- Nhóm phóng viên VietNamNet đã đi dọc các tuyến đường độc đạo, là mạch máu giao thông của khu vực Đông Bắc để xem Công ty InnovGreen đang làm gì ở đó. Kỳ 1: InnovGreen đang làm gì trên biên giới Việt Nam? LTS: Tháng 3/2010, loạt bài “Giao đất rừng cho công ty nước ngoài” khởi đăng trên báo VietNamNet đã thu hút sự chú ý của công luận. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm ngừng cấp phép các dự án, thẩm tra lại tòan bộ quy trình cấp phép trong việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài. Nhóm phóng viên VietNamNet đã miệt mài cắt rừng, lội suối, xâm nhập các địa bàn trọng yếu tại các vùng biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An), lên mạn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để chấm định vị các địa bàn xung yếu, phác thảo nên bức tranh tổng quát và lắng nghe tiếng nói của người dân các địa phương đang được xem là đối tượng hưởng lợi của các dự án trồng rừng này. Xin giới thiệu loạt bài “Công ty InnovGreen đang làm gì trên biên giới của chúng ta?” để độc giả có thể hiểu thêm về một siêu dự án trồng rừng sát khu vực biên giới.
Kỳ 2: Sự hoài nghi về dự án trồng rừng của InnovGreen
Kỳ 3: InnovGreen đã tạo “việc làm ổn định cho dân”?
Khu tam giác kiểm soát đường 18
Theo thông tin chúng tôi có được, Công ty IG thuê đất tại tỉnh Quảng Ninh gồm 7 huyện và thành phố: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái. Trong giấy chứng nhận đầu tư, diện tích được ghi là 100.000 ha (chiếm gần ¼ tổng diện tích đất rừng toàn tỉnh).
Con đường tuần tra biên giới, nằm sát cạnh sông Ka Long (phân định biên giới Việt Trung), nối liền Thành phố Móng Cái với xã Hải Sơn, cửa khẩu Bắc Phong Sinh rồi giao với tỉnh lộ 340, nối quốc lộ 18 với cửa khẩu này. Trong "tam giác" biên giới này, Cty InnovGreen có mặt tại 2 xã Quảng Thành và Hải Sơn với diện tích được cấp phép hơn 1000ha đất rừng. Ảnh: Duy Tuấn |
Cách thành phố Móng Cái chừng 5km, điểm cuối cùng của đường 18 từ TP. Hạ Long lên, trước khi qua cửa khẩu Móng Cái sang đất Trung Quốc, rẽ trái, có một tuyến đường kẹp dọc sông Ka Long ở phía Việt Nam, là đường tuần tra biên giới.
Đây là một con đường hẹp, được rải nhựa khá đẹp, chạy dọc bờ sông Ka Long, dẫn lên xã biên giới Hải Sơn, phía Việt Nam. Từ trung tâm xã Hải Sơn, chạy chừng vài km nữa là lên tới cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đoạn đường tuần tra này nối với tỉnh lộ 340 chạy ngược về đường 18.
Như vậy, 3 tuyến đường này hình thành một khu tam giác, lấy xã Hải Sơn làm trung tâm kiểm soát. Trong khu vực quản lý của xã này, công ty IG đã vào xin đất tại tiểu khu 346, chia làm 9 khoảnh, tổng diện tích là 1.113,30 ha.
Chủ tịch xã biên giới Hải Sơn khi loay hoay mãi vẫn không thể tìm được một văn bản nào lưu ở UBND xã về dự án trồng rừng của Cty IG. Ảnh: GVT |
Ông Huy chỉ ước chừng 6-7km theo đường chim bay từ mép đường biên. Còn nếu muốn vào được tiểu khu 346 này, phải vòng theo tỉnh lộ 340 về gần xã Quảng Thành mới có đường lâm sinh do công ty IG mở, để tiếp cận khu đất này.
Chưa hết, ông Huy còn giật mình hơn khi chúng tôi cung cấp các văn bản, tài liệu về việc giao đất rừng cho công ty này, mà mãi đến tháng 5/2010 ông mới được nhìn thấy, mặc dù đó là một dự án nước ngoài đầu tư trên địa bàn xã ông quản lý. Và tại khu vực tiểu khu 346, có thông tin cho hay, công ty IG đã tiến hành trồng rừng, mở được 22km đường lâm sinh vào khu vực này.
Trong khi đó, theo quy định, toàn bộ các dự án nước ngoài vào khu vực biên giới cần có sự cho phép của lực lượng biên phòng. Hơn vậy, trên địa bàn xã Hải Sơn, vẫn đang có một đơn vị quân đội đóng chốt kết hợp làm kinh tế lâm nghiệp.
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, nơi tiếp giáp giữa con đường từ Móng Cái qua và quốc lộ 18 lên. Trên 2 tuyến đường này đều rất gần với địa điểm trồng rừng của Cty InnovGreen tại xã Hải Sơn và Quảng Thành. “Neo” một dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trồng rừng vào sát nách một đơn vị quân đội, trên địa bàn một xã giáp biên, ngay sát đường tuần tra biên giới, Quảng Ninh sẽ kiểm soát như thế nào? Ảnh: Trường Giang |
“Neo” một dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trồng rừng vào sát nách một đơn vị quân đội, trên địa bàn một xã giáp biên, ngay sát đường tuần tra biên giới, Quảng Ninh sẽ kiểm soát như thế nào?
Chưa dừng lại, tại địa phận xã Quảng Thành (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), công ty IG tiến hành thuê đất tại khu vực điểm cao, chỉ nằm cách đường 18 chưa đầy 2km. Hiện, bạch đàn đã mọc xanh khu vực cho thuê đất. Theo người dân địa phương cho biết, khu vực công ty IG vào thuê đất tại xã này có tên là Dốc Đỏ, vốn là kho quân khí do một đơn vị quân đội quản lý, nay đã rút đi.
Những “lưỡi bừa” kiểm soát trục đường 4
Từ Tiên Yên (Quảng Ninh) là điểm đầu xuất phát của trục đường 4B sang Lạng Sơn. Huyện đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Quảng Ninh là Đình Lập. Tại huyện Đình Lập, Công ty IG có dự kiến vào thuê đất tại 3 xã: Bắc Xa, Đình Lập và Bính Xá, thì 2/3 xã đó là xã giáp biên giới.
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập, Lạng Sơn đang cùng với phóng viên VietNamNet định vị các vị trí mà Cty IG có mặt dọc biên giới và trục đường độc đạo số 4. Riêng tại Đình Lập, trong giấy chứng nhận đầu tư do ông Nguyễn Văn Bình, PCT UBND tỉnh ký thì Cty IG có mặt ở 3 xã, trong đó có 2 xã là xã biên giới. Ảnh: Duy Tuấn |
Với tổng diện tích dự kiến thuê đất tại tỉnh Lạng Sơn là 63.000 ha, Công ty IG Lạng Sơn dự kiến đầu tư tại 49 xã thuộc 7 huyện: Đình Lập, Văn Quan, Lộc Bình, Chi Lăng, Cao Lộc, Bắc Sơn và Tràng Định. Trong 49 xã đó, có 5 xã giáp biên, gồm Bính Xá, Bắc Xa (huyện Đình Lập), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), Tân Minh, Đào Viên (huyện Tràng Định).
Ngay sau quyết định 405/TTg-KTN (ngày 9/3/2010) yêu cầu tạm ngừng cấp phép, rà soát lại các dự án trồng rừng và nuôi trồng thủy sản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định tạm ngừng các dự án của Công ty IG trên địa bàn tỉnh này, cho kiểm tra, ra soát lại.
Kết quả, Công ty IG đã có 14 hồ sơ xin thuê đất của 14 xã thuộc các huyện Chi Lăng, Tràng Định, Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc gửi Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn thẩm định với tổng diện tích xin thuê là 11.187,62ha.
Sở TN-MT tỉnh này đã trình UBND tỉnh 7 hồ sơ đủ điều kiện, tuy nhiên chỉ mới bàn giao thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (50 năm) 1 hồ sơ cho công ty này tại xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng) với diện tích 485,7ha.
Di tích lịch sử Chiến thắng đường số 4 nhắc cho chúng ta nhớ về quá khứ một thời quân dân Việt Nam đã đổ bao xương máu để giữ gìn từng tấc đất cho tổ quốc. Đây là tuyến đường huyết mạch, độc đạo, có vị trí cực kỳ quan trọng, nối các tỉnh biên giới đông bắc Việt Nam. Ảnh: Trường Giang |
Trục đường 4B từ huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) sang Lạng Sơn, tới TP. Lạng Sơn thì bắt với đường 1A, lên tới Đồng Đăng thì rẽ trái nối với trục đường 4A, từ đó sang tới đất Cao Bằng, với huyện cuối cùng của tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Cao Bằng là huyện Tràng Định.
Dọc trục đường 4B có 2 địa danh đã lưu vào sử sách Việt Nam: Thất Khê, Đông Khê, nơi mà quân và dân vùng Đông Bắc đã tiến hành những trận đánh quyết tử chặn đường quân Pháp tiến đánh chiến khu cách mạng trong chiến dịch Biên giới 1950.
Thị trấn Thất Khê là thủ phủ của huyện biên giới Tràng Định. Nơi đây, ven đường 4A, ngay cổng vào UBND huyện này, còn lưu tấm bia ghi rõ “Di tích lịch sử Chiến thắng đường số 4”.
Cũng tại huyện này, Công ty IG đã trình hồ sơ xin đất qua Sở TN-MT lên UBND tỉnh Lạng Sơn xin đầu tư cả đất thuộc khu vực phòng thủ của xã Kháng Chiến, đất thuộc điểm chốt quân sự 558 tại xã Tân Minh, mà chúng tôi sẽ đề cập kỹ trong các bài viết sau.
Một cán bộ trinh sát của Tỉnh đội Lạng Sơn không ngần ngại “mách nước” cho cánh phóng viên vốn rất I-tờ về quân sự: “Mở bản đồ toàn tỉnh ra xem xét”.
Còn khi đã đi dọc tuyến đầu tư của Công ty IG tại 2 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, khi nối tất cả các điểm xin đầu tư của công ty này lại, đặc biệt là 49 xã thuộc 7 huyện của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi không tin nổi vào mắt mình: Toàn bộ tuyến đường 4A, 4B hoàn toàn bị kẹp chặt trong những dự án đầu tư của công ty này.
Có người nhận xét, nhìn vào bản đồ thì có thể thấy những địa điểm mà Cty InnovGreen đầu tư thuê đất trồng rừng tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đều nhắm vào các vị trí nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, nằm dọc tuyến đường 18, đường số 4 (A, B), QL 1A và các xã biên giới hoặc điểm cao... Ảnh: Duy Tuấn |
Nếu nối theo đường cắt kéo, thì cách xin đất của IG chẳng khác gì những lưỡi bừa đang cày qua lại trên trục đường huyết mạch chiến lược này.
Xin nhắc lại: Đường 4 (gồm 4A, 4B, 4C) là trục giao thông huyết mạch của khu vực miền núi Đông Bắc. Còn chính Đại tá Hoàng Công Hàm (nay là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn) đã khẳng định với VietNamNet: “Chúng tôi chưa nắm được dự án thuê nhiều ha rừng của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh và cũng chưa thấy ai báo cáo về vấn đề đó”.
Trong quá trình thẩm tra, xác nhận của UBND các xã, chấp thuận của UBND các huyện và thẩm định hồ sơ thuê đất của Sở TN-MT, chưa có sự tham gia của cơ quan quân sự và biên phòng đối với khu vực biên giới và khu vực phòng thủ, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ không thể phủ nhận điều này.
Được biết, tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định tạm ngừng cấp phép các dự án của Công ty IG, xem xét lại toàn bộ quy trình và kiến nghị rút 5 xã biên giới ra khỏi diện tích dự án xin đầu tư của Công ty IG, như là một tín hiệu vui khi công luận đã lên tiếng cảnh báo.
- Trường Giang – Duy Tuấn - Hoàng Sang(còn nữa)
- source
- http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201011/Ky-4-Nhung-luoi-bua-kiem-soat-truc-duong-so-4-948060/
No comments:
Post a Comment