October 23, 2009
NGUYỄN LAM
Họ là cái bóng của hai khuynh hướng đối ngược nhau. Công chúa Như Lý là con gái thứ hai của Vua Hàm Nghi, người được lịch sử khắc tên như một biểu tượng đấu tranh chống Pháp quyết liệt. Ngược lại, Nam Phương Hoàng hậu là vợ của cựu hoàng Bảo Đại – đại biểu cuối cùng trong số những ông vua bị xem là bù nhìn, được người Pháp nuôi dưỡng, giáo dục, đặt lên ngai vàng và cuối cùng bị phế truất.
Thật oái oăm, về cuối đời, hai người phụ nữ ấy lại trở thành hàng xóm của nhau, trong một vùng quê hẻo lánh miền Tây Nam nước Pháp. Thế nhưng, trong suốt 5 năm làm “hàng xóm”, hai bà hoàng ấy vẫn không một lần gặp mặt thăm viếng nhau.Hoàng Hậu Nam Phương –Bà Hoàng cuối cùng triều Nguyễn.
Tháng 2/1886, trước khi lên đường sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh, Đại thần Tôn Thất Thuyết đã giao việc hộ giá ông vua trẻ cho hai con trai là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp đảm trách.
Tôn Thất Đạm được Vua Hàm Nghi cử làm Khâm sai, chịu trách nhiệm liên lạc với các lực lượng nghĩa quân kháng chiến và huy động lương thực. Tôn Thất Thiệp thì ngày cũng như đêm, luôn có mặt bên cạnh để bảo vệ nhà vua.
Khi vua trẻ dừng chân tại làng Thanh Lạng, Tuyên Hóa, Quảng Bình, đội ngũ hộ giá còn có thêm hai người nữa là Nguyễn Định Trình, người đã theo vua từ năm 1885 và Trương Quang Ngọc, một người địa phương rất giỏi bắn cung, được vua ban chức Lãnh binh.
Không dập tắt được tinh thần đấu tranh chống Pháp của Vua Hàm Nghi, người Pháp đã tìm cách dụ dỗ, mua chuộc những bộ tướng thân tín của ông.. Với anh em Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp thì âm mưu này hoàn toàn thất bại. Gần như người Pháp không có con đường nào để có thể thuyết phục và làm lay chuyển lòng trung quân ái quốc của họ. Nhưng với các cận tướng dưới quyền họ thì âm mưu của Pháp đã thành công.
Từ mùa hè năm 1888, lần lượt Nguyễn Định Trình rồi Trương Quang Ngọc và một số người khác đã ra đầu thú, khai báo với Pháp nhiều điều về đường đi nước bước của đoàn hộ giá.
Đêm 1/11/1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Trình đã dẫn theo khoảng 20 tên phản bội bất ngờ đột kích vào nơi ở của Vua Hàm Nghi. Trương Quang Ngọc đã đâm chết Thống chế Nguyễn Thùy và con trai ông. Tôn Thất Thiệp cũng bị một tên phản bội khác là Cao Viết Lượng giết chết.
Vua Hàm Nghi bị bắt. Trước khi bị giải nộp cho viên Đại úy Pháp Boulangier, Vua Hàm Nghi đã nói với Trương Quang Ngọc: “Ngươi hãy giết ta đi, còn hơn nộp ta cho quân Pháp.” Từ đó, mang thân phận một người chiến bại, nhà vua vẫn thường xuyên tỏ thái độ bất hợp tác với Pháp. Ngày 12/12/1888, ông bị thực dân Pháp đày sang Algérie ở Bắc Phi.
Tại Alger, thủ đô của Algérie, ông hoàng mất ngôi được an trí tại Villa des Pins (Biệt thự Ngàn thông) khá tiện nghi. Cuộc sống của ông không đến nỗi chật vật. Rất đông các nhân vật có thế lực trong chính quyền sở tại, các văn nhân, nghệ sĩ tên tuổi trong vùng thường đến làm khách tại nhà ông.
Mang tinh thần bài Pháp cực đoan và nặng tình cố quốc, mỗi khi tiếp khách, ông vẫn khăn vấn áo the và nói chuyện với các “ông Tây” bằng… tiếng Việt, qua người phiên dịch tên là Trần Bình Thanh. Phải mất đúng một năm sau, khi nhận ra rằng người Pháp sở tại không hề “đáng ghét” như những người Pháp thực dân ở cố hương, nhà vua mới thay đổi quan niệm.
Ông bắt đầu học tiếng Pháp, học văn hóa, đọc sách của “Tây dương”. Cần mẫn và thông minh, nhà vua tiến bộ rất nhanh. Vài năm sau, ông đã trở nên rất giỏi tiếng Pháp và tỏ ra là một người nghệ sĩ đa tài trong các lĩnh vực vẽ tranh, nặn tượng, từng tổ chức triển lãm cá nhân.
Hơn 15 năm sau ngày định cư tại Alger, tháng 11/1904, cựu hoàng mới lập gia đình. Ông cưới bà Marcelle Laloe (sinh năm 1884, người Pháp), con gái của Chánh án Tòa án Alger. Thời gian không làm phai lạt nguồn gốc trong tâm trí cựu hoàng. Ngày cưới, chú rể vẫn khăn đóng áo dài.
Bà Laloe lần lượt sinh hạ cho ông 3 người con, đều mang tên Việt là Công chúa Như Mai, sinh năm 1905, Công chúa Như Lý, sinh năm 1908 và Hoàng tử Minh Đức, sinh năm 1910.
Vị hoàng tử này đã chọn binh nghiệp làm sự nghiệp, từng tốt nghiệp Trường võ bị Sant Cyr năm 1935 và phục vụ trong quân đội Pháp suốt 10 năm sau đó.
Hai cô con gái Như Mai, Như Lý cũng được gửi sang Pháp ăn học trong nhiều năm. Công chúa Như Lý sau đó đã kết hôn với một quý tộc người Pháp, trở thành bà Bá tước De La Besse và theo chồng về sống tại lâu dài De La Nauche ở làng Thonac thuộc vùng Vigeois.
Ngoại trừ những người trong gia đình, hầu như không mấy ai trong làng biết bà Bá tước De La Besse đã từng là một công chúa của đất nước An Nam xa xôi.
NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU
Số phận của bà hoàng thứ hai, Nam Phương hoàng hậu còn lắm thăng trầm hơn. Bà là người nhiệt tình ủng hộ việc Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng.
Năm 1955, được sự hậu thuẫn của người Mỹ, Ngô Đình Diệm đã phế truất Bảo Đại và trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Sự ủng hộ nhiệt tình của Hoàng hậu Nam Phương đã trở thành nỗi thống hận cay đắng. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch biên tài sản, xóa bỏ hết toàn bộ quyền lợi của gia đình cựu hoàng Bảo Đại tại miền Nam Việt Nam.
Cựu hoàng Bảo Đại, với thói quen phung phí, kể từ đó gần như lang thang, sống một cuộc đời không dư dật gì cho lắm. Bà Nam Phương cùng các con cũng định cư hẳn tại Pháp, cho đến tận lúc chết cũng không một lần quay lại quê hương, cũng hầu như chẳng mấy khi liên lạc hay gặp gỡ gì đức lang quân cựu hoàng vốn quá nhiều nỗi đam mê phóng đãng hơn là quan tâm đến danh dự, trách nhiệm và cuộc sống gia đình.
Năm 1958, nhằm tránh mặt báo chí, dư luận và những người quen biết, bà Nam Phương đã rời bỏ thành Paris hoa lệ và ồn ào. Những cơ ngơi đồ sộ ở Neuilly , hàng tá căn nhà lớn ở Morocco , biệt thự trên đại lộ Opéra, Paris hay trang trại rộng lớn ở Congo đều không còn sức hấp dẫn để có thể níu giữ nổi bà.
Nam Phương Hoàng hậu đã rời xa Paris 500km về phía nam, về làng Chabrignac mua lại điền trang La Perche rộng 160 ha của một quý tộc Pháp đã sa sút làm nơi sống nốt những năm tháng còn lại.
Làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze, vùng Limousin , miền Tây Nam nước Pháp. Làng Chabrignac phong cảnh khá đẹp nhưng là nơi hẻo lánh, xa xôi, hầu như không mấy người biết đến. Đến giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, những con đường ôtô chạy trong làng vẫn chưa được trải nhựa.
Đến năm 2002, làng này cũng chỉ có 444 người. Gia đình bà hoàng sống trong một ngôi nhà dài xây bằng đá, mái lợp ngói, có 32 phòng ngủ, 4 phòng khách, lưng dựa vào sườn đồi và trông ra một vùng đồng cỏ, đầm hồ rộng ngút tầm mắt.
Ngoài hoa lợi thu được từ cây trái trong điền trang, bà hoàng Nam Phương còn nuôi thêm khoảng 100 con bò sữa. Tất cả những người con của bà đều sống với bà trong điền trang La Perche.
Theo Daniel Grande Clemént, tác giả cuốn “Bảo Đại, hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” thì dường như thời gian sống tại điền trang La Perche là những tháng năm bình yên và hạnh phúc nhất của Nam Phương Hoàng hậu.
Bà nuôi trong điền trang 4 công nhân nông nghiệp, một số người hầu gái và một viên quản gia người Pháp. Tất cả người ăn kẻ ở trong nhà đều được bà đối xử thân tình, gần gũi. Trong các dịp lễ, Noel hay ngày đầu năm mới, bà đều không quên có quà tặng cho họ và gia đình.
Rũ bỏ lớp áo vàng son quyền quý, bà Nam Phương quay lại sống đúng nghĩa cuộc đời an lành, bình dị của một phụ nữ An Nam học thức. Hàng ngày, bà dậy rất sớm, thường tự tay trang trí, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cây cảnh. Vừa làm bà vừa khe khẽ hát.. Khi có việc ra ngoài, bà thường tự tay lái chiếc xe hơi hiệu Dauphine , có thêm cô hầu gái hay người quản gia đi theo.
Đối với bà, người quản gia này có một vị trí rất đặc biệt. Thay cho vị trí của cựu hoàng, ông này luôn tháp tùng bà trong những chuyến làm khách, dự tiếp tân đối với các gia đình quyền quý ở trong vùng.
Không ai có bằng chứng xác đáng nhưng dường như những người quen biết trong vùng đều cho rằng, ông quản gia này đã yêu Nam Phương Hoàng hậu. Còn bà thì quý ông vì ông này có khả năng xoa bóp, trị liệu rất điêu luyện giúp bà dịu bớt những cơn đau lưng nhức mỏi.
Nam Phương Hoàng hậu sống rất cởi mở, quảng giao, thường xuyên đi thăm khắp điền trang để gặp gỡ và trò chuyện thân mật với những người nông dân. Thế nhưng rất kỳ lạ, suốt 5 năm sống ở Chabrignac, bà vẫn không hề ghé thăm viếng lâu đài De La Nauche lấy một lần, dù hai điền trang nằm gần như cạnh nhau..
Cả Công chúa Như Lý và Hoàng hậu Nam Phương đều có vẻ như không hề biết đến sự tồn tại của người kia trên cùng một vùng đất, dù trên quan hệ, Công chúa Như Lý là cô chồng của bà Nam Phương.
Tác giả Daniel Grande Clemént phỏng đoán rằng, có lẽ sự ngăn cách của họ không nằm ở những dãy bờ rào mà nằm ở thiên kiến chính trị. Bà Công chúa Như Lý có khuynh hướng ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm, trong khi bà Hoàng hậu Nam Phương lại ghét cay ghét đắng chế độ này, bởi nó đã tước hết mọi quyền lợi của gia đình bà tại cố quốc.
Rất vô trách nhiệm, cựu hoàng Bảo Đại hầu như không đoái hoài gì đến cuộc sống của vợ con mình ở điền trang La Perche. Trong suốt 5 năm, ông chỉ ghé điền trang đúng 3 lần vào dịp đám cưới cô con gái Phương Liên. Cô này kết hôn với Berna Soulain, một thanh niên làm viên chức Ngân hàng Bordeaux. Hai người quen nhau khi cùng du học tại London, Anh. Đám cưới của họ được tổ chức đầu năm 1962, dưới sự chủ lễ của cha xứ Blanchet và sự xác nhận của Trưởng làng Henri Bosselut – một đảng viên Cộng sản Pháp. Người dân làng Chabrignac có dịp thấy mặt cựu hoàng xứ An Nam khi ông đến dự tiệc cưới trên một chiếc xe dài ngoẵng.
Ngày 14/9/1963, vừa từ thị trấn Brive cách điền trang 30 km trở về, bà Nam Phương đã cảm thấy đau họng. Viên bác sĩ được mời đến đã khám qua loa và kết luận là bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài ngày là khỏi. Kỳ thực, bà bị chứng lao hạch tràng hạt, cơn đau tiếp tục hoành hành dữ dội. Trước khi viên bác sĩ thứ hai kịp đến nơi thì Nam Phương Hoàng hậu, 49 tuổi, đã qua đời vì nghẹt thở.
Cựu hoàng Bảo Đại không có mặt trong đám tang của vợ. Mộ phần của bà được đặt trong phần mộ của dòng họ Bá tước De La Besse. Bà Bá tước De La Besse, tức Công chúa Như Lý cũng có mặt trong dòng người đưa tang của làng Chabrignac, với nỗi ân hận vì trước đó hai người đã không hề có cơ hội gặp gỡ nhau. Ít lâu sau, Công chúa Như Lý đã lần lượt cải táng mộ Vua Hàm Nghi từ Alger về nghĩa trang này. Sau đó, Công chúa Như Mai, Hoàng tử Minh Đức cũng lần lượt được đưa về an táng tại làng Chabrignac, cách mộ của Nam Phương Hoàng hậu không xa lắm.
Năm 2000, Công chúa Như Lý đã xúc tiến việc cải táng Vua Hàm Nghi và các thành viên khác trong gia đình về an táng tại Huế. Nhưng việc chưa thực hiện thì đến năm 2005, bà cũng tạ thế. Làng Chabrignac xa xôi hẻo lánh và tươi đẹp ở miền Tây Nam nước Pháp, không định trước đã trở thành nơi an nghỉ của một bộ phận Hoàng tộc thuộc triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam .
Lời đồn đoán về tình yêu thầm lặng của viên quản gia – cựu đảng viên Cộng sản Pháp – đối với bà Nam Phương Hoàng hậu có lẽ là hoàn toàn có cơ sở. Sau khi mất, ông này đã được chôn cất ngay bên cạnh mộ phần của bà Nam Phương, tất nhiên là phải được bà đồng tình từ khi còn sống. Nơi đất khách, Nam Phương Hoàng hậu có vẻ như đã đoạn tuyệt hoàn toàn lễ giáo phong kiến để tán thành khuynh hướng dân chủ phóng khoáng. Vì thế, tuy đặt nằm cạnh nhau nhưng mộ phần của bà hoàng hậu thì bé nhỏ, khiêm nhường, trong khi mộ của người quản gia lại khá nặng nề và to lớn hơn nhiều!
Nguyễn Lam
***************
source
Viet Tribune
No comments:
Post a Comment