Thursday 20 August 2009

Những hình ảnh của Việt-Nam vào những năm 1884-1885 (Bác Sĩ Hocquard)




Năm 1884, Ông Charles-Edouard Hocquard theo đoàn lính viễn chinh Pháp tới xâm chiếm Việt Nam với tính cách là bác sĩ quân y, nhưng ông cũng là một nhà nhiếp ảnh viên đại tài.


Những tấm hình nầy có một giá trị lịch sử rất lớn. Ðây là lúc mà Pháp sắp sửa chiếm hết Việt Nam và đây cũng là những hình ảnh duy nhất còn sót lại mà chúng ta thấy được những thành trì khi xưa.


Sau khi chiếm thành Hà-Nội lần thứ hai vào năm 1882 (Tổng Ðốc Hoàng Diệu tự tử với thành), quân Pháp tiến về biên gìới phía Bắc vì lúc bấy giờ triều đình Huế đã âm thầm yêu cầu Giặc Cờ Ðen (và sau đó là quân đội Trung Quốc) giúp Việt Nam đánh Pháp. Lúc bấy gìờ Trung Quốc vẫn coi Việt Nam như là “thuộc quốc” của mình nên được dịp họ tràn qua chiếm nhiều tỉnh phía Bắc vùng biên giới.


Ðể phản công, Pháp tung hải quân đánh chiếm được những đảo Pescadores và Formose (Taiwan) của Trung Quốc nhưng Pháp không đủ quân để đánh với một nước 400 triệu dân nên tìm cách giảng hoà trong hiệp ước ký tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 trong đó Trung Quốc chấp nhận là không còn coi Việt Nam là “thuộc quốc” của mình nữa và hứa là sẽ tôn trọng lãnh thổ Việt Nam mà các đường biên giới sẽ được 2 nước (Pháp & Trung quốc) xác định sau. Lúc đó coi như Pháp đã hoàn toàn thôn tính nước ta.


Ngày 5 tháng 7 năm 1885, Vua Hàm Nghi kêu gọi toàn dân nổi dậy chống Pháp, phong trào Cần Vương ra đời.


Lúc nầy thì Ông Bác Sĩ Hocquard trở về Pháp để nhường chổ cho… ông Bác Sĩ Neis, đại diện cho bộ ngoại giao Pháp tới Việt Nam để tham dự trong phái đoàn vẽ đường biên giới với Trung Quốc. Ông Bác Sĩ Neis cũng có viết hồi ký kể lại chuyến công tác nầy mà các bạn có thể đọc ở một cái site bằng tiếng Pháp mà tôi để địa chỉ ở trong trang web liên mạng. Ðây cũng là một biến cố quan trọng cho lịch sử Việt Nam vì đây là lần đầu tiên mà Việt Nam (do Pháp đại diện) đã ký kết với Trung Quốc trên giấy trắng mực đen về những đường ranh giới (trước đó chỉ là sự thỏa thuận ngầm).


Những tấm hình của Ông Bác Sĩ Hocquard được xuất bản bởi Trung Tâm Tồn Trữ Dữ Liệu Thuộc Ðịa ở Aix-en-Provence.

1- Thành Bắc-Ninh (1884):

BacNinh_le_lendemain_de_sa_chute.jpg

Bắc-Ninh ngày hôm sau, sau khi thất thủ (13-03-1884)

porte_dela_citadelle_BacNinh.jpg

Cửa thành Bắc-Ninh mà quân đội Pháp đã tràn vào

tour_central_de_la_citadelle_BacNinh.jpg

Kho gạo và chòi canh của thành Bắc-Ninh

2- Thành Sơn-Tây (1884):

porte_Est_citadelle_SonTay.jpg

Cửa Ðông của thành Sơn-Tây

pagode_PhuNi_pres_de_SonTay.jpg

Chùa Phu-Ni gần Sơn-Tây

petite_pagode_pres_SonTay.jpg

Một chùa nhỏ gần Sơn-Tây

3- Thành Nam-Ðịnh (1884):

porte_dela_citadelle_NamDinh.jpg

Cổng thành Nam-Ðịnh

pagode_royale_citadelle_NamDinh.jpg

Ðền thờ chánh của thành Nam-Ðịnh

4- Quân đội Pháp (1884-1885):

cannoniere_Le-Yatagan.jpg

Tàu chiến Le Yatagan trên sông Hồng

le_general_Briere_de_Lisle.jpg

Toàn bộ tổng tham mưu của tướng Brière de Lisle

tirailleurs_tonkinois.jpg

Lính Tập ở miền Bắc

5- Hà Nội (1884-1885):

pagode_royale_citadelle_de_HaNoi.jpg

Ðiện Kính-Thiên bị lính Pháp biến thành đồn trấn thủ

casernes_tirailleurs_tonkinois.jpg

Trại lính tập bên bờ hồ Hoàn Kiếm

Hanoi_pagode_des_supplicies1.jpg

Chùa Báo ân

la_mission_catholique_a_Hanoi.jpg

Một nhà dòng Thiên Chúa Giáo ở Hà Nội

6- Con người (1884-1885):

congai_Hanoi.jpg

Con gái Hà Nội

jeune_femme_Saigon.jpg

Người đàn bà trẻ Sàigòn

mandarin_annamite1.jpg

Một viên quan

tirailleurs_tonkinois_Linh_Tap.jpg

Lính tập miền Bắc (Linh thú)

lettres_et_interpretes_Residence_Hanoi.jpg

Trí thức và thông dịch viên làm việc cho quan Khâm sứ Hà Nội

TongDoc_de_Hanoi_et_sa_suite.jpg

Quan Tổng-Ðốc Hà Nội và đoàn tùy tùng

7- Cuộc sống hằng ngày (1884-1885):

fondeurs_de_barre_argent.jpg

Thợ đúc bạc

metier_tisser_le_coton.jpg

Dệt tầm

metiers_devider_la_soie..jpg

Kéo sợi

danseuses_annamites.jpg

Vũ công

types_de_coolies.jpg

Dân khuân vác

8- Dân tộc thiểu số:

Ethnies_femmes_2.jpg

Phụ nữ người Thượng

Ethnies_delegation_a_Saigon.jpg

Gần Sàigon, người Thượng đón chờ một tướng người Pháp

DaLat_jeunes_filles_jour_de_fete..jpg

Đà-Lạt, một ngày lễ hội

Chapa_famile_Meo_blanc.jpg

ChaPa, một gia đình người Mèo Trắng

CaoBang_femmes_Nongs.jpg

Cao-Bằng, phụ nữ Nongs

9- Lễ đăng quang của vua Bảo Ðại:

Les_Mandarins_se_prosternent_3.jpg

Bá quan phủ phục

Le_roi_Bao_Dai_et_son_cortege_2.jpg

Vua Bảo Ðại và đoàn hộ giá

Gouverneur_General_et_Resident_Superieur_1.jpg

Chánh quyền bảo hộ Pháp ra về

10- Lễ táng của vua Khải Ðịnh:

Arrivee_de_MM_le_Gouverneur_General_le_Resident_Superieur.jpg

Toàn quyền Pháp đến dự lễ

http://nguyentl..free.fr/autrefois/funerailles-kd/Grands_personnages_assistant_a_la_levee_du_corps.jpg

Lễ động quan với sự hiện diện của những nhân vật quan trọng

Prince_Bao_Dai_en_costume_de_deuil_devant_le_corbillard.jpg

Vua Bảo-Ðại mặc tang phục đứng kế bên quan tài

Elephants_precedant_le_cortege.jpg

Ðàn voi đi mở đường

------------------------------------------

source

BBC Vietnamese

Saturday 15 August 2009

Nam Phương Hoàng Hậu


Nam Phương Hoàng Hậu Apr/12/06


Nam Phương Hoàng Hậu (1914 - 1963), vợ vua Bảo Đại, là hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.

Tiểu sử

Xuất thân

Nam Phương Hoàng Hậu, khuê danh Nguyễn Hữu Thị Lan, là người theo Thiên Chúa giáo, mang tên Marie Thérèse (một số tài liệu còn ghi tên khác là Jeanne Mariette). Bà sinh ngày 4 tháng 12, 1914 tại Gò Công, Tiền Giang. Xuất thân trong một gia đình giàu có bậc nhất miền Nam khi đó, bà là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ. Lê Phát Đạt là người bỏ tiền xây dựng Nhà Thờ ở đường Bùi Chu cũ, hiện nay là nhà thờ nhà Huyện Sỹ, đường Tôn Thất Tùng, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc tình với Bảo Đại

Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Lan, khi đó 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Tháng 9 năm 1932, sau khi thi đậu Tú tài, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi cùng chuyến tàu đó nhưng hai người không gặp nhau

Gần một năm sau đó, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương và viên Đốc lý[2] thành phố sắp đặt, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại đã gặp nhau.

Về cuộc tình duyên đó, Bảo Đại có viết trong cuốn Con rồng Việt Nam: "Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng[3] đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam".

Hoàng hậu Nam Phương cũng nhắc lại: "Hôm đó ông Darle, Đốc Lý thành phố Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phát An tôi [4] và tôi đến dự dạ tiệc ở Hôtel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà Vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài thôi. Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi ông vừa nói: "Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được". Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:

-Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse. (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse)

Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc Quân Vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng Đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.

Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà Vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo đúng cung cách lễ nghi Âu tây đối với Ngài".

Bảo Đại say mê Nguyễn Hữu Thị Lan, ông viết lại: Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê. Và khi Bảo Đại hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan ra điều kiện:

  1. Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng Hậu Chánh Cung ngay ngày cưới.
  2. Được giữ nguyên đạo Công Giáo, và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo luật công giáo và giữ đạo.
  3. Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
  4. Phải được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.

Nguyễn Hữu Thị Lan là người nổi tiếng xinh đẹp, từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương, nhưng bà mang quốc tịch Pháp và theo Thiên Chúa giáo. Vì vậy cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan gặp phải nhiều rất phản đối. Trước Hoàng Tộc, Bảo Đại đã nói: "Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và Triều đình."

Nam Phương Hoàng hậu

Nam Phương Hoàng hậu và Bảo Đại

(hình trái) Nam Phương Hoàng hậu và Bảo Đại

Hôn lễ được tổ chức ngày 20 tháng 3 1934 Huế. Khi đó Bảo Đại đúng 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong Hoàng Hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Hoàng Hậu tước vị Nam Phương Hoàng Hậu. Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các vợ vua triều Nguyễn. Vì mười hai đời vua Nguyễn trước, các bà vợ vua chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.

Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương như sau: "Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng Đế".

Sau lễ cưới, vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành. Điện này xây cất từ thời vua Khải Định nhưng được sửa chữa và tân trang các tiện nghi Tây phương vào đầu triều vua Bảo Đại.

Đêm ngày 4 tháng 1 năm 1936, người dân Huế nghe những tiếng súng bắn mừng báo tin Nam Phương đã hạ sanh, và lờ mờ sáng lại một lần nữa 7 tiếng súng thần công làm lay động cả Hoàng Thành. Dân chúng biết đó là Hoàng Nam vì là 7 tiếng súng, còn nếu là công chúa thì sẽ là 9 tiếng súng. Đó là Thái Tử Bảo Long. Hoàng hậu Nam Phương cùng Bảo Đại có tất cả năm người con.

Khi đó công việc hàng ngày của hoàng hậu Nam Phương là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa. Thỉnh thoảng bà phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ lạt trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên cung và Hoàng thái hậu Từ Cung, tức mẹ vua Bảo Đại. Hoàng hậu Nam Phương còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Hàng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi tổ chức tại trung tâm Accueil gần nhà dòng Cứu Thế. Theo lời nữ sĩ Đạm Phương thì có lần Hoàng hậu Nam Phương bảo bà làm đơn xin phép Bộ Giáo Dục đem môn nữ công gia chánh vào học đường.

Hoàng hậu Nam Phương cũng xuất hiện thường xuyên bên cạnh Bảo Đại trong các nghi lễ ngoại giao như đón tiếp Thống chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc Vương Soupha Vangvong Lào hoặc Quốc vương Sihanouk của Cao Miên... Lần vua Bảo Đại tự mình lái xe hơi đi thăm Nam Vang cũng có mặt Hoàng hậu tháp tùng. Là người công giáo, hoàng hậu Nam Phương đã đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên Chúa ở Việt Nam với Hoàng tộc nhà Nguyễn, vốn trước đó có những quan hệ căng thẳng kéo dài.

Bà cũng là người thiết tha với đất nước. Theo tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949: Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã từ chức, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:

"Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động nầy của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.

Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi"

Hoàng hậu Nam Phương cũng là người tiêu biểu trong các bà mệnh phụ nhiệt tình với “Tuần lễ Vàng” do Việt Minh phát động tại Huế. Hôm ấy, ngày 17 tháng 9 1945, bà là người đầu tiên đến bên một cái bàn trải khăn đỏ rồi từ từ cởi hết số vàng, vòng đang trang sức trên người. Sau đó bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 25 tháng 8, Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh điện cho Bảo Đại yêu cầu ông ban dụ thoái vị. Ngày 30 tháng 8 1945, Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn, Huế, trao quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu. Tháng 9 năm 1945, ông ra nhận chức "Cố vấn tối cao" trong chính phủ. Ngày 16 tháng 3 1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm viếng Trung Hoa, nhưng không trở về nước. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế. Hoàng hậu Nam Phương cùng các con sang Pháp.


Lưu vong

Nam Phương Hoàng hậu rời Việt Nam năm 1947. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin nước Pháp. Ngôi nhà của bà có rừng bao quanh, gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách... Bảo Đại có đến thăm bà vài lần. Tháng 1 năm 1962, công chúa Phương Liên thành hôn với một người Pháp, Bernard Soulain. Bảo Đại cũng đến dự và đám cưới đó là một sự kiện của vùng.

Ngôi mộ Nam Phương ở Chabrignac

(hình trái) Ngôi mộ Nam Phương ở Chabrignac

Bà mất ngày 16 tháng 9 năm 1963. Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung. Khi đó các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp.

Đám tang của bà được tổ chức một cách đơn giản và lặng lẽ. Ngày tang lễ, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có hai Quận trưởng của Brive la Gaillarde Chabrignac. Trong suốt thời gian tang lễ Cựu hoàng Bảo Đại cũng không có mặt.

Hoàng Hậu Nam Phương được chôn cất tại nghĩa địa Chabrignac. Ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp:

Bia chữ Hán:

ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ
(Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam)

Bia chữ Pháp:

ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN
(Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu Việt Nam nhũ danh Marie Thérèse NGUYỄN HỮU Thị Lan)

-----------------------------------------------------------------------------------

SOURCE

Vien Xu On Line

Cụ Phan Thanh Giản


Thượng Thư Phan Thanh Giản Apr/06/06

Sau ngày 1-6-1862, năm Tự Đức thứ 14, hai vị chánh phó sứ bước xuống tàu Duperré bắt đầu thương nghị với Bonard và Palanca. Thông dịch viên không phải là Trương Vĩnh Ký, cũng không phải là Nguyễn Trường Tộ, mà là Aubaret, một sĩ quan hải quân yêu chuộng văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, tìm tòi học hỏi nhiều về ngôn ngữ Việt Nam. Cuộc hoà đàm mà Bonard đã chuẩn bị thật ra là một tối hậu thư. Bonard đọc cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nghe từng khoản trong tối hậu thư ấy. Phan Thanh Giản tìm cách hoà hoãn :"Thưa ngài Phó Đô-đốc, 12 khoản hoà ước này thật hệ trọng đến quốc gia Đại Việt của chúng tôi. Nếu chúng tôi tự ý quyết định mà không một lời tâu đức vua của chúng tôi, thì chúng tôi không sao tránh khỏi sự quở trách, và hoà ước dẫu có được ký mà nhà vua không phê chuẩn thì làm sao thi hành được."

Bonard trả lời :"Nếu các vị không thể quyết định ngày hôm nay thì chúng tôi coi cuộc hoà đàm này là không thành, cuộc chiến sẽ tiếp theo."

Suy đi tính lại, Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ ngày 5-6-1862 đã ký hoà ước với mười hai khoản. Dưới đây là những khoản chính :

* Sự tự do theo đạo Thiên Chúa sẽ được ban hành trên toàn cõi nước Nam.

* Ba tỉnh miền Đông : Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Sơn được nhượng cho Pháp. Nước Nam không được ngăn trở tàu buôn Pháp mượn đường sang buôn bán với Cao Miên.

* Mở ba cửa khẩu, trong ấy có Đà Nẵng, cho tàu buôn Pháp và Tây Ban Nha đến buôn bán.

* Nước Nam không được nhượng đất cho cường quốc nào khác.

* Đền chiến phí, 4 triệu đồng tiền bạc Mễ Tây Cơ cho Pháp và Tây Ban Nha.

* Người Pháp bằng lòng trả lại tỉnh Vĩnh Long cho xứ Nam, không tham dự vào việc riêng của xứ này. Triều đình Huế phải gọi ngay các quan mà triều đình đã phái đi từ trước hay trong thời kỳ chiến tranh để điều khiển các cuộc hành binh trả thù, hiện đang lẩn trốn ở các huyện bị chiếm đóng. Phải theo đúng điều kiện này Pháp mới trả lại Vĩnh Long.

Sứ bộ lai triều, Tự Đức xem qua hoà ước nổi giận :"Hai ngươi không những là tội nhân của triều đình, mà còn là tội nhân của muôn đời hậu thế. Tội các ngươi đáng phạt nặng, nhưng nghĩ việc thương nghị ta coi như chưa thành, nay ta chỉ dụ cho Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp làm tuần-vũ Thuận Khánh, để giao tiếp với người Pháp, tìm cách uốn nắn những lầm lỗi trong hoà ước mà các ngươi đã phạm phải."

Điều mà Phan Thanh Giản mong muốn bây giờ là làm sao Bonard trả lại Vĩnh Long cho triều đình. Bonard cảnh cáo triều đình phải thi hành đúng các khoản hoà ước vừa ký, không được để Trương Công Định, thiên hộ Dương, Nguyễn Trung Trực quấy rối. Phan Thanh Giản viết thư cho Trương Công Định :"Hiện nay, triều đình đã ký hoà ước, hai bên tiếng súng đã ngừng, hạ lệnh bãi binh sao dám trái ? Vẫn biết hai chữ trung hiếu tốt đẹp vô cùng, nhưng cái đẹp ấy phải có giới hạn, đạo thần dân, không nên vượt quá cái giới hạn đó. Ví như con rắn mà vẽ thêm chân thì đâu phải là con rắn ? Vậy thì các ông không nên vượt quá giới hạn. Ví bằng các ông vượt quá giới hạn mà khôi phục được dư đồ Định Biên thì việc làm của các ông quả là vĩ đại. Nhưng khốn nỗi, đại binh nay đã triệt hồi, các chưởng binh trước kia, thủ hiểm tại các rừng núi, nay cũng tản mác đi các nơi, chỉ còn vỏn vẹn một số ít nghĩa quân đem ra chiến đấu, chắc gì đã giữ được phần thắng ? Còn để cố thủ, chắc gì đã thủ được lâu ? Các ông miễn cưỡng làm gì ..."

Nhưng thư gửi đi Trương Công Định trả lại, ba lần gửi, ba lần trả. Phan Thanh Giản thương Trương Công Định là người yêu nước, có chí can trường, định về triều tâu vua ra chiếu chỉ dụ Trương Công Định về giúp vua, nhưng Bonard đã bao vây Gò Công. Trương Công Định bị một thủ hạ làm phản, đưa quân Pháp đến tận sào huyệt. Trương Công Định bị thương, dùng ngay lưỡi gươm của mình kết thúc cuộc đời mình. Ấy là ngày 19-8-1864.

Tự Đức còn đang ấm ức vì đã mất ba tỉnh miền Đông, năm 1863 cử sứ bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản sang Pháp xin chuộc. Phái đoàn sáu mươi ba ngườI cùng vàng bạc châu báu, các đồ thượng tiến, như kiệu lớn sơn son thếp vàng và bốn cái tán làm tặng phẩm cho Hoàng Đế Napoléon Đệ Tam cùng Nữ Hoàng Eugénie. Một sự ra đi tốn kém mà phần thắng lợi chưa sao nhìn thấy rõ. Phan Thanh Giản trước khi lên đường có hỏi ý kiến Nguyễn Trường Tộ. Tộ thưa :"Cái điều mà triều đình cho là phúc, sẽ là hoạ đấy. Hôm nay triều đình cắn răng lấy tiền muôn, bạc vạn ra chuộc lại ba tỉnh, thì ngày mai họ kiếm cớ lấy lại." Phan Thanh Giản tiếc không gặp Trương Vĩnh Ký trước khi xuống tàu. Trương Vĩnh Ký là thông ngôn cho phái đoàn Pháp. Suốt cuộc hành trình, Trương Vĩng Ký rất thận trọng trong mọi giao tiếp. Thông dịch viên của sứ bộ Việt Nam là Nguyễn Văn Trường chết trên đường đi, chôn ở Aden.

Những ngày chờ đợi hoàng đế Napoléon Đệ Tam nghỉ mát trở về là những ngày đoàn sứ bộ Việt Nam sung sướng nhất, bởi được tới tận các nhà máy đúc tàu bè, súng ống đạn dược và các dụng cụ thông thường mà lạ lùng.

Tại điện Tuleries ngày 5-11-1863, Phan Thanh Giản đã yết kiến Napoléon Đệ Tam, dâng thư của vua Tự Đức và bầy tỏ nỗi mong ước được chuộc lại ba tỉnh đã mất. Hoàng đế Pháp có vẻ ưng thuận, giao cho bộ ngoại giao trực tiếp đàm đạo với sứ thần Việt Nam. Tổng-trưởng Achille Fould nói :"Hiện nay ngân sách chúng tôi thâm thủng đến 972 triệu quan. Chúng tôi không muốn chi tiêu nhiều cho cuộc viễn chinh. Các ngài yên tâm, Hoàng đế chúng tôi đã ra lệnh cho chúng tôi nghiên cứu một hoà ước mới, trả đất đai lại cho các ngài để lấy tiền cân đối ngân sách chính phủ." Một hoà ước mới được thảo ra, trao cho sứ bộ Việt Nam trước khi lên đường về. Aubaret và Trương Vĩnh Ký dịch ra Hán văn. Pháp đình cho biết hai nước sẽ thương thuyết tại Huế.

Trở về kinh đô, sứ bộ được triều đình tiếp đón trọng thể ở điện Thái Hoà. Sau khi nghe báo cáo, nhà vua coi như Phan Thanh Giản đã gỡ cho mình mối nhục nghìn vạn năm. Tự Đức vui vẻ phong ông làm thượng thư bộ lại như cũ. Phan Thanh Giản lại tâu thêm :"Sự giầu có, mạnh mẽ và các việc khôn khéo của nước Pháp nói không hết." Đúng là : Bá ban xảo kế, tề thiên địa. Duy hữu tử sanh, tạo hoá quyền. (Trăm nghề khéo léo bằng trời đất. Duy việc sống chết, để quyền cho tạo hoá).

Phan Thanh Giản thừa dịp ấy tâu xin vua nên canh tân đất nước, gửi sinh viên ra ngoại quốc học, mở rộng giao thương, và không ngăn cản việc truyền đạo. Tự Đức không trả lời. Bọn nịnh thần to nhỏ chê bai Phan Thanh Giản mới đi nửa năm mà đã thần phục người Pháp sát đất, còn nói gì đến việc chống lại họ để giữ nước. Ra về ông buột miệng than :

Từ ngày đi sứ tới Tây Kinh,
Thấy việc Âu Châu phải giật mình.
Kêu rú đồng ban, mau tỉnh dậy,
Hết lòng năn nỉ, chẳng ai tin.

Aubaret mở cuộc thương thuyết cùng Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vỵnh về một hoà ước mới từ ngày 16-6-1864 đến ngày 15-7-1864. Hai bên đã thoả thuận ký hiệp ước trước khi chia tay :

1. Hoàng đế Pháp chịu trả lại cho Hoàng đế Đại Nam quyền cai trị ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà và Mỹ Tho.

2. Việt Nam nhường đứt cho Pháp các nơi dưới đây :

. Thành phố Sài Gòn Chợ Lớn,
. Đồn Thủ Đầu Một,
. Đồn Mỹ Tho,
. Dòng sông nhà giây thép,
. Bãi Gánh Rái (Vũng Tàu),
. Sông Sài Gòn,
. Núi Nùa (Bà Riạ),
. Đảo Côn Sơn.

3. Mỗi năm Việt Nam phải trả cho Pháp hai triệu quan trong 40 năm liên tiếp, hoặc bằng tiền hoặc bằng sản vật có giá tương đương.

Vua Tự Đức hài lòng.

Trong lúc ấy, Chasseloup Laubat thượng thư bộ hải quân kiêm bộ thuộc địa Pháp, nhìn thấy một đồng bằng phì nhiêu mênh mông từ bốn tỉnh Nam Kỳ qua Cao Mên, cùng với con sông Cửu Long nối qua lục địa sang Trung Hoa, tơ lụa phong phú và được ưa chuộng. Chasseloup Laubat dâng sớ tâu rõ mọi việc lợi hại và xin Hoàng Đế vì quyền lợi của Đại Pháp mà từ chối việc trả đất cho triều đình Huế. Napoléon III là người không quyết định, hay thay đổi, người nào nói chuyện với ông ấy lần chót là người ấy có lý. Dẫu đang thiếu hụt ngân sách trầm trọng và một cuộc chiến tranh Pháp Đức có cơ bùng nổ một ngày gần đây, Napoléon III quyết theo lời cầu khẩn của Chasseloup Laubat.

Tháng 2-1865, năm Tự Đức thứ 16, Aubaret trở ra Huế báo với Tự Đức rằng Hoàng Đế Pháp nghĩ lại, xin vua Đại Nam cứ y nguyên hoà ước Nhâm Tuất thi hành. Tự Đức lặng người. Nhà vua không ngờ người Tây dương tráo trở như thế. Liền lúc ấy, triều đình nhận được một tin khẩn cấp của Tổng-đóc Vĩnh Long Trương Văn Uyển về ý đồ người Tây dương trước ba tỉnh miền Tây. Cả đình thần nhốn nháo.

Tự Đức hỏi :"Chiến thì chiến cách nào đây ? Chiến mà thắng nổi, con dân ta đâu sợ hao xương tổn máu ? Còn hoà ? Hoà trong thế bại, chúng ép ta trăm bề. Người cẩn trọng như Phan Thanh Giản, còn để họ lừa mà không biết."

Quần thần đề nghị vua cử Phan Thanh Giản vào kinh lý trong Nam. Tự Đức nhìn Phan Thanh Giản phán :"Trẫm phong khanh làm hiệp biện đại học sĩ, hộ bộ thượng thư, sung kinh lược sứ, ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Từ nay trẫm tha tội cách lưu."

Đầu năm Tự Đức thứ 16 (1866), Phan Thanh Giản đến soái phủ Sài Gòn. Trong cuộc gặp gỡ này, ông khẳng định tôn trọng hoà ước mà hai bên đã phê, và mong đợi Pháp giữ uy tín một nước lớn. Giám đốc bản sứ vụ Pháp ở Sài Gòn là Vial nhún vai :"Nước Pháp là một nước văn minh, biết tôn trọng những gì mình đã ký. Quân tử nhất ngôn, Khổng Tử đã dạy như thế (Vial đã từng ở Trung Quốc, đã từng nghiên cứu Khổng Tử). Chỉ tiếc triều đình các ông không biết mình chơi với ai, nên giấy chưa ráo mực, các ông đã ngầm xúi dân phiến loạn chống chúng tôi." Phan Thanh Giản bác luận điệu của Vial :"Mong ông hiểu cho thiện ý của triều đình chúng tôi, nước nào mà chẳng có kẻ phiến loạn." Vial nói :"Nhưng ít nhất các ông phải ra tay cùng chúng tôi để chứng tỏ sự trung trực thi hành hoà ước." Phan Thanh Giản điềm tĩnh trả lời :"Mong ông hiểu cho chúng tôi, đất thuộc ai thì người ấy giữ. Chúng tôi phải lo các vùng đất của chúng tôi."

Tháng Mười năm ấy, Vial cùng cố Trường (Legrand de la Liraye) ra Huế gặp triều đình xin mua ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Tự Đức nổi giận :"Người Tây dương thật ngang ngược. Ta có phải là ông vua bán nước đâu mà họ đòi mua !" Nói vậy nhưng Tự Đức hạ lệnh cho Phạm Phú Thứ và Phan Huy Vịnh đến sứ quán Pháp điều đình. Vial mỉm cười nói :"Vì muốn giữ mối giao hoà hai nước và vì tôn trọng hoà ước nên Đại Pháp mới xin được mua. Còn nếu các ngài không chịu bán, e những người ứng mộ gia tăng rồi lại gây ra việc binh đao."

Trong lúc ấy, tân thống-đốc miền Nam La Grandière, một tay thực dân lão luyện gặp Phan Thanh Giản ở Sài Gòn để thông báo quyết nghị của chính phủ Pháp sẽ chiếm ba tỉnh miền Tây. Vẫn với giọng điềm tĩnh vốn có, Phan Thanh Giản nói: "Nước Đại Pháp và Đại Việt đã được cải thiện tốt trong giao hảo. Trước sau tôi vẫn mong cái sự giao hảo kia ngày càng tốt hơn. Sự bất hoà chưa bao giờ đem lại điều gì tốt đẹp mà ngược lại chỉ tốn xương máu hai dân tộc." La Grandière mỉm cười thân thiện :"Tôi trọng thái độ điềm tĩnh và khôn ngoan của ngài. Nhưng rất tiếc, triều đình các ông đối xử với chúng tôi không như lời ông nói, và gần đây lại từ chối lời đề nghị cho chúng tôi mua ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Vì vậy một quyết định khác được thay thế, chỉ mong ông đừng chống cự. Ngài nói đúng đấy. Cuộc giao tranh nào không đổ xương máu và xương máu ai lại không làm đau lòng cả ngài lẫn tôi."

Phan Thanh Giản thấy mệt mỏi và chán nản, làm đơn xin vua cho ông được nghỉ ngơi tuổi già. Tự Đức trách :"Khanh chưa làm xong sứ mạng ta giao, khanh nghĩ sao ? Sao lại xin về ?"

Phan Thanh Giản cùng Tổng-đóc Trương Văn Uyển đi thị sát ba tỉnh miền Tây, tới đâu ông cũng thấy dân tình đau khổ rách rưới. Binh lính ngao ngán lo sợ. Từ Hà Tiên ông đi thẳng về Mỹ Tho gặp Trung-tá Ansart đại diện cho đô đốc Lagrandière, tại sân sau một ngôi đình. Phan Thanh Giản hỏi ngay :"Tại sao các ông muốn chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ ? Các quan triều đình không cố gắng thoả mãn mọi yêu sách của quan Thống-đốc sao ?" Ansat nghĩ ngợi một lúc xong đáp :"Nếu chính phủ Pháp muốn chiếm ba tỉnh miền Tây thì không phải chỉ để mở rộng thêm lãnh thổ, nhưng vì một nhu yếu chính trị, mà chắc ông hiểu hơn cả tôi ... Tốt nhứt ngài nên nhượng ba tỉnh miền Tây cho chúng tôi, đó là điều đảm bảo cho lòng thành thật và ngay thẳng của triều đình các ngài."

Phan Thanh Giản viết sớ tâu về triều, cuộc gặp gỡ với Ansart đại diện cho Lagrandière ở Mỹ Tho, và báo động khẩn mật tình hình ba tỉnh miền Tây, nhưng chẳng hiểu sao triều đình không trả lời. Vial công khai chia ba tỉnh miền Tây đang thuộc quyền triều đình Việt Nam thành tám vùng, mỗi vùng có thanh-tra-toà. Mới đây, tám thanh-tra-toà đã nhận được thư của quản-đốc nội vụ Vial, thông tin về việc chiếm ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên của Việt Nam :"Thống đốc quyết định chiếm ba tỉnh trên để chấm dứt loạn lạc ở biên giới ba tỉnh miền Đông của chúng ta bởi những toán binh phiến loạn và giặc cướp mà chính quyền Việt Nam bất lực không thể ngăn chặn, mặc dầu có sự thỉnh cầu không ngớt của chúng ta."

Ngày 17-6-1867, tàu binh Pháp đến cửa thành Vĩnh Long. Legrand de la Liraye (cố Trường) thông ngôn cho Pháp trao thư của Lagrandière cho Phan Thanh Giản, đại ý trong thư nói thẳng rằng người Pháp cần chiếm ba tỉnh miền Tây vì triều đình Việt Nam dung dưỡng bọn phiến loạn chống lại họ, và phạm hoà ước Nhâm Tuất. Phan Thanh Giản vừa đọc xong tối hậu thư thì Legrand de la Liraye nói :"Ngài Đô Đốc muốn mời ngài xuống du thuyền L'Oudine để thương nghị."

Lagrandière đón Phan Thanh Giản và Võ Doãn Thanh ở cửa du thuyền, mời vào phòng họp và nói :"Chúng tôi yêu cầu ngài giao toàn thành Vĩnh Long cho chúng tôi. Chúng tôi bảo đảm với ngài sẻ không có một sự báo thù nào xẩy ra và trật tự sẽ được giữ nguyên như dưới sự cai trị của các ngài."

Giữ giọng trầm tĩnh, Phan Thanh Giản trả lời :"Là thần dân nước Việt Nam, tôi chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất." Lagrandière đáp :"Ngài nói đúng, nhưng đây là lệnh. Trong quân binh, đã là lệnh thì buộc phải thi hành." Phan Thanh Giản không nói thêm một lời nào nữa, ông lặng lẽ lên bờ. Lagrandière cùng quân binh của y cặp sát cạnh Phan Thanh Giản, tràn luôn vào thành Vĩnh Long.

Vào thành, Phan Thanh Giản ngồi cạnh Trương Văn Uyển và Võ Doãn Thanh, im lặng, trầm tĩnh. Đối diện ông là Lagrandière. Phan Thanh Giản nhìn y hỏi :"Các ông còn muốn gì nữa ở tôi ?" Lagrandière điềm nhiên :"Tôi muốn không có súng nổ và máu chảy, vì vậy tôi mong ngài viết thư riêng cho Tổng-đốc An Giang và Hà Tiên không nên chống cự chúng tôi."

Phan Thanh Giản đáp :"Ngài để cho tôi về nhà suy nghĩ kỹ càng." Lagrandière :"Tôi sẽ cho ngườI theo bảo vệ ngài. Ngài thông cảm : lúc này đang loạn lạc."

Trở về căn nhà lá đơn sơ ở ngoại thành Vĩnh Long, có hai tên lính Pháp theo giữ, ông viết thư gửi cho Tổng-đốc An Giang và Hà Tiên :

"Hỡi các quan và dân chúng,

"Quốc gia của Hoàng Đế ta, có từ thời xưa. Sự trung thành với Tiên Vương là trọn vẹn và luôn luôn hăng hái. Chúng ta không thể nào quên ơn Hoàng Đế và Tiên Vương của chúng ta.

"Bây giờ đây người Phú-lang-sa đến xứ ta với nhiều súng ống bắn mạnh, gieo rắc sự vẩn đục trong dân chúng ta. Chúng ta yếu ớt không thắng nổi người Phú-lang-sa. Tướng soái, lính tráng của ta đều bị họ đánh bại. Mỗi lần đánh nhau là mỗi lần đem lại đau khổ cho dân chúng ta.

"Bản chức van vái trời, bản chức nghe theo lẽ phải và tự nhủ : bây giờ thế họ như dòng thác, ta chặn chỗ này nước chảy chỗ khác. Thế nước thế này, dẫu cố gắng giữ chẳng khác gì mình lại kéo về mình một cách vô ích những tai hoạ để tai hoạ ấy đè lên đầu dân mà trời đã trao cho mình chăn dắt.

"Bản chức buộc phải lựa theo thế trời mà đứt ruột gan giao ba tỉnh miền Đông cho họ, ngõ hầu mưu sự yên hoà cho dân chúng. Nay người Phú-lang-sa lại lấy cớ nghĩa quân ta nổi lên chống họ để buộc ta giao ba tỉnh miền Tây cho họ. Ta đã nói với họ rằng ta chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất. Nhưng nếu bản chức tuỳ theo Thiên Ý mà tránh đỡ giùm dân khi họ đem tai hoạ gieo lên đầu dân mình, như vậy bản chức trở thành phản thần đối với Hoàng Đế của ta vì bản chức giao ba tỉnh của Hoàng Đế cho người Phú-lang-sa mà không chống cự. Bản chức đáng tội chết !

"Hỡi các quan và lê dân ! Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú-lang-sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống."

Đưa thư cho Lagrandière xong, ông dặn Trương Văn Uyển :"Trước sau ta vẵn tôn trọng hoà ước năm Nhâm Tuất. Quan lấy tiền lúa trong kho nộp tiền bồi thường cho họ, để nói với họ rằng chính họ vi ước chứ không phải chúng ta." Rồi bằng một giọng nhỏ hơn như thì thào, ông tiếp :"Hãy lợi dụng lúc này đưa người mình về đất triều đình (ý nói Phan Thiết). Ngay cả quan nữa, cũng mau chân lên. Đất mất thì còn tìm cớ lấy lại được. Người mất thì mãi mãi muôn đời." Đoạn ông xếp triều phục, ấn triện, 23 đạo bằng sắc, cho người mang về triều dâng vua Tự Đức, kèm theo một lá sớ :

"... Gặp thời bĩ, việc dữ khởi lên trong cõi, khỉ xấu xuất hiện biên thùy. Việc Nam Kỳ đến thế này không thể ngăn nổi. Nghĩ tôi đáng chết, không dám cẩu thả sống để nhục đến quân phụ. Hoàng thượng rộng xét cổ kim, hiểu rõ trị loạn, có người hiền giúp đỡ, kính phép trời, thương người cùng khổ, lo trước tính sau, thay dây đổi bánh, thế lực còn có thể làm được. Thần đến lúc tắc nghỉ, nghẹn ngào, không biết nói gì, chỉ gạt nước mắt tỏ lòng quyến luyến trông mong khôn xiết."

Phan Thanh Giản gọi các con lại trăn trối :"Khi ta thác rồi, đem linh cữu của ta về chôn tại làng Bảo Thạnh, bên phần mộ tổ tiên. Còn tấm triện nên bỏ, nếu không hãy đề : Quan tài của một thư sinh già họ Phan gốc ở miền bể Đại Nam. Bia mộ cũng như thế." Đoạn ông cầm bút viết : Minh sinh thỉnh tỉnh, nhược vô ưng thư :"Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu, diệt dĩ thử chi mộ."

Rồi ông mặc áo rộng, bịt khăn đen, bắt đầu tuyệt thực. Lagrandière sai bộ hạ đem đồ ăn thức uống, loại quí, hiếm, thuyết phục ông dùng. Ông bảo họ mang về. Sau mười lăm ngày nhịn ăn không chết, ông bèn uống thuốc phiện với dấm thanh. Ngày 4-8-1867 ông từ trần. Lagrandière không bỏ dịp lợi dụng cái chết của ông. Trong lúc hàng vạn người dân Vĩnh Long đổ ra bờ sông cúi đầu tiễn đưa ông về Gãnh Mù U, cái làng Bảo Thạnh khô cằn, nơi ông ra đời, thì Lagrandière tổ chức đám quốc táng long trọng, để tỏ rằng chính phủ Pháp vẫn kính trọng và mến tiếc Phan Thanh Giản.

Trích chiếu chỉ của vua Tự Đức ngày 21-10-1867 :

"Phan Thanh Giản thủy chung lời nói không xứng với việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch xuống biển Đông, thật là táng tận lương tâm.

" ... đi sứ không có công, giữ chức kinh lược để mất ba tỉnh, hai tội đều nặng. Mặc dầu đã lấy cái chết tự phạt nhưng cũng không đủ đền bù cho trách nhiệm. Vậy cho truy đoạt chức tước phẩm hàm, đục bia tiến sĩ."

Hao mươi năm sau, vua Đồng Khánh cho Phan Thanh Giản phục chức hàm là Hiệp Tá Đại Học Sĩ.

Trích điếu văn của Phạm Phú Thứ :

"Một thân thờ ba triều, làm quan hơn bốn mươi năm, già hơn bảy mươi tuổi, rất từng trải kinh nghiệm, được tôn trọng và tin cậy trong triều cũng như trong nhân dân. Học rộng phẩm cách tuyệt vời, dù hoàn cảnh trái ngược đến bao nhiêu, ngài cũng không bao giờ là người hại nước. Dù hoàn cảnh ngang trái thế nào, ngài vẫn giữ trọn tấm lòng cao thượng.
"Những bọn hèn đứng thấp chẳng thấy gì, la hét nhảy nhót như mê như say, nào có biết đâu tình thế nước nhà.
"Tiếc cho ý chí của ngài không được thưc hiện."

Thơ điếu của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên :

Non nước tan tành hệ bởi đâu ?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu.
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.
Ải Bắc ngày trông tin điệp vắng,
Thành Nam đêm lắng tiếng quyên sầu.
Minh sinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thâu.

Một cái chết tương tợ mà ít người biết là cái chết của Lâm Duy Hiệp, phó sứ của Phan Thanh Giản. Thấy mình có tội vì không làm bổn phận triều đình giao cho, Lâm Duy Hiệp khi bịnh không ăn, không chịu thuốc thang mà đợi cái chết (15-11-1863).

Hai cái chết, hai con người, hai nhân cách đáng trọng, nhưng lịch sử, người đời sau sẽ đối xử như thế nào ?

Khó mà lường được.

B_T

Sau khi Phan Thanh Giản tự sát, chiến tranh Pháp Việt tiếp diễn.

Thất trận với Phổ năm 1872, chính phủ Pháp muốn gỡ lại bằng cách tăng thêm thuộc địa. Người biện hộ hăng hái nhất cho thuyết này là Jules FERRY, thủ thướng Pháp (1880-1881) và (1883-1885).

Chiếm xong miền Nam, Pháp thôn tính miền Bắc Việt Nam. Chiến cuộc rất mãnh liệt, tàn khốc, nhưng cuối cùng Pháp thắng.

Sau khi vua Tự Đức thăng hà (1883), Pháp tấn công Kinh thành Huế và buộc các phụ chánh nhận chế độ bảo hộ.

Hoà ước Fournier chưa ráo mực thì hoà ước Patenôtre 1884, bắt chính phủ Việt Nam công nhận nền bảo hộ của Pháp ở Trung và Bắc bộ.

Vua Hàm Nghi lên ngôi lúc mười bốn tuổi, bỏ kinh thành theo Kháng chiến, bị bắt đầy đi Algérie.

Pauk BERT thân tín của Jules FERRY thành lập Liên Bang Đông Dương năm 1887. Ngoài Nam Kỳ thuộc địa, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên bảo hộ, có thêm từ năm 1888 quốc gia Lào.

Nếu vị toàn quyền đầu tiên Jean Marie de LANESSAN (1891-1894) nhiệt tâm bảo vệ cho dân tộc bị đô hộ, yêu cầu chính phủ Pháp thi hành đúng theo tinh thần của hiệp ước Pháp -Việc năm 1884 để cho dân Việt Nam được độc lập về chính trị, cai trị, và xã hội, thì Toàn Quyền Paul Doumer (1897-1902) biến Đông-Dương thành một thuộc địa do chính quyền trung ương trực tiếp điều khiển. Trong những vùng bảo hộ, người Pháp được quyền sở hữu y như trong những vùng thuộc địa. Thuế điền thổ mỗi năm mỗi tăng. Thuế mới mọc lên như nấm : thuế muối, thuế rượu, thuế chợ, thuế rừng. Người cùng đinh càng thêm khổ.

Về mặt chính trị, chính quyền thực dân đã tỏ ra chuyên chế, bạo ngược.

Năm 1907, họ truất phế vua Thành Thái, cáo gian nhà vua loạn trí, và đưa người con là hoàng tử Duy Tân mới tám tuổi lên ngôi. Dân chúng Việt Nam rất công phẫn, cho đó là một xúc phạm nặng nề.

Vài biện pháp khoan hồng và một ít sửa đổi để chinh phục nhân tâm lúc nước Pháp động viên tài lực trong trận Đại Chiến thứ nhất, không ngăn được vua Duy Tân chống lại (1916). Chính quyền Pháp truất phế nhà vua và đày đi đảo Réunion cùng với vua cha Thành Thái. Nhưng giới trí thức Việt Nam, ưu tú, năng động nhất, yêu sách nhất trong bán đảo, đặt nhiều hy vọng. Những hy vọng ấy được vua Khải Định phát biểu trong cuộc du hành tại Pháp năm 1922. Ảo vọng biến thành thất vọng.

Các nhóm cấp tiến nhất của giới trí thức quay sang chủ nghĩa quốc gia dân tộc, háo hức và bạo động. Các nhóm cách mạng nổi lên bạo động. Thực dân đàn áp mãnh liệt.

Vua Bảo Đại trưởng thành ở Pháp do phụ chánh Charles trông nom, về nước cũng không cải cách được gì.

Trận Đại Chiến thế giới thứ hai chưa kết liễu, thì ngày 9-3-1945 Nhật đảo chánh Pháp. Tháng 10-1945, tướng Leclerc và Đô-đốc D'Argenlieu cầm đầu đoàn quân viễn chinh Pháp đổ bộ lên Sài Gòn.

Chiến tranh ác liệt lại tiếp diễn trong chín năm trời và kết thúc tại Điện Biên Phủ năm 1954. Hàng vạn thanh niên Pháp bị hy sinh, vì chính phủ Pháp hủy bỏ hoà ước do PHAN THANH GIẢN và Aubaret ký ngày 15-7-1864.

Bên lề việc tự sát của Phan Thanh Giản

I. Ba cách xuất xứ của kẻ sĩ

Phan Thanh Giản có hai người bạn học thân từ thuở thiếu thời, nhưng mỗi người chọn một đường đi khác nhau.

1) Lê Bích Ngô có tài đức, nhưng tìm chốn vắng vẻ ẩn thân, không để lộ tung tích.

Khi Phan Thanh Giản ra kinh nhậm chức, Lê Bích Ngô tiễn bạn có tặng mười bài thơ liên hoàn tứ tuyệt, viết trên lụa :"Dương Liểu Từ". Đi đến đâu Phan Thanh Giản cũng mang theo và luôn luôn treo ở chỗ quan trọng nhất trong thư trai.

Chúng tôi xin trích bài thứ nhất :

Tà ý đông phong bạn tịch dương,
Thanh thanh thanh ánh nhập tư đường.
Đa tình bất dữ hành nhân thuyết
Bạn trước lư oanh thuyết đoản trường.

Mộng Tuyết dịch :

Phe phẩy đông phong dưới ánh chiều,
Bờ ao cành biếc bóng xiêu xiêu.
Nặng tình không gửi người qua lại,
Thủ thỉ con oanh nói ít nhiều.

2) Phan Dĩ Thử học giỏi mà không chịu đi thi, ở nhà cầy ruộng. Mỗi lần vào kinh lược miền Nam, Phan Thanh Giản đều ghé thăm bạn để tâm sự. Trong lúc gây cấn, ba người con trai của ông Phan Dĩ Thử đã hy sinh cho đại cuộc. Người con trưởng theo Nguyễn Tri Phương chết tại đồn Kỳ Hoà, hai em theo theo Quản Định chết ở Cần Giuộc Gò Công.

Khi Phan Thanh Giản tuyệt thực, thân nhân cản không được, có mời Phan Dĩ Thử ra, nhưng cũng không thuyết phục được, mà lại thấu nỗi lòng bạn nên khi về đến nhà, ông bưng chén dấm pha nha phiến ngửa cổ uống một hơi. Trước khi lià cõi đời, ông kêu đám cháu nội ngoại lại trăn trối :"Suốt đời ông thanh bần, nhưng không làm được gì cho dân cho nước. Nay ông thấy mình già sức kiệt, có sống cũng không làm nổi điều chi có ích. Vả lại ông cũng như bạn ông là Phan đại nhân, không bao giờ muốn nhìn lá cờ ba sắc phấp phới bay trên nơi ông đang sống."

II. Đừng lạy mà nhục quốc thể

Trước khi sứ bộ lên đường, vua Tự Đức căn dặn :"Quốc thư phải đưa đến nơi, đừng để các quan đượng sự ngăn đón, đừng chuyên tin lời người thông ngôn. Sứ thần là người thay mặt vua đừng lạy mà nhục quốc thể." So sánh với phái bộ Xiêm khi vào chầu Hoà,g Đế Napoléon III và Nữ-hoàng Eugénie quì mọp sát đất, thì chúng ta nhận thấy vua Tự Đức quả là một vị anh quân.

III. Cái khăn gói của cụ Phan Thanh Giản là lá cờ Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp (Chuyện vui lịch sử của Diệu Huyền, trích trong Phổ Thông)

Năm 1863, Hoàng Đế Đại Nam là vua Tự Đức có gửi một phái đoàn qua Pháp để điều đình với Hoàng Đế Pháp là Napoléon III về việc xin chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ vừa bị Pháp chiếm đóng và cai trị. Phái đoàn gồm có một vị Sứ-thần là Phan Thanh Giản, hai vị phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản cùng các tùy tùng : hai y-sĩ thuốc Nam trong số đó có Phan Thanh Liêm là con Phan Thanh Giản, hai người thông ngôn và mấy người hộ vệ do Lương Doãn, đội trưởng, chỉ huy.

Ngày 18 tháng 8, vào giờ Thân (3 giờ chiều), chiếc tàu thủy Européen chở phái đoàn từ Sài Gòn qua, vừa cặp bến Suez. Viên Đô-đốc Lagrandière, Thống-đốc Pháp ở Sài Gòn, phái một nhân viên, Thanh-tra hành chánh, đi theo phái đoàn Việt Nam để dẫn đường.

Tàu sắp cặp bến, viên này nói với Sứ-thần Việt Nam rằng theo thủ tục quốc tế, khi tàu của một vị Đại-sứ ngoại quốc đến một hải cảng nào thì hải cảng ấy sẽ bắn 19 phát súng lệnh để chào mừng, và chiếc tàu phải thượng cờ nước viên Đại-sứ lên. Vậy, ông ta nói, xin Đại-sứ Việt Nam cho thượng cờ Việt Nam lên để đáp lễ chính phủ Ai-cập khi họ bắn súng chào mừng Đại-sứ của Hoàng-đế Việt Nam.

Cụ Phan Thanh Giản liền hội nghị tất cả phái đoàn để bàn tính, vì nước Việt Nam hồi đó chưa có quốc-kỳ, trừ lá cờ đuôi nheo thêu Rồng là kỳ hiệu của Vua, phái đoàn không dám treo và không được phép treo. Lúc phái đoàn từ Huế đi ra, vua Tự Đức và cả triều đình không ai ngờ sẽ xẩy ra việc "chào cờ" ở ngoại quốc. Ba vị Sứ-thần và cả đoàn tùy tùng bối rối chưa biết làm sao, thì ông Đội-trưởng Lương Doãn mạnh bạo thưa :"Dạ, bẩm ba Cụ, nước ta không có cờ mà chuyện này gấp rút quá không có cách chi giải quyết được, vậy xin lấy tạm cái khăn gói của Cụ Sứ-thần, bằng lụa Kiều-cầu còn mới tinh, màu đỏ tươi đẹp quá, để làm cờ, rồi khi nào về nước sẽ tâu Hoàng-thượng biết." Các vị Sứ-thần bạn luận một lúc rồi đồng ý làm theo lời trình của viên Đội-trưởng, vì không còn cách nào khác nữa. Nhưng khi đem tấm khăn gói màu đỏ tươi ra cho viên tùy-tùng Pháp xem thì y bảo :"Chà ! Lá cờ này chắc không được đâu ạ, vì nó gần giống như cờ nước Ai-cập, sợ chính phủ Ai-cập hiểu lầm chăng ?"

Cụ Phan Thanh Giản liền vào bàn lại với phái đoàn. Bàn cãi một hồi lâu, ông Phạm Phú Thứ nói :"Ta hãy thêu bốn chữ nho ĐẠI NAM KHÂM SỨ ngay giữa cái khăn đỏ, thế là hết lầm với cờ Ai-cập !" Cả phái đoàn đều khen ý kiến hay và Cụ Phan Thanh Giản liền sai lính hộ vệ lấy chỉ vàng thêu gấp bốn chữ nho lên trên tấm khăn gói lụa điều.

Một giờ sau, tàu Européen vừa cặp bến Suez, chính phủ Ai-cập sai bắn 19 phát súng để nghênh chào phái đoàn Việt Nam, thì trên cột cờ tàu đã phấp phới lá cờ Đại Nam Khâm Sứ.

Sau đó mấy hôm, chính phủ Ai-cập để một toa xe lửa riêng đưa phái đoàn Việt Nam ra Port Said để đáp tàu thủy sang Toulon (Pháp), trước đầu máy xe lửa cũng cắm hai lá cờ : một lá cờ Ai-cập nền đỏ tươi, ở giữa thêu mặt trăng lưỡi liềm, và lá cờ "Đại Nam Khâm Sứ" ! Khi đáp tàu thủy sang hải cảng Pháp, cũng lá cờ ấy phấp phới trên cột cờ tàu, và hải cảng Toulon cũng bắn 19 phát súng lệnh nghênh chào ... cái khăn gói của Cụ Sứ-thần Phan Thanh Giản !

Sau khi về nước, Cụ Phan Thanh Giản tâu lại việc này cho vua Tự Đức nghe, nhà vua ngồi dựa tay lên gối, cười ha-hả

Văn Bá (Paris)

---------------------------------------

source

http://www.vienxumagazine1.com/lichsu2.htm