Thursday 30 May 2013

Đèo Ngang và Hoành Sơn Quan


Đèo Ngang và Hoành Sơn Quan
(VienDongDaily.Com - 24/05/2013)
Bài và hình: Trần Công Nhung


Nói về phong thổ khí hậu ở Việt Nam, có lẽ miền Trung là miền nhận lãnh nhiều cay nghiệt nhất. Mùa hè gió Lào lùa qua dãy Trường Sơn nóng hừng hực tưởng chừng có thể thiêu rụi mọi thứ nơi vùng đất cằn cỗi này. Ngày còn nhỏ, ai cũng thuộc bài địa lý khai tâm về đất nước mình: “Nước VN hình cong chữ S, hai đầu phình ra, giữa eo lại.” Đúng thế thật, nhưng về thẩm mỹ, tôi thấy phần eo vừa đẹp vừa duyên dáng, không thô kệch nặng nề như hai đầu Bắc Nam. Miền Bắc nhờ lợi thế địa hình có nhiều điểm trội về danh lam thắng tích về lịch sử phong tục, về nét văn hóa lâu đời, có nơi được Unicef thừa nhận là di sản thế giới. Điều dễ hiểu, đất nước khởi đi từ điểm đầu miền Bắc, từ Hà Giang Móng Cái tiến về Nam.
Với tôi, miền Trung, miền núi nhiều đất ít, cũng không phải kém đẹp, tuy không to lớn hùng vỹ bằng nhưng đẹp thì chưa hẳn thua. Những con sông từ nguồn Trường Sơn đổ ra biển qua làng mạc, qua những cánh đồng, tạo nên bao cảnh trí nên thơ tình tự:
Đã bao lâu rồi không về Miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường
Người hỡi! Có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn vương bao niềm thương,
cho nhắn đôi lời…
(Thương về miền Trung nhạc Duy Khánh)
Miền Trung đã hẹp (có chỗ chỉ 100km) núi lại ăn sát ra biển, nhờ thế mà có những ngọn đèo đẹp hết chê. Nếu ai đã một lần đi dọc con đường Cái Quan từ Nam ra Bắc chắc không khỏi tấm tắc khen ngợi lúc tàu (xe) qua đèo Hải Vân, đèo Cả… Nếu từ Bắc vô Nam chúng ta cũng lại thưởng thức cảnh đẹp trên đèo Tam Điệp, đèo Ngang, những con đèo đã gắn liền với bao nhiêu đổi thay của đất nước. Giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có Đèo Ngang mang dấu tích vừa lịch sử vừa văn chương:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi Tiều vài chú,
Lác đác bên sông Rợ (chợ?)mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Đèo Ngang bà Huyện Thanh Quan)



                                                         Hoành Sơn Quan cổ kính.
So với nhiều đèo khác, nhất là những đèo trên vùng Tây Bắc(1) thì Đèo Ngang quá hiền lành, đèo chỉ cao chừng 250m, và dài hơn 2,500m, vòng cua rộng êm thoải mái cho người lái xe, người chạy xe máy không phải quá lo như khi qua đèo Cù Mông, đèo Cả, hoặc đèo Hải Vân. Đèo Ngang là ranh giới chia hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Hôm ấy về đến Đèo Ngang trời đã chiều(2), từ dưới chân đèo tôi đã nhìn thấy một cổng cổ thành trên đỉnh đèo: Hoành Sơn Quan. Theo sử cũ thì đường thông qua Đèo Ngang đã có 1000 năm nay, từ thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005), nhưng phải hơn 500 năm sau đèo Ngang mới được biết đến nhiều và trở thành yếu điểm chia cắt Đàng Ngoài - Đàng Trong. Từ thời vua Lâm Ấp (Champa) đã xây lũy gọi là lũy Lâm Ấp để chống quân Đại Việt. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thì Đèo Ngang là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt. Đến thế kỷ XVII, quân Trịnh lại xây dựng một hệ thống đồn lũy ở đây, gọi là lũy đèo Ngang hay lũy ông Ninh (Ninh Quốc Công Trịnh Toàn)(3). Kể từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc. Vẻ đẹp thiên nhiên cùng những sự kiện bi hùng của hàng ngàn năm lịch sử, đèo Ngang là thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung. Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) trên đỉnh đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đắp nổi 3 chữ "Hoành Sơn Quan." Thời gian mấy trăm năm đã xóa nhòa lũy đá từ cổng thành chạy ra biển và vào trong núi sâu, giờ chỉ còn một vài dấu tích.


                                                              Địa phận Quảng Bình





Đèo Ngang tuy không dài không cao, không nguy hiểm nhưng ngành cầu đường nay đã phát triển nên một đường hầm đã được thiết kế (4). Chuyến đi năm 2008 tôi chạy xuyên hầm, đường hầm chưa tới 500m, chỉ mấy phút đã từ bên này qua bên kia. Đi cho biết chứ đã có phương tiện riêng thì nên qua đèo để được dịp ngoạn cảnh từ trên đỉnh đèo. Đã bao nhiêu lần chạy xe qua đèo từ Tam Đảo, Tam Điệp, đèo Cả, Bạch Mã, Hải Vân, Cù Mông, Song Pha, Bảo Lộc… đến núi Ba Thê… phải lên cao nhìn xuống mới thấy hết vẻ đẹp bao la kỳ diệu của đất trời, mới thấy được sự sảng khoái của tinh thần khám phá, mới hả lòng mong ước đi đó đi đây.


                                                               Lên Đèo Ngang


Tôi dừng xe chụp tấm ảnh cầu Đồng Bó, cửa hầm, và có dáng mờ mờ của Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo. Từ xa, so với núi Trường Sơn, Đèo Ngang thấp như quả đồi. Một người đi đường nhắc tôi “Ông chạy qua hầm cho khỏe chớ lên đèo chi cho mệt.” Tôi cảm ơn, chờ cho ông già đi khuất tôi quành xe lên đèo. Một nhóm thanh niên nam nữ đang leo lên Hoành Sơn Quan (HSQ). Một ô tô du lịch, vài chiếc xe máy đỗ bên đường. Lối đi lên theo hình zíc zắc, đoạn đầu hẹp chừng hơn mét, xuôi theo sườn đồi. Một bảng giới thiệu di tích cũng đơn giản cắm bên lối đi, không có nghị định công nhận, cũng không bảng cấm nọ kia. Tôi thấy hay. Lên trên cao, tam cấp mở rộng mười mấy mét, đá liếp thiên nhiên lát lài lài, bước chân không phải nhấc cao. Nơi đây mới thấy rõ HSQ là một di tích lịch sử lâu đời. Bàn tay của người ngày nay chưa mó vào. Cây cỏ rêu phong rất hồn nhiên mang theo trên mình năm tháng nắng mưa. Nhìn thấy có chút gì đó mơ hồ linh thiêng, tuy chỉ là một cổng thành lẻ loi bé nhỏ giữa núi đồi hoang vắng. Nếu có một tấm lòng với quê cha đất tổ, sẽ thấy nơi đây tích tụ biết bao công lao xương máu của tiền nhân từ thời Đại Việt, mở rộng bờ cõi về phương Nam.



                                                          Lên Hoành Sơn Quan


Cổng Hoành Sơn không hoa văn rườm rà, lối cổng vòm đơn giản vững chắc, thể hiện uy quyền của con người. Tôi thấy Hoành Sơn Quan có nét hao hao Khải Hoàn Môn (Arc de Triomph) của Paris thu nhỏ. Theo dư luận thì HSQ đang được “qui hoạch” thành điểm du lịch. Điều này đáng làm để giới thiệu với “bầu bạn năm châu” về lịch sử dân tộc, văn hóa nước nhà. Tuy nhiên chuyện du lịch bao năm nay đã gây nhiều phê phán ngược xuôi, quá phiền hà cho du khách. Phía tổ chức chỉ biết bán vé thu tiền còn phục vụ thì xem nhẹ, thậm chí còn gây tai nạn chết người (thuyền chìm, cáp treo đứt…). Theo thiển nghĩ, ngoài chuyện làm du lịch, cơ quan văn hóa giáo dục cũng nên có kế hoạch để các di tích trở thành bài học lịch sử sống động cho các tầng lớp học sinh sinh viên. Từ đó may ra có những anh tài hy sinh gìn giữ sơn hà xã tắc như bao lớp cha ông thuở trước. Ngược lại nếu cứ độc quyền “gặm nhắm” mãi, thì 4000 năm lịch sử có oai hùng cách chi cũng đến ngày cạn kiệt. Lúc bấy giờ không biết sự thể sẽ ra sao!
(Tháng 2 – 2012)


                                                         Một đoạn Đèo Ngang
(1). Đèo Giang Ma và đèo Hồng Thu Mán. Đèo có những cua ngặt như cùi chỏ vì thế thường đặt những gương lồi để tài xế có thể nhìn đoạn đường phía trước. (QHQOK tập 2).
(2). Một chặng đường Cái Quan (phần 2).
(3). Ngày 17/6 năm 2012 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết, nhóm nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh vừa phát hiện đoạn thành lũy cổ bằng đá trên địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.
Thành lũy cổ nằm ở đỉnh Đèo Bụt thuộc địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh dài hơn 1km và được ghép bằng những phiến đá liếp kích thước to nhỏ không đều. Mặt thành phía Nam thẳng đứng cao 3.5m đến 4 m. Mặt trên thành lũy khá bằng phẳng, nơi rộng là 2m, nơi hẹp 1.20m đến 1.50m. Lũy bắt đầu từ địa phận làng Ngưu Sơn tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ Phương) kéo lên tận làng Xuân Quan, Xuân Sơn tổng Vọng Liêu (nay là xã Kỳ Lạc), chỗ được ghép bằng đá, chỗ đắp bằng đất và xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn. Thông tin trên cho rằng đây là cổ luỹ của ông Ninh, tức Ninh Quốc Công Trịnh Toàn, vương tử của Đức Văn tổ nghị Vương Trịnh Tráng. Sử gia người Pháp, Le Breton viết: “ Khi bàn về thành trì của An Tĩnh (Nghệ An Hà Tĩnh) thì lúc nào cũng thấy tên của hai vị anh hùng An Nam tiếng tăm lừng lẫy, đó là Lê Lợi và Ông Ninh tức Ninh Quốc công Trịnh Toàn. Tất cả các thành trì ở đồng bằng ven biển suốt vùng An Tĩnh cho đến đèo Ngang ngày nay được nhân dân gọi là thành “Ông Ninh” ( An Tĩnh cổ lục 1936 Trịnh Đăng Thiện ĐT: 0912 416 113, Email: artechmientrung@gmail.com)
(4). Ngày nay, xe qua đèo Ngang thường đi đường hầm xuyên núi. Cửa hầm phía Bắc thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh; cửa hầm phía Nam thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Hầm chính dài 495 m; cộng với hệ thống đường dẫn, toàn bộ dài 2.156,41 m. Hầm có chiều rộng 11,5m, cao 7,5m, do Tổng Công ty Sông Đà đầu tư, thông xe ngày 21/8/2004. Đèo Ngang cách Hà Nội 423 km- Vinh 132 km- Đồng Hới 68 km- Huế 235 km,
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 14, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Anh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách nguyên bộ 13 tập (discount 50% + 20$ tập mới) xin Liên lạc với tác giả qua:
PO.Box 163 Garden Grove, CA. 92842. Tel. (714) 657-2177. Website: www.ltcn.net – email: trannhungcong46@gmail.com

Bài và hình: Trần Công Nhung
Source
Vien Dong Daily