Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật về dân quân, tự vệ, theo đó người dân phải tham gia dân quân, tự vệ, các địa phương phải tổ chức lực lượng dân quân, các cơ quan phải tổ chức tự vệ để đóng góp cho nền quốc phòng toàn dân.
Theo báo Nhân Dân hôm 23/11/2009, dự thảo Luật dân quân tự vệ được thông qua với tỷ lệ hơn 89% số đại biểu tán thành và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010.
Áp dụng cho tranh chấp trên biển, mỗi đội tàu cá sẽ có một tổ vừa đánh cá, vừa thi hành nhiệm vụ của dân quân, tự vệ.
Dân quân, tự vệ biển sẽ được trang bị súng và sẽ phối hợp với biên phòng, cảnh sát biển và hải quân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ ngư dân.
Với Luật về dân quân, tự vệ và với cách áp dụng trên, tư cách của ngư dân có vũ trang và thi hành nhiệm của dân quân, tự vệ sẽ không phải là dân sự mà sẽ là quân sự. Điều này có một số ý nghĩa pháp lý, ngoại giao.
Theo luật quốc tế
Trước hết, Việt Nam phải bảo đảm rằng những ngư dân này tuân thủ những phần trong Công ước Geneva về tù binh liên quan đến dân quân (militia), nhằm, trong trờng hợp bị các nước khác bắt, họ sẽ được quy chế tù binh bảo vệ.
Thứ nhì, trong lãnh vực tranh chấp Biển Đông, Việt Nam có thể bị phê bình rằng đã cho thêm vào tranh chấp một lực lượng quân sự mới và đã quân sự hoá ngư dân.
Ngư dân thi hành nhiệm vụ dân quân, tự vệ vẫn không thể chiến đấu một cách ngang hàng với các tàu ngư chính hay tàu chiến Trung Quốc.
TS Dương Danh Huy
Thứ ba, nếu xảy ra xung đột vũ trang giữa dân quân, tự vệ với thường dân, hay cơ quan dân sự, hay lực lượng quân sự của một nước khác thì sự kiện đó sẽ có nghĩa như là xung đột giữa một lực lượng quân sự của Việt Nam và một trong những nhóm trên.
Thứ tư, phần lớn các nước tiên tiến không sử dụng dân quân và các nước này có thể có thành kiến về dân quân, thí dụ như về huấn luyện và kỷ luật.
Điều này có thể bất lợi cho Việt Nam trong tranh cãi sau xung đột về bên nào có lỗi.
Cơ bản nhất, những ngư dân thi hành nhiệm vụ dân quân, tự vệ vẫn không thể chiến đấu một cách ngang hàng với các tàu ngư chính hay tàu chiến Trung Quốc.
Trong trường hợp xảy ra xung đột, các tàu ngư chính hay tàu chiến Trung Quốc có thể tàn sát họ và vu cáo rằng ngư dân và dân quân Việt Nam đã dùng súng cướp ngư dân Trung Quốc hay tấn công các tàu ngư chính Trung Quốc trước.
Trung Quốc sẽ viện cớ để khủng bố tất cả ngư dân Việt Nam, bất kể có vũ trang hay không, áp lực họ ra khỏi vùng biển mà nước này yêu sách.
Nếu ngư dân không vũ trang chạy vào Hoàng Sa trú bão mà bị Trung Quốc bắn, bắt, cướp thì rõ ràng là Trung Quốc sai. Nếu ngư dân Việt Nam có vũ trang, hay có thể có vũ trang, thì Trung Quốc sẽ có thêm cớ để bắn, ngăn cản và xâm phạm ngư dân Việt Nam tránh bão.
Việt Nam nên tổ chức những đội bảo vệ cho ngư dân, nhưng những đội bảo vệ này chỉ nên sử dụng những phương tiện và phương pháp không bạo lực.
Ngoài ra, nên bảo đảm tư cách dân sự của những đội này bằng cách không cho họ là dân quân.
Nhà nước phải có mặt
Việt Nam phải bảo vệ ngư dân và bảo vệ chủ quyền, nhưng phải bảo vệ bằng cách tăng cường sự hiện diện của các cơ quan nhà nước trên Biển Đông. Sự hiện diện này không thể chỉ gần bờ mà phải ra tới ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Trung Quốc đã rất khôn ngoan khi dùng tàu quân sự của của họ làm các tàu ngư chính. Như vậy các tàu này vừa có sức mạnh vũ trang vừa có vẻ là cơ quan hành chính dân sự.
Như vậy Trung Quốc vừa tránh được vẻ dùng một lực lượng quân sự để đối trọng thường dân, vừa tạo vẻ thực thi chủ quyền ở cấp nhà nước một cách hoà bình - mà thực thi chủ quyền ở cấp nhà nước một cách hoà bình là một trong những yếu tố cần thiết của chủ quyền.
Song song với việc hiện đại hoá hải quân, Việt Nam cần tăng cường sự hiện diện của các cơ quan nhà nước trên Biển Đông bằng cách tăng cường đội ngũ kiểm ngư và đội ngũ cảnh sát biển.
Có thể nói rằng trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hai đội ngũ này sẽ hữu dụng hơn hải quân, và vai trò của hải quân là hỗ trợ hai đội ngũ này khi cần thiết.
Sự khó khăn cho Việt Nam là, cho tới năm 2008, “trung bình một người trong lực lượng Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phải kiểm soát 1000 km² mặt biển và khoảng 25-30 km bờ biển.
Cả nước mới chỉ có chưa đến 100 tàu thuyền làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra hoạt động nghề cá trên biển, trong đó chỉ có khoảng 25% là có khả năng hoạt động cách bờ từ 50-100 hải lý [trong khi vùng đặc quyền kinh tế ra tới cách bờ 200 hải lý]...Kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát bình quân chỉ đủ cho Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tổ chức được từ ba tới năm chuyến biển/năm với thời lượng từ ba đến bảy ngày”.[1]
Trong tình trạng tính mạng, tài sản, kế mưu sinh của ngư dân Việt Nam bị đe doạ trong vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với UNCLOS của Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ bị đe doạ, chúng ta không thể chấp nhận sự thiếu thốn này.
Nếu các tàu cá hay tàu ngư chính Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hay đe doạ ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hay trong biển quốc tế thì đội ngũ kiểm ngư và đội ngũ cảnh sát biển nên là điểm tiếp xúc đầu tiên chứ không phải dân quân, tự vệ.
Vùng đặc quyền kinh tế
Song song với những biện pháp trên, Việt Nam phải xác định và khẳng định với người dân và với quốc tế một vùng đặc quyền kinh tế hợp lý cho mình.
Việc xác định và khẳng định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế từ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có thể để cho tương lai, nhưng hiện nay cần xác định và khẳng định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ những vùng lãnh thổ khác.
Nếu vũ trang cho ngư dân và có thể ra lệnh cho họ chiến đấu thì sẽ dẫn tới nhiều hy sinh nhưng sẽ không đạt được nhiều kết quả.
Nếu, thêm vào đó, ngư dân, người Việt và thế giới chưa biết rõ ràng đâu là vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam đòi hỏi, đâu là biển quốc tế, đâu có thể là vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc, thì kết quả có thể sẽ còn ít hơn.
Việc sử dụng dân quân, tự vệ có vũ trang là một biện pháp để khắc phục những khó khăn cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông, nhưng biện pháp đó có những ý nghĩa và hệ quả có thể không tốt cho ngư dân nói riêng và cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông nói chung.
Điều chắc chắn là Việt Nam phải có biện pháp thích hợp để bảo vệ ngư dân và bảo vệ chủ quyền trước khi Trung Quốc cấm đánh cá trên Biển Đông vào năm 2010, như nước này đã làm mỗi năm từ năm 1999.
Tiến sĩ Dương Danh Huy, định cư tại Oxford, Anh Quốc, là thành viên Nhóm Nghiên cứu Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết. Tác giả xin cảm ơn Lê Minh Phiếu, Dự Văn Toán, Phạm Thu Xuân đã góp ý cho bài này.
[1] Trích từ: “Công uớc biển 1982 và chiến lược biển của Việt Nam”, TS Nguyễn Hồng Thao (Chủ biên), Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 288
**************************
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment