ Mật, tầng trên xây ba vọng lâu, giữa lớn hai bên nhỏ, nhờ thế tam quan trông rất trang nghiêm hoành tráng, tưởng như cổng vào cung cấm đặc biệt chứ không phải cổng đình làng. Phong quang trước đình khá rộng và thoáng, dân chúng có thể làm sân đánh vũ cầu hoặc tập thể dục. Quanh đình có tường rào thấp. Bên trái tam quan có giếng tròn lớn như hồ. Cạnh giếng có miếu thờ Công Chúa con vua Lý Nhân Tông.

Trong tam quan có một bình phong lớn đối diện với phương đình trước chánh điện. Bình phong có lẽ đã sửa chữa nhiều lần, vì không còn thấy dấu vết biểu tượng gì cả. Thông thường các đình chùa đền miễu đều có bình phong xây gạch, biểu tượng thường thấy là “hổ phục”, hay Rồng Lân... Bình phong theo phong thủy là để chế ngự ám khí từ ngoài phóng vào, kích thước và hướng đặt cũng như hoa văn họa tiết trang trí trên bình phong rất công phu và theo qui cách chứ không phải muốn sao cũng được. Huế là nơi có nhiều thợ đắp bình phong nổi tiếng.

Sân đình lát gạch rộng đủ cho mấy trăm người dự hội. Hai bên có hai nhà nhỏ kiểu “tả hữu vu”, nơi bá tánh soạn lễ trước khi vào chánh điện. Chánh điện thiết kế quy mô hoành tráng, gồm có 7 gian, 2 chái lớn, hương án từ tiền đình đến hậu cung đều được đặt trên chân tảng vững chắc, có hoa văn chạm trổ tinh vi. Tất cả đồ thờ tự đều mới, sơn son thếp vàng bóng loáng, ngược với màu sắc cổ kính của tam quan.

197-h2.jpg

(Cổng Đình)

Trên bức tường bên chái trái treo nhiều hình ảnh về sự tích cũng như hình ảnh những kỳ lễ hội. Đặc biệt có hình 2 con cá chép lớn, tôi đang phân vân thì một bác già bước ra chào. Bác là người thường trực trông nom đình. Bác rất niềm nở trả lời nhiều câu hỏi của tôi. Từ sự tích Đình Làng Lệ Mật đến việc tổ chức các ngày lễ hội. Hỏi về ảnh hai con cá chép bác nói:

- Đấy là cá từ Hồ Tây “bay” về. Mỗi mùa lễ hội người ta kéo lưới bắt một cặp cá chép dưới giếng đình để cúng Thánh.

- Còn hình ảnh múa rắn?

- Theo lệ trước khi kết thúc lễ hội đều có diễn tuồng múa rắn. Đây là hình thức tỏ lòng nhớ ơn tổ đã dạy nghề cho con dân.

Có điều lạ là khi hỏi về tên của vị tổ làng nghề thì bác lại bảo: “Thôi đừng hỏi tên”. Qua những chi tiết bác cho biết cộng với những tài liệu đã được sách báo phổ biến xưa nay, chúng ta có thể hiểu về Đình Làng Lệ Mật như sau:

Đình được dựng từ thế kỷ 12 đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127, có nơi ghi 1066-1127) tại xã Việt Hưng thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1961, xã Việt Hưng cùng các xã, thị trấn trong huyện Gia Lâm được nhập về thành phố Hà Nội (nay là phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội). Lệ Mật là một làng cổ, xưa có tên là "Trù Mật", có lẽ vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương (1686 - 1729) nên đổi thành tên như hiện nay (Lại cũng có tài liệu ghi Lệ Mật chính là tên dũng sĩ đã cứu Công Chúa). Trải qua hơn nghìn năm, Đình được sửa chữa tôn tạo, nét cổ chỉ còn tìm thấy nơi hoa văn khắc chạm chứ chất liệu thì hoàn toàn mới.

197-h3.jpg

(Miếu Công Chúa)

Sự tích Đình phát xuất từ chuyện Công Chúa Vua Lý Nhân Tông một hôm đi chơi thuyền trên sông Thiên Đức (sông Đuống) bị đắm thuyền, bao nhiêu người tài bơi lặn vẫn không vớt được xác công chúa vì bị thủy quái tấn công. Sau có một chàng trai dòng họ Hoàng (có sách ghi tên Lệ Mật?) ở Lệ Mật đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều châu báu, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật và mấy làng quanh đó sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Sau khi được vua chấp thuận, dân chúng Lệ Mật đã cùng chàng vượt sông Nhị Hà (sông Hồng) sang khai khẩn khu đất mới. Vùng đất này dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp, gọi là khu "Thập Tam Trại".

Sau khi khai lập được 13 trại, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ, dạy dân làng làm ăn. Vào năm Kỷ Hợi (1119), ngày chàng trai qua đời, vua Lý Nhân Tông đã truyền cho dân làng nơi đây xây lăng, lập đền và phong tặng danh hiệu "Thượng Đẳng Phúc Thần" (có sách ghi: Thành Hoàng uy linh Hộ Quốc khang dân), chính là Thành Hoàng của làng Lệ Mật.

Dân làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn. Làng Lệ Mật xưa có hai ngôi đình: Đình Thượng (nay không còn), thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đình Hạ thờ dũng sĩ họ Hoàng. Câu vè nhắc nhở:

Nhớ ngày 23 tháng 3
Dân trại ta vư­ợt Nhị Hà thăm quê
Kinh Quán, Cựu Quán đề huề (2)
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây


197-h4.jpg

(Ngày hội Đình (ảnh tư liệu)

Hội làng được tổ chức hàng năm từ ngày 20 đến 24 tháng 3 Âm lịch, hội chính vào ngày 23 tháng 3, để suy tôn Thành Hoàng làng Lệ Mật. Vào ngày hội chính, đại diện con cháu của 13 trại (3) phía Tây thành Thăng Long xưa, đội 13 mâm lễ vật mang từ kinh đô về đình làng Lệ Mật để dự hội. Mở đầu lễ hội là tục rư­ớc nư­ớc, đám rư­ớc từ đình ra giếng làng, nư­ớc đ­ược lấy đầy ché đặt trang trọng trên kiệu có lọng che. Lấy nước xong theo lệ cũ, dân làng lại đem vó ra giếng bắt một đôi cá chép lớn, đặt lên mâm đồng, phủ vải điều rư­ớc về đình làm lễ. Nghi thức này nhắc nhở con cháu hôm nay không đư­ợc quên gốc cũ, và công lao ng­ười đã có công khai phá mở mang trăm nghề cho dân làng. Sau cuộc lễ long trọng bao giờ cùng có trò múa rắn tại sân đình.

Một con rắn khổng lồ đan bằng tre lợp vải, tượng trưng cho loài thuỷ quái đã bị chàng trai họ Hoàng đánh hạ. Đội múa rắn thông thư­ờng đ­ược tập luyện trư­ớc nhiều tháng và trò diễn là nhằm tái hiện lại chiến tích kỳ diệu của ng­ười tráng sĩ họ Hoàng năm xư­a.


Hội làng Lệ Mật không chỉ là lễ hội mang tính địa phư­ơng, mà còn nói lên đặc điểm chung của c­ư dân nông nghiệp. Đó là tín ngưỡng vật linh giáo thể hiện trong điệu múa rắn - con vật mang tính nư­ớc và là biểu tư­ợng thế giới âm, đây là một biến thể của tục coi rắn là vật tổ, vật linh và tục thờ rắn khá phổ biến ở các vùng cư­ dân nông nghiệp Đông Nam Á. Song cái hay ở đây là đ­ược khéo léo ẩn trong sự tích của chàng trai họ Hoàng và công cuộc mở làng, lập ấp tạo nên Thập Tam Trại trù mật trên đất kinh kỳ. Trong ngày hội cũng còn các cuộc thi rắn to, rắn đẹp, rắn lạ..., phổ biến các bí quyết bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc, chữa rắn độc cắn...

Bác giữ Đình đưa tôi ra giếng Ngọc giới thiệu:

- Giếng này nuôi cá chép để cúng Thành Hoàng, không ai được phép bắt. Mỗi năm đến ngày hội lưới lên 1 cặp mà thôi. Theo sự tích thì ngày xưa cá Hồ Tây bay về.

Miền Trung và miền Bắc, thường làng nào cũng có đình thờ Thần Hoàng, đình bao giờ cũng có cây đa và giếng nước. Dân làng gọi là giếng đình. Thời trước tuy chưa “văn minh” nhưng dân làng đều biết giữ vệ sinh chung, không như bây giờ ai cũng được học hành có “văn hóa đại học” nhưng lại thi nhau làm ô uế môi sinh. Đi dần về phía miếu thờ Công Chúa, bác chỉ cây đa trùm trên ngôi miếu và nói:

- Cây đa này đã lâu năm và đặc biệt trên ngọn có cây cọ (Palm).

Nhìn lên quả như vậy, cây cọ đã lớn mà không ngã. Cây đa còn có một rễ lớn bằng cột nhà choàng qua ôm một cây sung như muốn ngả ra giếng. Đoạn rễ băng ngang làm thành cổng đi vào miếu. Ngôi miếu cổ cây cỏ mọc đầy hoang phế, cửa đóng kín, không biết có ai hương khói chăng. Đây chỉ là di tích một thời. Nhưng nếu mai này cảnh vật nơi đây được “đưa vào” phục vụ khách du lịch thì tất cả sẽ sáng rực và cũng sẽ phô bày “nét văn minh” hiện đại, có khi lại làm hỏng vẻ u tịch cần có của di tích. Và thể nào cũng có người ngắm cảnh mà than rằng: “Đây là di tích nghìn năm hay sao”! Những ai đã ra hang Đầu Gỗ (Hạ Long), vào động Phong Nha (Quảng Bình) sẽ không có gì ngạc nhiên (4), thứ gì cũng được “điện khí hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mà không cần đến phê phán của dư luận, chỉ biết mỗi việc khai thác kinh doanh (5)

Trần Công Nhung

6 - 2008

(1) Rắn làng Lệ Mật đã đăng

(2) Kinh Quán: Dân của 13 làng trại bên kia sông Hồng. Cựu Quán: Dân làng Lệ Mật.

(3) “Thập tam trại”: các làng Cống Vị, Cống Yên ( Vĩnh Phúc), Đại Yên, Giảng Võ, Hữu Tiệp, Kim Mã, Liễu Giai, Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Vạn Phúc (Vạn Bảo), Vạn Yên, Yên Biểu thuộc quận Ba Đình ngày nay).

(4) xem QHQOK tập 1.

(5) Đền Tây Thiên Văn Hóa xã cho bọn (...) thầu để thu “tiền công đức” (lời kể của những người bán quán).

****************************

source

Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment