Friday 18 June 2010

Giáo sư Trần Văn Thọ: Đường sắt cao tốc- Việt Nam ngày nay và Nhật Bản 50 năm trước


Cập nhật lúc: 6/10/2010 12:01:48 AM


Trước khi xây dựng Shinkansen, Nhật đã có một quá trình lâu dài về kinh nghiệm xây dựng đường sắt, và hệ thống đường sắt hiện đại đã trải ra khắp nước. Ảnh minh họa.

Dự án đường xe lửa cao tốc Bắc-Nam hiện đang được bàn luận sôi nổi ở trong nước và đang chờ Quốc hội quyết định. Ở hải ngoại cũng có nhiều ý kiến, như TiVi Tuần-san (báo in) trong bài xã luận ngày 2.6.2010 đã cho rằng “Đường cao tốc Bắc-Nam: đi nhanh vỡ nợ nhanh” với kết luận “Đại biểu Quốc hội Việt Nam phần lớn chỉ gật, nhưng hy vọng họ sẽ không ngủ khi bỏ phiếu cho đề án điên khùng này”.

Tại Nhật Bản, Giáo sư Trần Văn Thọ cũng có bài góp ý, đã được đăng trên báo điện tử TuanVietnam.net của trong nước.

TVTS ONLINE cho đăng lại để rộng đường dư luận đối với một dự án có thể làm đất nước bị phá sản.

* * *

Đường sắt cao tốc: Việt Nam ngày nay và Nhật Bản 50 năm trước

GS Trần Văn Thọ từ Nhật Bản góp thêm góc nhìn phân tích những khác biệt quan trọng giữa Việt Nam ngày nay và Nhật Bản 50 năm trước khi xây dựng đường sắt cao tốc Shinkansen.

Trong nước đang sôi nổi bàn luận về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT). Tôi thấy đã có đủ các phân tích, nhìn từ nhiều khía cạnh và đầy sức thuyết phục, để Quốc Hội không đồng ý xây dựng công trình tốn kém và nhiều mạo hiểm nầy.

Tuy nhiên còn vài vị trong chính phủ cho rằng 50 năm trước Nhật đã làm được nên Việt Nam bây giờ hoàn toàn có khả năng và cần xây dựng công trình này, tôi xin góp thêm một ý kiến nhìn từ khía cạnh đó.

Nhật thông qua kế hoạch xây đựng ĐSCT (Shinkansen) năm 1958, khởi công xây dựng năm 1959 và hoàn thành đoạn đường Tokyo-Osaka (630 km) năm 1964.

Lúc đó tàu Shinkansen chạy với vận tốc 200 km/giờ, tàu Hikari đi mất 4 tiếng và tàu Kodama 5 tiếng (tùy theo số nhà ga tàu dừng lại). Tổng kinh phí xây dựng là 380 tỉ yen, chỉ bằng 2,4% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) năm 1960 (GNP là khái niệm gần như GDP).

Nhật vay của Ngân hàng thế giới 80 triệu USD (28,8 tỉ yen theo tỉ giá hồi đó), chỉ bằng 7,6% tổng kinh phí xây Shinkansen, và hoàn trả trong 20 năm (1961-81). Với sức cạnh tranh của hàng công nghiệp đang tăng mạnh mẽ và với số tiền vay quá nhỏ, việc trả nợ không thành vấn đề đáng quan tâm của Nhật thời đó.

Các con số sơ bộ nầy cho thấy sự khác biệt giữa Nhật Bản trước đây và Việt Nam ngày nay về quy mô kinh phí xây dựng ĐSCT (so với độ lớn của nền kinh tế) và về tỉ lệ của tiền vay nợ nước ngoài trong tổng kinh phí.

Nhưng những khác biệt khác còn quan trọng hơn.

Thứ nhất, trước khi xây dựng Shinkansen, Nhật đã có một quá trình lâu dài về kinh nghiệm xây dựng đường sắt, và hệ thống đường sắt hiện đại đã trải ra khắp nước. Năm 1960 chiều dài đường sắt đang hoạt động đã đạt trên 20.000 km, phục vụ chuyên chở cho 12 tỉ lượt người (dân số Nhật lúc ấy là 94 triệu, trung bình mỗi người dân mỗi năm đi lại bằng đường sắt 130 lần).

Vào thời điểm đó, đường sắt cũng đã trở thành phương tiện chuyên chở hàng hóa quan trọng. Hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt tính trên đầu người vào năm 1960 đã đạt 568 tấn km (tức là tổng lượng chuyên chở bằng đường sắt lên tới 54 tỉ tấn km).

Như vậy, tại Nhật, trước khi có Shinkansen, đường sắt phổ thông đã trở thành phương tiện đi lại đại chúng, góp phần nâng cao mức sống của đại đa số dân chúng, và là phương tiện vận tải hàng hóa đáng kể trong hoạt động sản xuất và lưu thông.

Một điểm đáng nói nữa là ngay từ năm 1907, Nhật đã lập Viện nghiên cứu kỹ thuật đường sắt. Do đó, khi bắt đầu xây dựng ĐSCT Nhật đã có hơn 50 năm tích lũy tri thức, công nghệ về đường sắt và nhất là đã đào tạo nhiều chuyên gia về kỹ thuật và quản lý, vận hành phương tiện chuyên chở nầy.

Không phải tự nhiên mà Shinkansen của Nhật cho đến nay bảo đảm được sự an toàn và sự chính xác về thì giờ vận chuyển gần như tuyệt đối.

Tình hình đường sắt của ta hiện nay thì như mọi người đã biết. Vào năm 2008, Việt Nam có 86 triệu dân, khối lượng hành khách đường sắt cả năm chỉ có 11,3 triệu lượt người, khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường sắt chỉ có 4,03 tỷ tấn km.

Ai cũng thấy là cả về năng lực, về công nghệ, về vốn và về nhu cầu đi lại cho đại đa số dân chúng, trong 10 năm trước mắt cần ưu tiên xây dựng hệ thống đường sắt phổ thông, tốc độ khoảng 100 km/giờ. Ngoài việc cải tạo, nâng cấp đường sắt Thống Nhất, cần mở rộng mạng lưới đến các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến nhiều tỉnh ở miền Bắc.

Ngoài ra cần xây dựng mạng lưới đường xe hơi nối các tỉnh huyện ở miền sâu, miền xa đến các đô thị và các nhà ga của đường sắt, tạo điều kiện cho nông thôn phát triển, cải thiện hẳn cuộc sống của nông dân.

Tại nhiều vùng quê, học sinh hằng ngày phải vất vả qua đò hoặc phải vượt qua mấy chiếc cầu đơn sơ đầy nguy hiểm để đến trường, thỉnh thoảng xảy ra những tai nạn thương tâm.

Hàng ngày, trẻ nhỏ, người lớn đôi bờ dòng Pôkô ở huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) đang phải mạo hiểm với tính mạng của mình để vượt qua dòng sông dữ. Ảnh: P.V. VnExpress

Được biết, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức từ thiện quốc tế đã giúp xây cầu cho nhiều địa phương để giúp cải thiện tình trạng nầy. Nhưng những sự giúp đỡ đó chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Thiết nghĩ nhà nước cần đặt ưu tiên hàng đầu cho hệ thống giao thông đại chúng.

Thứ hai, trước khi xây dựng Shinkansen, Nhật đã có một kết cấu hạ tầng giao thông và bến cảng hiện đại, hoàn chỉnh, phục vụ hiệu quả cho phát triển công nghiệp. Ngoài phương tiện vận tải bằng đường sắt đã nói ở trên, hệ thống vận tải bằng xe hơi cũng được tích cực xây dựng, vào năm 1960, hàng hóa chuyên chở bằng xe hơi tính trên đầu người đã đạt 220 tấn km.

Kobe, Yokohama 50 năm trước đã là những thương cảng lớn và hiện đại bậc nhất thế giới, phục vụ đắc lực cho việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng công nghiệp của Nhật. Năm 1960 sản lượng thép đã vượt 2 triệu tấn, cùng năm xe hơi sản xuất cũng đạt 2 triệu chiếc. Nhiều hàng công nghiệp khác cũng tăng mạnh mẽ. Nhờ kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, kinh tế Nhật sau năm 1960 bước vào giai đoạn mà nhiều nhà phân tích gọi là thời đại phát triển thần kỳ.

Còn ở nước ta hiện nay, sự yếu kém về hạ tầng giao thông, vận chuyển đang là trở ngại cho con đường phát triển sắp tới. Điều nầy phản ảnh rõ trong kết quả các cuộc điều tra đối với doanh nghiệp đa quốc gia của Nhật về môi trường đầu tư ở Việt Nam và trong các số liệu về phí tổn vận chuyển so với các nước chung quanh.

Điều tra mới nhất (tháng 8 năm ngoái) cho thấy 3 lãnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản mong Việt Nam cải thiện để họ có thể đầu tư nhiều hơn vào sản xuất công nghiệp, góp phần tăng sức cạnh tranh quốc tế của hàng Việt Nam. Đó là đường sá, điện lực và cảng biển.

Theo thống kê tôi thu thập trong chuyến thăm tỉnh Quảng Đông vừa qua, chi phí vận chuyển một container hàng hóa có dung lượng 40 feet từ Quảng Châu đi Los Angeles chỉ tốn 1.700 USD và đi Yokohama chỉ tốn 570 USD trong khi từ Hà Nội/ Hải Phòng sang Los Angeles tốn tới 2.873 USD, và đi sang Yokohama tốn 1.100 USD. Ngoài ra tình trạng bị cắt điện tại các nhà máy, việc tắc nghẽn giao thông giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp đang gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu ta không ưu tiên đầu tư hạ tầng nhằm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì sau khi Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN Trung Quốc được thực thi hoàn toàn, hàng công nghiệp của Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường Việt Nam hơn nữa.

Năm 2009, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã gấp hơn 3 lần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu, nông sản và nhập khẩu hàng công nghiệp. Chính phủ và Quốc Hội cần phải nhận thức được nguy cơ nầy để có chính sách, quyết định đúng đắn trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư về hạ tầng.

Thứ ba, nhìn rộng ra các mặt khác ta thấy 50 năm trước, trước khi xây dựng đường sắt cao tốc, Nhật đã đầu tư thích đáng cho giáo dục, nghiên cứu khoa học, y tế, v.v...

Lấy ví dụ trong lãnh vực giáo dục, đào tạo. Vào năm 1960, ở đại học công lập, trung bình một giáo viên chỉ dạy 6 sinh viên. Giáo sư, phó giáo sư đều có phòng nghiên cứu riêng. Ở đại học tư, trung bình mỗi giáo viên dạy 20 sinh viên, giáo sư cũng có phòng nghiên cứu riêng, phó giáo sư trở xuống thì hai người một phòng.

Cũng vào thời đó, học phí ở đại học công chỉ có 10.000 yen/năm, chỉ bằng 6% thu nhập đầu người. Học phí đại học tư trung bình là 30.000 yen/năm, chỉ bằng một tháng thu nhập của một gia đình giới lao động.

Đáng chú ý là học phí ở các trường tư (kể từ tiểu học đến đại học) chỉ trang trải độ 50% tổng chi phí của các trường. Nghĩa là học sinh, sinh viên ở các trường tư được hưởng dịch vụ giáo dục gấp đôi tiền đóng góp của họ. Ngân sách của các trường tư được nhà nước hỗ trợ và được các doanh nghiệp thành công đóng góp (tặng không) để phục vụ giáo dục.

Giáo dục ở nước ta hiện nay thì mọi người đã biết. Học phí quá cao so với thu nhập của phụ huynh và còn phải phụ đảm nhiều chi phí khác. Học phí ở đại học công hiện nay là 2,4 triệu/năm, khoảng 12% thu nhập đầu người, học phí ở đại học tư trung bình 7 triệu/năm, xấp xỉ 30% thu nhập đầu người.

So với Nhật Bản 50 năm trước, đây là những con số quá lớn. Và khác với Nhật trước đây, sinh viên tại hầu hết các đại học tư của Việt Nam ngày nay chỉ được hưởng dịch vụ giáo dục ít hơn nhiều so với học phí.

Ngoài ra, điều kiện học tập của sinh viên, điều kiện làm việc của giáo sư, giáo viên của ta hiện nay mọi người đã biết và đã phản ảnh nhiều trên báo chí. Gần đây báo chí nói đến hiện tượng tị nạn giáo dục. Những người có tiền đều tìm cách cho con em ra nước ngoài học. Vậy tuyệt đại đa số người dân sẽ phải đối diện với một tình trạng giáo dục như thế nào? Đây là một trong những vấn đề bức thiết đáng cho Chính phủ và Quốc Hội quan tâm nhiều hơn.

Ai đã đi tàu Shinkansen ở Nhật hoặc TGV ở Pháp chắc cũng mơ một ngày nào đó Việt Nam ta cũng có đường tàu hiện đại như vậy.

Nhưng không phải giấc mơ nào cũng được nhiều người chia xẻ. Đối với cấp lãnh đạo chính trị, giấc mơ của đại đa số dân chúng mới là quan trọng.

Có thể 15 hoặc 20 năm nữa, tùy theo thành quả phát triển trong giai đoạn tới, đại đa số dân chúng Việt Nam sẽ mơ ước đi trên đường sắt cao tốc.

Nhưng bây giờ, theo tôi, đại đa số dân chúng Việt Nam mơ ước làm sao để đến khoảng năm 2020 đất nước sẽ không còn ai phải đi lao động nước ngoài vì trong nước không tìm được việc làm, sẽ không còn một phụ nữ nông thôn nào muốn có chồng nước ngoài vì lý do kinh tế, không còn một gia đình nào phải lo lắng trang trải các khoản chi phí cho giáo dục của con em mình

source

TiVi TuanSan

Sunday 13 June 2010

Tàu nước ngoài tông chìm tàu cá Việt Nam


Cập nhật: 03:17 GMT - chủ nhật, 13 tháng 6, 2010


Các ngư dân vừa được cứu sống (ảnh của báo Thanh Niên)

Toàn bộ số 18 ngư dân đều từ đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi với 18 người trên khoang bị tàu nước ngoài tông chìm trên đường từ Trường Sa trở về.

Được biết đây là tàu số hiệu QNg-96193, chủ tàu là ông Võ Xuân Tiền, ngụ tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.

Báo trong nước cho hay tàu đi đánh bắt hải sâm tại khu vực quần đảo Trường Sa, trên đường trở về thì bị một tàu lớn của nước ngoài húc chìm tại vùng biển Bình Định, cách Quy Nhơn chừng 30 hải lý.

Sự việc xảy ra vào đêm, rạng sáng thứ Bảy 12/06, khi các thuyền viên còn đang ngủ. Do vậy, họ không xác định được quốc tịch của tàu nước ngoài.

Tàu này sau đó đã biến mất, để lại 18 ngư dân Việt Nam bám vào ván bè và tấm xốp. Họ được một tàu cá của Bình Định vớt được sau bảy tiếng đồng hồ trôi nổi trên biển.

Một ngư phủ bị thương gẫy tay. Toàn bộ số hải sản bắt được cùng chiếc tàu cá, tổng trị giá trên một tỷ rưỡi đồng, đã chìm xuống biển.

Không rõ cơ quan chức năng của Việt Nam có tiến hành điều tra vụ này hay không.

Mới đây, hải quân Việt Nam đã hứa hẹn sẽ tăng cường bảo vệ ngư dân hoạt động "trong vùng biển của Việt Nam".

Phó Đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến nói Việt Nam khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi cho dù Trung Quốc đang thực hiện lệnh cấm đánh bắt hàng năm ở Biển Đông.

Ông Hiến nói hải quân đang tuần tra trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam rất quyết liệt.

Ông phó đô đốc cũng cho hay đang có các nỗ lực xua đuổi tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển Việt Nam.

source

BBC Vietnamese

Thursday 3 June 2010

Bí mật chung quanh hồ sơ "Nixon-Thiệu"



GS Nguyễn Tiến Hưng ra mắt cuốn " Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" tại California

Tác giả cuốn sách mới về "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" nói với BBC rằng một trong những hồ sơ quan trọng liên quan cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa được giải mật.

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Bộ Trưởng Kế Hoạch của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhắc đến cái gọi là hồ sơ "Nixon-Thiệu" chứa các tài liệu và thư từ giữa Tòa Bạch Ốc và Dinh Độc Lập từ năm 1971.

Ông Hưng, người được chỉ định đi cầu viện vào giờ chót, nói rằng vào ngày 23 tháng Ba năm 1975, nói ông Thiệu có cho ông xem hồ sơ này trong đó có hai bức thư của TT Nixon mà ông đã yêu cầu TT Thiệu gởi cho người kế nhiệm của TT Nixon là TT Ford qua trung gian của Tướng Frederick Weyand, cựu Tư Lệnh Quân Đội Mỹ, lúc đó là Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ.

Trong cuốn sách "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu" mới được xuất bản, GS Hưng nói "Điểm trớ trêu là thư của TT Nixon mà TT Ford không biết gì."

Vào ngày 5 tháng Tư năm 1975, đích thân Tướng Weyand đã đưa cho TT Ford xem hai bức thư đó chỉ 5 phút trước khi TS Kissinger đến cùng họp. Ngày 30 tháng Tư, TS Hưng tiết lộ hai thư này trong một cuộc họp báo tại Khách sạn Mayflower ở Washington để đặt trách nhiệm bội ước và yêu cầu Hoa Kỳ đền bù lại bằng cách cứu vớt và cho định cư một triệu người Việt Nam.

Sau đó Quốc Hội Mỹ, theo GS Hưng, đã phản ứng "tại sao Hành Pháp Mỹ không cho Lập Pháp biết hồ sơ Nixon-Thiệu," đặc biệt là các nghị sĩ chủ trương cắt viện trợ cho VNCH như Henry Jackson, Frank Church, Ted Kennedy, Mike Mansfield...

Ngay chủ tịch của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ lúc đó là ông John Sparkman đã viết thư yêu cầu TT Ford cho xem hồ sơ "Nixon - Thiệu" nhưng TT Ford viện dẫn quyền đặc biệt của người đứng đầu hành pháp, đã từ chối. Rồi từ đó chính phủ Mỹ "đã ém nhẹm" toàn bộ hồ sơ này.

Năm 1978, ông Ronald Nesson, tùy viên báo chí của TT Ford, có viết một cuốn hồi ký trong đó ông tiết lộ rằng ông được lệnh cấp trên đi tìm hồ sơ "Nixon-Thiệu" trong Tòa Bạch Ốc, và tìm được vỏn vẹn chỉ có "bảy cái thư ".

GS Nguyễn Tiến Hưng nói có tổng cộng 27 văn thư trong hồ sơ này, nhiều hơn số thư mà ông Ronald Nesson đã tiết lộ trong cuốn hồi ký.

Theo GS Nguyễn Tiến Hưng, hầu như tất cả các hồ sơ về cuộc chiến Việt Nam nay đã được giải mật, trừ hồ sơ "Nixon-Thiệu" mà cho tới hôm nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Tại sao ông Thiệu không lên tiếng?

Tác giả Nguyễn Tiến Hưng không tin rằng người Mỹ đã bảo cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không được nói gì về liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa từ khi gia đình ông dọn sang Mỹ năm 1985 tới khi ông từ trần năm 2001. Là một người tâm sự thân tín của ông Thiệu trên bước đường sống lưu vong, GS Hưng nói rằng " tôi không tin là khi dọn sang Mỹ, ông Thiệu đã bị áp lực nào bắt phải yên lặng vì đó là thời của tổng Thống Reagan và ông Reagan rất ưu ái Tổng Thống Thiệu. Có lẽ vì phần nào của sự ưu ái đó mà ông Thiệu dọn nhà sang Hoa Kỳ sống."

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

Ông Thiệu đã tâm sự với ông Hưng rằng "khi vừa đến Đài Loan vào ngày 25 tháng Tư năm 1975, phái đoàn tùy tùng đã bị nhân viên Mỹ khám xét hết hành lý và tịch thu hết giấy tờ vì họ chỉ sợ hồ sơ Thiệu-Nixon lọt ra ngoài".

Ông Hưng thuật tiếp lời ông Thiệu: "Còn chuyện cái cặp bị đánh cắp nữa, vì họ tưởng rằng hồ sơ để trong đó, chứ không phải là để lục xét tiền."

Tuy nhiên, ông Hưng nói: "Phía ông Kissinger và đảng Cộng Hòa muốn giấu hồ sơ đó đi, cho nên có thể họ đã yêu cầu TT Thiệu giữ im lặng."

Theo GS Hưng, ông Thiệu không muốn viết hồi ký vì "sau khi tôi làm lãnh đạo của miền nam gần 10 năm, tôi biết quá nhiều chuyện, và khi tôi nói cái hay thì tôi cũng phải nói cái dở nữa."

Ông Thiệu được cho là đã nói: "Người Mỹ đã phản bội mình rồi, cho nên mình cũng không nên vạch áo cho người xem lưng, và tôi chẳng cần để ý tới dư luận Mỹ nữa." Theo giáo sư Hưng đó là lý do chính tại sao ông Thiệu không muốn viết hồi ký.

Trước đây khi được GS Hưng yêu cầu nói rõ về vụ 16 tấn vàng, ông Thiệu nói: "Tôi đã làm hết sức mình rồi cho nên dù có nói ra, thì người đời sẽ nói rằng tôi cố tình chạy tội mà thôi."

Tăng quân là để rút lui?

GS Nguyễn Tiến Hưng cho biết trong những lần đàm luận tại Luân Đôn, ông Nguyễn Văn Thiệu đã cho rằng Tổng Thống Mỹ Johnson, một người được cho là lập trường diều hâu, "đem quân vào Việt Nam là để thương lượng ở thế mạnh."

Vào đầu năm 1964, khi ông Johnson lên thay cho TT Kennedy bị ám sát, chính phủ Mỹ đã cho bộ trưởng McNamara sang Việt Nam hứa đủ điều, rồi đề nghị 12 biện pháp rất mạnh trong đó, yêu cầu chính phủ Việt Nam đặt Miền Nam vào thế chiến tranh bằng một lệnh tổng động viên để "mưu cầu một nước Việt Nam không cộng sản".

Sau đó, Mỹ tăng quân viện cho miền Nam Việt Nam và đồng thời mở ra các chiến dịch như là Mũi Tên Lên vào tháng Tám cùng năm, rồi đến chiến dịch Phi Tiêu Lửa oanh tạc miền Bắc rất dữ dội.

Đến tháng Ba năm 1965, quân đội Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng và bước tháng Tư, Tổng Thống Johnson tuyên bố sẽ ở lại miền Nam "bao nhiêu lâu còn cần thiết, với bất cứ sức mạnh nào còn cần thiết, với bất cứ nguy hiểm nào, phí tổn nào" như Tổng Thống Kennedy đã nói "We shall bear any burden" khi nhậm chức.

Tháng Sáu năm 1965, TT Johnson đã gởi vị tướng kinh nghiệm nhất của quân đội Mỹ là tướng Westmoreland đến Việt Nam để chỉ huy quân đội và một tháng sau, đã bổ nhiệm một vị tướng khác là Maxwell Taylor làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ông Thiệu lên làm Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia vào tháng Sáu năm 1965.

Theo GS Hưng, ông Thiệu và các tướng lãnh đều thấy rằng Mỹ quyết chiến và quyết thắng tại miền nam Việt Nam.

Nhưng chẳng mấy chốc sau đó, Bộ Trưởng McNamara lại rỉ tai ông Thiệu và nói là phải tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội cho sớm để còn điều đình với Mặt Trận giải Phóng Miền Nam.

Mãi sau này với thời gian, ông Thiệu mới chiêm nghiệm câu "đem quân vào để điều đình ở thế mạnh," và "đem quân vào là để rút quân đi."

Không kết quả

Trong số này, có bức thư của TT Johnson gởi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày Tám tháng Hai năm 1967 trong đó, Hoa Kỳ mong muốn đi đến một giải pháp hòa bình, nhưng không hiểu vì một lý do nào đó, các nỗ lực mưu tìm hòa bình không đi đến một kết quả nào.

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

Một tuần lễ sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại một bức thư nói rằng "nếu như Ngài muốn đàm phán trực tiếp với nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì phía Hoa Kỳ phải ngưng ngay các vụ oanh tạc vô điều kiện".

Hai bức thư này được lưu lại trong hồ sơ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam gồm tổng cộng 12 tập, cho thấy phía Hoa Kỳ từ năm 1965 đã 26 lần tìm cách bắt liên lạc với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa qua nhiều ngả khác nhau để điều đình hòa bình.

Nay với thời gian, GS Hưng nói rằng có thể là vì một "vấn đề nhận thức" gây ra bởi các "tín hiệu trái ngược nhau" mà 26 lần tìm cách bắt liên lạc này, không đi đến một kết quả nào. Thí dụ như cũng có thể là Mỹ đề nghị điều đình ngày hôm trước thì hôm sau lại oanh kích Bắc Việt còn mạnh hơn hôm trước.

Theo GS, có thể vì các tín hiệu trái ngược nhau mà cuộc chiến cứ leo thang.

Cuộc chiến 'ủy nhiệm'

Trước khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Nixon đã từng nói cuộc chiến tại Việt Nam không phải là cuộc chiến giữa hai miền nam bắc Việt Nam, hay là giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam, mà thực sự ra là một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo GS Hưng thì TS Kissinger và TT Nixon cho rằng tất cả những sự thành công của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã giúp cho chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

GS Hưng nói rằng theo như sự suy nghĩ của hai người này thì "cũng vì sự cứng rắn của Hoa Kỳ - mang nửa triệu quân tới Việt Nam rồi xúc tiến chương trình Việt Nam hóa cuộc chiến - mà đã thuyết phục Trung Quốc mở cửa bang giao với Hoa Kỳ."

source

BBC Vietnamese