April 26, 2009
Lý Minh Hào
Ông Âu Trường Thanh, kinh tế gia kỳ cựu của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đã qua đời sau cơn đột quỵ và được thân nhân đưa vào cấp cứu trong một bệnh viện tại Paris, Pháp. Ông mất ngày 11 tháng 4 năm 2009, hưởng thọ 83 tuổi.
Kinh tế gia Âu Trường Thanh tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ Quốc Gia ngành kinh tế học từ Đại Học Sorbonne danh tiếng tại Paris, Pháp vào thập niên 1950. Sau khi về nước, ông đã tham chính trong chính phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và giữ chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế, thi hành việc cải cách guồng máy kinh tế thoát khỏi sự độc quyền kinh tế, thương mại từ giới Hoa thương Sài Gòn, Chợ Lớn. Đến thời “Nội Các Chiến Tranh” (Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương dưới quyền Tướng Nguyễn Cao Kỳ) vào năm 1966, ông lại được giao chức vụ Tổng Ủy Viên Kinh Tế-Tài Chánh (tương đương Tổng Trưởng) và nổi tiếng qua việc thi hành biện pháp “chống lạm phát bằng vàng” (mà chi tiết đã được kể lại trong cuộc mạn đàm với ông Lý Minh Hào thực hiện vào Tháng Hai, 2009 Xuân Kỷ Sửu dưới đây). Tại Pháp, trước khi về nghỉ hưu, ông đã đảm trách chức vụ Giám Đốc cho Công Ty Sanyo (Nhật), tại Paris trong nhiều năm.
Kinh tế Gia Âu Trường Thanh.Hình Gia Đình
Cách nay ít năm, ông Âu Trường Thanh đã sang Hoa Kỳ, lại San Francisco một thời gian ngắn, hội ngộ lại với Kỹ sư Khương Hữu Điểu từng làm việc chung với ông qua chức vụ Phụ Tá Tổng Ủy Viên Kinh Tế-Tài Chánh trước đây tại Việt Nam.
Vài chi tiết hữu ích cũng được biết thêm là cụ thân sinh của ông Âu Trường Thanh chính là người soạn thảo và phát hành “Lịch Tam Tông Miếu” đầu tiên tại Việt Nam. Ông Âu Trường Thanh đã qua đời giữa lúc nhiều thứ việc biên soạn, trước tác chưa hoàn tất. Tuy nhiên, ông để lại một số di cảo quý báu và bổn báo chúng tôi sẽ đăng tải khi có dịp thuận lợi, thuận thời.
Lý Minh Hào (LMH): Kính chào giáo sư, qua kỹ sư Khương Hữu Điểu, cá nhân chúng tôi hân hạnh có cuộc mạn đàm với giáo sư về một sự kiện mà lâu nay tôi muốn biết tường tận hơn, đó là việc “lấy vàng để xoa dịu kinh tế” vào giữa năm 1966 mà giáo sư là người khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo.
Âu Trường Thanh (ATT): Tôi cũng hân hạnh ở vai trò người có đủ thẩm quyền để trả lời và giải thích những gì thuộc phạm vi hay liên quan đến sự kiện kinh tế năm 1966 đó.
LMH: Bắt đầu tháng Ba, năm 1965, khi người Mỹ đủ thành phần có mặt đông đảo tại Việt Nam thì họ cũng mang tới xã hội những cơn lốc, cơn bão “giá cả” như vật giá tăng vọt, đồng bạc Việt Nam mất giá liên tục gây lạm phát phi mã. Văn minh Coca-Cola, của cải vật chất phủ phê, lối tiêu xài hoang phí của người Mỹ gần như đè bẹp nền kinh tế nhược tiểu bản xứ đang trong thời kỳ chiến tranh bộc phát và leo thang từng ngày. Trước tình trạng bi quan kinh tế, xáo trộn xã hội thực sự đe dọa sự tồn vong của chế độ đương quyền tại Saigon, buộc chính phủ Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn phải ra tay cứu nguy kinh tế Việt Nam, xin giáo sư cho biết sự khởi thủy và tiến trình của kế hoạch cứu nguy kinh tế đó.
ATT: Năm 1966, phái đoàn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã đến Saigon nhiều tháng điều nghiên tình hình kinh tế, tài chánh để có đủ những dữ kiện đưa ra biện pháp thích nghi tránh được sự suy sụp kinh tế của Việt Nam giữa lúc chiến tranh đang leo thang. Gặp tôi, ông trưởng phái đoàn nói ngay là lấy làm tiếc mà thấy trong tình trạng nghiêm trọng như thế, giữa tôi với ông Nguyễn Hữu Hanh (Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia lúc bấy giờ) lại không thuận nhau lắm. Tôi bèn trả lời rằng, thuận hay không thuận là chuyện cá nhân, còn về công việc làm thì ai nấy cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mỗi người được phân công minh bạch từ ban đầu, Bộ Kinh Tế thì có phận sự điều khiển guồng máy kinh tế, còn Ngân Hàng Quốc Gia thì điều hành việc tiền bạc.
LMH: Thế rồi giáo sư sau khi trao đổi ý kiến với họ về tình hình và giải pháp cứu nguy kinh tế VIệt Nam, giữa lúc vật giá, thị trường xáo trộn, đồng bạc Việt Nam mất giá nhanh, nguy cơ đi tới xã hội và chính trị hỗn loạn, giáo sư có đặt vấn đề “biện pháp cứu nguy kinh tế cấp thiết” là làm gì và khi nào hay không?
ATT: Có chứ. IMF liền đề nghị ngay phải phá giá đồng bạc Việt Nam. Tôi biết sẵn trong đầu là sẽ có đề nghị như thế. Nhưng lòng tôi vẫn ưu tư lo ngại. Theo sách vở tôi học, thì mọi cuộc phá giá tiền tệ đều cuốn hút theo những xáo trộn trong xã hội, và sau đó ít lâu, với nạn lạm phát thường theo đà xấu thêm thì lại phải phá giá đồng tiền một lần thứ hai, rồi thứ ba… Qua kinh nghiệm của nhiều xứ, đâu đâu cũng giống như vậy. Hậu quả của những lần liên tiếp phá giá đơn vị tiền tệ là xứ sở lụn bại hoặc thể chế sụp đổ. Tuy nhiên tôi sực nhớ ra một điều mà cuốn sách của Tiến Sĩ Schacht có nói về thảm trạng kinh tế của một vài nước Âu Châu sau thế chiến thứ hai. Lúc mà đồng Đức Kim mất giá thê thảm, người còn sở hữu loại tiền này vẫn phải mang hàng triệu Đức kim khi đi chợ. Điều đó nói lên trong vấn đề tiền tệ, việc quan trọng nhứt là lòng tin tưởng của người dân đối với giá trị đồng tiền họ còn đang có trong tay. Cho nên, ngay liền đó, một ý nảy ra trong đầu tôi…
LMH: Mạn phép cắt giáo sư đường đột ngay chỗ mạch câu chuyện đang hấp dẫn này. Giáo sư đã kiếm được “độc chiêu” nào để hoá giải tà ma, ám khí giống như trong truyện kiếm hiệp, phong thần để áp dụng vô cái chuyện cứu nguy kinh tế bằng giải pháp “phá giá tiền tệ” vốn vẫn dễ gây nguy hiểm như người ta khi xài cây dao quá bén?
ATT: Không có gì. Tôi biết chẳng qua vì anh muốn bám sát theo tôi thôi, đi song hành cho vui thêm câu chuyện mạn đàm kinh tế mà. Trở lại câu chuyện ngay đây. Trong buổi họp sau với IMF, tôi đề nghị cần phải có vàng để bảo đảm đồng bạc Việt Nam thì IMF và Ông Nguyễn Hữu Hanh giựt mình vì không biết tìm đâu cho ra vàng. Bởi vì chánh sách Huê Kỳ trong vấn đề viện trợ không bao giờ đề cập đến vàng. Vàng đúng ra là một chuyện không bao giờ nên đặt ra, vì khó hy vọng được giới chức Huê Kỳ chịu bỏ thì giờ ra thảo luận hoặc cứu xét. Nhưng tôi kiên quyết khẳng định với IMF và Ông Nguyễn Hữu Hanh rằng phải tìm ra cho tôi vàng, vì nếu không có vàng thì tôi không thể thực hiện việc phá giá đồng bạc VN, và trong trường hợp đó, tốt hơn là kiếm người khác để thay thế tôi.
LMH: Nhưng rồi với những điều kiện gì, họ đã chấp thuận “yêu sách”, xin phép có thể gọi là “xảo kế” của giáo sư dùng vàng để đối phó với lạm phát?. Xin nói thêm, chữ “xảo” không hề có nghĩa xấu như trong các chữ xảo trá, xảo quyệt, gian xảo mà mọi người hiểu nghĩa. “Xảo kế” ở đây gần đồng nghĩa với diệu kế, tinh kế. Như trong Hán tự, chữ “xảo biện” là biện bác giỏi, “xảo tứ” là ý tứ khôn, “xảo phụ” là đàn bà khéo. Tục ngữ Trung Hoa thường nói câu “xảo phụ vi sa tác phạn” (đàn bà khéo, nấu được cát thành cơm), hoặc “xảo phụ nan vi vô mễ chi xuy” (đàn bà dù khéo cũng khó nấu thành cơm nếu không có gạo) đều ngụ ý khen ngợi người đàn bà giỏi.
ATT: Cám ơn anh đã quá khen. Thú thiệt, tôi không hiểu IMF và ông Nguyễn Hữu Hanh vận động với chánh phủ Huê Kỳ như thế nào mà tới phiên họp kế tôi được biết là Huê Kỳ ưng thuận cho Việt Nam một khối lượng vàng tương đương với 50 triệu Mỹ Kim. Coi như đó là việc hy hữu và xảy ra lần thứ nhứt trong lịch sử viện trợ Huê Kỳ. Vậy là con đường để thi hành kế hoạch phá giá đồng bạc VN đã được khai thông. Tôi nhớ ông Nguyễn Hữu Hanh cho tôi coi số liệu thống kê của Ngân Hàng Quốc Gia ghi rõ tổng khối lượng tiền bạc đang lưu hành trong xứ, và bèn thương lượng với BRI (Banque des Règlements Internationaux) của Thụy Sĩ tại thành phố Bale để mua vàng và đem về dự trữ trong kho ngân khố của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam.
LMH: Đường đi coi như đã được khai thông để tiến hành, xin giáo sư nhớ lại trên lộ trình đó có gặp trắc trở, khó khăn gì và có những điểm móc quan trọng đáng nhớ nào không?
ATT: Tôi nhớ sau khi có buổi họp chung giữa IMF, Bộ Kinh Tế và Ngân Hàng Quốc Gia, chúng tôi đồng quyết định phá giá đồng bạc vào ngày 17/6/1966. Ngày 15/6/1966, tôi vào Văn Phòng Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia gặp Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu để trình bày ý của tôi. Tôi trình bày một cách khái lược, cố ý không tường tận cho lắm, và yêu cầu Ông Thiệu triệu tập tất cả các thành viên trong UBLĐQG họp vào tối thứ bảy 16/6/1966 lúc 23giờ 55 phút. Tôi lấy làm lạ ở chỗ là sao ông Thiệu không hỏi tôi một điều gì cả trước khi chấp thuận phiên họp quan trọng này. Tối thứ bảy 16/6/1966, tôi có mặt đúng giờ,và sau khi chào hỏi xã giao xong, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya, tôi đứng ra trình bày rõ ràng cho cả UBLĐQG hiểu lý do và mục đích của kế hoạch phá gía tiền tệ, với những điểm lợi và những hại có thể xảy đến. Phần điều trần mất khoảng 15 phút. Liền ngay sau đó, tôi nêu ý kiến hỏi xem ai có câu hỏi gì cần giải thích thêm để tôi giải đáp bổ túc, nhưng tôi cũng rất làm lạ không ai lên tiếng hỏi điều chi hết. Theo tôi nghĩ, do tình hình khẩn trương lúc bấy giờ nên giới tướng lãnh nắm quyền lực quốc gia chấp thuận mau mắn đề nghị cứu nguy kinh tế của tôi bởi không biết làm chi khác hơn.
LMH: Sau quyết định chung, tán đồng thi hành kế hoạch phá giá tiền tệ, chính phủ đã triển khai kế hoạch như thế nào trong hạn kỳ thời gian gần như phải chạy đua với hai chiếc kim đồng hồ từng giờ từng phút?
ATT: Đầu tiên, ngày 17/6/1966, Tướng Nguyễn Cao Kỳ bên Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ký ban hành ngay hai sắc luật. Sắc luật 001/66 chánh thức ấn định hối suất Đồng Bạc VN là VN$80 đổi một Mỹ Kim kể từ 00giờ; và Sắc luật 002/66 áp dụng đảm phụ và trợ cấp củng cố kinh tế VN$38 cho một Mỹ Kim. Đặc biệt, thời điểm ngày 17/6 đúng vào chủ nhật thành thử ai muốn trao đổi một dịch vụ tiền bạc thì không thể làm được vì tất cả ngân hàng đều đóng cửa. Lại nữa, qua ngày kế, thứ hai 18/6, các công sở được nghỉ với lý do chính thức ăn mừng Ngày Lễ Quân Lực VNCH 19/6. Cùng ngày 18/6, nhiều biện pháp chống lạm phát được ban hành, như áp dụng trợ cấp du học VN$38 cho một Mỹ Kim, tăng lương quân nhân công chức từ 20% đến 30%, lập Quỹ Điều Hành Thị Trường Vàng để bán vàng thoi theo giá chính phủ ấn định.v.v…
LMH: Cũng nghe nói giáo sư có tổ chức cuộc họp báo thu hút đông người tham dự. Một màn “phô diễn vàng thoi” ngoạn mục có tác động tâm lý rất mạnh trong dân chúng đã giúp chính phủ Saigon xoay ngược được tình thế đang suy sụp trở thành khá hơn, mặc dù chỉ trấn áp hiệu ứng tạm thời cơn sốt lạm phát đang làm con bệnh kinh tế VN vật vã.
ATT: Đúng. Cùng ngày 18/6, tôi mở một cuộc họp báo lớn tại Bộ Kinh Tế. Có rất đông ký gỉa và thương gia đến tham dự đến nỗi phòng họp không còn chỗ chứa. Trước khi họp báo, tôi có nhờ Ngân Hàng Quốc Gia cho mượn một thoi vàng nặng 1 kílô đặng tôi đặt trước mặt trên chiếc bàn nơi tôi ngồi. Thoi vàng để trên bàn khêu gợi tánh tò mò của người dự. Thú thật, chính tôi từ trước đến nay, cũng chưa khi nào có dịp thấy và rờ một thoi vàng thiệt nữa. Trước khi khai đề, tôi cho chuyển thoi vàng qua tay các nhà báo, và người nào người nấy đều lấy tay mân mê thoi vàng khi cầm nó trong tay. Luồng điện tâm lý tuồng như đã chạy rần rần trong thần kinh não bộ các ký giả qua những phản ứng trên nét mặt. Bắt đầu cuộc họp báo, tôi nhơn danh chánh phủ công bố hối suất mới của Đồng Bạc VN đối với Mỹ Kim là 80 Đồng Bạc VN “ăn” một Mỹ Kim hiệu lực kể từ 00giờ. Không quên nhấn mạnh kế tiếp rằng để bảo đảm giá trị hối suất mới của Đồng Bạc VN, chánh phủ cho dân chúng mua vàng tự do không hạn chế. Ai mới nghe cũng cho là sự láo bịp của chánh phủ để nhất thời trấn an dư luận, luôn cả những kinh tế gia lão thành cũng ngờ vực. Bởi vì không ai dè rằng chánh phủ đã chuẩn bị dự trữ nhiều tấn vàng để đáp ứng nhu cầu mua vàng của dân chúng. Như anh cũng biết, thông thường, tổng khối lượng tiền bạc lưu hành trong một quốc gia chia ra làm ba phần: một phần để tiêu xài, một phần để buôn bán và một phần để tiết kiệm. Khi nghe tin chánh phủ tung vàng từ quốc khố ra bán với giá rẻ hơn thị trường thì dân có tiền đua nhau rút tiền tiết kiệm ra, hoặc chuyển phần tiền đang định làm áp phe để tích trữ mua vàng vô cho chắc ăn, chờ lên giá hưởng lời. Sức hấp dẫn của “vàng thiệt và giá rẻ” đã khiến nhiều người tạm thời quên đi thói quen đầu cơ, ôm tiền mua hàng hoá cất giấu để chờ thời cơ “mua một bán ba” vẫn làm lâu nay. Trong một thời gian ngắn thôi, chiến dịch “chánh phủ bán vàng” đã đem lại kết quả khả quan. Tôi đơn cử những số liệu chánh thức còn lưu giữ như sau: Giá vàng (tính theo Lượng Vàng) trên thị trường VN vào thời điểm đó: 12,300 Đồng VN (ngày 10/6/1966); 15,500 Đồng VN (ngày 16/6); vọt lên 20,500 Đồng VN (ngày 18/6); rồi sụt còn 12,300 Đồng VN (ngày 28/6). Tạm đứng lại ở mức bớt giao động giá cả. Như anh thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, giá vàng tăng gần gấp đôi, nhưng rồi lại tuột giá cũng như vậy hơn mười ngày sau khi phá giá đồng bạc VN và tung vàng bán ra.
LMH: Theo như chúng tôi được biết qua thực tế, “phá giá tiền tệ” là biện pháp đối phó nạn lạm phát cực chẳng đã mới đem ra áp dụng vì hệ quả phức tạp của nó, xấu nhiều hơn tốt, tạo bất ổn nhiều hơn ổn định cho sinh hoạt bình nhựt của xã hội. Thực tế vẫn cho thấy là vật giá, giá sinh hoạt cứ tiếp tục leo thang theo đồng tiền mất giá sau mỗi lần phá giá tiền tệ. Trong trường hợp giáo sư ứng phó lạm phát kinh tế vào giữa năm 1966 tại VN, dùng vàng để làm đòn bẩy thực thi kế hoạch, tình hình diễn biến kinh tế tài chánh, tình trạng vật giá biến chuyển ra sao vào lúc bấy giờ?.
ATT: Tôi nói rõ thêm về trường hợp vàng. Đến cuối tháng 6/1966 thì những tiệm mua bán vàng lớn ngưng không muốn mua vàng của chánh phủ bán ra nữa, vì nhu cầu mua vàng vô của dân chúng giảm mạnh. Giá vàng không tăng mà lại tuột nhanh sau khi phá giá đồng bạc Việt Nam. Còn giới chuyên môn kinh doanh theo lối đầu cơ nhận thức ra rằng “chôn vốn” vào việc dự trữ vàng là thất sách, không có lời mà lại đâm ra lỗ, bèn bán vàng ra để có đủ tiền mặt mua hàng hoá kinh doanh hoặc làm các loại áp phe khác. Còn giá chợ đen Mỹ Kim cũng ở vào tình trạng đứng giá. Vật giá các loại nhu yếu như gạo, trứng, sữa, hàng vải, nhiên liệu có gia tăng nhưng không đáng kể. Tình hình kinh tế từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1966, nói chung tạm ổn, đời sống người dân không quá khó khăn. Chỉ có mặt hàng thịt heo khan hiếm, lên giá vì tình trạng bất an tại các vùng quê, miền nông thôn do xung đột, giao tranh quân sự gia tăng, chiến tranh VN leo thang.
Thú thiệt, tôi đã thở phào một cái nhẹ nhõm người , lòng bớt nhiều các thứ ưu tư trĩu nặng bấy lâu nay. Kế hoạch chống lạm phát và phá giá tiền tệ đã đạt thành quả một cách êm ả, vì làm sụt giảm giá trị đồng bạc VN mà không gây ra xáo trộn xã hội, chính trị ảnh hưởng nguy hiểm cho quê hương xứ sở. Nhứt là về mặt tâm lý, việc phá giá đồng bạc không gây ra sự hoảng hốt, dân chúng vẫn tin tưởng giá trị của Đồng Bạc VN bên cạnh vàng được chọn làm tiêu chuẩn bảo chứng. Đúng như kinh tế gia Schacht nói, yếu tố tâm lý của người dân trong một nước có một sự tác động và ảnh hưởng tốt hoặc xấu trên bất cứ kế hoạch phá gía tiền tệ nào.
LMH: Phải nói kế hoạch “xoa dịu kinh tế” của giáo sư được “nhứt lộ hanh thông, nhứt phàm phong thuận” (một đường thẳng tiến, một buồm xuôi gió), như người Trung Hoa thường nói, là nhờ sáng ý và diệu kế “dùng vàng” để ứng phó trước sau nhiều thứ nhắm tới: hút bớt khối lượng lớn tiền bạc đang lưu hành khi dân tung tiền ra mua vàng – đến khi “no vàng” rồi và “kẹt tiền mặt” lại bán vàng ra để lấy tiền tiêu xài, làm ăn – vàng “hút tiền” để làm bớt áp lực lạm phát – Đồng Bạc VN được dân chúng tin tưởng vì có vàng chính phủ bảo chứng. Thành thực cám ơn giáo sư đã dành cho buổi mạn đàm kinh tế lý thú này. Kính chúc giáo sư nhiều sức khỏe và mong được tái tục những cuộc mạn đàm khác.
ATT: Hân hạnh và hy vọng như vậy. Chào anh.
*******************
source
Viet Tribune Online
No comments:
Post a Comment