Ngày 16/11 vừa qua, tại Nairobi (Kenia), UNESCO đã chính thức công nhận 46 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc (thuộc Hà Nội). Như vậy, Hội Gióng là di sản phi vật thể thứ năm của Việt Nam được xếp hạng này, tiếp theo Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù Hải Dương.
Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc vừa được Unesco công nhận là một sự kiện văn hóa quan trọng tại Việt Nam, đặc biệt hơn là quá trình công nhận đã diễn ra hết sức nhanh chóng, gây bất ngờ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, đối với các chủ thể của di sản, đối với những người quản lý, cũng như công chúng, là bảo vệ di sản khỏi các nguy cơ chính trị hóa, nhà nước hóa, và những ảnh hưởng của du lịch, có khả năng làm di sản bị biến dạng.
Sau đây, mời quí vị theo dõi một số nhận xét của giáo sư Ngô Đức Thịnh, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa của các cộng đồng truyền thống tại Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, và là một trong những người tham gia xây dựng và phản biện hồ sơ Hội Gióng, trước khi trình UNESCO.
RFI : Giáo sư có thể cho biết những ý kiến của giáo sư về việc vì sao hồ sơ Hội Gióng lại được Unesco chọn làm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ?
Ngô Đức Thịnh : Tôi có thể nói gọn lại có bốn nét đặc sắc như thế này. Thứ nhất, mình cứ quen gọi là Hội Gióng thôi, chứ đây thực ra Hội Gióng là một vùng, với hai điểm chính là Sóc Sơn và Phù Đổng. Phù Đổng, thì anh biết, là nơi sinh ra Đức Thánh Gióng, và Người đã lớn lên ở đó, và đã ra đi đánh giặc. Còn Sóc Sơn là khi Ngài đã đánh giặc xong, thì Ngài lên núi Đá Chồng, Ngài bay về trời. Hiện nay, nhân dịp nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, người ta đã dựng lên một bức tượng đồng ở đấy.
Nhưng thực ra cả vùng bán sơn địa đó liên quan đến nghi lễ Hội Gióng. Có hàng chục điểm gắn với các sự kiện, gắn với những di tích, truyền thuyết và lễ hội. Thí dụ những nơi, sau khi đánh giặc xong, Ngài cởi áo giáp, Ngài tắm, Ngài ngồi ăn cơm, trước khi đến Sóc Sơn cởi áo giáp bay lên trời. Có những nơi Ngài đánh giặc đi qua, thì nhân dân đang làm đồng, cũng vác vồ, vác cuốc đi theo Ngài. Theo nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, có hàng mấy chục di tích, dân vẫn còn lưu giữ huyền thoại, có nơi còn giữ được cả nơi thờ, và các phong tục.
Cái vùng ngoài cùng của huyền thoại Thánh Gióng còn rộng hơn nữa. Nó kéo dài đến tận phía nam của Hà Nội và phía bắc của Hà Tây (cũ), thí dụ chỗ Pháp Vân, hiện nay vẫn còn nơi thờ Ngài. Ở đấy, lại có một variant (biến thể) khác, liên quan đến Thánh Gióng. Ví dụ, khi Thánh Gióng đã về trời rồi, một lần mẹ Ngài ra sông bị thuồng luồng, một loại thủy thần bắt, thì Ngài quay trở lại giết thủy quái đó để cứu mẹ.
Như vậy, có cả một không gian truyền thuyết, huyền thoại, nghi lễ và phong tục liên quan đến Thánh Gióng.
Điểm thứ hai là : ngoài phân bố trong một không gian như vậy, Hội Gióng còn có một lịch sử rất lâu dài. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các trầm tích khác nhau. Về bản chất, ban đầu, Hội Gióng chính là một lễ hội nông nghiệp. Anh biết, thần Sấm chính là bố của Ngài, trong một đêm giông, đã về để lại một vết chân ở vườn cà. Khi bà mẹ, sáng hôm sau ra, ướm chân lên vết chân khổng lồ đó và đã sinh thành ra Thánh Gióng. Ngày lễ hội là vào đúng tháng 4, đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, và bắt đầu những trận mưa đầu mùa, mở đầu cho một mùa gieo trồng. Cho nên, trong những ngày Hội Gióng, có những đám mây giông, rồi có những tiếng vần vũ, thì người dân vẫn nói : « à, Ngài đã về ».
Trong Hội Gióng, quân của Gióng là nam giới, biểu tượng cho dương, quân của giặc Ân là các cô gái đồng trinh là biểu tượng cho âm. Cuộc xung đột mang tính ta-địch như vậy, chính là một cuộc xung đột và giao hòa giữa âm và dương. Trong vũ trụ luận của người Việt Nam, sự giao hòa âm dương như vậy sẽ mang lại trời đất thuận hòa và sức khỏe cho con người. Có điểm đặc biệt là : sau khi xong trận đánh, cả quân ta với quân địch đều về đền Gióng để ăn khao. Xung đột và hòa hợp, chính là âm dương. Cho nên, lớp sớm nhất của Hội Gióng chính là một nghi lễ nông nghiệp. Sau này, theo chúng tôi biết, đến thời Lý, hoạt động này trở thành một lễ hội mang biểu tượng chống ngoại xâm như anh thấy.
Đấy là cái điểm độc đáo của Hội Gióng, vừa có một không gian rộng, lại vừa có một chiều sâu lịch sử.
Điểm độc đáo này cũng liên quan đến biểu tượng chống ngoại xâm. Phải nói là chống ngoại xâm thì dân tộc nào cũng có. Nhưng có lẽ, hiếm có dân tộc nào biểu hiện tinh thần chống ngoại xâm bằng hình tượng một đứa trẻ lên ba cất tiếng nói đầu tiên là đòi đi đánh giặc để cứu nước. Tôi chưa thấy dân tộc nào sáng tạo ra được hình tượng của một lòng yêu nước, của chủ nghĩa yêu nước như là Thánh Gióng. Ở đây, có một điều cần phải nói rõ : Gióng vừa là biểu tượng của chống ngoại xâm, vừa là biểu tượng của hòa bình. Ngài xuất hiện, Ngài đánh giặc xong, Ngài bay về trời. Điều đó thể hiện khát vọng chống ngoại xâm và khát vọng hòa bình của con người Việt Nam chúng ta. Đó là không phải là vấn đề của riêng dân tộc. Vấn đề Chiến tranh và Hòa bình là một biểu tượng và vấn đề tư tưởng của nhân loại. Chúng tôi đã cố gắng cắt nghĩa như vậy.
Điểm thứ ba độc đáo của Hội Gióng là những tư tưởng như vậy được thể hiện bằng những diễn xướng hết sức độc đáo. Điều này rất hiếm có trong các lễ hội ở đất nước chúng ta. Hàng loạt diễn xướng đã xảy ra. Một số diễn xướng tiêu biểu là múa hát Ải Lao (xuất phát từ sự tham gia của đội múa hát người Lào), trước khi Gióng cất quân đi đánh giặc. Rồi những đám rước đi đánh giặc, và đặc biệt là ba trận đánh của Gióng, diễn ra một cách hết sức biểu trưng, với việc người ta trải ba cái chiếu là biểu tượng của ba cánh đồng. Rồi trên mỗi cái chiếu như vậy, đặt một tờ giấy là biểu tượng của mây, và trên tờ giấy đó, có úp một cái bát là biểu tượng của đồi núi. Gióng đánh giặc bằng cách phất cờ và lấy chân đá tung cái bát đi, để nói rằng sức mạnh của Gióng là sức mạnh bạt núi băng rừng. Các cụ ngày xưa đã nói đến sức mạnh của Gióng, đến việc đánh nhau của Gióng bằng ngôn ngữ biểu tượng như vậy.
Cái biểu tượng cuối cùng độc đáo của Gióng là tính chất nhân dân. Tôi cũng không hiểu vì sao Hội Gióng ở ngay kinh đô Thăng Long hàng nghìn năm nay rồi, mà hầu như không có dấu ấn của nhà nước ở đó. Vốn xưa là hội làng, nhưng Lý Công Uẩn chính là người có công biến Hội Gióng từ một hội có tính chất làng trở thành hội vùng. Lý Công Uẩn trước đó đã từng đi tu tại chùa Kiến Sơ ngay cạnh đền Gióng. Nhưng đặc biệt Hội Gióng thể hiện tính nhân dân. Nhân dân bỏ tiền, nhân dân góp sức, nhân dân tham gia vào tất cả các hoạt động trong lễ hội. Khi chúng tôi đề nghị, Unesco đánh giá rất cao cái này. Unesco tin rằng lễ hội này sẽ được bảo tồn. Vì theo quan điểm của Unesco, chính chủ thế văn hóa mới có thể bảo tồn được văn hóa đó. Mà Hội Gióng vốn là như vậy. Nhiều nơi, các hội bị « nhà nước hóa », bị « sân khấu hóa » rất ghê. Nhưng Hội Gióng vẫn giữ được tính chất nhân dân của nó.
Đây là bốn nét độc đáo của Hội Gióng, tôi nhắc lại, nó không chỉ là biểu trưng mang tính chẩt dân tộc, mà nó còn mang tính chất nhân loại. Unesco công nhận Hội Gióng vì là như vậy.
RFI : Mặc dù hồ sơ này được đánh giá rất cao, nhưng trong quá trình lập hồ sơ và xét hồ sơ, có những khó khăn gì không ạ ?
Ngô Đức Thịnh : Khó khăn nhất là lúc đầu Hà Nội chưa đặt vấn đề này, mà chúng ta đưa ra hồ sơ Hoàng Thành Thăng Long. Nhưng giữa chừng, hồ sơ Hoàng Thành có rất nhiều cái cản trở và có nguy cơ không được công nhận. Cho nên trong tinh thần như vậy, thì chẳng lẽ, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, lại không có « sự kiện » nào. Phải nói rằng, các nhà khoa học đã tập trung nhau lại, trong vòng có hai tháng thôi, để lập hồ sơ này. Nếu anh biết các hồ sơ Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng phải mất hai, ba năm, thì Hội Gióng là một hồ sơ nhanh một cách kỷ lục. Chúng tôi đều có nhận định là : thế nào Hội Gióng cũng được, bởi vì khi nghiên cứu nó tôi thấy độc đáo lắm. Cách đây mấy tháng, các nhà báo có phỏng vấn tôi, tôi nói : tất nhiên bây giờ không ai dám khẳng định, nhưng tôi tin chắc rằng sẽ được, vì tính chất độc đáo như tôi vừa nói.
RFI : Có thể nói là nhanh như Gióng ?
Ngô Đức Thịnh : Đúng vậy, nhanh như Gióng.
RFI : Tức là khó khăn không phải nằm ở phía bên kia ?
Ngô Đức Thịnh : Hồ sơ này đưa tới Unesco là họ chấp nhận ngay. Họ không đề nghị mình bổ sung cái gì thêm. Đấy là một cái hết sức độc đáo nữa. Còn các lễ hội khác, các sự kiện khác, sau khi họ chấp nhận rồi, thường là họ gợi ý anh làm cho tôi thêm cái này, cái kia. Hồ sơ Hội Gióng hầu như không phải bổ sung thêm gì. Xin nhắc lại với anh, đây là di sản phi vật thể về lễ hội đầu tiên của Việt Nam chúng ta. Nhưng nói gì thì nói, dù chúng ta rất vui mừng, phấn khởi, nhưng vấn đề hiện nay của chúng ta là phải bảo tồn.
RFI : Vâng, đây cũng chính là điều chúng tôi muốn hỏi giáo sư !
Ngô Đức Thịnh : Nguy cơ đấy ! Tôi rất lo là thế này. Nhân chuyện như thế này, cơ quan này, cơ quan khác, nhà nước nhảy vào, rồi lại chính trị hóa nó đi, rồi nhà nước hóa đi. Đây là một nguy cơ. Nguy cơ thứ hai là du lịch. Tất nhiên là chúng ta phải phát huy Hội Gióng bằng cách gắn nó với du lịch, chuyện này chính là một cách quảng bá cho di sản. Nhưng nếu du lịch vào mà không khéo, có khi lại phá Hội Gióng. Vấn đề là chúng ta nhận thức rõ những nguy cơ đó, mà có cách để bảo tồn, bảo vệ nó, giữ được những giá trị như tôi đã nói, và đưa Hội Gióng vào trong đời sống của người Việt Nam chúng ta. Có một điều thuận lợi là hội này nằm ngay cạnh Hà Nội, và bây giờ nó thuộc về Hà Nội, nhưng thuận lợi đó lại sinh ra nhiều chuyện như tôi đã nói. Những chuyện này mình nhận thức trước, đưa ra cảnh báo trước, để đề phòng những khuynh hướng sẽ làm mất đi giá trị của nó.
RFI : Có một chi tiết, tuy nhỏ, nhưng cũng có nhiều người quan tâm, đó là ở Việt Nam, thường gọi là « lễ hội », nhưng trong trường hợp này lại gọi là Hội Gióng, vậy thì việc bớt đi chữ « lễ » ở đây có bao hàm ý nghĩa gì không ?
Ngô Đức Thịnh : Thực ra các cụ hồi xưa gọi là « hội », có khi gọi là « đám ». Làng tôi « vào đám », tức là « vào hội », thường là vào hội. Cách nói này là của quần chúng. Nên khi sử dụng chúng tôi lấy cái tên dân gian, lấy đúng tên như vậy là hay nhất. Còn « lễ hội » là một thuật ngữ mang tính khoa học.
RFI : Về biểu tượng Gióng có nhiều cách giải thích khác nhau, như những điều giáo sư đã nói ở trên, trong hồ sơ chính thức, đấy là một cách giải thích. Cách giải thích này mang nhiều ý nghĩa tích cực. Nhưng, cũng có những người, những nhà nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam, có những phê phán. Ví dụ như họ cho rằng, việc Gióng đi về trời là một hành động rời bỏ xã hội, và cũng có thể là đi về với cái thế giới của quyền lực, mà xa cách với nhân quần.
Ngô Đức Thịnh : Không, tôi cho rằng biểu tượng Gióng về trời là một biểu tượng quá đẹp, để nói rằng : khi có lâm nguy, Gióng với tư cách là một thiên thần, người nhà trời, con của ông thần sấm, đã xuống và ông đã làm hết trách nhiệm của mình là chống giặc và giải phóng cho quê hương. Xong cái việc đó, ông bay về trời một cách thanh thản. Cái hình tượng bay về trời này cực kỳ đẹp. Người ta còn bình luận : ở đó, có một cái gì đó rất là hay. Một con người mà công lao như vậy, làm một việc to lớn, vĩ đại như vậy, nhưng không màng đến sự danh lợi, không màng đến một đòi hỏi gì cả. Và trước khi ông về trời, ông đã cởi bộ giáp để lại, như anh thấy cái tượng bây giờ là một cái thân trần. Nhưng người họa sĩ, một tác giả bức tượng có nói với tôi đã khoác thêm lên mình ông một mảnh vải. Đấy, một con người hoàn toàn vô tư, không danh lợi. Hình tượng này để nói cho đời sau rằng : anh có công đấy, nhưng anh đừng có cậy công, anh đòi hỏi cái này, đòi hỏi cái kia.
Tôi cho rằng hình tượng bay về trời của Thánh Gióng cũng như nhiều vị thần khác cũng thế thôi. Đó gọi là « hóa », cái cách « sinh hóa » của thần. Sinh ra một cách thần kỳ và hóa cũng một cách thần kỳ. Sau này, rất nhiều người khi đánh giặc phải cầu đến Ngài. Thậm chí là khi mẹ bị thủy quái hãm hại, Ngài tức khắc có mặt và cứu mẹ. Người ta cũng nói rằng điều đó thể hiện tư tưởng hiếu thảo của người con. Cho nên hình tượng bay về trời không phải là một hình tượng vô trách nhiệm, đây là hình tượng của một người anh hùng.
RFI : Cách giáo sư giải thích là rất rõ, và nói đúng cái mặt tích cực của biểu tượng. Nhưng dường như, trong các biểu tượng của văn hóa truyền thống có sự đa nghĩa ?
Ngô Đức Thịnh : Tất nhiên là có sự đa nghĩa. Người ta có thể đọc được ở đó nhiều ý nghĩa khác nhau.
RFI : Như vậy, không biết, những người phê phán rằng Gióng đi như vậy, đến với một bầu trời cao như vậy, thì mặc dù vẫn có thể cầu đến khi cần, nhưng dù sao cũng thuộc về một thế giới quá xa xôi có phải không ạ ?
Ngô Đức Thịnh : Ngài có đi đâu đâu. Ngài vẫn ở trên trời, và khi có việc gì đó, sau này, có những người trong cuộc chiến chống ngoại xâm vẫn cầu đến sự trợ giúp của Ngài và Ngài đều có mặt. Ngài có đi đâu đâu, Ngài vẫn ở một nơi nào đó, và vẫn theo dõi vận mệnh của dân tộc, và khi vận mệnh của dân tộc có những hiểm nguy, thì Ngài luôn luôn có mặt. Tôi chưa thấy ai có thể lý giải theo kiểu như vậy. Ngài hoàn toàn không vô trách nhiệm, Ngài không bỏ mặc, Ngài về trời. Tôi cho rằng đấy là một hình tượng rất đẹp và đẹp như vậy nên chúng ta mới có được bức tượng như bây giờ là Thánh Gióng bay về trời.
RFI : Riêng về câu chuyện về bức tượng này liên quan đến một quá trình mới diễn ra. Bức tượng này có sự đầu tư của xã hội, đặc biệt là có sự đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cộng thêm vấn đề trái tim bằng đồng mà người ta đã đặt vào trong bức tượng. Giáo sư nghĩ như thế nào về những chuyện này. Việc có những thứ mới như vậy được thêm vào lịệu có làm thay đổi Hội Gióng không ?
Ngô Đức Thịnh : Tôi cho rằng việc làm trái tim cho Thánh Gióng và cho ngựa không cần thiết tý nào. Nó trần tục quá và không cần thiết. Thần linh không cần phải như vậy. Nhưng thôi, người ta làm với tấm lòng của người ta thì cũng được thôi. Nhưng cái đó theo tôi không quan trọng. Với thần linh không phải là như vậy.
RFI : Theo giáo sư, nếu bức tượng đó đã ra đời rồi, và có trái tim mang tính trần tục như vậy, thì liệu nó có ảnh hưởng gì đến di sản Hội Gióng hiện nay không ?
Ngô Đức Thịnh : Tôi nghĩ rằng không biết nó có ảnh hưởng không, nhưng mà việc đó là không cần thiết, có cũng được, không có cũng được. Có phải đâu là Thánh Gióng phải có trái tim thì mới là như vậy ?! Cái đó không nằm trong tâm thức của người dân. Nhưng mà thôi, người đời muốn làm như vậy thì cũng được. Không có chuyện gì. Cái chính là người ta đã làm cái việc "hô thần nhập tượng". Từ một cái tượng là vật chất thôi, nó đã mang linh hồn của vị thần linh rồi. Và như vậy, người ta đã đạt được cái ước vọng của người ta rồi. Còn có trái tim hay không, điều này không có gì là quan trọng.
RFI : Như vậy bây giờ, có thể hình dung là có hai biểu tượng về Thánh Gióng, một là trong tâm thức của người dân các làng, nơi tổ chức hội đó, và những người không phải là dân cư của những làng đó, và họ tưởng tượng về Thánh Gióng theo kiểu mới ?
Ngô Đức Thịnh : Vâng, cái này rất hay. Hôm tôi được mời lên chứng kiến lễ hô thần nhập tượng, tôi thấy có một điều rất là hay. Sức mạnh của Gióng là của nhân dân, của cộng đồng. Anh biết đấy. Sau khi Gióng đã nghe được lời cầu cứu của nhà vua, Gióng đã gọi sứ giả vào. Lúc đó, Gióng từ một đứa trẻ nằm trong nôi mới vươn mình lên. Mỗi ngày ông ăn 7 nong cà, 3 nong cà, mà cái đó là do toàn bộ dân làng góp sức lại. Cho nên cái sự vươn lên của Gióng trở thành khổng lồ như vậy, đó là sức mạnh của cộng đồng. Và bức tượng được làm như hiện nay, có sự góp sức của cộng đồng. Người góp nhiều, người góp ít. Thí dụ như có một người phụ nữ đã cúng tới mấy chục tấn đồng. Người ta kể với tôi, khi đúc tượng Ngài, có những người rút nhẫn ra ném vào, coi như cúng vào việc đó. Đấy cũng là sức mạnh của cộng đồng. Hai hình tượng, tuy nằm cách xa nhau hàng nghìn năm, nhưng đều nói lên rằng : sức mạnh đó là sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của cộng đồng. Không có cộng đồng, thì không có biểu tượng Gióng.
RFI : Xin trân trọng cảm ơn giáo sư.
source
RFI Vietnamese
http://hoigiong.blogspot.com/
ReplyDelete