PARIS (NV) - Một bức tranh sơn dầu do vua Hàm Nghi vẽ, bán được tới 8,800 Euros, tương đương 11,730 đô la Mỹ, trong một cuộc đấu giá tại Paris hôm Thứ Tư. |
Bức tranh “Chiều tà” hay “Ðường cái El Briar” do Vua Hàm Nghi vẽ. (Hình: SVV Millon & Associés) |
Bức tranh được nhà bán đấu giá SVV Millon & Associés rao giá khởi đầu là 1,000 Euros, và đã bán được trong một thời gian rất ngắn, trong một phòng đấu giá đầy ắp người với một đám đông phải đứng.
Nhà Millon gọi tên bức tranh là “Déclin du jour” (“Chiều tà”) nhưng theo đài RFI, đó chỉ là tiểu tựa, ghi chú ở đằng sau. Tên bức tranh do vua Hàm Nghi đặt, là “La route à El Briar” (“Ðường cái El Briar”).
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Tòa Ðại Sứ Việt Nam ở Pháp tham gia đấu giá để mua bức tranh, theo tin Vietnamnet. Hiện nay không rõ người mua, được RFI cho biết là đấu giá qua điện thoại, là ai và có phải là tòa đại sứ hay không.
Tiến Sĩ Phan Thanh Hải, phó giám đốc Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Ðô Huế nói rằng nếu Việt Nam thắng cuộc đấu giá, bức họa sẽ được thêm vào trong bộ sưu tập cổ vật hoàng cung và sẽ được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Cổ Vật Cung Ðình Huế.
Ðây là bức sơn dầu lớn cỡ 35x46 cm, do Vua Hàm Nghi vẽ vào năm 1915 ở Algeria, khoảng thời gian vua Hàm Nghi ngụ tại biệt thự Gia Long thuộc khu El Biar, tại Alger. Năm 1926, nhà vua đã có cuộc triển lãm tranh tượng đầu tiên và duy nhất tại Paris.
Góc dưới phía trước có chữ ký Vua Hàm Nghi, và sau lưng có ghi Quà Tặng của Hoàng Tử An Nam.
Hiện nay chưa rõ ai là người nhận quà tặng này từ “Hoàng Tử An Nam” tức Vua Hàm Nghi, và hiện đưa ra bán.
Vua Hàm Nghi khi vẽ tranh lấy nghệ danh là Xuân Tử. Sinh thời, nhà vua học vẽ với thầy là Maurius Raynault và học điêu khắc với Auguste Rodin.
Nhà sử học Charles Fourniau, chuyên gia về phong trào Cần Vương, cho báo Thanh Niên biết ông đã từng gặp hai công chúa Như Mai và Như Lý, được hai bà cho xem một số tác phẩm của vua cha. Khi ông Fourniau đề nghị tổ chức triển lãm thì hai bà khước từ. Cho đến nay, con cháu của công chúa Như Lý vẫn giữ nguyên ý định của hai người. Không những thế, họ xem những tác phẩm nghệ thuật này là sở hữu riêng tư, không muốn công bố, dù là dưới hình thức hình ảnh hay phim.
|
Chân dung Vua Hàm Nghi. |
Trong lần trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Sông Hương số ra tháng 8, 2008, công chúa Như Lý xác nhận, tài sản vua Hàm Nghi để lại quý giá nhất là tranh. Vua Hàm Nghi vẽ tranh rất nhiều. Gia đình chưa bao giờ bán những bức tranh này. Tuy nhiên, khi gặp lại những người đã từng yêu mến vua Hàm Nghi, công chúa Như Mai thường lấy tranh của vua Hàm Nghi vẽ để tặng họ làm kỷ niệm.
Theo lời ông Alexandre Millon, giám đốc văn phòng Millon & Associés, đây là lần đầu tiên một tác phẩm của Vua Hàm Nghi được đem ra bán đấu giá. Ðiểm đáng chú ý là Văn phòng Millon & Associés giới thiệu tác phẩm này được vẽ bởi chính bàn tay của Hoàng đế An Nam tức là vua Hàm Nghi. Có lẽ cũng vì thế mà sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của một số người Việt. Họ muốn đến xem tận mắt bức tranh “Chiều tà.” Theo cảm nhận của họ, tác phẩm của vua Hàm Nghi có giá trị tình cảm cũng như lịch sử.
Vua Hàm Nghi là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Tên thật là Ưng Lịch, nhà vua lên ngôi lúc 13 tuổi, năm 1884, một năm sau khi Việt Nam ký hòa ước cuối cùng thiết lập nền thuộc địa của Pháp tại Việt Nam.
Lên ngôi được chưa đến một năm, dưới sự chủ động của hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, quân triều đình nổi lên đánh Pháp ngay tại Huế và nhà vua bỏ chạy khỏi kinh thành. Từ chỗ trốn chạy, Vua Hàm Nghi thảo “Hịch Cần Vương” kêu gọi người dân chống Pháp, dấy lên nhiều phong trào khởi nghĩa nổi danh, như: khởi nghĩa Hương Khê của Phan Ðình Phùng, Cao Thắng; khởi nghĩa Ba Ðình của Ðinh Công Tráng; khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Ðịnh; khởi nghĩa Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân; khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên; v.v...
Năm 1888, nhà vua bị bắt, và bị đày đi Algeria. Tại đây, Vua sống tới lúc qua đời năm 1943. Vua lấy vợ người Pháp và sinh hai công chúa và một hoàng tử.
source
Nguoi-Viet Online
No comments:
Post a Comment