TỪ VÕ NGHIỆP DÂN TỘC ÐẾN TỬ VI, VIỆT DỊCH – ÐÔNG Y
Cao Thế Dung
Sức mạnh của cọp là ở xương cốt. Tinh anh của cọp toát ra ở đôi mắt. Tạp chí Ðịa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ, ấn hành một số chủ đề về cọp Tây Bá Lợi Á, in trọn trang bìa mặt cọp, đôi mắt xếch, đôi chân to lớn quá cỡ với bộ ria trắng, dài và cứng. Thế giới cọp Ðông Bắc Nga ở vườn thú thiên nhiên rộng 190 dặm vuông, cọp sống trong bình yên, diễm tình, thơ mộng. Cọp đực đuổi cọp cái đầy âu yếm tình tự vui chơi rồi hai anh chị gối đầu nhau nằm ngủ trưa trên tuyết. Cọp dùng móng vuốt bốn chân leo cây. Cọp Nga không còn bao nhiêu. Cọp Mã Lai, Ấn Ðộ, Hy Mã Lạp Sơn và VN đang trên đà tuyệt chủng (Xem:National Geographic, vol. 191, no 3, Feb. 1997, “Siberian Tigers”, pp. 99-109 by M. Hornocker&photographs). VN xưa là một “rừng cọp”. Cọp Thượng Du, Trường Sơn, Tây Nguyên cho đến Cà Mau, Thất Sơn. Trong bài này, chúng tôi cống hiến quí đồng hương một đôi chút về Ðông Y, Khí và Thần qua xương cốt cọp và ria cọp sử dụng trong các trận đánh giặc Bắc xâm lược đã làm cho chúng hồn siêu phách lạc, trăm trận đánh trăm trận thua.
CỌP VÀ TỬ VI
Về Tử vi Lý số, phần lớn Tầu và Ta cho rằng phụ nữ tuổi Dần thì cao số, cứng tướng. Tuổi Hợi kỵ tuổi Dần! Không hẳn như thế, có hằng triệu-triệu phụ nữ tuổi Dần. Bao nhiêu phụ nữ tuổi Dần làm nên danh phận cho chồng, đảm đang nhưng cứng cỏi, thường là “khắc khẩu” với chồng. Lữ Hậu, vợ cả vua Hán Cao Tổ tức Lưu Bang (206-194 trc.CN) tuổi Dần, hưởng hạnh phúc bên chồng cho đến khi chồng chết. Lữ Hậu là người cơ mưu, quả cảm cứng rắn, lấy người chồng vô học tay trắng làm nên nghiệp đế. Lữ Hậu sinh giờ Dần, tuổi Giáp Dần. Mệnh ở Thìn có sao Liêm, Lộc, Lộc tồn, Ðế Xương, Bát toạ, Thái tuế. Cung Phu ở Ngọ, có sao Thất sát, Tham lang, Ðẩu, Ðiếu, Tam thai. Tử vi của Hán Cao Tổ Lưu Bang, sinh năm Giáp Ngọ, giờ Ngọ. Cung Thê thật tuyệt vời, có Thất sát, Văn Xương, Thanh long, Mộ, Phượng các, Ðiếu khách. Ðem 2 tử vi của Lưu Bang và Lữ Hậu, phối hợp lại gọi là CỘNG NGHIỆP thì chồng làm Hoàng đế, vợ làm Hoàng hậu, cho ta thấy Tử vi đúng đến 95%. Lưu Bang vào loại “Mệnh thân đồng cung-Tử vi hội tướng quân, song Lộc phụng nghi cách”. Lữ Hậu “Tử, Phủ triều viên, Giáp sinh nhân, song Lộc trùng phùng, hội Thái tuế, chuyên quyền chi cách”. Hán Cao Tổ chết, Lữ Hậu đoạt quyền của Hán Huệ đế, con trai duy nhất của bà ta. Huệ đế chết yểu, Lữ Hậu đoạt quyền hoàng đế của cháu, ngầm sai giết cháu nội, trực tiếp cầm quyền. Lữ Hậu trả thù vợ bé của chồng là thứ phi Thích Cơ “đốt tai, cắt mũi, móc mắt, cho uống thuốc thành câm, cho vào ở nhà xí, Thích Cơ thành “người heo” (Tư Mã Thiên, Sử Ký, Lữ Hậu bản kỷ, tr.164). Thái y dâng Lữ Hậu thuốc “Lão hồi xuân”, “Cải lão hoàn đồng”, Lữ Hậu thành cuồng dâm cho tuyển trai tơ to lớn “ngoại khổ” đưa vào cung giả vờ làm hoạn quan để phục vụ Lữ Hậu, đêm đêm vô độ. Bà nắm quyền hoàng đế được 7 năm thì chết vì bạo dâm.
CỌP TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
Cọp là hình ảnh quen thuộc trong dân gian VN, phảng phất tính thiêng liêng. Cọp được thờ ở các quán Ðạo Mẫu, Ðạo Giáo, Ðạo Nội và một số đình, đền, nhất là đình miền Nam, “tại các đình miếu miền Nam trước cổng vào, người ta đều thấy tấm bia phù điêu hình hổ được tô bằng những mầu sắc dữ tợn. Tại miền Bắc các loại hình hổ này được gọi là binh hổ. Ở miền Nam được gọi bằng Thần Hổ hay Ông Hổ (dân gian gán cho hổ một sức mạnh thiêng liêng). Lại còn có bùa Ông Hổ “dán trước cửa ra vào với ngụ ý không cho tà ma quỷ quái vào nhà vì có hổ trấn trước cửa”. Các đình ở miền Nam như Ðình Phú Nhuận, Ðình Xã Thông Tây Hội ở Gò Vấp dựng miếu thờ “Ngũ Hổ” (Xem: Nguyễn Long Thao, Nghiên cứu một ngôi Ðình làng miền Nam-Ðình Phú Nhuận. Sàigòn 1974, tt.64-65). Nền Minh Triết của dân tộc Việt biểu hiện đơn giản nơi đồ hình VUÔNG TRÒN và là đạo vuông tròn, khởi nguồn từ âm dương, nam nữ, trời và đất, “Trăm năm tính cuộc Vuông Tròn (hôn nhân) - Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”. Và đấy cũng là đồ hình Ngũ hành của dòng ÐẠO NỘI do Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn sáng lập. Ngài là Ðạo tổ nên tôn là Ðức Thánh Trần. Ngũ Hành của Ðạo Nội và Ðạo Mẫu VN lại ứng với Ngũ Hổ. Hình vuông trong vòng tròn, 4 phía vòng ngoài: trên là Tây, dưới là Ðông, bên phải là Bắc, bên trái là Nam. Hình vuông vạch 2 vạch chéo thành 4 hình tam giác. Hình trên là hành KIM ứng vào Bạch Hổ, hình bên phải (phương Bắc) ứng vào Hắc Hổ, hành Thủy; hình bên trái (Nam), hành Hỏa ứng vào Xích Hổ (hổ đỏ), hình dưới cùng, ứng vào Thanh Hổ, hành Mộc. Giữa hình vuông, tâm điểm là hình tròn, trung ương, hành Thổ, ứng vào Hoàng Hổ. Vuông trong tròn mà tròn lại trong vuông. Nghĩa là trong dương đã có âm mà trong âm lại có dương.
Xưa, ta ngồi ăn trên xập, trên giường hay phản, trải chiếu hình vuông, đặt mâm gỗ hay mâm đồng hình tròn, cứ bốn người một cỗ, biểu hiện đạo Vuông Tròn trong cả ăn uống. Bốn người ngồi bốn góc là tứ trụ, chén nước mắm chấm chung đặt ở giữa mâm làm tâm điểm của cái CHUNG NHAU. Ngũ hành ở trong trời đất vuông tròn, ở cả 4 phương (không gian), ở trong thân mệnh con người. Ngũ hành: Thổ, thủy, hỏa, kim, mộc tương ứng với ngũ sắc: vàng, đen, đỏ, trắng, xanh tượng trưng bởi 5 loài hổ và đó là sức mạnh của Mẹ Thiên nhiên vũ trụ, của Trời đất và ngay trong con người (Xem: Nguyễn Ðăng Thục (GS), Lịch sử Tư Tưởng Việt Nam. Sàigòn 1963, phần “Ðức Thánh Trần”, tt.253-270, kèm biểu đồ. Nxb Tp HCM in lại 2 lần, 1997-1998).
CỌP VÀ VÕ TƯỚNG
Hổ được dùng làm biểu hiện của võ tướng. Xưa, võ phục thêu mặt “hổ phù”, trước bản doanh của tướng treo hổ phù. Ðại Việt sử ký Toàn Thư chép, năm 1427, Minh đế sai Chinh lồ tướng quân Liễu Thăng đốc xuất đại binh vượt ải Pha Lũy (Nam quan) cứu viện quân Minh đang bị quân ta vây khốn ở Ðông Kinh (Hà Nội). Lam Sơn nghĩa sĩ, “chém đầu y ở núi Mã Yên, lấy hơn một vạn thủ cấp giặc, lấy được hổ phù của Thăng -Tổng binh (tổng tư lệnh), Vương Thông phải xin hòa, rút quân về nước, bãi bỏ “Giao Chỉ tỉnh” (Ðại Việt). Vua Lê Thái Tổ cử Sứ thần sang Bắc Kinh, ta trả cho nhà Minh 13578 tù binh, 280 sỹ quan, 2137 quan lại (dân sự) 13180 tên lính “kỳ” (cầm cờ). 1200 ngựa chiến “đồng thời đưa cả chiếc song hổ phù và quả ấn bạc hai tầng của tên tướng giặc Liễu Thăng” (Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên, Toàn Thư (sđd.) Q.X, tờ 46b. Bản chữ Nho (Hán) tàng trữ tại Thư Viện The Yenching (Yên Kinh), ÐH Harvard, Mass. USA, ký hiệu số 3545/2643). Hổ Trướng Khu Cơ là tên bộ binh pháp của danh nhân Ðào Duy Từ (1572-1634) nghĩa là nền tảng cơ bản ở nơi nhà tướng. Ðọc bộ binh pháp “Hổ Trướng” này ta không khỏi tự hào và hãnh diện về trí tuệ siêu đẳng của ông cha, vào thời Ðào Duy Từ, người Việt đã chế được hỏa tiễn, phép “chôn lửa thương dưới đất” (mìn), phép làm “hỏa tiễn chứa thuốc độc”, phép “đốt đuốc trước gió”, phép “nấu cơm ở trên đầu ngựa”, phép “lấy nước ngọt trong biển”, phép “đặt thủy lôi dưới nước”, phép “đặt tên ngầm dưới nước”, phép “làm cầu phao trăm cấp”& (Xem: Binh Thư Yếu lược. Phụ: Hổ Trướng Khu Cơ. Bản dịch của Viện Sử Học. Nxb KHXH, HN 1977, tt.408,409,410,417,420,422&) HỔ TRƯỚNG KHU CƠ hoàn toàn là “sản phẩm” vĩ đại của trí tuệ VN qua Ðào Duy Từ, không mảy may ảnh hưởng binh pháp và quân khí của Tầu.
HỔ CỐT - RIA CỌP VÀ THUỐC ÐỘC
Hổ trong sách Bàn Thảo, gọi là “Ô thố”, đại trùng, lý nhã. Sách Dịch quái thông nghiệm nói “Lập Thu hổ bắt đầu gầm. Tháng trọng Ðông (tháng 11) hổ (đực, cái) bắt đầu giao hợp. Lại nói: Hổ biết xông phá, biết vạch đất, xem chẵn lẻ để bói ăn. Hổ ăn thịt chó thì say. Chó là rượu của hổ. Thịt hổ chữa chứng âm tà, ma quái” (Cao Xuân Dục, Tổng Tài Quốc Sử Quán, Ðại Nam Dư Ðịa chí ước biên, Toàn Tập, T.4. TS Hoàng Văn Lâu, dịch và chú giải. Nxb Văn Học, HN 2003, tr.622).
Cao hổ cốt, một dược liệu “kỳ diệu thần phương”. Nay hầu hết là cao “hổ cốt giả”, Tầu nấu bằng xương chó! Vả lại, LHQ và cơ quan Bảo Vệ Hoang dã đã cấm. Số cọp trên toàn cầu không còn bao nhiêu. Có thể thay cao hổ cốt bằng dược liệu có hiệu quả tương tự mà tôi trình bày dưới đây. Về cao hổ cốt và dược liệu hổ, theo Hải Thượng Lãn Ông Y Tổ: “Hổ khỏe dữ lắm chỉ nhờ ở ống chân trước, vì tuy nó đã chết mà chân vẫn thẳng không ngã, cho nên xương ống chân mạnh gấp 100 lần so với xương ở các chỗ khác, mượn khí hữu dư của nó để bổ cho chứng bệnh bất túc, vị cay hơi nhiệt đã bẩm thụ khí dữ tợn, lại có công năng tân tán, cho nên dùng để đuổi tà trừ ác, kinh giản, bệnh điên, và chạy từ gân suốt đến xương, nếu đau ở eo lưng và lưng thì nên dùng xương sống” (Y tông Tâm Lĩnh, Vệ sinh Yếu quyết, tr.199). Cao Hổ cốt đã vĩnh viễn đi vào lịch sử Y dược Ðông Y.
Nói về bộ ria cọp phải nói đến nữ Tiến sĩ Nhân Chủng học Pháp Madeleine Colani, người đã khám phá ra nền Văn minh Hòa Bình, VN, cách nay khoảng 10,000 năm. Colani sống gần trọn đời ở VN, từ Hà Nội đến Hòa Bình, bà nói thông thạo tiếng Mường, đọc được chữ Mường (chữ Khoa đẩu). Với khám phá khảo cổ của Colani, Tiến sĩ W.G. Solheim II, ÐH Hawaii, tiếp nối công trình, năm 1972 ông phát hiện thêm các di chỉ Văn minh Hòa Bình, đi đến kết luận: “Văn minh Long Sơn và Ngưỡng Thiều ở Hoa Trung nước Tầu là di sản của Văn minh Hòa Bình”. Kết luận của Solheim được giới Khảo cổ học quốc tế công nhận (W.G. Solheim II, National Geographic, vol.139, No 3, 1971, “New light on a Forgotten Past” (Ánh sáng mới về một quá khứ đã bị lãng quên). Khám phá mới nhất của Nhân chủng học cho ta biết, loài người hôm nay ở các châu lục và hải đảo phát xuất từ Ðông Phi (Kenya-Sudan-Somalia). Trên tấm bản đồ về cuộc hành trình di dân của cổ nhân, ngoài Ðông Phi ra còn một điểm xuất phát khác nữa, đi lên phương Bắc lại khởi nguồn từ vùng Hòa Bình ngày nay (Scientific American, July-2008 (số chủ đề). Prehistoric migrations (Các cuộc di dân tiền sử). New genetic evidence reveals clues to the first human journeys. (Chứng liệu chủng loại mới phát hiện được đầu mối cuộc hành trình đầu tiên của con người). Người Hòa Bình thời Viễn cổ là chủng loại ra đời tiên khởi ở VN (cư dân Cúc Phương) rồi đi lên phương Bắc (Tầu), Ðài Loan, Nhật Bản. Con người Hòa Bình đã sớm văn minh, dân tộc Mường ngày nay là hậu duệ ở rải rác các tỉnh Thanh Hóa, Sơn Tây, Vĩnh Phúc nhưng đa số tập trung ở tỉnh Hòa Bình (Xem: Cửu Long Giang (cựu Tr. tướng Nguyễn Bảo Trị) và Toan Ánh, Miền Bắc Khai Nguyên, Sàigòn 1968, t. Hòa Bình, “Dân cư”, tt.246-247). Thế kỷ 15 trở về trước, chưa phân biệt Mường-Kinh. Mường là đơn vị cư trú của dân tộc thiểu số Thượng Du. Mường là Lạc Việt miền núi, Kinh là Lạc Việt ở trung du và đồng bằng. Dân Mường có tài bắn nỏ với mũi tên đồng hay tre già tẩm thuốc độc. Ts Colani đã dự kiến và cũng là cuộc thử nghiệm bắn tên tẩm thuốc độc. Mũi tên đồng có 3 ngạnh, đã bắn vào người ta thì không thể rút mũi tên ra được. Một con trâu ở tuổi đầy cường lực, từ cách xa, dân Mường bắn tên tẩm độc vào mông nó, chỉ sau 3 giờ, trâu lăn ra chết. Theo Colani, cách chế tạo thuốc độc là một bí truyền, người Mường chỉ cho bà biết một phần sơ khởi: săn được cọp, họ nhổ ít sợi ria mép cọp. Ðoạn, lấy một miếng thịt heo tươi rồi cắm ria cọp vào thật sâu. Ít lâu sau, thịt heo thiu rữa sinh ra một loại sâu trông xanh biếc. Họ đem sâu phơi khô rồi tán thành bột hòa với thuốc bí truyền rồi ngâm mũi tên đồng hay tre một thời gian. Nhờ loại tên tẩm thuốc độc, quân ta đã nhiều lần làm cho giặc Bắc “táng đởm kinh hồn” chạy chết về Tầu qua Quỷ Môn, một cửa ải ở Chi Lăng “10 đi, 1 về” nên ta đặt tên là Cửa Quỷ, cũng có nghĩa là cửa Quỷ xâm lăng.
ÐÔNG Y VỚI TÀ KHÍ – CHÍNH KHÍ
Ðông Y coi KHÍ và THẦN là cơ bản trọng điểm của y lý. Ðây cũng là điểm khác biệt căn bản giữa Ðông Y và Tây Y. DS Ðỗ Ðình Tuân, Giáo sư Dược Khoa, ÐHDK Sàigòn trước đây là một danh y Ðông Y, ông khảo cứu tường tận về tinh-khí-thần, tuy là 3 mà chỉ là MỘT. Nói về khí mà khoa học Môi sinh trong 30 năm qua mài miệt khảo sát: Theo GS khả kính Ðỗ Ðình Tuân, trước sau chỉ có 2 điểm chủ yếu: TÀ và CHÍNH, “chính khí thắng thì tà khí lui, bệnh tật tất khỏi” (DS Ðỗ Ðình Tuân, Ðông Y lược khảo-Kinh lạc. Q.II, Sàigòn, 1970, tr.114). Hải Thượng Lãn Ông cũng quan niệm đại cương như thế. Ngài thi ca hóa: “Hít vào thanh khí, độc liền thải ra-Làm cho khí huyết điều hòa-Tinh thần giữ vững bệnh tà khó xâm-Lại cần tiết chế nói năng-Tránh làm quá sức, dự phòng khí cao” (Vệ Sinh yếu quyết, tr.39). Mỗi sáng, nên ra vườn sau, thở-hít ít nhất 20 lần: đứng thẳng (chớ cúi xuống hít-thở, dễ còng lưng mai hậu). Hít bình thường 5-10 cái rồi ngưng lại ít giây sau đó thở hắt ra 5 cái để tuôn khí thải ra. Khi màn đêm đã xuống, không nên ra ngoài hít thở, tránh âm khí. Khi mặt trời sắp lặn, còn nắng, nên ra ngoài vườn, hít thở vài ba chục lần để hấp thụ khí âm dương giao hòa. Vào sớm mai, hướng về phía mặt trời rạng đông hít-thở, thở-hít để hấp thụ nguyên khí. Ngàn xưa Nội kinh đã dạy ta: “Thày thuốc phải xét toàn diện, môi trường và khí hậu là trọng điểm để phán đoán” (Hoàng Ðế Nội Kinh, Tố Vấn. Q. hạ, tr.48).
Ung thư phổi tưởng là nan y, vẫn có thể trị được. Nên đề phòng trước. Phổi là chủ thể của thân mệnh. Trung niên và tuổi già phải TUYỆT ÐỐI, tôi dùng chữ tuyệt đối bảo trọng phổi. Thí dụ gặp lúc mưa gió, tuyết lạnh, mặc áo phong phanh, lúc về nhà phải uống ngay một ly nước nóng, nhấm nháp một miếng gừng. Nếu bị sưng phổi (pneumonia) sẽ là đầu mối cho các bệnh “nằm vùng” bùng lên “làm loạn”. Các bệnh tiềm ẩn trong lục phủ ngũ tạng có thể nằm yên đó mãi mãi cho đến khi ta tạ từ cõi tạm nhưng nếu có cơ hội là chúng sẽ bùng dậy, tuổi cao còn sức lực đâu mà chống trả. Hải Thượng Lãn Ông viết bộ Vận Khí bí điển, ngài chia làm nhiều loại khí như khí 4 mùa, khí trái thường, địa khí, thiên khí, phong khí “mưa nắng đã không giống nhau thì ngoài phạm vi nghìn dặm, nóng lạnh tất nhiên phải khác nhau, thổ nghi đã mỗi nơi một khác thì chứng bệnh do đó mà khác nhau” (Vận khí bí điển, tr.271). “Ngộ gió”, Ðông-Tây Y quan niệm khác nhau. Tây y tổng quát hóa là “đột quy”. Nhưng “ngộ gió” đối với Ðông y lại rất đa dạng. Các vị cao niên không bao giờ nằm, ngồi ở giữa 2 luồng gió lùa. Các bạn trẻ và trung niên khi uống rượu, bia cũng vậy, tránh ngồi giữa luồng gió lùa, ngồi ngoài trời không sao. Ta thường nói “phải gió”, nghĩa là bị tà khí bất thần đột nhập vào lúc nhân thể mệt, yếu. Về châm và cứu, Nam y đơn giản không rắc rối như châm và cứu của Trung y nhưng rất hiệu quả, thí dụ “cạo gió”. Trung y về châm cứu trước đời nhà Hán (thế kỷ II trước CN), phương pháp trị liệu gồm có 3 khoa: 1- Châm (Acupuncture); 2- Cứu (Moxa) 3- Án ma (hay mát-xa) (Kinésithérapie, massage) (Xem: BS Nguyễn Văn Thọ “Trị liệu pháp của Lãn Ông với trị liệu pháp của ít nhiều danh y Trung Hoa”. Tạp chí Phương Ðông, số 18, Sàigòn, 12-1972). Nam Y của ta sở trường về châm, cứu và án ma (mát xa). Ðặc biệt là cạo gió và xông hơi.
THẦN KHÍ – THỦY HỎA VÀ RƯỢU
Uống bia không tốt cho người cao niên, nhất là bữa cơm chiều, nên uống một ly vang nhỏ, vừa giảm “cholesterol” vừa bổ thần khí. Rượu ngâm Hà Thủ Ô có tác dụng “cải lão hoàn đồng”, bổ thận ích khí. Lưng gối đau mỏi, người uể oải, đau nhức, bữa cơm chiều nên uống một ly nhỏ rượu ngâm Hà Thủ Ô, gọi nôm na là cây sữa bò – Streptocaulum Juventas Apocyum Juventas, nhiều tinh bột với hoạt chất anthraglucoside, nhiều alcoloide. Phương thang ngâm rượu thuốc: 100g hà thủ ô, 50g Phục linh, 100g thục đậu, 50g phòng phong, 30g cam thảo, ngâm với 2 lít rượu trong 10 ngày, lấy nước thứ nhất ra, đổ thêm 2 lít nữa, ngâm một tháng, lấy nước thứ 2, uống 1 ly nhỏ trước bữa ăn trưa, chiều. Lá, dây, củ thái nhỏ (kỵ sắt), ngâm nước gạo 3 đêm ngày, phơi khô, sao vàng, nấu nước uống hay ngâm rượu, bổ ngũ tạng, điều hòa âm dương. Không nên mua rượu Ngũ gia bì “Made in China”, độc hại, phần nhiều là giả. Ngũ gia bì Ðài Loan rất tốt, khả tin. Bổ Thần-Khí không gì tốt bằng hai thứ rượu Hà thủ ô và Ngũ gia bì, ta có thể nấu lấy, đơn giản: Ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 1 lít. Ngâm trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống một ly nhỏ vào buổi tối trước bữa cơm chiều, chữa đau lưng, đau xương, nhức mỏi, bần thần (Cao Thế Dung, Y Dược Ðạo. Q.II, bản lay-out, tt.413-416).
Thân khí quan hệ mật thiết với thủy và hỏa như xương với da. Thủy và hỏa lại tác động trực tiếp đến phổi. Trong Y tông tâm lĩnh, Lãn Ông cho rằng: “Trăm bệnh gây ra, không bệnh nào không vì hỏa. Thủy là nguồn của muôn vật. Hỏa là cha của muôn vật, nguồn hay cha đều căn bản ở thận cả” (Huyền Tẫn Phát Vi, tr.23). Thủy-hỏa tiềm tàng trong cái ăn, thức uống hàng ngày. Tây dược không có loại Vitamin nào gọi là bổ thần, bổ khí. Thánh Y Tuệ Tĩnh, vị Hòa thượng tài danh, Minh đế cưỡng bức ta phải “cống” Hòa thượng, đưa qua Kim Lăng chữa bệnh hậu sản cho Hoàng hậu (vua Minh Thành Tổ), các danh y Tầu, Cao Ly và Nhật phải bó tay. Thánh Y Ðại Việt đã chữa lành bệnh cho hậu, Minh đế giữ ngài ở lại Tầu làm Thái y, không cho về nước, sau được tôn làm “Nam Thiên Y Thánh”. Phương thuốc của ngài thật đơn giản, vẫn là vấn đề thủy-hỏa và chân khí tức khí chân nguyên do khí tiên thiên (từ trong bào thai) và cốc khí (cơm gạo, sữa mẹ, thức ăn, thức uống) do khí hậu thiên hợp thành (Tuệ Tĩnh, Hồng Nghĩa Giác tư y thư, tr.60 – Về y lý, xem: Khôn Hóa Thái Chân, tr.76). Thái y không được phép cầm tay Hoàng hậu xem mạch. Phải làm sao? Xem mạch là cơ bản của Ðông Y “mạch là thực thể của âm-dương, gợn sóng của khí huyết do nguyên khí của tinh thần và tinh hoa của tạng phủ” (Xem: L.Y Phan Văn Sỹ, Y Dịch Lục Khí. Nhóm NC Y Dịch Lục Khí. Tp Biên Hòa, 1991, tr.30). Cụ Nguyễn Ðình Chiểu trong sách “Ngư Tiều Vấn Ðáp” nói: “Y là Dịch”. Lãn Ông thấu triệt Dịch “Thái Ất thần kinh”, nắm vững mạch lý Thái Ất. Ngài nói: “trong nhân thể có một bầu vũ trụ”. Hòa thượng Tuệ Tĩnh quán thông Y Dịch, chữa lành bệnh hậu sản cho Hoàng hậu của Minh đế là do ngài nắm vững y lý chân nguyên. Hòa thượng soạn bộ Nam Dược thần hiệu với chủ trương “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” với 406 bài thơ và các loại dược tính, Hải Thượng Lãn Ông chép vào sách Lĩnh Nam bản thảo và các bộ Hành giản trân nhu – Bách gia trân tàng. Chủ trương của Tuệ Tĩnh là phải “giữ gìn tinh-khí-thần để sống lâu” (Xem: Nguyễn Bá Tĩnh, Tuệ Tĩnh Toàn Tập. Nxb Y Học, HN 1998, 507tt. Khổ lớn 19x27cm. Phần Tiểu sử, tt.9-10: đi tu từ năm 6 tuổi, 22 tuổi đậu Hương Cống (Cử nhân), năm 45 đậu đầu kỳ thi Ðình đời vua Trần Dụ Tông (1312-1377), tức Hoàng Giáp, ít lâu sau Tiến sĩ Nguyễn Bá Tĩnh bị bắt đưa qua tiến cống Minh đế. Ở đây, thêm một chút ghi chú: Từ nhà Nguyên (Mông Cổ thống trị Trung Hoa) đến nhà Minh thường có thói bắt “An Nam” phải tiến cống nhân tài và các nhà Sư. Bộ Sử Cương Mục chép: tháng 3 năm Giáp Tý (1384) đời vua Trần Ðế Hiện “Sứ thần nhà Minh sang yêu cầu ta dâng nộp các nhà Sư”, nhân Nội quan (Thái giám) người Việt là Nguyễn Tông Ðạo nói với vua Minh: “Phép thuật Sư Nam giỏi hơn Sư Bắc (Trung Quốc). Ðến đây Minh sai Sứ sang yêu cầu. Nhà vua tuyển lấy 20 vị Sư đưa sang Kim Lăng (kinh đô đầu tiên của nhà Minh) (Xem: Cương Mục, Chính biên, Q.XI, t.1). Có thể HT Tuệ Tĩnh bị đưa qua triều cống Minh đế vào dịp này.
VIỆT DỊCH: NAM Y VÀ TRUNG Y
Do tự ti mặc cảm, do cả ngàn năm Bắc thuộc, cứ cái gì hay và tốt đẹp ta cho là của Tầu. Nay cần phải hiệu đính lại. Tại sao Thái Y Viện của nhà Minh với các danh y tập trung từ khắp nước về Kim Lăng không chữa nổi bệnh hậu sản cho Hoàng hậu, chỉ còn chờ ngày lìa trần mà HT Tuệ Tĩnh chữa được bằng Nam Y. Hoàng hậu ở nơi cung cấm sống xa hoa chắc là được Hoàng đế sủng ái, sau khi sinh phải một thời gian kiêng cữ “mây mưa”, nhưng chắc vua vẫn cho vời Hậu vào long sàng. Một người thông minh xuất chúng như HT Tuệ Tĩnh chắc hẳn ngài đã giải đoán được căn bệnh: Nam Y gọi là bệnh “sản ròn” với nhiều trạng thái lâm sàng khác nhau. Ở trong cung cấm, gốc bệnh của nó là TÂM KHÍ. Theo Lãn Ông “Tâm là chúa tể nên mới gọi tâm là quân chủ, cho nên quân chủ (tâm) sáng suốt thì dưới mới yên, dưỡng sinh như thế thì sẽ sống lâu, nếu quân chủ không sáng suốt thì 12 cơ quan kia sẽ nguy hại làm cho khí huyết bị bế tắc không thông, hình thể sẽ bị tổn thương nặng, dưỡng sinh như thế thì sẽ bị tai hại” (Nội Kinh yếu chỉ, tr.80. Y Gia Quan Miên, tr.86-87). Theo GS Ðỗ Ðình Tuân, với y lý không khác y tổ “Chính khí ở tâm tỏa ra thần. Chính khí suy yếu cơ thể suy nhược gây ra bệnh” (GS Ðỗ Ðình Tuân, Ðông Y lược khảo, sđd, tr.114). Tâm giữ được nguyên khí thì thần sáng. Thần sáng thì có thể trầm tĩnh, xua được tà khí. Hơn nữa, căn nguyên của bệnh hậu sản của giai nhân như Hoàng hậu hay con gái nhà giầu với một ông chồng sức vóc to lớn và cường lực như Minh Thành tổ, không kiêng cữ cho vợ mới sinh, nên vợ mất quân bình âm dương, tà khí xâm nhập, mắc bệnh, nhân thể suy nhược, không đủ sức chống trả. Do vậy từ HT Tuệ Tĩnh đến Lãn Ông đều nhất thiết cho rằng khí huyết của phụ nữ vào thời kinh nguyệt hay sau khi sinh là trọng yếu. Mắc bệnh thuộc về khí huyết hay hậu sản, vừa thuốc thang chữa trị, vừa phải BỔ KHÍ, mà bổ khí không gì bằng ăn uống theo đúng phép NHIẾP SINH. Nhiếp là quyền nhiếp, giữ vững sự sống.
VIỆT DỊCH VÀ ÐÔNG Y
Ðông Y thâm sâu về y lý, tinh diệu về phương thang, đoán định bệnh căn bản ở Dịch Lý. Có ba bộ Dịch: Dịch Liên Sơn, Dịch Quy Tàng và Chu Dịch. Hầu hết sách khảo cứu về Dịch của các học giả Tầu đều cho rằng: “Liên Sơn-Quy Tàng đã thất truyền chỉ còn lại bộ thứ ba, nên nói Kinh Dịch chính là Chu Dịch” (Dương Ngọc Dũng-Lê Anh Minh, Kinh Dịch-Cấu hình Tư tưởng Trung Quốc. Nxb KHXH, HN 1999, 770 tt-khổ lớn, 16x24cm. Phần Dẫn nhập (đã dẫn), tr.12). Không phải như vậy. Cần hiệu đính lại. Dịch Liên Sơn-Quy Tàng cỗi nguồn từ Dịch Phục Hy, thủy tổ Việt tộc. Liên Sơn-Quy Tàng là Việt Dịch nhà Hạ. Vua Ðại Vũ dựng lên nhà Hạ, lên ngôi năm 2205 trước CN, tức cách nay 4214 năm. Nhà Hạ đến vua Kiệt thì cáo chung (2205-1815 trước CN) ở ngôi 590 năm. Không rõ Dịch Liên Sơn-Quy Tàng ra đời vào triều vua nào. Dịch Liên Sơn là Việt Dịch. Nói được như thế vì vua Ðại Vũ là người Việt, Viễn tổ của Việt Vương Câu Tiễn nước Việt với đại phu Phạm Lãi và người đẹp Tây Thi. Sử gia Tư Mã Thiên nói rõ: “Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo việc phụng thờ vua Vũ, xâm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp”(Tư Mã Thiên, Sử ký, “Việt Vương Câu tiễn thế gia”. Bản dịch của Phan Ngọc. Nxb VH Sàigòn, 2005, t.248). Tầu gom cả triều đại nhà Vũ Việt tộc vào lịch sử Trung Hoa. Lập lại: Dịch Liên Sơn-Quy Tàng là của hai nhà Hạ và Thương-Ân. Thương-Ân là Ðông Di, không phải Hán tộc (Xem: Giả Kính Nhan, “Thời Viễn cổ Trung Quốc có những dân tộc nguyên thủy nào?” trong Lịch sử Văn hóa Trung Quốc, T.I, t.222: “Tổ tiên của Ngu, Hạ, Thương, Chu không phải là Hoa Hạ” “Người Thương (Ân) vốn xuất thân là Ðông Di”).
Dịch Liên Sơn-Quy Tàng cũng do từ cội nguồn Dịch Phục Hy nên 64 quẻ, căn bản vẫn là càn khôn và âm dương. Dịch Liên Sơn chủ về Hỏa, không khác thuyết vũ trụ “Big-bang” của Jean Lemaýtre (Giáo sĩ Dòng Tên người Bỉ). Sự hình thành vũ trụ khởi từ một tiếng nổ ầm với độ nóng khủng khiếp. Người là một tiểu vũ trụ do Hỏa khởi điểm và âm-dương kết hợp. Trong cơn yêu dấu cực kỳ mãnh liệt giữa nam và nữ, cả hai nhân thể nóng ran toàn diện. Tinh phóng ra vào lúc dâm thủy ở độ nóng. Thủy-hỏa hòa vào nhau trong một khoảnh khắc, một hốt mang vi, nhanh hơn cả một sát na (một ngày 24 giờ có 6 tỷ 400 triệu sát na; 99,980 sát na tương ứng với 444,400,000 hốt mang vi). 300 triệu con tinh trùng, chỉ một con còn sống gặp trứng và THỤ TINH ở điểm MỆNH MÔN, cửa vào đời. Hỏa hạ, mồ hôi nam nữ toát ra, dâm thủy trở lại mức bình thường. Nếu thủy-hỏa bất bình thường sau cơn yêu dấu thì dù đã thụ tinh cũng không thành MỆNH. Chỉ có người Lạc Việt còn giữ được Dịch Liên Sơn-Quy Tàng, ta giấu kín, người Tầu không cướp đoạt được. Nhà Dịch học uyên bác Thái Quang Việt trích dẫn từ Thái Ất Thần Kinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho ta biết: “Thái Ất Thần Kinh là môn học Dịch Liên Sơn Quy Tàng-mệnh danh là “Dịch phái Nam học” phát triển huy hoàng tại hai thời nhà Lý và nhà Trần nước ta” (Xem: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bản dịch của Thái Quang Việt. Nxb VH Dân tộc, 2001, tr.18). Trạng Trình san định Dịch Thái Ất Thần Kinh - Liên Sơn-Quy Tàng, 5 quyển. Ðây là bộ kỳ thư Phương Ðông, quốc bảo của ta mà Tầu không có. Giặc Ðô hộ Minh (1407-1427) cướp của ta bộ Thái Ất đưa về Kim Lăng nhưng ta cất giấu được bộ Liên Sơn-Quy Tàng. Mấy tên tướng Hán như Lý Hằng, Lý Quán làm tôi đòi cho Mông Cổ kéo qua xâm lăng Ðại Việt, chúng đều quán triệt Chu Dịch, ứng dụng vào các thế trận (trận liệt) trong 3 lần đem đại binh đánh ta. Năm Ất Dậu (1285) và năm Ðinh Hợi (1287), 2 lần bị quân ta đánh tan “mảnh giáp không còn” là do Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn lập “trận đồ bát quái cửu cung, theo hướng tám phương (mỗi phương một cung) còn trung ương là cung của thần Thái Ất hợp lại thành cửu cung”. Hưng Ðạo Vương soạn “Vạn Kiếp tông bí truyền” (Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đề tựa) để dậy các tướng (Xem: Cương Mục, Chính biên, Q.VIII, tt.32-37). Hưng Ðạo Vương và các tướng lùa giặc vào “cửu cung bát quái trận đồ” như lùa con nít vào vườn hoang, giăng mắc lưới trời “thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (lưới trời lồng lộng thưa mà chẳng lọt). Danh tướng Hán gian như Ðại tướng Trương Văn Hổ, nhẩy lên thuyền chạy chết về đảo Hải Nam, chúng không phá được trận đồ của ta vì chúng chỉ biết trận đồ Chu Dịch của Tôn Tử mà không biết được Dịch Thái Ất Liên Sơn-Quy Tàng là tông bí truyền của ta. Trong 9 điều dẫn khởi, bộ Thái Ất Thần Kinh của Trạng Trình đã nói thật rõ: “Khoa Toán Thái Ất không phải gốc từ nhà Hán-Thái Ất Thần Kinh là Tổng thể Vũ trụ” (sách đã dẫn, tt.9-16, phụ lục chữ Hán. Q.I và II, tt.533-617). Cũng như thế, Y Thánh Tuệ Tĩnh và Y Tổ Lãn Ông quán triệt Dịch Thái Ất, nắm vững mạch Thái Ất, có thể bắt mạch người mẹ, thấu triệt mạch Thái Ất của mẹ mà tính được nhịp tim của con 3 tháng trong bụng mẹ.
Trong 64 quẻ Kinh Dịch, thì 32 quẻ mà hỏa là chủ thể. Thí dụ: Quẻ Mông, sơn-thủy; sơn chủ về hỏa; quẻ Ðại hữu, sơn-thiên, quẻ Hàm, trạch-sơn; quẻ Minh di, địa-hỏa; quẻ Ðỉnh, hỏa-phong; quẻ thứ 63, Ký tế-thủy hỏa; quẻ 64 Vị tế, hỏa-thủy; có 14 quẻ, thủy là cơ bản chủ yếu. Danh y ứng dụng thủy-hỏa trong y lý, y thuật lâm sàng.
Tổ tiên ta lấy CỌP - thần hổ để biểu hình cho KHÍ CỐT. Tuổi cao niên, xương cốt suy yếu hẳn, mềm, dễ gẫy. Có 2 điều cần ghi nhớ: đi đứng phải cẩn thận, hễ té ngã là nguy, mở đường rất ngắn đi về nghĩa địa. Hai, phải bổ khí, hàng ngày phải ra ngoài trời hít thở, tuyệt đối tránh uất giận, cần nói ít. Bổ khí không gì bằng ăn trái cây: táo là hàng đầu, chuối tiêu (còn có tác dụng nhuận trường), bớt hẳn cà phê, nên uống trà (trà nụ vối là nhất). Mùa đông, gặp khi mưa to gió lớn, phải giữ ngực cho ấm. HT Tuệ Tĩnh trong Nam Dược Thần Hiệu, dành quyển II viết về cách trị liệu 18 bệnh khí (sđd, tt.83-110). Ở Hải ngoại cần đề phòng bệnh sưng phổi, nó sẽ “đẻ” ra nhiều thứ bệnh khác. Vừa điều trị theo Tây Y, vừa có thể chống trả theo Ðông Y rất đơn giản: 1- Lá quýt rửa sạch, giã nát vắt lấy nước một bát mà uống. 2- Ra tiệm thuốc ta, mua Ý dĩ nhân (3 vốc tay) giã nát, lấy 2 bát nước, sắc còn một nửa, cho vào chút xíu rượu chia làm 2 lần uống.
NGỘ NHẬN VỀ TÊN GỌI THUỐC BẮC
Trong bài Tựa cho lần xuất bản đầu tiên bộ Nam Dược Thần Hiệu (10 quyển), Hòa Thượng Bửu Lai, tu ở chùa Hồng Phúc, ca tụng vinh tôn ba Vị Tổ Phục Hy (Dịch), Thần Nông và Hoàng đế (Y dược). Ba Vị Tổ này, sử sách Trung Hoa nhận làm Tổ của Hán tộc-Hoa Hán (Xem: Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc. Văn Nghệ xb, Cali 2003, tt.46-47: “Tam Hoàng-Ngũ Ðế. Thật là lộn xộn, cùng một ông như Thần Nông khi thì gọi là Hoàng Ðế, khi gọi là Ðế, khi thì làm vua trước Hoàng đế, khi thì sau”). Tam Hoàng Ngũ Ðế người Tầu nhận làm thủy tổ nhưng sử Tầu vẫn là “Ý kiến mỗi người một khác nhau, vẫn chưa nhất trí” (Xem: Lý Hiểu Lộ, “Trung Quốc có Hoàng đế khi nào?” trong Lịch sử Văn hóa Trung Quốc, Q.I, t.69). Việt tộc những ngàn xưa thờ ba thủy tổ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Ðế, trước sau đều rõ rệt. Ðây là Tam tổ của Sở Việt, của nhà Hạ, của nước Việt-Việt Vương Câu Tiễn, của Dương Việt, Mân Việt, của Lạc Việt, Việt Ðông, Việt Tây nước Văn Lang và toàn khối Bách Việt. Trong huyền thoại, trong dã sử, trong tín ngưỡng quốc gia và dân gian, các vua Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Ðế là Tổ chung của Việt tộc. Phục Hy là đệ nhất Tiên tổ của ta. Trong niềm tin kính của Việt tộc, Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Ðế là NGƯỜI. Dù vậy quốc sử của ta như bộ Ðại Việt sử ký Toàn Thư của Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê vẫn dè dặt đặt vào phần Ngoại Kỷ. Bộ sử Cương Mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn đặt vào phần Tiền biên chứ không coi là Chính biên. Từ Phục Hy tức Ðế Viêm đứng đầu vua xứ này (Viêm Bang) qua Ðế Khôi tức Thần Nông đến Ðế Thừa, Ðế Tiết&” (Bùi Văn Nguyên, Việt Nam và Cỗi nguồn trăm họ. Nxb KHXH, HN 2001, phần Kinh Dịch Phục Hy, tt.32-55).
Ta quen gọi Thần Nông là “Tổ nghề thuốc Bắc, đản sinh của Tổ là ngày 28 tháng Tư âm lịch (3220-2700 trước CN). Nối chí Thần Nông là vua Hoàng Ðế (2700-2600) cùng với Tể tướng Kỳ Bá, “đời sau xưng là “Y Khoa Tam Kiệt”, thế kỷ thứ nhất trước CN “người ta đã soạn cuốn “Thần Nông Bản Thảo Kinh” kèm thêm 365 vị thuốc Bắc” (Xem: Phùng Bá Khanh, Lược sử về Thuốc Bắc. Tạp chí Bách Khoa, số 39, Sàigòn, 15-8-1958, tt.21-22). Ta quen gọi là thuốc Bắc, “cái quen gọi” ấy đã thấm sâu trong trí óc dân gian hơn 1000 năm Bắc thuộc. Thậm chí bậc danh Nho như La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp cũng gọi là thuốc Bắc.
Vua Quang Trung trên đường Bắc tiến đánh quân xâm lăng nhà Thanh Trung Hoa do Tôn Sỹ Nghị thống lĩnh với trên 200,000 quân cường khấu. Vào tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), nhà vua dừng chân ở Nghệ An, đến thăm và vấn kế La Sơn Phu tử. Vua nói với Phu tử rằng: “Tôi mà dẹp được giặc Tầu xong, thì xin rước Thầy ra dậy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tầu”. Thầy Nguyễn Thiếp lại thưa rằng: “Chỉ có thuốc Bắc phải dùng của Tầu mà thôi” (Xem: La Sơn Phu Tử trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, T.II. Nxb GD, HN 1998, tr.1052 (in lại).
Cao Thế Dung
source
The Gioi Moi Online
No comments:
Post a Comment