Đại sứ Anh tại Việt Nam nói thực trạng tội phạm và nhập cư bất hợp pháp đang làm tổn hại tới uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh.
Trong cuộc trao đổi và bàn bạc với một số người Việt đã ở Anh lâu năm, Đại sứ Mark Kent nói: "Tôi không muốn thấy việc nhắc đến chữ Việt Nam là người ta liên tưởng tới trồng cần sa và nhập cư bất hợp pháp".
Tại buổi gặp mặt ở London ngày 05/03/2010 tại phía đông London, Đại sứ Mark Kent nói: “Thật không may là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh vào lúc này đang bị ảnh hưởng tiêu cực”.
Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi báo chí tại Anh đăng tải tin cảnh sát đột nhập vào một tòa biệt thự sang trọng ở miền trung nước Anh có vườn và phòng trong nhà bị dùng để trồng cần sa và một số người bị bắt là người Việt.
“Thực ra không chỉ là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh bị ảnh hưởng mà chúng ta cũng phải thấy rằng nhập cư bất hợp pháp và tội phạm là hai vấn đề có liên kết với nhau”.
"Chúng ta nói tới không chỉ hoạt động trồng cần sa mà cả các vụ bắt cóc hoặc thậm chí giết người”, Đại sứ Mark Kent nói.
Bổn phận chung
Có mặt trong buổi gặp mặt này, bà Mai Bateman, một người Việt sống tại Anh 25 năm cũng tỏ ra quan ngại về thực trạng di dân trái phép và tội phạm người Việt mà được cho là số ít nhưng đang gia tăng tại Anh nói chung.
Bà nói: “Thách thức lớn là làm cho những người nhập cư hiểu thêm và thực hiện đúng luật pháp nước sở tại và làm được như vậy là phần nào hỗ trợ được họ hòa nhập và ổn định sống tốt ở xã hội Anh”.
“Những người thiếu hiểu pháp luật sẽ dễ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng, làm ảnh hưởng uy tín nói chung”, bà Mai nói.
Đại sứ Mark Kent nói: “Vì lợi ích của cộng đồng người Việt tại Anh cũng như của các cá nhân người Việt, tôi nghĩ rằng chúng ta phải có trách nhiệm làm việc cùng nhau để khắc phục tình tình trạng này cũng như chống lại những người đứng sau các hoạt động này”.
“Và nếu chúng ta làm được điều này thì có nghĩa là ngưng được ảnh hưởng tiêu cực đối với Anh quốc và Việt Nam cũng như đối với các cá nhân dính líu vào”.
Tham dự cuộc gặp mặt này còn có đại diện của Ban Di trú Bộ ngoại giao Anh, Cơ quan Xuất nhập Cảnh thuộc Bộ Nội vụ Anh.
Đây cũng là dịp để nhà chức trách Anh giới thiệu cho truyền thông và cộng đồng về Chương trình Hồi hương Tự nguyện có Trợ giúp dành cho Di Dân Bất hợp Lệ của Tổ chức Di Dân Quốc tế (IOM).
Ông Lương Sơn Thành từ Tổ chức người Việt VAUK nói "Chúng tôi mong muốn hợp tác với giới chức của Anh cũng như IOM cho mục tiêu đưa những người nhập cư bất hợp pháp tham gia vào chương trình hồi hương như vậy".
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment