Có lẽ chẳng ở đâu cho đến thời điểm này, có một vùng đất mà tên gọi của nó mỗi khi nhắc đến lại gợi cho người ta cảm giác heo hút và xa xôi diệu vợi như Mường Nhé. Vùng ngã ba biên giới này đã và đang sở hữu vô số kỷ lục vô tiền khoáng hậu, trong đó có những kỷ lục chưa vui. Nhưng cũng chính ở cái nơi khắc nghiệt bậc nhất này, vẫn có các chiến sĩ Công an đang ngày đêm lặng thầm đồng cam cộng khổ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Nếu như câu chuyện hôm qua ở Mường Nhé có thể để lại nhiều nỗi niềm day dứt, thì hôm nay nơi ba nước cùng nghe một tiếng gà lại đang được biết đến với nhiều đổi thay kỳ diệu… Câu chuyện hôm qua… Mường Nhé là huyện thuộc tỉnh Điện Biên tiếp giáp với cả hai nước Lào và Trung Quốc, trong đó có 165 cây số đường biên với Lào và 49,5 cây số với Trung Quốc. Đã có thời, người ta ví vào được Mường Nhé còn khó hơn lên đến giời. Vùng đất ngã ba biên giới heo hút cách trung tâm huyện lỵ Mường Tè (Lai Châu cũ) gần 200 cây số đường rừng. Muốn đến đó, người ta chỉ có thể đi bộ. Thậm chí đến bây giờ, khi đường rải cấp phối có thể vào được đến trung tâm 16 xã, thì đối với nhiều người dân các bản vùng sâu vùng xa, ước mơ nhìn thấy một chiếc ôtô vẫn chỉ là một điều gì đó xa xỉ! Huyện Mường Nhé hiện có 16 xã, xấp xỉ 55 ngàn dân, hơn 60% dân số Mường Nhé là dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc, như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và Sơn La. Làn sóng di cư tự do bắt đầu phức tạp từ đầu những năm 90, khi ấy Mường Nhé vẫn là đại ngàn, sở hữu hơn 350 ngàn héc ta rừng nguyên sinh với nhiều loại chim thú quí hiếm. | CBCS Cục An ninh Tây Bắc và Công an huyện Mường Nhé, Điện Biên vận động nhân dân không di cư tự do.
| Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, dân gốc ở Mường Nhé chỉ vỏn vẹn có hơn 1 vạn người, nhưng trong khoảng 10 năm sau đó, vùng ngã ba biên giới này đã phải tiếp nhận hơn 4 vạn dân di cư tự do. Nếu như trước đó, Mường Nhé có duy nhất một bản người Mông là Nậm Nà gồm 30 hộ, gần 120 nhân khẩu, thì hiện nay, người Mông là dân tộc chiếm đa số. Di cư tự do kéo theo những hệ lụy thật khủng khiếp, đó là nạn đốt phá rừng, săn bắn bừa bãi... Mường Nhé hoang biệt, mênh mông, đất đai màu mỡ, trở thành "vùng đất hứa" để người di cư tự do kéo đến. Đó là nguyên nhân làm cho tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở Mường Nhé trở nên phức tạp. Nóng bỏng nhất tình trạng tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc, nghe và tin theo kẻ xấu, rồi xuất nhập cảnh trái phép là những vấn đề nảy sinh. Qua khảo sát của lực lượng Công an (năm 2005), toàn bộ người di cư tới đây chưa từng được đăng kí hộ tịch, hộ khẩu, không CMND và các giấy tờ xác định nhân thân khác. Ít nhất đã có hai thế hệ sinh ra và lớn lên ở Mường Nhé, nhưng hàng ngàn đứa trẻ vẫn chưa bao giờ được đăng kí khai sinh. Nghiêm trọng hơn, do không được quản lý chặt chẽ, nhiều bản làng trở thành nơi ẩn nấp "lý tưởng" của nhiều tên tội phạm nguy hiểm sau khi gây án bỏ trốn… Thiếu tá Giàng Páo Sính, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé đã trải lòng với chúng tôi về "cái thuở ban đầu" nhọc nhằn và nhức nhối như vậy. Đại tá Nguyễn Xuân Kiêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Cho đến tận đầu năm 2010, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an tiếp tục phát hiện một số đối tượng lén lút tụ tập ở các bản giáp biên của xã Nà Bủng, Na Cô Sa, Nậm Kè, đặc biệt là bản Nà Bủng 1, 2 và bản Ngải Thầu thuộc xã Nà Bủng. Mục đích hoạt động của các nhóm đối tượng này là tập hợp lực lượng, tổ chức tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói xấu cấp uỷ, chính quyền, kêu gọi người dân từ bỏ nương rẫy, di cư tự do… Và câu chuyện hôm nay Đã quá nửa đêm, giữa cơn mưa rừng ầm ào, trong ngôi nhà vẫn còn thơm mùi gỗ của già bản Vừ Chứ Sua ở Ham Xoong, xã Nà Bủng, tôi ngồi nói chuyện cùng mấy anh em trong tổ công tác "cắm bản" của Cục An ninh Tây Bắc và Công an tỉnh Điện Biên. Đây là một trong 5 tổ được tăng cường vào Mường Nhé từ hồi đầu năm. Thời điểm này, Tây Bắc đang vào giữa mùa mưa, những cơn mưa rừng xối xả dường như chẳng bao giờ dứt. Hai con suối Nậm Pồ và Nà Hỳ hiền hoà, giờ bỗng dở chứng ngày đêm cuộn réo ùng ục, chia cắt giao thông, cô lập các bản. Trong khi dưới đồng bằng đang nóng như đổ lửa, thì ở đây đêm xuống, mọi người phải đốt lửa… sưởi. Mãi gần 3h sáng, Đại tá Đào Đức Thách, Cục phó Cục An ninh Tây Bắc mới lướt thướt cùng Thiếu tá Giàng Páo Sính và 3 cán bộ trở về. Đưa cả hai bàn tay vào ngọn lửa hồng rừng rực, Đại tá Thách xuýt xoa "Rét quá, chẳng ai hình dung giữa mùa hè mà phải sưởi ấm thế này!". Anh và tổ công tác vừa đi họp dân dưới bản Nậm Cốc, cách đây khoảng 5 cây số. Sáng mai có cuộc giao ban giữa các tổ ở trụ sở UBND xã Nậm Kè, nên anh em vẫn quyết định lội rừng quay về, mặc cơn mưa rừng xối xả với nhiều mối nguy hiểm rình rập của đại ngàn…--PageBreak-- Năm 2002, huyện Mường Nhé được thành lập trên cơ sở chia tách, sáp nhập các xã của huyện Mường Tè (Lai Châu cũ) và Mường Chà (Điện Biên), Công an là lực lượng đầu tiên "kéo quân" đến Chà Cang - nơi đặt huyện lỵ tạm để dựng lán trại, triển khai nhiệm vụ công tác. Vượt lên những vất vả, nhọc nhằn về nơi ăn, chốn ở, nhiệm vụ của lực lượng Công an khi đó là từng bước điều tra, rà soát đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, cấp CMND cho hơn 4 vạn dân di cư. Cái khó cho cán bộ tăng cường lúc bấy giờ là một bộ phận người dân thiếu hợp tác, không mặn mà với việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu. Tuy nhiên, do có nhiều kinh nghiệm qua các đợt ra quân tăng cường cơ sở trước đó, khá "thiện chiến" trong công tác tuyên truyền, nên các tổ công tác từng bước triển khai và thu được kết quả khích lệ. Đầu năm 2008, khi Chính phủ có Quyết định 141 phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do ở Mường Nhé, Công an lại trở thành lực lượng nòng cốt triển khai Quyết định này. Chỉ riêng năm 2009, UBND tỉnh Điện Biên đã ra quyết định công nhận và thành lập tới 33 bản mới. Theo Trung tá Đào Thị Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, đến nay lực lượng Công an đã rà soát, xác minh, làm thủ tục cấp sổ hộ khẩu, cấp CMND cho gần 90% số hộ di cư tự do và người trong độ tuổi cư trú tại Mường Nhé. | Giúp dân ổn định đời sống. | Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông Vừ A Tủa, 44 tuổi ở bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần run run nhận cuốn sổ hộ khẩu và tấm CMND từ tay Thượng uý Giàng A Lử, Công an huyện Mường Nhé. Ông xúc động nói: "Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới biết được giá trị của sổ hộ khẩu và CMND, đã thế cán bộ còn vào tận nhà làm và phát tận tay. Có cái này, gia đình tôi có thể được vay tiền ngân hàng để phát triển sản xuất rồi…". Từ lâu, lính Cục An ninh Tây Bắc nổi tiếng chẳng khác gì quân của Phòng An ninh xã hội và Công an huyện Mường Nhé về khả năng lội rừng và cắm bản. Họ cứ triền miên cuốc bộ từ bản này sang bản khác. Chuyến đi của các anh kéo dài ròng rã mỗi năm 6 tháng, mỗi đợt đi 3 tháng, nhiệm vụ chính của các anh là vận động người dân định canh định cư, ổn định sản xuất, không trồng thuốc phiện, không nghe và tin theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Lúc ban đầu khi cán bộ Công an xuống địa bàn, nhiều người dân vì nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu đã xa lánh, ghẻ lạnh với cán bộ. Thượng uý Giàng A Lử, cán bộ Công an huyện Mường Nhé, một cán bộ người Mông tâm sự: "Bà con dân tộc có tư duy trực giác, chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe, nên chính những việc làm của anh em, không ngại khó khăn, gian khổ, cùng ăn cùng ở, cùng làm với người dân mà chúng tôi đã cảm hoá dần nhiều đối tượng cầm đầu tích cực". Ông Pờ Diệp Sàng, Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé là một người sinh ra và lớn lên ở vùng ngã ba biên giới đã tổng kết "Chính người dân và sức mạnh của nhân dân mới đánh đổ được bọn người xấu, đột phá khẩu vẫn là công tác tuyên truyền đi đôi với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân". UBND tỉnh, UBND huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp với lực lượng Công an triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, huyện Mường Nhé đã được Nhà nước đầu tư hơn 1000 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Thực tế ở Mường Nhé cho thấy, thời gian qua nếu xã, bản nào được quan tâm đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các Dự án của Chính phủ thì việc phát động và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương đó đạt kết quả cao. Cách đây gần nửa thế kỷ (năm 1959), nghe theo lời vận động của anh hùng Trần Văn Thọ, bấy giờ là cán bộ vận động quần chúng Đồn biên phòng Leng Xu Xìn, người dân Mường Nhé đã hạ sơn lập bản, học canh tác lúa nước để sản xuất, ổn định đời sống. Những người lính tiên phong, khai sơn phá thạch đó mấy chục năm qua đã góp phần dựng xây các bản làng người Thái, người Hà Nhì trù phú ở Sín Thầu, Sen Thượng và Chung Chải. Mường Nhé chưa hết những khó khăn, lo toan và trăn trở, nhưng Mường Nhé hôm nay đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, vóc dáng một đô thị phố núi nơi tận cùng cực Tây của Tổ quốc không chỉ là hình hài mà đã và đang trở thành hiện thực |
No comments:
Post a Comment