Friday 11 May 2012

Nhà văn Chu Thiên (1913-1992)


Nhà văn Chu Thiên (1913-1992)
Wednesday, May 09, 2012 3:04:22 PM




Những ông thầy thời niên thiếu



Viên Linh

Tháng 5, 1954. Thầy Chu Thiên, hiệu trưởng trường Trung học Phủ Lý hỏi học trò: “Em có thể chở thầy lên Hà Nội không?”... “Bao giờ em vào Nam?” “Dạ? “Mẹ em có tính đi Nam không? Về nói với mẹ em coi chừng kẻo trễ.”
Nhà văn Chu Thiên (1913-1992). (Hình: Từ Ðiển Văn Học, Hà Nội)
Nhà văn Chu Thiên (1913-1992). (Hình: Từ Ðiển Văn Học, Hà Nội)
Chu Thiên là tác giả những cuốn tiểu thuyết nổi danh như Bút Nghiên, Nhà Nho, mà Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Ðại (1942) đã xếp vào chương các nhà văn viết tiểu thuyết phóng sự. Với toàn bộ sự nghiệp của ông cho tới khi từ trần năm 1992, ông xứng đáng là một tiểu thuyết gia lịch sử. Người viết những dòng này là học trò ông trong ba tháng hè ở Trung học Phủ Lý, 1954, những ngày xao động phân ly nhất của tuổi trẻ đất nước, khi những chữ “hội nghị Geneve,” “vô Nam hay ở lại” được mọi người nhắc nhở, bàn tán từ đồng quê tới phố phường, từ Hà Nội tới các tỉnh thành khác của Việt Nam.
Trước khi về Phủ Lý học khóa hè, những tháng cuối cùng của năm đệ lục ở Chu Văn An Hà Nội, tôi đã chứng kiến một kinh thành nhớn nhác qua đôi mắt của một cậu học trò trọ học. Mẹ và chị em còn ở hậu phương, song gia đình họ Nguyễn chúng tôi phần lớn đã ở Hà Nội. Lúc ấy, nghe mấy chữ Ðiện Biên Phủ ai cũng hiểu đó là nơi chiến tranh Pháp Việt đang xảy ra vô cùng ác liệt.
“Cuộc chiến đấu của quân đồn trú ở Ðiện Biên Phủ tiếp tục, và các hoạt động tiếp vận từ Hà Nội yểm trợ cho căn cứ vẫn được tiến hành. Ðêm 5 rạng 6 tháng 5 [1954], vào lúc 04:12 giờ chừng 10 chiếc máy bay vận tải C47 vượt lưới lửa phòng không thả thêm được 91 quân dù xuống Ðiện Biên Phủ. Ðây là đêm thứ tư thả các đơn vị của tiểu đoàn Nhảy Dù thuộc-địa số 1, và trong bốn đêm liền mới chỉ có 383 trong số 876 người của tiểu đoàn này chạm đất...” “...Ngày 7 tháng 5, vào lúc 10:00 giờ Tướng De Castries liên lạc về Hà Nội báo cáo với Tướng Cogny ÐBP đang trong tình trạng hấp hối. Khoảng 3:00 giờ chiều ở Bộ Chỉ Huy căn cứ ÐBP đã có một buổi hội chỉ huy lần chót... Họ đề nghị ngưng bắn vào lúc 17:30 giờ và thông báo cho đối phương biết.” “ÐBP thất thủ hôm trước thì hôm sau tức là ngày 8 tháng 5, 1954, chín đoàn đại biểu của Pháp, Quốc Gia Việt Nam, Miên Lào, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Anh Quốc, Liên Xô, Trung Cộng và Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc thương thuyết nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam trong khuôn khổ Hội Nghị Viễn Ðông đã khai mạc ngày 26 tháng 4, 1954 tại Giơ-ne, [Geneve] Thụy Sĩ.” (Bạch Hạc Trần Ðức Minh, Một Thời Nhiễu Nhương, 1945-1975, tr. 363-364.)
Quê quán Ðồng Văn của chúng tôi gồm có Phố Ga Ðồng Văn, một thị trấn chạy dài gần hai cây số trên Quốc lộ số 1, và thôn Ðồng Văn, chỉ cách Quốc lộ 1 bằng một con sông đào. Từ nhà đi Hà Nội cách 47 cây số ở hướng Bắc, đi Phủ Lý cách 11 cây số, ở hướng Nam. Ba tháng hè về quê, tôi đi Phủ Lý học, đi về bằng xe đạp mỗi lượt chỉ mất vài chục phút, nếu đường không bị đào xới, cắt khúc, chất chướng ngại vật. Hai bên đường đầy tăng-xê, cắt sâu vào mặt đường theo kiểu chữ chi (Z), đan nhau bằng cách không để xe hơi chạy nhanh được. Xe phải lượn ngoằn ngoèo tránh những khoảng lõm ăn sâu vào xương sống con đường. Lúc ấy tôi có một chiếc xe đạp Peugeot dura, loại nhẹ, chỉ cần cầm một tay giơ cao khỏi đầu được. Nhờ nó, tôi di chuyển dễ dàng, từ nhà tới Phủ Lý học đã đành, lại còn chạy chơi bên bờ sông Châu Giang, hay đôi khi cùng một người bạn trốn nhà phóng lên Hà Nội vào buổi trưa, đến tối đã có mặt ở nhà, có khi không ai biết.
Trường Chu Văn An ở Hà Nội và ngôi trường trung học ở Phủ Lý là hai chỗ không thể so sánh được. Nhưng mặt khác, hai ngôi trường đó đã cho tôi ba vị thầy không bao giờ cậu thiếu niên học trò có thể lãng quên, nhất là những ngày ngồi viết những dòng chữ này ở ngoài đất nước.
Ở Phủ Lý, tôi ngồi trong lớp đệ lục, thầy dạy Quốc Văn là thầy Chu Thiên. Thầy cũng dạy Việt Sử nữa. Tôi thấy thầy ở ngoài lớp, không nghĩ ngợi gì, mà tự dưng thấy băn khoăn. Hình ảnh còn nhớ tới bây giờ là một người đàn ông hom hem, mặc quần áo kaki bạc màu, áo cũng như quần, đều một màu vàng nhạt, bạc thếch, thầy đứng tựa lưng vào tường, lẫn vào màu vôi vàng nhạt cũng bạc thếch của ngôi trường đâu chỉ có hai hay ba căn. Thầy Chu Thiên ở Trung Học Phủ Lý không giống bất cứ ông thầy nào ở Chu Văn An. Thầy quá gầy yếu, đã đứng tựa vào tường mà còn không đứng thẳng. Hơi xiêu xiêu, hay thầy trùng một chân xuống, khuỵu một gối xuống, chỉ cho sức nặng của thân thể trì trên một chân. Thầy sẽ đổi chân, chuyển sức nặng qua trái hay phải tùy theo từng lúc. Thoáng thấy lần đầu, thầy đang ăn một khúc sắn trắng muốt. Tôi không biết ông sẽ là thầy tôi, cho đến một hai hôm sau. Hôm sau đó, vẫn hình ảnh ấy, chỉ khác là thầy không ăn sắn, mà ăn chuối. Thế rồi thầy lên lớp, bấy giờ tôi mới biết đó là thầy Chu Thiên, vừa là giáo sư, vừa là hiệu trưởng.
Chỉ trong khoảng vài tuần, tôi thương thầy. Và cứ từ thân xác mình suy ra, tôi đoán chừng thầy nặng khoảng 40 cân. Biết ông thầy gầy yếu, nhưng tôi không suy nghĩ gì, cũng chẳng tìm hiểu làm gì, cho đến một hôm thầy Chu Thiên tới gần tôi trong giờ chuyển lớp chuyển môn. Thầy hỏi: “Em có thể chở thầy lên Hà Nội không. Hay chỉ cần chở thầy lên Ðồng Văn cũng được. Thầy cũng có thể chỉ đến Ðồng Văn, rồi tìm cách đi Chợ Ðại hay Cống Thần, rồi đi Hà Nội sau.” Khi thầy ngồi lên cái khung ngang của chiếc xe đạp rồi, tôi đạp xe đi, mỗi tay một bên ghi-đông, mà không thấy thầy chạm vào tay tôi.
Tôi không còn nhớ những chuyện gì đã nói, song nhớ rất rõ thầy hỏi về gia cảnh của học trò. Tôi kể thành thật, kể hết, không giấu diếm gì. Tôi cũng cho thầy biết - vì thầy hỏi - về họ hàng chú bác, tất cả ở Hà Nội.
-Bao giờ em vào Nam?
-Dạ?
-Mẹ em có tính đi Nam không? Chú bác họ hàng ở Hà Nội chắc là đi Nam cả?
-Vâng.
Tới nhà tôi, Phúc Hưng Ðường, là ngôi nhà gạch nằm trấn trên ngã ba Phố Ga, cách mặt đường vài chục thước. Trước mặt là một con dốc mà dân nhiều làng phía châu thổ Sông Hồng sẽ phải đi qua để đáp tàu hỏa lên Hà Nội, các tỉnh phía Tây Bắc, hay xuôi Nam, vào Huế, hay Sài Gòn. Tôi chỉ ngôi nhà cho thầy biết. Sinh tiền, đó là tiệm thuốc Bắc của Bố tôi. Ðịa thế của nó hồi 1944 đã bị Nhật chiếm làm trụ sở.
Thầy đòi xuống, nói sẽ đi Hà Nội sau. Tôi gặng hỏi để chở thầy đi luôn, nhưng thầy nhất định thoái thác. Khi chia tay, thầy nhìn sâu vào mắt tôi:
-Về nói với mẹ em coi chừng kẻo trễ.
Ðó là tất cả những gì tôi nhớ về thầy khi còn niên thiếu; sau này mới đọc và tìm hiểu thêm về ông thầy nhà văn nổi tiếng.

Chú thích:
Chu Thiên tên khai sinh là Hoàng Minh Giám, sinh ngày 2 tháng 9, 1913, quê ở huyện Ý Yên, Nam Ðịnh, dòng dõi nhà Nho. Năm 1938 ông ở Hà Nội, bắt đầu bước chân vào làng văn, viết bài cho các báo thời ấy, như trên tờ Tri Tân ông viết rất nhiều, nghiêng về các đề tài lịch sử, tiểu thuyết lịch sử xoay quanh các nhân vật như Lê Thái Tổ (1941), Bà Quận Mỹ (1942), Bút Nghiên (1942), Nhà Nho (1943), Tuyết Giang Phu Tử (1945), Khí Tiết (1946). Trong thời kháng chiến, ông chuyên về dạy học, từng làm hiệu trưởng Trung Học Phủ Lý, sau năm 1954 về Hà Nội, ông dạy Ðại Học Tổng Hợp. Năm 1970 Chu Thiên nổi tiếng một lần nữa với tiểu thuyết Bóng Nước Hồ Gươm, gồm hai tập, viết về giai đoạn biến động của đất nước từ khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và Hà Nội từ thế kỷ thứ XIX. Ðây là một tác phẩm đồ sộ cuối đời của ông. Ông từ trần năm 1992.
source
Nguoi-Viet Online

Tuesday 8 May 2012

Ðông Hồ (1906-1969), nhập thần Trưng Nữ Vương



Ðông Hồ (1906-1969), nhập thần Trưng Nữ Vương
Wednesday, February 22, 2012 2:39:53 PM

VIÊN LINH

Trong những ngày tháng 2 âm lịch năm nay Nhâm Thìn, người viết bài này giở sách báo cũ, lục tìm thơ văn viết về hai vị nữ anh thư, và nhất là về Trưng Trắc, người Lĩnh Nam đầu tiên đã võ trang nổi dậy lật đổ cuộc đô hộ của giặc Tầu, kéo dài từ năm 111 trước Tây lịch tới lúc đó, năm 39 sau Tây lịch, tức là 150 năm, (sau này ta quen gọi là Bắc thuộc lần thứ nhất).

Chân dung nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác, thi sĩ từ trần tại giảng đường Văn Khoa khi đang đọc bài thơ “Trưng Nữ Vương.”
Sau vài ngày, chúng tôi chỉ tìm thấy có một vài bài đã cũ, thuộc các thế kỷ trước, nhưng bất ngờ là cùng một lúc, có hai ba nguồn tài liệu xuất hiện, nhắc đến bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nhà thơ nữ Ngân Giang và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ khi ông đang đọc bài thơ đó. Ðông Hồ (1906-25.3.1969) (1) là một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam, lại là người đã mở trường dạy chữ quốc ngữ tại Hà Tiên khi mới trên 20 tuổi. Theo tác giả “Dự báo bùng nổ thơ ca,” thì chi tiết về bài thơ và cái chết của thi sĩ Ðông Hồ, đã xảy ra như sau:
“Trưng Nữ Vương của Ngân Giang là bài thơ hay nhất về vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Ðược sáng tác ở tuổi 23 (1939), ‘Trưng Nữ Vương’ đã đi vào huyền sử nền thơ Việt với sự ra đi thần thoại của người thầy - nhà thơ Ðông Hồ - trên bục giảng đường Văn Khoa Ðại Học Sài Gòn, ngày 28 tháng 3, 1969, nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.” (2)
Ðoạn văn dưới đây tác giả in nghiêng, nhưng không ghi rõ lời của ai, tuy nhiên theo như câu thứ ba và câu cuối cùng, “thầy đọc các con nghe,” thì phải là lời của chính thi sĩ Ðông Hồ:
“Thơ về Hai Bà kể rất nhiều. Nhưng có điểm chung các tác giả đều là đàn ông. Họ chỉ nhìn khía cạnh Hai Bà yêu nước, diệt xâm lăng. Cho đến ngày thầy được xem bài của một nữ sĩ tên là Ngân Giang trong tập 'Tiếng Vọng Sông Ngân' mới chợt thấy: Trời ơi, có một điểm mà từ trước tới nay chưa một ai nghĩ tới, mà tới nay mới có một người nhìn thấy! Ðó là khi đánh đuổi quân Tầu, thắng khắp nơi, Bà Trưng vẫn là một người góa bụa. Dù chiến thắng nhiều, dù quân thù kinh hãi, bà vẫn là một người đàn bà đang có tang chồng. Phần trên bài thơ tả chiến thắng của Hai Bà, đến bốn câu kết thì thật tuyệt. Ðể thầy đọc các con nghe; ai thích thì chép.” Ðọc xong khổ cuối “Trưng Nữ Vương,” Ðông Hồ đứng vịn vào tường, gục xuống...” (tr. 532)
Bài thơ của Ngân Giang như sau:

Trưng Nữ Vương

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng ánh sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.

Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai.

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai!
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non Hồng quét sạch bụi trần ai.
Cờ tang điểm trống nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời.
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.
Chàng ơi! Ðiện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi...
(Ngân Giang, Tiếng Vọng Sông Ngân, Hà Nội, 1939)

[Bản này bị chép khác ở cuốn “Thơ Mới, 1932-1945,” NXB Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, 1998: Câu thứ 2 in là: “bóng sao rơi” thay vì “ánh sao rơi,” câu thứ 7 in là “gió bão dồn chân ngựa” thay vì “gió bãi lùa chân ngựa,” câu 9 in là “cốt xương” thay vì “cốt xong,” - câu 15 in là “Cờ tang điểm tướng,” thay vì “Cờ tang điểm trống,” câu 16 in là “ngắt mấy trời” thay vì “ngát mấy trời,” câu 18 in là “Giáp vàng khăn trổ” thay vì “khăn trở” (tức khăn tang). Các cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà Văn Hiện Ðại của Vũ Ngọc Phan hay Việt Nam Thi Nhân Hiện Ðại của Phạm Thanh đều không nói đến Ngân Giang. Thi ca Việt Nam của Trần Tuấn Kiệt có mục về Ngân Giang, (đăng nguyên bài do Thẩm Thệ Hà viết thay), song lại không có bài Trưng Nữ Vương.] (3)
Ngoài đời, nhà thơ Ðông Hồ Lâm Tấn Phác là một người mảnh khảnh, y phục trang nhã, phong thái ung dung, tươi cười. Khi tòa soạn Nghệ Thuật của chúng tôi (Mai Thảo, Thanh Nam, Anh Ngọc, Viên Linh) đặt tại Thư Lâm Ấn Thư Quán, chủ nhân là con rể thi sĩ, tôi có được gặp ông và nhà thơ Mộng Tuyết. Người thơ Ðông Hồ, khi đọc bài Trưng Nữ Vương, hẳn đã nhập thần với đề tài. Quả thật, chỉ có Ngân Giang đã nhìn “thấu hai cõi” khi làm thơ về Trưng Trắc, và chỉ có Ðông Hồ mới nhìn thấy “cái thấy” của Ngân Giang. “Ta cũng nòi tình...”

Chú thích:
1. “Vào ngày 25 tháng 3, 1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Ðại Học Văn Khoa [Sài Gòn], Ðông Hồ đã bất ngờ ngã xuống lúc đang bình bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang. Bài thơ nói về nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng sau chiến thắng, một tứ thơ rất độc đáo, rất nữ tính mà Ðông Hồ đã tinh tế chỉ ra. Ðược các học trò đưa vào bệnh viện, ông mất ngay ngày hôm đó.” (Võ Văn Nhơn, Ðông Hồ, thi sĩ yêu tiếng Việt, online).
2. Nguyễn Phan Cảnh, “Ngân Giang, hình hài tình tự thế hệ,” 347-371, La Giang Publishing, Toronto-Hong Kong, 2007.
3. Một bài thơ có 20 câu, Hội Nhà Văn Việt Nam chép sai 6 câu. Ðược biết trong niên giám Hội in xong tháng 4, 2007, dầy 1200 trang đóng bìa cứng, có lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh, khoe hội có non 1000 hội viên là nhà văn. Thật ra không biết có bao nhiêu hội viên ngành xuất bản đọc thông thơ văn?
source
Nguoi-Viet Online