Thursday, 3 June 2010

Bí mật chung quanh hồ sơ "Nixon-Thiệu"



GS Nguyễn Tiến Hưng ra mắt cuốn " Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" tại California

Tác giả cuốn sách mới về "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" nói với BBC rằng một trong những hồ sơ quan trọng liên quan cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa được giải mật.

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Bộ Trưởng Kế Hoạch của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhắc đến cái gọi là hồ sơ "Nixon-Thiệu" chứa các tài liệu và thư từ giữa Tòa Bạch Ốc và Dinh Độc Lập từ năm 1971.

Ông Hưng, người được chỉ định đi cầu viện vào giờ chót, nói rằng vào ngày 23 tháng Ba năm 1975, nói ông Thiệu có cho ông xem hồ sơ này trong đó có hai bức thư của TT Nixon mà ông đã yêu cầu TT Thiệu gởi cho người kế nhiệm của TT Nixon là TT Ford qua trung gian của Tướng Frederick Weyand, cựu Tư Lệnh Quân Đội Mỹ, lúc đó là Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ.

Trong cuốn sách "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" mới được xuất bản, GS Hưng nói "Điểm trớ trêu là thư của TT Nixon mà TT Ford không biết gì."

Vào ngày 5 tháng Tư năm 1975, đích thân Tướng Weyand đã đưa cho TT Ford xem hai bức thư đó chỉ 5 phút trước khi TS Kissinger đến cùng họp. Ngày 30 tháng Tư, TS Hưng tiết lộ hai thư này trong một cuộc họp báo tại Khách sạn Mayflower ở Washington để đặt trách nhiệm bội ước và yêu cầu Hoa Kỳ đền bù lại bằng cách cứu vớt và cho định cư một triệu người Việt Nam.

Sau đó Quốc Hội Mỹ, theo GS Hưng, đã phản ứng "tại sao Hành Pháp Mỹ không cho Lập Pháp biết hồ sơ Nixon-Thiệu," đặc biệt là các nghị sĩ chủ trương cắt viện trợ cho VNCH như Henry Jackson, Frank Church, Ted Kennedy, Mike Mansfield...

Ngay chủ tịch của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ lúc đó là ông John Sparkman đã viết thư yêu cầu TT Ford cho xem hồ sơ "Nixon - Thiệu" nhưng TT Ford viện dẫn quyền đặc biệt của người đứng đầu hành pháp, đã từ chối. Rồi từ đó chính phủ Mỹ "đã ém nhẹm" toàn bộ hồ sơ này.

Năm 1978, ông Ronald Nesson, tùy viên báo chí của TT Ford, có viết một cuốn hồi ký trong đó ông tiết lộ rằng ông được lệnh cấp trên đi tìm hồ sơ "Nixon-Thiệu" trong Tòa Bạch Ốc, và tìm được vỏn vẹn chỉ có "bảy cái thư ".

GS Nguyễn Tiến Hưng nói có tổng cộng 27 văn thư trong hồ sơ này, nhiều hơn số thư mà ông Ronald Nesson đã tiết lộ trong cuốn hồi ký.

Theo GS Nguyễn Tiến Hưng, hầu như tất cả các hồ sơ về cuộc chiến Việt Nam nay đã được giải mật, trừ hồ sơ "Nixon-Thiệu" mà cho tới hôm nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Tại sao ông Thiệu không lên tiếng?

Tác giả Nguyễn Tiến Hưng không tin rằng người Mỹ đã bảo cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không được nói gì về liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa từ khi gia đình ông dọn sang Mỹ năm 1985 tới khi ông từ trần năm 2001. Là một người tâm sự thân tín của ông Thiệu trên bước đường sống lưu vong, GS Hưng nói rằng " tôi không tin là khi dọn sang Mỹ, ông Thiệu đã bị áp lực nào bắt phải yên lặng vì đó là thời của tổng Thống Reagan và ông Reagan rất ưu ái Tổng Thống Thiệu. Có lẽ vì phần nào của sự ưu ái đó mà ông Thiệu dọn nhà sang Hoa Kỳ sống."

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

Ông Thiệu đã tâm sự với ông Hưng rằng "khi vừa đến Đài Loan vào ngày 25 tháng Tư năm 1975, phái đoàn tùy tùng đã bị nhân viên Mỹ khám xét hết hành lý và tịch thu hết giấy tờ vì họ chỉ sợ hồ sơ Thiệu-Nixon lọt ra ngoài".

Ông Hưng thuật tiếp lời ông Thiệu: "Còn chuyện cái cặp bị đánh cắp nữa, vì họ tưởng rằng hồ sơ để trong đó, chứ không phải là để lục xét tiền."

Tuy nhiên, ông Hưng nói: "Phía ông Kissinger và đảng Cộng Hòa muốn giấu hồ sơ đó đi, cho nên có thể họ đã yêu cầu TT Thiệu giữ im lặng."

Theo GS Hưng, ông Thiệu không muốn viết hồi ký vì "sau khi tôi làm lãnh đạo của miền nam gần 10 năm, tôi biết quá nhiều chuyện, và khi tôi nói cái hay thì tôi cũng phải nói cái dở nữa."

Ông Thiệu được cho là đã nói: "Người Mỹ đã phản bội mình rồi, cho nên mình cũng không nên vạch áo cho người xem lưng, và tôi chẳng cần để ý tới dư luận Mỹ nữa." Theo giáo sư Hưng đó là lý do chính tại sao ông Thiệu không muốn viết hồi ký.

Trước đây khi được GS Hưng yêu cầu nói rõ về vụ 16 tấn vàng, ông Thiệu nói: "Tôi đã làm hết sức mình rồi cho nên dù có nói ra, thì người đời sẽ nói rằng tôi cố tình chạy tội mà thôi."

Tăng quân là để rút lui?

GS Nguyễn Tiến Hưng cho biết trong những lần đàm luận tại Luân Đôn, ông Nguyễn Văn Thiệu đã cho rằng Tổng Thống Mỹ Johnson, một người được cho là lập trường diều hâu, "đem quân vào Việt Nam là để thương lượng ở thế mạnh."

Vào đầu năm 1964, khi ông Johnson lên thay cho TT Kennedy bị ám sát, chính phủ Mỹ đã cho bộ trưởng McNamara sang Việt Nam hứa đủ điều, rồi đề nghị 12 biện pháp rất mạnh trong đó, yêu cầu chính phủ Việt Nam đặt Miền Nam vào thế chiến tranh bằng một lệnh tổng động viên để "mưu cầu một nước Việt Nam không cộng sản".

Sau đó, Mỹ tăng quân viện cho miền Nam Việt Nam và đồng thời mở ra các chiến dịch như là Mũi Tên Lên vào tháng Tám cùng năm, rồi đến chiến dịch Phi Tiêu Lửa oanh tạc miền Bắc rất dữ dội.

Đến tháng Ba năm 1965, quân đội Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng và bước tháng Tư, Tổng Thống Johnson tuyên bố sẽ ở lại miền Nam "bao nhiêu lâu còn cần thiết, với bất cứ sức mạnh nào còn cần thiết, với bất cứ nguy hiểm nào, phí tổn nào" như Tổng Thống Kennedy đã nói "We shall bear any burden" khi nhậm chức.

Tháng Sáu năm 1965, TT Johnson đã gởi vị tướng kinh nghiệm nhất của quân đội Mỹ là tướng Westmoreland đến Việt Nam để chỉ huy quân đội và một tháng sau, đã bổ nhiệm một vị tướng khác là Maxwell Taylor làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ông Thiệu lên làm Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia vào tháng Sáu năm 1965.

Theo GS Hưng, ông Thiệu và các tướng lãnh đều thấy rằng Mỹ quyết chiến và quyết thắng tại miền nam Việt Nam.

Nhưng chẳng mấy chốc sau đó, Bộ Trưởng McNamara lại rỉ tai ông Thiệu và nói là phải tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội cho sớm để còn điều đình với Mặt Trận giải Phóng Miền Nam.

Mãi sau này với thời gian, ông Thiệu mới chiêm nghiệm câu "đem quân vào để điều đình ở thế mạnh," và "đem quân vào là để rút quân đi."

Không kết quả

Trong số này, có bức thư của TT Johnson gởi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày Tám tháng Hai năm 1967 trong đó, Hoa Kỳ mong muốn đi đến một giải pháp hòa bình, nhưng không hiểu vì một lý do nào đó, các nỗ lực mưu tìm hòa bình không đi đến một kết quả nào.

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

Một tuần lễ sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại một bức thư nói rằng "nếu như Ngài muốn đàm phán trực tiếp với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì phía Hoa Kỳ phải ngưng ngay các vụ oanh tạc vô điều kiện".

Hai bức thư này được lưu lại trong hồ sơ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam gồm tổng cộng 12 tập, cho thấy phía Hoa Kỳ từ năm 1965 đã 26 lần tìm cách bắt liên lạc với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa qua nhiều ngả khác nhau để điều đình hòa bình.

Nay với thời gian, GS Hưng nói rằng có thể là vì một "vấn đề nhận thức" gây ra bởi các "tín hiệu trái ngược nhau" mà 26 lần tìm cách bắt liên lạc này, không đi đến một kết quả nào. Thí dụ như cũng có thể là Mỹ đề nghị điều đình ngày hôm trước thì hôm sau lại oanh kích Bắc Việt còn mạnh hơn hôm trước.

Theo GS, có thể vì các tín hiệu trái ngược nhau mà cuộc chiến cứ leo thang.

Cuộc chiến 'ủy nhiệm'

Trước khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Nixon đã từng nói cuộc chiến tại Việt Nam không phải là cuộc chiến giữa hai miền nam bắc Việt Nam, hay là giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam, mà thực sự ra là một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo GS Hưng thì TS Kissinger và TT Nixon cho rằng tất cả những sự thành công của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã giúp cho chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

GS Hưng nói rằng theo như sự suy nghĩ của hai người này thì "cũng vì sự cứng rắn của Hoa Kỳ - mang nửa triệu quân tới Việt Nam rồi xúc tiến chương trình Việt Nam hóa cuộc chiến - mà đã thuyết phục Trung Quốc mở cửa bang giao với Hoa Kỳ."

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment