Saturday, 20 November 2010

Cần có thái độ dứt khoát với “bể treo” bùn đỏ (26/10/2010)


Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Cần có thái độ dứt khoát với “bể treo” bùn đỏ (26/10/2010)
Người viết bài tạm gọi những thung lũng sẽ được sử dụng chứa bùn đỏ trên “cao nguyên Trung phần”, phục vụ cho dự án bô xít Tây nguyên, là những “bể treo”, có thể chưa đúng hoàn toàn. Nhưng rõ ràng, sau sự cố “bể đập chứa bùn đỏ” được xây dựng kiên cố, có chiến lược và sách lược, “có quách có thành”, có đáy có mái che... ở vùng Ajka thuộc Đông Âu mới đây, không thể không là một bài học cảnh tỉnh cho dự án bô xít Tây Nguyên của chúng ta. Nhiều diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học... từ khi dự án mới manh nha khởi động đến nay, vẫn còn nóng hổi và nguyên nghĩa tính thời sự. Đặc biệt mới đây, gần hai chục người gồm nguyên lãnh đạo cao cấp của đất nước, các học giả, các nhân sĩ, trí thức... đã cùng nhau ký vào một lá đơn kiến nghị khẩn thiết gửi tới lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ nước ta cho dừng dự án bô xít Tây Nguyên, rõ ràng không phải chuyện nhỏ! Tại diễn đàn của Quốc hội đang diễn ra, hay kể cả bên ngoài hành lang trong giờ giải lao, nhiều ĐBQH cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bô xít Tây Nguyên. Đó rõ ràng là thái độ hết sức nghiêm túc, cầu thị và thực sự có... có tâm, có tầm!

Trong bài viết đăng trên báo Đại Đoàn kết, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Đặc biệt cần nghiêm túc xem xét lại chủ trương khai thác khoáng sản sao cho vừa tiết kiệm đối với các thế hệ con cháu, vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhất là sau sự kiện “bùn đỏ” ở Hungary và vụ sập hầm mỏ ở Chilê. Không thể nói ta “tích bùn đỏ” trong thung lũng, nên không nguy hiểm như ở Hungary. Thung lũng trên cao nguyên có nguy cơ đưa “bùn đỏ” theo mạch nước ngầm xuống đồng bằng gây nên sự ô nhiễm vô cùng rộng lớn”. Cùng chung quan điểm này, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, nói: “Thêm vào đó, vấn đề môi trường là một thách thức lớn. Khi khai thác cần có một không gian rất rộng, chúng ta phải bỏ đi hệ sinh thái ở Tây Nguyên để chứa bùn đỏ. Với một khối lượng bùn đỏ nằm chênh vênh ở trên Tây Nguyên là quá nguy hiểm. Nếu hồ chứa bùn đỏ bị vỡ sẽ dẫn đến việc rò rỉ hoặc thấm vào nước ngầm gây ra thảm họa môi trường rất lớn.”. Không cần phân tích bình luận gì thêm, cứ theo ý kiến của hai nhà khoa học này, “bể treo” bùn đỏ ở Tây Nguyên, đồng nghĩa với những nguy cơ thảm hoạ môi trường đang rình rập và thực sự được báo trước!

Tất nhiên, nói đi cần phải nói lại, như thế mới là sòng phẳng, minh bạch. Bởi vì nếu quyết tâm khai thác cho bằng được bô xít ở Tây Nguyên, đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đều được hưởng những nguồn lợi nhất định. Đó là nguồn lợi trước mắt, về mặt kinh tế và lợi nhuận. Cần nói thêm rằng, ở một đất nước mà từ khi còn học vỡ lòng, nhiều thế hệ học sinh đã từng được nghe giảng rằng: “Nước ta rừng vàng, biển bạc...”, thì nay vẫn trên một tiềm năng như thế, chúng ta đã biết ứng dụng khoa học - công nghệ, biết điều chỉnh, dự báo, định hướng... trong khai thác tài nguyên để mang lại những giá trị vật chất to lớn, hữu ích phục vụ chính chúng ta. Đất nước ngày một phát triển, và chính chúng ta đã không còn thụ động theo kiểu “bao thế hệ học sinh cứ thế chép thuộc bài”! Vấn đề còn lại là, những nguồn lợi tài nguyên to lớn, hữu ích và không thể tái tạo đó, cái cách cư xử, hành xử, cũng như khai thác để mang lại nguồn lợi kinh tế như thế nào? Đây là bài toán không hề dễ và cực kỳ nghiêm túc. Nếu không, sai một ly có thể để nhiều thế hệ phải trả những cái giá quá đắt mà câu chuyện đập Tam Hiệp của nước bạn Trung Hoa, hay bể chứa bùn Ajka của Hungary... đã thực sự là những cảnh báo nghiêm khắc. Dân tộc chúng ta, ngoài những tố chất kiên cường bất khuất, còn có cả cái nhìn và hành động minh bạch, khoa học, hợp lý, thuận tình...

Hay nói đúng hơn, tại sao không chờ đợi con cháu chúng ta, có thể đưa ra những công nghệ sạch hơn để không thải ra bùn đỏ hay đại loại như thế? Lúc đó, khai thác bô xít ở Tây Nguyên, đã mất đi một kilôgam nào đâu?

Thống kê mang tính tương đối, hiện chúng ta đã đầu tư vào dự án bô xít Tây Nguyên khoảng 8.000 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD). Một số tiền không hề nhỏ. Một số tiền có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong lúc đất nước đang gặp nhiều khó khăn, ví như thiên tai bão lũ triền miên... Trong bối cảnh như thế, rất cần những quyết sách vừa đảm bảo để đất nước phát triển nhanh và bền vững vừa đảm bảo sự yên tâm tuyệt đối cho hậu thế mai sau, thiết nghĩ rất cần thái độ dứt khoát và nghiêm túc ngay từ bây giờ!

Thanh Tường
source
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&Chitiet=19006&Style=1

No comments:

Post a Comment