Sunday 31 October 2010

Hổ Quyền


Hổ Quyền
Cập nhật lúc 7:01:57 PM - 29/10/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

w-h4-289.jpg

Hổ.


Luật cạnh tranh trong cuộc sống hàng ngày là yếu tố kích thích đẩy mạnh mọi mặt cho sự sinh tồn của con người, của xã hội, của đất nước. Tâm lý và kỹ năng thể chất phải được nhào nặn từ thuở ban đầu. Giáo dục là khuôn đúc mẫu người cho mỗi thời đại. Nhìn vào lịch sử phát triển xã hội Việt Nam mấy thế kỷ qua, chúng ta thấy rõ điều này.
Thời phong kiến, nền tảng đạo đức, giá trị con người, trật tự xã hội, được xây dựng trên ý niệm: Quân - Sư - Phụ. Thời quân chủ, Vua là trên hết. Tiêu biểu là các Vua triều Nguyễn, hiện trạng còn lại các lăng tẩm đền miếu là chứng tích. Trên thế giới không nước nào bôi bác xuyên tạc lịch sử của đất nước mình, không ai phá bỏ di tích công trạng của tổ tiên mình, trái lại, mọi di sản được tô bồi gìn giữ như báu vật. Đó chính là niềm tự hào của xứ sở họ: Cambodia có Đế Thiên Đế Thích, Thái Lan có Hoàng Cung, chùa Vàng... Du khách không nghe họ nói về những chiến công oanh liệt, không thấy những bảo tàng “chém giết”. Xa hơn như các nước châu Âu, châu Mỹ, người dân trân quí những di tích lịch sử, nhà nước (của dân) phải có trách nhiệm chăm nom, chứ không vì ganh tị hay nhân danh “thần thánh” mà đập phá.

w-h1-289.jpg

Hình ảnh triều đình xưa.

Việt Nam trải qua nhiều trăm năm chiến tranh do ngoại xâm và nội chiến, lòng người chồng chất oán thù, giết người sống, đào mồ người chết (Nguyễn Thân/ Phan Đình Phùng), không còn phân biệt phải trái tình thân. Di tích lịch sử trở thành nạn nhân, bị hủy hoại không ít, hoặc dùng làm nhà kho, phòng ngủ (1), làm giá treo móc cái mới hôm nay, du khách không khỏi chê cười nền văn hóa xứ mình. Cho đến một ngày nhìn ra xứ người, mới tỉnh ngộ lo tô bồi tôn tạo di sản của cha ông (2). Đó là điều đáng mừng, chậm còn hơn không.
Di sản quốc gia lớn nhất ngày nay là khu di tích cố đô Huế. Đại Nội và ngoại thành biết bao nhiêu hạng mục phải chịu một thời xơ xác, trong số có hai nơi ít nghe nhắc nhở, ít thấy trong danh bạ các tours du lịch: Hổ Quyền và Điện Voi Ré.
Hổ Quyền tọa lạc tại thôn Trường Đá, xã Thủy Biều (nay là phường), thành phố Huế, nơi đây là chuồng nuôi hổ và cũng là đấu trường độc đáo, thế giới ít ai có. Hổ Quyền là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ, nhằm tế thần trong ngày hội và làm trò giải trí tiêu khiển cho vua quan và dân chúng cố đô.
Trước khi có Hổ Quyền, những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất vào thời các chúa Nguyễn, ở cồn Dã Viên (3) trên sông Hương. Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần trên 12 chiếc thuyền đến hòn Dã Viên để xem một cuộc đấu "vô tiền khoáng hậu" giữa voi và hổ. Đây là trận đấu khủng khiếp nhất trong lịch sử Hổ Quyền: 40 con voi đã hạ sát 18 con hổ, như một lễ tế thần trong ngày hội.
Dưới triều Nguyễn, lúc chưa có một đấu trường an toàn, những cuộc đấu giữa voi và hổ vẫn được tổ chức, nên đã xảy ra tai nạn trong các cuộc thư hùng. Đời vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở bãi đất trống trước Kinh Thành, một con hổ nhảy lên tát một nài voi rơi xuống đất và người này đã bị chính con voi do mình huấn luyện chà chết. Thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh (năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra và bơi về phía thuyền Rồng. Vua Minh Mạng kịp dùng sào đẩy lùi con hổ, nhờ vậy quan quân mới kịp đến giết hổ cứu Vua.
Do những rủi ro trên, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây Kinh Thành để xây dựng một đấu trường kiên cố, gọi là Hổ Quyền; đấu trường được sửa chữa xây cao thêm dưới thời vua Thành Thái..



w-h2-289.jpg

Voi trong đấu trường (minh họa).

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên xây theo hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,80m, vòng thành ngoài 4,75m. Thành ngoài xây nghiêng kiểu chân đê, chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng đấu trường 44m. Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Đông Nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Mặt thành vòng trong dày trung bình 4,50m. Đối diện với khán đài có 5 chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn. Thành ngoài có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc, có hai cánh cửa bằng gỗ, đế bằng phiến đá xanh, trên cửa có ghi chữ "Hổ Quyền", voi vào sân đấu bằng cửa này. Tường thành bên ngoài cách khoảng có hệ thống thoát nước, với hoa văn hình mặt hổ. Có 2 lối dẫn lên khán đài bằng các bậc đá. Bên trái khán đài là tam cấp đi lên có 24 bậc, dành cho vua và đình thần. Bên phải khán đài tam cấp tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ.
Người ta lợi dụng hai vòng tường trong và ngoài của đấu trường, xây vách ngăn làm 5 chuồng hổ riêng biệt. Từ khi xây xong Hổ Quyền, nghi thức tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ trở nên trang trọng an toàn hơn. Bia đá khắc gắn ở bên ngoài tường thành Hổ Quyền, còn ghi câu chữ Hán nội dung: “ Xây dựng vào ngày tốt, tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 11" (tức tháng 2-1830).
Việc tổ chức các cuộc đấu giữa voi và hổ, ban đầu có mục đích rèn luyện tính chiến đấu cho voi, về sau trở thành môn giải trí tiêu khiển. Trong ngày thi đấu, dân chúng quanh vùng đặt hương án, lễ vật trên đoạn đường vua đi qua. Đấu trường được trang trí bởi nghi trượng, cờ, lọng. Có một đội lính mặc áo đỏ đội nón chóp, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bến sông.


w-h3-289.jpg

Voi trong Hoàng Triều.

Đúng Ngọ, vua ngự thuyền Rồng từ Nghênh Lương Đình, theo sông Hương lên bến Long Thọ. Vua lên kiệu có bốn lọng che, đi trước là Ngự Lâm Quân, thị vệ cầm cờ Tam Tài, cờ Ngũ Hành, cờ Nhị Thập Bát Tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình, các quan quỳ xuống chiếu hoa trải trên đường nghênh đón, rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài. Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Trước mỗi trận đấu, hổ đều bị cắt nanh, vuốt, mục đích không cho hổ tấn công voi. Tuy gọi là thi đấu, song lệ đã định là kết thúc hổ phải bị voi chà đến chết. Trận đấu cuối cùng được ghi vào năm 1904, dưới triều vua Thành Thái. Nhà vua là người tổ chức, cũng là người điều khiển. Đây là một trận đấu vô cùng hấp dẫn.

(Còn tiếp)
Trần Công Nhung

09 - 2010

(1). Đồ Sơn trang 157 QHQOK tập 5.
(2). Nhiều nơi tu bổ bằng cách phá di tích xây cái mới. Điều này tai hại vô kể.
(3). Cồn Dã Viên là một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương, nằm phía tây nam kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến ở phía đông nam thành Huế, là hai nhân tố địa ly phòng thủ, tạo nên thế “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.
Một trong những tài liệu quan trọng khác gắn với Dã Viên, là bài “Dữ dã viên ký”, do vua Tự Đức viết sau khi vườn ngự trên cồn này xây dựng xong. Trong đó có nói rằng, khởi thủy của cồn này có bảy ngôi nhà dân ở, nhỏ hẹp và xiêu vẹo. Vào thời nhà Nguyễãn, Cồn Dã Viên từng là một vườn hoa. Nơi đây cũng có tổ chức voi cọp đấu với nhau. Lầu ngự của vua nghe nói tồn tại đến năm 1900, còn từ 1925, thì bỏ mặc cho mưa nắng. Năm 1908, người Pháp bắc cầu qua đây, dân gian gọi là cầu Bạch Hổ[2]. Năm 1909 xây tháp nước của nhà máy nước Dã Viên. Bây giờ cồn Dã Viên không còn dấu tích về vườn cảnh xưa, nhà cửa dân chúng phủ lấp. Các di tích xưa đều đã biến mất, chỉ còn tháp nước đứng soi bóng sông Hương
Năm 2006, từng có dự án sửa chữa Cồn Dã Viên thành khu du lịch, nhưng đã gặp phải sự phản đối của người dân và các nhà bảo tồn di sản, nên phải hủy bỏ, tương tự dự án xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, nhờ cả nước kêu la mới chịu ngưng. Cái tai hại cho quê hương là quyền hành trong tay những người “dám nghĩ dám làm”, để rồi không biết đến bao giờ mới sửa hết sai lầm.
source
Vien Dong Daily

Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam, Nha Trang: 32 căn nhà sập


Chủ Nhật, 31/10/2010, 14:59 (GMT+7)

Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam, Nha Trang: 32 căn nhà sập

>> Nha Trang ngập nước, Phú Yên nỗ lực "cứu" đường sắt

TTO - Theo thống kê của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang có 32 căn nhà bị sập, trong đó phường Vĩnh Phước bị sập 26 căn, phường Vĩnh Nguyên bị sập 6 căn.

Toàn tỉnh di dời gần 100 hộ dân, trong đó TP Nha Trang di dời 62 hộ (263 nhân khẩu), thị xã Cam Ranh di dời 5 hộ (13 nhân khẩu), huyện Cam Lâm di dời 3 hộ (14 nhân khẩu), huyện Khánh Vĩnh di dời 25 hộ...

Cứu hộ dân tại khu vực phường Ngọc Hiệp giáp Phương Sài - Ảnh: Văn Kỳ

Tại phường Phước Hải và xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang), hàng trăm ngôi nhà bị ngập trong nước. Lực lượng CSGT TP. Nha Trang, CA cùng Dân quân, Tổ trưởng dân phố, Ban bảo vệ dân phố phường Phước Hải và xã Vĩnh Thái, Quân khu 5 đã được huy động để cứu dân ra khỏi vùng ngập nước.

Ông Nguyễn Văn Danh - Phó Chủ tịch UBND, trưởng ban phòng chống lụt bão TP. Nha Trang cho biết: “Nước lên cao nhưng chưa phức tạp như mọi năm. Từ hôm qua chủ yếu tập trung lực lượng ghe thuyền của nhân dân địa phương để cứu người dân. Đến sáng hay đã huy động thêm ca nô của lực lượng TNXK để hỗ trợ công tác và đã đưa được hàng trăm người dân ra khỏi vùng ngập nước”.

Anh Nguyễn Hiểu Ngọc (người dân được cứu) cho biết: “Tại khu vực Vườn Xoài nước ngập sâu hơn 1,5m và chảy xiết rất nguy hiểm”.

Theo tổng hợp đến 16g ngày 31-10 của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, do mưa lớn nhiều ngày nay, trên tỉnh lộ 8 - tuyến đường duy nhất nối với huyện miền núi Khánh Sơn, xuất hiện nhiều đoạn bị ngập sâu cả mét.

Nước chảy xiết hung dữ qua các đập tràn. Huyện Khánh Sơn đang rơi vào thế bị cô lập. Để tránh tai nạn đáng tiếc, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo lập các điểm chốt tại các điểm nguy hiểm, nghiêm cấm người và các phương tiện giao thông qua lại.

Trong ngày 31-10, Khánh Hòa tiếp tục có mưa lớn. Ba hồ thủy lợi: Am Chúa, Láng Nhớt và Suối Dầu buộc phải xả lũ, góp phần làm nước trên các sông tại Khánh Hòa càng dâng nhanh, đã vượt mức báo động 3. Toàn tỉnh đã di dời 62 hộ/263 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tại Nha Trang, đã có 2 tàu đánh cá của ngư dân đậu ở cửa sông Cái bị lũ cuốn bứt neo, trôi ra biển. Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã ra thông báo lũ khẩn cấp trên các sông trên địa bàn, thông báo tình hình xã lũ tại các hồ thủy lợi để các địa phương liên quan chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Đường 23-10 ngập sâu trong nước khiến giao thông ách tắc hai ngày nay - Ảnh: Văn Kỳ

Xe cứu hộ cũng bị chết máy - Ảnh: Văn Kỳ

Nước dâng cao làm ngập nhiều nhà và tuyến đường tại phường Phước Hải và xã Vĩnh Thái - Ảnh: Châu Tường

Lực lượng cứu hộ đưa người dân ra khỏi vùng ngập bằng ca nô - Ảnh: Châu Tường

Bồng bế em bé ra khỏi vùng ngập - Ảnh: Châu Tường

VĂN KỲ - CHÂU TƯỜNG- VÕ VĂN TẠO

Phú Yên: Đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến

Ông Bùi Minh Chính, phó giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh cho biết, lúc 13g30 hôm nay, 31-10, đường sắt Bắc - Nam đã thống nhất sau khi lực lượng cứu hộ đã khắc phục xong sự cố sạt lở tại km 1230+470 sớm hơn dự kiến.

Như vậy là sau hơn 21 giờ rưỡi bị ách tắc, khiến hơn 1.200 hành khách từ Nam ra Bắc và ngược lại phải nằm ở các ga thuộc hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đường sắt Bắc - Nam đã hoạt động trở lại. Đoàn tàu chạy đầu tiên qua điểm bị sạt lở là tàu TN2 từ TP.HCM đi Hà Nội, xuất phát tại ga Đại Lãnh (Khánh Hòa) lúc 13g55 hôm nay.

* Nước lũ chia cắt nhiều vùng ở Phú Yên: Trên địa bàn Phú Yên, suốt đêm 30 và sáng 31-10, trời tiếp tục có mưa to khiến nước các sông lên nhanh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, mực nước sông Bánh Lái qua huyện Tây Hòa trưa nay đã vượt mức báo động cấp ba. Nước lũ đã cô lập và gây ngập nhiều khu dân cư ở các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Đồng…

Sáng nay, lực lượng chức năng đã sơ tán hơn 500 hộ tại các địa phương này lên các vùng cao tránh lũ. Lũ cũng đã chia cắt nhiều vùng trũng của Phú Yên.

DUY THANH

* Lật ghe, một nguời bị lũ cuốn: Đến 11 giờ ngày 31-10, lực lượng cứu hộ của Cơ quan Quân sự huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã tìm thấy xác của ông Phạm Đình Cư (53 tuổi, ngụ thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) bị nạn trước đó. Trưa 30-10, ông Cư cùng con trai chèo ghe lùa trâu ở khu vực cầu Đoàn Kết, nơi đang bị lũ gây ngập, thì bị lật ghe. Con trai ông Cư được người dân cứu kịp thời, còn ông mất tích.

NGÂN SƠN

Lũ lụt gây thiệt hại nặng ở Ninh Thuận

Mưa lớn liên tục trong 2 ngày 30 và 31-10, với lượng mưa lên đến xấp xỉ 300mm trên diện rộng đã gây lũ lụt, làm thiệt hại nặng khắp các địa phương Ninh Thuận. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, lũ từ thượng nguồn ào ạt đổ về làm nước trên các sông Cái, sông Lu vượt báo động 3.

Gần 1000 hộ dân được di dời khẩn cấp

Từ rạng sáng nay 31-10, trên tuyến quốc lộ 27, nước lũ tràn qua đường dữ dội ở khu vực đèo Cậu - giáp ranh 2 xã Nhơn Sơn và Mỹ Sơn (Ninh Sơn) - đã chia cắt giao thông hoàn toàn vùng này.

500 nhà dân các vùng trũng ở huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải… và trên 1.000 ha lúa, hoa màu bị ngập sâu trong nước 0,5 - hơn 1m, hàng chục đường liên thôn, liên xã bị nước lũ tràn mạnh, trong đó hơn 2km bị sạt lở nặng; gần 100ha đìa tôm bị san bằng.

Hàng trăm nhà dân, hàng ngàn ha lúa hoa màu, đìa tôm bị ngập sâu trong nước

Trước tình hình lũ lên nhanh, từ rạng sáng 31-10, UBND các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam đã huy động các lực lượng cứu hộ di dời khẩn cấp 958 hộ dân (trên 3.800 khẩu) ra khỏi vùng lũ, đến nơi an toàn. Trong khi đó, các lực lượng chức năng từ đêm 30-10 đã túc trực tại các điểm xung yếu trên các tuyến quốc lộ 1A, 27, tỉnh lộ 703, 702 để điều tiết giao thông và sẵn sàng cứu hộ khi có sự cố xấu xảy ra.

Tuyến quốc lộ 27 từ Ninh Thuận đi Lâm Đồng bị nước lũ chia cắt, gây ách tắc giao thông

Trong khi đó, lực lượng cứu hộ tại chỗ dùng ca nô đưa người dân khu vực ngập nặng ra khỏi vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của ngành NN-PTNT tỉnh, đến chiều nay, mưa càng dữ dội hơn, nhiều hồ thủy lợi trong tỉnh đã vượt dung tích cho phép, buộc cơ quan chức năng phải xả lũ. Cụ thể: hồ Sông Sắt (Bác Ái) 66,96 triệu m3 (xả lũ 2 cửa); Tân Giang (Ninh Phước) 13,73 triệu m3 (xả lũ 3 cửa); Nước Ngọt (Ninh Hải): 1,89 triệu m3 (xả lũ 3 cửa). Các hồ còn lại như Sông Trâu, CK7, Bàu Ngứ, Ma Trai, Ba Chi, Thành Sơn, Suối Lớn, nước đã xấp xỉ ngưỡng cho phép.

L.TRƯỜNG

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/408511/Thong-tuyen-duong-sat-Bac---Nam-Nha-Trang-32-can-nha-sap.html

Saturday 16 October 2010

Hình ảnh lũ “siêu tốc” tại miền Trung


Hình ảnh lũ “siêu tốc” tại miền Trung
,

– Chỉ trong một đêm, nước lớn lên nhanh đã khiến người dân trở tay không kịp và bất lực trước cơn đại hồng thủy. Đỉnh lũ ở sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đã vượt lũ lịch sử năm 2007 khoảng 0,43m và vẫn tiếp tục dâng cao. Cũng tại con sông này, nước lũ đã vượt quá báo động 3 tới 3,06m.

“Siêu lũ” đang hoành hành

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa trong hai ngày qua tại các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình phổ biến từ 150-300mm, có những nơi trên 600mm như tại Vinh (Nghệ An): 627mm, Chu Lễ (Hà Tĩnh): 754mm, Hòa Duyệt (Hà Tĩnh): 628mm, Hà Tĩnh: 764mm, Tân Mỹ (Quảng Bình): 583mm.

Mô tả ảnh.

Lũ lớn nhấn chìm cả Hương Khê, Hà Tĩnh (Ảnh: DTrí)

Lũ trên các sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh đang lên, các sông ở Quảng Bình xuống chậm, riêng các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đang ở mức cao. Trên sông Ngàn Sâu đã xảy ra lũ đặc biệt lớn, tại Chu Lễ đã đạt đỉnh là 16,56m (lúc 19h/16/10), trên BĐ3: 3,06m, vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,43m, sau đó lên lại và đang ở mức cao.

Tính tới 4g sáng ngày 17/10, mực nước Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 16,49m, trên BĐ3: 2,99m (vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,36m); Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt: 12,37m (24h/16/10), trên BĐ3: 1,87m; Sông Gianh tại Mai Hóa (Quảng Bình): 7,10m, trên BĐ3: 0,6m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Quảng Bình): 3,14m, trên BĐ3: 0,44m.

Trong khi đó, bản tin dự báo lúc 5h chiều ngày hôm qua (16/10) cho thấy: Mực nước sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 16,7m, trên BĐ3: 3,2m (vượt lũ lịch sử năm 2007: 0,57m); Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt ở mức 12,8m, trên BĐ3: 2,3m (tương đương lũ lịch sử năm 1960); Sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 5,5m, trên BĐ2: 0,5m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức 2,7 m, ở mức BĐ3.

Như vậy, chỉ trong vòng 12 tiếng, nước lũ đã dâng cao ít nhất khoảng gần nửa mét, cá biệt có nơi như sông Gianh tại Mai Hóa (Quảng Bình), trong vòng 12 tiếng, nước lũ dâng cao 1,6m!

Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo tình hình này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi nước lũ sẽ tiếp tục lên, mưa vẫn chưa dứt.

Thủ tướng chỉ đạo: Khẩn cấp sơ tán dân

Trước diễn biến xấu của thời tiết, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tập trung chỉ đạo huy động mọi lực lượng, phương tiện sơ tán dân ở ven sông, những vùng bị ngập sâu, hoặc có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn; hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực sơ tán, vùng bị ngập sâu, chia cắt, không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, rét; kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước.

Mô tả ảnh.

Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo lương thực, nước uống cho người dân (Ảnh: DTrí)


Các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng, lương thực, thực phẩm chủ động đối phó với mưa, lũ lớn có thể xảy ra.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương thực hiện việc sơ tán, cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương chỉ đạo việc kiểm tra, vận hành hồ Kẻ Gỗ và các hồ chứa thủy lợi, công trình đê điều đảm bảo an toàn; sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.

Theo báo Tuổi trẻ, hiện có khoảng 100.000 dân Hà Tĩnh bị cô lập trong lũ. Lũ đã cuốn trôi 2 người dân ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tại Quảng Trị, lũ cũng đã cuốn trôi 1 người trên đất Lào. Hiện vẫn chưa tìm được thi thể của những người này.

Chùm ảnh về trận lũ đặc biệt lớn được tổng hợp từ các nguồn khác nhau:

Mô tả ảnh.

Nhà của người dân ở Hương Khê (Hà Tĩnh) ngập quá nửa - (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Mô tả ảnh.

Giao thông đường sắt tê liệt (Ảnh: DT)

Mô tả ảnh.

Nước trắng xóa mênh mông, không phân biệt được đường đi lối lại, phương tiện đi lại duy nhất là thuyền (Ảnh: DT)

Mô tả ảnh.

Lũ ồ ạt tấn công Quảng Bình (Ảnh: bee.net.vn)

Mô tả ảnh.

Đưa tài sản đi tránh lũ (Ảnh: Bee.net.vn)

Mô tả ảnh.

Sức người không thắng nổi sức thiên nhiên (Ảnh: Danviet)

· Ngọc Anh

Saturday 2 October 2010

TƯỞNG NHỚ ÔNG THOẠI-NGỌC-HẦU (1762-1829), MỘT CÔNG THẦN KHAI QUỐC DƯỚI TRIỀU NGUYỄN



TƯỞNG NHỚ ÔNG THOẠI-NGỌC-HẦU (1762-1829), MỘT CÔNG THẦN KHAI QUỐC DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨ
(Trích dẫn tác phẩm Tìm Hiểu Các Danh Nhân của Nguyễn-Phú Thứ)
Để biết tìm hiểu thêm sơ lược tiểu-sử và thân-thế sự-nghiệp Ông Thoại-Ngọc-Hầu, xin trích dẫn như sau :
Được biết, Ông Nguyễn-Văn-Thoại, sanh năm Tân Tỵ 1761 tại huyện Diên Phước, Tỉnh Quảng Nam, rồi theo gia-đình lánh nạn vào Nam-Kỳ ở cù lao Dài trên sông Cổ Chiên, thuộc Tiền Giang ngày nay. Ông có hai con trai là : Ông Nguyễn-Văn-Lâm con của bà Châu-Thị-Tế (vợ chánh) và Ông Nguyễn-Văn-Minh con của bà Trương-Thị-Miệt (vợ thứ). Ông là công thần của Thánh-Tổ Nguyễn-Phúc-Đảm (1820-1840) tức vua Minh-Mạng, được phong chức Hầu, nên từ đó Ông mang tên Thoại-Ngọc-Hầu. Khoảng đầu thế kỷ 19 Ông được triều đình tiến cử đi trấn nhậm ở vùng Vĩnh-Thanh sau trở thành An-Giang đạo có người nói hạt An-Giang (nơi này tương đương một quân khu). Vùng Vĩnh-Thanh rộng lớn bao gồm các Tỉnh : Long-Hồ (Vĩnh-Long), Trà-Vang (từ Trà-Vinh đến Bến-Tre), Ba-Thắc (từ Sóc-Trăng đến Bạc-Liêu), Tâm-Phong (từ Châu-Đốc đến Sa-Đéc), Trấn Giang (Cần-Thơ). Phía Nam đã có dân cư, đất không bị ảnh hưởng ngập lụt hằng năm, bởi vì có các con kinh thoát nước ra sông Cửu Long. Riêng phía Bắc, dân cư thưa thớt, khó sanh sống, chỉ trừ Sa-Đéc và Tân-Châu (Châu-Đốc) vì hằng năm bị ngập lụt. Do vậy, nhà vua nghĩ đến việc đào kinh, để giao thông thủy lợi quan trọng từ Châu-Đốc đến Hà Tiên và chính con kinh này để phòng thủ biên giới Việt-Miên rất tốt, từ đó Ông Thoại-Ngọc Hầu phải đứng ra đôn đốc việc đào kinh từ năm 1819 thật gian nan, bởi vì nơi này còn rừng rậm, lau sậy sầm uất, nhiều thú dữ, nên phải huy động trên 80.000 nhân công và hoàn thành năm 1824. Sau đó, lấy tên phu nhân của Ông Thoại-Ngọc Hầu là Bà Châu-Thị-Tế ? (hoặc là Bà Châu-Thị-Vĩnh-Tế không biết hư thực như thế nào ?) để đặt cho con kinh, bởi vì bà thuộc dòng họ Châu-Vĩnh, Bà là con của Ông Châu Vĩnh-Huy, cho nên mới có tên con kinh là Vĩnh-Tế. Đây là một kỳ công của tiền nhân lúc bấy giờ, với dụng cụ thô sơ, chỉ dùng sức người để đào được con kinh dài 97 cây số và có bề rộng 50 thước. Kinh Vĩnh-Tế đào đến đâu, Ông Thoại-Ngọc-Hầu cho lập thành làng để dân chúng định cư tới đó sanh sống thật dễ dãi, nhờ hai bên bờ kinh cao, nên việc cất nhà không bị ngập lụt sâu, làm ruộng rất thuận lợi, vì nước phèn rút hết, rất trúng mùa và đường giao thông thuận tiện, cho nên xóm làng mọc lên như : Làng Vĩnh Tế gọi Vĩnh-Tế thôn, từ đó khoảng từ Châu-Đốc đến vùng Thất-Sơn (7 núi là: Bà Đội Ôm, Dài, Cấm, Cô Tô, Két, Phụng Hoàng và Voi), ruộng đất được khai khẩn thêm; Làng Thới-An (Ô-Môn); Làng Thới-Thuận; Tân Thuận-Đông (Vùng Thốt Nốt); Làng Bình-Đức (Long-Xuyên), Làng Phú-Mỹ, Bình-Mỹ; Làng Châu-Phú; Định-Thành, Định- Phước thuộc huyện Tây-Xuyên (có nghĩa là là bờ phía Tây của Sông Hậu-Giang) dần dần thành hình để nhà vua cho lập ra hạt An-Giang.
Vào năm 1818 Ông Thoại-Ngọc-Hầu còn cho đào con kinh Thoại Hà, từ Núi Sập thuộc huyện Thoại-Sơn đến Hà-Tiên (Rạch-Giá) có chiều dài hơn 30 cây số và có chiều rộng 50 thước, nghe nói con kinh này khởi đào trước kinh Vĩnh-Tế? Ngoài ra, Ông Thoại-Ngọc-Hầu còn cho đắp nhiều con lộ, ngày nay hầu hết đã mất dấu, chỉ còn con đường nối liền Châu-Đốc với Núi Sam được xây dựng trong 2 năm 1826-1827, được đặt tên là "Tân lộ Kiều Lương" đã tu sửa để sử-dụng đến ngày nay.
Được biết, Ông Thoại-Ngọc-Hầu mất năm 1829, thọ 68 tuổi, là người có công tạo dựng đời sống người, xem như một vị khai quốc công thần của triều đình, vì thế nhà vua cho xây lăng, dựng miếu để thờ phụng, ngày đêm hương khói nghi ngút tại núi Sam (Châu-Đốc), người dân nhớ ơn Ông nên gọi tên Ông là Bảo-Hộ-Thoại, đồng thời đặt tên đường trong thị xã Châu-Đốc và tại thành phố Long-Xuyên lấy tên Ông đặt tên trường Trung-Học Thoại-Ngọc-Hầu để tưởng nhớ đến Ông.
Nếu du khách có dịp đi thăm Long-Xuyên, nên thưởng thức một bữa cơm với Canh Chua cá BÔNG LAU với cá RÔ Kho Tộ béo ngậy và có thì giờ nên ăn thêm mắm kho với rau thật ngon tuyệt, vì hương vị đậm đà độc đáo quê-hương mình. Đó là thức ăn danh tiếng ở Long Xuyên đã được Ông Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu viết khen tặng trong bài "Thú Ăn Chơi " của Ông, xin trích dẫn như sau :
"Thú ăn chơi cũng gọi rằng,
Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian,
Hà tươi cửa bể Tu-Ran,
LONG-XUYÊN chén Mắm,
NGH-AN chén Cà."
Đến Châu-Đốc chúng ta hồi tưởng lại những câu ca-dao dân gian Miền Nam, xin trích dẫn như sau :
"Đèn nào cao bằng đèn Châu-Đốc,
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang..."
Bởi vì, Châu-Đốc có những ngọn núi cao nhứt miền Tây, để du khách chuẩn bị có sức leo núi, xin mời du khách nên thưởng thức mắm cá Lốc thái, mắm cá Trèn là đặc-sản có tiếng ngon đáo để, ăn quên thôi. Rồi bắt đầu đi thăm trường trung-học Thủ-Khoa-Nghĩa, Bồ Đề Đạo Tràng ngay trong thị xã, kế đến đi thăm lăng mộ Ông Thoại-Ngọc-Hầu và thắng cảnh núi Sam, chưa đày 6 cây số, khi đến đầu núi này chúng ta sẽ gặp ChùaTây-An cùng lăng mộ Ông Thoại-Ngọc-Hầu ở phía bên trái và Chúa-Xứ Thánh Miếu ở bên mặt. Trước hết, chúng ta thăm viếng và tìm hiểu Chúa Xứ Thánh Miếu, miếu này được kiến trúc theo lối Đông Phương cổ kính, có cổng rất đẹp như sau :
và có mái cong lợp ngói xanh, tường cẩn gạch tráng men, các cánh cửa bằng danh mộc được chạm trổ công phu, lại có hai con sư tử bằng đá với thế ngồi canh giữ thật uy nghi.
Được biết, miếu Bà được trùng tu lại vào năm 1973, do kiến trúc sư Huỳnh -Kim -Mãng thiết kế, bởi vì theo tài liệu khoảng năm 1825 đã cất miếu bằng tre, mái lợp bằng lá đơn sơ, kế đến khoảng năm 1870 được xây dựng bằng đá miểng, mái lợp ngói. Ngôi Miếu hiện nay hoàn toàn mới, chỉ còn lại vách đá ở sau lưng tượng Bà là cũ. Người ta kể lại rằng: Cách đây khoảng 200 năm, có một toán người gặp tượng Bà trên đỉnh núi Sam, rồi dân làng tìm cách đem về để thờ, nhưng bao nhiêu người khiêng cũng không nổi. Có một người tức giận đập phá tượng Bà, làm gãy cánh tay trái, thì bị Bà trừng phạt hộc máu chết tại chỗ. Mọi người lúc đó hoảng sợ bỏ chạy, một thời gian khá lâu sau, Bà đạp đồng về kêu dân làng đem xuống núi thờ Bà, vì có lòng tín ngưỡng, cả trăm dân làng tụ tập để khiêng tượng Bà, nhưng không cách nào lay chuyển được, trong lúc bối rối, Bà lại đạp đồng cho biết phải chọn 9 cô gái đồng trinh lên khiêng, Bà mới chịu xuống núi. Quả thật vậy, chỉ 9 cô gái đồng trinh lên khiêng Bà dễ dàng, khi khiêng đến nơi làm miếu Bà hiện nay, thì tự nhiên nặng trịch, không sao nhấc nổi nữa. Vì vậy, dân làng nghĩ rằng Bà muốn ở tại nơi đây, nên lập miếu để thờ Bà nhằm ngày 25 tháng 4 âm lịch, từ đó hằng năm dân làng lấy ngày đó làm ngày lễ vía Bà. Dân chúng càng ngày càng tin tưởng vào sự thiêng liêng và đồn rằng ai xúc phạm đến Bà sẽ bị bẻ cổ hoặc cho hộc máu mà chết và có một tin đồn rằng: Hồi đó, không biết thời gian nào có một người ăn trộm trồng chuối ngược vào ăn cắp nữ trang của Bà, Bà bẻ cổ không được? hay là lời đồn phóng đại này nhằm tăng thêm sự linh thiêng của Bà chăng? Bởi vì, các bô lão ở đây, không thấy người nào bị Bà bẻ cổ bao giờ. Còn việc khiêng tượng Bà từ trên đỉnh núi Sam xuống, có người lại nói 50 thanh niên lên khiêng Bà không nổi, nhưng 50 cô gái mới khiêng bà xuống núi được? Không biết hư thực như thế nào? Xin quý bậc cao minh ở đây phân giải đâu là sự thật? Có một truyền thuyết nữa, nói rằng : Trong thời gian Ông Thoại-Ngọc-Hầu đào kinh Vĩnh-Tế, nơi này còn rừng hoang lại có thú dữ thường ăn thịt nhân công và phong thổ khắc-nghiệt làm chết người. Vì vậy, phu nhân Ông là Bà Châu-Thị-Tế ở nhà, đêm đêm vọng bàn hương án cầu Trời khấn Phật, để xin cho công việc đào kinh được hoàn thành, sẽ thành lập một miếu để cúng cô hồn tử sĩ, các nhân công chết vì đào kinh. Sau đó, Ông nghe trên núi có một tượng Bà, nên sai binh lính đi rước tượng Bà vào ngày 25 tháng 4 âm lịch về thờ cho có phần linh thiêng. Đó là, một trong những truyền thuyết trong dân gian, đã trích dẫn không biết đâu là sự thật đúng sai?
Tuy nhiên, ngày nay hằng năm vào ngày 25 tháng 4 âm-lịch, dân chúng khắp nơi về để làm lễ vía Bà thật đông, làm nghẹt cả lối đi từ Châu Đốc đến núi Sam, có khi phải lội bộ xuống ruộng mà đi, nói là đi lễ vía Bà, nhưng nhân dịp này du khách đi du lịch để thăm viếng vui chơi luôn. Thông thường, đêm lễ vía Bà, Ban tế-tự người ta làm lễ túc yết và xây chầu được tóm lược như sau : Người điều khiển cuộc lễ này do Ông Cả và Ông Chánh Bái trong làng thực hiện, khởi đầu dâng Heo sống lên Bà, nhưng chỉ tượng trưng bằng cách lấy ít huyết (máu) heo và lấy mao (lông) heo để chung một cái dĩa để cúng nơi chánh điện thờ Bà (mỗi năm nhân dịp vía Bà, ban tế tự thường thay áo mão mới có thêu rồng phụng màu đỏ sặc sở), rồi làm lễ đốt nhang (bái hương), dâng rượu, đọc điếu văn và dâng trà tức 4 lễ. Kế đến, mới làm lễ xây chầu để đoàn hát bộ bắt đầu hát loại tuồng cổ tích nào ban tế-tự đặt. Còn con heo đã bị cắt huyết, cắt lông vừa rồi, làm thịt nó để thết đãi cho những người có chức việc trong lễ vía Bà...
Trở lại tượng Bà ở núi Sam, theo tài liệu được biết năm 1938, Ông Louis Mallerer (Maleret?) nhà khảo cổ người Pháp đến thăm viếng miếu Bà, Ông là người đã từng làm việc nhiều ngày trong các viện bảo tàng, cho nên Ông đã quan sát kỹ pho tượng Bà, từ chất liệu cấu tạo, phương pháp tạc tượng cho đến thế ngồi, để rồi Ông phân tách và nghiên cứu bằng những phương pháp so sánh, cuối cùng Ông kết luận rằng : Pho tượng này được trước tác vào thời trung cổ hoặc cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII, mang tánh chất tượng thần XIVA hay VISNU với nét mặt khôi ngô, mái tóc dợn sóng, tư thế thanh thản, thường thấy ở Cao-Miên, Ấn Độ ...
Vậy tại sao tượng Bà lại ở trên đỉnh núi Sam? Theo truyền thuyết nói rằng : Có một hoàng-tử Ấn Độ cùng đoàn tùy tùng đã dùng thuyền đi phương Nam để tìm đất lập quốc, cùng lúc ấy lại có một đoàn tăng lữ đạo Bà La Môn mang theo pho tượng để truyền bá đạo, khi đến phương Nam hoàng tử kết duyên cùng nữ chúa Liu Yi và lập nên vương quốc Phù Nam, đồng thời cùng đoàn tăng lữ Bà La Môn đã đặt pho tượng lên hòn Sam mới nhô lên trên mặt biển lúc bấy giờ, để rồi thời gian biến đổi nước biển lui dần, hòn Sam trở thành núi Sam xuất hiện trên đất liền, cho nên pho tượng dân làng tìm thấy ở đỉnh núi Sam là tượng Bà ngày nay tôn thờ ở núi Sam là như thế? Đó là một trong những truyền thuyết, khó ai biết rõ đâu là sự thật này?
Rời Chúa Xứ Thánh Miếu, du khách bước qua bên trái đường để thăm chùa Tây An và lăng mộ Ông Thoại-Ngọc-Hầu.
Được biết ngôi chùa Tây An này là một trong những thắng cảnh đẹp nhứt núi Sam, có lối kiến trúc đặc biệt và nguy nga của Ấn Độ, gồm ba ngôi lầu, chánh giữa để thờ Phật, hai bên là lầu chuông và lầu trống. Từ ngoài bước lên bậc thềm cửa chánh, thấy ngay tượng Phật Quan Âm Thị-Kính đang bồng đứa bé, trong sân chùa có hai con Voi đứng tạc bằng xi măng, con Voi trắng có 6 ngà, con Voi đen có 2 ngà ...
Trong chùa có thờ rất nhiều tượng các vị như : Phật, Tiên, Thánh, Kim Cang, La Hán, Tam Hoàng, Ngũ Đế ...Ngoài ra, còn thấy tượng của hoà-thượng Thích-Bửu-Thọ tức Ông Nguyễn-Thế-Mật, vị sư trụ trì thứ bảy, cũng là người có công trùng tu ngôi chùa Tây-An này rất nhiều. Được biết ngôi chùa này do Ông Tổng-Đốc An-Giang là Ông Doãn-Uẩn thời Thiệu-Trị xây dựng năm 1847 và đặt tên là Tây-An, bởi vì, Ông Doãn-Uẩn lấy chữ đầu của hai huyện Tây Xuyên và An-Xuyên thuộc tỉnh An-Giang ngày xưa ghép lại. Năm 1861 Hòa Thượng Thích Nhất Thừa trùng tu lần thứ nhứt và đến năm 1958, Hoà-Thượng Thích-Thế-Mật tu bổ và xây dựng thêm 3 ngôi tháp lầu. Đặc biệt, ngôi chùa này có Phật Thầy tức Ông Đoàn-Minh-Huyên, pháp danh Pháp Tạng, sanh năm 1807 Đinh Mão, quê quán tại làng Tòng Sơn, thuộc trấn Vĩnh-Thanh ngày xưa, nay thuộc Tỉnh Đồng Tháp về tu, được biết trong thời gian ở đây, Ngài lập nhiều trại ruộng nhằm khai khẩn đất hoang để sản xuất cùng làm căn cứ chiến đấu khi cần. Ngoài ra, Ngài có sai Đức Cố Quản Trần-Văn-Thành đem 4 cây dầu đến làng Long-Kiến (An-Giang) trồng phía trước và phía sau ngôi chùa và đặt tên cho chùa là Tây An Cổ Tự, còn chùa ở núi Sam là Tây An Tự như ngày nay chúng ta đã thấy, cho nên sau này các phật tử gọi là Đức Phật-Thầy Tây-An. Theo bi ky trước mộ ở sau chùa Tây An, Ngài mất ngày 12 tháng 8 năm 1856 Bính Thìn, thọ 50 tuổi. Trước khi mất, Ngài đã biết trước nên có căn dặn các đệ tử sau khi chôn xác, không được đắp nắm mộ, bởi vì ngài là một chí sĩ yêu nước, có tư tưởng chống giặc Pháp, điển hình có đệ tử là : Ông Trần-Văn-Thành tức Cố Quản Thành (*) đã tiếp nối chống giặc ngoại xâm, cho nên sợ giặc Pháp phá nát ngôi mộ của Ngài. Ngày nay, du khách ra phía sau chùa sẽ thấy ngôi mộ Đức Phật Thầy Tân An và bảo tháp các vị trụ trì nằm trong một vuông đất cao có cây vòng rào và cổng vào rất đẹp.
(*) Để biết thêm Đức Cố Quản Trần-Văn-Thành hoạt-động ở Châu - Đốc xin trích dẫn như sau : Ông Trần-Văn-Thành làm Chánh Quản Cơ dưới triều vua Thiệu -Trị vàTự Đức. Bởi có công nghiệp lớn với đạo và đời, hơn nữa Ông và con của Ông là Trần -Văn-Nhu và cháu nội là Ông Trần-Quang-Nhơn là những bậc đạo hạnh cao siêu, ân nhuần thiện tín, nên người đời sau kính trọng Ông và thường gọi Ông là Đức Cố-Quản. Sau khi quân Pháp chiếm ba tỉnh Miền Đông là : Biên-Hòa, Gia-Định và Định-Tường, triều đình Huế phải ký hòa-ước, các sĩ phu và dân chúng Miền Tây (Nam Kỳ) đứng lên chống giặc Pháp. Kế đến, khi giặc Pháp cưỡng chiếm thành An-Giang, thì Ông Trần-Văn-Thành không hàng giặc, rút quân về Láng Linh, rồi mộ thêm nghĩa sĩ, luyện tập và rèn thương đao ... ra mặt để chống lại. Mặt khác, Ông tìm cách liên lạc với Ông Cố Quản Trương-Công-Định ở Miền Đông, Ông Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Muời ... để liên kết chống giặc Pháp, nhưng bất thành vì các lực lượng nghĩa sĩ lần lần bị tan rã: Ông Trương-Công-Định tử trận ở Kiến Phước, ngày 20-8-1864, năm 1864 Ông Thủ-Khoa-Huân bị đày 10 năm khổ sai ra đảo Réunion, Ông Thiên Hộ-Dương bị đại bại sau trận tấn công mãnh liệt của Pháp vào tháng 4 năm 1866, Ông Nguyễn-Trung-Trực bị hành hình tại Rạch-Giá vào ngày 27-10-1868. Do vậy, Ông Trần-Văn-Thành dù có tấn công Pháp mấy trận ở Chắc Cà Đao (Long-Xuyên), nhưng lần hồi kém thế, nên Ông phải bắt buộc phân tán nghĩa sĩ quanh vùng Láng Linh ẩn náo trong túp lều tranh với vài đệ tử, ngoài mặt tu hành để chờ thời cơ thuận tiện. Mãi đến năm 1873, Ông vẩn một lòng một dạ chống giặc Pháp, bằng chứng ở Hang-Tra(*) ... không chấp nhận thơ dụ hàng của Pháp do tên Thông mang đến và còn khẳng khái nói rằng : Tôi thề cùng quân sĩ bỏ xác nơi rừng này chớ không thèm ra làm quan cho Tây đâu! Ông hãy mau về nói lại với bọn nó như vậy". Sáng sớm ngày 19 tháng 3 năm 1873, quân Pháp do sự hướng dẫn của Đốc Phủ Trần Bá Lộc kéo đến hành dinh Hưng Trung công phá. Đến trưa có tin đồn kho chứa lương thực bị thất thủ và binh Gia Nghị tổn thất nặng nề. Riêng Ông Trần-Văn-Thành, theo các tín đồ và nghĩa sĩ nói Ông mất tích, còn phía giặc Pháp nói Ông bi giết tại trận tiền cùng với Cai Vàng. Nghĩa sĩ tan vở, chiến khu Bảy Thưa bị quân Pháp phá tan và từ đó không ai thấy Ông Cố Quản Trần-Văn-Thành ở đâu nữa.
(*) Được biết trận đánh với Pháp vào ngày 20 tháng hai năm 1873 Quý Dậu, ở địa danh Hang-Tra, thuộc ấp Bình Phú (Cồn nhỏ), làng Bình Thuận Đông, Tổng An Lương, Quận Châu Phú Hạ, Tỉnh Châu-Đốc nay là ấp Bình Phú, Xã Bình-Hòa (Mặc Cần Dưng), Quận Châu-Thành, Tỉnh An-Giang. Để nhớ công ơn Ông, nơi đây có thành lập một ngôi trường trung-học mang tên Quản Cơ Thành.
Sau khi thăm Chùa Tây An xong, du khách đi tiếp tới lần lượt sẽ thấy Lăng Mộ Ông Bà Thoại-Ngọc-Hầu. Đây là một lăng mộ cổ, xây bằng đá ông phải mua từ Biên Hòa về, do chính Ông Thoại-Ngọc-Hầu chỉ huy xây, bởi vì chúng ta nhìn toàn bộ lăng mộ thấy các phần mộ như sau: Bà Trương-Thị-Miệt, vợ thứ của Ông mất năm Tân Tỵ 1821 nằm bên trái phần mộ Ông, còn Bà Châu-Thị-Tế, vợ chánh của Ông mất năm Bính-Tuất 1826 nằm bên phải phần mộ Ông và Ông mất năm Kỷ Sửu 1829 (tức sau 3 năm). Do vậy, Ông đã chọn trước cho mình một phần mộ nằm ở giữa hai bà vợ. Ngoài ra, khoảng trên 80 ngôi mộ nằm xung quanh lăng mộ của Ông Bà Thoại-Ngọc-Hầu có hình khác nhau như: bầu dục, voi phục, trái đào ... là những binh lính hoặc những nhân công đào kinh Vĩnh Tế chết mang về đây chôn để hầu cận Ông.
Toàn lăng mộ chúng ta thấy một công trình kiến tạo độc đáo hài hoà, nhìn ngắm từ xa chúng ta thấy cái uy nghi, hùng vỉ rất tôn nghiêm và cổ kính của một lăng mộ đáng được tôn vinh Ông Thoại-Ngọc-Hầu.
Khi bước vào đền thờ Ông Thoại-Ngọc-Hầu, chúng ta thấy ở chính giữa và trên cao hết là thờ bài vị Ông Thoại-Ngọc-Hầu. Xung quanh còn bàn thờ chánh, còn có nhiều bàn thờ khác với các bộ lư bằng đồng, các bình chưn hương khói lên nghi ngút để thờ những quan chức dưới quyền Ông, kế đến cái tủ đựng áo mão can đai của Ông Thoại-Ngọc-Hầu...
Đó là, tổng quát về lăng mộ của một vị khai quốc công thần triều Nguyễn của Ông Thoại-Ngọc-Hầu đáng được tôn vinh và kính trọng.
source
HaiVan News